Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Thế Lữ: Giữa cái đẹp văn chương và thánh đường nghệ thuật

 Thế Lữ: Giữa cái đẹp văn chương
và thánh đường nghệ thuật

Có lẽ không có một gia đình nào trên thế gian có tới ba người được phong Nghệ sĩ nhân dân như gia đình Thế Lữ. Vâng! Ngoài đạo diễn – NSND Thế Lữ – người từng là thi sĩ mở màn cho phong trào Thơ Mới, một người vợ là bà Song Kim và người con trai là Nguyễn Đình Nghi cũng được xếp vào hàng những nghệ sĩ danh tiếng bậc nhất nước Việt… Cuộc đời trầm luân của ông giữa văn chương và sân khấu – thánh đường nghệ thuật cho đến bây giờ đôi khi vẫn có những bí ẩn khó cắt nghĩa…
Một cuộc đời bi tráng
Cuộc đời Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ) là một cuộc đời lắm phong trần khổ ải. Cha ông tuy là một sếp ga xe lửa tuyến Thanh Hoá – Lạng Sơn đấy, nhưng ông lại là đứa con của một cuộc tình lãng mạn của người cha với cô gái gốc thành Nam ở Hải Phòng. Bởi sự trái ngang vợ này con nọ, nên ngay từ bé, ông đã bị dứt ra khỏi vú mẹ để lên Lạng Sơn sống với bà nội, cha và u (vợ cả của cha). Mười năm nhớ thương người mẹ đẻ và cho đến mãi sau này tình thương nhớ ấy vẫn không nguôi cạn trong cậu Gầy (tên gọi Thế Lữ một cách thân thương).
Những ngày tháng buồn thương ấy đã để lại vết thương lòng quá lớn nơi tâm hồn chàng thiếu niên. Mỗi năm mấy lần mẹ lên Lạng Sơn thăm nhưng chỉ được vài bữa lại phải ra ga trở về Hải Phòng, để lại đứa con bé bỏng nước mắt giàn giụa phủ phục xuống thanh sắt lạnh đường ray xe lửa nhìn theo con tàu chở mẹ đi xa…  Mãi đến năm 11 tuổi, Thế Lữ mới được trở về với người mẹ của mình. Xứ Lạng trong ông là miền đất cho ông cái cảm giác đầu đời lãng mạn hoang dã với ấn tượng “hoa hồng ngây thơ”…
Ai hay trong cuộc đời sớm buồn thương ấy, Thế Lữ bắt đầu nuôi giấc mơ lãng mạn. Người phải lòng cái đẹp hồng trần: “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ/ Mượn cây bút nàng ly tao tôi vẽ/ Mượn cây đàn ngàn phím tôi ca…(Cây đàn muôn điệu). Vừa qua tuổi hoa niên, bỏ lại Hải Phòng, bỏ lại người mẹ nơi ấy, ông lên Hà Nội bắt đầu chuyến lãng du đi tìm cái đẹp.
Đang học Trường Mỹ thuật dở dang, người bỏ đi tìm vẻ đẹp khác nhiều hệ lụy nhưng có lẽ sẻ chia nhiều hơn, đó là văn chương. Người chính thức bước vào chốn văn chương từ khi còn tuổi thiếu niên theo mộng sông hồ: “Mũ lợt bốn phương trời sương nắng gội“. Và “Rủ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang“…
Cuộc đời đầy mặc cảm và lãng du ấy, Thế Lữ nghiêng về tư duy mĩ, duy cảm. Người đã tiếp thu ít nhiều văn hóa phương Tây để làm phương tiện chuyển tải cái đẹp trong sáng tác của mình. Thế Lữ chọn thơ trữ tình để làm cái nơi bày tỏ xúc cảm của mình trước cái đẹp thiêng lành trong chặng đầu săn đuổi cái đẹp giữa cuộc đời nhiều biến động…
“Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời thác ngàn đổ” và “Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay“… Đã có thời sau khi đọc báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về qua Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo… ông tham gia nhóm cách mạng và hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Từng cùng ông Nguyễn Văn Linh và các nhân vật tham gia nhiều hoạt động ở Hải Phòng những năm trước 1928…
Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng cho biết, năm 1930, Đảng ra đời, dù tán thành nhưng vì là người theo đạo, Thế Lữ đã không có tên trong danh sách những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chí trai người ấy từng lớn lao nhưng lãng mạn, để rồi đến lúc ông chọn cho mình lối đi vào cách mạng bằng con đường nghệ thuật như một cách cống hiến cho cuộc đời.
Ông nghiễm nhiên bước lên đài thi ca, trở thành thi sĩ tiên phong của phong trào Thơ Mới từ những năm 30 của thế kỷ trước… Hoài Thanh và Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” đã tuyên dương xứng đáng, đã đề cao Thế Lữ như một vầng sao sáng: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam… Dẫu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này… Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không xê dịch… Nhưng con người táo bạo ấy vẫn không nỡ lìa những giấc mộng nên thơ của thời trước…”.
Có lẽ không còn lời lẽ nào hay hơn để tôn vinh Thế Lữ và thơ ông với tư cách thi sĩ tiền phong của phong trào Thơ Mới. Là nhân vật thứ sáu trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhưng khi làm nghề phóng viên, Thế Lữ đã được giao phụ trách mục Thơ, rồi chọn đề xuất giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Bằng chứng là Cái giấy chứng nhận Giải thưởng văn chương ấy có chữ ký của ông… Đôi mắt tinh đời, Thế Lữ đã kịp phát hiện một Xuân Diệu sẽ là kẻ sau này là ông hoàng thơ tình Việt Nam. Phát hiện ấy khi chàng thi sĩ tóc quăn mới đôi mươi, còn bỡ ngỡ với Thơ Mới. Thế mà chính Thế Lữ đã dám tuyên bố: Chúng ta đã có một Xuân Diệu…
Rồi ai ngờ, lại chính với ấn tượng thời ấu thơ hoa hồng xứ Lạng đã đưa Thế Lữ đi tìm một vẻ đẹp mới qua văn xuôi, tiểu thuyết và ông lại vẫn là một trong những người mở đường cho tiểu thuyết trinh thám từ những tác phẩm đầu tay “Một truyện báo thù ghê gớm” và “Tiếng hú hồn của mụ Ké” qua giới thiệu của Vũ Đình Liên đã được Vũ Đình Long ngợi khen và cho in đã cổ vũ Thế Lữ bỏ ngang Trường Mỹ thuật… Những truyện ly kỳ hồi hộp nào là: “Vàng và máu”, “Bên đường Thiên Lôi”, “Gói thuốc lá”, “Gió trăng ngàn”, “Trại Bồ Tùng Linh”; và truyện lãng mạn đường rừng: “Một đêm trăng”, “Vì tình”, “Câu chuyện đường rừng”… Chỉ cần một bài thơ “Nhớ rừng”, một cuốn văn xuôi “Vàng và máu” thôi cũng đủ để tôn vinh một Thế Lữ văn chương…
Nhưng người mải mê đi tìm cái đẹp ấy đã bắt đầu thấy tù túng khi thơ và tiểu thuyết đã bắt đầu cũ nhàm, và những bài báo không đủ sức tải hồn tác giả một đời văn nghệ tang bồng. Ông đã bỏ lại sau lưng tất cả, gần như đoạn tuyệt với văn chương để bước vào kịch nghệ. Ông say sưa với loại nghệ thuật mới mẻ mang hơi hướng Tây phương.
Lại thêm một lần nữa, Thế Lữ làm kẻ khai phá cõi đẹp mênh mang chưa có bến bờ này… Thế Lữ đã mang kịch nói vào Việt Nam bằng ngôn ngữ của sân khấu Việt Nam. Các ban kịch do ông gây dựng Tinh Hoa, rồi Thế Lữ, Anh Vũ có tiếng tăm trên sân khấu Hà Nội, Hải Phòng những năm 30, 40 của thế kỷ XX…
Và một mối tình đẹp từ sân khấu thánh đường
“Người dàn cảnh” Thế Lữ như ông từng nhận, đã ký thác đời mình vào nghệ thuật sân khấu, và tại đây ông đã lãnh đủ buồn vui cả vinh quang và cay đắng đến cuối đời… Từ ban kịch Thế Lữ, mối tình với diễn viên trẻ Song Kim đã đóng đinh tình yêu của ông trên cây thập giá đời. Mối tình ấy đầu tiên do sự sắp đặt của số phận thì phải.
Số là lúc Thế Lữ và Đoàn Phú Tứ cùng làm tờ báo Tinh Hoa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một hôm nhân đi xem vở “Ghen” của Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ đã tình cờ gặp Song Kim. Nếu không có duyên phận chắc chuyện ấy rồi trôi đi như một cuộc tình cờ. Nhưng không hiểu sao, Song Kim bỗng nhận được bức thư của phu nhân nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mang từ Hải Phòng về Hà Nội.
Thư chỉ nói rằng ông đang dựng vở “Gái không chồng” của Đoàn Phú Tứ nhưng còn thiếu diễn viên và có lời mời Song Kim tham gia vai cô Mão, một trong ba nhân vật nữ trong vở. Song Kim không ngờ mình diễn vai này rất đạt và từ đó thường Thế Lữ mời vào các vai kịch trong nhiều vở khác do ông đạo diễn, từ vở “Sau cuộc khiêu vũ” đến “Ông Ký Cóp”. Lửa tình duyên cháy trong tim hai người nghệ sĩ ấy từ bao giờ không biết. Chỉ biết rằng một buổi chiều, Thế Lữ gõ cửa phòng Song Kim, trao vào tay chị một bó hoa và nói:
– Anh đến để xin em kết hợp hai cuộc đời chúng ta làm một
– Để làm gì hả anh?
– Để sẻ chia, an ủi nhau bây giờ và mai sau…
Song Kim dù đã đem lòng cảm mến nhà đạo diễn từ lâu, nhưng lúc này bỗng đỏ bừng đôi má. Chị nhận lời cầu hôn giản dị và chân thành ấy như một lẽ tự nhiên. Ban Kịch Thế Lữ ra đời sau đó nhờ sự thăng hoa của tình yêu và nỗi đam mê sân khấu của hai người. Họ hạnh phúc bên nhau trên sân khấu và cả ngoài đời. Một thời gian sau, do khó khăn không đủ tiền dựng vở nên họ đã bán lại Ban kịch cho Kiến trúc sư Vũ Đức Xiên. Thế Lữ buồn vô cùng.
Khi ban kịch thành đoàn Anh Vũ thì còn thêm cải lương ngoài kịch nói. Tình yêu sân khấu vẫn cháy trong mỗi người nghệ sĩ và họ vẫn bên nhau cùng đắm mình vào từng vai diễn đêm đêm. Không phải là diễn viên sắc nước hương trời nhưng nghệ sĩ Song Kim đã chiếm trọn hồn người nghệ sĩ đa tài như Cây đàn muôn điệu bằng sự chân thành, niềm nở.
Tuy có khiếm khuyết một chút về hình thể, nhưng Song Kim đã đóng nhiều vai chính trong nhiều vở kịch và đóng rất thành công. Cuộc tình ấy thật éo le, nhưng nếu không có một Song Kim bên cạnh thì có thể không có Ban kịch Thế Lữ. Mối tình ấy đã đi vào lịch sử nghệ thuật, tuy ít nhiều không tránh nổi dị nghị của người khó tính đương thời…
Năm 1947, hoà nhập vào cuộc sống dân tộc, cả hai người đi kháng chiến nhưng vẫn với nghề nghiệp của mình. Tại chiến khu Việt Bắc, họ phục vụ trong Đoàn Kịch Hội Văn hoá nghệ thuật, rồi chuyển qua Đoàn kịch Chiến thắng trước khi về Đoàn Văn công Trung ương vào năm 1952. Họ vẫn luôn song hành trên đường nghệ thuật, chồng làm lãnh đạo đoàn, vợ làm diễn viên…
Hòa bình trên miền Bắc 1954, về Hà Nội ở khu tập thể Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuộc sống chật vật thiếu thốn nhưng bù lại tình yêu che chở cho họ có được hạnh phúc bên nhau. Thế Lữ vào vai cụ Kế Hàm thật nhuần và Song Kim vai bà mẹ dân tộc thiểu số trong vở “Chiến thắng Nghĩa Lộ”. Trên bước đường lao động nghệ thuật, Thế Lữ luôn là người say mê một cách nghiêm túc và đầy sáng tạo.
Năm 1957, Thế Lữ được giao giữ chức Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam. Ông từng khuyên nghệ sĩ hãy coi sân khấu là Thánh đường nghệ thuật. Tình yêu của Thế Lữ – Song Kim đã chắp cánh cho hai người trên bầu trời cao rộng của sân khấu những năm đất nước yên hàn.
Đóng góp của Thế Lữ rất lớn cho sân khấu Việt mấy chục năm đầu và cả trong việc dìu dắt Song Kim và người con trai cả đời vợ trước, đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi trở thành những nghệ sĩ tiêu biểu của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX… Hai người gắn bó bên nhau trên 40 năm có lẻ. Tiếc là cuộc hôn nhân này đã không cho họ có một người con nào.
Năm 1980, vì lý do nào đấy với gia đình người vợ trước, Thế Lữ phải chuyển vào miền Nam. Tuy xa cách nhưng lần vào công tác của bà, ông vẫn đến thăm và hình như đó là lần gặp gỡ cuối cùng của một cuộc tình chung thuỷ và lãng mạn vào bậc nhất làng sân khấu Việt Nam. Ông mất 9 năm sau, năm 1989. Bà Song Kim cũng mất sau đó ít lâu. Lúc bình sinh, bà vẫn giữ như kỷ vật thiêng liêng những câu thơ ông viết tặng bà:
Yêu em từ đó ta phơi phới
Sống ở trong nguồn thú đắm say
Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa
Mỉm cười trong lúc nhắm chua cay…       
Thế Lữ đã đi qua cuộc đời này bằng tất cả nỗi đam mê cái đẹp và ông đã có những đóng góp lớn lao cho văn chương và sân khấu Việt Nam. Ngôi sao ấy đã tắt trên bầu trời nhưng tên tuổi và di sản của ông vẫn còn đó. Là những khán giả và độc giả đến sau, cho tôi thay mặt viết đôi dòng thay một nén tâm nhang thắp cho ông nhân 20 năm Thế Lữ về cõi thiên thu…
Tân Linh
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...