Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Thế Lữ - Một thời gió quyến mây bay

 Thế Lữ - Một thời gió quyến mây bay

Không phải đơn thuần mà khi tập thơ đầu tay của Nguyễn Nhược Pháp ra đời, Thế Lữ đã đón chào nồng nhiệt và ngòi bút khó tính, hay mỉa mai châm chọc (mặc dù rất có duyên) ấy đã có những động tác nghênh tiếp và những cử chỉ thân thiện quá độ.
Cả hai thi nhân đã gặp nhau ở sự trong sáng của tâm hồn và hướng tiếp cận hiện thực (đúng hơn là ở sự xa lánh, thoát ly cõi đời trần tục). Một người quay về ngày xưa (tên một tập thơ của Nguyễn Nhược Pháp) với những cảnh ngộ nghĩnh kỳ duyên, một trở lại nơi rừng rú hoang vu (pha ánh thần tiên) đặng làm đạo sĩ.
“Một thời đại ướp hương hoa trong thơ Thế Lữ” - có lẽ trong các thi gia tiền chiến, Thế Lữ là một trong những người có tiếng thơ thanh thoát (thanh thoát mà vẫn huyền bí) hơn cả. Một thứ ám ảnh và quyến rũ khác với Hàn Mặc Tử.
Tiếng thơ ông như từ đâu vọng về, ở một cõi xa xăm mà gần gặn nào. Không dưng có lúc ông ước muốn đi bên cạnh cuộc đời (nguyên văn: “Tôi muốn đi bên cạnh cuộc đời”) và nói nhiều về những tiếng diều sáo dẫn mây đi. Tiếng thơ ông đến với chúng ta nhiều khi như “tiếng sáo thiên thai” phiêu diêu trên những tầng trời: “Khi cao vút tận mây mờ” mà khi gần thì cũng “vắt vẻo bên bờ cây xanh”, cứ “mây bay… gió quyến mây bay” vậy thôi, chẳng mấy khi áp sát đời sống.
Ngay ở những vần thơ tình du dương nhất, thì việc tác giả gọi các thiếu nữ là “cô em” – theo như nhận xét của Hoài Thanh “đối với họ thi nhân chưa đủ thân mật để gọi bằng em, thi nhân chỉ dùng hai tiếng cô em, nghe lẳng lơ, mà xa vời và thiếu tình ấm áp” – cũng chính là cách tạo dựng khoảng cách giữa độc giả và tác giả, một khoảng cách cần thiết đủ để người ta phải tôn vinh và thành kính, của Thế Lữ.
Đọc thơ ông, hiếm khi nào ta thấy ông xưng “anh”, mà rặt xưng “tôi” hoặc “ta”, có lẽ nhiều nhất vẫn là xưng “ta”. Thế Lữ phần nào làm tôi liên hệ tới nhà thơ tượng trưng Nga Alếchxanđrơ Blốc (1880- 1921), kể cả sự cao đạo trong đời sống, sáng tác, lẫn vẻ “thâm nghiêm kín cổng cao tường” trong cách ăn vận.
Mở đầu chương mục về Thế Lữ, các tác giả “Thi nhân Việt Nam” viết: “Luôn trong mấy năm, mê theo thơ người này, người khác, tôi không hề ngâm thơ Thế Lữ”. Thật ra, cho đến tận giờ, thơ Thế Lữ cũng thuộc vào loại ít được người ta ngâm ngợi. Không phải thơ ông khó ngâm vì thiếu nhạc tính. Trái lại là khác, thơ ông tự thân đã là những “tiếng trúc tuyệt vời”.
Chỉ hiềm một nỗi, những tâm tình trong thơ ông ít phổ cập, ít chất chứa trong con người thời nay. Đó là thứ cửa sổ thông lên trời chứ không phải cửa ra vào thông ra đường. Nên nhớ có nhiều thi sĩ, cỡ như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… và cả duy lý như Chế Lan Viên nữa, cũng ít nhiều có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Tất nhiên không vì thế mà Thế Lữ không phải là một nhà thơ lớn (hai câu: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?” và “Anh đi đường anh, tôi đường tôi” của ông từng trở thành câu cửa miệng của một số người khi lâm vào cảnh thất cơ lỡ vận hoặc tan cửa nát nhà). Nói vậy, tôi chỉ muốn đưa ra một sự thực khách quan mà thôi.
Là nhà thơ bậc thầy, Thế Lữ rất ý thức về nghề. Ông không xem thơ chỉ giản đơn như một thứ “vú em” của tâm hồn, mà coi thơ là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, của sự sáng tạo và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của khiếu thẩm mỹ (cùng với Hoài Thanh, có thể nói Thế Lữ là người có khiếu thẩm mỹ đáng tin cậy nhất thời ấy).
Tay nghề cao cường của ông khiến ông có những “tiết chế” và bởi thế, thơ ông rất thanh lọc. Đó cũng chính là lý do trông vào di sản của ông, số lượng thơ không nhiều nhưng chất lượng thơ không chênh nhau là mấy.
Nếu như Xuân Diệu – người được coi là điệu đàng kiểu cách, “sang trọng như một ông hoàng” (chữ của Hoài Thanh) để “sáp vô” với đời, tồn tại bằng cách “hai tay chín móng bám vào đời”, đôi lúc đến ê chề, thì Thế Lữ lại có phần dè dặt.
Ông dừng lại sau khi chiếm lĩnh đỉnh cao, mặc một số người loay hoay tìm cách men về phía trước, không biết mình đang leo lên hay tụt xuống. Có người lấy làm tiếc là sau này Thế Lữ không làm thơ nữa.
Thật ra, tôi không tin Thế Lữ có thể đi xa, cũng như không tin Nguyễn Nhược Pháp, Lưu Trọng Lư có thể đi xa. Vẻ trong sáng, mộng mơ, “kiêng khem quá” vậy thật khó song hành cùng cuộc sống đang vào thời cơ khổ, đòi hỏi nhà văn phải biết dung nạp từ một hiện thực bề bộn…
Ngay trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh – Hoài Chân đã phải viết: “Tôi cứ nghĩ lòng trí tôi đã thay đổi, không sao còn có thể thích nghi với những vần thơ không cùng tôi thay đổi”. Vả chăng, chúng ta cứ thử quan sát: Phàm là những công tử, tiểu thư đài các, ăn uống nhỏ nhẻ, kiêng gió sợ nước, hơi tí là ốm… bao giờ cũng “yểu mệnh” hơn những người dầu dãi, lăn lộn với đời.
Ở đời, có người coi thơ như thể áo quần (Huy Cận có lần ví như thế), tác dụng của nó là làm đẹp, làm sang cho cơ thể, lại giúp con người bớt lạnh trước ngọn gió hư vô. Song với đường dài thời gian, càng đi xa càng lạnh, nhiều người đã bất chấp chuyện mặc sao cho đẹp, họ quấn lên mình những thứ có thể được, có thể trông nhếch nhác, tùm hum, miễn là ám quãng đời mình sống.
Riêng với Thế Lữ, ông sẵn sàng chấp nhận sự cô đơn, hòng kiên quyết giữ một vẻ đẹp thuần khiết, không pha tạp, Thế Lữ thực sự là một nhà thơ duy mỹ. Có thể nói là duy mỹ nhất trong các thi gia Việt Nam thế kỷ XX.
Phạm Khải
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...