Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Văn Cao Lá khát vọng

 Văn Cao Lá khát vọng

Lá, cho đến hôm nay, là tập thơ duy nhất của Văn Cao, xuất bản năm 1988 khi nhà thơ đã sáu mươi sáu tuổi, và đã sáng tác không ngừng nghỉ non nửa thế kỷ trong nhiều bộ môn: nhạc, hoạ, truyện và thơ.
Lá gồm có hai mươi tám bài thơ ra đời rải rác vào nhiều thời kỳ khác nhau, từ 1941 đến 1987, chủ yếu là những bài làm từ 1956 về sau, quan trọng nhất có trường ca Những người trên cửa biển. Nói là chủ yếu, vì năm bài thơ làm trước đó còn âm hưởng nhiều trường phái thi ca khác nhau trong thơ cũ. Từ 1956 những tác phẩm làm trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm đã khẳng định cá tính thơ Văn Cao, mới lạ trong cấu trúc và sâu sắc tư duy. Hai mươi tám bài thơ: con số có lẽ là một trùng hợp tình cờ; không có gì chứng tỏ Văn Cao đặt rung cảm mình vào khuôn sáo nhị thập bát tú.
Thơ Văn Cao trĩu nặng tâm sự và khát vọng thời đại, và đất nước, nhưng nhan đề sao mà nhẹ nhàng, một chữ ngắn: Lá. Phải chăng đây là nhan đề ngắn nhất trong các tập thơ Việt Nam? Ngắn nhưng không gọn, giản dị mà không giản lược, vì buộc người đọc phải suy nghĩ lao lung.
Lá là một hình tượng thiên nhiên xuất hiện từ lâu trong nghệ thuật, vì gần gũi với con người từ buổi hoang sơ. Kinh Thi đã rậm lá, lá quyền, lá hạnh; thơ cổ điển đầy những lá trúc, lá ngô. Thơ nôm Nguyễn Trãi có lá sen, lá chuối. Thơ mới rợp lá bàng, lá phượng, lá me… Nhưng vẫn là một loại lá gì đó, trong một trạng thái nào đó, khi vàng, khi đỏ, khi xanh, lúc “che ngang mặt chữ điền”, lúc “dệt áo mơ phai”. Trong tác dụng tượng trưng hàm súc nhất: một chiếc lá vàng cũng đủ báo hiệu cho “ thiên hạ cộng tri thu”, thì lá vẫn có tên, có tích, ấy là lá ngô đồng. Trái lại Lá của Văn Cao là một hiện tượng thiên nhiên đơn lẻ trần trụi: lá của Văn Cao là cuộc sống, trong khi các loại lá rải rác trong thi ca, chỉ là những âm sắc, tính cách cục bộ nào đó, phân tách ra khỏi đời sống.
Là sự sống trong hình thái đơn giản và thiết yếu, lá hô hấp khí trời và mặt nhật để chuyển động ánh sáng thành màu xanh lục diệp và chuyển màu xanh thành dưỡng khí. Là cuộc sống mà cũng là nguồn sống. Là ngoại vật, lá chuyển nhập vào nội tạng con người qua những con đường từ thô thiển đến tinh vi. Lá góp từng tế bào vào cơ thể ta rồi tiếp tục nuôi dưỡng từng tế bào bằng dưỡng khí. Lá hèn mọn, lá phôi pha, lá vô danh. Sinh âm thầm, chết lặng lẽ. Thơ Văn Cao nói về những sự thật, những ân tình và bạc bẽo ấy.
Lá là nét cân đối trong không gian dưới mắt người hoạ sĩ, lá là những nét ký hoạ mà vũ trụ đã ghi lại hằng ngày trên nhật ký của mặt đất. Trong quá trình sinh trưởng, lá từ nhựa sống vươn đến một cấu trúc cân đối (symétrie) để rồi, từ đó dần dần mất dần cân đối (asymétrie) với thời gian, trong quá trình huỷ hoại: đó cũng là định mệnh con người từ bản thể chạm vào cơn gió của lịch sử. Lá là con người đương đầu với biến cố. Riêng chiếc lá Việt Nam, thân xác mong manh vùi dập đạn bom, với bột “khai quang”, là một đau thương khác, không thể bình luận về mặt triết học, văn chương.
Claude Levi-Strauss nhà bác học đã góp phần xây dựng nền cấu trúc luận, chi phối nhiều khoa học hiện đại, có kể lại rằng: ông ý thức được rõ rệt khái niệm cấu trúc, khi một buổi sáng chủ nhật ngắm nhìn một đoá hoa bồ công anh (pissenlit, dent de lion), một loại hoa đồng cỏ nội màu vàng, thông thường nhỏ bé. Nét hài hoà của đoá hoa, trong tương quan dị đồng với những loài hoa khác, đã đưa tư duy Levi-Strauss từ cảm xúc đến suy diễn, đến nghiên cứu, và lập thuyết. Hành trình của một tư trào lớn, có lẽ cũng là hành trình của một bài thơ, một bức hoạ. Dường như Văn Cao cũng có một ý nghĩ như thế khi anh viết: “ Cũng có người thấy trời xanh vô cùng trong bát nước, và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người cần phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong hạt bụi”. Ở đây Văn Cao muốn trình bày thao tác trí thức, về khoa học cũng như về nghệ thuật, như là một sinh hoạt tổng thể, đi từ cảm giác, đến trực giác và suy diễn, lý luận, hay sáng tạo: “Chỉ riêng cái phần giác quan của nhả thơ cũng nói được cái hướng biểu hiện, hoặc thiên về tư tưởng, hoặc thiên về cảm xúc, hoặc thiên về cảm giác” (trong Một vài ý nghĩ về Thơ, Văn Nghệ, số 3-1957, Hà Nội).
Thơ Văn Cao giàu thị giác, thiên về tư tưởng, đòi hỏi cái mới, cái hiện đại. Nhưng anh cũng chấp nhận kinh nghiệm người đi trước
Nếu không có đường mòn
Ai biết mà tìm nhau
…Chỉ từ những đường mòn
Rừng mở ra vạn lối.
Văn Cao cương quyết đi tìm những lối mới, cho hình thể hội hoạ, cho ngôn ngữ thơ ca. Anh ý thức rằng dân tộc cần những con đường mòn, cần truyền thống, để tự khẳng định, để giữ gìn bản sắc, nhưng lại cần những nhảy vọt để tiến bộ, để phát huy bản sắc ấy trong một thế giới đang thay đổi. Những thể nghiệm về hội hoạ trừu tượng năm 1945, về quan điểm thơ không vần 1949, là những cố gắng làm mới nghệ thuật. Nhưng Văn Cao cũng nhận ra rằng không thể có nghệ thuật mới, nếu không có tư tưởng mới và hoàn cảnh mới. Cuộc chiến tranh chống Pháp có tác dụng đổi mới tư duy, cũng như mọi cuộc chiến tranh, nhưng nó là vệ quốc nên, trong một chừng mực nào đó, đẩy lùi tư duy dân tộc về lại quá khứ với “ nam đế cư”. Nam đế ở đây không còn là vua Lý vua Trần, nhưng là nhiều thứ vua khác, mà về sau Văn Cao sẽ ví von với “ những con rồng đất khi đỏ khi xanh”. Không những “lẫn trong hàng ngũ” mà còn len lỏi vào tư tưởng và tình cảm của mỗi người. Cái giá rất đắt của gian khổ và chiến thắng mà dân tộc ta phải trả là tinh thần bảo thủ. Tiến bộ là niềm an ủi của những dân tộc chiến bại, Nhật và Đức. Thơ không vần là tự hào của một tâm lý thất bại, Thanh Tâm Tuyền là một ví dụ. Thơ vần hay không vần, tuy chỉ là một vấn đề kỹ thuật, nhưng là một khâu có tác động trên cả guồng máy. Phải đợi sau khi hoà bình lập lại, 1956, Văn Cao mới làm thơ trở lại, không vần, thơ mới.
Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời
Như lấy bàn tay dò mạch giếng chảy.
Thơ Văn Cao là cuộc tra vấn thường xuyên cuộc sống và con người, về thân phận, về ước vọng. Đề tài thơ Văn Cao không nhiều: vài ba kỷ niệm, với dăm người bạn, vài thành phố nhưng lúc nào cũng là những câu hỏi dằn vặt. Về Bùi Xuân Phái, anh nhắc đến những bức tranh Phố Phái:
Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
để cuối cùng tự hỏi:
Đến lúc nào phố anh có người thêm ?
Với Nguyễn Tuân thân thiết, anh chỉ giữ lại cái nhìn:
Mắt anh vả mắt tôi
Một lớp tro đang ròng ròng kéo sợi
Với Nguyễn Huy Tưởng, anh nói về ám ảnh cái chết:
Bức tường lê từng bước một
Đến gần chân chúng tôi hằng ngày
… Chúng ta đều sợ một cái gì nhanh quá
Khi vĩnh biệt Nguyên Hồng:
Riêng anh niềm xúc động của tôi
… Nơi anh nơi tôi hai xóm nghèo được sống
Các cụ ngày xưa đã tiết kiệm tâm tình, mà cũng có lúc oà vỡ thành tiếng khóc, như Nguyễn Khuyên khóc Dương Khuê. Ở Văn Cao không có những nức nở đó, mà chỉ có những nhức nhối thu lại trong nội tâm, trong im lặng “Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Thơ Văn Cao, chủ yếu, là những phút im lặng giữa những khoảng tối và sáng trong ngôn ngữ.
Hà Nội vào thu, trong thơ Văn Cao không có những màu mơ sắc mộng, mà nhắc nhở những hy sinh:
Máu bao nhiêu người thấm đất
Để người ta mãi nhớ
Phố phường Hà Nội
Lúc vào thu
Hà Nội ban đêm:
Xa xa xa
Đêm động tiếng còi tàu
Hà Nội càng thêm cũ
Gió cuối năm luồn vào phố hẹp
Ruột phố Hà Nội cũ
Nhớ một cánh buồm
Cũng một u hoài, nhưng không vỗ về mà quặn thắt. Đọc Văn Cao mệt.
Khi nhìn những con người Hà Nội trên hè phố uống bia, lẽ ra anh phải cho mình cái thảnh thơi phơi phới, cái phè phỡn với đám đông, cái phút tự quên trong ầm ĩ. Thì không, mình vẫn phải chứng kiến bề trái cay đắng phi lý đằng sau bề mặt rộn rã:
Họ đến đây đông lắm
Uống rỗng những thùng bia
Uống hết một ngày đang hết
Uống hết một năm sắp hết
Còn li ếm môi
Họ thèm bia hay thèm sống
Thèm đám đông.
Những thành phố thân yêu khác cũng là những đau đớn: Huế là “ Từng m ặt gương đau / Từng mảnh gương tan”. Quy Nhơn là một dấu hỏi:
Mẹ ơi Nghĩa Bình từ đâu
phải từ máu thắm…
Không
đất này mọc lên
từ nước mắt!…
Nhưng sâu lắng nhất là hình ảnh Hải Phòng, thành phố của tuổi thơ, nơi tiếng sóng đong đưa “tiếng hát mẹ chiều ru võng”… Và Hải Phòng trong trường ca “ Những người trên Cửa Biển ” còn là hình tượng cuộc sống toàn diện, bềnh bồng trên lịch sử gian nan của một dân tộc, một đất nước:
Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại
Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi
Cái tôi ở đây của Văn Cao là con người nói chung, đặc biệt người Việt Nam:
Bao tình yêu khát khao hy vọng
Là tiếng con sông mảnh đất viên đá Hải Phòng
… Cuộc đời
Dĩ vãng
Thời gian
Bỏ neo trên mặt bến
Hải Phòng, cửa khẩu lâu đời, đã ngàn năm làm lá phổi, là đôi mắt của tổ quốc, là “cổ họng chúng ta ngày đêm rỏ máu”. Hải Phòng: phòng tuyến trên mặt biển, là một vị trí chiến đấu, từ thời bà Lê Chân, danh tướng của Hai Bà Trưng đến ba lần phá quân Hán quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, nhưng gian nan nhất là thời kỳ chống xâm lược từ phương Tây: chúng ta không thể đóng cọc chống lại những tàu chiến và những pháo đài bay hiện đại. Chiến tranh Việt Pháp nổ ra tại Hải Phòng ngày 20.11.1946, một tháng trước ngày toàn quốc kháng chiến, rồi kéo dài qua thời kỳ chống Mỹ, đến cuối 1972, một tháng trước hoà ước Paris. Văn Cao đã gợi lại “ những năm tháng Hải Phòng đầy biến động” cho đến 1956, với những chấn động xã hội và chính trị theo sau. Hình ảnh Hải Phòng dưới đôi mắt trẻ thơ thời thuộc Pháp:
Đâm lên khoảng mây giữa tỉnh
Tháp chuông nhà thờ
An ủi những người khổ sở
Chung quanh Hoả lò, trại lính
Cha tôi nghe tiếng chuông đổ đầu tiên
Giữa buổi chiều không cơm cháo
Bàn tay mẹ tôi quờ trong thạp gạo…
Thời đó thực dân mộ phu phen gửi vào miền nam hay sang Tân Đảo:
Xóm tôi càng nghèo xơ nghèo xác
Đàn gà không kiếm ăn được trên đống rác
Hàng trăm ngàn người lại theo tàu ra biển
Ai biết cao su đất đỏ là đâu
Thỉnh thoảng một xác trôi về bến…
Người chết trong giông bão, chết vì bị đánh giết, vì đói, vì dịch, và Văn Cao đã thốt lên câu hỏi thống thiết, hiện đại, hiện sinh:
Giê su
Sao người chết mãi không thôi
Có cả những cuộc hành quyết, những Nguyễn Đức Cảnh (1931), Lương Khánh Thiện (1941):
Có năm Hoả Lò dựng lên máy chém
Cả Hải Phòng sau những án đau thương
Không ai dám nhìn một con gà bị giết
Ảm đạm kéo dài tuổi thơ dưới thời Nhật thuộc:
Có năm những đoàn ngựa Nhật đi vào tỉnh
Xóm tôi không còn một buồng chuối chín
Có năm bom Mỹ đổ xuống quanh nhà
Chỉ còn tiếng kêu trời khóc ra máu
Những ngày “cửa biển về ta / Những năm đầu chính quyền cách mạng” lướt qua rất nhanh trong thơ Văn Cao “ như bóng cò trắng bay về lòng tôi thuở nhỏ” có lẽ vì đã có nhiều thơ về giai đoạn này, đặc sắc là bài 19.11.1946 của Trần Huyền Trân. Thời đó, 1946, ta đã có chính quyền nhưng quân Pháp đã đổ bộ và Tàu Tưởng còn đóng quân tại miền Bắc; vấn đề chủ quyền đặt ra, khắp nơi trên nguyên tắc, như gay gắt và cụ thể tại Hải Phòng: ai kiểm soát hải quan? Vậy là quân Pháp nổ súng, sát hại hàng ngàn người dân vô tội trong thành phố: cuộc chiến tranh Việt Pháp thực sự bắt đầu tại Hải Phòng.
Khi nhắc đến “giấc mơ ủ kín lòng Hải Phòng tạm chiếm “, Văn Cao gợi lên cuộc kháng chiến chống Pháp trong kích thước quốc gia, vượt ra khỏi tầm một thành phố, với những mất mát không còn hàn gắn lại được:
Chúng ta nhớ gì nhữ ng ngày kháng chiến
Mất cả mùa xuân mất cả tình yêu
Mất đôi mắt thật trong, mất rất nhiều rung cảm
Mất rất nhiều đồng chí
Nhưng chúng ta làm chủ được Hải Phòng
Tiếng cười khóc trên Hải Phòng suy nghĩ
Những mái nhà xưa đếm lại thiếu người.
Hiệp định Genève tái lập hoà bình, thì Hải Phòng chứng kiến cảnh chia ly nam bắc, với những chuyến tàu đi:
Vợ xa chồng
Anh xa em
Chiều Nam chiều Bắc cùng sầu
Di cư xong. Tập kết xong. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời điểm tháng 2 năm 1956: những nhà máy Hải Phòng bắt đầu nhả khói. Tố Hữu làm thơ “ hớn hở mùa xuân… Giữa mùa xuân, vững bước tới tương lai… Tôi vui đi, mê mải… một… hai”. Văn Cao cũng làm thơ, kết thúc trường ca Hải Phòng với “ Những ngày báo hiệu Mùa Xuân”. Mới báo hiệu, nghĩa là… chưa có mùa xuân. Đã thế, anh lại còn cao giọng tố cáo:
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người
… Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm trong cuống
… Hãy dừng lại,
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
Những rồng đất, bói cá, bạch tuộc, những con sâu, những tên nọ tên kia là ai? Văn Cao không nói rõ, nhưng doạ “sẽ vạch từng tên từng mặt”. Rồi dòng thơ Văn Cao tuôn ào thác lũ:
Con đường ta đi tự hào 1ực 1ượng
Con đường nước nguồn thành sông biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời.
Dĩ nhiên là không dẫm lên vết chân “mê mải… một… hai…” của người kia. Họ ức Văn Cao cũng là điều dễ hiểu.
Hải Phòng, hòn máu của lịch sử, còn là tế bào của xã hội, một xã hội công nghiệp đang thành hình. Hải Phòng là một chiến luỹ xưa, nhưng là một thành phố mới, phát triển với xã hội thuộc địa. Tuy rằng kế thừa sinh hoạt bến Vân Đồn thời Trần hay Phố Hiến thời Lê, Hải Phòng bây giờ mới mở mang từ đầu thế kỷ, càng ngày càng sầm uất:
Đầu những ngọn sông những lá thuyền trút xuống
Đoàn lũ tàu đang hồng hộc chạy về đây
Đổ đầy Hải Phòng tiền rừng bạc biển
Ngập đường ngập phố
Ngập kè đá đường goòng.
Của cải ở đây là của thực dân Pháp và một ít tư sản địa phương câu kết với Pháp. Người Việt cung cấp dịch vụ và giải trí cho thuỷ thủ và lính viễn chinh. Một ít thợ thuyền làm trong các xưởng sửa chữa tàu thuỷ và nhiều nhất là phu khuân vác. Nguyên Hồng đã mô tả đầy đủ Hải Phòng qua bộ truyện dài Cửa Biển, đặc biệt trong tập Sóng gầm, về cuộc sống phu phen vào những năm 1936-1939. Lực lượng thợ thuyền ấy có khả năng và truyền thống tranh đấu, bãi công, như vào những năm 1919, 1926, 1928 và 1929. Do đó, trong Những người trên cửa biển, Hải Phòng làm biểu tượng thành phố thợ thuyền, đối lập với làng mạc nông thôn, và trong một chừng mực nào đó, cái mới đối lập với cái xưa cũ, phù hợp với tầm nhìn của Văn Cao. Dân Hải phòng là “người góp”, gồm có “ hàng vạn người không ruộng cày ra biển”
Ai biết Hải Phòng là đâu
Từ giã bờ tre mái rạ
Đến đây là chỗ cùng đường
Khác với người dân tỉnh lỵ, hay Hà Nội, họ là người nghèo, mất liên hệ với nông thôn, sống không có truyền thống, chung đụng với những người khác nguồn gốc:
Người dân thành phố
Mồ hôi còn nước mặn phù sa
Dầu mỡ bụi than
Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi
Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương
Che chở nắng mưa, đỡ đần b uổỉ gạo
Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão
Chưa quá ba đời sống trong một xóm
Chưa đầy chục người chết trong một mái nhà thuê
Bạn bè quen thuộc
Các giống người
Từ chân trời bốn phương đi lại
Họ an phận thủ thường trong kiếp sống than bụi, trong khi Văn Cao mơ mộng:
Thuở nhỏ lòng tôi hướng mãi
Theo những con tàu biển ra đi
Đến những đất đai tưởng tượng
Đến đây, chúng ta đã đi vào chiều sâu trong cấu tứ, tạo thành thi pháp Văn Cao. Văn Cao ít làm thơ và sáng tác khó khăn, nhưng gặp đề tài Hải Phòng, sức sáng tạo tuôn trào, lời thơ lai láng mà vẫn súc tích. Anh sáng tạo như trong một cơn say: chếnh choáng đề tài, ngất ngây cước sống. Tâm linh lồng lộng trang giấy một mạch năm trăm câu, cấu trúc chặt chẽ, các cụ gọi là “ nhất khí quần hạ”. Dù rằng anh có lao động chi li, sửa đi sửa lại thì nguồn thơ nguyên thuỷ vẫn là nền chính.
“Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”, bài trường ca là hợp xướng cuộc đời lao động cùng khổ, đối lập với giấc mơ một xã hội công nghiệp tân tiến và những chân trời mới. Cùng trong năm 1956, anh còn làm bài thơ quan trọng khác, Anh có nghe không, nổi tiếng vì tính cách tố cáo và phản kháng. Nhưng bài này đọc kỹ, chỉ là trường ca Hải Phòng thu gọn lại, với chung một nguồn rung cảm, cấu tứ, tạo hình. Về sau, những bài thơ ngắn hơn, dù đặc sắc vẫn là những mảnh vỡ của Hải Phòng. Đặc biệt Quy Nhơn, qua ba bài thơ làm mười năm sau (1985), sao mà giống… Hải Phòng quá.
Hải Phòng, thành phố công nghiệp, trong than bụi đã hứa hẹn một xã hội mới “không có lúa đồng thơm nhưng có trăm nhà máy”. Đất nước sẽ thoát ly ra khỏi những ràng buộc của thiên nhiên trong chế độ nông nghiệp:
Đất nước ngày nay về tay người thợ
Quê hương những người nghèo khổ chúng ta
Sức tự hào của những người ở biển
Không sợ thiên nhiên, không sợ cuộc đời
Lòng rộng bao la nhiều chân trời cửa biển
Thơ Văn Cao rất ít hình ảnh nông thôn, tuy rằng thế hệ anh gắn bó dài lâu với đồng quê. Thậm chí trong lời nhạc cũng vậy. Hình ảnh làng mạc chỉ là những nét ký hoạ, tốc hoạ, “ bóng cau với con thuyền, một dòng sông”. Âm vang đồng nội còn lại “ tiếng chuông nhà thờ rung”. Tâm lý nông dân thô thiển: “ dân làng vui như tết – Qua mùa này không lo”. Trong Những người trên cửa biển, hình ảnh đồng quê khuôn sáo:
Tôi nghe tiếng hát mẹ chiều ru võng
Những ca dao của đồng lúa quê hương
Những dáng cò lặn lội
Bản thân Văn Cao nhận rằng mình “ không có quê hương” hiểu theo nghĩa làng mạc gốc tích, dường như anh không muốn có. Người Việt Nam thường hỏi nhau về gốc tích – dù bản thân không mấy liên hệ. Nhưng Văn Cao thì nói phăng:
Tôi không có quê hương
Nghe đâu như Thái Bình Hà Nam Phủ Lý
Như Nam Định
Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát
Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu.
Quê hương, nếu có, chỉ là những hình ảnh mông lung, bàng bạc dọc theo những dòng sông hay quây quần chung quanh giếng nước, nơi trí tuệ dừng chân nghỉ ngơi và nghĩ ngợi, trước khi phóng cái nhìn về những chân trời mới. Do đó mà từ một Hải Phòng rách nát, nguồn rung cảm Văn Cao vẫn dạt dào hứng khởi. Những người trên cửa biển gọi là trường ca, vì nó ngợi ca cuộc sống, nó ca hát những đau thương để hướng về cái mới, cái cao cả mai sau.
Nó ca hát trước hết bằng nghệ thuật. Hải Phòng là khởi điểm của nghệ thuật.
Bắt đầu là âm nhạc: “Hải Phòng dựng lên âm nhạc”. Đúng thôi, vì nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu từ Hải Phòng những năm đầu 1940 với ban nhạc Đồng Vọng; nhưng ý Văn Cao khởi đầu từ lịch sử âm nhạc không dừng lại đó, anh muốn rằng “Nhạc đang biến thành sự thực quanh ta”. Nhạc là biểu tượng của hạnh phúc – dù khi diễn tả khổ đau. Nhạc là cuộc đời đã thăng hoa thành âm hưởng; trước kia nó là Thiên Thai, là Suối mơ, là Ngày mùa. Nay, nhạc là hạnh phúc trong cuộc đời còn lem nhem than khói: “Hải Phòng dựng lên hội hoạ – Những bức tranh tăng dân số chúng ta”. Một câu thơ khó hiểu. Ý Văn Cao có lẽ là hội hoạ tạo cho chúng ta một không gian khác, do đó tăng kích thước đời sống cho chúng ta; hội hoạ dạy ta cái đẹp – dù là cái đẹp sẵn có trong trời đất và trong nội tâm:
Có người không biết trăng là đẹp
Bỗng nhiên chiều đứng ngắm trăng lên
Trên đầu nhà máy
Nghe như ai hát trong lòng
Đây là tuyên ngôn nghệ thuật của Văn Cao, người đã góp công xây dựng nền nhạc mới, nền hoạ mới. Và nền thơ mới. Trong lịch sử, Văn Cao đã hoạt động, đã bạo động, và sau đó biết rằng anh không thể cứu người trong lịch sử; mà chỉ có thể cứu họ trong nghệ thuật, khi sáng tạo ra một trần gian khác, trước đó là Thiên Thai, bây giờ là một nghệ thuật hiện đại.
Có người hằng năm mặt trời không thấy mọc
Khép đùi xếp phách tiễn đêm đi
Hôm nay ngồi chép bài ca mới
Hương cốm mùi rơm ngát giếng đình
Hải Phòng đã dựng nên thơ
Những câu thơ thành thời sự
Hương cốm, mùi rơm thì có gì làm mới? Nhưng nghệ thuật làm cho nó mới, cũng như làm cho thời sự thành thơ. Cái gì trong cõi đời này mà không mới, không thơ, không là nghệ thuật? Nhiệm vụ của tác phẩm là tạo nên cái nhìn thẩm mỹ. Con người nguyên thuỷ, thoạt tiên đâu có yêu trăng lên, chiều xuống, lá rụng, hoa tàn. Nghệ thuật biến phôi pha thành vẻ đẹp miên viễn của trần gian. Nghệ thuật giúp con người vượt khỏi thời gian, làm chủ thời gian:
Thời gian làm trẻ lại chúng ta
Khi thời gian là của chúng ta
Nghệ thuật là cảm xúc vươn lên Trí Tuệ:
Hải Phòng dựng lên Tư Tưởng
Làm nhựa dẫn trong tôi
vì từ bến cảng
Tâm hồn ta tràn theo sóng ra khơi
Với Văn Cao, Hải Phòng, qua những biến động và phát triển, là sự hình thành của nghệ thuật và ý thức thẩm mỹ. Có lẽ đối với Nguyên Hồng cũng thế: tác phẩm lớn của anh xoay chung quanh cuộc sống Hải Phòng. Trong bút ký “ Hải Phòng qua vài trang sử mở ” (1973), Nguyên Hồng viết: “Tôi càng nghĩ về Hải Phòng, tôi càng thấy Hải Phòng thật là mối tình đầu của tôi, và tôi mắc một món nợ lớn, thiêng liêng vô cùng, phải cố sao mà trả dù chỉ phần muôn một. Phải! chỉ phần muôn một, nếu không, trọn đời làm gì cũng không yên tâm”.
Nhấn mạnh vào biểu tượng thành phố Hải Phòng, nguồn cấu tạo thơ Văn Cao, chúng tôi muốn nói rằng: đề tài một bài thơ, những ý tưởng, tình cảm ẩn hiện, và chữ nghĩa thân xác bài thơ đó là một duy nhất. Văn Cao làm thơ về Hải Phòng, Nguyên Hồng viết truyện về Hải Phòng cũng như Xuân Diệu làm thơ về tình yêu, Hàn Mạc Tử làm thơ về đức tin, Huy Cận làm thơ về vũ trụ. Đề tài không phải là đối tượng, nó không nằm ngoài tác giả, mà nó là chủ thể, nó là tác giả, thậm chí làm chủ tác giả khi là nguồn cảm hứng có tiềm lực cấu tứ. Lúc đó, đề tài lái dẫn bàn tay, ngòi bút chỉ làm việc sắp xếp, sửa đổi. Nói về hội hoạ, Văn Cao có lần bảo tôi: vẽ gì thì cũng vẽ chính mình mà thôi. Hải Phòng là bản thân Văn Cao.
Một Văn Cao truân chuyên, cay đắng, nhưng tin tưởng và độ lượng – tin tưởng vì độ lượng. Văn Cao tin ở cuộc đời, ở vũ trụ, tin vào một thiên nhiên nuôi dưỡng con người,
Từ xa về hạt giống rải qua sông
Mảnh đất nơi đây vùi nông cũng sống
Nếu có lúc con người phải chiến đấu chống trả thiên nhiên, “ngày đêm vét nước nối đê” “ ngăn từng cơn gió muối”, thì có lúc thiên nhiên bảo vệ con người bằng những “ngọn sú ven sông… bãi sú vô danh… bãi sú bồi thành bến” chống trả với biển cả. Cây sú là một loại cây dại, mọc dọc biển, có tác dụng gìn giữ đất liền tại Bắc Bộ, giống như cây đước, cây vẹt ở miền Nam, đặc biệt Rừng Mắm trong truyện Bình Nguyên Lộc. Trong thơ về Hải Phòng, Huy Cận có nói đến “ bãi sú mặn khô dần thành phố xá” , và Nguyễn Đình Thi:
Ta nhớ lò vôi bên bãi sú
Giọt máu tươi rỏ xuống bùn loang
Văn Cao tin vào lẽ tuần hoàn của vũ trụ “ mùa này nhạn bay ra biển – Chim yến từ biển bay về”, “Những con chim cứ sáng lên là hót”. Văn Cao tin vào sức sống con người “những con cá ném lên trời cũng sống”, và tin vào trí tuệ dũng cảm, kinh nghiệm chế ngự thiên nhiên của
Những kẻ chài quen biển
Thấy ngọn lửa quay đầu
Biết bão táp quen trở mình trên mặt sóng
Con người khoẻ mạnh, minh mẫn và trong sáng ấy phải có hạnh phúc, xứng đáng hạnh phúc. Thơ Văn Cao, dù cay đắng, vẫn lạc quan. Trường ca Hải Phòng khởi đi từ “đầu nhà có trồng cây mận”, chứng nhân những đau thương ở đoạn giữa “bạn cha tôi về chết bên cây mận”, nhưng cuối cùng, cây mận sẽ chứng kiến hạnh phúc:
Nhu nhú trên những cành mận non
Những nụ hoa đang nở hồng hồng
Mát hai vai dưới rặng cây bóng lá
Đôi lứa thanh niên đến tự tình

Im lặng
Đêm tắt đi tiếng ồn ào náo động
Cho đôi 1ứa yêu nhau
Những gìờ phút ngày xưa chưa có
Những cái hôn mới
Cái hôn đầu tiên
Đây là những lời thơ ngợi ca tình yêu tế nhị và đằm thắm nổi bật lên ở cuối một trường ca dài nặng chĩu đau thương và khúc mắc. Thơ Văn Cao là nghệ thuật đích thực vì nó đã hoá giải đau thương thành hạnh phúc: truyện Kiều cũng vậy, lời ai oán của cô cung nữ, lời thở than của nàng chinh phụ, đều như vậy. Tấm lòng Văn Cao, nghệ thuật anh và nghệ thuật nói chung, là khát vọng mênh mông của nhân loại tìm cái đẹp, niềm vui, như kết từ của trường ca Những người trên cửa biển:
Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng
Nhìn ra biển bao la
Lòng hãy còn nhiều khát vọng
còn rất nhiều khát vọng
Biển thành người khổng lồ kêu khát
suốt ngày đêm
Suốt ngày đêm kêu khát
Những ngọn sóng trên cát khô sủi bọt
Ngày đêm
Mãi mãi
Dưới chân tôi
Nước ngọt của ngàn sông
Bao giờ đổ đầy lòng biển
Những âm thanh cuối cùng vang vọng trong thế giới Văn Cao từ một Hải Phòng xa xôi. Hải Phòng, khởi đầu, là một quê hương – một câu trả lời. Nhưng câu trả lời buộc lương tâm con người phải đặt ra câu hỏi. Và câu hỏi lại thách thức một giải đáp khác; rồi cứ thế, tâm hồn Văn Cao đong đưa những lời vấn đáp giữa con người và xã hội, con người trong vũ trụ, con người trước định mệnh. Những đợt hỏi – trả lời liên hồi lớp lớp, như sóng gầm trên cửa biển, có lúc lắng xuống thành tiếng sóng vàng trên bãi dài ngô lau núi rừng âm u, có lúc chỉ lanh canh trong đáy cốc:
Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình
Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy
Vang vang hạo nhiên và ngang nhiên như con đường tự hào duy nhất – Con đường đi trái đất quanh mặt trời. Niềm tin của Văn Cao đi từ những giấc mơ thét gào thực tại, là những rạn vỡ đòi lại toàn bích, là chiếc lá gào gọi trời xanh. Thơ Văn Cao, đời Văn Cao là “một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”, của não trong sọ, của tuỷ trong xương, của máu trong mạch, của khát vọng khôn nguôi.
Đặng Tiến
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...