Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Văn Cao - Người cô đơn giữa cuộc đời

 Văn Cao - Người cô đơn giữa cuộc đời

Không phải là nhạc sĩ có ca khúc lên số trăm, số ngàn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy, chỉ với con số trên dưới 30 ca khúc nhưng như một điều hiển nhiên Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn luôn là ba cái tên được xếp cùng chiếu, thậm chí đôi khi xét ở góc độ sự sang trọng trong giai điệu, ca từ thì nhiều tác phẩm của Văn Cao còn nhỉnh hơn hai nhạc sĩ trên.
Đạo diễn Đinh Anh Dũng đạo diễn chương trình Văn Cao – 20 năm cõi thiên thai và cũng là người giữ nhiều tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao nhất hiện nay.
Những ngày Văn Cao sợ chết
. Phóng viên: Anh có thể chia sẻ về ngày đầu gặp gỡ của anh cùng nhạc sĩ Văn Cao?
+ Đạo diễn Đinh Anh Dũng: Hồi đó khoảng năm 1977-1978, tôi là sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, thỉnh thoảng tôi có nghe một số ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao. Sau đó một anh bạn học cùng thường rủ tôi đến nhà nhạc sĩ chơi.
Đó là thời ai cũng khó khăn nhưng với gia đình ông là đặc biệt khó khăn bởi ông không kiếm được tiền khi đang dính vào Nhân văn giai phẩm.
Mãi cho đến những năm 1990, khi nhiều người làm phim ca nhạc và năm 1992, tôi bắt đầu làm phim ca nhạc về ông với tựa Giấc mơ một đời người, sau đó tôi mới thật sự gần gũi ông nhiều hơn.
. Vậy, ấn tượng nhất của anh về nhạc sĩ Văn Cao là gì?
+ Ấn tượng nhất của tôi đó là ông rất ít chơi đàn nhưng khi tôi thực hiện video nhạc Giấc mơ một đời người với 10 ca khúc của ông, ông đã chơi đàn bằng bàn tay và cả bằng cùi tay.
Một ấn tượng nữa là ông rất thường uống rượu. Bình thường ông là một người dí dỏm nhưng khi ngà ngà say ông mới tâm sự về những năm khó khăn trong cuộc đời. Những lúc đó ông trầm tư lắm! Nhưng đến sau năm 1992, sau khi video ca nhạc của ông được phát hành, khi mọi quá khứ trở nên nhẹ nhàng hơn thì ông lại rất sợ chết.
Ông sợ chết ở giai đoạn ông được vui trở lại, là những ngày ông thèm bia có bia uống, thèm rượu có rượu uống…, trước đó ngay cả rượu rẻ nhất ông cũng không có để uống. Mỗi lần ra Hà Nội tôi hay tặng ông rượu.
Có một lần tôi đề nghị ông đi vào nghĩa trang cho tôi quay phim thì ông không đồng ý. Tôi nói mãi ông mới nói: “Tôi thấy anh thông minh sao cái này anh ngu vậy…”. Sau này vợ ông nói với tôi những người lớn tuổi kiêng vào nghĩa trang.
Sự cô đơn làm Văn Cao vĩ đại
. Sau Giấc mơ một đời người anh còn thực hiện bộ phim tài liệu Văn Cao – Buổi sáng có trong sự thật. Đâu là ý tưởng để anh thực hiện những video, phim tài liệu này?
+ Giấc mơ một đời người đến từ giấc mơ của nhạc sĩ Văn Cao khi tôi nghe ông kể về giấc mơ được biểu diễn một đêm nhạc ở Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó tôi suy nghĩ hoài, một người như ông không được một đêm nhạc như vậy thì quá tội! Tôi nghĩ về ước mơ đó và đặt tựa Giấc mơ một đời người. Phim bắt đầu bằng cảnh ông mơ giấc mơ một đêm nhạc ở nhà hát nhưng giật mình lại chỉ còn một mình ông.
Còn với Văn Cao – Buổi sáng có trong sự thật đến từ buổi tôi cà phê bên hồ Hoàn Kiếm ngay sáng sau ngày nhạc sĩ Văn Cao mất. Đó là buổi sáng mùa hè nhưng mưa lắc rắc. Tôi nhớ đến bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật của Văn Cao và tôi làm phim bắt đầu từ bài thơ, từ sự thật là ông đã mất thật và cơn mưa là có thật.
. Những hình ảnh anh kể lẫn hình ảnh của nhạc sĩ Văn Cao những ngày cuối đời thường đem đến nỗi buồn cho người xem, một ông già cô đơn giữa thời cuộc, anh có cảm nhận như vậy trong những ngày anh gặp nhạc sĩ?
+ Ông không phải cô đơn với thời cuộc mà cô đơn với cuộc đời; lúc nào ông cũng lặng lẽ, sống tự tại, gần như ngồi một chỗ và mọi thứ cứ trôi đi. Ông là người cô đơn giữa cuộc đời này nhưng có lẽ chính sự cô đơn đó làm ông vĩ đại.
. Có điều gì anh luyến tiếc vẫn chưa làm được cho đến khi nhạc sĩ Văn Cao mất…
+ Nghe tin ông mất, tôi ở Sài Gòn bay ra Hà Nội ngay trong ngày. Hồi đó gia đình có bàn muốn xin phép để trong lúc hạ huyệt được hát Tiến quân ca và quan tài ông sẽ phủ lá cờ đỏ sao vàng với ý nghĩa ông là người viết Quốc ca. Tuy nhiên, điều đó đã không thực hiện được dù mộ ông được đặt ở Nghĩa trang Mai Dịch (nghĩa trang dành cho những người có đóng góp to lớn với đất nước – PV).
. Trong những lần gặp có bao giờ nhạc sĩ Văn Cao nhắc với anh về việc ông từng giết người?
+ Có lần tôi hỏi, ông cười ông nói và tôi không hiểu thật hay đùa, rằng “Nhìn tôi tôi có thể bắn ai được không?”. Có nhiều tư liệu trái chiều về việc này nhưng với quãng đời sau tôi tiếp xúc với ông, tôi không tin ông từng là như vậy. Ông cho tôi cảm giác ông là người nhân hậu, sâu sắc.
Xin cám ơn anh.
Quỳnh Trang
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...