Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Văn Cao và con đò Huế

Văn Cao và con đò Huế

Huế, Sông Hương là “nàng thơ”, là người đẹp muôn thuở của thi ca, của Mùa Xuân vĩnh cửu. Có biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ đã đi tìm thi tứ trên con đò Sông Hương. Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Bùi Giáng….vô Huế đều xuống đò Sông Hương. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, từng gửi cả thời trai đam mê của mình trong con đò và tiếng đàn tranh Huế. Những câu thơ đẹp nhất của Tố Hữu  là thơ về dòng sông quê ông: Trên dòng Hương Giang/  Em buông mâi chèo/  Trời trong veo/ Nước trong veo... Nhà thơ chính khâch lớn như Phan Bội Châu có lúc cũng chợt thốt lên lãng đãng : Hương ơi , e phải mày không /  Sông ấy hóa ra mình có..  Chỉ riêng hình ảnh cô kỹ nữ ca Huế trên sông Hương cũng đã có không biết bao nhiêu bài thơ hay.  Thế Lữ có “ Nghe đàn nguyệt”; Mộng Tuyết có “Làm cô gái Huế”; Nam Trân có “Huế đẹp và thơ : Biết không ? Cô hỡi, biết không  ? / Chèo cô còn quẫy sóng lòng còn xao!; Xuân Diệu có “ Nguyệt Cầm” , “ Lời kỹ nữ”: Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa/ Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi .
Nhạc sĩ- nhà thơ tài danh Văn Cao cũng đã bao đêm gắn bó với con đò xứ Huế với cô kỹ nữ Sông Hương.  Bài thơ “ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” là một trong những bài thơ đặc sắc viết về Huế và ca Huế trên sông Hương. Bài thơ đưa ta lạc vào thế giới của vẻ đẹp thanh tao nơi bồng lai tiên cảnh . Trên con đò như  tình yêu bồng bềnh trôi trên dòng sông thời gian vĩnh hằng, có đôi trai gái say sưa đàn hát bên nhau. Chàng trai dạo đàn cô gái hát , tiếng đàn hát như tiếng tơ đồng tri âm tri kỷ của Bá Nha – Tử Kỳ .
Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng dâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngân khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời …
Đây là lúc cảm xúc đang ngập hồn chàng nhạc sĩ . Anh nghe hồn mình cũng đang “ nẩy nẩy .. nhịp đôi” . Một tình cảm  mới đang nẩy chồi ,bén lửa, đang âm ỉ : Này em hát khúc tương tư nhé ! . Đề nghị hát nhưng lại sợ tiếng hát làm xao động , làm bay mất, tan biến mất cái cảm giác tình yêu ngọt ngào đang dâng lên ngòn ngọt đầu môi, nên chàng phải vội vàng đề nghị “ ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời..”. Đoạn thơ đã nói rất tinh tế, rất hay tâm trạng của chàng nhạc sĩ si tình xứ Bắc trước người ca nữ xinh đẹp và phong cảnh êthơ xứ Huế. Xin kể đôi điều tôi biết về nhạc sĩ Văn Cao,con đò và người  kỹ nữ Huế.
Nhạc sỹ Văn Cao, tác giả của Quốc Ca Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa XHCN Việt Nam, sinh năm 1923 ở Hải Phòng, mất  ngày 10/7/1995. Tuổi trẻ của ông theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, tự học âm nhạc, sáng tác nhạc và viết văn làm thơ từ rất sớm . Năm 1940, lúc chưa tới tuổi hai mươi ông  có chuyến đi vào Huế. Và chàng trai si tình ấy đã bị Sông Hương hút hồn. Chuyến đi đã để lại dấu vết sâu đậm trong các sâng tác quan trọng của đời ông .Bài thơ “ Một đím đàn lạnh trín sông Huế” ông sáng tác vào dịp này. Ngoài bài thơ ông còn viết bản nhạc “ Sông Hương”.Cả những bài hát nổi tiếng, đỉnh cao trong dòng nhạc lãng mạn Việt Nam như Thiên Thai,  Suối mơ, Trương Chi.. viết trong những năm từ 1941 đến 1943 của ông cũng có nguồn gốc cảm hứng từ thành quách , sông nước con đò và người ca nữ xứ Huế trong đợt đi quan trọng ấy .Sinh thời vào năm 1986, trong một lá thư gửi cho Tạp chí Sông Hương ở Huế ông tâm sự :” Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Đối với nơi đó người ta phải suy nghĩ nhiều không về lịch sử mà về một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế đã giúp tôi làm được âm nhạc và thơ”. Mùa xuđn 1987 , Huế lại được đón Văn Cao. Ông được các nhà thơ Huế như Võ Quê, Nguyễn Trọng Tạo ( hồi còn ở Huế) , Nguyễn Quang Hà mời xuống đò nghe lại các em ca nữ  ngâm lại bài thơ “ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”,  về làng Chuồn uống rượu đêm trên thuyền đánh cá với ngư dân Phá Tam Giang . Và ông đã có thơ, vẫn một thứ thi pháp Văn Cao ám ảnh, diệu nghệ :
Tôi níu lấy mảnh lưới
Lưới là cái cuối cùng
Đang hắt tôi xuống biển
Thơ Văn Cao xuất hiện sau nhạc, nhưng thơ cũng mang lại cho ông những thành công không kém nhạc và họa. Thơ Văn Cao, cũng như lời ca trong các bản nhạc của ông thường rất lạ về chữ, về tứ . Cảm về Quy Nhơn, ông viết :” Trời xanh rơi vài giọt Thâp Chăm”! Viết về cái còn lại của Thời gian, ông kết rất ấn tượng bằng chất liệu của hội họa :” Riêng những câu thơ / còn xanh / Riêng những bài hát / còn xanh / Và đôi mắt em / như hai giếng nước.” . Trong bài thơ “ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế ”, ngay cả cách chọn vị trí chủ thể thẩm mỹ trong bài thơ của ông cũng khác các nhà thơ  đương thời. Tất cả các bài thơ viết về con đò trên sông Hương về ca Huế, đàn Huế , tác giả đều ở vị trí người quan sát, nhìn và cảm về Huế như Người kỹ nữ, Nguyệt cầm của Xuân Diệu, Tiếng hât Sông Hương của Tố Hữu.v.v… Với Đêm đàn lạnh trên sông Huế , vị trí chủ thể thẩm mỹ là nhà thơ chính là người trong cuộc, người tham gia làm nên tiếng đàn Huế, cái đẹp Huế: Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha / Em nghe anh dạo khúc thu xa .. cùng với Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi / Từng canh trời điểm một sao rơi / Trăng tà trăng lặn hiu hiu gió / Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi..  Cuộc đàn hát quên thời gian cho đến lúc Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương.. Dòng Tiêu Kim thủy gà xao xác..(Tiêu Kim thủy là một tên gọi khác của Sông Hương , chứng tỏ Văn Cao rất thạo lịch sử)
Tức là đàn hát cho đến khi trời sắp sáng , cho đến lúc Em cạn lời thôi anh dứt nhạc . Là người trong cuộc mới thốt lên một nhịp thơ lạ với câu thơ gợi hỏi hai lần : Sao đàn u hoài gì mùa thu ? Sao đàn u hoài gì mùa thu ? Ở đây chính tác giả đã nhận ra tiếng đàn của mình đã khác đi, mềm đi nhưng không lý giải được điều sâu kín gì đã biến tiếng đàn thành nỗi u hoài mùa thu day dứt!
Khi lòng đã mềm đi, tiếng đàn đã mềm đi, khi hai tâm hồn đã tri âm ,đồng vọng thì đêm vàng cũng trở nên lạc lõng. Để đến lúc chia tay, mới biết đau nhói nỗi biệt ly : Em cạn lời thôi anh dứt nhạc / Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh / Một đêm đàn lạnh trên sông Huế / Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh .Đây là cao trào của bài thơ. Thì ra bài thơ không chủ ý tả tiếng đàn, đêm đàn mà sâu xa hơn  là nói về một tình yêu ngấm sương với đủ các cung bậc của nó , mà cuối cùng là nỗi nhớ mang theo suốt đời: Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
Tại sao lại là “ một đêm đàn lạnh” mà không phải là ” một đêm đàn “trên sông Huế? Chữ “ lạnh” nói lên điều gì ? Chữ lạnh là tâm trạng của nhà thơ sau đêm đàn. Một đêm đàn đầy xúc động và giao cảm, đầy tri âm và đồng vọng. Đêm đàn đã thấm vào nhau  Nhưng rồi phải chia ly, mỗi người đều mang lạnh trong lòng.” Lạnh” đây là sự trống trải của nhớ nhung cao độ , là cái lạnh của tình yêu nồng cháy. Đó cũng chính là cái tứ mạnh và bền vững của bài thơ. Văn Cao là người Hải Phòng mới vào Huế lần đầu, nhưng thơ ông đê nồng nàn từ ngữ, âm điệu Huế, hồn Huế  !
Chuyến đi văo Huế năm 1986 ấy, sau những chuyến “xuống đò”, về làng Chuồn, nhạc sĩ  Văn Cao bị cảm. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi đưa anh vào Bệnh Viện Trung ương Huế. Vừa mới lấy chỗ nằm điều trị xong, ông ghé tai nói nhỏ điều gì đó với Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo bảo tôi:” Ngô Minh ngồi đấy với anh Văn Cao, để mình ra đây tí, sẽ về ngay”. Khi Tạo về, tôi thấy  anh lôi ra khỏi túi xách nậm ruợư và cái chén hạt mít, nói nhỏ với Văn Cao :” Chuồn đấy, một chén thôi nhé !”. Nhạc sĩ vừa run run bưng chén rượu lên môi, thì ông  Giám đốc bệnh viên bước vào dẫn theo ông phó bí thư thường trực tỉnh uỷ tín là Thái Bá Nhiệm :” Thưa nhạc sĩ Văn Cao, nghe tin anh ốm, lãnh đạo tỉnh  đến thăm”. Thế là lộ tẩy. Nhạc sĩ Văn Cao cười bẽn lẽn như đứa trẻ:” Tôi mê thứ Chuồn này lắm. uống dưới đò mới ngon. Bệnh nằm viện nhưng nhớ nhớ…”. Nghe câu nói  tất cả cùng cười , thông cảm với đam mê của nhạc sĩ.
Nhìn Văn Cao nhấp chén rượu Chuồn, tôi lại nhớ đến bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Đã hơn 70 năm kể từ khi ra nó được viết ra, bài thơ “ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” vẫn mang hơi ấm của cuộc sống hôm nay. Bài thơ gợi lên nhiều điều trong cảm xúc , cấu tứ và kỹ thuật ngôn từ. Con đò Huế,  cô gái Huế ,ngón đàn ca  Huế vẫn còn đó, đêm đêm lại cất lên bồng bềnh luyến láy làm say lòng du khâch  Những đêm thấm đẫm văn hóa Huế ấy người yêu thơ lại nhớ đến nhà thơ, nhạc sĩ tài danh Văn Cao, trong hồn lại vang lên những câu thơ tha thiết :
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh…
Ngô Minh
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...