Ông chỉ ở lại với cuộc đời trong 27 năm nhưng trong 8
năm sáng tác, ông đã để lại khối lượng tác phẩm đáng kinh ngạc và rất có giá trị.
Không chỉ là cây tiểu thuyết đại tài, Vũ Trọng Phụng còn được mệnh danh là
"ông vua phóng sự đất Bắc", một trong những cây bút sắc sảo của chủ
nghĩa hiện thực phê phán trên văn đàn và báo chí Việt Nam. Vũ Trọng Phụng
là cây bút đặc biệt trong thế hệ đầu nguồn - thế hệ vàng của văn chương Việt
Nam hiện đại. Ông mất cách đây 80 năm, ngày 13.10.1939.
Một "Balzac của Việt Nam"
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20.10.1912. Ông mồ côi cha từ khi
chưa đầy tuổi và lớn lên bằng sự tảo tần của mẹ. Quê Hưng Yên nhưng Vũ Trọng
Phụng gắn bó trọn cuộc đời ngắn ngủi với Hà Nội. Có lẽ, cái vất vả sớm đến của
cuộc đời đã khiến ông mắc một trong tứ chứng nan y thời ấy - bệnh lao phổi, nên
ông đã mãi mãi ra đi khi mới 27 tuổi.
Tuy cuộc sống nghèo khổ, nhưng tài văn chương của Vũ Trọng Phụng
sớm được bộc lộ. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên, ông đã có bài đăng trên tờ Ngọ Báo.
Năm 1934, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Dứt tình”, rồi
không lâu sau, ngòi bút của ông nở rộ.
Chỉ trong vòng 1 năm, 4 cuốn tiểu thuyết để đời lần lượt xuất hiện trên các
báo, thu hút sự chú ý của công chúng. "Giông tố”, "Số đỏ”, "Vỡ
đê” và cả "Làm đĩ”, đều là những câu chuyện từ hiện thực cuộc sống, đi sâu
một cách gai góc, trực diện vào các vấn đề xã hội đương thời.
Nhưng khác hẳn lối hiện thực phê phán của những người cùng thời như Ngô Tất Tố,
Nguyễn Công Hoan hay Nguyên Hồng - Vũ Trọng Phụng không dùng ngòi bút để chống
lại một thành phần, một giai cấp, cũng không trực tiếp chỉ trích sự mục nát, thối
rữa của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị thực dân, mà ông mô tả sự tha hoá của
con người trên toàn diện xã hội, dưới chiều sâu, qua nhiều từng lớp, nhiều hạng
người, mỗi người có một cách tha hoá khác nhau trước thế lực của dục vọng và tiền
bạc, như lời ông từng nói: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết,
tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời".
Với giọng văn trào phúng châm biếm đặc trưng, một số người đã
so sánh ông như Balzac của Việt Nam, một "kiện tướng" của các nhà văn
tả chân. Ông là người “gặp thời” - thời mà sự thành thị hóa đang xâm nhập, len
lỏi vào những lề thói cũ kỹ của xã hội phong kiến Việt Nam, mà "Số đỏ” -
tác phẩm xuất sắc nhất, nổi bật nhất của nhà văn, đã truyền tải chân thật và trần
trụi nhất những kệch cỡm, lố lăng của thời kỳ này.
"Số Đỏ" - góc khuất của một thời rối ren
“Số Đỏ” tập trung đề cập và phê phán tầng lớp tiểu tư sản Hà
Thành đầu thế kỷ XX, nhưng cái hay là nhà văn không đi vào đối tượng chính mà
mượn ngay Xuân - cái thằng “lươn lẹo”, lại có thói “trưởng giả học làm sang” -
để dựa vào nó mà đào sâu phê phán sự rởm đời của giới thượng lưu thành thị. Từ
những bước tiến đáng kinh ngạc của một thằng lưu manh đầu đường, câu chuyện đã
chuyển hướng nói về “tấn trò đời” của những diễn viên đại tài, những bậc thượng
lưu, tri thức của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, như bà Phó Đoan - dì của Văn
Minh, cụ cố Hồng, cậu Tú Tân, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết, nhà mỹ thuật TYPN, ông đốc
tờ Trực Ngôn,… Họ diễn trong cuộc sống, diễn với những người thân, và diễn cả với
chính bản thân mình. Họ nói chuyện với nhau thật văn hoa “một cách liến thoắng,
trôi chảy như nước suối, sốt sắng như những người không thành thực chút nào cả”,
mà người nghe thì “tuy chẳng hiểu cái quái gì, nhưng cũng thấy êm tai, và nhất
là sung sướng.” Bấy nhiêu con người góp mặt trong một bức tranh hết sức chân thật
về cuộc sống của lớp thị dân Việt Nam, quay cuồng trong cái công cuộc
"cách tân", "âu hóa".
Bằng ngòi bút trào phúng, lối viết ngấu nghiến, nhịp điệu dồn
dập, giọng văn phảng phất thái độ khinh miệt, thể hiện bất đồng quan điểm với hệ
thống nhân vật cũng như bối cảnh xã hội đương thời, Số Đỏ lên án gay gắt xã hội
tư sản thành thị Việt Nam đang dần tha hóa, bỏ quên lớp văn hoá trọng đạo truyền
thống. Không hổ danh là bậc thầy trong mảng văn học hiện thực phê phán, từng
con chữ đến câu từ dưới bàn tay ma thuật của Vũ Trọng Phụng đều thấm đẫm cá
tính sáng tạo, một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, lại vừa mỉa mai, chua
chát.
"Ông vua phóng sự đất Bắc"
Vũ Trọng Phụng là người từng trải cảnh đời, tình người đến mức
nhiều khi cay nghiệt, nhưng lại là người sống rất trung hậu, tình nghĩa, đầy
trách nhiệm. Không chỉ là một trí thức với tinh thần tự học, ngòi bút hiện thực
sắc sảo, tỉnh táo, Vũ Trọng Phụng còn luôn hướng tới những lớp người bần cùng
trong đời sống với sự đồng cảm da diết, chĩa mũi dùi vào những biến tướng kệch
cỡm của xã hội, không chỉ trong tiểu thuyết mà cả trong sự nghiệp làm báo.
Ở góc độ một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi
tiếng như phóng sự đầu tay "Cạm bẫy người” (năm 1933) đăng báo Nhật Tân dưới
bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời.
Tiếp đó là "Kỹ nghệ lấy Tây”, "Cơm thầy cơm cô”, "Lục sì” đã góp
phần tạo nên danh hiệu "Ông vua phóng sự đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.
Ở mọi hoàn cảnh, ông luôn đứng về đồng bào mình, đem cái chất phê phán xã hội
vào trong tác phẩm, âu cũng là một tranh đấu cho cái mới tươi vui, rạng rỡ hơn
đến với nhân quần. Vì thế, nhà thơ Tố Hữu từng có câu đại tự tặng nhà văn họ
Vũ: "Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông".
Tư tưởng cách mạng đã ăn sâu trong chính bản chất con người
Vũ Trọng Phụng, từ cách sống đến cảm và viết đều hướng về một xã hội tương
lai tốt đẹp. Như lời của Giáo sư Phong Lê: “Vượt qua khỏi giới hạn lịch sử, văn
phẩm Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỷ bởi sự nhận diện sắc nét gương
mặt xã hội; bởi sự soi sáng vấn đề lớn của dân tộc và số phận nhân dân, trên một
hành trình dài hướng tới sự thật, gắn bó với sự thật, không có gì khác ngoài sự
thật, ngoài chân lý nhằm mục tiêu nhân đạo hóa hoàn cảnh và thúc đẩy sự tiến bộ
xã hội”.
Tuy thời gian cầm bút ngắn ngủi nhưng Vũ Trọng Phụng đã
để lại di sản hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch,
1 bản dịch kịch từ tiếng Pháp, cùng một số bài viết phê bình, tranh luận văn học
và hàng trăm bài báo các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Những tác phẩm của
ông đã thay ông nói lên tiếng nói của con người, của một xã hội mà đến
nay, sau hơn 80 năm vẫn vẹn nguyên tính chiến đấu và mới mẻ.
12/10/2019
TTXVN
Theo http://baohaiduong.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét