Dục tính: Sự gặp gỡ thể xác
hay câu chuyện của những ẩn dụ
(Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp)
Bản nguyên của tính loài, nói không sai, là sự tri hoan thể
xác. Tất cả muôn loài đều nhờ sự gặp gỡ của những cá thể khuyết nhau (âm -
dương). Sự bồi đắp cho nhau - nguyên lý hợp nhất - trong những phút giây vẫy gọi
mang đến bản tình ca và vẻ đẹp viên mãn. Tuy nhiên, để những điều đó đi vào văn
học nghệ thuật thì chuyện thật không đơn giản, dễ dàng. Đối với văn học Việt Nam,
Nguyễn Huy Thiệp, năm 2006, cho rằng, dục tính vẫn là một đề tài “hiểm địa”.
Nói như vậy để thấy, chính Nguyễn Huy Thiệp vẫn ý thức được mình cần làm gì (thực
tế ông đã làm) và việc mình đã làm không thành vấn đề gì. Khảo sát truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy, dục tính, dưới những dạng thức khác nhau, xuất
hiện rất nhiều. Tuyển tập do Anh Trúc tuyển chọn(1) có 37 truyện thì có tới
23 truyện nói đến dục tính (tỉ lệ: 23/37). Nếu tính thêm 5 truyện khác ở tuyển
tập Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn (Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006) thì con số này
lên tới 26 (tỉ lệ 3/5 truyện được nói). Để có một sự hiện thực dễ hình dung,
chúng tôi xin đưa ra kết quả khảo sát sau đây. Dĩ nhiên những kết quả này đôi
lúc, rất ít, không nằm trong “mô phạm” tính dục (nhưng, nằm trong tác phẩm nói
tới tính dục):
- Những từ chỉ bộ phận sinh dục nam: chim (4), b…(2), cu (1), dương
vật (1), quy đầu (3), tổng: 11; hòn dái (3), tinh hoàn,
tổng: 4 (1); tinh: 1.
- Những từ chỉ bộ phận sinh dục nữ: cái ấy (trong
trường hợp chỉ bộ phận người phụ nữ) (1), bướm (2), hĩm (1), cung
xuân (1), tổng số: 5; vú (5), bộ ngực (2), tổng số:
7; lông (sợi lông):1.
- Những từ chỉ hành động liên quan đến tính giao: hôn (4), bóp (vú)
(1), đè (2), hiếp (3), ngủ (trong trường hợp thay
từ chỉ quan hệ tình dục) (2), lên giường (1), tổng: 13.
- Những từ chỉ trang phục: áo lót (1), quần
lót (1), đồ lót (1), tổng: 3.
Hiểu được quan niệm văn học: phải trả lại đúng giá trị con
người đích thực, không có gì thuộc về con người lại xa lạ với văn học, cùng với
những bức bách của thời đại, đặt nhà văn trước tình thế phải lên tiếng, Nguyễn
Huy Thiệp đã không ngần ngại ném vấn đề tính dục vào văn chương. Chính vì lí do
này mà tính dục trong truyện ngắn của ông nằm trong những chiều kích dụng ý
khác nhau, dĩ nhiên, vì thế mà sắc thái khác nhau.
Trước hết, tính dục là khao khát, là sự gặp gỡ của hai cá thể
giới:
Người hoạ sĩ hang động thời tiền sử khi vẽ thân thể người đàn
bà đã “khéo” vẽ chiếc lá nho che kín bộ phận nhạy cảm. Có thể nói đó là một
phát hiện nghệ thuật tinh tế. Kể từ đó đến nay, người ta đã tìm cách này cách
kia để “ứng xử” với cái lá nho sao cho thuận với mẫn cảm vẻ đẹp dưới nhãn quan
thời đại. Với ý thức được “cởi trói” thời đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp, một trong
những nhà văn tiên phong, đã mạnh mẽ phóng bút thu vén chiếc lá nho dưới nhiều
hình thức. Có khi đó là chiếc lá trơ cành như thể đáp trả với những dồn nén bấy
lâu, cấp cho “cái trong quần” (Nguyễn Hưng Quốc) một tiếng nói: “Cô
gái ngồi ở đầu mũi đò cựa quậy (khi người yêu của cô đã luồn bốn ngón tay qua lần
chun vào quần cô - NMH). Người yêu của cô luồn bốn ngón tay sâu thêm chút nữa
vào trong quần lót của cô” (Sang sông); “Rồi cô Phượng và tôi cũng hiểu ý nhau.
Tôi lên giường nằm. Cô Phượng bảo: “Anh hấp tấp và vội vàng! Chẳng qua anh là một
con thú yếu. Những con thú yếu hiểu tình yêu như công việc, như đi cầy” (Con
gái thuỷ thần). Có khi đó là chiếc lá e ấp, khơi gợi, he hé: “Quần áo ướt dính
chặt vào người chị Hiên và cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên
với cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng. Chị Hiên
gọi: “Hiếu lại giúp tôi” (…) Tôi đi lom khom, tôi định nâng rỗ cá lên thì chị
Hiên như vô ý xáp lại để đùi chạm vào người tôi” (Những bài học nông thôn); đoạn
miêu tả cái nhìn của thi sĩ - người sắp phải vào vai Chiêu Hổ trên lòng thuyền
trong Chút thoáng Xuân Hương (qua 6 cử chỉ): ban đầu “Thiếu phụ ngẩng
lên nhìn anh. Anh bỗng sừng sờ vì vẻ đẹp lôi cuốn của chị”, tiếp theo: “Đôi mắt
thật đẹp”. Anh nghĩ.”, lại tiếp: “Đôi môi thật đẹp... Cái cổ cũng đẹp”, vẫn cái
nhìn tình tứ: “thiếu phụ nheo mắt và lắc mái tóc. Anh lặng người đi vì vẻ đẹp nữ
tính giản dị ở cử chỉ ấy. Một sợi tóc mai vương trên đôi môi se khô”, sự khơi gợi
thâu hút anh (khi thiếu phụ đến gần, xoa dầu cho anh): “Anh nín thở. Anh nhìn
chăm chú vào cái lọn tóc loăn xoăn nơi cổ thiếu phụ rồi thở hắt ra. Anh hơi chạm
tay vào bên bờ cổ thiếu phụ nơi có sợi gân nổi lên giần giật. Anh cảm thấy được
hơi ấm lan ra từ đấy và khẽ rùng mình”, và việc gì đến sẽ đến: “Không dằn lòng
được, anh đưa tay vuốt từ cái ngấn cổ trắng ngần xuống lưng thiếu phụ, cảm thấy
gờ chiếc áo lót dưới làn vải mỏng”; miêu tả cảm giác của cô sinh viên cuối
khoá khi được một mẫu hình, giáo sư Lê, đánh thức xúc cảm giới tính: lần một,
sau khi về ngẫm nghĩ những lời giáo sư Lê nói, cô lặng lẽ vào buồng tắm khỏa thân, tự xem ngắm “ngôi chùa thanh khiết, thơm tho ngay ngắn”: “Tôi nhớ đến ánh
mắt ông, ánh mắt ấy lướt qua cánh tay tôi, eo lưng tôi, lướt qua đùi tôi và dừng
lại ở chỗ kín”; lần hai, khi bữa cơm sum họp cuối cùng tại nhà cô Hường tan,
giáo sư Lê đi cạnh cô và buông lời: “Nếu như bây giờ chúng ta vào Hôtel kia,
thuê một căn phòng, gọi một bữa ăn tối nhẹ rồi ngồi tán phét thì có nên
không?”, cô như người bị thôi miên, cô chìm trong cảm giác ái ân tưởng tượng, rất
ngọt ngào: “Trên chiếc giường nệm trắng tinh, tôi nằm ngửa nhìn lên trần nhà
nơi có treo một bóng đèn chùm sáng rực. Tôi cảm thấy bàn tay âm ấm của giáo sư
Lê lần lần cởi dần từng chiếc cúc áo trên người. Ông nín thở. Rồi một sức nén
như của bản năng nguyên sơ trào dâng. Ông kéo chiếc quần jeans của tôi xuống thấp.
Tôi hơi ưỡn người lên cho ông làm việc ấy nhẹ nhàng” (Những tiếng lòng líu la
líu lo). Ở những trang viết này Nguyễn Huy Thiệp đã chứng tỏ mình là một người
“vẽ” bản lĩnh, tinh tế, biết triển khai ở những giới hạn, và tại đó, những nét
vẽ của ông bài bản, tự nhiên, uyển chuyển và mềm mại. Chính vì sự biểu hiện đó
mà, như một tất yếu, trang viết của ông đã kéo theo chất thơ êm ái, dịu ngọt,
quyến rũ. Dưới hình thức biểu hiện lilido (dục năng), Nguyễn Huy Thiệp có khi
đi tìm “Lá Diêu bông” à ơi mê cuốn. Đó là cái sụp đổ của “giấc mơ tình dục nơi
cậu bé” đối với chị Nhi bởi chị đi lấy chồng trong Lòng mẹ, điều này “có lẽ
là sự phóng chiếu của một tình cảm khác, mặc cảm Oedipe” (2).
Khi khẳng định sự thông minh của trí tuệ con người: thiết lập
ra thể chế chính trị, thuần phong mỹ tục, Dư Thị Hoàn trong bài viết của mình,
đã không quên (thậm chí tập trung) nêu lên mặt tiêu cực: “ra sức câu thúc, đàn
áp hoặc che đậy bản tính hồn nhiên khởi thuỷ của mình, để trở thành công dân mẫu
mực (tự khích lệ hay tự huyễn hoặc) trong một xã hội đòi hỏi chuẩn mực mỹ tục
và thuần phong! Hấp lực âm dương của con người do đó không còn được
thể hiện một cách nguyên bổn, hồn nhiên, công khai, tự do như nó vốn là,
mà bị phong toả bằng những định nghĩa tục tĩu, ô uế, nhầy nhụa” (3). Đặt trong
chỉnh thể chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, hấp lực âm dương trong văn ông (dĩ nhiên
có điều trên) lại nằm trong một chiều sâu dụng ý khác, đó là câu chuyện con người
sống không thành thật với chính mình (thói đạo đức giả), đã trở thành tha nhân,
nói cách khác: đó là dụng ý phơi bóc những áp chế của những ước lệ xã hội đối với
con người. (Do đó có liên quan đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ kiểu “mặt nào ngao ấy”
của ông, kiểu nhân vật không trùng khít với vai xã hội, kiểu trần thuật nhại cổ
tích, nhại lịch sử). Trong tiểu luận - phê bình, ông gọi đó là những ngộ nhận
mang tính chất xã hội (theo đó có liên quan đến ngộ nhận giới tính) (4).
Đây là phương diện thứ hai mà tính dục trong truyện Nguyễn Huy Thiệp muốn nói.
Trong Không có vua, với một đoạn văn rất ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả
rất chân thực tâm lí lão Kiền (qua 6 biểu hiện chính): “Lão Kiền loay hoay dưới
bếp, nghe tiếng dội nước trong buồng tắm, thở dài bỏ lên nhà. Đi
vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo
lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân”. Đó chính là sự giằng co giữa dục vọng và sự đè nén, giữa cái tôi cá nhân
(individu) và con người xã hội (person), thiết nghĩ, ở một khía cạnh, cũng rất
nhân văn. Freud, năm 1905, cho xuất bản Ba tiểu luận về lí thuyết tính dục,
trong đó ông đưa ra mô hình về bộ máy tinh thần: cái tôi (le Moi, Ego), cái ấy
(la Ca), cái siêu tôi (le Surmoi). Cái ấy, nơi chứa đựng các xung năng (bản
năng tính dục - libido Sexuelle) xung đột với cái siêu tôi, tức tinh thần đạo
lý, những cấm đoán, ngăn cản. Cái tôi hòa giải mối xung đột (5). Đó chính là giải
đáp cho những hành động của lão Kiền. Nhưng… cô Phượng trong Con gái thủy thần lại là “câu chuyện” khác. Phượng nói thẳng thừng vào mặt Chương khi
Chương tỏ ra run rẩy: “Bọn đàn ông các anh loanh quanh chỉ vì các anh sợ hãi.
Các anh không dám đam mê. Trật tự phụ quyền được đặt ra là một thứ trật tự tục
tĩu, ở đấy đầy rẫy bạo lực, dối trá, chủ yếu không phải phục vụ cho con người…”
và nữa: “Anh bỉ ổi hệt như bố anh, như ông Hùng. Rồi ông Hùng cũng bỉ ổi hệt
như ông Gấu, ông Sói, ông Dê, ông Lợn tằng tổ ông ta. Anh đừng giả vờ, anh hiểu
trật tự ấy từ trong huyết thống. Giấu giếm trong anh là một thứ quyền lực phụ
quyền phản dân chủ…”. Cũng trong truyện này, ông đã để cho Chương có một cái
nhìn vợi buồn: “Tôi thấy tinh thần gia trưởng hủy hoại bao nhiêu số phận con
người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ
trên các khuôn mặt thiếu nữ”. Đối với những điều đó, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng,
tại bởi con người “đếch dám sống” mạnh mẽ cho cá nhân. Ở Những bài học
nông thôn, Nguyễn Huy Thiệp liếc xéo một cái nhìn mỉa mai, hài hước về sự ấu
trĩ trong nhận thức về tính dục, tình dục, ẩn sau là sự thương cảm (nguyên do
có từ những ước lệ trói buộc muôn đời - diễn theo ý tác giả): “Ả (cái Lược, sau
khi bị một tay thanh niên dí chim vào đít mình, đằng sau quần ướt đẫm) sợ quá
chỉ sợ chửa thì chết, thế là về nhà vứt ngay cái quần xuống ao”. Và phải chăng
Nguyễn Huy Thiệp muốn cảnh báo, vấn đề rộng lớn hơn, chừng nào con người còn chạy
theo những ngộ nhận xã hội, tìm những “giá trị ảo” thì chừng đó anh mãi mãi bỏ
rơi thực tế và thất vọng. Chương (Huyền thoại phố phường) bị huyền thoại (nói rộng
ra là những giá trị ảo) lôi đi như một kẻ mộng du do đó mà cái hôn của cô Phượng
đầu tiên dù đánh thức phần người rất “sống” trong anh nhưng cũng chỉ đủ để anh
tần ngần, đến cô Phượng tiếp theo, anh trở thành công cụ chứ không phải chủ động
trong cảm giác “sướng” (như cô ta), ngay cả khi Mây thoát y như một thần tiên
thánh thiện dâng tặng, anh cũng chỉ biết gục đầu ràn rụa nước mắt, để rồi anh
ra đi: “ngoài kia là biển, biển rộng vô cùng”. Truyện Con gái thuỷ thần,
chúng tôi cho rằng, đó là bài học đắt giá cho kiểu con người sống theo những ngộ
nhận, chạy kiếm tìm “những thiên đường mù”. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên,
truyện thứ nhất nói về huyền thoại, truyện thứ hai nói về tôn giáo, truyện thứ
ba kể về trần tục cuộc sống. Trong truyện Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp
nhắn gửi bằng một câu bâng quơ: “phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều
này vô nghĩa”. Vì tính mục đích phơi ra, nói ra cho rõ nên nhiều khi văn chương
của ông hơi sa đà, thậm chí “quá trớn”, chẳng hạn: chuyện đôi trai gái trong
lòng đò, chuyện cô Phượng so sánh “sự trong sáng” của tiếng rên người đàn bà với
thơ phú, nhã nhạc; chuyện tay Bường trâng tráo khi bức hiếp Quy không thành...
Như một hệ quả tất yếu trong diễn suy, tính dục trong truyện
Nguyễn Huy Thiệp trở thành một ám dụ về sự “cưỡng hiếp” văn minh. Đó là lớp
nghĩa thứ ba của tính dục mà chúng tôi triển khai. Tình dục, quan hệ giữa hai
cá thể, suy cho cùng, nghĩa trần trụi, là cá thể này đè chồng lên cá thể khác.
Trên cơ sở đó, Nguyễn Huy Thiệp, dĩ nhiên là khá tinh tế và táo bạo, cho rằng
văn hoá Trung Hoa đã “bức hiếp” văn hoá Việt Nam (để lại những đứa
con “Nguyễn Du” tội nghiệp). Xin lưu ý, đây không phải là ý của người viết. Ông
viết: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh
bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa
căm thù nó” (Vàng lửa). Từ những sắc thái (khoái lạc, xấu hổ, trơ trẽn) trong
quan hệ tình dục, Nguyễn Huy Thiệp đã vận dụng ám chỉ những sắc thái tiếp xúc
văn hóa. Trung Hoa sang Việt Nam đó là sự tiếp xúc văn hóa bằng con
đường áp bức (khác với tiếp xúc văn hoá Việt Nam - Ấn Độ - con đường
hoà bình). Mà đã áp bức ắt có sự phản kháng, chống cự dù khi biết bất lực (nhục
nhã, căm thù), nhưng cũng không thể chối bỏ những khoái lạc do một dòng máu mới
mang đến trên thân thể mình (thích thú). Chỉ mỗi tội kẻ bức hiếp đó quá lớn mạnh…
Và hệ quả để lại: “người mẹ (…) giấu giếm con mình sự ê chề (con - cách
nói hình tượng không hề được ý thức, nghĩa là thừa nhận một cách
vô thức - NMH) và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế” - trở lại với
ý nghĩa thứ hai đã bàn. Chuyện mượn tính dục, tình dục để ám chỉ sự áp bức văn
hóa, văn chương thế giới không phải là hiếm. Oe Kenzaburo, tác giả người Nhật Bản
(sinh năm 1935), đoạt giải Nobel năm 1994, năm 1959 cho xuất bản tiểu thuyết Thế
hệ chúng ta. Giới phê bình và nhiều độc giả Nhật Bản thời ấy đã nghiệm ra rằng:
“Oe Kenzaburo dùng hình ảnh con điếm Yoriko chuyên bán dâm cho lính Mỹ để ám chỉ hình
ảnh của nước Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến, đầu hàng Hoa Kỳ, và bị Hoa Kỳ chiếm
đóng theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Họ còn nghiệm ra rằng nhân vật Yasuo
(nhân vật nam 23 tuổi trong tác phẩm - NMH) chính là sự phản ánh nội tâm tác giả,
một con người tuyệt vọng vì vừa ghê tởm Yoriko (nước Nhật Bản), vừa không thể
thoát khỏi sự cám dỗ của Yoriko (tinh thần dân tộc). Để được độc lập trước cái
thế giới ghê tởm đó, Yasuo thực hiện và ngợi ca thủ dâm (sự quay về với giá trị
tự tạo của riêng mình” (6). Năm 1961, ông lại cho ra đời truyện vừa Mười bảy
tuổi (Sebunteen, cách đọc của người Nhật bắt chước người Mỹ đọc chữ
“seventeen”) tiếp tục chỉ ra sự điếm nhục của nước Nhật dưới sự thống trị Hoa Kỳ.
Cũng viết về dân tộc nhưng Oe Kenzaburo đối lập hẳn với Yasunari Kawabata, ông
tìm mọi cách để đất nước xứ Phù Tang “giận dữ”, “run rẩy” và “thức tỉnh” trong
lúc Kawabata say mê ở vẻ đẹp mang phong vị Phật giáo Thiền tông (của xứ sở). Ở Việt Nam,
những bước đầu táo bạo của Nguyễn Huy Thiệp đã được nữ nhà văn trẻ, Đỗ Hoàng Diệu,
liễu lĩnh triển khai trong Bóng đè. Tuy nhiên, Bóng đè không
phải ám ảnh người đọc ở cái “thông điệp ngoài “sex”, mà nói như Nguyễn Hoà
trong Bàn phím và “Cây búa” (Nxb Văn học, HN, 2007), là “sự ngổn
ngang của những “sự cương cứng thúc lên”, “cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm
vào”, bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man”.
Viết về dục tính, nơi bày tỏ con người thật nhất, “thật hơn
con người chính trị” (Kenzaburo), Nguyễn Huy Thiệp đã đem đối tượng cá nhân -
con người với những nhu cầu dục tính, và thời đại ra phơi bày, ngắm nghía rồi
mô tả, một tất yếu: người kể chuyện có sự chủ động tuyệt đối. Đây chính là những
biểu hiện sinh động của “tư duy tiểu thuyết” trong sáng tạo, đối lập với tư duy
sử thi - tư duy có khoảng cách (con người là kiểu con người không tì vết, thời
đại là thời đại lí tưởng (tâm thế: phải ngưỡng vọng, tôn thờ), do đó, người kể
chuyện chỉ cho phép kể cho hay, cho xúc động (không được tự do chủ động)).
Thành công trong đề tài tính dục (ở một góc độ nào đó) nói riêng và trong hệ đề
tài của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói chung, thiết nghĩ, trước hết và cốt yếu
nhờ cách đổi mới tư duy này.
Chú thích:
1. Nguyễn Huy Thiệp, Tuyển tập truyện
ngắn, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002.
2. Theo ý diễn giải của Đỗ Lai Thúy trong Đi
tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, sách: Phân tâm học và tình yêu (Đỗ
Lai Thúy biên soạn, giới thiệu), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 477
- 511.
3. Dư Thị Hoàn, Hấp lực âm dương và thuần
phong mỹ tục trong văn chương, website: www.tienve.org. www.tienve.org/
4. Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt
chim, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2006, tr.15.
5. Đỗ Lai Thúy, Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb VHTT, HN, 2002, tr.8.
6. Hoàng Ngọc Tuấn, Dục tính trong văn chương và vấn đề
đạo đức, website: www.tienve.org/.
Vinh, ngày 29/9/2008
Nguyễn Mạnh Hà
Theo https://vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét