Gia sư 1
Gia sư
Tên cậu là gì?
- Dạ thưa, Thành.
- Cậu nói cậu là sinh viên?
- .... Dạ!
- Cậu dạy kèm ở đâu chưa?
- Dạ.... trước đây.... năm ngoái cũng có...
- Thằng nhỏ học cũng được nhưng lười. Cậu kèm học hành tiện
thể khuyên nhủ nó giùm tôi. Thứ ba, năm, bảy, buổi chiều. Vậy nghe!
- Dạ!
Tôi hé cửa phòng nhìn. Mẹ đã đứng lên, vội vàng hấp tấp với
công việc buôn bán thường lệ. Tên con trai sắp là gia sư của thằng Tú em tôi
cũng đang đội mũ lên đầu. Khi hắn quay mặt lại thì tôi kinh ngạc - tôi có lầm
không? Chính hắn, thậm chí tôi còn biết cả cái tên nhà quê của hắn nữa kìa - Trần
Văn Thành, tên gì quê một cục. Hôm qua hắn và tôi ngồi cạnh nhau trong phòng
thi, gần như vai kề vai. Lầm sao được?
Chà, sinh viên! Còn khuya nhé. Đến ngày cầm được giấy thi báo
đậu trên tay còn cả tháng nữa. Mà trở thành sinh viên có thâm niên trong nghề
gia sư thì còn xa tít mù hơn. Cả gan thật!
Hắn vừa đi khuất, tôi phóng ra:
- Mẹ!
Mẹ vẫn cắm cúi soạn hàng hóa từ những cái thùng to ra quầy,
mùi hăng nồng bay lên - Đủ các loại xà bông làm mưa làm gió trên tivi hàng đêm
- Cứ việc bôi bẩn áo quần đi nhé, đã có Viso, đã có Omo. Hừm, chỉ cần đưa bộ áo
quần của thằng Tú sau một trận đá banh lên truyền hình là các hãng xà bông xanh
mặt nhé.
- Mẹ! - Tôi gọi lần nữa.
Mẹ vẫn tiếp tục mở một cái thùng khác - Các bà nội trợ hãy mừng
đi, đã có chúng tôi giải phóng giúp các bạn khỏi công việc chán ngắt và lê thê
của bếp núc. Đây cá hộp made in China, đây thịt hộp USA... Nhưng trời ơi, dân
ta không ưng thứ này. Biết sản xuất "Rau muống nấu canh tôm khô hộp"
không? Dám làm "Bún riêu hộp", "Bánh bèo hộp" có bảo hành
không?
Mẹ chuyển qua thùng gia vị. Hành tây, ớt khô,... Buồn tay tôi
cầm một bánh lên và nghé răng định cắn lớp bao nilon.
- A, đó là men nấu rượu - Mẹ la lớn.
Trời! Suýt tí nữa... tôi cười. May là không có thằng Tú, có
nó thì đây sẽ chuyện thời sự suốt tuần.
- Sao con không chịu đeo kính hả Thanh? Cặp kính rất thời
trang chứ có phải mẹ tiếc tiền bắt con đeo loại xấu xí đâu?
- Tại... tại...
Tôi ấp úng và rút lui vào phòng. Không sao tìm ra lý do chính
đáng cho cái việc tôi quên đeo kính cận. Có lẽ chỉ vì... quên! Vả lại, cái bệnh
cận này chỉ mới phát sinh đây thôi, từ sau trận luyện thi đại học.
Ơ... cũng có thể - Tôi giật mình - Tôi đã nhìn nhầm tên sắp
là gia sư thành ra tên nhà quê cùng phòng thi hôm qua? Ừa! May mà tôi chưa lu
loa với mẹ. Suýt nữa thì oan cho một người. Và điều đáng nói nhất mẹ sẽ ca cẩm
"Con người ta vừa học vừa chịu khó làm. Còn con mình..."
"Gọi O là giao điểm của hai đường thẳng xx’, yy’, trên
xx’ ta vẽ đoạn thẳng CD... đoạn thẳng CD sao cho..."
Tiếng giảng bài vọng qua phòng tôi, giọng vùng biển nằng nặng.
Tôi nhìn đồng hồ. Mẹ đã giao nhiệm vụ mỗi buổi pha cho hai thầy trò hay ly nước
chanh. Mới giảng hai mươi phút, khô cổ chưa nhỉ? Hừm... mai một ta đi giảng đường,
ta cũng bận rộn. Liệu hồn, cứ trêu chọc là bốn mắt, ta lấy cớ đó nhầm muối
thành đường cho biết mặt.
Phải lịch sự và ý tứ, con gái lớn rồi. Mẹ dặn đi dặn lại như
thế. Chà, ta cận nhưng đọc rõ ý nghĩ lồ lộ trong mắt mẹ - Hắn là một đứa nhà
nghèo nhưng có ý chí chứ gì? Những kẻ như thế đáng học tập và trân trọng, phải
vậy không? Còn điều khá tế nhị này nữa... Mẹ có một đứa con gái... ha ha ha...
mẹ ơi, đã qua rồi còn thời cha mẹ lo kiếm cho con gái của mẹ tìm một ý trung
nhân tuyệt vời như thế nào. Sá chi tên gia sư giảng bài còn vấp này. Ta canh me
chỗ nào giảng sai bẻ lại cho biết mặt.
Lịch sự... lịch sự là hãy đặt ly vào khay, đừng có hai tay
hai ly đong đưa hỗn láo. Được rồi... Và mỉn một nụ cười nhẹ nhàng, đừng cười
thân thiện quá hắn tưởng gì thì phiền. Tất nhiên là phiền cho hắn. Và phải gõ cửa,
chớ có lấy chân đá và lo oang oang "Mở cửa... Tú à... Tú ơi" như thường
ngày.
Rồi rồi... À, phải đeo kính vào nữa. Lỡ nhìn thầy ra thằng
Tú...
Cốc cốc cốc...
Tôi sửa soạn một nụ cười
Rồi nụ cười chợt biến thành chữ O. Khuôn mặt hắn, vóc dáng hắn,
không lầm vào đâu được. Tên nhà quê kia, tên lừa đảo kia, ngồi trong phòng thi
bóp trán đến nổi gân xanh mà dám xưng là sinh viên.
Làm gì đây? Bộ óc tôi lùng bùng. Tự mình cho hắn một trận? Chạy
ra nói với mẹ ngay lập tức? Không, tội nghiệp mẹ! Tôi chợt thấy thương mẹ, một
tình cảm rất lạ, pha chút gì như là xót xa. Mẹ thường nói cuộc sống khiến mẹ
đâm ra hoài nghi tất cả, vậy mà mẹ đã tin hắn, không cần dò hỏi kiểm tra. Nghĩ
đến tình cảm mà bỗng nhiên mẹ đã dành cho hắn, tôi muốn làm một điều gì đó khiến
hắn phải thật đau.
- Chào thầy! - Tôi dài giọng mỉa mai.
Khuôn mặt xương xương và màu da ngăm đen chợt tái xám. Cổ áo
sơ mi dưới cầm chợt rung rung.
Tôi dằn khay xuống, nện chân đi ra.
- Tôi biết vậy là không hay...
Hắn nói nho nhỏ, vẻ cam chịu, bàn tay bóp mạnh ghi đông xe.
Cái xe của hắn cũ mèm, màu sơn bạc thếch. Yên xe chỉ còn trơ khung bọc lớp da
nhiều vết rạn.
- ... Tôi sẽ thôi không dạy nữa - Hắn nhìn tôi, mặt đỏ rần.
- Chạy trốn à? - Tôi nặng giọng đốp lại
Hắn mở to mắt nhìn tôi, vẻ cam chịu biến mất, thay vào đó là
sự phẫn nộ khiến tôi bất giác sờ sợ.
- Xưng là sinh viên thì dễ kiếm việc hơn. Và tôi cũng định nhận
giấy báo thi đậu thì sẽ nói thật. Tôi đâu muốn nói dối. Điều quan trọng nhất là
em của bạn có học khá hơn không. Tôi tin là tôi kèm được.
Quai hàm hắn bạnh ra vừa tức giận, vừa chua chát, vừa mệt mỏi.
Khuôn mặt hắn chùng xuống.
Ra vậy. Hắn không lừa đảo. Hắn chỉ nói dối một chút thôi.
- Dù sao thì tôi cũng có lỗi - Hắn thở dài - Cho tôi xin lỗi,
tôi sẽ tìm việc khác làm.
- Bạn định làm gì? - Tôi buột miệng hỏi, nhận ra cơn tức giận
của mình vơi đi rất nhiều.
- Bất cứ việc gì, miễn là kiếm sống lương thiện.
Á... à.. với câu trả lời này, mẹ tôi sẽ mời hắn làm gia sư
cho cả tôi nữa cho mà xem. Môi tôi bỗng nhiên cười :
- Dạy kèm em tôi không lương thiện à?
Hắn ngẩng nhìn tôi, mắt hắn sáng lên.
Tội chưa. Rõ ràng là hắn thất nghiệp trăm phần trăm. Vả lại,
hắn có lý, điều quan trọng là thằng Tú có khá hơn không. Điều cực kỳ quan trọng
nữa, nếu hắn nghỉ, trong thời gian đợi gia sư mới, thế nào mẹ cũng bắt tôi dạy
thằng Tú, nhất là khi biết hắn học chỉ bằng tôi mà dám làm thầy.
Phải, lý do khác chính đáng để tôi thừa nhận nói dối trong
trường hợp này là thông cảm được.
- Nhà bạn ở đâu? - Hỏi xong tôi chợt nhớ ra con gái không nên
hỏi những câu như thế này. Nhưng lỡ thốt thành lời mất rồi. Mẹ luôn nói tôi vô
ý vô tứ là vậy.
- Nhà tôi ở tận quê - Như một nhu cầu thổ lộ, hắn tuôn ra - Học
xong phổ thông tôi phải nghỉ hai năm phụ gia đình làm rẫy. Ngày về đây thi, nhà
không có tiền, bán hai tạ lúa và cái xe đạp này. Thôi thì cứ đi rồi xoay sở kiếm
việc làm. Tôi định mai mốt đi bỏ báo thêm.
- Học ở thành phố tốn kém lắm - Tôi nói, giọng chợt nhỏ lại.
- Tôi cũng biết vậy. Nhưng cứ cố. Nhà tôi còn đông em. Nếu
mai mốt tôi học xong đại học kiếm được việc ổn định chắc các em tôi đỡ khổ như
tôi bây giờ. Tôi đi học, lũ em phải gánh vác công việc nhà thay tôi.
Ra vậy. Tôi im lặng. Tiếng mẹ tôi ho khúc khắc... thôi rồi,
thế nào cũng "Sao không vào nhà ngồi trò chuyện mà rủ nhau ra đường... trời
ơi.. còn gái..."
"Nếu a chia hết cho b và b chia hết cho c thì..."
Cốc cốc cốc...
Tôi bưng nước vào. Gia sư ngừng giảng. Tôi mỉm cười. Gia sư
cũng cười. Hắn trọ ở khu nhà lụp xụp xa tít bên kia phố. Trưa đạp xe cọc cạch
qua đến được đây thì đủ chết. Tôi không cần canh đồng hồ nữa, đầu giờ, tôi đặt
sẵn trên bàn của gia sư một ly cam vắt. Cuối giờ, tôi la lớn:
- Tú ơi, ăn cháo gà không?
Mẹ la khẽ:
- Em đang học, sao con vô ý vậy?
- Ơ... lỡ rồi mẹ ơi, thôi, hai tô cho cả hai thầy trò nghe mẹ?
Ban đầu hắn đỏ mặt lắc đầu. Tôi nắn nỉ có, hăm dọa cũng có...
dần dần hắn không từ chối nữa. Tôi đọc thấy lời cám ơn trong mắt hắn. Thật kỳ lạ
khi tôi và hắn có thể hiểu nhau nhanh đến như vậy. Hiểu chẳng cần nhiều lời.
Nếu tôi là con trai, tôi sẽ đem cái xe đạp của hắn đi sơn sửa
lại. Nhưng thôi, chuyện sửa không tiện tí nào. Đợi đến ngày trở thành sinh
viên, tôi sẽ giới thiệu hắn vài chỗ dạy kèm nữa. Bạn tôi, đứa nào cũng có em, cả
bầy lóc nhóc.
Tròn một tháng. Mẹ tôi đã dặn hôm nay nhớ nhắc mẹ trả lương
cho gia sư. Lo canh giờ bà bán cháo gà gánh qua, tôi quên mất điều quan trọng
này.
Tội nghiệp, chắc hắn mong lắm. Tôi sẽ chuộc lỗi bằng cách
ngay bây giờ đạp xe mang đến chỗ hắn trọ. Hắn sẽ làm gì với số tiền này? Mang một
bộ đồ mới? Sắm đôi giày? Sửa xe?... Và còn ăn uống hàng ngày nữa. Tôi nhận ra
phong bì quá nhẹ so với điều hắn cần. Mình có thể làm gì không? Thằng Tú nói
"Từ ngày có cặp kính cận, chị Thanh thay đổi từ đôi mắt đến tính
tình". Có lẽ nó nói đúng nhưng chỉ một nửa, tôi thay đổi từ ngày nó có gia
sư thì đúng hơn.
Mình có thể giúp gì không? Tôi mân mê phong bì. Bỏ thêm tiền
vào? Không được. Hắn, vốn lương thiện, sẽ kính cẩn trả lại me ngay "Thưa
bác, hình như bác nhầm, cho cháu gởi lại phần này". Hừm, lương thiện đôi
khi khó xử cho kẻ khác quá.
Ồ... đúng rồi. Tôi lấy một cái túi - Cứ bôi bẩn áo quần đi
nhé, đã có Viso. Nào, trước hết là một gói xà bông. Đây nữa, các bà nội trợ hãy
vui mừng, phải đổi lại là những người không có khả năng thiên phú về nấu nướng
hãy vui mừng mới đúng - Hai hộp thịt nằm ngoan trên gói bột giặt nhé. Gì nữa?...
Tiêu, hành, xì dầu... Cần quái gì những thứ này. A kia, hộp Ovaltine uống vào sẽ
trở thành lực sĩ số một thế giới. Đây nữa, đường cát... À khoan, để đeo kính
đã. Linh tính không sai mà, đường ở cái thùng to tận đằng kia. Còn gì nữa?
Thôi, để lần sau. Lấy một lúc nhiều quá mẹ biết thì sao.
Tôi đậu, Thành rớt.
Đầu giờ chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy tôi vẫn đặt một ly cam
vắt trên bàn của gia sư. Tú đợi. Tôi cũng đợi. Một tuần, hai tuần....
- Sao cậu sinh viên không đến dạy nữa?
Mẹ hỏi.
Biết trả lời mẹ sao đây?
Tôi phì phò đạp xe qua khu nhà lụp xụp bên kia phố, Thành đã
đi rồi. Tôi nhận ra mình thật vô tình, quên hỏi quê Thành ở đâu. Giờ Thành đã về
quê gánh vác công việc ruộng rẫy hay vẫn ở lại nơi đây tiếp tục giấc mơ chắt
chiu không những cho mình mà cho cả đàn em?
Những con đường dọc ngang dài thẳm, biết tìm Thành ở đâu giữa
thành phố mênh mông này? Tôi tháo kính ra lau, đeo kính vào. Lại tháo ra lau,
đeo vào... bụi đầy mắt mà vẫn không thấy thành đâu.
Ước gì sang năm tôi gặp bạn ở trường đại học. Gia sư! Đừng bỏ
cuộc nhé! - Tôi lẩm bẩm với gió, biết rằng trên đời này có những giấc mơ tuyệt
đẹp và cũng có những con đường gập ghềnh xiết bao.
- Tìm người khác dạy cho em Tú thôi - Mẹ nói.
- ... Mẹ để con kèm em cho - Tôi nói thật nhanh.
Mắt mẹ đầy nỗi ngạc nhiên và vui sướng. Tôi muốn ôm mẹ vào
chân lại ngượng ngùng quay chạy về phòng. Tú le lưỡi :
- Chị Thanh có biết giảng bài không? Không biết giảng, rồi
chê học trò dốt là không được đó nghe.
Mọi hôm, nói năng kiểu này thì một cuộc chiến tranh xảy ra là
điều không thể tránh khỏi. Nhưng hôm nay thì...
06.1996
Sao trong lá
Anh Hai của nhỏ lôi về nhà ông bạn giống hệt cây mía.
- Sinh viên nha khoa năm thứ tư! - Anh Hai giới thiệu một
cách đầy ngụ ý.
Xì! Sinh viên năm thứ tư là cái gì? Nhỏ đây, năm năm nữa nhỏ
cũng là sinh viên năm thứ tư như ai! Vấn đề chỉ là thời gian thôi.
- Có bài vở gì đem ra bạn anh làm cho.
Sai sách rồi anh Hai ơi! Nhỏ đây học lớp chuyên, dám làm thầy
giáo không? Nhỏ bày la liệt sách nâng cao ra bàn. Nhỏ thấy cây mía tái mặt. Một
không, nhé!
- Tội nghiệp, nghèo mà có chí! - Má tấm tắc khen.
Nhỏ nóng mũi. Trước đến giờ má chỉ khen nhỏ thôi. Ở đâu lại
đây xí phần người ta?
Cái bàn của nhỏ quay ra cửa sổ đượm hương hoa ngọc lan, chỗ học
bài và là nơi mơ mộng giờ đây thỉnh thoảng có sự xê dịch. Ai dám cả gan ngồi
vào chỗ này khi nhỏ vắng nhà?
- Nè anh Hai, nói bạn anh đừng có tự nhiên xâm nhập gia cư của
người ta nghen.
- Nói gì như có ăn trộm lục lọi phòng riêng vậy? Tại chiều
nay điện cúp trong phòng anh tối quá, ra đó ngồi vẽ nhờ tí xíu.
- Dân nha khoa mà bày đặt vẽ vời chi vậy?
- Thì vẽ hàm răng! - Anh Hai há miệng thật to.
- Trời! - Nhỏ rên rỉ - Khung cảnh thơ mộng của người ta vậy
mà ngồi vẽ răng. Người gì đâu mà...
- Sao dạo này anh Hai thấy nhỏ cạu cọ quá. Để mai mốt anh đục
tường trổ cửa sổ nữa.
Ghê không? Nhỏ nhờ bơm dùm cái xe đạp anh Hai nhăn nhăn nhó
nhó, vậy mà người ở đâu đâu anh Hai lại rộng rãi đến độ sẵn sàng đục lủng tường
nhà. Ghét không thể tả.
Thường ngày, anh Hai và nhỏ đi đâu chín giờ tối chưa về là liệu
hồn với ba, nay cửa luôn mở đến mười giờ chờ Cây Mía về. Lấy được lòng ba đâu
phải dễ. Nhưng hắn đi đâu mà tối nào cũng đi vậy ta? Đến bữa, không chỉ mình nhỏ
mà cả hắn cũng được má ép ăn "thêm chén nữa đi cháu, sao cháu ăn ít vậy?".
Anh Hai siêng học hẳn ra. Ai ai cũng thay đổi vì hắn.
Cả nhỏ cũng thay đổi, sự thay đổi chẳng ai nhận thấy. Nhỏ hờn
dỗi, cơn hờn dỗi chẳng ai nhận thấy. Nhỏ trở nên bực bội, cau có... rồi nhỏ
khóc ti tỉ với cây ngọc lan. Nhưng cây ngọc lan cũng chẳng còn của riêng nhỏ nữa.
Tối tối, nhỏ thấy hắn hay nhặt hoa bỏ vào lòng bàn tay khum khum như sợ mất, hoặc
tựa lưng vào gốc ngước nhìn trời. Trời có gì đâu ngoài triệu triệu vì sao nhấp
nháy nhấp nháy không thôi. Có ngôi sao nào của riêng ai không?
Chiều hôm sau nhỏ xách chổi ra quét cho kỳ hết cả hoa lẫn lá
rụng trên sần. Nhưng làm sao quét được hương hoa?
- Bữa nay siêng quá ta! - Anh Hai vỗ tay.
- Người ta làm cũng nói, không làm cũng nói.
- Ơ hay, được khen mà cũng nhăn là sao?
- Ai mượn anh khen?
Anh Hai nhún vai :
- Anh không hiểu sao hắn lại nói là...
- Nói cái gì? - Nhỏ quét lia lịa, đám lá vừa gom lại vàng
tung tóe - Bạn anh nói gì người ta hả?
- Hắn nói khác anh nói.
- Khác gì?
- Anh nói nhỏ dễ ghét!
Có thật là mình dễ thương không?
"Gương ơi! Ai là người đẹp nhất?"
"Thưa tiểu thư..."
"Gương ơi! Ai là người tốt nhất?"
"Chàng!"
" Sao chàng chẳng nói gì cùng ta?"
"Chàng chẳng dám ngỏ lời. Xin tiểu thư hạ cố ban cho
chàng một nụ cười".
Cây Mía bối rối kinh khủng trước nụ cười bât chợt. Cây bút
trên tay rơi xuống văn mực đầy bàn.
- Xin lỗi, để tôi lau ngay.
- Không sao đâu, để nó lau dùm cho - Nhỏ nhẹ nhàng.
Anh Hai trợn tròn mắt. Nhỏ nóng mũi, tưởng nhỏ... ấy hả? Đừng
hòng! Nhỏ nghếch mặt :
- Nè, anh có làm được răng khểnh không?
Hắn đỏ mặt, cây bút tội nghiệp sắp sửa bị bẻ làm đôi. Anh Hai
vọt miệng cứu nguy :
- Cần gì răng khểnh, một cái mỏ nhọn là đủ rồi!
Nhỏ xụ mặt. Anh Hai cười ha ha. Nhỏ thình thịch bước ra sân.
Chỉ có cây Ngọc lan là không bao giờ xỉa xói nhỏ. Cây Mía vội vàng chạy theo:
- Tôi thấy có người chẳng cần răng khểnh mà vẫn dễ thương ghê
lắm.
"Gương ơi! Chàng nói vậy nhưng thật lòng chàng có nghĩ vậy
không?"
"Đúng vậy! Chàng chẳng phải kẻ hai lời"
"Chàng đi đâu vắng nhà hoài?"
"Chàng dạy kèm kiếm tiền sinh sống"
"Ai là học trò của chàng?"
"Xin Tiểu thư yên tâm, học trò của chàng toàn là con
trai"
"... Sao chàng chẳng bao giờ mời ta đi chơi? Hoặc tặng
ta một món quà?"
"Tiểu thư chưa hiểu điều đó đâu. Sẽ có một ngày chàng thổ
lộ..."
"Chàng... chàng có ai chưa, gương ơi!"
"Chưa... chưa..."
Nhỏ khóc. Gương nói dối. Lá thư nặng trĩu trên tay nhỏ
"Em gái quê nhà gửi anh..."
- "Em gái quê nhà" - Ô! Có một cô thôn nữ đợi chàng
ngày Vinh quy! Nhỏ úp mặt vào thân cây Ngọc lan xù xì. vết khắc còn đây, tên của
nhỏ và tên anh Hai rồi đến tên của hắn. Xạo! Xạo! Tât cả đều xạo! Nhỏ lấy dao cạo
sạch tên của hắn, cạo sạch cả tên anh Hai, anh Hai có thương nhỏ đâu! Sao mà nhỏ
muốn đốt trụi lá thư!
- Trời ơi, dân lớp chuyên tự hào đến vậy mà sao ngu quá! -
Anh Hai nhăn nhó - Mở cửa ra, lầm rồi, nhỏ ơi!
- Anh cứ binh bạn anh chằm chặp đi! - Nhỏ nói qua lỗ khóa.
- Ai chẳng vô phúc có một đứa em gái, hở, ví dụ như anh Hai
đây.
Em gái? Chắc là cô ấy dễ thương lắm!
Vòng bánh xe quay quay! Vòng bánh xe quay quay!... Phố xá xa
dần, con đường hẹp dần. Bờ dậu xanh xa xa tầm mắt, nhỏ hít thật sâu làn không
khí đồng quê.
- Đường khúc này quanh co ghồ ghề, Ngọc Lan chịu khó tí xíu.
- Không sao mà! - Nhỏ vịn chặt yên xe.
- Ngọc Lan biết không, ba mẹ tôi mất khi tôi vừa đậu đại học,
lúc đó em tôi đang học lớp chín. Học tiếp thì quá khó khăn, nghỉ thì tiếc. Ở
quê tôi, đậu đại học là cả vấn đề.
- Em tôi quyết định hy sinh, nghỉ học làm thuê gởi tiền lên
phố nuôi tôi.
- Nhưng dạo này anh kiếm được việc làm thêm rồi mà. - Nhỏ nói
khẽ.
- Chỉ mới sau này thôi. Nhưng với em tôi thì đã quá muộn.
Thôi học sớm, đối đầu với cơm áo quá sớm, lại thêm... con gái vùng quê. Chút nữa
gặp em tôi, Ngọc Lan đừng cười tội nghiệp.
- Nhiều khi tôi muốn đi chơi đây đó, muốn tham dự một chuyến
picnic, nhân dịp nào đó muốn mua một món quà... nhưng nghĩ tới em tôi lại thôi.
Ngọc Lan thấy tôi nhà quê quá phải không?
Mắt nhỏ cay cay. Nhỏ muốn nói rằng anh là người tốt nhất đời,
em gái của anh thật tuyệt vời! Nhưng nhỏ không thể mấp máy được một lời, nhỏ sợ
mình òa khóc thì thật vô duyên.
Nhỏ đứng nhìn anh khắc lại tên vào cây Ngọc lan, bây giờ thì
tên anh Hai không còn được khắc chung nữa.
Buổi tối, nhỏ thức học bài đợi mở cửa cho anh. Có khi cả hai
đứng lại vài phút dưới tán Ngọc lan, những bông hoa trắng lấp ló như những vì
sao ẩn trong đám lá rậm.
Nhỏ cúi nhặt những bông hoa mới rụng đặt vào một cái đĩa sứ
nhỏ xinh xinh mang vào phòng anh Hai :
- Để cho thơm! Anh Hai thích không?
Thấy nhỏ bỗng ngoan quá là ngoan, anh Hai đâm ra bối rối :
- Này đĩa hoa này cho hắn hay cho anh đây?
- Cho cả hai! - Nhỏ dịu dàng trả lời. Không biết anh Hai có
hiểu được nhỏ không?
Quê nhà yêu dấu
Ông đến khách sạn vào buổi trưa, giờ vắng khách nhất. Ông chậm
rãi bước qua ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn quanh và mỉm cười với tôi, nụ cười ngượng
ngùng, hồn hậu, vô số nếp nhăn chạy quanh khóe môi và đuôi mắt:
- Chào cháu!
Thường thì khách gọi tôi bằng "cô".
- Chào bác!
Ánh cười trong mắt chùng lại khi tôi nói giá phòng :
- Luôn là đắt hơn so với người mình trong nước, tại sao?
Chẳng thương gia cũng chẳng phải khách du.
"Tôi có thể giúp gì cho ông không?" - Tôi sẽ nói với
cái câu quen thuộc và nụ cười nghề nghiệp trên môi. Nhiệm vụ của tôi là làm hài
lòng khách. Nhưng tôi biết làm gì đây cho một người trở về sau hai mươi năm xa
cách, không mong gì hơn là gặp lại quê nhà?
Quê nhà! Trước nhất là một người thân đón ông ở phi trường và
một mái nhà cho ông ngả lưng sau mấy mươi giờ dằng dặc tiếp những chuyến bay.
Ai đón ông? Chiếc taxi và người tài xế cúi chào rất đúng nghi thức. Mái nhà chờ
ông là khách sạn của tôi với giá phòng dành cho Việt kiều. Tour du lịch đi
quanh những danh thắng trong tỉnh, điểm đến điểm dừng đã được lên kế hoạch và
đánh dấu rất đậm trên bản đồ.
"Tôi có thể giúp gì cho ông không?"
Không! Tôi không thể làm được gì cho ông cả. Thuở ông ra đi
tôi còn bé xíu. Những ngôi nhà, những con đường, những góc phố, những hàng
cây... ngày xưa của ông giờ đã đổi thay. Bạn bè ông... đường đời phiêu bạt đó
đây.
- Cháu đi với bác một chút được không? Cho có bạn...
"Cho có bạn" - Ông nhìn tôi ngượng nghịu, tha thiết,
vẻ gì đó như khẩn cầu. Ánh đèn hắt vào mắt ông đốm sáng kiến tôi nghĩ đến sao
Hôm sao Mai.
Những con đường bình thường tôi vẫn đi qua chợt rộn ràng tiếng
chân ký ức của ông, ngập tràn hình ảnh và màu sắc, tình yêu và nước mắt...
- Cháu biết không, hồi đó...
Ông bắt đầu và tôi im lặng lắng nghe.
- Trước kia, chỗ này là...
Quê nhà của ông là cây chùm ruột chua chua trưa hè nghiêng
nghiêng bóng nắng, là hương hoa dạ lý mênh mang ngõ hẹp, những mái nhà thấp mưa
tí tách ngoài hiên, có cây trứng cá rụng từng trái tròn tròn nhẻ xíu, ngậm vào
miệng chưa cắn đã tan ra vị ngọt li ti trên đầu lưỡi.
Giọng thì thầm khàn khàn của ông như một lời van vỉ, và thời
gian mủi lòng quay lại. Tôi thấy ông thuở nào cùng vợ làm lụng, nuôi bầy con lớn
khôn. Sáng, trưa, chiều... ngày ngày... bà gánh hàng ra chợ, ông làm thư ký cho
một hãng buôn.
- Hồi đó ông mơ gì nhỉ?
- Bác chỉ mong con cái học hành giỏi giang, và có tiền sửa lại
cái nhà.
Con ông bây giờ đã thành đạt, và có cả ngôi biệt thự ở Cali.
Sao lòng ông không yên?
- Cháu biết không...
Tôi đang nhận biết, ông đang giúp tôi nhận Kiết. Một ông già
ngậm ngùi nỗi lý hương cho tôi được biết người ta ray rứt đến thế nào vì nhung
nhớ.
Quê nhà ông gặp lại là những ngôi nhà cao tầng sừng sững, cột
điện nối tiếp cột điện xuyên dài con đường thênh thang dấu bụi.
- Mọi thứ giờ đã hiện đại hơn nhiều - Ông rút khăn chậm nước
mắt rồi mỉm cười - Mình giàu hơn xưa phải không cháu?
- Mưa kìa bác, mình về thôi! - Tôi nhắc khẽ. Đêm buông và mưa
nhẹ, vai áo ông lắc rắc những hạt nước li ti lóng lánh dưới ánh đèn đường.
Trong cái áo len màu sẫm này, ông khác hẳn người đàn ông trong bộ veston xuất
hiện ngày đầu tiên.
Nỗi nhớ của ông là gánh chè đậu đen, tiếng rao lanh lảnh cắt
ngang giấc trưa ngắn ngủi, từng, hạt bùi bùi nhai chung với đá rau ráu mát rượi.
Nỗi nhớ của ông là ổ bánh mì nhai vội vàng trước cổng trường với món nước tương
đặc biệt và giá tiền rất đỗi bình dân.
Gánh chè không còn nữa nhưng bánh mì vẫn còn đây, nép trong
con hẻm đôi diện cổng trường Bồ Đề cũ. Một điều kỳ lạ là thời gian và bao biến
động dường như bất lực trước xe bánh mì này. Vẫn màu sơn trầy trụa lem nhem lộ
rõ thớ gỗ cũ kỹ, vẫn bà bán vóc người thấp đậm từ từ chan tương vào ổ bánh
"Đợi nghe... chịu khó đợi nghe... Tôi không làm ẩu được". Chầm chậm,
thủng tha thủng thẳng... bà làm từng ổ... từng ổ... bất kể khách chờ quanh xe sốt
ruột nhìn đồng hồ.
Bà ngạc nhiên và bối rối khi nhìn thấy một ông già sang trọng
đứng sựng trước xe nhìn bà trân trối.
- Ăn với bác một ổ nghe cháu - Ông nói, mắt nhòa lệ.
Tôi cắn ngập qua ổ bánh, nước tương quả là độc đáo. Con đường
ngược lối đi làm nên tôi không biết có xe bánh mì này. Vậy mà nó hiện diện ở
đây bao năm tháng, là chứng nhân thầm lặng của bao đổi thay và là kỷ niệm của một
kẻ tha hương.
- Ngày xưa, mỗi lần đưa con đi học, bác thường dừng lại đây
ăn một ổ, vừa ngon vừa rẻ.
Con của ông có còn nhớ?
Điểm đến là hồ Lăk. Du khách xôn xao khi biết đây đã từng là
nơi ngơi nghỉ của một ông vua. Rồi ai nấy ngậm ngùi khi nhìn thấy tòa nhà hoang
phế gai cỏ rậm rì. Đường lên tòa nhà đường bệ một thời là con dốc uốn quanh triền
đồi vắng ngắt, hai hàng sứ im lìm tỏa nhánh tơ nhện giăng đầy, khuôn viên đầy vết
phân bò khô. Ôi! Rêu phong! Tòa nhà chỉ còn trơ khung sườn và những bậc thang
dày bụi đất. Mảnh tường tróc lở nham nhở nguệch ngoạc vài hàng thơ của khách
lãng du.
Tôi và ông trèo lên tầng trên, những bậc thang dưới chân rung
rung. Ô cửa sổ nhìn xuống mặt hồ lấp lánh nắng trời lăn tăn những vòng sóng rực
rỡ. Cây Kơ nia nghiêng nghiêng triền đồi vút lên cao.
Ông nâng máy hình lên rồi hạ xuống.
- Sao bác không chụp?
Ông im lặng thở dài.
Gió lộng thúc giục chiều trôi, ráng chiều đỏ rực một góc hồ.
Cậu bé người M’Nông mình trần đen bóng như một pho tượng gỗ cùng chiếc thuyền độc
mộc vun vút lướt qua vùng ráng chiều soi bóng, mây trời lô nhô.
- Đẹp quá hả cháu? - Ông thầm thì.
Gió... Gió... Mớ tóc trước trán ông rung rung. Tôi quấn tóc lại
nhét vào mũ. Cậu bé M’Nong cắm sào giữa hồ, bắt đầu vớt rong. Trên đầu cậu, cò
bay về thật nhiều. Bóng trắng lả qua mặt hồ những đốm sáng như sao sa rồi tung
cao xóa dần trong gió. Ông xoay ống kính đuổi theo những cánh cò. Trời chiều
nghiêng vai.
- Đẹp quá cháu ơi!
Vâng, đẹp! Lúc này tôi có thể hiểu được ông đôi chút. Rất đẹp!
Con thuyền gầy, cánh cò trắng bay và bóng núi lao xao cùng bầy trẻ trần truồng
vung văng ven hồ la đà tiếng gió đùa qua hàng trúc vàng óng...
- Bác chụp cháu một tấm hình nghe? Cháu hãy xõa tóc ra... vậy
đó... cháu dễ thương quá!
Rất nhiều khách du khen tôi dễ thương. Tôi đã quen nghe những
lời khen vội vàng đến vội vàng đi. Những gặp gỡ, quen biết rồi quên lãng. Ngày
mai taxi đưa ông ra phi trường, chấm dứt tour. Ông về Cali, tôi ở lại. Có thể
nào chìm vào lãng quên lời khen chiều nay? Một lời khen khắc khoải trên đỉnh đồi
này, giữa làn gió trở mùa lành lạnh rong rêu. Một lời khen được thốt lên từ một
ông già nặng lòng hoài nhớ. Có phải một chút nỗi nhớ của ông vương vấn dáng dấp
một mái tóc thề?
- Cháu biết không... Hồi đó...
Hình như tôi đã chớm biết. Nhưng có làm gì được hơn nữa đâu.
Ngày mai ông về Cali...
- Chưa, bác xin gia hạn thêm vài ngày nữa. Bác nghe nói mùa
thu Hà Nội đẹp lắm.
Vâng! Mùa thu Hà Nội đẹp tuyệt vời! Nhưng vài ngày níu kéo rồi
cũng trôi qua.
- Sao bác không xin hồi hương? - Tôi hỏi. Cảm thấy mơ hồ
không nên hỏi vậy.
Cò từ đâu bay về nhiều quá.
- ... Làm sao được cháu? Mọi sự đã rồi... gia đình, công việc...
- Vợ bác là người Mỹ? - Tôi lại hỏi một câu không nên hỏi.
- Bà sau này là người Tàu. Cháu biết không, vừa đặt chân đến
đất Mỹ, ngày ngày bác xô cổng nhà người ta xin được làm công quét lá. Có người
rất kỹ tính, lá vàng dày đặc cả sân vẫn bảo đợi khi nào cây hết lá rồi hẵng dọn
luôn một thể. Nhiều lần, rất nhiều lần bác đợi chiếc lá cuối cùng rơi.
- Vì vậy nên đêm qua bác yêu cầu mở cửa khách sạn để bác ra
cho người quét rác tiền?
- À... đó là... bác già nên hay nhớ mông lung, nghe tiếng chổi
sột soạt... - Ông cười buồn - Có lẽ bác không đi Hà Nội... dù bác rất muốn. Bên
đó, buổi tối mấy đứa con của bác có bao giờ chịu ở nhà đâu. Chắc bà ấy đang cô
đơn lắm.
Im lặng một chút, ông cầm tay tôi :
- Cháu đưa bác ra phi trường nhé?
Một ngày cuối năm, tôi nhận được một tấm thiệp từ bên kia bờ
đại dương xa xôi. Ngay lập tức tôi nhận ra ông giữa bộn bề sổ sách thư tín...
Tôi cùng tấm thiệp đi long rong trên đường. Rồi tôi dừng lại
trước một shop sang trọng, nơi này ngày xưa là ngôi nhà của ông.
- Cháu biết không - Tôi nghe giọng ông thì thào đâu đây - Hồi
đó chỉ là căn nhà ván lợp tôn, trước sân bác trồng hoa mười giờ.
Tôi bước vào shop, lựa một tấm thiệp xuân... Mai vàng nhiều
quá... Mai vàng rực rỡ kiêu sa.
Có tấm thiệp nào in những dây hoa màu tím bò loăng quăng bờ
rào không?
Daklak - 12.1995
Thầy! Ơi thầy
Lớp học là gian phòng nhỏ bên hông Ủy Ban Nhân Dân phường. Học
trò là bọn trẻ lang thang ban ngày làm đủ việc để kiếm sống. Cô giáo là tôi.
Rơi... Rụng... Rồi thuyết phục... Lớp tụ tập đông đủ được vài
hôm rồi lại rơi...rụng... Nào là hôm qua bán vé số về tối quá nên buồn ngủ. Nào
là bị bọn quậy chận đường nên về trễ. Nào là... đủ các lý do trên đời. Có cả lý
do "Em ghét học toán trừ lắm, em chỉ thích học toán cộng thôi".
Cô giáo không dám la học trò, chỉ năn nỉ... và năn nỉ.... Tôi
đã hứa với Đoàn trường bằng mọi cách phải đưa lớp này qua hết bậc tiểu học. Lời
hứa hùng hồn giờ nhúm nhó như trái banh xì.
Giữa những dãy bàn ghế trống dần, bọn trẻ ngáp lên ngáp xuống.
Những đôi mắt díp lại nhìn chữ A ra chữ O. Tôi ngập ngừng chấm cây bút đỏ lên
trang vở, nếu mà cho điểm kém thì ngày mai cô bé này sẽ nản không đến lớp nữa.
Tay tôi khoanh một số 0 cạnh số 1, cô bé cười tươi rói. Tôi thở dài... Biết làm
gì đây?
Giữa lúc tôi sắp chịu thua thì tên con trai thò mái tóc xù
qua cửa sổ. Tôi ớn lạnh nhìn đôi mắt dưới hàng mày rậm của hắn đảo qua các dãy
bàn trống. Lớp đêm chỉ có mình tôi, còn lại là lũ nhóc. Hắn định làm gì đây?
- Trời ơi! Lớp gì mà có sáu đứa à? - Giọng hắn oang oang. Rồi
hắn toét miệng cười với tôi - Chào cô giáo!
Có vẻ hắn không giống tôi tưởng. Tôi cố nở nụ cười :
- ... Chào...
- Học trò của cô cúp cua hết rồi hả?
- ...
- Tôi thấy mấy đứa tụ tập đánh bài ngoài cột điện kìa. Không
tin hả? Ra đây tôi chỉ cho mà thấy.
Tôi bước ra. Đúng như hắn nói. Tôi nhìn hắn, rồi quay vào lớp
lại. Tôi biết làm gì đây?
- Ủa? Sao cô không ra la tụi nó mà lại im?
- ...
- Không dám la hả? - Hắn cười.
Tôi đỏ mặt. Có cô giáo nào tội nghiệp như tôi không? Học trò
thì không dám phạt. Rồi bỗng một tên khơi khơi từ đâu đến cười cợt tỉnh rụi.
Giải tán lớp thôi! Trả lại bọn trẻ cho vỉa hè. Tôi sẽ kiếm
vài đứa trẻ con nhà khá giả dạy kèm. Đường ai nấy đi.
Tôi không nghĩ người đợi mình ngoài cổng trường là hắn. Hắn
ăn mặc bê bối như lần đầu tôi gặp - quần thụng bạc phếch, hai miếng vá to tướng
đắp trên hai đầu gối, áo thun hoa hòe sặc sỡ, tóc tai bờm xờm. Chỉ có dáng đứng
của hắn là hơi ngại ngùng và khuôn mặt lộ vẻ bối rối.
- Cô giáo! - Hắn gọi tôi một cách nghiêm trang.
Tôi im lặng nhìn hắn. Trước cổng trường đại học, nhìn hắn
không đáng sợ như buổi tối đột ngột xuất hiện ở lớp đêm.
- Cô giáo nghỉ dạy thật à? - Giọng hắn buồn buồn.
Có phải hắn trách tôi không? Tôi tiếp tục im lặng. Vóc dáng hắn
cao to, có vẻ bụi bặm trần ai, nhưng rõ ràng hắn không lớn hơn tôi bao nhiêu.
- Việc tôi nghỉ hay dạy thì có liên quan gì đến anh? - Tôi
nói, giọng không mấy dịu dàng. Mơ hồ cảm thấy khó chịu.
- Tôi...tôi... - Hắn lúng túng - ...Tôi chỉ thấy tội nghiệp tụi
nhỏ.
- Nhưng chính vì tại...- Tôi bỗng muốn phân bua.
- Tại tụi nó ngu, không biết.
Câu nó đơn giản của hắn khiến tôi ngớ người. Đúng, bọn trẻ
không có lỗi gì cả, một định nghĩa xác đáng nhất "Ngu, không biết".
- Tụi nhỏ bỏ học vì không biết. Còn cô giáo bỏ dạy trong khi
cô giáo rất biết.
Tôi chỉ tròn mắt nhìn hắn mà không nói được lời nào.
- Tối nay cô giáo đi dạy lại nhé? - Hắn nói khe khẽ, chùm tóc
trước trán hắn rung rung.
- Anh...anh làm cách nào thuyết phục được bọn trẻ đến lớp?
- Tôi có cách dụ tụi nó. Tối nay... cô giáo nghe?
Bọn trẻ gọi hắn là thầy.
Cô dạy văn hóa. Thầy dạy... thể thao. Từ ngày hay tin lớp
thành lập đội bóng, sĩ số học sinh tăng lên đến không còn chỗ. Bọn con trai
chia làm hai - Đội Xóm Trên và đội Xóm Dưới. Con gái là ủng hộ viên. Ủng hộ
viên rất lộn xộn, đang theo đội này, sinh chuyện cãi nhau, mai quay qua khen đội
kia.
Điểm văn hóa được tính bằng thẻ đỏ, thẻ vàng... Từ điểm 0 đến
2 là thẻ đỏ. Điểm 3 đến điểm 4 là thẻ vàng. Dưới điểm năm coi như không được ra
sân, kể cả ủng hộ viên. Quy định này dẫn tới mỗi tối cuối tuần, học trò nhao
nhao:
- Cho em thêm một điểm đi cô ơi!
- Hay là cô cho em mượn điểm, tuần sau em trả.
Sổ điểm của tôi đầy nét gạch xóa. Tôi thật sự không biết lớp
học của mình sẽ đi về đâu. Đông học trò quá. Bao nhiêu cô cậu bé thì có bấy
nhiêu trình độ chênh lệch. Từ a b c đến lõm bõm đọc được bài ca dao ngắn. Có cô
giáo nào dạy toàn cấp như tôi không? Sau mỗi tối, tôi mệt lử, cổ đắng và khô
rát.
Hắn luôn xuất hiện lúc lớp tan. Học trò lao xao :
- Thưa cô em về. Thưa thầy em về.
- Cô giáo mệt lắm phải không? - Hắn hỏi tôi.
Không giấu diếm, tôi gật đầu.
- Tôi sợ cô giáo bị đau quá.
- Đừng gọi tôi là cô giáo, tên tôi là Thư.
- Tôi là Hùng.
- Anh làm ở đâu?
- Xưởng cưa.
Tôi cũng ngờ ngợ đoán Hùng làm một việc gì đó tương tự như vậy.
"Cầu thủ chân chính không được chửi thề".
"Cầu thủ chân chính không được trốn học".
"Cầu thủ chân chính không đánh bài, không uống rượu,
không phá phách".
"Cầu thủ chân chính mỗi tuần phải có ít nhất hai điểm
ghi bàn thắng".
Đó là những khẩu hiệu thi đua của học trò lớp tôi. Hai tháng
nữa có một trận đấu có treo giải thưởng đoàng hoàng. Phần thưởng của thầy là một
trái banh da và phần thưởng của cô là một bộ truyện cổ tích Việt Nam. Điều kiện
đặt ra là tất cả các cầu thủ tham gia trận đấu phải đọc thông thạo.
Bọn trẻ học hành tiến bộ thâý rõ. Ban chấp hành Đoàn trường
khen thưởng tôi đã có thành tích trong công tác xóa mù chữ, một phần thưởng
ngoài mơ ước - Tôi được cấp học bổng.
Lần lãnh tiền đầu tiên, tôi mua quà tặng Hùng.
- Thư phải cảm ơn anh. - Tôi nói.
Hùng đỏ mặt :
- Thư đừng nói vậy... Tôi mà... Tôi có làm được gì đâu.
- Không có anh, Thư đã bỏ cuộc lâu rồi.
Hùng ngượng ngùng xoay trở món quà trên tay, lí nhí :
- Thư tặng tôi gì vậy?
Tôi chợt nhận ra tên con trai này thật nhút nhát dù dáng dấp
bụi bặm ngang tàng. Hùng luôn cho tôi cảm giác tin cậy trên đường khuya đưa tôi
về. Cả khoa đồn ầm lên tôi và Hùng là một cặp xứng đôi. Cả bọn trẻ, chúng thường
lém lỉnh ghép "Thưa thầy cô em về!".
Chỉ có gió đêm và sao trời mới biết rõ Hùng chẳng dám nói gì
ngoài câu "Thư mệt lắm phải không? Tôi sợ Thư bị đau bỏ dạy quá". Những
bước chân càng đến gần cổng ký túc xá càng trở nên e dè, rồi sự e dè trở nên cứng
nhắc khi tôi mời Hùng đến trường chơi. "Tới trường Thư làm gì?" - Giọng
Hùng khô khan, lầm lì.Tôi không hiểu sao lại có phản ứng kỳ lạ như vậy.
- Anh mở quà ra đi.
Bàn tay to lớn đầy vết chai lúng túng gỡ sợi ruy băng đỏm
dáng điểm quanh lớp giấy gói. Mồ hôi thấm hai bên thái dương Hùng, nhìn anh
chàng ngượng nghịu đến tội nghịêp. Tôi bỗng muốn trêu chọc một chút:
- Anh sợ đau lớp giấy hay sao mà không dám xé mạnh?
- Đâu phải vậy... Tôi...Tôi... - Mặt Hùng đỏ nhừ.
Cuối cùng thì món quà cũng được tháo ra - Bộ truyện "Shô
Gun Tướng Quân". Tôi nhìn phản ứng trên mặt Hùng, đợi một lời tán thưởng
thốt ra trong dịp này, ví dụ như "À, tôi định mua bộ tiểu thuyết này từ mấy
hôm nay, Thư tặng thế này hay quá", hoặc "Tôi nghe nhiều người nói bộ
truyện này rất tuyệt"...
Tôi đợi. Hùng chẳng nói gì cả.
- Cô là ủng hộ viên của đội nào hở cô? - Bọn trẻ nhốn nháo hỏi.
- Cô ủng hộ cả hai đội! - Tôi đưa hai tay lên.
Không khí tưng bừng chưa từng thấy. Mặc kệ nắng trưa, mặc kệ
đá dăm đầy trên sân... Tiếng reo hò sôi động lăn theo trái banh tròn đầy uy lực.
Phút 88, 89, 90... Ô! Tiếng reo vỡ ra khi trái banh bay qua đỉnh
đầu thủ môn của đội Xóm Trên, nâng tỷ số lên 3-2. Đội Xóm Dưới nhảy tưng vì hạnh
phúc.
Cậu bé vừa ghi cú sút quyết định được công kênh giữa tiếng cười
tràn trề vui sướng.
- Trao giải cô thầy ơi!...
Chúng thẳng tay xé lớp giấy gói màu mè quanh món quà của tôi,
lấy những quyển truyện cổ tích ra chìa tới trước mặt tôi và Hùng :
- Cô thầy ký tên vào đây thì mới đúng là của cô thầy thưởng!
Tôi bật cười trước sự láu lỉnh của bọn trẻ. Chúng nhét cây
bút vào tay tôi:
- Ký xong cô phải viết luôn tên của cô ra, chớ nhìn loằng ngoằng
đâu ai biết đây là quà của cô đâu. Thầy cũng y như vậy nghen.
Tôi vừa cười vừa làm theo yêu cầu của học trò rồi chuyền cây
bút cho Hùng. Mặt anh đơ ra, mồ hôi rướm trên mặt.
- Viết tên đi thầy, viết gần tên cô nè...
Cây bút lóng ngóng trên bàn tay to bè. Hùng nhìn tôi trân
trân, rồi quay ngoắt vai:
- Thôi! Về!
Vẻ sa sầm của Hùng khiến bọn trẻ chưng hửng. Tôi chợt hiểu
ra. Nỗi sững sờ khiến tôi không biết phải làm gì. Bọn trẻ đuổi theo anh :
- Thầy ơi! Thầy...
Mình tôi đứng lại giữa sân vắng vẻ, vài sợi nắng chiều vương
vãi. Mắt tôi cay cay. Người con trai mù chữ này chính là thầy giáo của bọn trẻ.
Tôi chỉ là người giúp việc của anh thôi.
Giọt cổ tích rơi
Kim đồng hồ nhích dần... nhích dần... Mười một giờ đêm. Hầu
như đêm nào cũng vậy, nhưng đêm nay là đêm đặc biệt. Kỷ niệm 25 năm ngày cưới!
Vậy mà anh vẫn..
Cô vợ trẻ rơi nước mắt tủi hờn. Và khi kim đồng hồ nhích qua
số 12 thì cô bật khóc thành tiếng. Cô giật mạnh cánh cửa tủ, lôi hết quần áo
ra, lựa áo quần của mình và nhét vào va ly rồi ôm đống áo quần còn lại thình thịch
đi ra cửa. Cô định bụng sẽ quăng tất cả ra đường. Tất cả vậy là hết - tình yêu!
Hạnh phúc!...
Cửa bật mở. Hai ông cháu người ăn mày đang ngủ trên thềm giật
mình thò đầu ra khỏi mùng lùng nhùng. Nhìn thấy hai khuôn mặt gầy gò ngái ngủ,
cô vợ trẻ chợt dịu lại. Ít ra thì cô vẫn còn may mắn hơn người khác!
- Cho ông! - Cô chìa đống áo quần về phía ông già...
Thằng bé dụi mắt. Có lẽ đây là cô tiên trong chuyện cổ tích
mà hồi má nó còn sống thường kể cho nó nghe. Cô tiên xinh đẹp nhân ái, hay cứu
giúp người nghèo khổ...
Ông già thực tế hơn, vội ôm đống quần áo nhét vào bị.
Cô vợ trẻ quay nhìn cái bàn tròn phủ khăn hồng giữa phòng
khách. Mâm thức ăn tuyệt vời cho ngày kỷ niệm vẫn còn nguyên, để đến mai thì
cũng thiu. Cô lục tìm mấy cái túi nilon, trút tất cả vào và đưa cho ông già. Rồi
thay vì sách túi đi ra khỏi nhà như đã định, cô gái chốt cửa lại, ngồi phịch xuống
nền nhìn lên trần.
Hai ông cháu mừng rơn :
- Ngon dễ sợ ông há!
- Ăn nữa đi cháu, miếng này nữa nè!
Hai ông cháu chụm vào nhau, không nhìn thấy ánh đèn từ xa chiếu
lại. Đến khi chiếc xe cup đỏ khựng lại trước thềm và người đàn ông loạng choạng
nhảy nhảy xuống xe:
- Tụi mày làm gì ở đây? - Mùi rượu nồng nặc tỏa ra - Đi chỗ
khác chơi! Mở cửa! Em ơi, mở cửa! Em ơi!...
Hai ông cháu vội vàng cuộn mùng lại, hấp tấp rời khỏi bậc thềm.
Đi được một khoảng thằng bé ngoái đầu nhìn về phía cánh cửa thấp thoáng ánh
đèn. Nó thấy thương cô tiên. Hồi đó má hay kể cô tiên bị hung thần bắt về ép
làm vợ...
Ông già thực tế hơn, đưa mắt nhìn quanh tìm một chỗ nào có thể
qua đêm mà không bị chó sủa.
Ông nó mất. Nó lớn thêm tí xíu, làm công cho một hàng cơm.
Công việc hàng ngày của nó là bưng cơm đến tận các sạp trong chợ cho người ta vừa
ăn vừa bán hàng, xong bữa nó đi thu tô đĩa về. Thấy nó siêng năng hiền lành, bà
chủ trao nó việc thu tiền cơm. Bà thấy thương thương thằng bé. Nếu cuộc sống
sung túc hơn, hẳn bà sẽ làm cái gì hay hay cho nó. Nhưng kiếm sống là một việc
không dễ dàng gì nên tình thương của bà dành cho nó dừng lại ở ngày ba bữa cơm
no và một chỗ ấm qua đêm.
Cuộc sống của nó đang bình lặng trôi thì một hôm...
Người phụ nữ mặc bộ gấm vàng rực đong đưa cái ví da màu đen từ
cổng chợ đi vào, ba đứa móc túi kè kè sau lưng. Bọn này thì nó quá biết. Nó
nhún vai định quay đi thì người phụ nữ chợt nghiêng mặt lại - Cô tiên hôm nào!
Ngay lập tức nó nhận ra cô tiên của nó! Cô rất tốt với ông cháu nó. Thường thì
người ta cho cơm thừa canh cặn và quần áo cũ rách, còn cô, cô đã...
- Kìa cô! Coi chừng!... - Nó bật la lên khi thằng đi đầu đưa
tay đụng vào ví da.
Người phụ nữ hốt hoảng ôm chặt cái ví vào ngực và vội vàng bước
nhanh.
"Khụp!" Một cú đấm vào vai.
"Hự!" một cú đá vào mông.
Nó chưa cảm thấy đau vì còn mải nhìn theo người phụ nữ. Nó
mong cô nhìn lại và nhận ra nó - chính nó đã báo cho cô biết! Nhưng người phụ nữ
đã trở ra khỏi cổng chợ và khuất dạng.
"Bốp" một cái tát như trời dáng. Bầu trời xoay
tròn... Nó lảo đảo...
- Đ.mẹ! Ai cho mày nẻo mép hả thằng kia?
- Đập chết cha nó luôn.
- Tụi mày làm gì thằng nhỏ vậy hả? - Bà hàng cơm lạch bạch chạy
tới la lớn.
- Bà dạy nó lần sau câm cái miệng lại nghe. Biến, tụi bay!
Thằng đầu đàn phẩy tay, ba đứa tan vào đám đông của buổi chợ
chiều.
- Ngày nào ở chợ con cũng thấy. Hôm nay tự dưng con nói làm
gì cho tụi nó đánh? Sao con dại vậy? - Bà hàng cơm vừa xoa đầu vừa nói thủ thỉ.
Nó im lặng dựa lưng vào tường. Bộ đồ gấm vàng rực như mặt trời
và mặt trời đã vỡ thành trăm ngàn mảnh vụn. Cô ấy không nhìn lại! Cô ấy không hề...
Nỗi đau của trận đòn "hội chợ" qua đi nhưng nỗi đau
của giấc mơ cổ tích bị vỡ tan thì còn lại. Hơn cả nỗi đau, đó là nỗi thất vọng
trước sự vô tình của người phụ nữ đã từng là cô tiên trong trái tim của cậu bé
chẳng có gì ngoài một kỷ niệm đẹp đẽ để nhớ.
Một tí mảnh vỡ còn sót lại trong giấc mơ khiến cậu muốn biện
hộ cho cô tiên của mình. Cậu cảm thấy lòng ấm lại đôi chút khi nghĩ rằng chỉ vì
quá hốt hoảng mà cô tiên đã vội vàng bỏ đi chứ không phải vô tình.
Điều đó mơ hồ thôi thúc khiến một ngày kia cậu đi về con đường
có ngôi nhà của cô tiên ngày nào. Cậu bước tới, bước tới... Vẫn cánh cửa đó, bậc
thềm đó, vẫn chiếc xe cup đỏ dựng trước hiên nhà. Có tiếng nhạc trong nhà vọng
ra và cậu bước chậm lại. Xen trong tiếng nhạc có tiếng khóc khiến cậu bồn chồn
- Gã Hung Thần đánh cô tiên sao? Cậu gần như dừng hẳn lại để nhìn vào trong.
Một đứa bé đang khóc trên tay người đàn ông, nó chòi đạp dữ dội,
còn ông thì vừa cười vừa ôm nó vào lòng. Bên cạnh ấy là một người phụ nữ mặc bộ
gấm vàng hôm nào.
- Cậu hỏi ai?
- Không... - Cậu lắc đầu, lòng đau nhói trước ánh mắt xa lạ của
người phụ nữ đã từng là cô Tiên của mình. Tí mảnh vỡ cuối cùng của giấc mơ còn
sót lại chảy tan thành hơi cay xông lên mi mắt.
Cậu chậm rãi bước tiếp, lòng buồn lặng. Nỗi buồn thật khác với
những nỗi buồn từ trước đến giờ cậu đã trải qua. Khác xa với nỗi buồn của thời
thơ ấu cơ cực, khác xa với nỗi buồn vì cô độc... Một nỗi buồn lạ mang dư vị nuối
tiếc, xót xa, bứt rứt...
Cậu không biết rằng mình vừa chia tay với thời niên thiếu.
Bụi thời gian
Ong bước vào nhà tôi thật bất ngờ.
- Con trai bác bận quá. Cháu có đồng ý cho bác sửa máy của
cháu không? Hay là... chê bác già nua lẩm cẩm thì đợi vài ngày nữa con trai bác
đến?
Ông nói một cách dí dỏm buồn buồn, mắt ông nhìn tôi như muốn
nói thêm "Tôi biết bây giờ bọn trẻ không cần đến mấy ông già đâu. Nếu cô
không dám cho tôi đụng đến cái máy của cô thì tôi sẽ về ngay, không sao hết,
tôi hiểu mà".
Tôi chợt thấy thương thương ông.
- Hồi đó bác dạy nghề cho con bác chứ ai! - Ông nói thêm.
- Dạ!
Tôi ôm đống áo quần cắt rồi mà chưa may được ép qua một bên để
rộng chỗ cho ông ngồi. Hôm nay là hai mươi lăm Tết rồi mà máy may hư thì có
chán không? Tôi thở dài thườn thượt. Ông hiểu cái thở dài của tôi theo cách
khác:
- Cháu yên tâm. Bác sẽ làm đàng hoàng cho cháu. Từ trước đến
nay bác vẫn lấy chữ tín làm đầu.
- Dạ không! - Tôi vội vàng đính chính - Cháu chỉ sợ khách may
đồ càu nhàu vì trễ hàng của họ thôi.
Ông mở hộp đồ nghề ra. Bàn tay ông gầy gầy nhưng vẫn nhanh nhẹn.
Ông sửa lại cặp kính và mỉm cười với tôi trước khi cúi xuống tháo máy ra. Khi
ông lặng im không trò chuyện, nhìn ông giống như một thầy giáo già.
Ông tháo, vặn... tiếng lách cách vang lên khe khẽ giữa ban
trưa lặng lẽ. Trời im lìm không một gợn mây. Tôi vừa nhìn ông làm, vừa sốt ruột
nhìn đồng hồ.
- Cháu cho bác xin ly nước.
- Xin lỗi bác, cháu quên...
Tôi vội vàng pha một ly trà đường đem đến cho ông.
Ông ngừng tay, mỉm cười. Nụ cười của ông thật dễ mến.
Vừa nhấp môi vào ly thì ông khựng lại, một đốm sáng lóe lên
trong mắt ông:
- Nhà cháu hay uống trà đường?
- Dạ mỗi khi mệt mẹ cháu hay uống trà đường. Cháu tưởng... ai
cũng vậy. Để cháu rót ly khác cho bác.
- Không không! Bác cũng thích uống mà.
Ông nhìn tôi chăm chú đến nỗi tôi bối rối. Tôi có thói quen
là thích cái gì, thì hay mời người khác thứ đó. Như khi anh tôi nhờ mua vải thì
tôi mua về một xấp vải màu tím vì đó là màu tôi thích.
Không nhìn tôi nữa, ông đưa mắt nhìn quanh phòng. Ánh mắt ông
ngừng lại ở khung hình tôi treo đối diện cửa sổ. Nắng xế chiếu trên tấm kính mờ
bụi.
- Đây là ba mẹ cháu? - Giọng ông chợt khàn đi.
- Dạ! Kia là anh, chị và cháu - Tôi chỉ tiếp vào ba khuôn mặt
còn lại.
- ... Đi đâu hết rồi mà nhà vắng vậy cháu?
- Dạ ba cháu mất lâu rồi. Anh cháu đi làm. Chị cháu về làm
dâu nhà người ta.
- Còn... mẹ cháu?
- Mẹ cháu đi bốc thuốc bắc chưa về.
- Mẹ cháu đau?
- Dạ, mẹ cháu đau hoài, mấy ngày là phải bốc thuốc một lần.
- À... - Ông nói điều gì đó tôi không nghe rõ, rồi ông tiếp tục
sửa máy. Bất chợt, ông ngước nhìn tôi qua cặp kính trong suốt :
- Vậy cháu là con út của mẹ? - Giọng ông ấm áp và trìu mến đến
nỗi tôi cảm thấy ông thật gần gũi.
Khi ông sửa xong thì trời đã sụp tối.
- Bác tính tiền giùm cháu! - Tôi nói và không hiểu sao tôi cảm
thấy bối rối, tựa như mình đang đề cập đến một điều tầm thường.
- Bác sửa dùm cháu thôi! - Ông nói nhẹ nhàng.
Ông nhìn mông lung ra cổng. Giàn hoa sói vàng rợp bóng đêm :
- Giờ này mà anh cháu chưa về sao?
- Dạ, anh cháu hay đi nhậu về tối lắm.
Ông vừa xếp đồ nghề vào cái hộp sắt, vừa nhìn ra.
- Bác đợi ai đến đón phải không?
- Không. Mẹ cháu sắp về chưa?
- Cháu không biết. Thường thì giờ này mẹ cháu đã về rồi.
- Vậy à! - Ông lắc lắc mái tóc muôi tiêu và khẽ lắc cổ, tiếng
khớp xương kêu "rắc" rất nhỏ. Rồi ông khoanh tay trầm ngâm nhìn khoảng
không gian tím thẳm dưới giàn hoa.
Tôi chẳng hiểu ra làm sao nữa. Có điều gì là lạ ở đây.
Tôi đứng ngẩn nhìn ông. Biết làm gì đây với một ông thợ già
sau khi sửa máy xong không chịu lấy tiền công rồi lại còn ngồi trầm tư xa vắng?
Trời tối hẳn.
- Cháu này.
- Dạ!
Ông nhìn tôi đăm đăm, đường gân xanh bên thái dương ông hằn
rõ và những sợi tóc bạc rung rinh theo mạch máu. Đôi mắt ông đượm buồn và tôi lại
thấy thương ông.
Giờ thì tôi thấy mình cũng kỳ khôi.
- Ngày xưa bác là bạn của mẹ cháu! - Ông nói chầm chậm với một
nụ cười hoài niệm, những nếp nhăn quanh mắt ông xếp lại.
Tôi ấp úng... Người yêu cũ của mẹ? Lạy trời...
- Bác...
- Hồi đó mỗi lần bác đến chơi nhà, mẹ cháu cũng pha trà đường
cho bác. Đó là thói quen của ông ngoại cháu.
- Dạ... - Tôi ậm ự không biết nói gì.
- Cháu không giống mẹ, nếu giống thì bác nhận ra ngay. Cháu
cũng không giống ba - Giọng ông vui vui - Chắc là cháu giống cô phải không?
Hừm... ừm... ừm! Tôi im lặng. Ông nhận xét đúng. Tôi giống bà
cô ở cái trán dồ, đôi mắt một mí và cái mũi hếch.
- Trời ơi! - Ông kêu nho nhỏ.
- Gì vậy bác? - Tôi chợt giật mình.
- Không! Bác nghĩ đến tí nữa mẹ cháu về. Hai người già chẳng
biết nói gì chỉ biết kêu lên "Trời ơi!" - Ông lại nhìn ra cổng. Những
bông hoa sói như những cái chuông vàng rung rinh.
Vậy ra ông định đợi mẹ tôi về! Chưa bao giờ tôi tưởng tượng
ra được một câu chuyện lãng mạn như thế này.
- Cháu nấu mì hai bác cháu mình ăn nghe bác? - Tôi nói, lòng
thấy vui vui một cách kỳ lạ. Tôi thấy mến ông, ông thật cởi mở, chân thành và dịu
dàng.
- Đừng nấu nướng mất công. Bác về ngay bây giờ mà.
- Bác ơi! - Tôi vội vàng hỏi vì sợ chẳng bao giờ gặp lại ông
nữa. Hôm nay chỉ là tình cờ và tôi rất muốn biết về mẹ khi còn trẻ - Hồi đó
sao... bác và mẹ cháu chia tay nhau?
- Ờ... Chẳng biết ra làm sao nữa - Một vùng tối thoáng qua mắt
ông và ông lại cười hiền - ... Giận hờn gì đó. Bác xin lỗi mà mẹ cháu đâu chịu
nghe.
- Rồi... vậy thôi hả bác?
- Ờ... thì vậy thôi. À - khuôn mặt ông tươi lên, những nếp
nhăn dãn ra - Hồi đó mẹ cháu hay mặc áo vàng, để tóc thề rất dễ thương. Mẹ cháu
lại có một cái răng khểnh duyên duyên. Bác làm thơ - Ông cười thành tiếng với một
vẻ ngượng ngùng dễ mến - Bác ví mẹ cháu là mặt trời vàng "Mặt trời vàng lặn
cuối chân mây xa", bác vẫn còn nhớ bài thơ đó - Ông nói như thủ thỉ.
Kim đồng hồ nhích qua số bảy.
Một điều gì đó dâng lên trong tôi. Thì ra ngày xưa mẹ là như
vậy. Tội nghiệp mẹ!
Và tội nghiệp cả cho ông!
Trong tiềm thức của ông, mẹ vẫn là cô thiếu nữ ngày nào áo
vàng, tóc thề và cái răng khểnh duyên duyên - Mặt trời vàng!
Bao nhiêu năm tháng đã đi qua!
Giàn hoa sói đong đưa rù rì. Cơn gió cuối năm cuốn theo bao
nhiêu là bụi và lá khô.
- Bác! - Tôi muốn khóc và tôi cố nuôt xuống - Cháu quên. Tối
nay mẹ cháu ngủ lại nhà chị cháu.
Lạy trời mẹ đừng về vào lúc này. Hãy để ông giữ mãi trong
lòng mặt trời vàng dễ thương của ông ngày nào.
- Vậy à? - Ông nhìn tôi ngỡ ngàng. Lời nói dối quá đỗi vụng về.
Mặt ông đỏ lên. Ông đứng dậy, xách hộp đồ nghề.
Tôi đưa ông ra cổng. Giọng ông khàn khàn trong gió lộng :
- Cháu vào nhà đi kẻo lạnh!
Tôi nhìn theo dáng ông lom khom, cánh tay đong đưa trong khoảng
không lặng lẽ.
- Mong ai mà đứng ngẩn ra vậy con?
Tôi giật mình. Mẹ về!
- Sao hôm nay mẹ về trễ vậy?
- Gặp bà bạn cũng bị đau giống mẹ, nói chuyện quên cả trời tối.
Con nghĩ gì mà tiếng xe thồ nổ thật to con cũng không nghe?
"Con nghĩ về Mặt trời vàng", tôi thầm trả lời mẹ và
chợt nhìn mẹ thật kỹ. Mẹ đi vào nhà, tôi theo sau mẹ. Thuở tôi còn nhỏ, mẹ gầy
gò, dáng tất bật âu lo. Giờ mẹ mập phì lại thêm chứng thấp khớp, đi cà nhắc nặng
nề thấy mà thương. Búi tóc nhỏ xíu sau gáy bạc trắng. Ngày xưa, đó là một mái
tóc thề! - Tôi lẩm bẩm với mình.
- Anh con về chưa? - Mẹ vừa hỏi vừa buông người xuống ghế,
đưa tay xoa hai đầu gối chân. Ba thang thuốc bắc rơi trong lòng mẹ tỏa mùi ngai
ngái.
- Mẹ, chiều nay con không nấu cơm. Tí nữa ăn mì nghe mẹ.
- Ừ, mì cũng được. - Mẹ thở ra một hơi dài và day day hai bên
thái dương. Mắt mẹ nheo lại dưới ánh điện, da mẹ lăn tăn vết nhăn và lấm chấm
nâu. Tôi nhìn mẹ chăm chăm. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ có răng khểnh cả. Vậy mà một
thời mẹ đã có. Nó đâu rồi?
Tôi đưa mắt nhìn ra khoảng không dưới giàn hoa sói, tưởng như
ông còn đứng đó, giọng khàn khàn "Cháu không giống mẹ lắm, nếu giống thì
bác đã nhận ra ngay".
- Rót cho mẹ ly nước đi con!
- Một ly trà đường hả mẹ? - Tôi hỏi lại với nụ cười vu vơ. Mẹ
gật đầu.
Khi tôi pha xong ly trà thì mẹ đã thiu thiu ngủ.
Tháng 6/1996 Nguyên Hương
Tháng 6/1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét