Gia sư 2
Khúc tình xanh
Bốn, năm tên con trai đứng giữa cửa cùng quay lại nhìn tôi chằm
chằm. Lúng túng một chút, tôi tiếp tục xách vali bước tới. Người ta nói với ba
má tôi đây là một nhà trọ rất khá, tại sao có những tên bất lịch sự đến thế
kia? Người ta nói con trai thành phố lịch sự lắm, sao chẳng có tên nào tỏ vẻ muốn
xách dùm tôi cái vali nặng trĩu?
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, một tên chìa tay ra. Tôi rụt
tay lại. Biết ai là ai mà đưa đồ của mình cho họ!
Những tên còn lại cười hích hích, hình như cười tên vừa bị từ
chối chứ không phải cười tôi. Tôi làm mặt nghiêm trang :
- Xin lỗi, cho hỏi đây có phải...
- Dạ, chính nó, thưa cô - Bàn tay vừa chìa ra ngay lập tức
khoanh thành một kiểu chào rất cung kính - Đây là nhà trọ Hoa Sen tốt nhất giữa
thành phố chật chội này. Và đúng như tên gọi, ai được là khách trọ nơi đây nghĩa
là đã được chứng nhận loại khá trở lên về mặt đạo đức...
Những tràng cười tắc lại trong cổ. Tôi chẳng còn cách nào
khác là đứng lại nghe vì cửa ra vào bị chắn ngang.
- Thưa cô, bà chủ có việc bận nên lệnh cho chúng tôi đón cô
và hướng dẫn mọi điều cần thiết. Trước hết xin tự giới thiệu, Tôi là Danh, kia
là X, Y, Z, H. Chúng tôi là sinh viên trọ tại đây. Do tính tình thật thà dễ
thương nên được bà chủ yêu quí như người nhà. Mở ngoặc đơn, tiền trọ không vì vậy
mà miễn giảm, đóng ngoặc đơn.
Tiếng cười bật ra khanh khách hỉ hả. Tôi cũng cười.
- Thưa cô, What’s your name? And where are you from?
Xì! Tưởng gì. Tôi nheo mắt nhìn Danh. Ta đây lấy bằng C tiếng
Anh từ giữa năm học 12. Và vì quyết tâm lên thành phố học nên ta cũng đã qua vi
tính. Tóm lại là ta vũ trang khá đầy đủ trước khi đến đây. Chưa kể những tép tỏi
má nhát đầy túi và vali đề phòng bùa ngải!
Tôi nhẩm một câu tiếng Anh khá dài và lắt léo định dọa lại
thì bà chủ xuất hiện. X, Y, Z, H lẫn Danh chạy biến.
Bữa cơm tối tôi không gặp lại Danh và hôm sau, hôm sau nữa
cũng vậy. Sau này tôi mới biết ngày tôi đến cũng là ngày Danh bán bộ quần áo
tươm tất nhất để trả tiền trọ và đi ở "bụi".
Thỉnh thoảng, đụng đầu Danh ở cổng trường, tôi hỏi:
- Dạo này ở đâu?
Khi thì Danh trả lời "Ở nhờ thằng bạn", có khi câu
trả lời tưng tửng "Chưa biết, có lẽ tối nay phải ngủ vỉa hè quá". Cứ
thêm mỗi lần gặp, tôi thấy Danh đen hơn, gầy hơn. Nhưng vẻ lém lỉnh thì không
thay đổi.
- Sao chẳng bao giờ thấy Danh đội mũ?
- Một bậc cao đạo nào đã nói tóc ướt nhanh khô hơn mũ - Danh
trả lời với một vẻ phớt lờ rồi bật cười khẽ nói thật nhanh - Tiền mua mũ đủ sống
được vài ngày lây lất, tiểu thư ạ!
Có trời mới biết được Danh lúc nào thật, lúc nào đùa. Nhưng
tôi cảm thấy vui khi gặp và nghe Danh trò chuyện. Dẫu quần áo Danh thường nhàu
nhò, và đôi khi Danh bật ngáp không kịp che miệng, nhưng vẻ tự tin thẳng thắn
đượm khôi hài của Danh khiến tôi có cảm giác cuộc sống dù khó khăn đến mấy người
ta vẫn có cách chịu được.
Nhưng tại sao gọi tôi là tiểu thư chứ? Vì tôi được gia đình
chu cấp đầy đủ? Hay vì bà chủ trọ canh gác tôi nghiêm ngặt đúng theo thư của ba
má tôi gửi gắm hàng tháng. Lần nào Danh ghé, bà chủ cũng chỉ có một câu để trả
lời: "Thảo nó bận học". Rồi sau khi Danh về, bà đập cửa phòng tôi:
"Càng ngày bác càng thấy nó sao giống đồ lừa đảo quá". Ban đầu tôi
ghét bà kinh khủng, nhưng sau tôi biết tất cả những tên con trai đến tìm con
gái đang trọ ở nhà bà đều là đồ lừa đảo! Có lẽ vì vậy mà các bậc cha mẹ đều muốn
gửi con gái cho bà.
Một ngày gần mùa thi, đang đi dọc hành lang, tôi đụng đầu
Danh đang ngược lại. Ô, hôm nay Danh lạ hẳn. Quần áo ủi ly phẳng cứng, áo trắng
tinh và một cái cà vạt xanh đậm. Thật đàng hoàng nghiêm chỉnh. Tôi lục soát thật
nhanh bộ nhớ trong đầu. Không nghe bất cứ thông tin nào hôm nay là trường tổ chức
lễ lạc gì cả. Danh đi đâu mà quá chừng lịch sự thế kia?
- Đi học! - Danh cười.
- ...
- Chứ Thảo nghĩ Danh đi đâu?
- ...
- Danh xin được việc làm ở một nhà hàng ngoại quốc. Đây là đồng
phục của nhà hàng. Vừa xong ca, sợ trễ học quá nên không kịp thay quần áo, cứ vậy
chạy luôn đến đây. Mà... Thảo thấy Danh đẹp trai không?
Câu cuối cùng Danh nói thật nhanh, vừa nói vừa nháy mắt. Tôi
phì cười:
- Đẹp! Danh làm gì ở đó?
- Bồi bàn - Danh tỉnh bơ khoe một tràng - Khi nào Danh sẽ biểu
diễn cách pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ mời Thảo uống hoặc kiểu Santana, kiểu
Braxin. Kính thưa quý khách - Danh đặt tay lên ngực, cúi đầu cung kính - Nhà
hàng chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp. Nếu ngài là người Ấn Độ, chúng tôi sẵn
thau nước thơm để ngài rửa tay sau khi ăn bốc. Mở ngoặc đơn, nếu ngài có nhu cầu
cắt móng tay trước khi ăn, nhà hàng chúng tô sẵn sàng phục vụ muễn phí, đóng
ngoặc đơn.
Không thể nín cười được, tôi che miệng lại. Khi tôi bỏ tay
ra, Danh đã biến sau cửa lớp, để lại những vệt giày trên hành lang.
Có lẽ công việc ở nhà hàng cũng ổn định nên những lần gặp
nhau Danh không có vẻ quá vội vàng nữa tuy gầy rộc và lộ vẻ mất ngủ, nhà hàng
thường khách khứa đến gần sáng.
Nói dối là đi thăm thầy giáo bị đau phải nằm cấp cứu (lý do
này Danh bày tôi, ý là nếu không đi thăm ngay sợ không còn dịp), chúng tôi đi uống
nước chanh ở một quán ven đường. Danh kể tôi nghe đủ chuyện trên trời dưới đất,
đến lúc ly chỉ còn lại cái xác chanh và vài cục đá vụn, Danh nói nhỏ vào tai
tôi:
- Đừng có giành trả tiền nghe. Hôm nay Danh giàu lắm.
- Lương ở đó cao lắm hả?
- Cũng dễ thở. Chỉ cần công việc ở đó kéo dài đến ngày ra trường
là Danh sống khỏe.
Tôi không tin Danh sống khỏe, và hơn nữa, nếu thời gian bươn
chải kiếm sống được dành cho việc học thì chắc hay hơn nhiều. Tôi nói nhỏ:
- Hay là Thảo bớt tiêu xài... Danh...
- Không! - Danh xua tay dứt khoát - Đừng bắt Danh nhận tiền của
Thảo. Danh là con trai mà.
Có một người bạn trai đầy dũng khí như vậy thì cũng đáng tự
hào. Cả khoa ai cũng mến Danh. Bọn con gái thường liếc tôi từ sau lưng, ngay cả
Dung hoa khôi cũng vậy.
Bà chủ nhà cũng lườm liếc nhưng với ý nghĩa khác. Một hôm bà
nói, có ý bâng quơ :
- Cô thầy dạy ở trường Thảo dạo này đau ốm hơi nhiều.
Tôi đỏ mặt ú ớ. Bà đưa cho tôi hai lá thư má gửi"
"Nghe nói con làm bạn với một cậu con trai đáng ngờ. Má lo lắm..."
Má lo lắm. Nhưng tôi hiểu, nếu mà có dịp gặp Danh, má sẽ yên
tâm hơn. Bỗng nhiên... nhân lá thư này, tôi muốn làm eo với Danh một chút. Người
yêu phải khổ sở vì mình mới vui!
Tôi nói với Danh "má cấm". Và tôi phịa thêm:
"Má đã chọn một đám rất thân ở nhà". Danh buồn đến thẫn thờ.
Người thẫn thờ tiếp theo là tôi.
Danh tránh mặt, hoặc chỉ là nụ cười thoảng qua nếu không kịp
ngoắc người trước cổng trường.
Bạn bè kể vì bất đồng với ý kiến với quản lý nhà hàng nên
Danh nghỉ ở đó. Bây giờ Danh tiếp tục bụi, nghĩa là gặp việc gì làm việc đó. Rồi
lại nghe nói Danh đang đạp xích lô vòng quanh phố phường và thật tuyệt nếu có vị
khách du lịch nào yêu cầu bác tài kiêm nhiệm luôn chức hướng dẫn viên.
Một ngày cuối năm, tôi co ro trong lớp áo len dày, tôi cắm
cúi đi nhanh về nhà trọ để tránh những cơn gió lạnh lẽo.
- Mời lên xe! - Chiếc xích lô dừng lại, Danh trong cái áo sơ
mi cũ nhìn tôi dưới mớ tóc bù xù trước gió - Xin tiểu thư yên tâm, dịch vụ du lịch
của chúng tôi sẽ đưa tiểu thư về đến nhà bình an. Tiểu thư hãy nói với mẫu hậu
rằng chỉ là đi xích lô mà thôi. Mở ngoặc đơn, miễn phí, đóng ngoặc đơn.
Vẫn là kiểu nói chuyện quen thuộc nhưng khuôn mặt Danh buồn
quá đỗi. Thằng con trai bất chấp mọi khó khăn để đến được giảng đường lúc này
sao quá cô đơn, vẻ tổn thương nhòa ánh mắt.
Trò đùa của tôi đã đi quá xa. Tôi òa khóc :
- Sao Thảo khóc?
Chiếc xích lô lọang chọang trên phố. Thân hình tôi lắc lư nhấp
nhỏm theo từng cú dằn xóc. Dân chuyên đưa rước khách du lịch cớ sao cứ cho xe
rơi xuống ổ gà?
Vẫn là những cơn gió cuối năm nhưng không còn quá lạnh nữa. Từng
vòng quay chầm chậm, giọng Danh át tiếng gió :
- Đợi nghe Thảo. Hai năm nữa Danh ra trường... Chắc lúc đó má
Thảo không quá lo sợ tiểu thư khổ. Mở ngoặc đơn, má vô cùng ân hận vì hồi đó đã
cấm cản tình duyên hai đứa, đóng ngoặc đơn.
Đang khóc tôi cũng phải phì cười.
- Hôm nay trời đẹp quá. - Danh ngâm nga.
- Mình mua cái gì kỷ niệm ngày hôm nay đi Danh. - Tôi buộc miệng
và chợt nhớ ra, tôi vội nói thêm - Thảo mới nhận tiền nhà gởi.
Danh lắc đầu. Biết ngay là từ chối mà. Danh ngừng xe nhảy xuống
lục túi áo túi quần. Tất cả các túi chỉ có vỏn vẹn hai ngàn đồng.
Tôi ân hận ngồi im không nói gì. Danh ngần ngừ một chút rồi mỉm
cười:
- Đủ mua một tờ vé số đó Thảo. Để Danh ép nhựa rồi làm một
cái khung treo lên tường. Sẽ là bức tranh đẹp nhất.
Danh là vậy, luôn tìm ra cách giải quyết trong mọi trường hợp.
Cách giải quyết ngày hôm nay mới dễ thương làm sao.
Cậu bé bán vé số ngờ ngợ nhìn Danh "Tuần trước chú mua
vé số của cháu nè. Trúng mà sao không thưởng gì hết?". Nhìn khuôn mặt ngạc
nhiên của Danh, nó đưa ngón tay trỏ lên trời: "Một triệu đồng, giải
ba".
Danh nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Rồi Danh thầm thì:
"Đó không phải là vé số. Đó là bức tranh kỷ niệm".
Bạn bè bàn tán ồn ào chia làm hai phe. Phe này cho rằng bao
lâu nay không trúng số Danh vẫn sống. Vậy thì hãy giữ tờ vé số đã ép nhựa như một
kỷ niệm lãng mạn đẹp đẽ. Vả lại một triệu đồng không phải là món tiền quá lớn
cho nuối tiếc.
Phe còn lại la lên: "Đồ điên. Hơ nóng cho nhựa bong ra
mà đi lãnh tiền về xài. Một triệu đồng với Danh là vài bộ quần áo tươm tất, là
vài chục ngày ăn uống đủ dinh dưỡng, là những cuốn sách nghiên cứu quí giá mà
sinh viên ít dám mơ vì con số in ở cuối bìa sau, là nghỉ ngơi sau vài ngày trên
đường bươn chải kiếm sống, là một chuyến về quê thăm nhà vào dịp Tết này,
là..."
Hai phe cãi nhau chí chóe. Thời hạn giá trị của tấm vé số ngắn
dần. Bọn con trai chận tôi lại:
- Gật đầu chịu lãnh tiền đi Thảo. Danh nó đợi ý Thảo mà.
Tôi biết. Thật thú vị khi mình có quyền với ai đó. Tôi không
lắc đầu cũng chẳng gật đầu, im lặng tận hưởng sự do dự trong Danh và nỗi tức giận
ghen tị của bọn con gái.
Dung hoa khôi băng ngang mặt tôi. Trời mùa đông lạnh ngắt, mặt
Dung bừng đỏ:
- Thảo thật độc ác!
Tôi không trả lời Dung. Rồi tất cả sẽ hiểu. Đây chỉ là đùa
vui thôi mà. Đến ngày cuối, tôi sẽ gật đầu. Món quà đầu tiên mua từ món tiền đó
sẽ là một cái mũ thật đẹp cho Danh, và sau đó là một cái áo len thay cho cái áo
đang có đã quá sờn. Công ty Xổ số hẳn là ngạc nhiên trước tấm vé số được ép nhựa
đóng khung cẩn thận đến vậy. Tôi cười vui một mình.
Nhưng trước khi tôi gật đầu, Danh đã đến với tấm vé số bị cắt
làm bốn mảnh:
- Ban đầu Danh nghĩ chắc mình không thèm lãnh tiền nhưng càng
về sau... Danh sợ... Cho nên... Thôi, cắt nó ra... có muốn lãnh cũng không được
nữa. Vậy cho yên - Danh mỉm cười yếu ớt - Mở ngoặc đơn, giờ đây chúng ta có bốn
bức tranh thay vì một, đóng ngoặc đơn.
Bất chấp ánh mắt soi mói nhăn nhó của bà chủ nhà, tôi mặc hai
cái áo len rồi đi ra phố. Hàng cột điện như hai hàng lính, ánh đèn tỏa xuống phố
xôn xao bóng người đến cuối năm.
Chiếc xích lô vắng khách tựa vào cột điện không xa lắm. Danh
đó, quyển sách đang mở rộng trên gối chân, bàn tay gầy đặt ngang trang giấy trắng.
Tôi bước đến gần. Không có vẻ gì là vui khi thấy tôi cả. Danh giận tôi sao? Tôi
đến gần hơn nữa. Danh đang ngủ. Chẳng biết vì bụi hay ánh đèn vàng mà tóc Danh
ngả màu hoe hoe.
08.1996
Có một mối tình
Sáng hủ tíu, trưa cơm đĩa, chiều cháo lòng. Ngày ba bữa nó đi
tới gánh hàng ăn đó. Vì nhu cầu ăn uống thì ít (chợ này thiếu gì hàng ăn) mà vì
con nhỏ thì đúng hơn.
Chẳng biết từ bao giờ, hễ bà chủ ngồi bán, con nhỏ dọn dẹp
thì không nói gì. Mỗi lần bà chủ bận việc giao hàng cho con nhỏ bán thì tô hủ
tíu hoặc đĩa cơm của nó thế nào cũng được thêm một miếng thịt, một miếng đậu hoặc
một con tôm. Điều này là một bí mật giữa hai đứa - là bí mật và một niềm vui!
Riêng bữa ăn chiều thì bất tiện. Nó làm nghề khuân vác ở bến
xe. Chiều mà ăn cháo thì không đủ sức để vác hàng khi có xe về khuya. Nhưng
không ăn cháo thì lấy cớ gì để đi tới đó? Vậy là nó ăn cơm ở một nơi khác và tới
đó ăn thêm tô cháo. Tốn tiền hơn nhưng cuộc đời vui hơn!
Buổi tối, dưới mái hiên của hành lang khu vực văn phòng bến
xe liên tỉnh, chỗ ngủ bao năm nay của nó, nó gác tay ra sau gáy nằm tưởng tượng
ra giờ này chắc con nhỏ đang rửa tô chén nồi niêu và làm hàng sớm mai bán. Rồi
nó tự hỏi: "Không biết con nhỏ có nhớ tới mình không?". Nó đỏ mặt
trong bóng đêm và thấy lòng lâng lâng một cảm giác lạ lùng. Con nhỏ mời khách
và ánh mắt vụt sáng rỡ lên khi nhìn thấy nó tới, tia cười lấp lánh trong mắt
con nhỏ đủ cho nó không cần ăn mà vẫn thấy no.
- Mày không ăn chỗ khác đổi món, ăn hoài ở quán bà Thơm không
ớn hả Năm Tạ?
Năm Tạ là biệt danh mà dân khuân vác bến xe đặt cho nó sau lần
xe ba gác tới chậm, sợ trễ giờ xe hàng chạy, nó vác năm bao hàng mỗi bao gần một
tạ đi phăng phăng từ nhà chủ đến bến xe. Còn tên của nó thì người ta đã quên từ
lâu rồi. Cả nó, nó cũng không muốn nhớ tên cũ của mình dù nó biết nó đã từng có
một cái tên, tên do bà mẹ nuôi đặt cho nó. Bà thường kể cho mọi người rằng bà
lượm nó trên đường chạy sặc tiếng đạn bay của chiến tranh, lúc đó nó đang khóc
ngằn ngặt bên xác má nó. Bà hay nói rằng bà nuôi nó làm phước. Năm nó mười ba
tuổi. Thằng con trai của bà trạc tuổi nó bị dịch tả chết, bà vật vã khóc và rên
đi rên lại: "Trời ơi là trời! Sao không chết thằng này mà chết thằng
kia". Nó lẳng lặng bỏ nhà ra đi. Bị hiếp đáp có, nó ăn hiếp đứa khác cũng
có, và móc túi người khác cũng có... Người ta gọi nó là "thằng kia",
"thằng to đầu", có người gọi "Ê, nhờ chút coi". Lần bị cảnh
sát bắt giữ vì tội đánh bài, hỏi tên nó lầm lì "Không biết". Một cái
tát và nhốt ba ngày. Lần sau lại bị bắt vì tội đánh nhau, lại hỏi tên, nó vẫn lầm
lì "Không biết", trả lời xong nó hất mặt lên chờ một cái tát khác.
Nhưng may cho nó, lần này là một anh cảnh sát khác. Anh hỏi nó có muốn làm việc
đàng hoàng không?
Nó trở thành công nhân của "Tổ hợp làm chổi đót".
Được sáu tháng, tổ hợp tan tành vì vỡ nợ. Nó lại thất nghiệp. Ngày tháng lang bạt
lại tiếp nối và bây giờ nó làm phu khuân vác ở bến xe...
- Chưa ngủ sao mà trăn trở hoài vậy Năm Tạ? Ngủ chút đi lấy sức,
khuay xe hàng về mà làm.
- Mày ngủ trước đi! - Nó trả lời cụt lủn.
Vài phút sau, Sáu Móm, cũng dân bến xe như nó, đã quấn mền ngủ
khì. Nó không ngủ được. Nó nằm nhìn bầu trời qua trần mùng rách lỗ chỗ. Mái
hiên rộng nên bầu trời bị che khuất một nửa, phần nó nhìn thấy là vầng trăng lưỡi
liềm với quầng sáng mỏng mảnh và nó mỉn cười, khi nhận thấy quầng sáng mỏng giống
màu áo cũ con nhỏ.
Thường thì bà chủ chỉ gánh hàng cho con nhỏ vào những lúc vắng
khách. Hôm nay bà chủ đi đâu giao cho con nhỏ bán suốt cả ngày.
Điã cơm trưa của nó đầy ụ và nhiều thiệt trứng đến nỗi nó ngồi
ngẩn ra thật lâu trước khi ăn. Điều gì đó tưng bừng hân hoan trong lòng nó. Rồi
đến khi móc túi trả tiền, con nhỏ đảo mắt nhìn quanh rồi nói nhanh:
- Thôi, cất tiền đi!
Nó sững sờ. Nhưng phản xạ của một kẻ từng trải trong nghề làm
thuê mướn khiến nó nhét lại rất nhanh tờ giấy bạc hai ngàn đồng vào túi trước
khi có ai kịp thấy để méc lại bà chủ.
- Sao không lấy? - Nó lúng búng trong miệng, xúc động đến run
tay.
- Đã nó là thôi mà! - Con nhỏ cười cười trả lời, mặt ửng đỏ.
Suốt buổi chiều đó, nó không làm được gì. Cũng may là chiều
nay xe hàng không về nên việc nó ngồi yên không làm ai chú ý. Chỉ có Sáu Móm hỏi
nó:
- Bịnh hả? Làm ly cà phê đá là khỏe ngay.
"Cái bịnh này không chữa bằng cà phê đá được" - Nó
nghĩ thầm và thoát khỏi sự quan tâm của Sáu Móm - mà nó cho là đang quấy rầy nó
- bằng cách đứng lên đi chỗ khác.
Với tờ hai ngàn đồng trong túi, nó đi lang thang trên đường
phố. Nó thấy con đường bỗng sạch sẽ hơn, phố đẹp hơn, và nó không giống nó ngày
hôm qua! Nó chợt nhớ ra nó đã hai mươi tuổi! Đi một lúc nó giật mình nhận ra
mình đang đi về hướng quán bà Thơm, nó sượng sùng quay về ngõ khác. Lòng dạ xao
xuyến khinh khủng!
Làm cái gì bây giờ? Phải làm một cái gì đó thật đặc biệt. Ờ,
một cái gì đó thật đặc biệt. Ờ, lấy hai ngàn đồng này mua cho con nhỏ một cái
nơ kẹp tóc! Ý nghĩ tuyệt vời xẹt qua tâm trí và nó vội vàng đi về phía chợ bán
tạp hóa.
- Kẹp xịn mười hai ngàn, kẹp thường tám ngàn, kẹp dỏm bốn
ngàn. Kẹp con bướm, kẹp xòe, kẹp đá... cậu ưng kẹp nào? - Người bán hàng vừa giới
thiệu các loại kẹp, vừa dòm chừng nó bằng ánh mắt nghi hoặc.
Nó bối rối thộn người những cái nơ xanh đỏ sặc sỡ. Rồi nó chỉ
tay vào một cái kẹp bằng lụa màu đỏ.
- Cái này hả? Loại xịn nhất đó, mười lăm ngàn.
Nó móc túi lấy tiền trả như bị thôi miên. Rồi nó thận trọng cầm
lấy cái kẹp như sợ những ngón tay chai lì của mình làm đau lớp lụa mỏng. Thật
là đẹp! Nó nghĩ thầm. Rồi nó chợt nhận ra cái mình đang mặc quá cũ kỹ. A, từ
nay trở đi nó sẽ không làm được bao nhiêu tiền thì xài hết bấy nhiêu nữa. Nó sẽ
để dành tiền, việc trước tiên là may một cái áo mới... rồi... rồi - nó ngắm
nghía cái kẹp và bắt đầu mơ mộng.
Buổi chiều, nó đi về phía con nhỏ. Nó ngồi ăn tô cháo thật chậm
đợi khách vắng.
- Thích kẹp tóc không? - Nó hỏi.
- Kẹp gì? - Con nhỏ hỏi lại.
- Kẹp này nè! - Nó xìa cái kẹp ra và quày quà bỏ đi. Đột
nhiên nó hoảng hồn nhận ra mình đã làm một việc động trời.
Ba ngày sau nó mới dám quay lại ăn cơm trưa. Trên đường nó tưởng
tượng ra dáng con nhỏ ngồi với cái đuôi tóc kẹp cái nơ đỏ. Nó cười một mình,
nghĩ tới tia cười lấp lánh trong mắt con nhỏ.
Rồi nó khựng lại trước khoảng thềm vắng vẻ. Chỗ để gánh hàng
ăn ngày nào giờ chỉ còn lại một cái ghế chổng ngược chân lên cái bàn gỗ.
Một cái gì đó rất sắc cứa ngang trái tim chết lặng của nó. Nó
chôn chân tại chỗ, hụt hẫng.
- Bà Thơm trốn nợ đi rồi. Con nhỏ người ở hôm qua hôm kia còn
thấy quanh quẩn ở đây mà hôm nay cũng đi đâu mất rồi. Cái con đó cũng ghê lắm.
Cái ngày bà Thơm trốn đi mà chưa ai biết đó, nó ngồi bán hàng tưởng bở ăn cắp
tiền sắm cái nơ kẹp tóc xịn nghe đâu hai mươi mấy ngàn đồng một cái. Thứ đó ai
mà dám thuê nữa. Đi đâu xa xa không ai biết thì may ra...
Nó muốn giáng vô mặt người đàn bà đang nói một cú đấm nhưng
nó ghìm lại được. Nó lầm lũi quay đi. Nó đi, đi, đi giữa ánh nắng mặt trời buổi
trưa nóng cháy da cho đến khi đập lên vai nó:
- Về bến lẹ lên - Giọng Sáu Món oang oang - Xe hàng sắp về rồi.
Có tới ba xe chở gạo lận. Ủa! Sao mày khóc?
Quà của mẹ
Chị suy đi tính lại mãi. Sinh nhật... "Sinh nhật là chuyện
của những đứa con nhà giầu". Chị lẩm bẩm thành tiếng: "Nó không thể
trách mình được, lo cho bầy con ăn học hàng ngày là một chuyện vất vả lắm rồi.
Còn sinh nhật, picnic... Trời ạ!"
Chị thấy tội cho con gái. Mười lăm tuổi, lứa tuổi bạn bè mơ mộng
này nọ, thì nó, ngoài giờ học phải khom người bên cái cối xay đậu nành giúp chị,
rồi khi chị gánh đậu hũ đi bán thì cơm nước giặt giũ... Tội nghiệp, buổi tối nó
xin chị đi học thêm tiếng Anh mà tám ngàn đồng mua quyển sách chị vẫn chưa cho
con tiền mua. Tối nào nó cũng mượn sách của bạn về ngồi chép lại bài.
"Nếu mình có tiền..." Chị thở dài, nỗi ước mơ thường
hiện trong tâm trí. Thôi thì lại an ủi con: "Nhà mình nghèo quá, tìm cách
khéo khéo từ chối bạn bè nghe con". Đã bao nhiêu lần nhận được thiệp mời
sinh nhật của bạn bè, con chị phải lắc đầu kiếm cớ không đến...
Nhưng tấm thiệp màu hồng chiều nay thật khó xử - "Đây là
lần cuối cùng tao còn gặp gỡ bạn bè. Vài ngày nữa tao theo ba má xuất ngoại. Nhớ
đến với tao nghe Thùy".
Nhìn con gái cứ đọc đi đọc lại tấm thiệp rồi cắn môi nhìn đâu
đó trên trần nhà, chị lo lắng "...Con gái lớn... Biết đâu..."
- Đọc cho mẹ nghe cái thiệp viết gì vậy Tèo?
Thằng Tèo, đang học lớp hai, phồng môi phồng má đánh vần những
dòng chữ bay bướm nghiêng nghiêng. Chị nghe xong thở dài!
Nếu một ngày dài ra thêm một buổi thì chị sẽ gánh thêm hàng
đi bán. Nếu mình trúng số... Nếu... Nếu... Nhưng chẳng có cái "nếu"
nào xảy ra cả. Chị buồn rầu nhìn con lặng lẽ làm công việc thường ngày và vẫn
ngoan ngoãn "da" mỗi khi chị gọi.
- Con có dịnh dự tiệc chia tay với bạn không? - Chị bật hỏi.
- Gần thi rồi, con ở nhà học bài mẹ ạ!
Con chị trả lời thản nhiên nhưng chị thấy nỗi luyến tiếc đầy
trong mắt nó.
Chị thấy thương con đến quặn lòng :
- Sang năm mẹ sẽ tổ chức sinh nhật cho con. - Chị buột miệng.
Vì muốn bù đắp cho con nên chị muốn nói điều gì đó thật đặc biệt mà chị không kịp
suy nghĩ.
Thùy kinh ngạc mở to mắt nhìn mẹ.
° ° °
Cuộc sống dường như có mục đích mới. Chị tằn tiện dè sẻn từng
đồng. Chị nhất định cho con có một ngày vui. Mục đích này khiến chị phấn chấn
hơn. Chừng như chị đã vượt qua được những lo toan cơm áo hàng ngày để vươn tới
một mối quan tâm tốt lành hơn.
Buổi tối, khi các con ngủ say, chị ngồi nhẩm tính đã giành dụm
được bao nhiêu. Rồi chị làm một việc rất ư lãng mạn là nhớ ngày sinh của các
con. Ngày sinh thằng út là ngày buồn nhất vì anh chết trước đó máy tháng. Thằng
Tèo sinh ra vào một ngày mùa hè, cây phượng ngoài sân bệnh viện sản đỏ rực hoa.
Còn Thùy là một ngày giáp Tết, anh chị đã mua sắm cho đứa con đầu lòng bao
nhiêu là quần áo thêu xinh xắn... Chị mỉm cười vui vui tưởng tượng đến một ngày
sang năm, con của chị mặc một cái áo đầm màu hồng kết thật nhiều ren và những
cái nơ xinh xinh cài trên tóc.
Trận sốt xuất huyết của cu út làm tiêu tan số tiền dành dụm của
chị. Thùy dường như đã quên lời hứa đột ngột của mẹ, cô bé vẫn làm công việc
như thường ngày và dạo này lại còn nghêu ngao hát. Chị lặng im vì biết vậy là
thôi rồi. Biết là thôi mà lòng vẫn bứt rứt. Càng gần đến ngày sinh của Thùy, chị
càng thấy nao nao.
Buổi chiều vào đúng ngày sinh của Thuỳ, chị đặt gánh đậu hũ
dưới bóng mát của mái hiên một cửa hàng bán sách. Cô bán hàng gọi một chén đậu
hũ.
Trong lúc ngồi chờ cô bán hàng ăn, chị nhìn dãy kệ cao chất bao
nhiêu là sách bìa trắng, bìa đỏ, bìa vàng... Đập vào mắt chị là quyển sách quen
thuộc mà đêm đêm Thùy mượn bạn bè về ngồi chép lại. Chị không biết chữ nhưng
quyển sách quen đến nỗi chị nhận ra ngay - Bìa màu xanh dương, dày khoảng một đốt
rưỡi ngón tay và hàng thẳng, chỗ dài, chỗ ngắn chị nhớ rất rõ.
- Quyển sách đó bao nhiêu vậy cô? - Chị rụt rè hỏi.
- Quyển nào hở chị?
- Dạ đó, quyển có chữ đầu cong cong...
- À! Stremline tập một. Tám ngàn
Chị thò tay nắm cuộn giấy bạc được cột dây thun cẩn thận
trong túi. Nó cần quyển sách này từ năm ngoái, thằng út mới đau dậy, tiền thuốc,
tiền thầy... Đủ thứ tiền trên đời.
- Cô bán cho tôi quyển đó đi... Rồi cô viết dùm...
- ...
- Cô viết dùm tôi... "Mẹ tặng con vào ngày mẹ sinh ra
con" - Chị bối rối đến đỏ mặt...
- Viết như thế này hay hơn - Cô bán hàng vui vẻ cầm bút -
"Con yêu quý của mẹ, mẹ tặng con nhân ngày sinh nhật. Mẹ yêu con lắm".
- Da... cám ơn cô!
- Có cần gói giấy màu thắt nơ không chị?
Chị ngần ngừ. Cô bán hàng nhìn vẻ phân vân của chị rồi cô
nhìn ra gánh đậu hũ bên ngoài, giọng cô dịu dàng :
- Con của chị bao nhiêu tuổi?
- Da... mười sáu
- Tôi tặng chị giấy gói và cái nơ màu tím này.
Cô bán hàng gài cái nơ thật khéo lên gói giấy màu vàng hoa
cúc và mỉm cười trao cho chị.
Sợ lũ nhỏ ganh tỵ, chị đợi cho tất cả đi ngủ rồi mới đưa gói
quà cho Thùy.
- Sao mẹ biết con thích màu tím? - Cô bé thì thầm
- Ừ... màu tím. - Chị nhìn cái nơ và thì thầm lập lại. Chị
quên mất chính cô bán hàng đã chọn cái nơ màu tím tặng cho chị. Hình như chính
chị đã chọn cho con gái. Đúng như vậy!
- A... Mẹ! - Thùy kêu lên khi mở gói giấy ra.
- Con cần quyển sách này phải không?
Thùy mân mê quyển sách và ngước nhìn chị. Hai mẹ con ôm nhau
dưới ánh đèn khuya.
Cô bán hàng nhìn cô bé mười sáu tuổi ngập ngừng bước đến :
- Hôm qua mẹ em đã mua quyển sách này ở đây phải không chị?
- Hôm qua... Mẹ em là ai? À... Có phải bà bán đậu hũ không?
- Dạ phải.
- Có chuyện gì vậy?
- Em đã học xong quyển một rồi mà mẹ em không biết nên... Chị
đổi dùm em tập hai được không?
- Nhưng... Mẹ em đã viết vào sách rồi, làm sao tôi bán cho
người khác được?
- Viết? - Cô bé mở to mắt - Mẹ em viết?
- Tôi viết dùm. Em không mở sách ra sao?
Cô bé ấp úng :
- Em đã thuộc lòng quyển sách này, vả lại mở ra em sợ dơ khó
đổi. Xin lỗi chi... Em không biết mẹ em đã...
Cô bán hàng nhìn theo cô bé đang dợm chân quay ra. Cô suy
nghĩ rất nhanh :
- Này cô bé, đưa đây tôi đổi cho.
Cô bé nhìn cô bán hàng rồi cúi lật trang đầu của quyển sách
trên tay. "Con yêu quý của mẹ..."
- Thôi, chị... Em không đổi đâu - Cô bé nhẹ lắc đầu. Ánh mắt
cô bé đọng lại nơi bàn tay của cô bán hàng đặt trên quầy - Lời yêu thương của mẹ
được viết bởi bàn tay này. Trái tim cô bé thổn thức đập.
Cảm thấy bàn tay mình nong nóng, cô bán hàng rụt tay lại. Khả
năng giao tiếp linh hoạt thường ngày biến mất, cô lặng im nhìn cô bé ôm quyển
sách màu xanh bước đi giữa trời trưa nắng.
Ba không phải là má
Chị Bình mất đi để lại hai đứa con, đứa con gái mười một tuổi
và đứa con trai tám tuổi. Cả hai đều ngoan nên anh Bình cũng đỡ lo, nhưng cũng
rất khó khăn. Anh là tài xế, có chuyến xe một hai ngày đã về, có chuyến năm
ngày, có chuyến cả tuần. Hai đứa nhỏ đi học thì thôi, về cứ đứng ngoài sân đòi
có ba mới chịu vô nhà. Mà anh thì không phải là đàn bà để lẩn quẩn ở nhà hoài
được, vả lại còn phải kiếm tiền. Nghề của anh bao nhiêu năm nay đã quen, đâu dễ
gì thay đổi được. Suy đi tính lại, anh bàn với bà chị ban ngày cho anh gửi hai
đứa cơm nước bên đó, tối bà chị cho đứa con trai lớn qua ngủ với hai đứa bên
này coi dùm nhà cửa đêm hôm luôn thể.
Trước kia đi học về luôn có hai bịch chè hay trái ổi má đi chợ
mua để dành cho hai đứa. Má thường nhắc hai đứa tắm trước khi ngủ trưa cho mát.
Chiều thức dậy thế nào cũng có hai trái bắp luộc hay hai chùm nhãn... Tối đến,
má coi bài vở của hai đứa và những tối không có ba, má thường kể chuyện cho
nghe hoặc gợi chuyện cho hai đứa líu lo đến lúc ngủ, quên nhớ ba.
Ở với cô thì khác, khác đến tủi thân. Cô chỉ quan tâm đến một
việc là tới bữa thì ép hai đứa ăn thật nhiều. Phải ăn nhiều khi không thấy ngon
miệng là một cực hình. Hai đưa vừa ăn vừa rơm rớm nước mắt.
- Cô bận quá, ba cháu có gửi tiền đây, lấy mua cái gì cho em
ăn vặt đi Thảo.
Thảo dắt em Tuấn ra đầu ngõ ăn hàng. Bán cho con nít, chén
chè dường như lưng hơn, củ khoai nhỏ hơn và gói xôi ít mè hơn...
Ban đầu Thảo thấy tủi thân ghê gớm nhưng rồi dần dần cô bé tức
giận. Cô bé lườm bà bán hàng, không thèm mua quà ở gánh đó nữa. Có chuyến ba đi
mà quên gửi tiền ăn vặt lại nhà, con bà cô ăn hàng nhai nhỏn nhoẻn, bà cô vô
tâm quên chú ý đến hai đứa.Thảo cắn môi dắt em đi ra xa:
- Đừng thèm khóc, Tuấn. Bữa nào ba về tụi mình ăn tha hồ.
Mỗi chuyến đi anh Bình thường có quà về. Quà của bạn hàng đi
xe của anh tặng cho chứ chẳng phải anh mua. Với anh, cho con tiền là gọn nhất.
Áo quần, giày dép, cặp vở, tiền trường anh gởi bà chị sắm sửa cho con đầy đủ.
"Con của mình mất mẹ mà có thiếu thốn gì đâu" - Trên đường xa mỗi khi
nhớ con anh hay tự nhủ vậy.
Anh không biết rằng con bà cô thường hay đi chơi khuya tới giờ
ngủ mới về và hai đứa con của anh vừa học bài vừa nhấp nhỏm nhìn ra cửa đợi tiếng
gõ. Sợ nhất là những đêm mưa, tiếng mưa trên mái tôn nghe rùng mình làm sao.
Sợ hoài rồi cũng quen. Cô bé Thảo thường thầm thì dỗ dành cu
Tuấn :
- Ngủ đi em! Có chị đây mà!
Mỗi khi ba về cô bé Thảo chạy thật nhanh từ nhà bà cô về nhà
mình và quét tước dọn dẹp. Cô bé sai phái em Tuấn y như mẹ :
- Tuấn, lau bàn đi em.
- Tuấn nè, coi chừng té kìa. Dẹp cái đòn đi.
- Tuấn nè, lên hỏi ba tối nay có uống cà phê không?
Và cô bé không quên chà đôi dép của ba thật sạch như má vẫn
làm.
Cuối năm học hai đứa đợi ba về để khoe với ba tấm giấy khen
tiên tiến. Má hay nó "Ba làm lụng cực khổ, hai con ráng học hành cho ba
vui". Vậy là hai đứa háo hức đợi ba về.
- Giỏi quá ta - Ba liếc qua tấm bằng khen và đi tắm.
Mặt hai đứa thuỗn ra, nước mắt đong đầy. "Giỏi quá
ta", rồi thôi. Má không bao giờ như vậy. Má sẽ cầm hai tấm bằng khen lên đọc
thật kỹ, rồi má ôm hai đứa vào lòng "Con của má ngoan quá". Má sẽ mua
quà thưởng cho hai đứa và sẽ nấu một nồi chè thật nhiều, má sẽ luôn miệng lặp
đi lặp lại "Con của má ngoan quá, con của má giỏi quá đi thôi"...
Cô bé Thảo rưng rưng nước mắt nhìn tấm bằng khen trên bàn,
còn cu Tuấn òa khóc. Cô bé dỗ em:
- Đừng khóc. Để chị thưởng cho em.
- Chị biết gì mà thưởng! - Cậu bé khóc to hơn.
- Sao lại không biết? - Cô bé tự ái buột miệng - Để chị thưởng
cho Tuấn cái xe tăng nghen?
- Thật không?
- Thật mà.
Cô bé nhịn một tuần không ăn hàng để mua cho em chiếc xe tăng
và nắn nót viết tờ giấy dán bên hông xe hàng chữ "Em của chị ngoan quá. Em
của chị giỏi quá đi thôi".
Ba nhớ những dịp quan trọng như ngày giỗ mẹ, ngày tết, ngày
khai trường... Nhưng những ngày khác như Quốc tế thiếu nhi, ngày Mùng năm tháng
năm thì ba không nhớ. Thảo biết chắc như vậy. Giờ thì cô bé hiểu ra rằng ba
không phải là má! Và cô bé nghiễm nhiên thay má nhớ những ngày đó cho em. Thật
ra bản thân cô bé cũng không chú ý đến lễ lạc nếu bọn trẻ trong xóm không bàn
tán xôn xao :
- Ê, Quốc tế thiếu nhi cơ quan ba tao cho mỗi đứa một món quà
to lắm.
- Mùng năm tháng năm nhà tao nấu xôi chè với cơm rượu, nhà
mày có nấu không?
- Có - Thảo trả lời và đi ra chợ mua một bịch chè lớn về san
ra mấy cái chén nhỏ.
Cậu bé Tuấn vừa ăn vừa khen ngon vừa hỏi :
- Có cơm rượu không chị Thảo?
Gần đến ngày Trung thu, Thảo dắt em đi dọc theo các gian hàng
bán lồng đèn. Cô bé nuốt nước miếng nhìn cái lồng đèn kéo quân treo trên cao rồi
đưa mắt nhìn qua dãy lồng đèn con cá con thỏ đủ kiểu đủ màu lấp lánh.
- Mình mua cái lồng đèn con thỏ nghen Tuấn?
- Ứ... Em thích lồng đèn chiếc thuyền kia!
- Con thỏ đẹp hơn... - Cô bé bối rối nhìn giá tiền ghi ở đuôi
thuyền.
- Ứ... em thích chiếc thuyền.
Cô bé tần ngần khá lâu. Nếu mua con thỏ thì được hai cái, còn
mua chiếc thuyền thì được một thôi.
Như để trêu ngươi, người bán hàng lấy thêm bốn cái lồng đèn
chiếc thuyền treo lên cao, những lá cờ phấp phới bay.
- Ừ, thì mua chiếc thuyền - Thảo nói thật nhanh và cảm thấy
tiếc ghê gớm.
Đúng rằm mà ba vẫn chưa thấy về. Chiều, hai chị em về nhà sớm.
Trong khi Tuấn tíu tít gắn đèn cầy vào chiếc thuyền thì Thảo quét nhà, lau bàn
ghế.
Nếu có má thì thế nào cũng có bánh nướng bánh dẻo và má coi
nhà cho hai đứa đi chơi. Còn bây giờ thì... Thảo liếc mắt nhìn ra nhà sau vắng
tanh, lấy giọng cứng cỏi :
- Tuấn đi rước đèn với mấy đứa, để chị coi nhà cho.
Thảo mong Tuấn nói "Em ở nhà với chị" nhưng nhìn bộ
dạng hớn hở của Tuấn, cô bé hiểu rằng lúc này nó không nghĩ tới ai khác. Tuấn
cũng giống ba thôi! Ơ... nhưng mà không phải vậy, Tuấn còn nhỏ quá mà. Mắt cô
bé cay cay.
Tuấn xách lồng đèn chạy đi rồi, Thảo khát nước quá mà không
dám xuống nhà sau uống nước. Cô bé ngồi thu lu trước cửa, chưa bao giờ cô bé
mong ông anh họ như lúc này. Trăng vằng vặc trên trời, lũ con nít quanh xóm kéo
nhau chạy qua xóm khác, người lớn cũng rủ nhau đi chơi. Sự yên lặng đáng sợ làm
sao.
Cô bé gục cằm lên gối, nước mắt chảy ra.
Giọng cu Tuấn réo từ xa :
- Chị Thảo ơi! Ba về! Ba mua lồng đèn đẹp lắm nè.
Không kịp xỏ dép, cô bé vụt chạy ra đường.
Cu Tuấn đi đầu, tay phải kiêu hãnh đưa cái lồng đèn kéo quân,
tay kia cầm cái lồng đèn chiếc thuyền. Ba đi bên cạnh, lũ con nít đông đúc kéo
theo sau...
- Ba ơi!... - Thảo lao đến bên ba - Ba mua...
Cô bé định nói " Ba mua lồng đèn cho tụi con hả ba"
nhưng cô bé khựng lại vì rõ ràng chỉ có một cái lồng đèn kéo quân trên tay cu
Tuấn, còn tay này của ba cầm một hộp bánh, tay kia trống không.
Cô bé òa khóc.
Anh Bình chạy khắp phố để tìm mua cho con gái một cái lồng
đèn giống cái anh đem về nhưng các quán đều đóng cửa. Giờ này ai còn bán lồng
đèn nữa. Không làm sao dỗ cho con bé nín được, anh bất lực nhìn khuôn mặt ướt
nhòe của con gái:
- Cái lồng đèn đó là của bà bạn hàng mua cho chứ ba đâu có biết.
Nín đi, con. Mai ba sẽ mua cho con một... một... Mà con thích cái gì?
Trong giấc ngủ cô bé vẫn còn thổn thức.
Baby
Buổi khai giảng là một đêm có trăng. Trăng thường là điềm
lành, tôi nghĩ vậy. Đêm, trường có vẻ khác trường ban ngày cách đây ba năm...
Nhưng hàng phượng già thì vẫn vậy. Tôi chạm tay vào lớp vỏ xù xì nghe như có một
tiếng vọng đâu đây. Dưới gốc phượng này tôi và Tiến ngồi mơ mộng bài thơ tình đầu
tiên. Trang, cô bạn được tặng bài thơ bật khóc như nhận phải bức điện báo tử
khiến Tiến nổi khùng. Rồi sau hàng loạt cuộc thi thanh lịch, duyên dáng, Tiến
phán một câu xanh rờn:
- Mày biết tại sao người ta luôn đặt phần thi ứng xử ở vòng
sau cùng không?
- Sao?
- Vì nếu đó là vòng thi đầu tiên thì chẳng có người đẹp nào lọt
tới vòng hai, đừng nói đến chung kết.
Câu nói khiến Tiến trở thành kẻ tử thù của bọn con gái, nó phải
chuộc tội bằng bao nhiêu là ổi, xoài, cóc, me.
Tôi đi qua hành lang dài và... một sự tình cờ thật hay. Lớp
đúng là lớp cũ. Cảm giác khó tả lâng lâng trong tôi. Đúng cái bảng đen bị lẹm một
tí ở góc phải và ô cửa sổ nhìn ra một khoảng trời xanh. Không còn suy nghĩ, tôi
bước vào phía chỗ ngồi của mình cách đây ba năm. Mặt bàn còn đó vết khắc trái
tim và mũi tên đậm xuyên, màu máu tím loang lổ và chừ ký loằng ngoằng của Tiến.
Tôi ngồi xuống, hình như tất cả vẫn như xưa.
Không! Không phải vậy...
Một mình tôi giữa những học viên lớn tuổi. Tôi một mình như
cái xe đạp của tôi một mình giữa những chiếc Cub dựng chật hành lang lớp.
- Sao cậu còn trẻ mà không học lớp ngày? - Người ngồi cạnh hỏi
tôi sau tiết học đầu tiên.
Tôi, trẻ? Ông lầm đó thôi. Hoặc chính những trận sốt rét rừng
khiến tôi có vẻ gầy hơn tuổi.
Học viên nói chuyện xì xào, cô giáo nhăn mặt gõ tay lên bảng.
Ngày xưa lớp tôi bàn về ổi xoài, thơ tình và picnic... Còn bây giờ, tôi nghe xì
xào quanh mình giá xe, giá vàng, giá đất đai...
Tôi lặng thinh ngồi nhớ ba năm quân ngũ. Ba năm dài tôi chỉ
mong ngày về tiếp tục đi học. Vậy mà sao lại thế này? Cái bảng đen mang hình
dáng của một cánh rừng, dòng phấn trắng là hàng cây nối tiếp hàng cây, rừng rậm
mênh mông. Năm thằng gác trạm, trạm cách đồi mười cây số. Mùa mưa, gạo hết, thuốc
hết... Nửa đêm, hai thằng lên cơn sốt, hai thằng băng rừng về đồn lấy thuốc. Lấy
được thuốc về, đổ ra sốt luôn.
Cơn sốt đi qua, thèm một tờ báo, cũ cũng được! Đêm không
trăng, thèm một ánh điện. Thỉnh thoảng, có đơn vị kết nghĩa nào từ thành phố
vào, một hai cô gái hát bài ca về lính, khi các cô về, năm thằng dệt mộng suốt
ba năm.
Ô cửa sổ cũng khác, khoảng trời xanh trước kia trong trẻo,
yên lành giờ có khi là một mảng tối không trăng sao, chẳng gợi mơ ước gì, chỉ
thấy lành lạnh.
Mấy đêm nay, học viên xì xào bàn với nhau về tang lễ của bà nội
ông kia, rồi tiếp theo đó là sinh nhật ba tuổi của một con ông khác... Tôi bắt
đầu nhớ tên tuổi quê quán của vài vị quan chức, có lẽ một ngày không xa, tôi sẽ
thuộc luôn quyển danh bạ điện thoại. Mình có cần điều đó không?
Khác nhất là Trang.
Ngày trước tôi lẽo đẽo theo sau Trang một quãng xa xa, chỉ cần
một cái lườm là tôi sung sướng suốt tuần. Trang hay khóc và tôi thường quýnh
quáng. Chuyện vui buồn Trang thỉnh thoảng kể tôi nghe.
Lâu lâu một lần, Trang đến lớp đợi tôi về. Nhìn dáng Trang co
ro ngoài hành lang dài nhập nhoạng gió đêm, tôi muốn chạy ào ra choàng lấy vai
Trang, nói với Trang rằng cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp như ngày xưa dưới hàng phượng
vĩ chúng tôi đã mơ ước. Nhưng rồi tôi không giám nói gì. Tôi dắt xe cạnh Trang,
bóng hai đứa ngả dài dưới hàng điện đường khi mờ khi tỏ.
- Tiến hỏi Bình học đến đâu rồi?
- Trang trả lời sao?
- Trang nói sang năm Bình thi đại học.
Tôi bật cười. Đó là cách Trang nhắc nhở tôi.
- Lỡ Bình thi rớt thì sao?
- Bình phải đậu!
Cái giọng như ra lệnh này cũng rất khác xưa.
- Xin chào! - Gã Tây bước vào quán nhìn mọi người bằng đôi mắt
xanh lơ, phát âm thật rõ ràng và nghiêm trang khiến câu chào trịnh trọng một
cách buồn cười.
- Ông dùng gì, thưa ông? - Cô tiếp viên duyên dáng hỏi bằng
tiếng Anh.
Hắn nói gì đó, một sự pha trộn dễ sợ giữa tiếng Anh và tiếng
Việt, rồi hắn lắc đầu thất vọng khi cô tiếp viên bưng ra một ly cà phê sữa.
- Không, không phải.
Không ai hiểu gì cả cho đến lúc Trang đến. Hắn vô cùng vui
thích khi thấy có người hiểu được thứ ngôn ngữ kinh khủng của hắn.
Người ta kể hắn gọi Trang là "Baby".
Một hôm hắn xách đến quán một chùm chòi mòi và hỏi Trang :
- Đây là loại trái cây địa phương phải không, Baby?
- Ông đã ăn thử chưa?
- Ăn thử?
Trang ngắt một trái ngậm vào miệng. Tôi tưởng tượng khuôn mặt
Trang lúc ăn chua, hẳn là dễ thương lắm. Hắn cũng cắn một trái và ngay lập tức
tuôn ra một tràng. Cả quán cười rộ.
- Trái này không ngon, nhất là đối với nam giới - Trang nói.
- Người bán không tốt - Hắn phẫn nộ - Người bán nói ngon.
- Không phải họ không tốt - Trang phản đối - Có thể đối với họ
là ngon.
Hắn im lặng một chút rồi mỉm cười :
- Baby, cô có lý!
Hắn bê đến quán quyển tự điển Việt-Anh. Có trời mới hiểu tại
sao hắn muốn nói tiếng Việt đến vậy.
- Baby, cô tên gì?
- Trang!
- Trang... nghĩa là gì?
Người ta kể lại tôi nghe, Trang có vẻ thú vị khi gã Tây thắc
mắc về tên gọi của cô.
- Đó là tên của một loại hoa! - Trang giải thích.
- Không phải là cái bàn thờ sao? - Gã hỏi thật nghiêm trang.
Ảnh hưởng của hai trận bão liên tiếp khiến vườn rau, vườn
dưa, vườn cà, sinh kế của gia đình tôi chỉ là những bãi bùn lầy nhão nhoét. Tôi
đọc thấy bao nhiêu lo âu mệt mỏi trong mắt mỗi người.
Thế là tan giấc mộng về cái xe đạp của thằng em kế, tan bộ áo
dài mới cho đứa em gái, tan món tiền gởi làm quà cho nội, tan cái radio cho ba
tôi định mua thay cái cũ đã quá rè, tan cả số tiền tôi cần luyện thi đại học.
Tất cả lẳng lặng dọn vườn. Phải bắt đầu lại, phải làm lại,
không còn cách nào khác. Những thận rau mơn mởn hôm qua giờ là rác rưởi. Mưa lất
phất bay vào mắt.
Cả ngày hì hục với cái vườn trống rỗng, tối, tôi không muốn
đi đâu nừa, và hình như cũng chẳng còn gì để mà chờ đợi.
Trang đến, cô nhìn quanh rồi lẳng lặng vào nhà xếp sách vở
vào túi, ấn vào tay tôi:
- Đi, Bình!
- Thôi, nghỉ một hôm, mệt quá!
- Con trai gì mà...
Mặc kệ sự đời! Con trai, đàn ông hay cậu bé gì cũng được. Thời
buổi này làm con gái dễ sống hơn thì phải. Baby... Baby... Cô có người sẵn sàng
lo cho tất cả và một chỗ làm dành sẵn của một công ty nước ngoài. Tại sao cô
không gật đầu đi cho khỏe đời? Và tôi cũng được yên thân nữa, tôi sẽ dễ quên một
điều không đáng nhớ.
- Trang về đi! - Tôi buông thõng.
- Trang đưa Bình đến trường.
- Tôi không phải con nít - Tôi nổi cáu.
- Bình là con nít đó thôi!
Cái giọng khiêu khích này thật là khác xưa.
Lớp vắng hơn phân nửa. Nghe nói có một bữa chiêu đãi ở nhà
hàng lớn nhất nhì phố. Thấy giáo liếc qua những dãy bàn trống, chỉ cười nhẹ, chẳng
nói năng gì.
- Lớp nhìn giống quán cà phê ế quá! - Người cạnh tôi thì thầm.
Một sự so sánh buồn cười. Chắc ông này hay ngồi quán nhâm nhi
cà phê lắm. Tôi cũng hay đi quán, mỗi quán đến một lần cho biết, vậy thôi. Có một
quán tôi biết rất rõ, rất hay hỏi thăm về nó, nhưng chưa bao giờ bước chân lên
ngưỡng cửa.
- Tại sao mày không dám đến đó hả Bình? Sao không đến thử một
lần đối mặt với điều gặm nhấm mày bấy lâu?
Tan học, tôi để mặc đôi chân đưa mình đi. Tôi chọn một bàn thật
khuất. Lạy trời Trang đừng thấy tôi. Nhưng lỡ chính cô bưng cà phê ra cho tôi
thì sao?
Thì chúng tôi sẽ nói với nhau nhừng điều cần phải nói trong một
cuộc đụng độ như vậy. Gã Tây hay còn ai khác nữa? Rồi tôi sẽ đứng lên, sẽ bỏ
đi... Ô! Trang, cô bạn thuở học trò của tôi ơi! Chúng ta đã có những tháng ngày
thật đẹp!
Tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ, căng mắt quan sát. Trang
đâu?
- Ở đây có hai Trang, anh hỏi Trang nào?
- Trang sinh viên đi làm thêm...
- À, nghỉ nửa tháng nay rồi.
- ... Sao vậy?
- Có một ông Tây thích nó, con trai ông chủ ghen, gây sự cho
nó nghỉ.
Ra vậy! Điều này người ta chưa nói cho tôi biết. Một cảm giác
kỳ lạ dâng lên, vừa nhẹ nhõm, vừa tức tối. Tôi nhảy lên xe đạp nhanh đến nơi
Trang ở, một căn phòng nhỏ xíu có đến bốn cô thuê chung.
Tôi giộng mạnh cửa. Trang thò đầu ra. Sao đến hôm nay tôi nhận
ra Trang rất gầy?
- Chuyện gì vậy?
Câu hỏi lo âu và khuôn mặt thất sắc của Trang khiến tôi nhớ
ra bây giờ đã đến nửa đêm. Tôi vuốt mặt, lắc đầu, bật ra :
- Trang nghỉ ở quán rồi hả?
Cô gật đầu như một phản xạ. Rồi giọng cô cao lên :
- Sao Bình biết quán Trang?
- Biết lâu rồi! - Tôi nói thật nhanh.
- Lâu rồi? - Cô lặp lại, giọng vỡ ra thẫn thờ.
- Rồi Trang định làm gì?
- Thì sẽ kiếm việc gì đó, dạy kèm hoặc dán bao bì...
Có một điều gì đó thật đau xót trong giọng của Trang. Có điều
gì? Trời ơi, tôi không thể hiểu nổi. Tôi nóng nảy xoay nắm đấm cửa. Trang bước
hẳn ra ngoài, mái tóc lòa xòa trên vai.
- Bình về đi! - Giọng cô sũng nước.
- Trang... sao vậy?
- Bình về đi! - Cô lập lại và òa khóc nức nở.
- Trang... có chuyện gì vậy?
- Bình biết lâu rồi... mà không một lần đến quán đón Trang về
- Vai cô run lên bần bật trong tiếng nấc.
Tôi chôn chân trên thềm. Cái thằng tôi ngu dại ơi! Cuộc đời
thì khắc nghiệt và đầy cám dỗ. Vậy mà tôi để mặc cô ấy một mình chống chỏi.
- Nín đi, Trang...
Cổ tích
Ong ngoại ơi! Sao cuộc đời thật không có ông Bụt cô Tiên hở
ông?
Ông ngoại ngẩng đầu lên. Cô bé Hạ Chi nhìn ông chăm chăm đợi
câu trả lời. Ông ho húng hắng, bối rối trước đôi mắt trong veo. Rồi chòm râu bạc
rung nhẹ theo nụ cười móm mém:
- Có đó cháu à!
- Ở đâu, ông? Sao cháu chẳng thấy?
- Kìa! Hãy nhìn thằng bé bên kia đường. Cháu thấy gì không?
Hạ Chi thấy gì? Một thằng bé trong bộ quần áo cũ mèm, vành mũ
cong queo để lộ khuôn mặt bụi bặm, đôi dép dưới chân mòn vẹt và đỏ quạch. Nó ngồi
bệt trên vỉa hè, lưng dựa vào mảng tường vôi in đầy dấu bàn tay, mắt lơ láo
nhìn quanh.
- Thằng Vinh đầu bò chứ ai. Nhưng cháu muốn thấy ông Bụt cô
Tiên mà.
- Cháu hãy là cô Tiên của nó đi! Cháu mở tủ lạnh lấy thức ăn,
đập con heo đất mua bộ áo quần hoặc đôi giày tặng nó. Cháu nói sao cho nó chịu
nhận và cháu sẽ là cô Tiên của nó.
Hạ Chi bối rối. Cô Tiên là như vậy sao?
- Nhưng... Cô Tiên phải có hào quang...
- Khi cháu là cô Tiên của thằng Vinh, nó sẽ thấy hào quang
quanh cháu.
Được trở thành cô Tiên là một điều thú vị lạ lùng. Có bé hỏi
câu quan trọng nhất :
- Nhưng... lỡ mẹ cháu la?
- ... Không sao. Mẹ không biết đâu.
Lẽ ra phải nói "mẹ không la đâu" nhưng ông ngoại
không thể nói vậy được. Bằng câu trả lời "mẹ không biết đâu", ông đã
đồng lõa với cô bé trong việc lén mẹ lấy thức ăn trong tủ lạnh đem cho thằng bé
nổi tiếng đầu bò trong khu phố.
Hạ Chi đâm ra ngượng ngùng khi thằng Vinh đầu bò thường nhìn
cô với một kiểu nhìn thấp thoáng nụ cười trong mắt. Khuôn mặt bụi bặm của nó
tươi tỉnh hẳn lên khi cô bé ngang qua, hình như có câu chào hỏi thầm thì trong
gió. Có lần đang cãi nhau với mấy đứa bụi đời, thằng Vinh vội ngậm miệng lại
khi thấy Hạ Chi từ đằng xa. Lần đầu tiên trong cuộc sống vỉa hè, nó chịu nhịn đứa
khác.
- Lỡ mưa xuống, bạn ở đâu? - Hạ Chi hỏi.
- Thì... cũng tìm ra một chỗ mà ở. Còn... Chi nói chuyện với
tui không sợ mẹ la hả?
- Mẹ tôi thường vắng nhà.
Những câu trao đổi luôn châm dứt bằng việc thằng Vinh vò nhàu
cái mũ trước khi chụp lên đầu :
- Thôi, Chi đi đi! Lỡ có ai thấy họ nói Chi chới với thằng bụi
đời... Tui cũng không lấy quà của Chi nữa đâu.
- Sao vậy?
- Mỗi lần nhận quà của Chi, tui thấy sao sao đó.
- Bạn mà không nhận tôi buồn ghê lắm - Cô Tiên nhỏ xịu mặt.
- Thôi đừng buồn, đưa đây tui cầm.
Mân mê cái mũ mới trong tay, thằng Vinh lúng búng :
- Khi nào trên trường có đứa ăn hiếp Chi, cứ nói cho tui biết.
- Lúc cháu rót nước cho ông uống thuốc hoặc cháu quạt cho ông
ngủ... cháu cũng là cô Tiên của ông đó!
Ông ngoại hôn lên trán cô bé và vuốt ve mái tóc tơ óng mượt bằng
bàn tay run run. Ông yêu lắm rồi, ánh thương yêu trìu mến và cả bứt rứt hiện
lên trong đôi mắt mờ đục :
- Ông muốn làm điều gì hay cho cháu. Hạ Chi thích gì nhất?
Cô bé mười ba bối rối. Nhưng cô bé đã có sẵn câu trả lời :
- Cháu muốn nhìn thấy vầng hào quang của mẹ.
Mặt ông ngoại nhăn nhúm lại. Giọt nước mắt đùng đục ứa ra
đuôi mắt:
- Mẹ sẽ là cô Tiên của cháu, Hạ Chi! Một ngày nào đó... Rồi sẽ
có ngày cháu hiểu đươc mẹ. Cháu hãy là cô Tiên của mẹ.
Hạ Chi rất muốn làm cô Tiên của mẹ nhưng mẹ không cần điều
đó. Mẹ liếc mắt qua học bạ của bé :
- Đứng nhất hả? Tốn bao nhiêu tiền của cho ăn học mà học
không nên thân thì chỉ là đồ con bò.
Cô bé co rúm người lại. Cô bé không muốn là "đồ con
bò".
Mẹ thờ ơ liếc mắt qua giấy mời họp phụ huynh học sinh :
- Họp với hành!
Có lần Hạ Chi vẽ tặng mẹ bức tranh Hàng Cau Quê Ngoại -
Cô bé là một cây cọ non xuất sắc của câu lạc bộ năng khiếu. Bức tranh được vẽ với
bao hy vọng sẽ làm cho mẹ vui lòng. Và hình như mẹ cũng có xúc động, nhưng chỉ
một chút thôi. Rồi mẹ quên ngay bức tranh chứ không mua kính lồng khung treo
lên tường phòng khách như đã hứa. Hàng Cau Quê Ngoại cuộn tròn rồi
lãng quên.
Mẹ không thương mình! Cô bé lờ mờ nhận ra điều tàn nhẫn đó.
Có lần điện cúp, ông ngoại bảo cô bé lấy quạt giấy ra quạt
cho mẹ. Mẹ phẩy tay:
- Thôi, nóng nực thím.
Mẹ cũng không cần mình! Cô bé cảm nhận một cách tuyệt vọng.
May mà còn có ông ngoại và thế giới cổ tích của ông!
Nhưng ông sắp mất rồi. Cô bé co người lại mỗi khi nghe tiếng
ông thở hổn hển trên giường. Mái tóc ông nhúm nhó như nắm bông.
- Hạ Chi, ông có cái này cho cháu - Ông ngoại mò mẫm trong
lưng lấy ra một túi vải nhỏ. Ông lộn trái cái túi, lấy ra một đôi bông tai kiểu
dáng xa xưa - Của bà ngoại để lại đó. Cháu cất giấu thật kỹ phòng sau này. Ông
tiếc là không có thêm gì cho cháu. Hạ Chi, hãy nhớ...
- Nhớ gì hở ông?
- Tội nghiệp. Nếu ông còn sống thêm được nữa thì chẳng bao giờ
ông nói - Ông ngoại áp đôi tay cô bé vào gò má nhăn nheo - Đừng bao giờ nói với
ai, kể cả mẹ, hãy cất giấu nơi nào chỉ mình cháu biết.
- Mẹ không thương cháu phải không ông? - Câu hỏi ấm ức bao
ngày tháng bật ra thành lời đẫm nước mắt.
- Sẽ có lúc cháu hiểu điều đó. Nhớ lời ông nói đây, cháu yêu
quý của ông... Mai này dù cho cuộc đời có đưa đẩy đến đâu thì...
Cô bé không nghe hết điều ông nói và cũng không kịp hiểu hết.
Đám tang ông diễn ra lặng lẽ, có thằng Vinh lò dò đi theo sau
một khoảng xa xa.
Ngôi nhà chỉ còn lại bà mẹ và cô bé. Mẹ buôn bán ngoài chợ suốt
cả ngày, rồi còn đi thu tiền hàng tiền họ đến khuya mới về. Giữa ngôi nhà trở
nên thênh thang hơn vì cô đơn, cô bé khóc hết nước mắt. Tiếng chuột chạy, tiếng
mèo kêu, tiếng guốc ai gõ rất gần và tiếng gió lùa qua ô cửa...
Anh công an khu vực buộc phải chú ý đến ngôi nhà này vì các ô
cửa sổ luôn sáng ánh đèn, ánh sáng lóe lên từ những khung kính giữa đêm khuya đầy
vẻ bất ần. Và trước cổng luôn là thằng Vinh đầu bò nổi tiếng ngổ ngáo nửa nằm nửa
ngồi, đôi chân bẩn thỉu thập thò dưới giàn hoa tím.
Một đêm anh công an nghe được đoạn đối thoại giữa hai đứa :
- Mẹ Chi đêm nào cũng đi đến khuya lắc khuya lơ vậy hả?
- Ừ!
- Tui thấy mẹ Chi không giống mẹ người ta - Giọng thằng bé
vang lên rành rỏi giữa bóng tôi ngả xuống của trụ cổng sừng sững vuông vức - Nếu
không có họ hàng thì cũng kiếm một người làm để coi nhà coi cửa với Chi chớ.
- Tôi không biết! - Câu trả lời ước sũng - Bạn tốt với tôi
quá. Nếu không có bạn chắc tôi không dám ở nhà đâu.
- Không ở nhà thì đi đâu?
- Tôi không biết. Cứ chạy đại ra đường đông người...
- Bộ Chi tưởng ra đường sướng lắm hả?
- Sao bạn ra đường vậy?
- Không biết. Lớn lên thấy mình ở sẵn ngoài đường rồi.
Im lặng một chút.
- Hay là... bạn vào nhà tôi ngủ.
- Không được đâu. Lỡ mẹ Chi về thấy thì sao?
- Mẹ tôi không để ý đâu. Về nhà là mẹ tôi đi ngủ ngay.
- Thôi... tui ngủ đây quen rồi. Chi vô ngủ đi. Tui hứa là
không bỏ đi bất chừng đâu mà sợ.
- Để tôi lấy cho bạn cái mền.
Thằng Vinh ậm ừ như muốn từ chối nhưng tiếng muỗi vo ve rất
rõ nên khi Hạ Chi đem cái mền ra thì nó im lặng cầm lấy.
Anh công an trở thành nhân chứng của tình bạn giữa hai đứa
bé. Đêm đêm, khi đi tuần khu vực, thế nào anh cũng dừng lại dưới hiên nhà kế
bên lắng nghe hai đứa trò chuyện. Đứa bên trong cánh cổng cao cao những hàng
song, đứa ngoài bóng đêm xào xạc. Đứa thanh mảnh trong những bộ váy áo màu
sáng, chùm tóc nhổng đuôi gà lúc lắc dải nơ, đôi bàn tay vịn hàng song sắt ngón
trắng trẻo thon thon; đứa đen đủi trong bộ áo quần nhàu nát, mớ tóc xù ra như rễ
tre và giọng nói sớm khàn đi. Nhưng hai đứa có chung một thứ là sự đơn độc. Và
có chung một điều nữa là thế giới cổ tích ông ngoại để lại khiến cho đứa này lấp
lánh hào quang trong mắt đứa kia.
Một buổi tối anh công an quyết định đến gần hai đứa bé. Anh
xuất hiện giữa ánh đèn đường vàng vàng từ xa hắt tới, cây đèn pin trên tay anh
mở một vùng sáng rộng đủ soi bóng cả ba.
Thằng Vinh bật người ra sau, khuôn mặt đang thư giãn hiền hòa
vụt bặm lại căng thẳng, nó lùi hai bước.
- Cứ tự nhiên, Vinh. Chú chỉ đến chơi với hai đứa thôi.
Nó không tin, lùi một bước nữa, quai hàm cứng lại. Nó sợ anh
công an đã đành mà sợ nhất là Hạ Chi nhìn thấy nó bị công an lôi đi. Chiều nay
nó vừa đánh nhau với bọn xóm trên một trận.
- Chú công an ơi! - Hạ Chi kêu lên.
- Chú chỉ... Vinh... đừng sợ! - Anh công an đưa tay trong một
cử chỉ thân thiện.
Bao nhiêu là hoài nghi trong đôi mắt đen quen nhìn đời bất trắc,
thằng Vinh quay lưng bỏ chạy.
Bên trong song cửa sắt, Hạ Chi bật khóc.
- Cháu yên tâm ngủ đi. Chú sẽ thay Vinh đứng đây cho đến khi
mẹ cháu về.
Giờ đây là một tình bạn giữa ba người. Anh công an nhanh
chóng hiểu được cô bé đã có một ông ngoại tuyệt vời như thế nào. Anh phác một kế
hoạch: Đề nghị bà mẹ của cô bé cho phép sử dụng ngôi nhà rộng để mở lớp học
tình thương cho trẻ em vỉa hè.
- Chú làm thầy giáo hả? - Thằng Vinh hỏi.
- Có thể là chú hay một người khác.
- Nếu người khác dạy, cháu không rủ mấy đứa học đâu - Thằng
Vinh nói cương quyết.
- Ừ! Thì chú dạy.
Nhưng mẹ Hạ Chi quay ngoắt người khi anh vừa thốt lên đề nghị.
Sự từ chối quyết liệt khiến anh ngạc nhiên. Địa điểm không phải là điều quá khó
khăn, có thể mở lớp tại Ủy ban phường cũng được. Nhưng anh muốn mở tại nhà cho
Hạ Chi bớt đơn độc. Vậy mà...
Nỗi nghi ngại hình thành và lớn dần trong anh công an. Anh
nhanh chóng khám phá ra sự sang giàu của ngôi nhà chỉ là lớp vỏ mỏng manh. Gian
hàng tạp hóa của bà tạo dựng từ những món nợ to lớn và ngôi nhà đã bị cầm cố từ
lâu. Đơn thưa kiện bà lừa đảo gửi đến công an ngày một nhiều. Số phận của cô bé
Hạ Chi chỉ cách số phận thằng Vinh một bước ngoặt. Đây quả là một đòn trời
giáng đối với cô bé thích chuyện cổ tích.
- Hạ Chi, cháu thích gì nhất? - Anh ân cần hỏi. Anh thật lòng
muốn làm một điều gì cho cô bé, thật lòng không muốn trên đường đi tuần ban đêm
có thêm một đứa bé co ro trên vỉa hè.
Hạ Chi ngước mắt nhìn anh công an. Trước lúc mất, ông ngoại
cũng hỏi câu này. Cô bé tưởng như ông đang hiển hiện đâu đây.
- Nói đi, Hạ Chi, cháu thích gì nhất?
Cô bé nhè nhẹ lắc đầu. Cô bé đã trả lời câu hỏi này với ông
ngoại rồi. Tuyệt vời như ông ngoại mà không đưa mẹ đến gần cô bé được thì chú
công an này làm sao...
- Chi oán chú lắm - Thẳng Vinh bật ra, mắt nó tối sầm.
- Chú biết! - Anh công an buồn rầu gật đầu.
- Chi nói chú giả bộ làm thân rồi kêu người bắt mẹ Chi đi tù!
Chưa bao giờ gánh nặng của bổn phận lại đè lên vai anh công
an đến thế. Miệng anh đắng ngắt :
- Mẹ Chi bị bắt là do nợ nần quá lớn.
- Nhưng ngôi nhà bị người ta chiếm rồi. Giờ Chi ở đâu?
- Chuyện ngôi nhà đợi pháp luật xử. Trước mắt, hai đứa đến với
chú.
Thằng Vinh nhìn anh dò xét. Nó muốn tin anh, nhưng cô bạn nhỏ
của nó đâu rồi?
Hai người tìm thấy Hạ Chi bên mộ ông ngoại, ông Bụt thân
thương của cô bé! Bộ đồ màu hồng bê bết đất và găm đầy gai cỏ. Cô bé khóc đến
kiệt sức. Anh công an cúi xuống, cô bé không giãy ra nổi nhưng đôi mắt nhìn anh
tuyệt vọng đến nỗi anh khựng tay lại.
Hai vai cô bé co lại như một con ốc nhỏ xíu giữa những ngôi mộ
nhấp nhô.
- Để tui dắt Chi về! - Thằng Vinh cầm tay cô bạn nhỏ.
Căn phòng của anh công an nhỏ xíu. Một cái giường cá nhân, một
cái tủ gỗ, một cái bàn nhỏ và vài cuốn sách...
- Hạ Chi ngủ trên giường, Vinh và chú nằm dưới đất. Cứ như vậy
đã. Mai mốt tính sau.
Đi làm về, anh công an nhìn thấy một giỏ thức ăn to tướng
trên bàn.
- Gì vậy hai đứa?
- Ngày mai cháu đi thăm mẹ! - Hạ Chi nói nhỏ.
Anh công an thở dài :
- Sáng mai cháu đi học, rồi chiều chú chở đi.
- Không. Cháu không đi học nữa đâu.
- Cháu phải đi học!
- Cháu nghỉ! - Cằm cô bé nhô ra.
- Cháu phải đi học. Không phải chỉ có chú muốn mà Vinh cũng
muốn vậy nữa - Anh công an nhìn Vinh cầu cứư. Thằng Vinh xộc hai bàn tay vào
nhau :
- Đi học là đúng rồi. Không đi học thì đi đâu?
- Còn bạn thì sao? Bạn có cần học đâu?
- Đó là tại... từ nhỏ đến giờ đâu có ai biểu tui đi học.
Hạ Chi lúc lắc mái tóc rồi cạp mắt xuống :
- Mai đi học về cháu đến trại giam luôn.
- Chú đến trường đón cháu, hai chú cháu mình cùng đi.
- Cháu đi một mình!
- Cháu không nên đến đó một mình.
- Nhưng cháu không muốn đi với chú đến chỗ mẹ cháu - Cô bé
nghẹn ngào.
Thằng Vinh rụt rè :
- Tui đi với Chi được không?
Đường đến trại giam không giống đường đến trường học, không
giống đường đến nhà văn hóa học lớp năng khiếu. Mồ hôi Hạ Chi túa ra, gót chân
cô bé nhức nhối. Cô bé thở phì phò...
Thằng Vinh ái ngại:
- Phải đi xe thồ thôi, tui có tiền nè.
Hai đứa đi đến góc đường gần nhất. Hai ba cái xe thồ nằm song
song bên nhau, những ông tài xế sụp mũ khuất gần hết khuôn mặt, cổ áo dày cộm
che sát cằm.
- Chú xe thồ ơi!
Người tài xế xe thồ hất mũ lên.
Hạ Chi sững sờ lùi lại - Thầy giáo chủ nhiệm!
Làm sao lại có thể thế này? Thầy giáo nghiêm trang trên bục,
áo sơ mi trắng tinh. Lời giảng sang sảng giữa lớp.
Thầy đó sao? Cái mũ rộng vành màu xám và cái áo khoác ngoài
màu xanh lá bám đầy bụi. Bàn tay dò cây bút đỏ trong sổ điểm, khiến bao học
sinh hồi hộp giờ đặt lên yên xe dường như quá mệt mỏi và chẳng còn mấy uy lực.
Mới sáng nay, bàn tay này vừa khoanh tròn một điểm 0 như bỏng lửa vì Hạ Chi
không thuộc bài.
- Thưa thầy... - Hạ Chi lắp bắp.
- Em đi đâu về đường này?
Giọng nói thân thuộc vang lên là giọt cuối cùng làm tràn ly
thương tổn. Đúng là thầy rồi! Cô bé không làm sao hiểu kịp. Gió cuốn những
trang đời bay qua rất vội và cô bé bay vèo từ cổ tích đến sự thật trần trụi
không kịp nghĩ suy.
Thầy giáo làm tiếp điều mà anh công an đành phải dừng lại. Mẹ
cô bé cuối cùng cũng đã thôi câm lặng. Bà nhìn thầy giáo bằng đôi mắt của một kẻ
không còn mấy thiết tha với cuộc đời :
- Tóm lại là thầy muốn gì ở tôi?
Giữa khung cảnh ảm đạm của khu nhà thám nuôi phạm nhân, vai
người đàn bà rũ xuống. Bà không có dáng vẻ của tay trùm làm ăn. Không có vẻ hằn
học của một kẻ sa cơ thất thế. Ở bà là một sự buông xuôi cay đắng.
- Dạo này Hạ Chi học sút ghê gớm.
- Chẳng lẽ tôi xin ra tù để học giùm nó hay sao?
- Ngày ngày Hạ Chi chỉ nghĩ đến một việc là lần tới mua cái
gì đi thăm bà. Tôi nghĩ... bà nên viết cho con gái vài dòng.
- Vậy ra đồ ăn gửi vào đây là của nó à?
- Chứ bà nghĩ của ai? Còn ai khác biết được bà thích gì và
không thích gì?
Điều gì đó thoảng qua khuôn mặt hốc hác của người đàn bà.
- Tiền đâu nó có?
- Trước khi mất, ông ngoại tặng cho Hạ Chi đôi bông tai của
bà ngoại. Cô bé đã bán đi để mua quà thăm bà.
- Cả ba tôi cũng không thương tôi - Bà ôm mặt - Ông đã tặng
cho con bé mà không để lại cho tôi chút gì!
- Ông cụ đã để lại cho bà rất nhiều, đó là những gì ông dạy dỗ
và tặng cho con gái của bà.
- Nó không phải là con của tôi - Nước mắt ràn rụa trên mặt
người đàn bà - Tôi không được trời cho có con. Tôi xin nó về nhưng chồng tỏi vẫn
bỏ đi với người khác. Tôi khổ lắm. Tôi muốn giàu, thật giàu để có cái gì đó với
đời này... Nhưng chẳng có cái gì là của tôi cả. Chồng không, con không, của cải
không...
Thầy giáo đã biết điều này. Thầy cúi đầu đợi người đàn bà
nguôi nước mắt :
- Tôi nghĩ rằng bà có điều quý nhất. Một đứa con hiếu thảo nhất
cũng không thể yêu thương cha mẹ nhiều hơn tình yêu của Hạ Chi dành cho bà. Tôi
có đem theo giấy bút đây...
Tháng 6/1996 Nguyên Hương
Tháng 6/1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét