Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

HeurékaXXXXX

Heuréka!

Trước hết, tôi còn mắc nợ một lời thổ lộ, chỉ một thôi, và hơi đặc biệt, nhưng là một lời thổ lộ chân thành. Từ khi bước lên máy bay đến đây, tại Stockholm, nhận giải Nobel văn chương năm nay, tôi luôn cảm thấy phía sau mình có một cái nhìn lãnh đạm, soi mói, và chăm chú dõi theo. Rồi trong giây phút trang trọng này, khi đột nhiên biến thành trung tâm của sự chú ý, tôi cảm thấy mình đồng nhất với kẻ theo dõi lạnh lùng kia hơn là một nhà văn được cả thế giới biết đến. Tôi chỉ có thể hy vọng bài diễn văn đáp lễ này sẽ giúp tôi hợp nhất sự phân thân đó, hợp nhất hai cá nhân trong con người tôi.
 
Mặc dù vậy, tôi cũng chưa hiểu rõ, sao tôi lại cảm thấy một sự phi lý nào đó giữa phần thưởng cao quý này và tác phẩm, đúng hơn là với cuộc đời tôi. Có thể vì tôi đã sống quá lâu trong các chế độ chuyên chế, giữa môi trường tri thức thù địch, xa lạ một cách tuyệt vọng, để có thể tự ý thức rằng: điều này chẳng có gì đáng phải trầm ngâm suy nghĩ đến thế. Bên cạnh đó, từ mọi phía, người ta cố gắng làm cho tôi hiểu, cái mà tôi suy nghĩ, cái được gọi là "đề tài" mà tôi quan tâm, đơn thuần là không hợp thời và không hấp dẫn. Chính vì vậy, trùng lặp với quan niệm riêng của mình, bao giờ tôi cũng coi viết lách là chuyện tuyệt đối riêng tư.
 
Chuyện riêng tư: điều này không loại bỏ sự nghiêm túc của nó, kể cả khi sự nghiêm túc này hơi nực cười trong một thế giới mà người ta chỉ nghiêm túc khi nói dối. Ðịnh đề triết học ở đây nhấn mạnh, thế giới là một hiện thực khách quan tồn tại không phụ thuộc vào chúng ta. Còn tôi, vào một ngày xuân đẹp trời năm 1955, tình cờ tôi nhận ra, chỉ có một khách quan duy nhất tồn tại, đấy là bản thân tôi, đấy là cuộc sống của tôi, là một món quà dễ vỡ trong một khoảng thời gian bấp bênh, cái mà những thế lực xa lạ muốn chiếm hữu, muốn quốc hữu hoá, cái để họ quyết định, và đóng dấu ấn lên đó, và từ cái được đặt tên là lịch sử, từ con quái vật Moloch nuốt chửng tất cả khủng khiếp ấy, tôi cần phải giành lại, bởi nó duy nhất là của tôi, tôi cần phải làm giàu bằng chính nó.
 
Ðiều này trước hết làm thay đổi cơ bản những gì có xung quanh tôi, và nếu nó chưa phải là khách quan, thì cũng là một hiện thực không thể kéo lùi lại được nữa. Tôi đang nói về một nước Hungari cộng sản, về chủ nghĩa xã hội được xây dựng và được tô hồng. Nếu thế giới là một hiện thực khách quan tồn tại không phụ thuộc vào chúng ta, lúc đó cá nhân con người không khác một đối tượng khách quan -cho dù không như vậy đối với chính bản thân họ- còn diễn biến cuộc đời anh ta sẽ là một chuỗi không phụ thuộc vào những ngẫu nhiên của lịch sử. Ðiều này anh ta có thể ngạc nhiên, nhưng hoàn toàn chả dính líu gì đến anh ta cả. Chắp nối để trở thành một tổng thể bị phụ thuộc thì không đáng, vì sẽ nảy sinh ra những yếu tố còn khách quan hơn cả việc một cái Tôi chủ quan phải chịu trách nhiệm về chúng.
 
Một năm sau đó, năm 1956, cách mạng nổ ra ở Hungari. Trong nháy mắt đất nước trở thành chủ thể. Nhưng xe tăng của Liên Xô đã mau chóng khôi phục lại cái khách thể.
 
Nếu có vẻ như tôi đang mỉa mai châm biếm, thì xin mọi người hãy xem xét, ngôn ngữ đã biến thành cái gì trong thế kỷ hai mươi. Tôi ngờ rằng, sự phát hiện đầu tiên và đáng sửng sốt nhất của các nhà văn thời đại chúng ta là ngôn ngữ, vẫn là cái được để lại cho chúng ta từ những nền văn hoá trước công nguyên, đơn giản là đã bất lực trước việc thể hiện những quá trình hiện thực, những khái niệm đồng nhất. Hãy thử nghĩ đến Kafka, đến Orwell, những người mà trong tay họ ngôn ngữ cổ tan biến ra một cách đơn giản, như thể họ quay chúng trong lửa, rồi sau đó giới thiệu nắm tro tàn của nó, để làm nên những minh hoạ hoàn toàn mới trước đó chưa hề có.
 
Nhưng tôi xin phép được quay lại với chuyện tuyệt đối riêng tư của tôi, chuyện viết lách. Ở đây có một vài câu hỏi, mà một người trong hoàn cảnh của tôi sẽ không tự đặt ra cho mình.Ví dụ Jean Paul Sartre đã dành cả một cuốn sách nhỏ bé để trả lời câu hỏi: "Chúng ta viết cho ai?" Ðây là một câu hỏi lý thú, nhưng không kém phần nguy hiểm, và cảm ơn Thượng đế, tôi chưa bao giờ phải suy nghĩ về điều ấy. Chúng ta hãy thử nhìn xem, nó nguy hiểm vì sao. Chẳng hạn chúng ta để ý đến một giai cấp trong xã hội, không chỉ để chiêm ngưỡng, mà còn muốn tác động vào nó nữa. Lúc đó trước hết ta phải nhìn xem cái phong cách viết của mình liệu có phù hợp với sự tác động ấy không. Sự ngờ vực sẽ mau chóng chiếm lĩnh nhà văn: rằng đó thực ra có phải là việc ta tự theo dõi ta. Rồi làm sao mà biết được cái gì thực sự là nhu cầu của công chúng, cái gì làm họ thích?
Rốt cuộc không thể đi hỏi từng cá nhân được. Vô ích mà làm chuyện đó. Chỉ từ đấy biết rằng nhà văn tưởng tượng ra một đám công chúng nhất định như thế nào, đã gắn cho họ những nhu cầu nào, gây cho họ những ảnh hưởng gì mà nhà văn muốn đạt được. Như vậy nhà văn viết cho ai? Câu trả lời đã rõ ràng: Viết cho chính bản thân họ.
 
Tôi ít nhất có thể nói, tôi đã trả lời được câu hỏi đó không cần những con đường né tránh. Ðúng thế, sự việc với tôi đơn giản hơn nhiều: Tôi không có công chúng, và tôi cũng không có ý định tác động đến ai. Tôi bắt đầu viết không vì một mục đích, và cái tôi viết chẳng nói với ai. Nếu trong những gì tôi viết vẫn có một mục đích được xác định, thì đó chính là sự trung thành của hình thức và ngôn ngữ đối với đối tượng của tác phẩm, không là gì khác. Làm sáng tỏ điều này rất quan trọng, trong một giai đoạn nực cười nhưng đáng buồn của một nền văn học được gọi là nền văn học cam kết do nhà nước chỉ đạo.
 
Với câu hỏi có đôi chút ngờ vực, là tại sao chúng ta lại viết, tôi khó trả lời hơn. Nhưng ở đây tôi cũng gặp may, vì không nổi lên vấn đề tôi có cần trả lời hay không. Về sự kiện này, tôi đã viết lại trong tiểu thuyết Sự thất bại. Tôi đứng trong hành lang bị lãng quên của một toà công sở, và chỉ độc nhất một điều xảy ra, là tôi nghe thấy những bước chân lộp cộp vọng tới từ dãy hành lang cắt ngang. Một sự hồi hộp khó tả bao trùm lên con người tôi, bởi tôi nghe tiếng những bước chân đi lại gần mình, và mặc dù đấy chỉ là những bước chân của một kẻ vô danh không nhìn rõ mặt, nhưng đột nhiên tôi như nghe thấy trăm nghìn bước chân. Như thể một đoàn diễu binh đang lại gần, với những bước chân rầm rập, và trong cùng một lúc tôi nắm bắt được sức lôi cuốn của đoàn diễu binh ấy, những bước chân ấy. Vậy là tại dãy hành lang này, trong một khoảng khắc, tôi chợt hiểu ra chất men say của sự tự hiến dâng, chất ngây ngất say sưa của việc hoà mình vào một đám đông, cái mà Nietzsche -tất nhiên trong một mối quan hệ khác, nhưng cũng đúng với trường hợp này- gọi là cảm giác cuồng say Dionysus. Dường như có một sức mạnh vật chất nào đó xô đẩy và cuốn hút tôi vào hàng ngũ đám đông, khiến tôi phải dựa lưng vào tường, và tự nhủ không được để nó lôi cuốn.
 
Tôi đã kể về giây phút căng thẳng mà tôi đã trải qua, y như một nguồn cảm hứng, vỡ vụn ra từ một ảo giác, như thể từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong tôi. Các nghệ sĩ đều nhận biết được cảm giác này, người ta thường gọi nó là một thần hứng bất ngờ. Nhưng cái tôi trải qua không thể liệt vào cảm giác mang tính chất nghệ sĩ, mà tôi gọi nó là sự thức tỉnh hiện sinh. Không phải nó trao vào tay tôi những công cụ của nghệ thuật mà sau này tôi còn phải tiếp tục tìm kiếm, chính nó đưa trả lại cuộc sống của tôi, cái mà thiếu chút nữa tôi đã đánh mất. Ðấy là sự cô độc, đấy là một cuộc sống khó nhọc hơn, như ngay từ đầu tôi đã nói: bước ra khỏi đám đông mê muội, bước ra khỏi lịch sử, cái đã biến tôi thành không cá nhân, không số phận. Tôi nhận ra một cách hãi hùng, rằng sau một thập kỷ, từ trại tập trung của bọn phát xít trở về nhà, có thể nói một chân vẫn đang ngập ngụa trong sự khủng bố khủng khiếp của Stalin, vậy mà toàn bộ chỉ còn là một ấn tượng lộn xộn và một vài giai thoại đọng lại trong tôi. Như thể chưa bao giờ xảy ra với tôi, như người ta thường nói.
 
Hiển nhiên những ảo ảnh như vậy đều có tiên đề của nó, có thể dẫn đến sự dồn nén những chấn thương nào đấy kiểu Sigmund Freud. Ai mà biết điều đó đúng hay sai. Còn tôi vốn thiên về sự hợp lý, tôi tránh xa các loại chủ nghĩa thần bí, hoặc sự thờ phụng nó: Khi nói về ảo ảnh, tôi muốn nói đến một hiện thực thể hiện dưới một hình thức siêu nhiên. Ðột nhiên một ý nghĩ chợt đến trong đầu tôi, một sự phát hiện, như tiếng kêu của cổ xưa "Heuréka!"-"Thấy rồi!" Nhưng thấy cái gì rồi mới được chứ?
 
Một lần tôi đã nói, cái gọi là chủ nghĩa xã hội đối với tôi giống như một cái bánh xốp Madeleine được nhúng vào cốc nước chè đối với Marcel Proust, khiến tất cả mùi vị của quá khứ đều dậy lên. Sau thất bại của cuộc cách mạng 1956, tôi quyết định ở lại nước Hung, trước hết vì sự cân nhắc về ngôn ngữ. Sau nữa là tôi có thể quan sát -không phải bằng cái đầu của con trẻ, mà bằng cái đầu của một kẻ trưởng thành- một chế độ độc tài hoạt động ra sao. Tôi thấy họ bắt một dân tộc phủ nhận các khát vọng như thế nào, thấy những thận trọng thích ứng ban đầu ra sao, tôi hiểu ra rằng niềm tin chỉ là một công cụ của sự độc ác, thấy tính tất yếu của các điều kiện, thấy đạo đức và bản năng sinh tồn chỉ là một cô hầu bàn dễ bảo mà thôi.
 
Có thể hình dung được hay không một tự do lớn hơn cái tự do mà nhà văn được hưởng trong một nền độc tài hạn chế, mệt mỏi, thậm chí là sa sút nữa? Trong những năm sáu mươi, nền độc tài Hungari đã đạt đến một trạng thái bền vững, có thể đặt tên là một sự nhất trí xã hội, như sau này phương Tây thường ví von là "Chủ nghĩa xã hội xúp thịt bò" với một cái phẩy tay nhẹ nhàng vui vẻ, tuồng như sau những khó chịu ban đầu, chủ nghĩa cộng sản ở Hung đã biến thành một thứ chủ nghĩa cộng sản ưa thích của phương Tây.
 
Trong cái vũng bùn của sự nhất trí này, con người hoặc hoàn toàn đoạn tuyệt với sự trạnh đấu, hoặc tìm ra những nẻo đường ngoắt ngoéo dẫn đến tự do bên trong của cá nhân. Sinh hoạt của nhà văn rẻ mạt, rèn luyện tay nghề chỉ cần giấy và bút chì là đủ. Cảm giác kinh tởm, sự mệt mỏi mà mỗi sáng thức dậy đều gặp phải lập tức đưa tôi vào cái thế giới mà tôi muốn miêu tả. Cần phải thừa nhận rằng, tôi đã miêu tả nạn nhân than vãn về cái logic của chế độ nhà nước toàn trị trong một chế độ nhà nước toàn trị khác, và điều này đã biến thứ ngôn ngữ dùng để viết tiểu thuyết của tôi thành một thứ công cụ bản năng.
 
Hoàn toàn chân thực để đánh giá lại hoàn cảnh tôi lúc đó, tôi không biết, ở phương Tây, trong một xã hội tự do, tôi có viết nổi hay không cuốn tiểu thuyết Không số phận đã được thế giới và viện Hàn Lâm Thuỵ Ðiển công nhận với phần thưởng cao quý nhất.
 
Không, chắc chắn lúc đó tôi sẽ cố gắng đạt được cái khác. Tôi không nói là không đạt đến sự thật, nhưng có thể là một sự thật khác. Trên thị trường tư tưởng và ấn phẩm tự do có thể tôi cũng cố gắng nghĩ ra một cuốn tiểu thuyết bóng bẩy hơn nào đó: ví dụ tôi có thể xé nhỏ thời gian của tiểu thuyết, để chỉ nói về những cảnh chứa nhiều tác dụng nhất. Chỉ có điều nhân vật của tôi, trong các trại tập trung của phát xít đã không được sống thời gian của nó, bởi vì thời gian, ngôn ngữ, thậm chí cả cá nhân mình cũng không được tự sở hữu. Nhân vật của tôi không hồi tưởng mà tồn tại. Trong cái bẫy xám xịt đơn điệu này, nó chỉ có cách là cam chịu, và không thoát khỏi những chi tiết khổ sở nhất. Thay vì một chuỗi những giây phút bi thảm thoảng qua là sự chịu đựng toàn bộ, phải sống qua toàn bộ, những gì đè nén và ít biến đổi nhất, như bản thân cuộc sống vậy. Nhưng đồng thời lại dẫn đến những bài học bất ngờ. Sự đơn điệu dẫn đến việc dàn trải toàn bộ những tình huống đã được định trước. Nó không tạo cơ hội, ví dụ ta nói ta có thể nhảy cóc qua hai mươi phút một cách lịch sự, chỉ vì hai mươi phút ấy xa lạ và mở toang ra trước mặt tôi như một cái hố đen xì và khiếp đảm, như một nấm mồ tập thể. Tôi nói về hai mươi phút trôi đi trên sân ga gần trại thiêu người Birkenau, khi một viên sĩ quan đến chọn lựa những con người vừa rời khỏi các đoàn tàu. Bản thân tôi có thể nhớ lại đại khái về hai mươi phút này, nhưng cuốn tiểu thuyết lại bắt tôi không được tin vào trí nhớ của mình. Vậy mà cho dù tôi đọc lại bao nhiêu hồi ký, ký sự của những người sống sót, gần như tất cả đều cho rằng mọi việc đều diễn ra rất chóng vánh và không kịp nhận ra được: Những cửa toa xe lửa bị bật tung, họ nghe thấy những tiếng quát tháo và tiếng chó sủa, những người đàn ông và đàn bà bị giằng ra khỏi nhau, giữa sự quấy đảo man rợ đó là một viên sĩ quan liếc cặp mắt lừ lừ nhìn họ, giơ tay chỉ một cái gì đó, rồi bỗng chốc họ thấy trên mình là bộ quần áo tù nhân. Còn tôi nhớ lại hai mươi phút đó một cách hoàn toàn khác. Sau khi tìm kiếm những tư liệu tin cậy, lần đầu tiên tôi được đọc tập truyện ngắn tàn bạo một cách chân thực của Tadeusz Borowski, trong đó có một truyện với nhan đề "Thưa các quý ông quý bà, xin mời các vị quá bộ vào phòng đốt ga!" Sau này tôi được cầm trong tay tập ảnh chụp đoàn người được chở tới lò thiêu Birkenau, mà quân đồng minh Mỹ đã nhặt được trong hầm chỉ huy của bọn SS tại trại Dachau. Tôi sững sờ nhìn tập ảnh. Những khuôn mặt phụ nữ đẹp, tươi cười, những thanh niên có cặp mắt hiểu biết, đầy thiện chí, sẵn sàng hợp tác. Giờ đây tôi hiểu tại sao, và bằng cách nào đã xoá nhoà đi trong tâm trí họ hai mươi phút nhục nhã của sự bất lực và vô hiệu. Rồi tôi nghĩ rằng tất cả những điều này được lặp lại, hàng ngày hàng tuần hàng tháng, trong nhiều năm, tôi càng hiểu được kỹ nghệ tạo ra sự sợ hãi, và hiểu làm thế nào có thể xoay ngược bản tính con người để chống lại con người.
 
Cứ như vậy tôi tiến lên từng bước, trên con đường đồng nhất của nhận thức, có thể đó chính là phương pháp tiếp cận của tôi.Tôi đã nhận ra sớm một điều rằng tôi cũng không hề quan tâm là tôi viết cho ai, và viết để làm gì. Chỉ có một câu hỏi được đặt ra: tôi có hệ luỵ gì với văn học nữa không. Bởi vì từ văn học, và từ những sự kiện nêu trên, từ cái tư tưởng được gắn với khái niệm văn học, có một đường ranh giới không thể bước qua, đường ranh giới này -cũng hư nhiều điều khác nữa- có cái tên là Auschwitz. Nếu viết về Auschwitz, cần phải biết rằng Auschwitz -ít nhất trong một ý nghĩa nhất định nào đó- đã làm thui chột văn học. Về Auschwitz chỉ có thể viết một cuốn tiểu thuyết đen, nghĩa là chỉ có thể viết tiếp một cuốn tiểu thuyết rẻ tiền, bắt đầu từ Auschwitz kéo dài đến tận ngày hôm nay. Tôi muốn nói, từ thời xảy ra Auschwitz đến giờ không có gì thay đổi để có thể phủ nhận được Auschwitz. Hiện tượng Lò Thiêu Holocaust trong những trang viết của tôi chưa bao giờ được coi là ở thời quá khứ. Người ta thường nói về tôi -lúc thì tán thưởng, khi thì cho là sự hạn chế- rằng tôi chỉ có một đề tài: tôi là nhà văn của Holocaust. Tôi không phản đối, tại sao lại không chấp nhận một chỗ dành cho tôi trên những giá sách loại này trong thư viện? Ngày nay có nhà văn nào không phải là nhà văn Holocaust? Nghĩa là theo tôi hiểu, không cần phải tách hiện tượng Holocaust ra bằng những đề tài trực tiếp, nếu chúng ta để ý tới những âm thanh đổ vỡ đã thống trị lên nghệ thuật châu Âu hiện đại từ mấy thập kỷ qua. Tôi đi tiếp: Tôi chưa thấy một tác phẩm nghệ thuật hay, đáng tin cậy nào lại không cảm thấy sự đổ vỡ này, tựa hồ như sau một đêm đầy những ấn tượng ma quỷ, con người hốt hoảng và bơ vơ nhìn vào thế giới xung quanh. Những vấn đề được gọi là Holocaust chưa bao giờ tôi thử coi như mâu thuẫn không thể giải quyết nổi giữa người Ðức và người Do Thái, chưa bao giờ tôi tin rằng những chương lịch sử đau khổ mới nhất của người Do Thái lại đang tiếp nối một cách theo logic những thử thách trước kia, chưa bao giờ tôi nhìn thấy cái được gọi là sự trật bánh một lần của lịch sử, những sự bài trừ Do Thái còn lớn hơn cả trước kia, những điều kiện để có thể lập được một nhà nước Do Thái. Tôi nhận ra một trạng thái con người trong hiện tượng Holocaust, nhận ra bến cuối cùng của một cuộc phiêu lưu, điểm đến của con người châu Âu sau hai nghìn năm của văn hoá đạo đức. Bây giờ chỉ cần suy nghĩ tiếp làm thế nào để chúng ta tiếp tục bước từ đây. Vấn đề của Auschwitz không phải chỉ là ta gạch đít dưới nó hay không, ta gìn giữ hay nhấn chìm những kỷ niệm về nó vào sâu ngăn kéo của lịch sử hay không, ta có dựng tượng đài kỷ niệm hàng triệu người đã bị giết rồi hay không, và đài kỷ niệm ấy cần phải như thế nào. Vấn đề thật sự của Auschwitz là nó đã xảy ra, và hiện thực này bằng ý chí tốt đẹp nhất, nhưng độc ác nhất ta cũng không thể thay đổi được. Hiện thực trầm trọng này, có lẽ nhà thơ Hung theo đạo Thiên chúa Pilinszky Janos đã đặt cho một cái tên chính xác nhất, khi ông gọi nó là một "Vụ bê bối", nghĩa là, ông hiểu Auschwitz đã xảy ra trong nền văn hoá Thiên chúa giáo, là điều đối với những tư tưởng siêu hình không thể quên đi được.
 
Những nhà tiên tri từng nói Thượng Đế đã chết rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau Auschwitz chúng ta còn lại với nhau. Chúng ta cần tạo cho mình những giá trị, ngày nọ qua ngày kia, và như vậy với những nền tảng đạo đức bền vững, cuối cùng sẽ mang lại những giá trị có thể tạo ra một nền văn hoá châu Âu mới. Giải thưởng mà Viện Hàn Lâm Thuỵ Ðiển đánh giá là xứng đáng trao cho tác phẩm của tôi, khiến tôi nghĩ rằng một lần nữa Châu Âu lại cần đến những kinh nghiệm mà những nhân chứng bắt buộc của Auschwitz, Holocauts đã trải nghiệm. Trong mắt tôi điều này, cho phép tôi được thổ lộ, cần đến lòng dũng cảm, thậm chí cần đến ý chí, bởi vì mọi người mong muốn tôi đến đây, và đều cảm thấy tôi sẽ nói gì. Nhưng cái "vũ trụ của trại tập trung" lên tiếng, không thể hiểu chệch đi được ngoài sự sống sót, là khả năng duy nhất để bảo tồn bản năng sống, nếu ta nhận biết được điểm xuất phát này. Tại sao không thể nhìn rõ điều đó? Cho dù tận cùng của sự nhận biết, kể cả được hình thành từ những bi kịch không thể vượt qua được, nhưng nó vẫn ẩn chứa những giá trị tuyệt vời nhất của châu Âu, những yếu tố tự do bao phủ lên cuộc sống của chúng ta, đánh thức sự tồn tại và những trách nhiệm của chúng ta với sự tồn tại đó.
 
Ðối với tôi niềm vui còn đặc biệt ở chỗ tôi được diễn tả những ý nghĩ này bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, bằng tiếng Hungari. Tôi sinh ở Budapest, trong một gia đình Do Thái, họ đằng mẹ tôi gốc ở Kolozsvar, còn họ đằng bố tôi thuộc vùng tây nam hồ Balaton. Ông bà tôi vẫn còn đốt nến vào tối thứ sáu hàng tuần, nhưng tên của họ đã Hung hoá, và vì thế điều tất nhiên tôn giáo của họ vẫn là Do Thái, và họ coi nước Hungari là tổ quốc của mình. Ông bà ngoại của tôi đều chết trong Holocaust, còn ông bà nội của tôi chết khi nền độc tài cộng sản thời Rakosi cho di chuyển nhà dưỡng lão người Do Thái từ thủ đô Budapest về vùng phía bắc đất nước. Tôi cảm thấy lịch sử ngắn ngủi của một gia đình bản thân nó đã chứa đựng và tượng trưng cho lịch sử đau khổ mới nhất của một đất nước. Tất cả những điều này dạy cho tôi rằng trong một cái tang không chỉ có sự cay đắng mà còn tiềm ẩn những giá trị đạo đức đặc biệt nữa. Làm một người Do Thái: theo tôi ngày nay trước tiên là một nghĩa vụ đạo đức. Nếu như Holocaust ngày nay đã tạo ra một nền văn hoá -theo nghĩa là một hiện thực không thể chối cãi nổi- thì mục đích của nó chỉ có thể từ một hiện thực không thể biến đổi tốt hơn sinh ra một điều kiện tốt hơn: đó là sự điển hình hoá. Mơ ước đó đã khích lệ, tạo nguồn cảm hứng cho tất cả những gì tôi đã sáng tạo nên.
 
Tôi đã bắt đầu cạn lời, và chân thành mà nói tôi vẫn chưa tìm lại được sự cân bằng khi nghĩ về tác phẩm, cuộc đời tôi và giải thưởng Nobel. Bởi vậy trước hết tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc -biết ơn tình yêu thương đã cứu vớt và duy trì tôi với cuộc sống. Nhưng chúng ta hãy thử nhìn mà xem, trong cái được gọi là "sự nghiệp" ngắn ngủi của tôi có một cái gì đó đảo lộn, một cái gì đó nghịch lý, một cái gì đó nghĩ cho cùng không thể không nghĩ đến một sự thử nghiệm của niềm tin vào cái siêu hình, vào một hệ thống bên ngoài thế giới. Con người đừng để mình rơi vào cái bẫy tự ru ngủ, bởi như vậy sẽ tuyệt vọng, sẽ không tồn tại, và hãy đừng đánh mất mối quan hệ sâu sắc và đau đớn với hàng triệu người đã bị huỷ diệt mà không bao giờ biết đến sự cứu rỗi. Trở thành kẻ ngoại lệ không dễ, nếu số phận đã chọn ta làm kẻ ngoại lệ, cần phải thoả hiệp với cái phi lý ngẫu nhiên này, cái ngự trị lên cuộc sống của chúng ta, bằng quyền lực phi nhân, và sự chuyên chế khủng khiếp của các đội hành quyết.
Khi tôi chuẩn bị bài diễn văn này, đã xảy ra một việc rất đặc biệt, nhưng về mặt nào đấy cũng khôi phục lại sự bình yên cho tôi. Một hôm bưu điện gửi đến một phong bì to màu nâu. Ðấy là ông Tiến sĩ Volkhard Knigge, giám đốc khu tưởng niệm Buchenwald gửi cho tôi. Ngoài những dòng chúc may mắn còn kèm theo một phong bì nhỏ. Ông đã viết trước, rằng nếu không đủ sức đối diện với sự thật thì tốt nhất tôi đừng đọc. Trong phong bì là bản sao tờ nhật trình của trại tù nhân ghi ngày 18 tháng hai năm 1945. Trong mục "Abgänge", nghĩa là "Báo tử", có ghi tù nhân sáu trăm bốn tám nghìn chín trăm hai mốt, Kertêsz Imre, sinh năm 1927, người Do Thái, công nhân nhà máy, đã chết. Có hai điều giả mạo: một là năm sinh và hai là nghề nghiệp của tôi. Khi khai báo hành chính trong trại Buchenwald, tôi khai man hai tuổi, để đừng bị coi là trẻ con, và là công nhân nhà máy chứ không phải học sinh để được coi là kẻ có ích hơn.
 
Như vậy tôi đã một lần chết, để có thể sống -có thể đây mới là câu chuyện thật của tôi. Nếu đúng như vậy, tác phẩm được sinh ra từ cái chết của một đứa trẻ tôi xin tặng cho cho hàng triệu con người đã chết, và cho những người còn tưởng niệm những người đã chết. Nhưng sau cùng vì là một tác phẩm văn học, mà theo các vị trong Viện Hàn Lâm Thuỵ Ðiển đánh giá đồng thời cũng có cả giá trị giáo dục, như vậy có lẽ có ích cả với đời sau, thậm chí, theo trái tim tôi có thể nói: nó sẽ phục vụ cho ngày mai. Bởi vì tôi nhận thấy, từ tác động của cơn sốc Auschwitz, tôi đã tiếp cận đến những vấn đề cơ bản nhất của sức sống và sức sáng tạo của con người hiện tại. Và như vậy nghĩ về Auschwitz, có thể bằng phương pháp nghịch lý, nhưng chắc chắn tôi nghĩ đến tương lai, chứ không phải nghĩ về quá khứ.
19/5/2009
Imre Kertész
Nguyễn Hồng Nhung dịch
Nguồn: http://www.nobel.se/
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...