Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

XXXXXKinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời

Kinh cầu nguyện Kaddis
dành cho đứa trẻ không ra đời

Chương 1
Lời giới thiệu
Nhà văn Hung gốc Do thái Kertész Imre sinh ngày 9 tháng 11 năm 1929 tại Budapest Hungary.
Năm 1943, mới 14 tuổi, ông đã trải qua trại Auschwitz, rồi Buchenwald, những trại tập trung phát xít Đức dựng lên để lùa nhốt dân Do thái toàn cõi châu Âu, với mục đích thủ tiêu họ dần dần.
 
Năm 1945, sau khi các trại tập trung được Hồng quân liên Xô giải phóng, Kertész Imre quay về Hungary. Ông làm nhiều nghề khác nhau: nhà báo, biên tập viên cho các báo và văn phòng Bộ công nghiệp, viết lời cho một số nhạc kịch, có lúc làm công nhân trong một thời gian ngắn.
 
Từ 1953 trở đi, Kertész là nhà báo tự do, kiếm sống chủ yếu bằng công việc dịch thuật.
 
Tiểu thuyết đầu tay của Kertész Imre, tác phẩm Không số phận viết trong 13 năm, sau nhiều chờ đợi và chối từ, năm 1975 mới được xuất bản tại Hungary.
 
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một  thiếu niên, sau khi đã trải qua những kinh nghiệm sống hãi hùng, trong các trại tập trung của phát xít Đức trở về, cậu trở thành người lớn, một người lớn, vĩnh viễn không bao giờ có thể sống đời sống bình thường như những người khác, chính vì dấu ấn nạn nhân, từ chủ nghĩa bài Do thái, đã để lại sâu sắc trong tâm hồn cậu.
 
Ngày 10 tháng 10 năm 2002, Kertész Imre nhận giải Nobel văn học với cuốn tiểu thuyết Không số phận. Ông trở thành nhà văn Hungary đầu tiên đoạt Nobel văn chương.
 
Tác phẩm Không số phận đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành phim năm 2005.
 
Trong các tác phẩm khác viết sau này, Kertész Imre thường phân tích một cách độc đáo và sâu sắc, số phận của những con người, bị quy định như một bi kịch định mệnh trong các tình huống xã hội đặc thù, như trong xã hội Hungary nói riêng và trong lịch sử Đông Âu nói chung.
 
Đó là các tác phẩm: Sự thất bại (1988), Lá cờ Anh (1991), Nhật ký khổ  sai (1992) Kẻ khác (1997), Tính sổ (2003)…
 
Tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời, viết năm 1990, thường được coi là câu trả lời tiếp nối của Không số phận. Giới phê bình và độc giả trong nước, đánh giá tác phẩm này là một trong những kiệt tác văn học Hungary- kể cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện- trong thập kỷ đầu tiên, khi Hungary trở lại thành một xã hội dân chủ.
Ngay với tên cuốn sách, tác giả đã lưu ý bạn đọc đến một loại kinh cầu nguyện, thường sử dụng trong các buổi tang lễ, phúng những người đã mất: đó là kinh Kaddis trong tôn giáo Do thái. Cuốn tiểu thuyết được viết như một lời cầu nguyện, các ý tưởng nối tiếp nhau, dàn trải theo một nhịp điệu nhịp nhàng, Kertész Imre đã sử dụng lối viết độc đáo của văn học truyền thống Do thái khi xây dựng tác phẩm này.
 
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một người đàn ông Do thái, lấy một người vợ Do thái, nhưng ngay từ điểm xuất phát vào đời, người đàn ông này đã quyết định sẽ không có con. Trong một đêm giông tố của cuộc đời, nhân vật chính kể lại tại sao mình lại nhất quyết nói: „Không!” với người vợ (cũ) khi nàng muốn có con, muốn xây dựng tổ ấm với mình. Ông từ chối cơ hội sinh ra những đứa trẻ, từ chối cơ hội, để cuộc sống của mình tiếp nối với những thế hệ con, cháu. Ông chuẩn bị một cái chết từ từ cho mình, và quay lưng lại với cuộc sống. Cuộc đời của nhân vật, là một chuỗi phủ nhận những gì đang tồn tại với mình, và quanh mình. Nguyên nhân của sự phi lý này, chính là toàn bộ quá khứ, đã gây ra những vết thương, giết chết tâm hồn con người, mà Kertész Imre đã phân tích cực kỳ sâu sắc, trong những triết lý thiên tài, về những vết thương còn „mạnh hơn cả tri thức…”
Đấy là hậu quả của  một quá khứ tổng hợp, của một con người được nuôi dạy trong nền giáo dục thiên chúa giáo cực kỳ nghiêm khắc, của tuổi thơ bị mất, vì sự hà khắc của người cha, của những kinh nghiệm sống sót từng trải, thu thập từ trại tập trung của phát xít Đức. Đấy là toàn bộ sự  hiện hữu bi kịch của một người Do thái, trong lịch sử bi thương  của dân tộc Do thái.
Tiểu thuyết kết thúc bằng kết quả lạc quan bất ngờ: người vợ ly hôn, nàng kết hôn với người khác, và sinh ra những đứa con. Cuộc sống, dù cay đắng bao nhiêu, vẫn tiếp tục đơm hoa kết quả.
 
Người đàn ông- nhân vật chính của tác phẩm, là một nhà văn và một dịch giả - tuy lựa chọn con đường sống độc thân, nhưng với các tác phẩm và dịch phẩm của mình, vô hình chung vẫn kéo dài cuộc sống của chính mình bằng nghệ thuật và văn chương, bằng những giá trị đích thực từ một nền văn hóa tạo ra thế giới  con người. Đây là giá trị vĩnh cửu của văn chương và nghệ thuật trong đời sống con người, được nhắc đến như ý nghĩa của tác phẩm.
 
Giá trị nhân bản của tác phẩm, cùng với những triết lý, tuy rất”tự thân”, rất đặc thù của Kertész Imre, nhưng có nhiều tương đồng với những yếu tố triết học đương đại của thế kỷ XX, khiến tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời  đã trở thành một trong những kiệt tác văn chương xuất sắc, trong văn chương hiện đại châu Âu, và thế giới. Là một dịch giả tiếng Đức nổi tiếng, tác phẩm của Kertész Imre chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng từ các nhà triết học Đức, Áo mà ông dịch như: Elias Canetti, Sigmund Frend, Hugo Von Hoffmannstahl, Friedrich Nietzsche, Jozseph Roth, Arthur Schnitzler, Ludwig Wittgenstein
 
Để lần đầu tiên tác phẩm của Kertész Imre được xuất bản tại Việt nam, người dịch đã bỏ rất nhiều công sức, cố gắng mang lại cho bạn đọc Viêt nam một ấn phẩm dịch có chất lượng, với mong muốn, sau  tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời,  người dịch sẽ có dịp giới thiệu tiếp, những tác phẩm ưu tú khác, của nhà văn đoạt giải Nobel Hungary Kertész Imre, giúp bạn đọc tìm hiểu thêm một nền văn học châu Âu cực kỳ đặc sắc: văn học Hungary.
 
Budapest  2008-05-18
Người dịch: Nguyễn Hồng Nhung
 
 
 „Không!” – tôi nói luôn và ngay tức khắc, không do dự và có thể nói, theo bản năng, bởi vì hoàn toàn hiển nhiên, những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại chính những bản năng của chúng ta, nói cách khác, những bản năng đối kháng của chúng ta hoạt động thay cho những bản năng thuần tính, thậm chí không quá lời – tôi đang ví von, nếu điều này có thể coi như sự ví von, hoặc cũng vậy, nếu sự thật trần trụi và thảm hại có thể xem là sự ví von. – tóm lại, tôi đang kể cho nhà thông thái đi ngược về phía tôi, sau khi cả ông ta lẫn tôi cùng dừng lại trong cánh rừng sồi đang héo mòn và hổn hển thở có thể nghe thấy được, bởi mắc một căn bệnh, có thể là bệnh lao phổi, rừng cây sồi, hay gọi là cây gì nhỉ: xin thú thật, tôi yếu kém về môn thực vật, riêng cây thông thì tôi nhận ra ngay, do những lá kim nhọn của nó, và những cây sung dâu, bởi vì tôi thích chúng. Cái gì tôi thích, cho đến tận hôm nay, ngay cả bằng bản năng đối kháng, nếu không phải bằng cái cảm giác buốt nhói trong ngực, đau quặn ruột, muốn nhảy dựng lên, như khi tôi phát hiện ra những điều tôi thù ghét, nói thẳng ra là, với sự nhận biết cảm hứng, tôi vẫn nhận ra nó. Tôi không biết, ở tôi, tại sao mọi cái với nhau, luôn luôn khác,  đơn giản hơn, nếu tôi biết tại sao tôi không biết. Bởi vì điều này giải thoát tôi khỏi vô số lời giải thích. Nhưng, có vẻ không thể chạy trốn khỏi những lời giải thích, chúng ta luôn luôn giải thích và phân trần,  bản thân cuộc sống đòi chúng ta phải giải thích, đây là cái hiện tượng-, cảm giác phiền toái không thể cắt nghĩa, môi trường xung quanh chúng ta đòi lời giải thích, và sau cùng, chúng ta cũng đòi lời giải thích từ ngay bản thân chúng ta, rốt cuộc, chúng ta thành công tiêu diệt tất cả những gì có xung quanh chúng ta, kể cả bản thân mình, hay nói cách khác, chúng ta thành công thanh minh đến vỡ đầu – tôi giải thích cho nhà thông thái hiểu, bằng thái độ nói chuyện gượng ép mà đối với bản thân tôi thật kinh tởm, nhưng không thể chống lại, cái thái độ luôn xâm chiếm tôi khi không có gì để nói, và là thứ, tôi e rằng, cùng gốc rễ với các đồng tiền boa tôi trả trong các quán ăn, trên những taxi, khi đút lót những nhân viên hành chính chính thống, chính xác hơn, nửa chính thống, và tiếp nữa, bằng thái độ lịch sự quá ư tự dâng hiến bản thân, như thể tôi đang sám hối không ngừng vì sự tồn tại, vì sự hiện hữu của mình.
 
Lạy Chúa! Chỉ đơn giản là tôi vào rừng dạo chơi – cho dù đây chỉ là một cánh rừng sồi còi cọc –, trong bầu không khí thoáng đãng – cho dù bầu không khí này đã ô nhiễm chút ít –, với mục đích làm thông thoáng cái đầu của mình, hãy nói như vậy, bởi vì nếu chúng ta không quan tâm vào ý nghĩa của từ ngữ, thì nghe như thế thật hay ho, còn giả sử chúng ta có quan tâm đi nữa, thì, các từ ngữ này cũng chẳng có ý nghĩa gì, như việc cái đầu của tôi không cần thiết phải làm thông thoáng, trái lại, tôi là người rất dễ bị trúng gió. Tôi đốt – đã đốt – thời gian của tôi ở đây, một cách tạm thời (lúc này tôi không lan man sang những điều ngoài đề tài mà từ này tiềm tàng), trong cái thung lũng của dãy núi miền trung nước Hung này, trong một căn nhà,  hãy gọi là nhà nghỉ mát, tuy nó xứng đáng được coi là nơi làm việc (tôi vẫn luôn luôn làm việc, và không chỉ sự sống còn buộc tôi phải thế, bởi nếu tôi không làm việc, thì tôi tồn tại, và nếu tôi tồn tại, thì điều đó, tôi không biết, nó buộc tôi làm gì, thành ra tốt hơn, tôi cũng không nên biết, cho dù các tế bào, phủ tạng của tôi, chúng chắc mẩm rồi, chính vì vậy tôi làm việc không ngừng: chừng nào tôi còn làm việc, chừng ấy tôi còn hiện hữu, nếu như tôi không làm việc, có giời biết, tôi có còn hiện hữu hay không, nên, tôi cho là quan trọng, và tôi cũng lấy làm quan trọng, bởi vì đây là cả một mối tương quan nghiêm túc nhất giữa sự sống còn và công việc của tôi, điều này hoàn toàn rõ ràng). Tóm lại, trong một căn nhà, nơi tôi được thưởng cái quyền đến ở với đám trí thức đồng quan điểm hoành tráng,  những kẻ mà tôi không có cách gì để tránh họ, tôi có nằm bẹp bất động trong phòng mình cũng vô ích –  tiếng lách cách của cái máy chữ của tôi sẽ tố giác ngay nơi tôi ẩn nấp –, tôi vô ích rón rén đầu ngón chân trên hành lang, vẫn cần phải đi ăn, những lúc đó, bằng hiện thực tồn tại không thương tiếc, đồng loại cùng bàn xúm xít quây quần, cũng cần phải đi dạo, thế là ngay giữa rừng tôi đụng trán với tiến sĩ Obláth đi ngược lại, nhà thông thái với cái dáng dấp mập mạp thô thiển, trên đầu sùm sụp phi lý cái mũ lưỡi trai kẻ ca-rô màu nâu xám, trong cái áo khoác cháo lòng tay rộng, với cặp mắt ti hí và khuôn mặt rộng, béo tốt, nhàu nát, giống như bột mỳ chứa bột nở và quả thực đã phồng to, ngài đã tỉnh ngủ hẳn. Thông thái gia, đây là chức danh nghề nghiệp thị dân của ngài, bên cạnh đó, cũng nên biết thêm rằng, và điều này có thể chứng minh bằng danh mục có ghi trong chứng minh thư của ngài, tiến sĩ Obláth là nhà triết học, giống như Immanuel Kant, như Baruch Spinoza, hoặc như triết gia Herakleitos của xứ Ephesos, như bản thân tôi là nhà văn và dịch giả, nhưng tôi không đính thêm vào người một danh hiệu đáng nực cười màu mè nào khác với những tên tuổi khổng lồ, những người là nhà văn và –  đôi khi – cũng là dịch giả đích thực, bởi vì ngay khi chưa làm điều này, tôi, với nghề nghiệp của mình, cũng đã đủ là một trò cười rồi, và bởi vì hoạt động dịch thuật mang tính chất khách quan, trong mắt của vài người – chủ yếu của các cơ quan chính quyền và, tất nhiên do nhiều nguyên nhân khác, nhưng của bản thân tôi nữa – đôi khi, với chút dáng dấp của những nghề nghiệp minh bạch, nó là tấm ngụy trang cho biết bao bận bịu của tôi.
 
„„Không” – một cái gì đó tru lên, rền rĩ trong tôi, ngay lập tức, chính lúc đó, khi vợ tôi (người thực ra từ lâu đã hết là vợ tôi) lần đầu tiên rào đón về chuyện này – về con – và sự khiếm khuyết này của tôi rất chậm rãi, đúng thế, sau rất – rất nhiều năm mới dịu dần đi trong tôi, biến thành nỗi đau nhân thế buồn bã vô tận, như thể cơn giận dữ bùng nổ của Wotan trong buổi chia ly lừng danh, cho đến tận khi, trở thành bè vĩ cầm tắc nghẹn từ những ảo ảnh, rất chậm rãi và nhức nhối, như một căn bệnh từ lâu ấp ủ, như một câu hỏi mạnh mẽ xoáy trong tôi, câu hỏi đó chính là con, chính xác hơn là ta, nhưng được đặt ra vì con, chính xác hơn nữa là (điều này tiến sĩ Obláth cũng đồng tình):): Sự hiện hữu của ta chính là khả năng tồn tại sự hiện hữu của con, xét cho cùng. Hay nói cách khác, tôi như một kẻ giết người, nếu chúng ta muốn chính xác đến tột cùng, muốn tăng đến tận cái không thể, và với chút tự gặm nhấm bản thân cho phép điều này, bởi vì, lạy Chúa, muộn mất rồi, luôn luôn sẽ là sự chậm trễ mất rồi, con không xuất hiện, còn ta tự biết một cách chắc chắn, sau cái khăng khăng ”Không! Không!”, ta đã làm đổ vỡ tất cả, nghiền nát mọi thứ thành bụi, trước tiên là cuộc hôn nhân bất hạnh ngắn ngủi của mình – tôi kể – tôi đã kể – cho ngài Obláth, tiến sĩ khoa Nhân văn nghe, bằng một thái độ lãnh đạm thờ ơ, mà cuộc sống chưa bao giờ dạy thế, nhưng rốt cuộc tôi đã thể hiện thuần thục, khi cần thiết vô điều kiện. Và tất nhiên là cần, vì nhà thông thái đến gần tôi với vẻ mơ màng, tôi lập tức nhìn thấy nó trên cái đầu ngoẹo sang một bên, trên là một cái mũ lưỡi trai nằm bẹp dí, như thể một tên côn đồ láu cá đang tiến lại gần, sau khi đã nốc vài chén, bần thần tính toán, nên tống tôi một cú hay chỉ vòi tiền, nhưng tất nhiên, suýt nữa tôi nói: rất tiếc, ngài Obláth không bần thần, một nhà thông thái không có thói quen trầm ngâm giữa đường, còn nếu có, điều này hiện ra trong hình thái một vấn đề triết học nghiêm trọng, những công việc thấp hèn do những kẻ chuyên nghiệp thực hiện, tương tự, ta đã thấy, cho dù điều chợt lóe trong đầu tôi liên quan đến tiến sĩ Obláth là sự chuyên quyền đích thực và gần như đáng ngờ, bởi tôi không biết quá khứ của ngài, hy vọng ngài đừng kể. Không, nhưng ngài khiến tôi ngạc nhiên, vì một câu hỏi chẳng tế nhị chút nào, như thể một tên du côn  vặn hỏi có bao nhiêu tiền trong túi tôi, tóm lại, ngài bắt đầu tra hỏi hoàn cảnh đời tư của tôi, tuy rằng, để mào đầu, ngài cho biết về đời riêng của ngài, với mục đích tạm ứng, làm tiền đề cho trường hợp nếu tôi muốn biết tất cả về ngài, dù tôi không hề quan tâm mảy may,  với việc này ngài có thể nhào nặn cái quyền về… nhưng tôi phải dừng cuộc suy diễn này, tôi cảm thấy những chữ cái, những từ ngữ bắt đầu bị cuốn đi, bị trôi dạt theo hướng sai lầm, hướng của luân lí mù mờ, thứ mà đáng tiếc, gần đây tôi nhận ra mình cũng mắc vào, và các nguyên nhân của nó hiển hiện quá rõ ràng trước mắt tôi (nỗi cô độc, sự cách ly, việc lưu đày tự nguyện), như thể những nguyên nhân này khiến tôi phải lo âu, bởi suy cho cùng, chính tôi đã gây nên chúng, như vài nhát cuốc ban đầu vào một cái hố sâu thăm thẳm, đến tận cùng, với từng nhát bổ, tôi cần phải đào xong, để sau này nó nuốt chửng mình (giá có thể, tôi không đào vào đất mà nên đào vào không khí, vì ở đó có đầy chỗ) – Tóm lại, tiến sĩ Obláth hỏi tôi đúng một câu vô tội, tôi có con hay không, trong mọi trường hợp, đây là sự thẳng thắn vô lại, đặc trưng cho một nhà thông thái, hay nói cách khác, bất lịch sự, nhất là trong giây phút tồi tệ nhất, tất nhiên làm sao ngài biết, câu hỏi của ngài không thể phủ nhận, thậm chí còn làm tôi bối rối. Vì sau đấy, tôi đành trả lời bằng sự lên tiếng bắt buộc không thể đừng, bắt nguồn từ nỗi lịch sự quá ư tự dâng hiến bản thân, làm tôi vừa trả lời vừa kinh tởm, mà vẫn cứ phải kể lại, rằng:
„Không!” – tôi nói ra luôn và ngay tức khắc, không chút lưỡng lự và có thể nói, theo bản năng, bởi vì hoàn toàn hiển nhiên là những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại chính những bản năng của chúng ta, nói cách khác, những bản năng đối kháng của chúng ta đang hoạt động thay cho những bản năng thuần tính, thậm chí: đúng thế, vì những lời nói ngu xuẩn, vì sự hạ thấp bản thân một cách tự nguyện, riêng tư và không động cơ gì của tôi (cho dù tôi có hàng tỷ lý do để nói, như vài dẫn chứng tôi đã nêu trên, nếu tôi nhớ không nhầm), tôi muốn trả đũa ngài Obláth, vị tiến sĩ của khoa Nhân văn, khi tôi tô vẽ lại chân dung ngài giữa cánh rừng sồi (hay rừng phong gì đấy) cằn cỗi, như tôi đã tô vẽ, với cái mũ lưỡi trai bẹp dí, cái áo khoác raglan, và đôi mắt ti hí nhờ nhờ sữa đục trên khuôn mặt rộng, nặng nề nhàu nát, giống tảng bột mì có bột nở phồng to – tôi vẫn cho như thế – đúng, hoàn toàn phù hợp với thực tế.  Toàn bộ những điều này, hoàn toàn có thể viết khác đi, một cách cân bằng hơn, rộng lượng hơn, tôi muốn nói thêm: với nhiều tình thương mến hơn nhưng e rằng, tôi chỉ biết viết như thế về tất cả, với ngòi bút tẩm mực châm chọc, một cách chế riễu, có thể hơi nực cười  (nhận định điều này không phải việc của tôi), nhưng từ góc độ nào đấy, thật vụng về, như thể có một ai đấy cứ đẩy chệch ngòi bút của tôi đi, khi nó chuẩn bị viết những từ định sẵn, nhưng cuối cùng bàn tay tôi lại cho ra những từ khác, khiến bức tranh phác họa, chả bao giờ chứa tình yêu thương nào trong đấy, đơn giản hơn, sợ rằng, trong lòng tôi chả có tí yêu thương nào, nhưng, – lạy Chúa tôi! – tôi có thể yêu thương ai  chứ, và tại sao. Trong khi tiến sĩ Obláth nói một cách trìu mến, đến nỗi vài chia sẻ cốt tủy khiến tôi phải chú ý, cuối cùng (sau này tôi gọi là: một cách định mệnh) đã được tôi ghi lòng tạc dạ. Rằng: ngài không có con, ngài nói, ngài chẳng có ai, ngoài một bà vợ già nua, đang vật lộn với tuổi già, nếu tôi hiểu đúng, bởi vì nhà thông thái giảng giải một cách mờ mịt, hay nói cách khác, định nghĩa một cách bóng bẩy, vì ngài tin là tôi hiểu được, thứ mà tôi muốn hiểu, mặc dù tôi không hề muốn, nhưng tuy vậy tôi vẫn hiểu, tất nhiên. Rằng, tiến sĩ Obláth nói tiếp, cái việc không có con của ngài thực ra chỉ gần đây mới xuất hiện trong đầu, và giờ trở nên thường xuyên, vì thế đúng lúc này, ngài ngẫm nghĩ về nó, trên con đường mòn trong rừng, không thể dừng lại mà không nói về nó, có lẽ, vì ngài đã đứng tuổi, và những khả năng ở tuổi này, ví dụ khả năng có thể sinh được con, đối với ngài ngày càng ít khả năng, thậm chí tuyệt đối mất khả năng, chính vì thế giờ đây ngài thường xuyên nghĩ đến, ngài bảo, ngài nghĩ đến nó  „như một cơ hội bị bỏ lỡ”.
 
Đến đây, tiến sĩ Obláth dừng lại giữa con đường mòn, vì trước đó cả hai chúng tôi cùng bắt đầu rảo bước, hai sinh vật xã hội, hai thằng đàn ông trung niên trò chuyện giữa đống lá khô, hai chấm buồn trên nền vải vẽ bức tranh thiên nhiên, hai vết loang phá hoại sự hài hòa vốn chưa bao giờ có của thiên nhiên, chỉ có điều tôi quên mất, tôi lẽo đẽo sau ngài tiến sĩ, hay ngài lẽo đẽo theo tôi, tất nhiên ta không nên đặt câu hỏi kiêu ngạo này ra làm gì, đúng thế, tất nhiên tôi lẽo đẽo sau ngài Obláth, có thể, với mục đích thoát khỏi ngài, bởi vì trong giây phút thích hợp nhất cho mình, tôi có thể quay trở lại; Tóm lại, tiến sĩ Obláth dừng lại giữa đường mòn trong rừng, bằng duy nhất một động tác buồn bã mênh mông, ngài căng cái khuôn mặt phồng to, xệ xuống, thêm nữa, ngài ngước cái đầu có chiếc mũ kỳ quái, lấc cấc về phía sau, rồi ngài treo ánh mắt của mình vào một cành cây ngang tầm mắt, như móc manh áo rách rưới thảm hại, nhưng vẫn sẵn sàng dâng hiến sự phục vụ. Rồi chúng tôi dừng lại giữa chừng như thế, câm lặng, tôi trong luồng thôi miên của ngài, còn ngài, tiến sĩ Obláth, của cây rừng, tôi có cảm giác, mình sắp làm nhân chứng cho một phát ngôn cực kỳ tin cẩn sắp phát ra của ngài; đúng vậy, vì sau cùng, tiến sĩ Obláth lên tiếng, ngài bảo, ngài nói rằng, ngài cảm thấy điều đã xảy ra, hay nói đúng hơn, điều chưa xảy ra, là cơ hội bị bỏ lỡ, có nghĩa là ngài nghĩ không phải đến việc nối dõi, mà đến một điều mang chút tính trừu tượng, và cần phải thú thực rằng, về bản chất cũng là niềm an ủi làm khuây khỏa con người, trong trường hợp ngài đã đáp ứng được – đúng hơn, và chính vì điều này, không đáp ứng được, công việc cá nhân và trên cả cá nhân ở thế gian này, nói cách khác, ngoài sự tồn tại ra, còn cần đảm bảo cuộc sống tiếp tục, sự thoát chết, những thứ được kéo dài và nhân rộng bởi chính các thế hệ tiếp theo, đó là (ngoài sự tồn tại ra) trách nhiệm, có thể nói, mang tính tiên nghiệm, nhưng lại vô cùng thực tiễn của con người đối với cuộc sống, để mình không cảm thấy là què cụt, là dư thừa, và nước đường cùng, là liệt dương bất lực; và ngài cũng không nghĩ đến những viễn cảnh đang đe dọa của tuổi già không nơi nương tựa, không, thực ra ngài sợ cái khác kia, sợ „sự vôi hóa tình cảm”, ngài nói như thế, tiến sĩ Obláth sử dụng đúng những từ này, khi giữa chừng, ngài tiến bước có vẻ như về phía điểm tựa của chúng tôi, phía căn nhà nghỉ mát, nhưng thực ra bây giờ tôi đã hiểu, là về phía sự vôi hóa tình cảm. Và trên con đường này của ngài, tôi lẽo đẽo theo ngài như một kẻ tháp tùng trung thành, trong trạng thái tâm hồn bị khuấy động đến độ thích đáng bởi những từ ngữ đầy khích động của ngài, nhưng tôi không chia sẻ nỗi sợ hãi với ngài, cái mà, tôi e rằng (chính xác hơn là tôi tin rằng, thậm chí tôi biết chắc chắn rằng) chỉ là phút chốc, và, tuy trong mọi trường hợp đều thiêng liêng, nhưng trong hiện thực vĩnh cửu, vẻn vẹn chỉ là nỗi sợ hãi cần được nhúng vào chậu nước thánh mà thôi, vì khi nó xuất hiện, chúng ta không còn sợ nó nữa, không còn nhớ thứ mình đã sợ, bởi vì nó đã lấy đi sức mạnh trên chúng ta, và chúng ta ngập tận cổ trong nó, nó đã là của chúng ta và chúng ta là của nó. Bởi vì đấy cũng chỉ là nhát cuốc vào cái hố, cái hố chôn, mà tôi đang đào vào không khí (vì ở đó tôi nằm xuống thoải mái hơn), cho nên, tôi nói, không phải với nhà thông thái, chỉ với bản thân, rằng đối với sự vôi hóa tình cảm, không cần phải sợ, mà cần phải tiếp nhận nó, ngay cả khi không chào đón trực diện, như chào đón bàn tay cứu vớt hướng về phía chúng ta, bàn tay hiển nhiên giúp chúng ta đi về phía nấm mồ, chắn chắn: vì thưa ngài Kappus, thế giới này không chống lại chúng ta, và nếu nó mang nhiều nỗi hiểm nguy đi chăng nữa, chúng ta hãy cần thử yêu lấy chúng, nếu như, tôi nói xen vào, nhưng không phải với nhà thông thái, cũng không phải với ngài Kappus – anh chàng may mắn đã nhận biết bao thư từ Rainer Maria Rilke – tôi nói với bản thân, là tôi chỉ yêu những nỗi hiểm nguy này, và tôi nghĩ, tuy vậy điều này có gì đấy chưa hợp lý, trong nó cũng có cái gì đấy không thực, mà tôi lúc nào cũng không ngừng nghe thấy, kiểu như một vài nhạc trưởng nghe thấy lập tức cái nốt nhạc kèn đồng, do lỗi in ấn, thổi cao hơn nửa âm. Cái âm thanh giả này, không chỉ từ trong bản thân tôi, mà xung quanh tôi, trong không gian, có thể nói, vũ trụ hạn hẹp hoặc rộng lớn của tôi, lúc nào tôi cũng không ngừng nghe thấy, ngay cả trong khung cảnh thiên nhiên đáng ngờ này, với rừng (sồi, hay phong) còi cọc, với lạch nước hôi hám và bầu trời u ám xỉn màu, lộ ra khỏi hàng cây hom hem, tại nơi, thưa ngài Kappus thân mến, kiểu gì tôi cũng không nghe thấy tiếng gọi thôi thúc của ý nghĩ „trở thành Tạo hóa, để sản sinh, để sáng tạo”, cái ý nghĩ đó, đúng không, chẳng đạt được điều gì trong thế giới nếu không kiểm chứng liên tục và biến nó thành hiện thực to lớn, sẽ chẳng thành gì, nếu thiếu sự đồng thuận của hàng nghìn âm thanh vang lên từ các loài vật và các vụ việc. . . Đúng thế, bởi vì vô ích chúng làm cụt hứng chúng ta (về điều này, tôi chỉ nói có thế), trong bí mật, nếu chúng ta thầm lặng và kỹ lưỡng theo rõi sự tuần hoàn của máu, và những giấc mơ kinh hãi của chúng ta, có nghĩa là, trong bí mật – tôi chỉ trong bí mật này, mới cảm thấy sự đồng thanh của hàng ngàn giai điệu vang lên từ mọi vật và mọi người – chúng ta luôn luôn và khăng khăng muốn sống, một cách rũ rượi, vô hồn, một cách bệnh hoạn, đúng thế, kể cả khi sống như thế này, cũng không được, như thế kia, cũng không xong… Chính vì vậy, hãy đừng mắc kẹt vào cái trạng thái tình cảm này, hay đúng hơn, vào gần như tất cả các trạng thái, hoặc ít nhất, trong tất cả những trạng thái mà tôi cũng tham dự, tôi lại nghe thấy âm thanh sai điệu của chiếc kèn đồng, tôi đặt cho ngài một câu hỏi đụng chạm mạnh đến chuyên môn của ngài, mang tính chất bác học, nhưng tuyệt đối không phải là một câu hỏi thông thái, rằng tại sao cái điều này lại như vậy? toàn bộ đây là sự ốm yếu?, rằng rốt cuộc ở đâu và khi nào „chúng ta đã làm đổ bể những cái quyền của mình”? rằng tại sao, một cách không thể thay đổi được và không gì có thể lay chuyển nổi, chúng ta vĩnh viễn không thể biết cái chúng ta biết? và cứ thế, cứ thế, như thể tôi không biết cái tôi biết, nhưng do bị bắt buộc phải lên tiếng, cái thái độ bất khả kháng, như nỗi sợ hãi nào đấy, kiểu như ngài đang ở giữa đồng hoang ma quỷ: thế là trên khuôn mặt tiến sĩ Obláth, quay trở lại cái nét mặt của nhà thông thái hành chính vùng núi trung nguyên Hungary, nét mặt của kế sinh nhai hạng trung, nét mặt của tầng lớp trí thức hạng trung với những quan điểm hạng trung, vóc dáng hạng trung, tuổi tác hạng trung, tương lai hạng trung, những nếp nhăn của nụ cười thỏa mãn, hạnh phúc, hoàn toàn nuốt chửng đôi mắt ti hí của ngài. Giọng nói của ngài ngay lập trở lại khách quan, thậm chí, cụ thể rành mạch, cái giọng mà đã quen với lối nói bóng nói gió trơn tru, vốn dĩ đầy tự tin, và mới đó vài giây còn thoáng run nghẹn bởi sự đe dọa gần kề của các sự việc rất thực tiễn cuộc sống. Thế là chúng tôi thong thả rảo bước quay về, hai kẻ ăn mặc gọn ghẽ, được nuôi nấng no đủ, tư thế chỉnh chu, hai trí thức thường thường bậc trung, trạc ngoại tứ tuần, quan điểm trung lưu, hai kẻ sống sót theo hai kiểu riêng của mỗi người, hai kẻ vẫn đang tiếp tục sống, hai kẻ đã chết một nửa, và trò chuyện, về những gì có thể trò chuyện, giữa hai kẻ trí thức và hoàn toàn vô bổ. Chúng tôi thảo luận, một cách ôn hòa, nhạt phèo, tại sao không thể tồn tại; bản thân sự tồn tại của cuộc sống, nói cho cùng là một sự vô lại, bởi vì, từ góc độ cao hơn, trong ý nghĩa cao hơn, không được phép tồn tại, đơn giản vì các sự kiện cứ lặp đi lặp lại, ta hãy bằng lòng như thế, lý do để ngao ngán có đủ; chưa nói đến việc đã từ lâu, những tư tưởng tân tiến hơn cũng không cho phép đồng nhất sự hiện diện với sự tồn tại. Chúng tôi đề cập – tất nhiên, tôi không thể nhớ ra tất cả, bởi có hàng trăm đề tài tương tự, vang lên, đúng hơn là kêu boong boong từ cuộc nói chuyện lộn xộn và vô tình này, như một ngàn đêm yêu đương hồi sinh từ quên lãng, với bậc vua chúa, trải dài bằng duy nhất một ý nghĩ sáng tạo – quả thật, tôi không nhớ ra tất cả, nhưng tôi tin: có chăng – toàn bộ bộc lộ vô thức hướng về sự hiện diện của tồn tại, khác xa dấu hiệu của nỗi ngây thơ vô vị, nói như vậy hơi quá, và thực ra không tồn tại – trái lại, đây là triệu chứng cho thấy cần phải tiếp tục, cần diễn biến một cách vô thức, nếu mọi giá cần phải tiếp tục. Và, nếu khả năng sống sót không thành công, điều mà tất nhiên ở mức độ cao hơn (tiến sĩ Obláth), lúc đó không chỉ những biểu hiện mơ hồ được bộc lộ, mà thậm chí sự trái ngược của nó cũng phơi bày, rơi vào vô thức một cách rõ ràng…và tiếp tục, sự vô thức này được biết đến như những nỗi phân tâm…
 
Nhưng, theo những điều trên, để đạt đến sự cảm nhận của nhân loại (tôi) và sự hiện hữu của nó (tiến sĩ Obláth), là trạng thái mà nhân loại luôn cố gắng vươn tới, là niềm tin, là nền văn hóa, và những nghi lễ khác, ngày nay thuần túy là một tai họa… Vì vậy, chúng tôi lại tiếp tục, tiếp tục thổi tiếng kèn đồng lạc điệu, giữa lúc sương mù xanh mỏng hoàng hôn bắt đầu phủ kín ngọn những rặng cây cao đứng sừng sững, che kín một đám đông đang ẩn náu trong khu nghỉ mát, như mầm cây chen chúc dưới lòng đất sâu, nơi bàn đã phủ khăn và bữa tối đang chờ đợi, dao dĩa kêu leng keng, cốc tách chạm nhau tanh tách, đám đông đó đang trò chuyện rì rào, từ nơi đang diễn ra sự thật trần trụi này, tiếng kèn đồng lạc lõng cũng vang lên; vì không thể tự phơi bày bản thân, cuối cùng tôi cũng không rút lui, để thoát khỏi tiến sĩ Obláth: có trời biết tại sao, từ sự trống rỗng, che đậy bằng nỗi bị thôi miên và lối chuyện trò bắt buộc, tôi luôn luôn cảm thấy buồn phiền (kinh tởm), tôi ở lại đến cùng với ngài tiến sĩ để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói về điều cần nói, thậm chí, ai mà biết được, cần viết. Đúng thế, và màn đêm đã trừng phạt – hay tặng thưởng?, –  vì tất cả những điều này, mang đến một bước ngoặc, một cơn giông bất ngờ ập đến, những tiếng sấm rền trên bầu trời, và chớp giật từng hồi, từng hồi, khắp vũ trụ, rồi lắng xuống, rõ ràng, khúc chiết, ít nhất đối với tôi, những chữ cái rành rọt xuất hiện, và…
„Không!” – tôi nói, bởi vì quá tất yếu, những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại bản năng, có thể nói, những bản năng chống đối của chúng ta hoạt động thay những bản năng thuần tính.
 
„Không!” – một cái gì đó tru lên, rền rĩ trong tôi, ngay lập tức, chính lúc đó, nỗi ca thán đã gọt rũa, sau rất nhiều năm trôi qua, biến thành nỗi đau da diết, câm lặng, khi chưa qua đi, nó âm ỉ và nhức nhối, như một căn bệnh đang ủ, khắc vào trong tôi một câu hỏi – rằng, con sẽ là một cô bé mắt đen chăng? xung quanh chiếc mũi bé nhỏ của con sẽ là những chấm tàn hương mơ hồ chăng? Hay con sẽ là một cậu bé bướng bỉnh? Đôi mắt vui tươi và ngỗ ngược của con sẽ giống như những viên sỏi xám nhỏ xinh chăng? – đúng, cuộc đời của ta sẽ chính là khả năng tồn tại hiện hữu của con. Cả đêm hôm đó ta chỉ nghiền ngẫm câu hỏi này, lúc dưới ánh chớp chói lòa, khi với cặp mắt hoa lên trong màn đêm, trong khoảnh khắc nén thở, ta như nhìn thấy câu hỏi này khắc trên tường.
 
Những câu chữ tôi viết ra trên giấy, giờ đây, cần coi như tôi đã viết ra hồi đêm, dù trong đêm, tôi sống, đúng hơn là viết, tôi đã trải qua, hay đúng hơn, những nỗi đau khác nhau của tôi, nhất là của những kỷ niệm đã vật vã (với nửa lít rượu cô nhắc). Có thể, tôi ghi bừa vài câu rối rắm vào sổ tay, vào tập giấy trắng luôn bên mình, những câu chữ sau đó tôi không thu thập lại, hoặc nếu có, tôi cũng không hiểu, rồi quên đi.
 
Chỉ sau nhiều năm, đêm hôm đó mới sống lại trong tôi, để sau nhiều năm nữa, giờ đây tôi thử ghi lại, những gì đáng lẽ lúc ấy tôi phải viết ra, vì một đêm quá ngắn ngủi, với những gì cần viết, nếu tôi định viết. Nhưng sao viết được, bởi đêm hôm đó mới là sự mở đầu, có thể không phải sự mở đầu sớm nhất, nhưng chắc chắn là một trong những bước đi đầu tiên của nỗi tỉnh ngộ chín chắn, hay đúng hơn, sự sám hối lâu dài, ai mà biết, dài đến bao giờ, là nhát bổ đầu tiên để đào nấm mồ, cho bản thân tôi – không còn nghi ngờ gì nữa – tôi sẽ trải giường vào những đám mây.
Câu hỏi này – cuộc đời của ta chính là khả năng cho sự tồn tại hiện hữu của con – có vẻ đi đúng hướng, đúng vậy, như thể bằng bàn tay bé bỏng, mảnh khảnh, con dắt, kéo ta đi trên đường, mà tận cùng đường chẳng dẫn đến đâu, cùng lắm dẫn đến sự nhận biết vô ích và không thể thực hiện được của bản thân, con đường chỉ đẩy lùi những trở ngại và chướng ngại vật mới tiếp tục tiến bước. Cái gì „có thể?” thậm chí „cần!” không mang ý nghĩa gì hết. Đầu tiên, phải chặn đứng cái thể chất trí thức bậc trung của tôi lại, phải dứt tận gốc rễ, kể cả khi thể chất này, chỉ được tôi sử dụng như bao cao su tránh thai, như thể tôi là một kẻ tình dục bừa bãi, cần thận trọng trong môi trường chứa bệnh AIDS.
 
Chính xác hơn, tôi đã như vậy, bởi từ lâu, tôi không còn là một trí thức bậc trung, tuyệt đối không phải là một trí thức, tôi chẳng là cái gì, tôi sinh ra làm một con người tự thân, ngài J.W.G.  từng nói thế, tôi là một kẻ sống sót tự thân, tôi nói, cùng lắm là nhà dịch thuật, đại loại như thế, một khi tôi đã xuất hiện và cần phải tồn tại. Là gì đi nữa, trái với hoàn cảnh đe dọa này, tôi đã tẩy hết thể chất đáng hổ thẹn của một nhà văn Hung thành đạt trên mình, vợ tôi (người từ lâu đã là vợ kẻ khác) bảo: mọi đặc tính của anh đều toát lên thể chất đó (lúc đó, khiến tôi hơi hoảng), nàng không bảo, vợ tôi nói, tôi phải từ bỏ những quan điểm nghệ sỹ, hoặc gì gì của tôi đi, nàng chỉ bảo, vợ tôi nói, tôi đừng tự ti như thế,  có nghĩa là nếu anh càng (từ bỏ những quan điểm nghệ sỹ, hoặc bất kỳ lí thuyết gì) anh sẽ càng phải quan tâm đến nó, nghĩa là rốt cuộc, anh phải tự thực hiện bản thân mình, tóm lại phải đạt được thành công, vợ tôi bảo, bởi vì ai cũng cố gắng đạt  điều ấy, kể cả nhà văn vĩ đại nhất thế giới, anh đừng tự lừa dối mình, vợ tôi nói, nếu anh không thích sự thành công, thì anh viết để làm gì cơ chứ? nàng hỏi, thật là một câu hỏi độc đáo, nhưng lúc đó tôi chưa có dịp lảng tránh; điều đáng buồn, có thể nàng đã nhìn thấu ruột gan tôi, có thể nàng nói hoàn toàn đúng, có thể tôi có – đã từng có – đủ tư chất, xứng với thể trạng đáng hổ thẹn của một nhà văn Hung thành đạt, tôi có – đã từng có – khả năng bẩm sinh. Nếu không có , tôi phải tạo ra – cần tạo ra, để toàn bộ nỗi do dự và sợ hãi sinh tồn  của tôi, có thể biến  thành sự ngưỡng mộ bản thân giản dị, mù quáng, không giới hạn, đầy say mê, nếu không đầy lôi cuốn, chí ít cũng hoành tráng, nếu tôi biến nó thành bệnh hoang tưởng đạo đức, và thành một chiến dịch kết tội liên tục, chống  những người khác;
Chương 2
 
Nguy hiểm hơn, dường như tôi có năng khiếu, phù hợp với thể chất đáng hổ thẹn, của một nhà văn Hung không thành đạt, thậm chí một nhà văn Hung thất bại, ở đây, lại đụng phải quan điểm đúng đắn của vợ tôi, bởi vì nếu ai bước lên con đường công danh, hoặc thành công, hoặc thất bại, không có con đường thứ ba, tất nhiên, dù dưới nhiều hình thức khác, nhưng cả hai con đường đều đáng hổ thẹn như nhau. Từ lúc đó trở đi, tôi chạy trốn vào cảm giác vất vưởng mặc nhiên của công việc dịch sách, như vào một cơn nghiền rượu…
 
Tóm lại, khi nhớ ra những lời nói của vợ, tôi cũng sực nhớ ra vợ tôi, người, đã từ lâu lắm, không mấy khi tôi nhớ đến, đúng hơn, kể cả khi rất hãn hữu, vô tình hay hữu ý, chúng tôi chạm trán nhau, chính xác hơn, theo sự sắp xếp chủ động của người vợ (cũ) của tôi, người, tôi nghĩ, luôn hồi tưởng về tôi bằng một cảm giác tội lỗi hoàn toàn vô nguyên cớ xa xôi gì đấy. Những lúc đó, tôi nghĩ, cái sự nàng cảm thấy, nếu nàng cảm thấy, ký ức này, là bởi tuổi trẻ của nàng và vài ba năm ngắn ngủi phung phí cho tôi mang lại, còn cảm giác tội lỗi vô nguyên cớ là do cái ý thức luôn luôn cho mình là đúng, không bao giờ và không cần phải nghi ngờ, của nàng, hay nói cách khác, tôi không bao giờ trách cứ nàng vì điều gì cả, gây nên; nhưng – lạy Chúa! – tôi có thể kết tội hoặc đã kết tội nàng vì điều gì kia chứ, khi mà nàng chỉ muốn sống?
 
Thế là, tôi chợt nhớ ra những câu nói của nàng, nhớ đến nàng, nhớ đến cuộc hôn nhân ngắn ngủi và thất bại của mình, rõ ràng như thể nhìn thấy nó trên bàn giải phẫu. Và nếu tôi có xem xét nó, tuy ân cần, trìu mến, nhưng trong mọi trường hợp với sự am hiểu lạnh lùng, như thể tôi muốn nhìn mọi thứ đến cùng, kể cả cái tử thi đóng băng từ lâu của cuộc hôn nhân của tôi, thì tôi cần phải thận trọng để đừng khuấy động lên trong lòng những cảm xúc rẻ tiền, bẩn thỉu khi nhớ đến những lời nói của nàng, như một bạn đời, nói thế nào nhỉ, còn tôi đã nghe một cách bực bội. Nhưng trong cái đêm tỉnh ngộ ấy, tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình thật xa cách, quả thật không thể hiểu, điều vô lý của đời mình sao mà giản dị và dễ hiểu đến thế, trong cái đêm bừng sáng ra tất cả mọi điều này, tôi cần phải biết rằng, bản năng sống của vợ tôi đã bắt nàng thốt lên những lời nói ấy, bản năng sống của nàng cần thiết những thành công của tôi, để làm quên đi những thất bại to-lớn, những thứ đến với nàng từ khi ra đời, như dấu ấn giai cấp; sự thất bại đáng căm ghét, sự thất bại thật vô lý, sự thất bại không thể chấp nhận được, những thứ, đúng ra không phải như một thất bại, thậm chí ngược lại, như một ánh hào quang, không, nói vậy hơi quá, đúng hơn, như một mảnh vỏ trai thanh mảnh, óng ánh đúc sát thân thể nàng, lúc mới quen nhau, tôi lập tức, nói thế nào nhỉ, tôi lập tức nhận ra ở nàng một cách vô thức, trong căn nhà, trong cái gọi là đám bạn bè, nàng chợt nổi trội giữa đám người ba hoa, như thể một cái gì đó xấu xí, không cân đối, nhưng đầy thiện cảm, bằng xương bằng thịt, một cái gì đó nhấp nhô, trải rộng và quằn quại, như một cơn đau đẻ; khi nàng tách ra và bước đi trên tấm thảm màu xanh non, như thể đi trên biển, để lại sau lưng xác con delfin phanh ruột, nàng bước đi uyển chuyển, kiêu hãnh nhưng rụt rè về phía tôi, còn tôi, ngay lập tức, tự bảo mình, một cách bản năng: „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!”.
 
Cho đến giờ, điều này vẫn xảy ra, khi rất hãn hữu chúng tôi gặp nhau, tôi ngắm mái đầu cúi về phía trước, mái tóc dày óng mượt rủ xuống cạnh khuôn mặt nàng, khi bên cạnh chiếc bàn trong hiệu giải khát, nàng ghi liên tiếp các loại đơn thuốc cho tôi, những thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc tê, thuốc làm đần độn… để tôi chịu đựng tiếp, chừng nào còn cần phải chịu đựng, và nếu cần phải chịu đựng, ít nhất tôi sẽ chứng kiến, nghe thấy, và cảm nhận một cách tê dại, những thứ cần phải chứng kiến, phải nghe và phải cảm thấy, tuy vậy, tôi chưa nói tới điều này, nhưng cần gì phải nói, tự bản thân tôi cũng biết, tại sao tôi lại làm như vậy, như thể những ghi chép này, ngoài tôi ra, tự nó cần thiết, cần thiết, vì tôi viết, vì cần phải viết, và nếu chúng ta viết, chúng ta tiếp tục đối thoại, tôi đọc ở đâu đó, chừng nào còn Thượng đế, hình như chúng ta còn tiếp tục đối thoại với Thượng đế. Giờ đây vì Thượng đế không tồn tại, chỉ đôi khi con người đối thoại với kẻ khác, hoặc tốt nhất là tự đối thoại với bản thân, tự nói một mình hoặc lẩm bẩm, theo cách họ muốn.
Tóm lại tôi quên chưa nói, vợ cũ của tôi (từ lâu đã là vợ kẻ khác) là bác sĩ, nhưng là một bác sỹ vừa phải, vì nếu không, tôi đã không thể  chịu đựng, dù chỉ tạm thời, nàng chỉ là bác sĩ da liễu, dù nàng coi nó rất quan trọng, như với nhiều thứ khác. Đúng thế, cái cách nàng viết các loại đơn thuốc cho tôi (vì tôi khôn khéo phát hiện và sử dụng thiết thực những cuộc hò hẹn ít ỏi và hoàn toàn trong sáng của chúng tôi), đôi khi, tận bây giờ, tôi vẫn thoáng nghĩ: „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!”
Ôi! tôi nghĩ điều này giờ đây một cách như thế nào nhỉ, một cách lờ đờ, thảm hại, từ bản thân mình, về nàng, về tất cả mọi người và mọi thứ, một cách mới thảm hại, rầu rĩ, không như vậy, như khi tôi nghĩ „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!” đúng như thế, như khi tôi nghĩ, một cách tự nhiên và khúm núm, như một đấng mày râu, một loại giống đực thô bỉ nghĩ về những điều như sau: trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao, cô gái Digan mới đẹp làm sao, ô! một cô nàng da đen ngon lành, đám đàn bà Pháp này, cô bé đeo kính, trời! cô nàng có bộ ngực vĩ đại, nàng mông nẩy, nàng ngực con con, ô! nàng mông vĩ đại… v.v… và v.v...
 
Thậm chí, nếu tôi đã từng không biết, người ta sẽ soi sáng cho tôi, rằng tuyệt đối không chỉ những giống đực thô bỉ, mà cả những giống cái thô bỉ cũng tuyệt đối nghĩ đúng như vậy, hoặc chính xác đúng như vậy, chỉ ngược lại, khi trong một quán giải khát dưới ánh đèn nhợt nhạt, tôi – đúng lúc đó đang ngồi đợi vợ – cũ – của mình, ngay bàn bên cạnh là hai cô gái trẻ đẹp đang trò chuyện, thế giới đột nhiên bỗng quay cuồng quanh tôi, theo đúng nghĩa đen của từ này, một cảm giác bóp thắt dạ dày, kiểu như lao xuống vực, gợi về miền thơ ấu, một ảo ảnh quá xa vời, gốc gác của nó,  nói thế nào nhỉ,  gợi lên từ một hình ảnh khủng khiếp tôi nhìn thấy, một hình ảnh khủng khiếp ám ảnh cả cuộc đời, và sau cùng, ai mà biết được tại sao, ai có thể nhận ra mọi nguyên nhân của linh hồn, mà nếu có nhận ra, đã chắc dám, thử tìm cách thoát khỏi chúng, bởi vì đấy là một hình ảnh không chỉ kinh tởm, mà còn chán ngán đến cùng cực, vì sau đó, tôi đã đồng nhất mình với cái hình ảnh ấy, đến mức, nếu không phải hoàn toàn hiện thực như bản thân hình ảnh đó, thì ít nhất tôi đã cảm thấy mình biến thành chính ảo ảnh đó.
Vâng đó chính là tôi, trong một làng đồng bằng bụi bặm và ngột ngạt, khi người ta gửi tôi đến để nghỉ hè. Đấy là lần đầu tiên tôi sống giữa cộng đồng người Do thái, tôi muốn nói là giữa những người Do thái chính cống, không phải Do thái như chúng tôi những người Do thái thành phố, Do thái thành phố Pest, hoặc không phải những người Do thái khác, tất nhiên không theo thiên chúa giáo, những kẻ Do thái không phải Do thái, thường vì thế ăn chay dài ngày, ít nhất bắt buộc đến trưa, không, một bà bác họ hàng và một ông bác họ hàng (tôi quên mất, họ là những họ hàng gì, mà nhớ để làm gì cơ chứ, họ đã tự đào mồ cho mình từ tám đời trong không khí, nơi người ta đã thổi họ bay đi từ lâu).
Tóm lại, đấy là những người Do thái chính cống, sáng cầu nguyện, tối cầu nguyện, trước bữa ăn cầu nguyện, bên cạnh chai rượu cầu nguyện. Thực ra họ là những người đáng yêu, với một thằng bé từ thành phố Pest về, họ là những kẻ béo mập, buồn tẻ, bẩn thỉu, như những con ngỗng, như món xúp đậu nhạt nhẽo, như món bánh ngọt nhồi hổ lốn các loại quả. Lúc đó chiến tranh thế giới đã bùng nổ, nhưng ở chỗ chúng tôi vẫn yên ả và thanh bình, ở hòn đảo hòa bình Hungary và châu Âu lửa cháy, người ta mới đang thực tập một sự ám muội. Điều đó không thể xảy ra được, thứ, mà chúng tôi nói ở Đức, hay ở Balan, hoặc „ở chính quyền bảo hộ Séc”, hoặc Pháp, hoặc Croatia, hoặc Slovakia, tóm lại, là thứ đang xảy ra khắp nơi và không thể dừng lại, không, không thể xảy ra ở đây; đúng vậy.
 
Một buổi sáng tôi vô tư khẽ mở cửa phòng ngủ, và bỗng thét lên trong lòng, tôi quay ra ngay lập tức, vì tôi vừa nhìn thấy một cái gì khủng khiếp, tác động như một sự hỗn xược vào mặt, so với tuổi đời, tôi chưa từng chuẩn bị để đón nhận bao giờ: một người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước một cái gương, trong chiếc áo ngủ màu đỏ. Phải mất một hồi lâu, cái đầu hãi hùng và hỗn loạn của tôi mới đồng nhất được người đàn bà đó với bà bác họ hàng của tôi, người mà sau sự kiện này, tôi thường gặp với mái tóc nâu đỏ bình thường, tuy các sợi của nó cứng và mỏng một cách khác thường; tất nhiên tôi không dám mở miệng hỏi, bằng toàn bộ sức lực, tôi cố gắng cho rằng mình  không nhìn thấy gì, không nhìn thấy một hình ảnh khủng khiếp, một bà bác với cái đầu bóng nhẫy, trần trụi như của manơcanh trong tủ kính, lúc tôi thấy giống như của một xác chết, hay của một người đàn bà dâm đãng, kẻ đêm đêm biến đổi trong phòng ngủ; tất nhiên, chỉ khi về nhà, tôi mới dám gợi lại câu hỏi, có đúng là mình đã nhìn thấy, cái mà tôi đã thấy hay không, vì ngay chính trong tôi cũng đầy ngờ vực;
Bộ mặt cười cợt của cha tôi tuyệt nhiên không làm tôi dịu đi, không hiểu sao, tôi cảm thấy nụ cười của ông nông nổi và tàn nhẫn, kể cả khi tự tàn nhẫn mà thôi. Tất nhiên, những từ ngữ này lúc đó - với tôi, một đứa trẻ- thật xa vời. Đơn giản tôi cho là cha tôi đã cười một cách ngu ngốc, vì ông không hiểu được sự khiếp đảm, nỗi hãi hùng, ấn tượng khắc sâu vào tâm khảm, lần đầu tiên trong đời của một đứa trẻ: thay vào chỗ của bà bác là một người đàn bà có cái đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Không, ông không thể nào hiểu nổi sự hãi hùng này của tôi, ngược lại ông gợi thêm những nỗi hãi hùng khác, đúng là ông rất ân cần, giải thích cho tôi, những điều tôi chả hiểu gì hết, chỉ cảm thấy nỗi hãi hùng bí hiểm của bản thân sự việc trần trụi, khi ông bảo, họ hàng bác tôi là những người polis, là những phụ nữ Do thái Balan, vì lý do tôn giáo, người ta cắt tóc của mình và đội sáli, nghĩa là đội tóc giả; Sau này, khi mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn, khi tôi cũng là Do thái, như thể từ từ ta biết, điều này đi kèm theo án tử hình, có thể chỉ vì đấy là một nhân tố đặc biệt, và không hiểu được – rằng: tôi là người Do thái - tự điều này thật kỳ quặc, nhưng ít nhất đã trở nên quen thuộc với tôi, một thời gian sau bỗng tôi nhận ra mình là ai: là người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Sự thật mới hiển nhiên làm sao, không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, nhưng suy cho cùng, không thể phủ nhận, nó định nghĩa một cách tuyệt vời cho vị trí không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được của tôi, là tôi đừng nói ra xuất xứ của mình. Sau cùng, mọi việc trở nên đơn giản hơn, không cần đến tôi nữa, vì tôi đã quen với ý nghĩ này, cũng như dần dần theo trình tự, những ý nghĩ khác không dễ chịu, nhất là không thể hiểu nổi cũng trở nên quen thuộc nốt, với sự yên bình hoàng hôn. Cần biết, những ý nghĩ không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được sẽ biến mất, khi tôi biến mất.  Đây là những suy nghĩ rất có tác dụng, trước tiên ý nghĩ tôi là Do thái, thuần túy không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, hiện diện như một hiện thực, trong thời hêber còn là sự nguy hiểm chết người. Nhưng với tôi (tôi hy vọng, thậm chí tin tưởng, tuyệt đối không ai đồng ý với tôi, tôi tin  có người sẽ nổi giận, thậm chí, tôi thành thực hy vọng, người ta sẽ chán ngấy, những người bài và không bài Do thái)  suy nghĩ này có tác dụng thiết thực, tuy không ngoài nhận thức: đấy một hiện thực không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, thậm chí nguy hiểm chết người, duy nhất vì sự nguy hiểm của nó, ta cần thử yêu lấy nó. Tôi không tin, vì từ lâu rồi, tôi không cố gắng sống hòa đồng với con người và thiên nhiên, với cả bản thân mình, hơn thế nữa, tôi còn mường tượng đến một nỗi tủi nhục đạo đức, một cái gì đó tha hóa đáng kinh tởm, như trong mối quan hệ ơdip, hoặc sự loạn luân xấu xa cùng dòng máu, giữa hai anh em.
Vâng, tôi ngồi như thế, đợi vợ (cũ)  trong một tiệm giải khát có ánh đèn mờ ảo, với hy vọng về vô vàn đơn thuốc mới, không hề nghĩ  đến cái vị thế không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, đôi khi nguy hiểm chết người của mình, khi cạnh bàn tôi, hai phụ nữ đang trò chuyện, tôi rất tình cờ, lắng nghe. Những người đẹp, một cô tóc vàng, một cô tóc nâu, cho dù họ làm tôi cụt hứng bao nhiêu lần và đến thế nào (tôi chỉ nói thế thôi về điều này), bí mật và lặng thinh, tôi lắng nghe sự tuần hoàn của máu, và những giấc chiêm bao kinh sợ của mình. Một cách bí mật, tôi vẫn yêu những người đàn bà đẹp, họ có  sức quyến rũ không lay chuyển, không bày tỏ, có thể nói rất tự nhiên,  dù họ ra vẻ muốn tầm thường hóa đi chăng nữa, về bản chất vẫn có cái gì bí hiểm, không liên quan đến tôi. Dù tôi có bực bội, cũng không dễ dàng tiếp cận họ, như tiếp cận với cây plantán chẳng hạn,  tôi yêu nó vì tán lá xòe rực rỡ, vì rễ cây lấm tấm, vì những chiếc lá đung đưa theo mùa, to bằng bàn tay của chúng. Tôi còn chưa kịp hiểu, dù như một kẻ tham gia thụ động, vào câu chuyện của họ, được thì thào với một giọng tin cậy, ngay lập tức, một đề tài rào đón tức khắc lọt đến tai tôi, với những lời sau đây: „…tớ không biết, nhưng tớ không thể, với một kẻ lạ… với một gã da đen, một gã Di gan, một thằng Ả rập…” giọng nói đến đây dừng lại, tôi cảm thấy cô ta ngập ngừng, cảm giác nhịp điệu thì thầm trong tôi, cô ta chưa nói hết, rõ ràng cần phải có câu tiếp theo, tôi nghĩ, nếu cô ta nghĩ lâu đến thế, tôi sẽ nhắc hộ, giữa lúc đó cô ta cay đắng nói tiếp: „…một thằng Do thái” thế là cùng lúc, hết sức bất ngờ, vì đã đoán trước, đã chờ đợi, nghe ngóng, cùng lúc, thế giới quay cuồng quanh tôi, với một cảm giác buốt thắt ruột, như lao xuống vực, tôi nghĩ thầm, nếu cô gái nhìn tôi lúc này, tôi sẽ biến đổi: tôi sẽ biến thành người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Sự nguyền rủa này, tôi nghĩ, không có đường thoát, không có, không có, tôi đã nghĩ, đã nghĩ, chỉ  con đường duy nhất tôi nhìn thấy, nếu, tôi đã nghĩ, nếu ngay bây giờ mình đứng dậy, hoặc tát cho cô ta một cái, hoặc dằn ngửa cô ta ra…
 
Có cần phải nói không nhỉ, tôi chẳng làm gì hết, cũng như tôi đã không làm nhiều cái khác, những việc thường xuyên đủ lý do để tôi cần phải làm. Nó cũng không nằm trong lĩnh vực nhu cầu thiết yếu, mà tôi đủ lý do lắc đầu không vi phạm; Nhưng động cơ của tôi, có thể nói, chưa được cổ vũ đã tắt ngấm, và, những ý nghĩ hèn kém nhưng quen thuộc đến gần tôi ngay lập tức – cần quái gì phải chiến thắng con đàn bà này, hay chiến thắng bản thân mình, bởi vì từ lâu, lâu lắm rồi tôi đã biết như vậy, tôi làm vì cần phải làm, mặc dù  không biết tại sao lại cần, tôi làm với một hy vọng, thậm chí với một ý thức, sẽ đến lúc không cần phải cần làm , tôi sẽ tự do lựa chọn một chỗ nằm cho mình, trước khi người ta bắt tôi làm điều ấy, người ta huýt còi bắt tôi phải đào huyệt cho bản thân tôi, để giờ đây, mất bao nhiêu thời gian – ôi lạy Chúa! – tôi vẫn mới chỉ dừng ở việc đào huyệt.
 
Sau rồi vợ tôi cũng đến, tôi, với những cảm giác được giải thoát, ngay lập tức, nói thế nào nhỉ, một cách bản năng tôi nghĩ: „Trời! cô gái Do thái mới đẹp làm sao!” khi nàng bước trên tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển, nàng rụt rè bước về phía tôi, vì muốn nói chuyện với tôi, vì biết tôi là tôi, B, nhà văn và nhà dịch giả, người mà nàng sẽ đọc cho nghe „một ghi chép”, người mà mọi giá cần  gặp cho được, nàng (lúc đó sẽ, bây giờ đã) là vợ tôi bảo. Nàng còn rất trẻ, kém tôi mười lăm tuổi, tuy tôi chưa đến nỗi già lắm, mặc dù lúc nào tôi cũng già.
Vâng, giờ đây tôi lại thấy nàng, trong cái đêm vĩ đại, sáng rực ánh chớp của sự ngộ tỉnh, cả sau này, trong cái đêm tăm tối đổ ụp xuống đầu tôi: I wonder why I spend my lonely nights dreaming of the song…and I am again with you, tôi huýt sáo, mơ màng vì nỗi mình đang huýt sáo bản Stardust Melody, mà chúng tôi thích, đúng hơn tôi chỉ thích huýt sáo bản Gustav Mahler, bản giao hưởng Số Chín. Thật vớ vẩn. Nếu chẳng may ai không biết bản giao hưởng này, để từ ấn tượng của nó, có đủ lý do và cơ sở rút ra đặc điểm tâm hồn của tôi, nếu họ tò mò, và không thỏa mãn với những thông tin khác về tôi. When our love was new and each kiss a revelation…
 
„Không”, có một cái gì đó gào rú trong tôi, tôi không muốn nhớ lại, ở nơi hưu quạnh này, thay thế món bánh quy Madeleine quen thuộc là loại bánh cho trẻ em, dúng vào cốc nước chè Garzon, nếu, tôi muốn nhớ lại, tất nhiên. Tôi muốn, tôi không muốn, không làm khác được, nếu tôi viết, tôi nhớ lại, cần phải nhớ lại, dù không hiểu tại sao cần nhớ lại. Chắc chắn vì tri thức, tri thức của sự hồi tưởng, chúng ta sống, để nhớ ra tri thức của mình, vì chúng ta không quên  cái chúng ta đã biết, đừng sợ, các bạn, không phải từ „nghĩa vụ đạo đức”, không, đơn giản chỉ vì chúng ta không có cách nào, chúng ta không thể quên. Ta sinh ra như thế, ta sống để biết và nhớ.  Có thể,  rất có thể, thậm chí chắc chắn, ta biết và nhớ lại, có một kẻ xấu hổ thay chúng ta, nếu kẻ đó đã sinh ra, ta cần nhớ đến, còn kẻ có tồn tại hay không, như nhau; Về cơ bản ta cần nhớ lại, cần biết và nhớ lại có một kẻ - kẻ nào cũng được - xấu hổ thay, và xấu hổ cho chúng ta. Bởi vì, cái xúc phạm tôi, nếu người ta hỏi, từ những hồi ức đặc ân, trang trọng, có thể nói, đã được thần thánh hóa của tôi, không sao, nếu ta đã dùng những từ ngữ đao to búa lớn, vậy thì: trong buổi lễ rửa tội ám muội của loài người, từ những hồi ức được thần thánh hóa của tôi, hơi ga ngạt ngụa xì ra, những tiếng gào rú từ các cuống họng gào thét lên: Der springt noch auf, Somá Jiszroél của bản Trốn chạy Vác-sa-va, tiếp theo là tiếng đổ sụp tan tành của dương thế… Sau rồi, ngày mỗi ngày, những nỗi kinh ngạc mới, có thể nói, những nỗi kinh ngạc đáng dấu diếm nảy mầm khe khẽ, úi chà, úi chà, tôi cứ phải nhảy dựng lên, ich sprang doch auf, thậm chí tôi vẫn tồn tại, không biết tại sao, rất ngẫu nhiên, như sinh ra. Tôi đồng lõa với sự tồn tại, sự ra đời của mình, tôi cho phép,  chút nhục nhã ẩn náu trong sự sống còn, nếu vì thế ta làm tất cả những gì có thể: vậy thôi, không nhiều hơn, tôi không sa đà vào cách ngoạc mồm ra rên rỉ hoặc đấm ngực thùm thùm, lạy Chúa! Con người kiểu gì cũng lầm lẫn đôi chút.  Tất cả chỉ có vậy, tôi sống sót, như vậy tôi tồn tại, tôi nghĩ thế, không, không, tôi chả nghĩ gì, tôi chỉ đã tồn tại, đơn giản cực kỳ, như một bản Trốn chạy Vác-sa-va, như một kẻ sống sót của Budapest, kẻ không làm gì với sự sống sót này, không cảm thấy cần thiết phải chứng nhận sự sống sót, không cần đính ảo tưởng mục đích vào sự sống sót, đúng thế, để biến sự sống sót thành bản khải hoàn ca, do dù điều này lặng lẽ, cụ thể và đáng tin cậy, nhưng bản chất cũng chỉ là sự hiện hữu có thật, là khả năng tồn tại của bản khải hoàn ca, như sự sống sót cần đến. Như vậy trong bản thân tôi và các thế hệ sau – trong thế hệ của con-trong con-là sự tiếp nối gia truyền và nhân bản, đấy sẽ là – đã là – sự sống sót.
 
Không, tôi không nghĩ đến điều đó, không cần nghĩ, cho đến tận khi một đêm ập xuống đầu tôi, cái đêm ngộ ra tất cả mà vẫn tối đen làm sao, trong tôi, chưa đinh ninh một câu hỏi (chính xác là sau tôi, sau quãng đời đã sống của tôi, bởi vì, ơn Chúa, đã muộn rồi, và luôn luôn sẽ muộn mất) một câu hỏi, đúng thế –  con sẽ là một cô bé mắt đen? quanh mũi con là những chấm tàn hương mơ hồ rải rác? Hay  một cậu bé nghịch ngợm? đôi mắt vui tươi và bướng bỉnh của con như những viên sỏi nhỏ màu xám? Đúng thế, cuộc đời của ta, như một khả năng sự tồn tại của con, nói chung, xét cho cùng, một cách nghiêm khắc, một cách buồn bã, không giận giữ và không hy vọng, như khi ta quan sát sự vật vậy. Tôi nói, tôi đã không nghĩ gì hết, cho dù, tôi nói, cần thiết biết bao. Vì có một công việc chuột chũi  bí mật nào đó ở đây, sự đào bới, sự kiếm tìm, thứ tôi cần biết, tôi đã biết, tất nhiên, nhưng cứ nghĩ là cái khác, để làm gì? Không rõ, nhưng tôi ngờ, có một sự lộn xộn nào đấy, như một lão già mù lòa cứ ngỡ tiếng  loong coong, lạo xạo là công việc khai mở đường ống chinh phục trái đất, biết đâu, người ta đang đào mồ, thậm chí đang đào mồ cho chính lão. Tóm lại, tôi bắt gặp mình viết, vì cần phải viết, dù tôi không biết, tại sao cần, sự thật là tôi bắt gặp mình viết, tôi làm việc bền bỉ chuyên cần, có thể nói như điên, lúc nào tôi cũng làm việc, không chỉ để sống, vì nếu không làm việc, tôi vẫn tồn tại, nếu tôi vẫn tồn tại, không biết cái gì bắt buộc, tốt hơn hết, tôi không nên biết điều này, cho dù các tế bào, nội tạng của tôi vẫn cảm thấy, vì thế tôi làm việc không ngừng: chừng nào tôi còn làm việc, chừng ấy tôi còn hiện hữu, nếu tôi không làm việc, có giời biết, tôi còn hiện hữu hay không, vậy nên tôi cho là quan trọng, cần phải thấy quan trọng, đây là cả một tổng thể đặc biệt quan trọng, tồn tại giữa sự sống còn và công việc của tôi, tất nhiên rồi. Điều này rõ ràng, tuy không bình thường cho lắm, khối người viết, vì cần viết, nhưng không phải ai cũng cần viết ; đối với tôi rõ ràng cần, đã cần, tôi không biết, tại sao, có vẻ đây là giải pháp duy nhất dành cho tôi, dù chả giải quyết được gì, dù từ góc độ khác cũng không phải là giải pháp, nói thế nào nhỉ, trong chất lượng của nó, tuy không phải giải pháp, tôi vẫn bắt buộc  cảm thấy, sự bế tắc như một giải pháp, ngoài ra, nỗi bất mãn bế tắc và những bất mãn khác cũng giày vò tôi. Xem xét lại,  tôi tưởng viết là chạy trốn (dù không hoàn toàn sai, ít nhất sang  hướng khác, mục đích khác, so với cái tôi cần chạy trốn), thậm chí là sự cứu vớt, là sự phơi bày mọi giá nỗi cứu vớt tâm hồn mình cho kẻ - bất kỳ kẻ nào - kẻ xấu hổ thay và cho chúng ta;
 
Trong đêm ấy, rốt cuộc tôi đã nhận ra bản chất công việc của mình, không là gì khác, ngoài việc đào mồ, tiếp tục đào mồ, mà kẻ khác bắt đầu đào cho mình trong không khí, đơn giản vì họ không đủ thời gian hoàn tất, không phải bằng sự giễu cợt quỷ sứ, mà chỉ lơ là, không nhìn quanh, họ ấn công cụ vào tay tôi, rồi mặc xác tôi ở đấy, để tôi tự xử lấy mình, theo trình độ bản thân, một công việc tôi làm vì họ. Thế là, nhận thức vẫn chỉ là nhận thức, dù tôi làm bất kỳ cái gì, tôi nhận ra cuộc hôn nhân của mình:
„Không!” – tôi nói luôn và ngay lập tức, không do dự, có thể nói là theo bản năng, bởi vì tất cả quá tất yếu, rằng những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại bản năng, có thể nói,  những bản năng chống đối của chúng ta hoạt động thay bản năng, thậm chí  biến thành bản năng của tôi, – đã thành – sẽ thành – bản năng của tôi; Cái ”không” không phải một quyết định, như  ta được phép tự do quyết định – đã quyết định – giữa ”không” và ”có”.
 
Cái ”không” này chính là nhận thức, là quyết định, không do tôi mà chính về tôi, đây là nhận thức về bản án của tôi, cùng lắm, được coi là quyết định ở chỗ, tôi không quyết định chống lại quyết định này. Thật sai lầm nếu tôi quyết định, con người làm sao có thể quyết định chống lại được số phận của họ.
Hãy để tôi diễn đạt thật kêu, rằng ta thường hiểu ít nhất, về chính bản thân mình, về sự xảo quyệt, xa lạ, về những nhân tố liên tục sinh ra để chống lại chúng ta, những thứ, một cách xa lạ và cách biệt, cúi đầu nhục nhã trước các thế lực, thế mà ta giản dị gọi nó là số phận.  Nếu tôi không muốn nhìn, cuộc đời tôi chỉ là một ngẫu nhiên tự thân trong hàng loạt ngẫu nhiên, nói thế nào nhỉ, một quan điểm tồi tệ, trong một chuỗi nhận thức mà ít nhất niềm kiêu hãnh của tôi được thỏa mãn, với hiện diện của tiến sỹ Obláth, tôi có thể nói, vấn đề được khoanh lại : Sự hiện hữu của ta chính là khả năng tồn tại sự hiện hữu của con, xét cho cùng, trong ánh sáng của sự nhận thức liên tục, và những bóng râm quá khứ, một lần và mãi mãi, vấn đề này có thể sửa như sau: Việc không hiện hữu của con chính là sự thanh toán cần thiết và tận gốc rễ sự hiện hữu của ta, xét cho cùng.
Bởi vì chỉ như vậy mọi cái mới có ý nghĩa, những cái đã xảy ra, những việc tôi đã làm, những việc họ gây cho tôi, chỉ thế cuộc đời vô nghĩa của tôi mới có ý nghĩa, để tôi tiếp tục, cái tôi bắt đầu, sống và viết, không quan trọng, cái nào trước, hai cái cùng một lúc, vì cây bút bi là cái xẻng của tôi, nếu tôi nhìn về phía trước, đặc biệt nhìn về phía sau, nếu đờ người  trên trang giấy, tôi chỉ nhìn thấy quá khứ: nàng bước nhẹ nhàng trên tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển, vì muốn nói chuyện với tôi, vì biết tôi là tôi, B., nhà văn, nhà dịch thuật, người, nàng đọc cho nghe một „ghi chép” của nàng, về những điều mọi giá phải nói với tôi, nàng bảo, chúng tôi nói về chúng, chừng nào chưa nói về mình trong giường ngủ – lạy Chúa! –sau đó chúng tôi vẫn nói, giữa chừng nói, liên tục. Đúng thế, tôi nhớ, nàng bắt đầu bằng việc hỏi tôi có nghĩ nghiêm chỉnh hay không, những gì tôi vừa nói trong cuộc tranh luận khốc liệt, tôi không biết, tôi đã nói gì, tôi bảo, tôi không biết, vì tôi đã nói nhiều thứ, một cách thản nhiên (theo kiểu ” phớt Ăng-lê”) tôi chuẩn bị ra đi, vì cuộc tranh luận ấy làm tôi buồn nôn và ngao ngán. Bài diễn văn bắt buộc của tôi mới quen thuộc và chán ngấy làm sao, tôi bảo, nó thường xổ ra, khi tôi muốn im lặng, lúc đó nó không khác một nỗi im lặng to tiếng, một sự im lặng được nhấn mạnh, nếu tôi được phép trình bày nghịch lý khiêm tốn này: em hãy nhớ lại đi, tôi đề nghị, nàng, với giọng nói run rẩy nghẹn ngào nêu vài quan điểm, một cách nghiêm khắc, gay gắt, trong toàn bộ có cái gì đấy hồi hộp sợ hãi và đen tối-một sự đổi chỗ hoặc quan trọng hóa khái niệm của giới trí thức, hay đơn giản hơn, một hành vi tính dục đội lốt phạm trù trí thức, tôi nghĩ lơ đễnh với vẻ không thể lầm lẫn, mà chúng ta thường nhầm lẫn, nghĩa là bằng sự mù lòa hoàn hảo, nên chẳng bao giờ chúng ta nhận ra sự tiếp tục trong phút chốc, sự tiếp nối trong ngẫu nhiên, sự va chạm trong những tiếp xúc, những thứ mà từ đó ít nhất một trong những điều trên, được kéo theo như một miếng giẻ, một sự kích dục, tôi nghĩ một cách hiển nhiên và nhục nhã, đúng cái cách chúng ta thường đổi chỗ hoặc quan trọng hóa những khái niệm của sự lấp liếm tính dục, hoặc chúng ta ngụy trang cho toàn bộ một cách hết sức đơn giản. Đúng thế, đặc biệt ngay lúc này, trong đêm đen sâu thẳm của tôi, tôi nhìn thấy thì đúng hơn là nghe thấy câu chuyện tâm tình ngày ấy, tôi nhìn thấy quanh mình những khuôn mặt buồn bã âu sầu, như những mặt nạ sân khấu, với những vai diễn khác nhau, của kẻ khóc, kẻ cười, của con chó sói và con cừu, của con khỉ, con gấu, cá sấu, cả bầy đàn này ồn ào một cách lặng lẽ, như trong một đám bùn lầy bất tận, nơi các nhân vật chính, như thể trong câu chuyện cổ tích Êzôp hãi hùng, người ta tước nốt những bài học cuối cùng, bỗng có một ý tưởng buồn bã của ai đấy nổi lên rằng, mỗi người hãy nói xem, mình đã từng ở đâu, và thế là những cái tên rơi lả tả xuống như thể từ một đám mây bay ngang: Mauthausen, sông Đông, Recsk, Siberia, a Gyűjtő, Ravensbrück, phố Fő, số nhà sáu mươi phố Andrassy, những cái làng tập trung, những nhà tù sau năm 56, Buchenwald, Kistarcsa, tôi bắt đầu hoảng sợ vì sắp đến lượt mình, may quá người ta lên tiếng trước: „Auschwitz”, một người nào đó nói, và cả đám đông gật gù: „Không thể thoát được”, còn chủ nhà, trước sự kiện ấy, nửa ghen tỵ, nửa băn khoăn,  sau rốt, làm dịu lòng bằng một nụ cười quen thuộc. Rồi bỗng nhiên nhan đề của một cuốn sách thời thượng hiện ra, thời đó, thậm chí cả hôm nay vẫn thế, thậm chí sẽ vĩnh viễn thời thượng, với câu nói, mà tác giả, sau khi vô ích đằng hắng, vẫn run rẩy một cách cần thiết khi thốt lên: „Về Auschwitz không có lời giải thích” – đúng thế, ngắn gọn, cảm động, khẽ nghẹn ngào, và tôi nhớ đến sự ngạc nhiên của mình, khi thấy đa số cái đám đông đã bị cọ xát này thừa nhận câu nói ngu ngốc đó, phân tích, tranh cãi, những đôi mắt sau những cái mặt nạ liếc trộm đâu đấy một cách ranh mãnh, hoặc phân vân, hoặc nhìn xuống một cách không hiểu nổi, như thể câu nói đã bóp chết ngay từ phôi thai của nó mọi ý nghĩa, muốn trình bày một điều gì đó, để con người hiểu rằng: mới chỉ lưu ý đến logic ngôn ngữ, câu nói đó đã sai, cùng lắm phản ánh được khát vọng, giá trị đạo đức giả hoặc ấu trĩ, cùng các bản năng bị dồn nén khác, nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Tôi đã trình bày những ý kiến này, một cách liên tục, khoáng đạt,  suốt trong thời gian ấy, một cái nhìn phụ nữ dán chặt vào tôi, như thể muốn tìm một suối nguồn từ tôi, giữa bài diễn văn tuôn chảy bắt buộc,vội vã, có thể đầy sai lầm, cùng lắm phản ánh những khát vọng, những bản năng bị kìm hãm khác nhau, tôi nói, và nhận ra: đó chính là nàng, vợ sau này, nhưng trước hết là tình nhân của tôi, người chỉ sau buổi nói chuyện ấy tôi mới quen. Khi tôi mệt mỏi, ngượng nghịu, quên hết thảy, tôi lặng lẽ (theo kiểu „phớt Ăng-lê”) định chuẩn bị đi, thì nàng nhỏm dậy từ một tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển. Tôi quên mất mình từng nói gì, chắc nêu ý kiến của mình, ý kiến từ bấy đến nay không mấy thay đổi, và nếu có thay đổi, có thể vì tôi ngờ vực ý kiến của mình,  tuy tôi không tin chúng thay đổi, chỉ có điều giờ đây tôi ít nêu ý kiến hơn.
 
Nhưng tôi nêu ý kiến của mình để làm gì và cho ai cơ chứ, nhất là nêu ở đâu, vì tôi không trú ngụ thường xuyên, trong khu nghỉ mát vùng núi trung du, để cùng  tiến sĩ Obláth và đám trí thức cao sang  thoảng đầy  mùi vị quyền lợi, vật vã qua ngày bằng việc phát ngôn sang sảng các loại ý kiến. Tôi sống thường xuyên, hoặc gần như thường xuyên trong không gian một phòng rưỡi, tầng mười một của một khu nhà lắp ghép, Chúa hãy tha tội cho cái gọi là căn hộ của tôi, nơi lúc nắng chiếu, khi gió lùa (đôi khi cả hai thứ này hội ngộ cùng lúc), tôi thường trực trong cái chuồng của mình, ngước nhìn lên không gian rực rỡ, bằng cái bút bi, đào huyệt cho mình, chăm chỉ, như một công nhân bị cưỡng bức, ngày nào cũng bị huýt còi để ấn sâu hơn cái xẻng, để kéo bản viôlông chết chóc một cách đen tối hơn, não nùng hơn; Cùng lắm tôi tranh luận ý kiến của mình với những ống dẫn nước kêu u u, những ống dẫn sưởi kêu răng rắc, với tiếng gào hét của nhà hàng xóm, giữa trái tim quận Jozsef, đâu phải giữa trái tim, phía  tận cùng của quận thì đúng hơn, khu nhà lắp ghép nom khiêu khích bất ngờ, như một bộ phận chân tay giả quá cỡ : nhưng từ cửa sổ, ít nhất tôi nhìn thấy – thật đáng ngạc nhiên – đằng sau hàng rào cũ kỹ  luôn đứng đó, tôi nhìn thấy bí ẩn rách rưới của một mảnh vườn cằn cỗi, thuở thơ ấu luôn cuốn hút tôi, giờ đây không mảy may khiến tôi động lòng, thậm chí làm tôi chán ngấy, kể cả ý nghĩ này nữa, rằng những hoàn cảnh nhất định (cuộc ly hôn của tôi, là điều dở nhất, cho dù không phải lúc nào tôi cũng thích cách giải quyết đơn giản nhất, và không tốn tiền) tóm lại, sau những hoàn cảnh nhất định, tôi lại quay về nơi, thuở thơ ấu tôi đã trải qua vài kỳ nghỉ hè và nghỉ đông buồn bã, nơi tôi thu lượm vài ba kinh nghiệm buồn rầu từ tuổi thơ. Đấy là ý nghĩ, tôi lại sống ở đây, chừng nào cần phải sống, cao hơn tuổi thơ mười một tầng gác, không thể tránh khỏi, giờ đây như thể trêu ngươi tôi, những kỷ niệm thơ bé và vớ vẩn lại hiện về, bởi vì những kỷ niệm này đã chết từ rất lâu, những thứ cần phải tiêu diệt hết: một loại gặm nhấm quỷ quyệt và vòi vĩnh, đáng ra phải ngủ yên từ lâu. Tôi đã quay trở về, về đâu ? về ý kiến của mình- lạy Chúa!- hình như tôi nói rồi, chỉ riêng về mặt lôgic ngôn ngữ, câu này đã sai, ” Về Auschwitz không có lời giải thích”, thiết tưởng cái gì tồn tại, luôn có lời giải thích, dù thuần túy tự thân. Trong thực tế, một hiện tượng ít nhất có hai đời sống, một đời sống hiện tượng, và một đời sống, tôi có thể nói, một đời sống tâm linh của nó, một hình thức biểu hiện tâm linh của nó, và điều này không khác, ngoài chính bản thân sự giải thích, giải thích chính hiện tượng ấy. ” Về Auschwitz không có lời giải thích” chính là lời giải thích, tác giả bất hạnh của nó muốn nói, chúng ta hãy im lặng trước Auschwitz, không có Auschwitz, chưa từng có, không có lời giải thích, biện bạch cho cái thứ không có hoặc chưa từng có.
 
Nhưng tôi nói, đã từng có Auschwitz, vẫn có, vậy phải có lời giải thích. Thực ra, không có lời giải thích: chưa từng có Auschwitz, nghĩa là không thể tìm ra lời giải thích Auschwitz đã chưa từng có, đã không xảy ra, hiện tượng mang tên „Auschwitz”đã không hiện thực hóa (nói điều này, tôi kính cẩn nhớ đến tiến sỹ Obláth), đúng thế, chính vì không giải thích được sự không xuất hiện của Auschwitz, nên có thể từ rất lâu rồi, ai biết được, có thể từ hàng thế kỷ trước, nó đã sừng sững trong không khí, như một thứ quả độc được nhào nặn trong những tia sáng phản chiếu của sự nhục nhã, nó chờ đợi, để khi nào đó bổ nhào xuống đầu con người, để sau cùng cái gì tồn tại vẫn tồn tại, một cách cần thiết, vì sự tồn tại của nó: lịch sử thế giới là hình ảnh và hành động của bộ não (trích dẫn từ H.), và bởi vì, tôi cần nhìn thế giới như một chuỗi ngẫu nhiên, một quan điểm vô lý (tôi trích dẫn từ tôi). Như vậy ta hãy đừng quên: ai nhìn thế giới một cách hợp lý, thì thế giới cũng sẽ được nhìn một cách hợp lý như thế: hai điều này bổ sung cho nhau –  H. nhắc lại, không phải H., nhà lãnh đạo, thủ tướng, mà là H.,là  tất cả các nhà lãnh đạo, thủ tướng, mọi nhà tiên tri vĩ đại nhân danh quyền hành, các nhà triết học, những anh hề cung đình, những tôi tớ phục vụ cho nhu cầu chọn lọc của nó, những kẻ, tôi cho rằng hoàn toàn có lý, ta chỉ cần trầm ngâm phân tích xem đây là loại bộ não gì, mà hình ảnh và hành động của nó là lịch sử thế giới, hơn nữa, những ai là kẻ hợp lý nhìn thế giới một cách hợp lý, sau đó hai thứ này sẽ xác định lẫn nhau – như, rất tiếc, họ đã xác định xong, tôi có thể nói như vậy, họ đã xác định xong Auschwitz, tôi có thể nói, điều này đã xảy ra, thậm chí đây là ý kiến của tôi, theo tôi những lời giải thích ẩn náu trong những cuộc đời, chứ không phải ở chỗ khác. Auschwitz theo tôi là hình ảnh và hành động của những cuộc đời, là dấu vết của những tổ chức nhất định, xét cho cùng. Nếu toàn bộ nhân loại còn mơ hồ, Moosbrugger, kẻ giết người phóng đãng nhất định phải được sinh ra, như trong cuốn sách của Musil, cuốn Con người không có những đặc tính, tôi có thể nói như vậy. Đúng thế, đấy là toàn bộ những mảnh đời, và những rối rắm kỹ thuật của nó: lời giải thích có thế này, không nhiều hơn, không khác hơn, tất cả, những gì có thể xảy ra, đã xảy ra, những cái có thể, chính là những cái đã xảy ra. K. kẻ thông thái lớn lao và buồn bã đã nói thế, kẻ, từ các cuộc đời biết chính xác sẽ như thế nào, khi lũ tội phạm điên rồ nhìn thế giới một cách hợp lý, và thế giới cũng nhìn lại chúng hợp lý, hay nói đúng hơn đã ngoan ngoãn cho phép chúng nhìn như thế.
Chương 3
 
Các ngươi đừng tuyên bố, ta có thể nói, lời giải thích này là cách giải thích bịa đặt bằng các nhân tố hiện thực đối với hiện thực, bởi vì lời giải thích này, nếu, ta biết, các ngươi cũng khó chấp thuận, rằng có những thế lực độc ác tầm thường ngự trị trên đầu chúng ta, khó chấp nhận, kể cả khi các ngươi đặt tên và nhận ra lũ ác độc tầm thường này, cho dù, một kẻ tội phạm điên rồ hành động không trong các nhà thương điên, hoặc trại cải tạo, mà trên cương vị thủ tướng hoặc các cưong vị lãnh đạo khác. Các ngươi ngay lập tức tìm kiếm những quyền lợi,  cái bản chất, cái cực kỳ trong đó, các ngươi không dám nói ra, nhưng bí mật thì có: rằng làm thế nào đừng để bản thân các ngươi, cũng như lịch sử nhân loại bị nhìn một cách bất lực, thảm hại, đúng thế, để các ngươi tiếp tục nhìn thế giới một cách hợp lý, và thế giới cũng nhìn các ngươi một cách hợp lý. Điều này rất dễ hiểu, hơn nữa, hoàn toàn xứng đáng, kể cả khi các chiến dịch của các ngươi không ”khoa học” và không ”khách quan” đi chăng nữa, như các ngươi muốn tin, nó không phải là: một tác phẩm trữ tình, một nền tảng đạo đức dùng để sắp xếp sự hợp lý, hay đúng hơn sắp xếp một trật tự thế giới có thể sống được, để những kẻ bị lưu đày từ thế giới ấy thông qua những cánh cổng lớn-bé, rón rén quay lại thế giới mà người ta thích, và tin rằng thế giới này là chỗ dành cho con người. Nhưng đây là vấn đề khác, ta có thể nói như vậy, nguy nhất là ở chỗ, các truyền thuyết đã được sinh ra như thế, từ những tác phẩm trữ tình „khách quan”, từ những tiểu thuyết rùng rợn đầy tính khoa học như thế, ta có thể biết, chẳng hạn, những con người vĩ đại có nhậy cảm chiến thuật ưu tú, cho dù không phải tất cả những thằng điên ưa thích săn đuổi đều bằng nhậy cảm chiến thuật, đánh lừa và làm hoang mang cả môi trường sống lẫn các bác sỹ của nó. Rồi:  vì hoàn cảnh xã hội như thế này, như thế khác, vì chính trị thế giới thế này thế nọ, rồi triết học, âm nhạc và những trò ảo thuật nghệ thuật khác, đã làm hỏng lối suy nghĩ của con người, đặc biệt trong hậu quả cuối cùng của con người viết hoa, con người vĩ đại, cái danh từ con người vĩ đại này, ẩn chứa bên trong nó một cái gì đó bí hiểm, mê muội, nói ngắn gọn và súc tích: một cái gì đó ma quỷ, đúng thế, một khía cạnh ma quỷ, không cưỡng lại được, nổi trội lên, kể cả khi ta không muốn, vì chính ta đang trên lộ tìm kiếm ma quỷ, với những ranh mãnh tầm thường, thỏa mãn những khát vọng tầm thường, từ lâu ta đã cần một thứ ma quỷ khiến ta tin chắc nó chính là ma quỷ, gánh vác tính ma quỷ của chúng ta trên vai nó, một Cây Thập Tự Sắt chống lại Chúa, sẽ không chạy trốn một cách đểu cáng khỏi móng vuốt của chúng ta, mà sẽ tự treo cổ nó lên trước thời hạn cần thiết, như Sztavrogin. Đúng thế, những kẻ các ngươi nhìn nhận và tuyên bố là những tên tội phạm điên rồ tầm thường, vậy mà, từ lúc chúng cào xước hiệu triện và vương miện quốc gia, các ngươi lập tức  thần thánh hóa chúng một cách hèn hạ, các ngươi diễn giải những hoàn cảnh khách quan, các ngươi nói, cái gì đúng một cách khách quan, cái gì không đúng theo chủ quan , cái gì có thể hiểu được một cách khách quan, mà không hiểu được theo chủ quan , rằng những tiếng thì thào nào đang tồn tại sau hậu trường, những quyền lợi nào đang diễn ra xung quanh, những giải thích không ngớt, để cứu vớt linh hồn có thể cứu vớt của các ngươi,  trong ánh sáng phóng đại của nhà hát lịch sử thế giới, để cướp giật, giết chóc, buôn bán linh hồn tầm thường được các người coi là một cái gì đó chúng ta đã dự phần,  đúng thế, để các ngươi lục lọi từng mảng sự thật trong nạn đắm tàu này, nơi tất cả tổng thể đã đổ vỡ, đúng thế, chỉ để các ngươi đừng nhìn thấy trước mặt, sau lưng, dưới chân, khắp nơi, những đứt đoạn  toang hoác, cái không là gì, cái trống rỗng, đúng hơn, cái hiện thực của chúng ta, đấy là: các ngươi phụng sự, thống trị cái gì, thứ  thống trị không vì nhu cầu, chẳng vì phi nhu cầu, chỉ là một quyết định, giáng xuống hay không các cuộc đời, không ma quỷ, không vô hình, không mê muội, không phóng đại, không, chỉ tầm thường, vô lại, sát nhân, ngu xuẩn và hợm hĩnh, trong thời kỳ những quyết định này đạt  hiệu quả lớn nhất, cùng lắm nó được tổ chức tốt, ta có thể nói, đúng thế, đặc biệt không đàng hoàng, bởi vì từ khi ở đây là những  nhà máy giết người, ở kia cũng thế, và ở nhiều nơi khác nữa, từ lúc đó trở đi, tất cả mọi nghiêm chỉnh dẫn đến sự đàng hoàng đã chấm dứt, ít nhất sự đàng hoàng liên quan đến nền thống trị. Và các ngươi hãy chấm dứt ngay việc này đi, ta có thể nói rằng: không có lời giải thích cho Auschwitz, rằng Auschwitz không là hiện thực, là bào thai của những thế lực không nắm bắt được về mặt lý trí, bởi vì về cái xấu luôn có lời giải thích hợp lý, như bản thân Quỷ Sa-tăng, hoặc Jago[1] chẳng hạn, không hiện thực, vâng, nhưng những tạo vật của chúng là những nhân tố hiện thực, tất cả hành động của chúng đều diễn giải được, như một công thức toán học; diễn giải được từ quyền lợi như thế nào đấy, từ tham vọng, từ sự lười biếng, thèm muốn tính dục – quyền lực, từ sự hèn nhát, từ những thỏa mãn bản năng này, nọ, nếu không từ những thứ trên, đúng thế, rốt cục từ một nỗi điên rồ nào đấy, từ niềm say mê thích săn đuổi, thích động kinh, đập phá, từ chủ nghĩa bạo dâm, cuồng dâm, từ chủ nghĩa khổ dâm, từ cơn cuồng điên thờ thượng đế, hoặc thói tham quyền lực khác, từ thói quen đào bới xác chết, ta làm sao biết được, từ một trong những thói xấu phản tự nhiên nào, hay cùng một lúc, từ tất cả những thói xấu đó.Thế nhưng, ta có thể nói, các ngươi hãy lắng nghe đây, cái không hiện thực, cái về nó không có lời giải thích, cái đó không xấu, ngược lại: đấy là cái tốt. Chính vì thế ta từ lâu không để ý tới các nhà lãnh đạo, các thủ tướng, những người sở hữu các nhãn hiệu khác nhau, cho dù các ngươi biết phát ngôn, những lý thú nhường nào về thế giới tâm hồn của họ, không, thay vì chú ý đến cuộc đời của các nhà  độc tài, từ rất lâu rồi ta chỉ chú ý đến cuộc đời của các thần linh, vì ta tìm thấy ở đó niềm hứng khởi và cái vô tận, ta không gặp một  giải thích trần trụi hợp lý; và Auschwitz, được các người coi như một trò đùa buồn bã, từ quan điểm này Auschwitz như một kinh doanh có thành quả, dù các ngươi chán ngán đi nữa, ta sẽ kể cho các ngươi nghe một câu chuyện, sau đấy các ngươi hãy giải thích cho ta, nếu các ngươi biết. Ta sẽ ngắn gọn, vì ta ngồi trước những con cáo già, ta nói, trại tập trung, mùa đông, toa chở người bệnh, toa chở bò, một khẩu phần nguội duy nhất, con đường, ai biết được kéo dài bao nhiêu ngày, khẩu phần ăn chỉ bằng một phần mười, nằm giữa ngổn ngang những người là người, trên cái được gọi là cáng, ta không sao rời mắt khỏi một người, không hiểu tại sao chỉ được nhắc đến như một "Ông Giáo”, hay đúng hơn là một bộ xương, trong cùng khẩu phần của ta, rồi việc sắp xếp lên các toa, số người đếm lặp đi lặp lại vẫn không thống nhất, tiếng hò hét, xô đẩy, một cái đá bằng chân, sau đó ta cảm thấy họ túm lấy và xếp lên một toa tiếp theo, và rất-rất lâu, ta không nhìn thấy cả ”Ông Giáo” lẫn khẩu phần của ta: thế là đủ, để các ngươi tưởng tượng ra tình thế. Và ta cảm thấy gì: trước tiên, ta không thể cho nỗi đau của ta ăn mãi được, cho cơn đói, từ lâu đã trở thành một con thú xa lạ lúc nào cũng đòi hỏi, giờ đây một con thú dữ khác rít lên, đấy là niềm hy vọng, nó nghẹn ngào, không thành tiếng, rằng, luôn luôn có cơ hội sống trong đời. Nhưng, khẩu phần chỉ có thế, nên điều này thật đáng nghi ngờ, mặt khác, ta tự biết trong thâm tâm, khẩu phẩn của ta chính xác sẽ làm tăng gấp đôi cơ hội của ”Ông Giáo”, có thể nói thế nào nhỉ, điều này không vui vẻ gì, nhưng có vẻ hợp lý hơn. Nhưng vài phút sau ta nhìn thấy gì? „Ông Giáo”  vừa gọi vừa hớt hải đưa mắt tìm kiếm, lảo đảo tiến về phía ta, khẩu phần ăn nguội một lần duy nhất nắm trong tay, khi nhìn thấy ta nằm trên cáng, vội vàng đặt khẩu phần ấy lên bụng ta; ta muốn thốt lên điều gì đó, và hết sức ngạc nhiên, vì nhân vật ấy, hớt hải quay về - vì nếu vắng mặt, sẽ bị người ta nện chí tử- nhân vật ấy, quay về phía ta với khuôn mặt bé nhỏ vật vờ đến với thần chết, và trách móc: „ Cậu muốn như thế à?!..”  Câu chuyện chỉ có thế, nếu đúng là, tôi không muốn coi cuộc đời của mình là chuỗi ngẫu nhiên tự thân tiếp theo  chuỗi ngẫu nhiên tự thân của sự tôi ra đời, vì quan điểm này không đáng với cuộc sống, ngược lại tôi càng không muốn coi, mọi việc xảy ra là để tôi được sống sót, như thể đây là quan điểm càng không đáng đối với cuộc sống, dù là sự thật và cần thiết, “Ông Giáo” ví dụ  đã làm như thế, để ta sống sót, tất nhiên chỉ từ quan điểm của ta, vì hiển nhiên, một cái khác dẫn đường ông ta, ông ta làm vì sự sống sót của bản thân, vì thế, cả vì sự sống sót của ta nữa. Và đây là câu hỏi: các ngươi hay giải thích cho ta, nếu các ngươi biết, tại sao ông ta làm  như thế. Nhưng các ngươi chớ thử bằng lời nói, vì các ngươi biết, giữa những hoàn cảnh nhất định, cứ cho là ở một nhiệt độ nhất định, từ ngữ đã đánh mất hiệu lực, nội dung, ý nghĩa của nó, đơn giản nó đã bị thủ tiêu, thành ra trong bầu hơi khí như thế, chỉ những hành động, mới toát ra một cái gì đó chắc chắn, và chúng ta có thể nắm bắt và xem xét chúng như kiểm tra một mẩu quặng, mẩu tinh thể câm lặng. Và nếu bắt đầu rằng, trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, như trong một trại tập trung, đặc biệt khi cân nhắc sự kiệt quệ thể xác lẫn tinh thần với sự sa sút khả năng nhận định, nói chung sự sống sót riêng của mỗi người điều khiển họ. Nếu chúng ta nghĩ rằng, cơ hội gấp đôi của „Ông Giáo” mở ra một khả năng sống sót, và ông ta đánh mất cơ hội gấp đôi này, hoặc đúng hơn, ngoài cơ hội sống sót riêng, còn một cơ hội, mà thực chất là của người khác, điều này chỉ ra rằng, nói thế nào nhỉ, sự chấp nhận của chính cơ hội thứ hai dường như thủ tiêu cơ hội duy nhất, cơ hội cho phép ông ta sống sót, còn lại trên đời; và rằng, như vậy có một cái gì đấy, các ngươi đừng thử đặt tên, tồn tại một khái niệm thuần khiết, không bị ô nhiễm bởi bất kỳ vật chất lạ nào: cơ thể ta, tâm hồn ta, tính thú trong ta, một ý tưởng, sống trong tiềm thức chúng ta như khái niệm đồng nhất, một tư tưởng, mà sự bất khả xâm phạm của nó, việc gìn giữ nó là cơ hội đích thực duy nhất cho sự sống còn của „Ông Giáo”; và rằng thiếu khái niệm này, cơ hội sống sót trong đời của ông không còn là cơ hội, đơn giản bởi vì chính sự thuần khiết, tính lô-gic của nó làm cho nó tồn tại. Đúng thế, theo tôi, không có lời giải thích cho điều này, như không hợp lý, khi đem so một khẩu phần lương thực với sự hợp lý hiển nhiên của chính nó, cái có thể giúp, nếu giúp nổi, tránh khỏi sự tiêu vong trong nỗi tuyệt vọng được gọi là trại tập trung, nếu sự giúp đỡ này không xung đột với sự chống trả cuốn phăng quyền lợi sống của một khái niệm phi vật chất, và điều này theo tôi, là bằng chứng quan trọng trong sự trao đổi chất của các số phận, nó chính là sự sống, và quan trọng hơn rất nhiều, so với những hành động giáo điều và hợp lý tầm thường mà các thủ lĩnh, thủ tướng mang ra để cứu vớt, và muốn cứu vớt…
 
Nhưng tôi đã chán ngấy câu chuyện của mình, cho dù tôi không  phủ nhận và im lặng vì nó, bởi việc của tôi là kể lại nó, dù tôi không hiểu tại sao đấy là việc của tôi, chính xác hơn, tại sao tôi lại cảm thấy như thể đây là việc của tôi, dù tôi chả có việc gì trên thế giới này, kể từ ngày mọi việc của tôi trên quả đất này đã kết thúc. Giờ đây, như thể tôi nhìn từ sau lưng người khác, câu chuyện của mình, từ đằng xa, trầm ngâm, như nhìn khói thuốc lá của chính ta ngoằn ngoèo, thấy một ánh mắt đàn bà dán chặt, như thể muốn khai tìm cội nguồn từ tôi,  phút chốc tôi chợt hiểu rõ ràng cái nhìn ấy, chợt hiểu và nhận ra,  câu chuyện của mình dệt thành những sợi dây bịn rịn như thế nào,  mềm mại quấn quanh cổ, ngực, vòng eo của người (lúc đó sắp, bây giờ đã) là vợ tôi, nhưng trước hết là tình nhân, nàng ngả trên giường, tựa mái đầu lụa là lên vai tôi, tôi quấn chặt lấy nàng, cuốn nàng vào mình, quay cuồng, ngang ngửa, hai diễn viên xiếc sặc sỡ và mềm mại, những kẻ sau đấy mệt nhoài, tái nhợt, bơ phờ với đôi  tay rỗng, trước thất bại. Đúng vậy – ít nhất cần cố gắng vươn đến thất bại, như bác học Bernhard đã nói, vì thất bại, duy nhất chỉ có thất bại còn lại như một ấn tượng đã hoàn thành, tôi nói, và cố gắng đạt đến điều ấy, nếu như tôi cần cố gắng, quả thật cần, vì tôi sống và viết, là hai nỗ lực, cuộc sống thực ra mù lòa, viết thực ra là nỗ lực tiên nghiệm, khác với cuộc sống, có lẽ vì nó cố gắng muốn thấy, cuộc sống muốn gì, vì vậy, vì không thể làm khác, nó nhắc lại, lặp lại cuộc sống, như thể viết cũng chính là cuộc sống, cho dù không đúng thế, không hề, hoàn toàn khác, không so sánh được, đấy là sự thất bại, nếu ta bắt đầu viết về cuộc sống, từ đầu.
 
Giờ đây, khi, đêm đen sâu thẳm đâm vào tôi những mũi tên đau đớn từ ánh sáng, từ tiếng động, tôi đi tìm câu  trả lời cho những vấn đề lớn lao sau cùng, cho dù tôi thừa biết, chỉ tồn tại một câu trả lời duy nhất cho mọi vấn đề: đấy là nó, cái giải quyết được tất cả, vì nó khiến  mọi câu hỏi và mọi chủ thể hỏi câm lặng, đối với chúng ta,  đây là cách giải quyết duy nhất, là mục đích duy nhất của mọi cố gắng, như ta quan niệm, tôi không thấy cần phải nói loanh quanh:thế mà, tôi lại lặp lại cuộc sống của mình tại nơi đây – lạy Chúa! – tôi tự hỏi tại sao, ngoài ra, tôi cần làm việc, một cách điên cuồng, với sự chăm chỉ mất trí, không gián đoạn, bởi vì, ở đây có mối quan hệ đúng đắn nhất giữa sự tồn tại và công việc của tôi; vậy mà, lặp lại cuộc đời mình, hình như tôi vươn tới một hy vọng bí mật của những cố gắng bí mật của mình, nghĩa là tôi lặp lại niềm hy vọng của mình lần nữa, và viết, một cách điên cuống, không gián đoạn, đến chừng nào tôi vẫn chưa nhận ra, bởi vì sau đấy, tôi viết làm gì nữa.
 
Khi nàng (người sắp và đã) thành vợ tôi sau này, lúc chỉ có hai người bước đi trên con đường mờ ảo, nàng hỏi, tôi có thể đặt tên gì cho khái niệm nguyên chất, không bị đầu độc bởi bất kỳ loại vật chất nào, trong mối quan hệ với „Ông Giáo” mà tôi nói ở đám đông trước đấy, một nhân vật „rất đáng khích lệ”, nàng hy vọng sẽ gặp lại trong một tác phẩm nào đó của tôi, thứ không chỉ nhận ra, mà không được phép xua đuổi sự màu nhiệm của nó, ít nhất, khi sự màu nhiệm vẫn đang còn, thế là bằng đôi mắt nhắm nghiền, không do dự tôi kêu lên, theo tôi khái niệm ấy là tự do, chính là tự do, bởi vì ”Ông Giáo” hành động không phải vì cần hành động, nghĩa là đói khát, bản năng sống, và sự điên rồ, với sự thống trị và những tính toán hợp lý được ký với hợp đồng máu duy trì những bản năng này cần phải hành động, mà cần những việc làm khác, những thứ không cần phải làm. Vợ tôi (lúc đó chưa là) im lặng khi nghe đến đây, rồi đột nhiên, tôi  nhớ khuôn mặt nàng hướng về phía tôi trong ánh sáng của màn đêm, khuôn mặt long lanh mờ mờ tỏ tỏ, như phim quay cận cảnh những năm ba mươi, tôi nhớ đến giọng nàng, run rẩy vì nỗi hồi hộp  dũng cảm và nỗi kích động, ít nhất tôi nghĩ thế, hoặc đúng thế, cho dù tại sao lại như thế, bởi vì chẳng có gì đúng như chúng ta tin hoặc muốn tin, không phải sự tưởng tượng của chúng ta, mà nỗi hãi hùng đầu óc của chúng ta chính là thế giới, với đầy những nỗi bất ngờ khó tin, nàng đột nhiên bảo, tôi chắc rất cô đơn và buồn, rồi: trái với sự từng trải của tôi, tôi rất non nớt khi mất lòng tin đến thế vào con người, đúng thế, tôi cần phải tạo ra các lý thuyết, nếu tôi muốn giải thích một hành động tự nhiên, và tự trọng của con người (đúng thế, nàng bảo: tự nhiên); tôi nhớ, những từ ngữ này đã khuấy động nàng biết bao, một nhận xét ẩn náu trong đó toàn bộ tính chất tài tử không nắm bắt, tôi nhớ, đúng thế, tôi còn nhớ cả nụ cười tiếp theo, lúc đầu ngượng ngập, sau dò hỏi và cuối cùng đầy tin cậy, trò chơi diễn biến nét mặt này, mà sau đấy biết bao lần tôi thử gợi lại, vì trong một ý nghĩa nhất định nào đó, thật quyến rũ, đầu tiên tôi thưởng thức, sau rồi, khi không tài nào gợi lại được, tôi đau đớn, hay nói đúng hơn, lúc đầu là hiện thực, sau đó là sự thiếu vắng, sau nữa chỉ là kỷ niệm, như điều này thường diễn ra, như có vẻ cần phải thế, cho dù không hề thế, tôi vẫn nhớ ra tất cả, đột nhiên tất cả trở nên mờ mịt, tôi cảm thấy bối rối và khó ở, vì chính câu hỏi của nàng, là nàng có thể khoác tay tôi được hay không. Tại sao lại không, tôi trả lời. Nhưng về điểm này tôi cần nói chính xác, tôi sống như thế nào thuở ấy, để có thể hiểu và nhận ra, cái cần phải hiểu và nhận ra:  khoảnh khắc này phân biệt với khoảnh khắc kia từ cái gì, cái gì xác định, tôi chẳng mấy chốc sẽ được ăn nằm với một người đàn bà. Tôi nói „đã được xác định” vì, thật sự tôi là một phần trong cái xác định ấy, thậm chí tôi là kẻ bắt đầu, hoặc ít nhất có vẻ như vậy, nhưng điều này chưa bao giờ như một quyết định, thậm chí, trái ngược lại thì có, những khả năng quyết định được coi như một cuộc phiêu lưu không thể, như những dòng xoáy dưới chân xuất hiện trước mặt tôi, khi máu dâng trào như nước lũ trong tôi, đã làm câm lặng những đắn đo cân nhắc khác, bằng tiến độ của cuộc phiêu lưu, tôi biết trước, tôi sẽ dấn thân. Chính điều này quyến rũ, điều này là nỗi mâu thuẫn, là dòng nước xoáy nguy hiểm. Tôi không biết, tôi không biết. Vì  không chỉ xảy ra một lần với tôi, đúng cái này, đúng như thế, từ sự lặp lại liên tục của nó, tôi cần theo một kết luận tất yếu nào đấy, đang chuyển động và điều khiển: một người đàn bà, với nụ cười e lệ, nhẹ nhàng lách vào, như một cô hầu phòng tóc xõa, chân đất, trong mặt nạ cổ xưa, thì thào và nhún nhường xin được tiếp nhận, tôi có thể nói gì nhỉ, để đừng phải tuôn ra những lời tầm thường, mà chắc tôi  sắp nói ra, vì có thể nói gì khác, khi sự tầm thường đã trở thành hiện thực từ thời cổ xưa, một cách tuyệt vời: tóm lại nàng xin được trú ẩn vào trái tim tôi, nơi nàng nhìn quanh với nụ cười thân mật và tò mò, sờ mọi vật bằng đôi tay mảnh dẻ, nàng thông gió một vài góc đã phủ bụi cần được chăm sóc, nàng vứt cái này cái nọ, thay thế, nàng xếp đồ đạc của mình vào, nàng dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng, một cách không thể chống trả, sau cùng, tôi thấy mình bị tống ra khỏi nơi ấy, thế là tôi  tránh trái tim độc quyền của mình như một kẻ lạ bị lưu đày, trái tim run rẩy từ xa với những cánh cửa khóa chặt sừng sững nhìn tôi, như thể căn nhà ấm áp của kẻ khác với lũ vô gia cư ; Tôi chỉ dọn về thường xuyên được, nếu xuất hiện với một người đàn bà khác, tay trong tay, và nàng sống trong tôi như thế.
 
Khi mối quan hệ lâu năm, trở nên nặng nề và không lối thoát của tôi chấm dứt, tôi đã suy nghĩ rất nghiêm chỉnh, có thể nói, một cách thực tiễn, phù hợp với nghề văn và nghề dịch của mình, quan hệ này bắt đầu trở nên rất nặng nề, vì nó mà: tự do, thứ không thể thiếu được của tôi bị đe dọa, bắt buộc tôi đắn đo cân nhắc cả những thứ khác. Tôi cần nhận ra, việc lấy lại tự do hằng mơ ước, tuyệt đối không mang lại niềm hứng khởi đáng chờ đợi từ công việc, thậm chí tôi kinh ngạc nhận ra, khi đang giành giật tự do, không hồi phân giải, lúc dừng lại, lúc làm lại từ đầu, tôi đã làm việc với niềm hứng khởi rộn rã hơn, có thể nói như vậy, giận giữ hơn, có kết quả hơn bây giờ, khi tôi lại tự do, tự do này trống rỗng và buồn tẻ; rồi một trạng thái khác, được gọi là niềm hạnh phúc, tôi đã trải cùng vợ, trong thời gian mới quan hệ, rồi trong thời gian đầu của cuộc hôn nhân, trạng thái này, hay còn gọi là niềm hạnh phúc, cũng tác động tiêu cực đến công việc của tôi. Bởi vậy trước tiên tôi đưa công việc của mình vào tầm ngắm, xem nó là cái gì, tại sao nó dung dưỡng những đòi hỏi tự vẫn hằn sâu, đầy mệt mỏi, nhiều khi không thể thực hiện nổi, và nếu lúc đó – lạy Chúa! – tôi vẫn ở cách xa, cách xa làm sao, cái nhìn sáng suốt, sự nhận thức bản chất của công việc của mình, điều mà thực chất không là gì khác, ngoài việc đào mồ, việc tiếp tục-, đào đến cùng của nấm mồ, mà những kẻ khác đã bắt đầu đào cho mình trong không khí, thì tôi vẫn nhận ra bây nhiêu rằng, chừng nào tôi làm việc, chừng ấy tôi hiện hữu, nếu tôi không làm việc, có giời biết, tôi còn hiện hữu hay không, như vậy, sự tồn tại và công việc của tôi có liên quan chặt chẽ với nhau, một trong những điều kiện của nó, tôi nghĩ thế, bởi vì, dù đối với mình thật đáng buồn, nhưng tôi không thể nghĩ khác đi được, là sự bất hạnh, tất nhiên không phải loại bất hạnh như bị tước mất công việc, bệnh tật, vô gia cư, đói rách, nhà tù, hoặc những thứ tương tự, mà là giới tính của sự bất hạnh, thứ độc nhất và độc nhất chỉ đàn bà mới có thể ban tặng cho tôi. Sau rồi, đúng lúc tôi đang đọc Những ý đồ làm nên số phận chúng ta của Schopenhauer trong cuốn Parerga và paralipomena, những tuyển tập tôi chiếm hữu trong đợt cải cách thư viện, tiếp sau thời kỳ củng cố dân tộc và sau các đợt sóng di tản, trong một hiệu sách cũ, rất rẻ, đến nỗi tôi đủ tiền để trả cho tất cả các loại sách bị kiểm duyệt, bị tịch thu, bị mê tín, cả bốn tập sách đen dày cộp về Auschwitz sống sót: như vậy, có thể nói,  không loại trừ khả năng, tôi đã thu thập được những lý thuyết cũ rích nhất của phân tâm học, thậm chí cả của vô thức Odip, thứ mà thời  trẻ  tôi cho là  không có gì đặc sắc. Giờ đây chỉ là vấn đề, tôi tự hỏi mình, vai trò „cha-con trai” hay „mẹ-con trai” có ảnh hưởng hay không (nếu, trong mọi trường hợp không đóng vai trò quyết định, vì chỉ khả năng phân thân thôi, đã hơn hẳn một khả năng hy vọng, theo tôi) rồi tôi tự trả lời mình, chính vai trò mẹ-con trai, cái vai trò bị chối bỏ mẹ-con trai này, đôi khi có thể nhận ra từ hành vi của tôi. Tôi đã xây dựng một lý thuyết về điều này, những ghi chép trước kia của tôi làm chứng. Theo đấy, vai trò bị chối bỏ cha-con trai thường dẫn đến những hành vi chệch hướng, còn vai trò bị chối bỏ mẹ-con trai, có tôi trong đó, thường mang lại chất liệu cảm xúc, có thể uốn nắn và điều chỉnh, có xu hướng đi vào sự điềm tĩnh, ví dụ Kafka, Proust, hoặc Jozseph Roth. Nếu lý thuyết này mong manh tồn tại, để không chỉ viết ra, mà như một đề tài trao đổi lúc nửa đêm, tôi cũng cần thận trọng, đơn giản vì nó không hấp dẫn tôi nữa.  Ô, từ lúc đó đến giờ, tôi đang ở đâu, nếu như tôi nhớ ra, chỉ như một bước đi chệch choạng, phân vân, đến sự ngộ tỉnh, đúng hơn, một quá trình tự sám hối rất dài, ai biết được, dài đến bao giờ;  Thực ra,  nói thế nào nhỉ, ích lợi của nỗi vô thức này nằm trong công việc của tôi,  tác hại của nó cũng từ công việc dội lại, bởi vậy, nếu không phải số phận, thì  từ những ý đồ tạo ra hành vi lúc đó của tôi, có thể kết luận, từ vô thức tôi đã hiện thực hóa hoàn cảnh và vai trò bị chối bỏ mẹ-con trai, với một tính chất vô cùng đặc thù, có thể nói: vì nỗi đau đớn cảm hứng,  nhìn từ quan điểm làm việc, nhất thiết tôi cần phải có (tất nhiên bên cạnh tự do, thứ cần thiết đầu tiên). Đúng thế, sự đau đớn mang lại sức mạnh sáng tạo, với bất kỳ giá nào, dù sự cân bằng tầm thường đã giết chết hình thức của nó,  hình thức của sự sáng tạo đã bị thủ tiêu, tôi sống trong một dạng sự thật nào đó của nỗi đau, sự thật này có thể bị bỏ quên, nếu tôi không sống như thế.  Hình ảnh  nỗi đau này, thường xuyên và đi ra từ bên trong, nhập làm một với bộ mặt của cuộc sống, bộ mặt hiện thực nhất của cuộc sồng, tôi biết chắc chắn như vậy. Từ đó, tôi tìm kiếm lời giải thích cho hiện tượng, cảm hứng làm việc giảm sút khi tôi sở hữu toàn bộ tự do của mình, tại sao với việc giành giật tự do, cùng  những  cơn đau đớn tinh thần,  hứng khởi công việc của tôi lại tăng lên: chứng loạn thần kinh do vô thức (hoặc làm nảy sinh ra vô thức) rõ ràng tác động đến tôi theo kiểu, nếu nó dịu đi, niềm hứng khởi công việc của tôi xẹp xuống, khi một cơn „điên” nổi lên, khuấy động luôn chứng loạn thần kinh không ngủ yên, lúc đó niềm hứng khởi công việc của tôi cháy bùng lên. Điều này thật đơn giản và dễ hiểu, như giờ đây, ta có thể suy ra, cần phải tính đến những nguyên nhân kích thích, để bồi bổ không ngừng ngọn lửa công việc của tôi – tôi  đã lập luận một cách sắc bén, chính vì ngay lập tức, nỗi bất lực hiện ra trước mắt tôi. Khi hoàn thành xong việc phân tích bản thân, cùng lúc, tôi thanh toán xong với nỗi vô thức, rất tự nhiên, tôi thấy kinh tởm nó, không chỉ với nỗi vô thức, mà với cả bản thân mình, khi tôi vỗ béo nỗi vô thức này một cách dấu diếm và đóng kịch trước bản thân, không gì làm tôi ghê sợ hơn chính nỗi vô thức ấu trĩ, vô thời điểm, bộc lộ sự què quặt không tha thứ , sự non nớt tri thức này. Vậy là, ít nhất từ nỗi vô thức, tôi khỏi bệnh, chính xác hơn, tôi cho rằng mình khỏi bệnh, tất nhiên không từ quan điểm sức khỏe, cái chính, lấy lại được danh dự bản thân,  không bao lâu, tôi bước vào quan hệ mới với một phụ nữ khác, điều này, có thể vang lên rất trần trụi, nhưng tôi đặt một giả thuyết rất thực tế, là từ „tình yêu” và những từ tương tự không bao giờ vang lên, như vậy mối tình của chúng tôi tồn tại, chừng nào chúng tôi chưa yêu nhau, cả hai phía hay từ một chiều, điều này thế nào cũng được, vì trong giây phút mà sự bất hạnh ấy xảy ra với một trong hai người hoặc với cả hai, quan hệ của chúng tôi kết thúc ngay lập tức; cô bồ của tôi, người vừa hồi tỉnh sau một tai nạn tình yêu, chấp nhận điều kiện này ngay lập tức (ít nhất bên ngoài có vẻ như thế), sự thản nhiên của mối quan hệ này, tôi không nghi ngờ gì, chẳng mấy chốc bắt đầu làm phiền và tấn công chúng tôi, nếu giữa chừng tôi không quen với vợ cũ, lúc đó mới sắp, thật là một giải pháp hợp lý (ít nhất đối với tôi). Thời đó tôi vẫn đang sống ở nhà thuê, và không thể chối cãi được, hoàn cảnh có vẻ tuyệt vọng khi bước sang thập kỷ thứ hai, khi với cái giá bị nhồi máu cơ tim, tiểu đường, đau dạ dày mãn tính, suy sụp thể chất, hoặc tha hóa hoàn toàn về đạo đức và kinh tế, hoặc trong trường hợp may mắn hơn cả là gia đình bị chia xẻ hoàn toàn, nhưng gần như mọi bạn bè người quen của tôi, gọi là gì nhỉ, đều đã xây tổ ấm; cái phù hợp với mình, tôi không nghĩ, nếu có, tôi cũng cho rằng, mình không thể nghĩ về điều đó, đơn giản tôi cần sống khác đi, tiền, trước tiên vì chuyện kiếm tiền, điều này đi liền với bao chấp nhận, nhầm lẫn, mặc cả, và toàn bộ không dễ chịu chút nào cho dù  tôi tự ru ngủ tất cả chỉ là  tạm thời, mọi việc chỉ xảy ra để đạt đến mục đích. Ta có thể  sống tạm thời, khác sống thường xuyên được chăng, để đừng chịu trách nhiệm về những hậu quả cay đắng, đúng hơn, ít nhiều tự ta tạo ra cuộc sống của mình, để là chủ, và đúng pháp luật. Thế là, đơn giản, tôi không muốn,  không có hứng  rước những tuyệt vọng này vào người, những tuyệt vọng mua sắm  nhà cửa ở nước Hung, những thứ trước hết đe dọa tự do của tôi, đe dọa một cách toàn diện độc lập tinh thần của tôi, vì những yếu tố bên ngoài, cho nên, tôi cần chống lại nỗi nguy hiểm này một cách toàn diện, nghĩa là, với toàn bộ cuộc đời của tôi. Thực ra, vợ tôi nói đúng, bằng nhiệt tình cảm động, bằng những gặng hỏi không chống đỡ nàng đã phơi bày hoàn cảnh lúc đó của tôi, với tôi, trò chơi biểu hiện nét mặt của nàng trở nên quen thuộc, tác động đến tôi như một buổi bình minh bất ngờ và tuyệt vời, nàng nói: tóm lại, anh giam cầm anh trong nhà tù của anh vì nỗi tự do của anh. Đúng, có một sự thật nào đó trong câu nói đấy. Đúng hơn, đây chính là sự thật. Cảnh tù ngục kiếm nổi nhà ở nước Hung, hay đúng hơn, cảnh tù ngục không nhà ở nước Hung có vẻ phù hợp với tôi, ở đó tôi bảo vệ  hứng thú của mình, một cách gìn giữ, che giấu và nguyên vẹn, cho đến tận khi, cái nhà tù, nếu ta thích ví von, cái hộp đựng đồ hộp này, đột nhiên, với những sắp xếp màu nhiệm của vợ tôi, bỗng hiện hình trần trụi, sắp hư hỏng, thậm chí không thể chịu đựng nổi. Cuộc sống hiện tại của tôi cũng thế, tôi cho rằng, mọi cuộc đời đều thể hiện như một sự không thể chịu đựng nổi, nếu ta nhìn từ ánh sáng của nhận thức, bởi chính nỗi không chịu đựng nổi này của đời, sẽ đưa ta đến nhận thức, là đời ta không thể chịu được nữa, vì nó đã bị mất. Đúng thế, tôi sống cuộc đời ở nhà thuê, như sống một cuộc đời không hoàn chỉnh, mà tạm bợ, hạn chế, lơ đễnh (chỉ công việc của tôi là nghiêm chỉnh) như vậy,  tôi chỉ có hai  bận rộn có thật: sự ra đời của mình và thời gian chờ đợi đời mình trôi đi bằng một cách nào đấy (có thể bằng công việc); cái thời gian chờ đợi này, chỉ mỗi nó là  của tôi, tôi chỉ trông chờ vào nó, tính sổ với nó, cho dù tôi không biết, tại sao và với ai tôi cần phải tính sổ, trước tiên chắc với bản thân mình, để  nhận ra cái cần phải nhận ra, làm cái việc có thể làm, cho tất cả mọi người, hoặc chẳng cho ai, hoặc cho bất cứ ai, người xấu hổ vì và cho chúng ta, bởi vì tôi không thể tính sổ với khoảng thời gian trước khi tôi ra đời hoặc sau khi tôi kết thúc cuộc đời, nếu những trạng thái của tôi có liên quan đến thời gian duy nhất của tôi, chắc chắn có liên quan, tôi tin như thế.
Sẽ giới thiệu tiếp khi có điều kiện.
Chú thích:
[1] Một loại thần điểu trong thần thoại châu Âu. 
18/5/2008
Imre Kertész
Nguyễn Hồng Nhung dịch
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...