Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Ðọc sách Cuối trời hôn mêXXX

Ðọc sách Cuối trời hôn mê

Hơn một nửa dân số Việt Nam và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Vũ Thị Minh Thiện, một thanh niên Mỹ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California. Talawas
Các nhân vật chính:
Thảo: ít nói, con nhà khá giả, có học, yêu Hậu, ngây thơ. Câu truyện bắt đầu khi anh mới mười hai tuổi. Sau này anh lớn lên, ra Hà Nội, làm quản lý khách sạn cho chú Thái, rồi vào Sài Gòn làm nhà báo;
Hậu: yêu Thảo, lớn hơn Thảo, mẹ mất sớm, ở với cô ruột khi ở Làng Văn, ở Hà Nội với bác Hưởng; hoạt động cách mạng khi vào Sài Gòn;
Các nhân vật phụ:
Gia đình Thảo:
Mẹ Thảo: bà sống bằng nghề buôn gạo
Anh Hữu: người anh kế của Thảo và là người Thảo hay tâm sự, đi bộ đội được hai năm, mẹ Thảo đút lót tiền bạc để kéo anh từ măt trận Hòa Bình về, đào ngũ.
Chi: em của Thảo, mới sáu tuổi.
Chi Tâm: lớn hơn Thảo ba tuổi.
Bác Hưởng: bác của Thảo, chủ xe đị, nhà ở Hà Nội, nhận Hậu là con nuôi, đưa cô về Hà Nội.
Cô Vinh: cô của Thảo, Thảo đã ở nhờ nhà cô trong thời gian anh ở Hà Nội.
Chú Hạp: là luật sư, người cứu Thảo ra khỏi trại giam.
Chú Kiêm: người Làng Văn, người hợp tác với chú Hạp cứu Thảo.
Gia đình Hậu:
Chú Thái: ăn cướp khi ở Làng Văn, chủ khách sạn Huy Hoàng ở Hà Nội, người Cộng Sản cao cấp.
Cô Tư Hồng: tình nhân của chú Thái.
Anh Kích: anh trai của Hậu, theo nghề của ba, hoạt động cách mạng, là đồng đội của ông Cảnh.
Bạn của Thảo và những người khác:
Hồng: bạn thiếu thời của Thảo, sau là người yêu của Thảo trong thời gian ở Hà Nội, nhà có tiệm phở ở chợ Dừa.
Thịnh: bạn trai của Hồng khi còn ở Làng Văn.
Thuần: bạn gái học chung với Thảo, người được anh mến mộ trước khi gặp lại Hồng ở Hà Nội.
Ông Cảnh: bạn của chú Thái, ở trọ khách sạn Huy Hoàng, tham gia hoạt động cách mạng.

Mở đầu:
Thảo lén mẹ sáng sớm ra đường xe lửa nhảy tàu lửa. Sau đó đến nhà chú Thái, tình cờ nghe trộm cuôc trò chuyện giữa chú Thái và cô Tư. Anh đã bị chú Thái bắt gặp và đòi thiến. May là Thảo được tha nhờ sự can thiệp của cô Tư.

Nội dung câu truyện:
Hậu, Thịnh, Thảo, Hồng học chung một trường. Các bạn có thói quen mỗi tối lén vào nhà chú Thái chơi. Hậu ở chung với cô sau khi mẹ Hậu mất. Một hôm, cô Hậu đánh đuổi Hậu ra khỏi nhà vì cô có nhân tình. Thấy tình cảnh thương tâm của Hậu, bác Hưởng có nhã ý muốn đem Hậu về làm con nuôi và phụ việc nhà với bác gái. Thảo thương Hậu và không muốn cô ra đi. Trước khi đi, hai bên hẹn nhau ở nhà chú Thái vào buổi tối. Thảo đến trước và gặp Hồng ở đó. Nghe tiếng động lạ, Hồng kéo Thảo vào trong phòng ngủ của chú Thái qua một lỗ chó chui. Hậu đi vào, theo sau là ông say rượu Hai Ðăng (trang 108). Ông Hai Ðăng định hãm hiếp Hậu. Thấy vậy Thảo dùng cái chai đập vào đầu Hai Ðăng làm ông chết tại chỗ. Chú Thái giúp Thảo bằng cách nhận hết tội trạng. Trước khi Hậu đi Hà Nội, chú Thái đã cho Hậu một số tiền lớn.
Ba năm sau, Thảo ra Hà Nội học đệ tứ, ở trọ nhà cô Vinh. Ra ngoài đó, Thảo mới hay rằng Hậu đã bỏ vô Sài Gòn sau cuộc cãi vã về tiền bạc với hai bác Hưởng. Ở Hà Nội, Thảo gặp Hồng, nhà cô mở quán phở. Hồng và Thảo hay đi xem hát, đi chơi với nhau. Một lần, Thảo gặp chú Thái, nay là chủ khách sạn Huy Hoàng. Chú muốn nhờ Thảo về làm quản lý cho chú. Thảo nhận lời, ít lâu sau dọn đến ở trong một căn phòng của khách sạn. Một hôm, chú Thái đem ông Cảnh về trú ngụ. Ông Cảnh là một người hoạt động chính trị bí mật. Ông hay có sách báo cộng sản. Ngày kia, cảnh sát đột ngột khám xét căn phòng ông Cảnh, nhưng không bắt được ông. Cảnh sát đã bắt Thảo. Trong thời gian chạy chọt cứu Thảo ra, Hồng biết mình mang thai với Thảo. Nhưng vì thời gian tạm giam quá lâu, Hồng không thể chờ và đã đi lấy chồng (tháng 12 năm 1953).
Cuộc chiến xảy ra ác liệt tại Hà Nội. Mẹ Thảo sợ bị đánh tư sản nên đã cùng Thảo và các con bay vào Sài Gòn. Ở đây, Thảo sống nhờ nghề viết báo. Nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi, các bạn Thảo đã rủ Thảo đi chơi gái ở một biệt thự sang trọng khu Hàm Tử. Nơi đó, Thảo gặp lại cô Tư Hồng.

Kết thúc truyện:
Nhờ cô Tư Hồng mà Thảo đã gặp lại Hậu. Lúc này Hậu, cô Tư Hồng, chú Thái là những người hoạt động tích cực cho Cộng sản. Trong một lần truy bắt của cảnh sát, Hậu và Thảo bị trúng đạn chết.
Câu truyện có tên là Cuối trời hôn mê. Trong truyện, hai nhân vật chính, Hậu và Thảo, yêu nhau từ thuở còn thơ, nhưng không thể ở bên nhau vì hoàn cảnh. Cuối truyện, Hậu bị lính Việt Nam Cộng Hoà rượt theo và bắn chết, Thảo chạy theo mong cứu Hậu cũng bị bắn trọng thương. Rốt cuộc thì hai người cũng được ở bên nhau, trên vũng máu của chính họ. Ðiều này nói rằng chỉ trong cái chết, hai người mới có thể có khung trời chung. Thảo là con một gia đình tiểu tư sản, học trường Tây. Sau khi vào Nam, anh còn là nhà báo cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trong khi đó, Hậu là con của kẻ ăn cướp, sau này trở thành người cộng sản. Nếu hai người cùng sống trong một xã hội giao tranh như vậy thì khó có cơ hội để hòa hợp. Kết thúc câu chuyện thật buồn thảm, nhưng cái kết đó cũng là sự giải thoát cho Hậu và Thảo. Do đó, “cuối trời” có thể hiểu là cuối cuộc đời, tận cùng của cuộc đời, của trời đất. Ðến tận cuối đời, hai nhân vật chính chỉ có thể ở bên nhau vĩnh viễn, như chính tình yêu mãnh liệt hai người dành cho nhau, trong sự “hôn mê” bất tỉnh, hay nói cách khác là cái chết. Cuối trời hôn mê là một biện pháp giải thoát cho Thảo – Hậu và cũng là kết cuộc của một cuộc tình gần hai mươi năm thời hai miền đất nước giao tranh.
Tình tiết câu truyện xảy ra trước và trong cuộc phân chia Nam-Bắc giúp ta hiểu thêm nhiều điều về chiến tranh.
Thứ nhất là về phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trước năm 1954. Ở ngoài Bắc, phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh diễn ra mạnh mẽ. Quân đội Pháp và quân đội Việt thuộc Pháp ngày đêm truy lùng học sinh phản động, cũng như sinh viên phổ biến truyền đơn. Trong truyện, một nhóm học sinh trường Thăng Long đã bị bắt vì hoạt động kín, liên quan đến việc phổ biến truyền đơn văn nghệ vùng ngoài. Một nhóm học sinh khác bị giam giữ vì liên quan đến tới tờ bích báo đăng bài viết của Vũ Trọng Phụng (“Một người cách mạng già”) (tr.237). Thảo cũng bị bắt giam khi còn làm ở khách sạn Huy Hoàng mặc dù anh đứng ở vị trí trung lập, không tham gia hoạt động cách mạng, cũng không ủng hộ chính quyền Pháp. Chỉ vì anh là học sinh mà họ nghi ngờ anh có thể dính líu đến những hoạt động cách mạng.
Thứ hai là về văn học thời đó. Ta có thể tạm chia ra làm hai loại: thể loại văn học được giới thanh niên ưa chuộng, được lưu hành dưới chế độ của Pháp và thể loại văn học của những người Việt Minh (bị cấm phát hành trong những vùng Pháp chiếm đóng). Thảo tượng trưng cho lớp học sinh chỉ tiếp thụ nền văn học trường Pháp dạy, mà không tiếp cận đến những tác phẩm ngoài luồng khác. Anh thích đọc truyện của Lê Văn Chương, Tô Hoài, Trần Tiêu, Ngọc Giao và Vũ Anh Khanh. Những tác giả này, dưới con mắt của cán bộ Việt Minh nòng cốt như ông Cảnh thì không được ưa chuộng. Ông lấy làm ngạc nhiên khi Thảo nói thích đọc tiểu thuyết của Lê Văn Trương. Ông nghĩ Trần Tiêu “được” vì viết về nông dân, Ngọc Giao thì không nên đọc vì quá lãng mạn. Mặt khác, ông khuyên Thảo đọc thơ của Nguyễn Bính, Tố Hữu.
Thứ ba là về thành phần người dân trong xã hội thời đó. Có sư phân chia giữa Cộng Sản/ Không Cộng Sản. Không Cộng Sản ở đây không có nghĩa theo Tây. Ðó là những người dân tập trung vào chuyện làm ăn và có của ăn của để như mẹ Thảo (một tiểu tư sản, buôn gạo), như bác Hưởng (chủ một chiếc xe đò), như chú Hạp (luật sư) v.v… Họ chỉ lo cho cuôc sống riêng của họ. Khi đất nước chia hai, những người này tìm đường vào Nam vì sợ bị đấu tố. Trong khi đó, những cán bộ cao cấp trong hệ thống Cộng sản như chú Thái và cô Tư Hồng, lại xuất thân từ tầng lớp thấp. Ở Làng Văn, chú Thái, anh Kích là tướng cướp. Còn Hậu, mẹ mất sớm, phải ở với cô ruột và luôn mặc cảm với mọi người vì có cha làm nghề ăn cướp. Ngoài ra, khi ở Sài Gòn, cô Hồng là chủ chứa gái. Tuy có sự khác biệt về tầng lớp xã hội giữa những người Cộng sản/không Cộng Sản, nhưng truyện không biểu lộ sự thiên vị của tác giả với bất cứ phía nào. Không một chi tiết nào trong truyện nói rõ chú Thái cướp của ai, thành phần nào. Ta chỉ biết nghề nghiệp của chú qua lời đồn đại của dân chúng làng Văn mà thôi. Mặt khác, chú Thái cũng cho Hậu một số tiền để ra Hà Nội. Quan trọng hơn cả là chú Thái đã nhận tội giết người cho Thảo. Với cô Tư Hồng, mặc dù là chủ tiệm chứa, những người khách của cô đều hạng sang, có chức có quyền, như bạn Thảo là một Ðại Úy chẳng hạn. Hoat động mãi dâm tại ngôi biệt thự của cô Tư Hồng ở bến Hàm Tử chỉ là tấm màn che cho kho vũ khí ở bên dưới (325). Do đó không thể dựa vào nghề nghiệp của cô Tư Hồng, của chú Thái, để kết luận họ là những người xấu/tốt, cũng không thể kết luận rằng những người tham gia cách mạng là loại người bị xã hội khinh miệt. Tác giả đưa ra hình ảnh khác biệt trên để thể hiện một cái nhìn khách quan về thực tiễn của xã hội lúc bấy giờ. Hơn nữa, sự khác biệt ấy cũng không ngăn cản được tình yêu chân thật của Thảo và Hậu. Thảo-một tiểu tư sản có học thức, là nhà báo- và Hậu-con của một tướng cướp, hoạt động cách mạng. Thảo cùng chạy trốn với Hậu khi Hậu bị đuổi bắt. Hai người cùng trúng đạn mà chết. Sự việc này nói rằng không có gì có thể chia cách được một tình yêu chân thật, ngay cả trong hoàn cảnh khốc liệt nhất. Khi nói đến tình yêu/ lòng yêu thương của con người với con người thì bức tường ngăn cách giữa Cộng Sản/Không Cộng Sản không thấy rõ nữa mà đơn thuần chỉ tồn tại tình yêu trai gái, tình cảm cha con... mà thôi.
7/5/2005
Vũ Thị Minh Thiện
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...