Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Trả lời ông Lại Nguyên ÂnXXXX

Trả lời ông Lại Nguyên Ân

Báo điện tử talawas ngày 20-4-2005 đăng bài của Lại Nguyên Ân: “Trả lời ông Hảo”, nhằm đáp lại bài của chúng tôi (TMH) trên talawas ngày 17-3-2005: “Về việc cố tình bôi nhọ danh dự người khác của ông Lại Nguyên Ân”. Sở dĩ chúng tôi viết bài báo này, nhằm vạch ra những điều dối trá do ông Ân bịa ra (theo tin đồn thế này, tin đồn thế khác, đến mức ông Ân “cũng chẳng tin được nào” để nói xấu chúng tôi là “đầu gấu” của Đảng cộng sản, là tay sai văn nghệ của “ông lớn nào đó”, chuyên làm cái việc đánh anh em văn nghệ như một thứ chó săn, một tên biệt kích... Với “Hội chứng Tăng Sâm” như thế, không hề có sự kiểm chứng tối thiểu nào, ông Lại Nguyên Ân đã xúc phạm nhân phẩm chúng tôi tới mức không sao chịu đựng nổi.
Nay, trong bài vừa in, ông Ân lại tiếp tục sử dụng “hội chứng Tăng Sâm giết người”, tiếp tục lối quy chụp vu vơ, vô bằng cớ, bịa đặt vu cho chúng tôi là “đầu gấu” của Đảng cộng sản như sau:
“... Số đông trong giới cầm bút phần nhiều vẫn còn ngờ vực ông Hảo lắm; người ta cho là đám người có quyền vì nhiều lẽ vẫn cần dùng ông để đánh dẹp hoặc thị uy trước những cây bút cứng đầu khó bảo, và ông Hảo thì vẫn còn sẵn sàng đáp ứng họ. Vụ phê bình “Hoa thuỷ tiên” năm ngoái là minh chứng rõ nhất. Có điều người khơi lên phong trào mới chống Nguyễn Huy Thiệp không ngờ mọi sự lại dích dắc lạ lùng như vậy...”.
Thưa ông Ân, về vụ “Hoa thủy tiên - Nguyễn Huy Thiệp” năm ngoái, ngoài bài phê bình của tôi ra, còn gần 20 bài phê bình của những nhà văn khác, trong đó bài “phê” ông Thiệp nặng nhất lại là bài của người bạn thân nhất của ông Thiệp: Ðồng Ðức Bốn. Khi ông Thiệp chửi hầu hết nhà văn Việt Nam là “vô học”, là lưu manh, là giặc già... nếu có ai phản ứng lại, ví như tôi (TMH) tức khắc bị ông Ân gán cho là tay sai, là “đầu gấu” của Đảng... Như thế cũng chẳng khác gì bỗng có ai đó ở Việt Nam viết bài bảo ông là tay sai của CIA, ăn tiền của ngoại bang chống lại đồng bào mình, thì chắc là ông nổi giận lắm? Xin dẫn một nhà văn Việt, nhà văn Quỳnh Thi bên Hoa Kỳ (đang là cộng tác viên của talawas), đọc bài “Hoa thuỷ tiên” của ông Thiệp, không sao chịu được, đã phải lên tiếng phản đối kịch liệt như sau:
“...Phát biểu tùy tiện: Nguyễn Huy Thiệp trong một bài viết trên internet talawas ngày 26-3-2004. Anh ta cho rằng đa số các nhà văn đều vô học. Còn đa số các nhà thơ thì chỉ dựa vào cảm hứng tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương, phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng... nhăng nhít, hữu danh vô thực. Nhà thơ đồng nghĩa với chập choạng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn. Thậm chí còn lưu manh nữa... Lời phát biểu bằng văn bản của một nhà văn có tiếng tăm cố ý nhục mạ cả một tập thể giới làm văn học Việt Nam. Cứ theo như bài viết ấy của NHT thì thơ phú chẳng ra cái quái gì hết, toàn một lũ lưu manh, đầu đường xó chợ, ngu dốt! Chỉ trừ ít người... Thiển nghĩ trước khi ông Thiệp là nhà văn, chắc cũng đã làm thơ, vì trong truyện ngắn của ông lác đác cũng có những bài thơ xen vào. Thế mà ông Thiệp lại bạc bẽo chửi làm thơ là lưu manh ngay với chính ông, mà theo tôi, thơ của ông lại không mấy hay bằng truyện. Biết đâu sau này cuối đời ông lại chả làm thơ như nhiều nhà văn khác, vì lúc xem lại văn chương của mình thấy cũng chả ra làm sao! Chỉ tội nghiệp ông chê những nhà văn, nhà thơ dốt nát, vớ vẩn. Mà ông lại không hiểu thơ, hay chỉ hiểu với một kiến thức của anh giáo làng trên vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, hồi còn rất trẻ, thì oan cho thơ lắm. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ạ! Thơ cũng như văn. Có thứ thiệt và có thứ dỏm. Thường người ta hay nói đến người thật, việc thật. Còn thứ dỏm, mạo hoá thì nói làm chi. Thật là thảm hại khi có lắm người vững tin rằng: Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ! Rồi những của giả, vần vè của bọn hợm hĩnh háo danh hay, thậm chí rơm rác, dơ dáy, mở mồm há mõm xuất hiện, và họ lại có một đức tin. Ta là những nhà thơ trẻ hiện đại. Ở trong nước, những người tử tế đã tránh xa, nhưng họ còn ban cho một đặc ân và gọi việc viết nhăng viết cuội là thơ rác, thơ dơ. Thơ là gì? Thơ là những lời hay ý đẹp làm xúc động lòng người. Làm gì có thơ rác, thơ dơ trên cõi đời này. Chỉ có thứ rác rưởi dơ bẩn, khiến người đi đường phải bịt mũi. Những mùi rác rưởi xú uế thì phải bịt mồm lại, tránh xa, không nên để ý làm gì, bọn cùi hủi thối tha, mà có muốn thoá mạ chửi bới. Không được vơ đũa cả nắm...” (Trích “Sức công phá của Thơ” của Quỳnh Thi, Văn Học online và Tạp chí Thơ online).
Ðọc xong đoạn văn “nảy lửa” này, chắc chắn Lại Nguyên Ân, sẽ đập bàn quát: A, lại phát hiện ra một tên “đầu gấu” của Đảng cộng sản, một tay sai chính hiệu cho chế độ Hà Nội là Quỳnh Thi nằm vùng tít ở miền cực nam nước Mỹ này đây! Bịa chuyện tin đồn ác ý để hại người khác như thế, ở những nước văn minh luật pháp chặt chẽ, người bị hại có thể kiện kẻ vu cáo ra toà và nhất định phải chịu sự trừng phạt của luật pháp. Khi chúng tôi đòi hỏi ông bằng chứng những lời buộc tội gian trá của ông, ông tỉnh bơ, vẫn giọng chụp mũ khơi khơi hết sức vu vơ, hết sức xỏ xiên, ông Ân viết:
“Ông Hảo bảo tôi “bịa tạc, vu khống, bôi nhọ, dùng những chuyện đồn thổi, vô bằng chứng để nói rằng ông từng được vài ai đó trong giới hữu quyền sử dụng như “đầu gấu” của họ; ông Hảo đòi tôi phải nhớ nguyên tắc “ nói có sách, mách có chứng”. Về điểm này, xin bạn đọc và ông Hảo nhớ cho rằng, trong đời sống của giới làm văn làm báo trên đất Việt Nam, sự kiện được người trong đám quyền chức tin dùng (chưa nói được dùng như “đầu gấu” là mức cao rồi!) thường là điều người ta đem khoe khoang, chứ mấy ai xem thế là bị vu cáo! Từ hồi mở cửa cho kinh tế đến nay, có biết bao nhiêu người săn tìm những tấm hình chụp chung với một ông to nào đấy đem phóng to trưng ở phòng khách nhà mình? Việc ông Hảo nêu ngay chuyện này ở đầu bài viết của ông khiến tôi ngờ rằng ông có ý mượn lời tôi để phô với thiên hạ một thành đạt không dễ ai có trong đời ông thế thôi. Thế mà thay vì cảm ơn, ông lại kêu tôi vu cáo!”.

Trích ra đoạn văn “xỏ lá” này của ông Ân, tôi không thể hình dung ra một người làm văn hoá, ít nhất cũng có chút thiên lương, lại có thể viết ra những lời lẽ tệ hại như thế về đồng nghiệp của mình, dù là kẻ đồng nghiệp kia ông căm thù hơn ngày xưa ông căm thù Mỹ-Diệm? Hay là ông Ân từng có kinh nghiệm về niềm tự hào được làm tay sai cho ông lớn, bà lớn (phía bên này, hoặc phía bên kia?) mới từng trải thế về niềm sung sướng được bề trên tin dùng, mới rành rẽ cảm giác “ơn trên mưa móc” nhường ấy theo kiểu “muốn ăn gắp bỏ cho người”!
Vâng, đúng như vậy, ông Ân thời mới vào nghề “phê bình” đã từng được các ông lớn tin dùng, như một “hồng vệ binh văn học”, thường đăng bài trên báo Đảng, như là cái đuôi của chính những Vũ Ðức Phúc, Phan Cự Ðệ, Trần Thanh Ðạm, Trần Trọng Ðăng Ðàn... như chính ông thú nhận trong bài báo “Trả lời ông Hảo” như sau:
“Riêng về những trang viết trong thời bao cấp (tính đến năm 1985), xin nói rõ, khi đó tôi mới bước vào nghề cầm bút, các trang viết ban đầu khó tránh khỏi tình trạng của một chủ thể chưa định hình, cả ý viết lẫn cách viết thường có chỗ vay mượn, học hỏi theo những cây bút đàn anh, hoặc tệ hơn, hùa theo minh hoạ những ý tưởng khuôn sáo đương thời, kể cả những giáo điều. (TMH nhấn mạnh). Tuy vậy, tôi vẫn chịu trách nhiệm về những điều đã viết ấy; nếu trong đó có những lỗi lầm thì có cả phần lỗi của cá nhân tôi, có cả phần lầm lỗi của tập thể.”
Ông Ân trong cơn chân thành sám hối về những tội lỗi hồng vệ binh văn học của ông một thời, từng được Đảng và nhiều ông lớn tin dùng, được làm đầu gấu cho “văn nghệ cách mạng”, tha hồ lên báo Đảng, báo Quân đội, lên Tạp chí Cộng sản hùa theo minh hoạ những ý tưởng khuôn sáo đương thời, kể cả những giáo điều. Có lẽ, vì ông Ân đã từng có nhiều kinh nghiệm sung sướng khi làm tay sai cho Đảng như chính ông vừa sám hối, nên muốn dùng “ơn mưa móc cửu trùng” kia mà san sẻ cho TMH tí ti chăng? Xin đọc tiếp lời ông Ân sám hối, chân thành đến nỗi đã trích ra lời của chính ông khẳng định công lao to lớn của Đảng là đã “chính trị hoá văn học” trong suốt cả quá trình; nghĩa là đã đưa ra những khái niệm như đảng tính, giai cấp tính trong văn học, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp duy nhất đúng của văn học, triệt để phê phán tính người chung chung... Xin xem ông Ân dẫn lại lời tụng ca Đảng một thời của chính ông, như sau:
“Một quá trình diễn ra ở văn học nhiều nước từ giữa thế kỷ này mà người ta gọi là quá trình chính trị hoá, cũng đã diễn ra mạnh mẽ ở nền văn học của nước Việt Nam mới. Thành công trong việc đưa chính trị vào văn học là kết quả của việc Đảng cộng sản từ khi giành được chính quyền đã trực tiếp lãng đạo, quản lý hoạt động văn học trên tất cả các mặt trận chính trị, tư tưởng và tổ chức”.
Ông Ân viết tiếp: “Ngày nay nếu viết về đề tài này, tôi sẽ giữ nguyên nhận định ấy, nhưng sẽ không đặt trong giọng khẳng định, tán dương, ca ngợi như đã làm hồi đó...” Thưa ông Ân, chúng tôi xin trả lại ông cái mũ đầu gấu của Đảng mới hôm nào ông còn đội. Thay vì giấu cái mũ đỏ tay sai văn nghệ Đảng xưa của ông đi, ông lại rình người qua đường là chúng tôi, để đánh tráo chụp nhoáy một cái như chớp lên đầu TMH cái mũ không còn hợp thời trang của mình, rồi hô hoắng lên rằng: chính nó, Trần Mạnh Hảo là đầu gấu của Đảng! Viết đến đây, tôi thấy tấn bi hài kịch sám hối này của ông vụng về quá, bèn phì cười nhớ tới câu vè hồi trước ở miền Bắc nói về anh Tạ Ðình Ðề: “Hoan hô anh Tạ Ðình Ðề / Trước từng theo địch nay về theo ta” .
Nói là nói róng riết thế thôi, chứ thực lòng, chúng tôi tin vào sự sám hối chân thành của ông về những “tội lỗi” theo Đảng của ông một thời. Nhận thức là một quá trình mà ông Ân. Tồn tại quyết định ý thức mà nhà lý luận. Thực tế thay đổi, làm cái nhìn con người đổi thay theo là chuyện hợp quy luật. Còn thực tế đã là năm 2005 mà cái nhìn ông và tôi còn ở năm 1989 thì mới là chuyện quái dị, mới là phản tiến hoá, phản lịch sử. Chính ông Ân năm 1989 đã không còn là ông Ân năm 1985 như ông vừa dốc bầu sám hối. Và ông Ân hôm nay không còn là ông Ân thời mà tôi với ông ngồi bên nhau trong Đại hội nhà văn khoá IV? Chính ông vừa kể, ông đã chuyển từ mũ đỏ sang mũ xanh ra sao. Kể cũng lạ, ông Ân cho mình cái quyền được thay đổi quan điểm sao cho hợp thời, sao ông nỡ bắt tôi không được có quyền ấy, nếu như tôi thích thay đổi, tôi thích không còn là tôi trước đó; như câu thơ thần diệu của Xuân Diệu mà cả ông và tôi chắc đều thuộc, đều thích: “Cái bay đang đợi cái trôi / Từ tôi phút đó sang tôi phút này!”. Từ phút đó đến phút này đã là hai cái Tôi khác nhau, huống nữa là 10 năm, 15 năm rồi, ông Ân cứ bắt tôi phải quay về thời Ly thân xưa, phải dứt khoát đứng vào phe phái nhất định nào đó mới được: hoặc là đổi mới, hoặc là bảo thủ, hoặc ta, hoặc địch, dứt khoát không được đứng một mình một phe. Thì thưa ông Ân, tôi xin quay về Ly thân xưa đây, khi trích ra lời tuyên ngôn phi phe phái của tôi, tôi quyết đi một mình một đường; đó chính là bài thơ “Những con đường tôi chọn” (bài thơ của nhân vật Trần Khuất Nguyên trối lại sau khi đã bị công an bóp cổ chết) – tức nhiên, bài thơ ấy chính là của TMH, với 4 câu kết như sau: “Những nẻo đường tôi chọn / Gập ghềnh như quê hương / Dù không ai đi cả / Một mình tôi một đường”. Ông Ân theo Đảng lâu quá nên tính tập thể nhiễm vào máu, quyết không chịu nổi cảnh ai đó đứng ngoài hàng lối, cô đơn một mình một phe, ông bắt tôi phải:
“Ông Hảo tỏ ra không trung thực khi nói trước nay ông không đứng về phe nào! Thử nhớ lại xem hồi ở trại viết Vũng Tàu, Trần Mạnh Hảo làm thơ về Nguyên Hồng thì ông ở bên nào, thuộc chiều hướng nào trong giới viết hồi ấy? Tại Đại hội nhà văn năm 1989 (kỳ Đại hội mà sự phân chia “bảo thủ”-“đổi mới” là sự rõ ràng). Trần Mạnh Hảo lên diễn đàn không dưới 2 lần, bênh Bùi Minh Quốc và tự bênh mình (cái “mình” với quan điểm đã được ông biểu hiện trong Ly thân) lúc đó ông ở bên nào? Hãy nhớ lại bài “Ðại hội nhìn từ gần” của Nguyễn Duy, bài ca vè sáng tác tại chỗ về kỳ Đại hội giữa mùa đầu đổi mới mà xem: “Trần Mạnh Hảo oành oành hỏa pháo”...”.
Vâng, thưa ông Ân, tôi nhớ, nhớ lắm cái không khí hào hùng hồi ấy, nhớ mình lên diễn đàn 3 lần, như quả đạn pháo bênh Bùi Minh Quốc, bênh cả Dương Thu Hương, chống lại sự đàn áp thô bạo của Đảng đối với nhà văn, bằng cách kể câu chuyện (xin lược lại):
“Nhân việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cởi trói cho văn nghệ, trước khi dự đại hội nhà văn khoá IV này, tôi về Nam Ðịnh thăm bố mẹ. Bố tôi mừng tôi được tự do, bèn ngả cầy tơ, mời 4 cụ bô lão đến đánh chén, mừng cho thằng cu Hảo nhà tôi được Đảng tha trói. Gớm, các cụ vui hơn tết thi nhau tợp rượu với dồi... Ðến lúc hơi ngà ngà, bố tôi bèn ôm tôi khóc rống lên khiến cả bàn tiệc kinh hãi. Bố tôi khóc mà than rằng: “Hảo ơi, bố mẹ đẻ ra anh là con người cơ mà, cho anh đi bộ đội gần chục năm về thấy vẫn còn là người, anh có phải là chó mèo, lợn gà, vịt ngan, dê ngỗng đâu mà Đảng ta lúc trói lúc cởi hả con ơi là con ơi!”.
Tôi kể đến đoạn đó thì cả hội trường Ba Ðình vỗ tay như sấm, khiến tôi nghẹn ngào quá mà không nói được nữa, bèn vừa bước xuống vừa nhìn tay chân xem còn hằn in vệt lươn thâm tím của dây trói hay không? Ðấy, tôi đã nói như thế đấy, 15 năm rồi vẫn nhớ không quên, ông Ân vừa lòng chưa nào? Dù đã 15 năm trôi qua, nay đã bước vào Đại hội nhà văn lần thứ 7, thì về thực chất, mối quan hệ giữa Đảng và nhà văn vẫn còn thông qua một gạch nối là cái dây trói vừa tạm cởi ra từ năm 1989 còn chưa giải quyết dứt điểm ấy đấy! Dù 15 năm trôi qua rồi, tôi vẫn thấy mình có trách nhiệm phải bênh vực Bùi Minh Quốc và Dương Thu Hương. Nhà tù, dây trói, ngay cả khảo tra, thậm chí xử bắn Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc nữa đi, Đảng cũng không cách gì “cải tạo” được 2 con người gang thép này! Ðảng nhầm to, bạo lực không thể là cái trò đưa ra chơi với nhà văn được. Nhà văn cần sự đối thoại cơ, thuyết phục cơ, có lý có tình cơ, “chính uỷ mía lùi” như thời chống Mỹ cơ, chứ dọa bỏ tù, đàn áp xưa rồi Diễm ơi! Nhưng Đảng, nói theo Nguyễn Khải, vốn coi văn nghệ sĩ như người ăn kẻ ở trong nhà (nghĩa là đầy tớ của Đảng à?). Nguyễn Khải nói thế là oan cho Đảng, là cậy mình có gan sứa, miệng thỏ mà bắt nạt Đảng, vu cho Đảng đi ngược lại lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân!”. Cán bộ =Nhà nước=Đảng cầm quyền =đày tớ nhân dân! Mà nhà văn ngoài Đảng như ông Ân và tôi là kẻ dưới đáy, tức là Nhân dân đấy! Vậy, ông và tôi, vinh dự chưa nào: chúng ta đang là ông chủ của Đảng đấy! Thế mà, tôi, ông chủ đã làm đến 30 đơn xin phép được “đối thoại” với đầy tớ mà đầy tớ quyết không cho! Ðấy, nhận thức của tôi năm 2005 là như thế đấy, ông Ân vừa lòng chưa nào? Ngay cả với nhận thức “vượt chỉ tiêu ông Ân giao” như thế, tôi vẫn cứ thích “một mình đi một đường”, một mình một phe, không thích đứng chung với phe “đổi mới” của ông Ân hay phe “bảo thủ” của giáo sư Trần ông nhắc trong bài. Tôi bé như mắt muỗi mà dám học cách đi một mình một đường của cụ Nguyễn Du đấy: “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân”. Ông Ân xử ép tôi nhiều bề quá, không đọc kỹ bài trả lời trước của tôi, cứ bắt tôi phải nhắc lại, e làm mất thời gian bạn đọc. Ấy là chuyện to bằng núi, ông và các ông “đổi mới” gán cho tôi cái tội là “bảo vệ thơ cách mạng và kháng chiến”. Vâng, dù sau này cờ quạt có đổi thay, nhân tình thế thái có đảo lộn đến đâu, tôi vẫn cứ tin rằng Cách mạng tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam chứ quyết không phải là gia tài riêng của một mình Đảng cộng sản. Và chính là nhà phê bình Thi Vũ (tức ông Võ Văn Ái - người nổi tiếng chống cộng nhất nhì ở hải ngoại) đã cùng với tôi đứng ra bảo vệ thơ cách mạng và kháng chiến đấy (như bài trước trao đổi với ông tôi đã trích một kết luận rất đúng của ông Võ Văn Ái) dùng làm luận cứ chống lại nhóm Phong Lê - Phạm Xuân Nguyên - Hoàng Hưng đã rất sai lầm khi bảo thơ cách mạng và kháng chiến chỉ là nhai lại thơ tiền chiến, không cò thành tựu vẻ vang gì! Chuyện này, thế nào rồi ông Ân cũng không để ông Thi Vũ = Võ Văn Ái yên đâu! Thế nào rồi ông Ân cũng tìm cách chụp cho ông Võ Văn Ái cái mũ “đầu gấu của Đảng cộng sản” như ông từng chụp cho tôi vậy! Vâng, chưa hết, ông Ân còn dùng các giáo sư và đám học trò của họ đã in ra cuốn sách: “Về một hiện tượng phê bình” để vu cáo bôi nhọ tôi đủ điều. Chẳng qua vì tôi đã viết gần 200 bài báo vạch ra cái sai mang tính hệ thống của việc dạy môn văn từ đại học trở xuống, khiến hàng chục giáo sư không sao cãi nổi, đã phải sửa lại, viết lại sách giáo khoa theo sự phê bình của tôi. Các vị này có tội rất lớn với dân tộc Việt Nam: sau 50 năm (1954-2004) dạy môn văn như là môn chính trị trá hình, học trò Việt Nam hôm nay sợ môn văn bằng chết. Muốn biết một dân tộc hưng hay vong, hãy nhìn thái độ yêu hay ghét môn văn của học trò. Thời Pháp thuộc, ta tuy mất nước mà học trò yêu môn Việt văn vô cùng, thế là tinh thần dân tộc hưng thịnh đấy. Nay, ta có nước, độc lập rồi mà sao trẻ con sợ môn văn hơn sợ cọp, dấu hiệu của sự suy vong dân tộc đấy! Chính hệ thống chính trị, hệ thống dạy văn là nguyên nhân làm suy vong tinh thần dân tộc, chứ còn đổ cho ai được nào? Trong khi đó, các vị Giáo sư này tha hồ bán bằng cấp cho mấy ông lớn học hành chưa hết cấp 3 mà ông nào hầu như cũng có 2 đến 3 bằng thạc sĩ, tiến sĩ, để các GS đổi lấy nhà lầu xe hơi và vô vàn bổng lộc khác! Ấy thế mà các vị GS này lại hô hoán lên rằng Trần Mạnh Hảo là tay sai cho Đảng đánh trí thức! Y hệt giọng điệu Lại Nguyên Ân!

Bài viết đã dài, điều cuối cùng tôi muốn tâm sự với ông là ta đã quyết đổi mới đời ta, thì cũng nên đổi mới cung cách viết lách của ta nữa. Nghĩa là, ta chống cái lối chính trị lãnh đạo văn nghệ thô bạo kiểu bầy đàn, muốn trói muốn cởi nhà văn lúc nào tuỳ thích. Ngoái lại thời trước năm 1985 mà hãi muốn ù té chạy. Cái lối vu khống, chụp mũ chính trị là cái thói tởm vô cùng. Thế mà ông Ân, nhà “đổi mới” hàng đầu, thậm chí có thể thành vì sao bất đồng chính kiến mà báo đài hải ngoại ca ngợi ông, nay lại còn sử dụng thói ứng xử không mã thượng của các nhà cai trị văn nghệ tiền đổi mới là muốn vọc nhà văn như gà vọc niêu tôm lúc nào cũng được; tôi xin khuyên ông hãy lần cuối cùng, vứt bỏ cái lối chụp mũ vô bằng cớ ấy đi cho thiên hạ thái bình. Ðồng thời, một nhà nghiên cứu khoa học văn học như ông, cũng nên bỏ cái thói tuỳ tiện quá khứ ông vẫn dùng làm vật trang sức trên người đi, viết cái gì cũng phải cho chặt chẽ, có lý có tình, có dẫn chứng, có trích ra cụ thể ông Hảo viết thế này, nói thế này, sách nào, trang nào. Ðằng này, ông cứ cái lối nói khơi khơi, xưng xưng bịa đặt vô bờ bến. Có thể lý trí ông đã giã từ vũ khí quy chụp, vũ khí ăn nói hàm hồ, vũ khí dùng quá nhiều “xú ngữ” của giai cấp bần cố nông vô sản chuyên chính búa liềm búa tạ; nhưng giọng điệu của ông cần phải sang hơn một chút, nếu như ông bỏ được những từ, như: “nhét giẻ vào miệng”, “nện búa vào đầu”, “có những con mồi khác”, “đầu gấu”, “cái loa rỉ”...
Thời gian đi qua đã biến hai kẻ thù số 1 của nhau là ông McNamara và ông Võ Nguyên Giáp trở thành những người bạn già ngồi lại, cùng nhau chia tay hận thù mà nhận lấy tình “Mỹ Việt đề huề”. Ðiều mà ông đại sứ Mỹ vừa tuyên bố với bà con người Việt tại Mỹ là: Mỹ và Việt Nam là hai nước bạn bè, cùng có mục tiêu chung. Thời gian đã đưa ông Nguyễn Cao Kỳ ngồi chén chú chén anh với ông cựu Ủy viên Bộ chính trị kiêm chủ tịch mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt, đã đưa ông Kỳ đến sân quần vợt để đánh với ông Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh. Ông Ân với TMH tôi là cái gì so với các ông mãnh kia? Vốn tôi không hề trêu chọc gì ông, bỗng dưng ông lại lên talawas bịa chuyện bôi tro trát trấu vào mặt tôi như thế mà đặng đừng được ư? Hay là ông Ân và tôi, ta chào năm 2005 rồi từ biệt nó, cùng nhau đi tìm “thời gian đã mất” là Đại hội nhà văn lần thứ IV năm 1989, không thèm dự Đại hội nhà văn năm 2005 vào ba ngày sắp tới nữa nhé; để hai ta cùng học Trần Tử Ngang mà ca rằng: “Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Ðộc thương nhiên nhi lệ hạ”; đặng hưởng tí sái thời muôn năm nền văn học cởi trói, cùng ngẩn tò te mà thương xót cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và anh Trần Ðộ đã mang theo tự do làm của ăn đường ở thế giới bên kia.,.
Sài Gòn, 20/4/2005
Trần Mạnh Hảo
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...