Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Ân tình Văn Lê

Ân tình Văn Lê

Ngày 24.10.2020, tròn 49 ngày nhà thơ Văn Lê về cõi bồng lai. Xin gửi bài viết nhỏ tưởng nhớ anh, một Con Người viết hoa!
Đầu năm 2005, tôi chính thức chuyển về nhiệm sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bấy giờ, cơ quan đứng chân ở số 1 Kỳ Đồng, quận 3, ngay góc mũi tàu giao kết với đường Trần Quốc Thảo, chạy ra cầu Lê Văn Sĩ. Ba cơ quan đại diện phía Nam của Tổng cục Chính trị, tính từ trái qua phải là Nhà xuất Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đi chung một cổng rộng, hai trụ gạch to đùng, cánh cửa sắt dày cui, nặng nề. Kế bên phải cổng có cây bồ đề to cỡ bắp chân, lá xanh mượt, rễ quấn quýt ôm choàng lấy trụ bê tông, nom rất mát mắt. Ngay gốc cây là “hang ổ” của một cặp vợ chồng nghèo lấy đó làm chỗ tập kết bán báo. Bữa nào thấy ế ẩm, anh em lại ra mua dăm ba tờ ủng hộ. Nghe nói họ cũng đắp đổi qua ngày được.
Bấy giờ, mỗi cơ quan ở khu Kỳ Đồng chỉ biên chế nhõn hai sĩ quan, riêng bên xuất bản do đặc thù công việc, được tuyển thêm hai nhân viên hợp đồng. Thế đất chỗ này cao vượt hẳn lên so với mặt đường tới gần cả thước, mặt sau là dãy nhà hai tầng của đại diện báo QĐND. Cả bốn cơ quan chung một hội trường, nhưng chủ yếu để cánh nhựt trình sử dụng, còn bên này chả mấy khi ngó đến. Phía sân Kỳ Đồng không chỉ chơi được bóng bàn mà còn cả nơi uống trà ngay dưới tàng cây dầu cao vút, thêm hai chậu mai vàng. Nhìn chung là có view đẹp. Khuya về, khoảnh sân rộng được cho bên hotel mướn gởi xe máy, bảnh mắt thì họ lấy sớm. Chúng tôi vẫn đùa gọi nơi này là “quân khu Kỳ Đồng”.
Vừa chân ướt chân ráo vào thành phố, tôi chỉ một thân một mình và nghỉ luôn trong cơ quan. Bấy giờ, Nhà xuất bản QĐND và Tạp chí VNQĐ, mỗi cơ quan có thêm một phòng nhỏ trên lầu. Cuộc sống của tôi những ngày đầu ở đây trôi đi khá là buồn tẻ, xe máy còn chờ gửi máy bay quân sự vào, muốn đi đâu cũng ngại vì thú thật là chưa rành đường sá. Suốt ngày cặm cụi làm sách, trưa tối thì ra ngõ trệu trạo một suất cơm bụi cho xong. Bữa nào siêng thì đi xa hơn một chút, qua phía đường Lý Chính Thắng, đối diện với T78 mua cơm canh khá hơn.
Một buổi sáng, như thường lệ, tôi dậy sớm tập thể dục xong, đang hí húi lau dọn bộ bàn ghế đá, thì có tiếng gọi cổng. Tôi bước ra, ngó qua song cửa thấy nụ cười thật hiền của một người đàn ông nom rất cũ, cưỡi chiếc Cub cối 81. Chân xỏ dép, bộ đồ màu cháo lòng, áo thả ngoài có hai bâu lớn, bên hông đeo chéo một chiếc túi vải. Nom bộ dạng người chả khác gì một ông cán bộ huyện ở ngoài Bắc thời bao cấp, chỉ thiếu cái đài bán dẫn National khoác vai…
Tôi rán sức kéo cánh cổng và chưa nhận ra khách là ai. Còn đương ngỡ ngàng thì anh đã xởi lởi mở lời trước.
– Tớ là Văn Lê, nghe tin chú vừa được “thần chết” tha mạng, nay về gia nhập “quân khu Kỳ Đồng” nên ghé lại thăm.
– Ôi, anh! – Tôi sững người vì cảm động.
Hẳn anh đã đọc bài ký “Chuyến tàu định mệnh” của tôi viết về tàu E1 bị đổ ở bên ngoài ga Lăng Cô trên tờ Văn nghệ Trẻ? Lập tức trong đầu tôi nẩy lên những câu thơ của Văn Lê từ vài chục năm trước. Rõ là “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình/ Mặt chưa thấy mặt mà tình đã thương”. Như một phản xạ tự nhiên, tôi liền đọc mấy câu trong hai bài thơ khác nhau của anh.
– “Mưa choang choang như búa gõ trên đầu”. “Tiếng gọi của mẹ già với sặc sụa cơn ho/ Tiếng gọi của em thơ nghe buồn như khóc”.
– Cám ơn chú đã yêu và nhớ những câu thơ ấy.
– Em rất xin lỗi, đọc thơ bác từ thủa nào, giờ mới được diện kiến!
Văn Lê ôm choàng lấy tôi như thể vừa tìm được người tri âm, tri kỷ. Anh cười, nụ cười giãn nở thật ấm áp. Biết tôi từng đóng quân ở Ninh Bình và có một phần tư thế kỷ gắn bó với xứ thùy dương cát trắng Nha Trang, anh nắm chặt tay lắc lắc. Mãi sau tôi mới biết là anh có cậu con trai đang làm ở Khatoco Khánh Hòa.
Tôi mời anh vào ngồi ở ghế đá, rồi pha ấm trà, hai anh em ngồi đối ẩm say sưa. Ân cần thăm hỏi chuyện gia cảnh rồi chuyện văn chương, thế sự, Văn Lê vẫn một tông giọng cởi mở, chân tình và rất hóm. Dường như tôi đã mê, đã quý mến và tin cậy con người anh ngay buổi sơ giao đó.
Và cũng từ bấy trở đi, cách vài hôm, Văn Lê lại ghé “quân khu Kỳ Đồng” một lần. Bao giờ anh cũng bọc theo hai gói xôi cút hoặc xôi đậu phộng, đến ngồi ở bàn, mới giở ra điểm tâm. Anh khẽ bảo tôi, chú ăn đi cho nóng. Xôi của bà già này bán hơi bị… ngon, tớ chén đến ghiền. Hai anh em vừa nhẩn nha thưởng thức từng hạt nếp dẻo thơm, vừa rỉ rả trò chuyện, mới hay anh là người của Hãng phim Giải phóng bên đường Lý Chính Thắng, chỉ cách nơi chúng tôi ngồi chừng 500 – 600 mét. Nếu người khác ở vào địa vị của Văn Lê, ắt họ sẽ nổ vang trời, nào ta là “đạo diễn” cỡ này, rồi “nghệ sĩ” tầm kia, v.v… Ngần ấy năm thân thiết, tôi chưa hề nghe Văn Lê nói gì về những việc anh đã làm cả. Anh cứ rủ rỉ, cứ lặng thinh, khiến cho người mới tiếp xúc dễ tưởng nhầm đó là một viên chức “làm công, ăn lương” vậy thôi. Nhưng tôi biết dưới lớp tro bàng bạc ấy đương ủ cả một lò than củi gộc đượm hồng, sẵn sàng bùng cháy với bao nỗi khát khao cần được giãi bày lên trang giấy.
Giữa năm 2006, Văn Lê có trường ca “Câu chuyện của người lính binh nhì” in ở Nhà xuất bản QĐND. Đất nước với anh là những làng quê hiền hòa, bình dị, gắn bó máu thịt với người ra trận. Anh khắc họa những khoảnh khắc của đất và người mới thật đậm đà, dân dã và không lẫn với ai. Từ “Ký ức đồng chiêm” sống động, đến “Tâm tình người lính” rồi biên độ được mở ra “Đồng chiêm ở phương Nam”, đến những trở trăn “Đêm trắng”… Văn xuôi, đã có khá nhiều cuốn tiểu thuyết mô tả nỗi đau, nỗi oan khuất của thời cải cách ruộng đất, nhưng với thơ, dường như tôi chỉ mới đọc thấy ở Văn Lê. Anh viết: “Rồi một hôm “Đội cải cách” về làng/ Người kháng chiến bị còng chân, bịt mắt/ Đồng chiêm run vì sẻ nghé tan đàn…/ Mẹ anh cắn môi nhìn cha anh bị trói/ Cặp mắt đen bỗng bạc phếch thất thần”. Vâng, nhà thơ đích thực đã không hề né tránh.
Phải nói thêm rằng vào thời điểm ấy, hầu hết các nhà xuất bản đều quay lưng với thơ, nên các “thi nhân” đều phải mua giấy phép rồi tự bỏ tiền lo in. Ngược lại, thơ của Văn Lê vẫn luôn được chào đón, đơn giản vì hay. Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền quê ở Ninh Bình, người được tôi giới thiệu và tiến cử về Phòng văn nghệ đã xử lý biên tập cuốn này. Từ đó, Hiền quý mến và rất đỗi kính trọng chú Văn Lê.
Bấy giờ cơ quan tôi chuyển về số 8 Nguyễn Bình Khiêm (quận 1) và được nâng lên thành Chi nhánh TP. HCM. Ngoài công việc làm sách, tôi còn gánh thêm mảng bài vở của Tạp chí Văn hóa Quân sự vừa mới trình làng, nên khá bận bịu. Địa điểm tuy có xa hơn chỗ cũ, nhưng Văn Lê vẫn dành thời gian ghé thăm các cơ quan văn nghệ, báo chí quân đội. Anh đã ngồi chỗ nào thì ở đó, anh em thường không dứt ra được, họ sẵn sàng bỏ luôn công việc để trà lá, tiếp chuyện. Khi cuốn trường ca vừa từ Hà Nội chuyển vào, anh cầm sách đến tìm tôi với lời đề tặng trân trọng “Thân yêu tặng Minh Ngọc tiên sinh” (31-5-2006). Cứ thế, khối tác phẩm của Văn Lê cứ ngày một thêm đầy đặn và rộng mãi ra.
Tháng 5-2008, tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt” của Văn Lê do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành, tôi là một trong số những người đầu tiên được anh gửi tặng sách. Đọc ngấu nghiến hai buổi xong 564 trang in, tôi liền phi lên đường Văn Chung (quận Tân Bình) tới nhà riêng gặp anh, để nói những cảm nhận của mình về cuốn sách. Hai anh em ngồi trên hè, ngay trước cửa nhà, mải chuyện tận trưa. Đầu năm sau thì cuốn sách được trao giải B (không có giải A) giải thưởng VH-NT (2004-2009) của Bộ Quốc phòng. Không chỉ được tái bản nhiều lần, tác phẩm này còn đoạt giải Nhất về VHNT Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất (2006-2011). Tính đến ngày giã biệt cõi trần, Văn Lê đã có 14 cuốn tiểu thuyết, 4 tập thơ, 2 trường ca, 7 tập truyện và ký; trong đó tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” sau nhiều lần in trong nước, nó được dịch và giới thiệu rộng rãi tại Hàn Quốc. Ấy là chưa kể một số bản thảo còn ủ tại các nhà xuất bản. Vẫn biết sức khỏe của anh không được tốt, nước da ải ải, nhiều lần phải nhập viện. Nên tôi cứ tự hỏi, không biết Văn Lê viết vào lúc nào nữa. Thật kính nể sức lao động sáng tạo của anh.
Trong các tác phẩm văn học, cũng như điện ảnh của Văn Lê, dễ nhận thấy đậm đặc chất văn hóa. Là người đa tài, kiến văn rộng, thế nên, nếu gọi Văn Lê là nhà thơ, nhà văn; đạo diễn, biên kịch hay nhà văn hóa đều chuẩn, không có gì phải bàn cãi. Gia tài tác phẩm của anh quả đồ sộ và tầm cỡ!
Không chỉ là một nhà tiểu thuyết gạo cội viết về chiến tranh, thơ của Văn Lê cũng tạo được dấu ấn sâu đậm. Cách cảm và cách nghĩ của anh vượt lên những lối mòn, khiến bạn đọc một khi đã cầm sách trên tay thì khó lòng hờ hững. Năm 2013, tôi may mắn được tiếp cận bản thảo tập thơ “Vé trở về” của anh. Vẫn thủy chung với nguồn mạch “đất nước và người lính” nhưng bằng cảm hứng dồi dào, sâu thẳm, Văn Lê lẩy ra được những nét thật độc đáo, có sức lay động. 5 bài thơ dài trong tập, gồm “Vé trở về”, “Những người làm chủ Biển Đông”, “Quê hương người lính”, “Bài ca người nhập cư” và “Gởi một nhà thơ Nam Dương”. Thật khó quên được những câu này: “Những năm chiến tranh đất nước gieo neo/ Giấy báo tử về làng như lá rụng/ Khủng khiếp nhất là phải làm người sống/ Sáng mở mắt ra đã nơm nớp trong lòng…”. Hay là “Người Lạc Việt cày trên đồng ruộng Lạc/ Dân Lạc trồng dâu khắp bờ bãi sông Dâu…/ Lụa Lạc Việt làm nên trang phục Việt/ Gái trai búi tóc trên đầu”. Nhưng liền đó là nỗi buồn đau thậm tê tái “Làng quê u u mê mê/ Người ta như ăn cháo lú/ Họ lao ra bến sông bãi chợ/ Chợ quê tràn ngập đồ Tầu/ chẳng thiếu thứ gì, ngoại trừ đồ thật!”.
Với những câu thơ như thế, thì công việc của người biên tập quá ư nhàn hạ, bởi điều quan trọng là phải giữ cho được ý tưởng của tác giả, chứ không cần thò bút vào bất kỳ chỗ nào cả. Biên tập xong, tôi trao đổi với họa sĩ Võ Anh Thơ, nói rõ ý tưởng thiết kế bìa sách. Một tập thơ hay khiến tôi cứ nắc nỏm xuýt xoa. Và cuối năm ấy, theo thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam gửi các nhà xuất bản, đề nghị phát hiện và tiến cử tác phẩm dự giải thưởng hằng năm, tôi thảo công văn của Chi nhánh Nxb QĐND gửi Ban chấp hành Hội đề nghị xét tặng giải thưởng năm cho “Vé trở về”. Văn bản ấy, tôi in thêm một bản gửi anh Văn Lê giữ làm kỷ niệm.
Với điện ảnh, những năm tháng công tác ở Hãng phim Giải phóng, Văn Lê là đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu xuất sắc. Anh kể cho tôi nghe bao tâm huyết khi làm phim tài liệu, đặc biệt là phim về đêm trước đổi mới, về các nhân vật mà anh quý trọng. Theo nhà thơ Trần Mạnh Hảo bật mí, thì nhà văn – nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận xét: “Văn Lê làm phim tài liệu hay lắm, không thua gì Trần Văn Thủy”. Trung tuần tháng 9-2010, một hôm Văn Lê nhắn tôi chạy lên số 212 Lý Chính Thắng xem buổi trình chiếu ra mắt bộ phim truyện “Long Thành cầm giả ca” do anh biên kịch. Biết anh vừa đoạt giải Nhất cuộc thi viết kịch bản kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do Cục điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức, nên tôi vừa tò mò lại vừa rất háo hức. Đã rất lâu không đến rạp, phim cuốn hút tôi từ đầu chí cuối. Về cơ quan, tôi cặm cụi ngồi lia một mạch xong bài “Long Thành cầm giả ca, một bộ phim đánh thức hồn Việt”, báo Văn Nghệ in trong số đặc biệt chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Từ chút cơ duyên nho nhỏ ấy, anh Văn Lê bắt đầu chắp nối. Mùa hè năm 2011, bất ngờ một hôm tôi nhận được cú phôn của anh, rằng chú lên gặp Giám đốc Hãng phim Giải phóng gấp. Thấy tôi, anh Thái Hòa mời vào phòng làm việc. Chả biết anh Văn Lê đã nói những gì, song quan sát thái độ trọng thị của Giám đốc Hãng phim, tôi thấy trong ánh mắt sự tin tưởng và hy vọng. Sau hơn một giờ đồng hồ trò chuyện, anh Thái Hòa xiết chặt tay tôi và nói chắc nịch:
– Đề nghị anh Ngọc hãy gác bộ tiểu thuyết về không quân ấy lại. Cơm chưa ăn, gạo còn đó.
– Vâng, để làm gì ạ?
– Hãng vừa có một dự án lớn, ông viết cho tôi mấy chục tập kịch bản phim về không quân, chuẩn bị kỷ niệm 40 năm “Hà Nội – Điên Biên phủ trên không” nhé.
– Thú thực là tôi chưa một lần thử sức…?
– Không sao cả! Với vốn sống ngồn ngộn như vậy, lại am tường cả kho chuyện về một binh chủng hiện đại, anh Ngọc thừa sức làm việc này. Thế nhé, ông về soạn đề cương rồi mang tới đây, ta bàn thảo hợp đồng luôn.
Nhận lời anh Thái Hòa, tôi trở về với bao nỗi trằn trọc suy tư. Cứ hình dung như mình sắp phải leo một dãy núi lớn mà chưa hiểu đường ngang lối tắt thế nào, kể cũng hơi bị… liều và hốt thật. Về sau, tôi mới biết cùng thời điểm ấy, có không ít các “anh tài” đua chen mần kịch bản phim về đề tài không quân 12 ngày đêm tháng Chạp 1972, nhưng rồi đổ chổng kềnh hết lượt.
Trước đây, tôi có đọc một vài kịch bản phim của nhà văn Nguyễn Khắc Phục tặng, rồi nghiền ngẫm kịch bản phim “Thằng mười một” của Dai Sijie do Hoàng Hưng chuyển ngữ, song vẫn chưa hình dung ra cách thức khai triển thế nào. Băn khoăn, tôi chạy lên nhà Văn Lê nêu thắc mắc. Anh ân cần bảo:
– Kịch bản phim vừa là nghệ thuật, lại vừa là kỹ thuật.
– Khó nhỉ?
– Thì dễ xơi chả tới lượt mình, chú ạ. Nghĩa là phải viết sao cho thật hay, thật gan ruột, nhưng lại phải đảm bảo quay được.
– Vậy tóm lại, kịch bản phim là gì?
Ngẫm ngợi một lát, Văn Lê từ tốn.
– Nói một cách vắn gọn, kịch bản điện ảnh là câu chuyện bằng hình ảnh.
– Cảm ơn anh. Vậy thì em rõ rồi.
Đấy, chuyện tôi học lóm nghề biên kịch ở Văn Lê là vậy. Từ câu nói rất gợi của anh, tôi về nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ cả tuần, rồi chồm dậy một khi đã hình dung ra đầu cuối, cũng như đường hướng và mạch truyện. Sau khi đề cương phim được thông qua, Văn Lê chủ động bàn với tôi về tên phim. Thú thực là tới lúc đó, tôi vẫn chưa được đọc tiểu thuyết “Cao hơn bầu trời” của anh nên không để ý. Bất ngờ nghe tôi đề xuất tên phim trùng với tên sách của anh, với tư cách là một đạo diễn và biên tập, Văn Lê điềm đạm.
– Phim trường thiên với hàng trăm nhân vật, là câu chuyện bi tráng về bộ đội PK – KQ, để thắng được “Siêu pháo đài bay” B52, thì tên phim phải vậy mới có ý nghĩa, dùng tên khác, hỏng liền.
Thấy tôi cảm động, anh hỏi dấn thêm:
– Cả quân chủng đánh đấm, vậy ý tưởng của chú thế nào?
– Đánh B52 chủ yếu là bộ đội tên lửa, nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt phim là không quân, ngoài ra, phải có các binh chủng radar, cao xạ…
– Đúng, phi công chiến đấu luôn hấp dẫn! Chú cứ cái trục đó mà vần, rồi xâu chuỗi chúng lại, vậy là ổn.
Được lời như cởi tấm lòng, song tôi vẫn còn có chút e dè.
– Vậy, anh cho phép được lấy tên phim “CAO HƠN BẦU TRỜI” nhé?
– Tớ đồng ý cả hai tay và ủng hộ chú tuyệt đối.
Ân tình của Văn Lê sâu đậm là vậy. Tấm lòng của anh với bè bạn luôn rộng mở, bao dung. Có anh làm điểm tựa tinh thần vững chãi, nên khi viết, tôi chẳng phải bận tâm nhìn lên, ngó xuống hay liếc ngang, liếc dọc gì cả, mà chỉ lo dồn sức suy nghĩ cấu tứ nhân vật cho ra hình hài, góc cạnh, có tính cách và ngôn ngữ riêng. Và không phụ niềm tin của anh, sau 11 tháng, tôi đã hoàn thành 2.500 trang kịch bản cho 50 tập phim. Đáng lý ra tác giả phải hoàn thành kịch bản, nghiệm thu rồi mới đưa vào sản xuất, nhưng Hãng phim phá lệ, yêu cầu cứ viết xong chùm 5 tập thì gửi, để triển khai tổ chức sản xuất cho kịp tiến độ. Điều đó, chứng tỏ Giám đốc Thái Hòa và Hãng phim Giải phóng đặt trọn niềm tin vào tác giả kịch bản. Không còn đường lùi, tôi cứ phải cày cho bằng xong, dù vừa dính tai nạn giao thông đang phải chân bó que!
Ngày 7-11-2012, khi vừa xong 25 tập thì phim được bấm máy tại sân bay Kép (Bắc Giang); bối cảnh hầu hết diễn ra trên đất Bắc, từ Hà Nội, đến Nam Định, Vĩnh Phúc… chỉ một ít phân cảnh ở trong Nam. Trải rất nhiều chuyện lình xình vì thời điểm Hãng phim GP chuyển giao lãnh đạo, đúng 5 năm, chiều 7-11-2017, phim chính thức lên sóng VTV9. Và đến nay, hơn chục lần bộ phim được phát trọn vẹn 50 tập trên nhiều kênh truyền hình. Ôn lại chuyện cũ, Văn Lê cười bảo, cổ nhân có câu: “Khôn ngoan trong ý lượng ra”, anh tin là chú sẽ làm tốt. Nghề biên kịch không thể cầm tay chỉ việc. Chúc mừng chú.
Nội ngần ấy thôi, với tôi, Văn Lê không chỉ là một bậc đàn anh thân thiết, mà hơn thế, là một người thầy khả kính! Tôi với anh thường hay đàm đạo, bởi hai anh em có nhiều điểm tương đồng. Những lúc mỏi mệt, căng thẳng tôi lại chạy lên tìm anh Văn Lê. Nghe anh kể chuyện tiếu lâm với giọng điệu lắm lúc rất chi “ngoa ngoắt” đậm mầu dân gian, đại loại như “Cha tiên sư bố anh! Em sướng quá!” khiến tôi cười ngất, vậy là xả được xì-tret. Thế nên, chừng một vài tuần không thấy mặt nhau là anh chủ động gọi điện hỏi han…
Cuộc đời quả lắm khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chiều muộn ngày 6-9-2020, tôi vừa khép lại những dòng cuối, khắc họa chân dung một vị tướng trận quê ở Ninh Bình đã khuất núi. Bụng nhủ thầm sẽ chạy lên để sẻ chia sự đồng cảm với bác Văn Lê. Nhưng hỡi ôi…
Sáng sớm hôm sau (7-9) tôi dậy trễ. Vừa mở máy thì nhận được mẩu tin thảng thốt từ nhà văn trẻ Võ Thu Hương. Chưa dám tin, tôi liền gọi cho Phan Hoàng và kêu trời. Tôi nhắn hẹn Thu Hương, hai chú cháu cùng chạy lên đường Văn Chung. Đến nơi, tôi bị choáng. Ngay giữa phòng khách, chỗ cái bàn nước, nơi anh Văn Lê và tôi vẫn thường ngồi trò chuyện, giờ đặt linh cữu anh. Bên những vành khăn trắng, rợp kín hoa và hoa. Ngắm nét cười thánh thiện của anh qua di ảnh, tôi nghẹn ngào sụp xuống và không nén nổi, bật khóc thành tiếng. Trời cao đất dày ơi! Thế là từ nay, vĩnh viễn mất anh rồi, anh Văn Lê yêu quý!
Sáng sớm ngày 9-9-2020, cùng một số bạn văn đưa tiễn anh ra tận Bình Hưng Hòa, tôi bàng hoàng nghĩ về kiếp người, sao quá đỗi mong manh. Chợt nhớ những câu thơ của Yevtushenko, nhà thơ Nga danh tiếng kiêm đạo diễn điện ảnh. “Một con người mất đi, một thế giới mất đi/ Một thế giới mất đi, không thể gì tái tạo/ Tôi muốn kêu lên, kêu to điều ấy/ Trước đời người lần lượt tựa thoi đưa”.
Tiếc thương vĩnh biệt Anh, người hiền Văn Lê! Tôi chỉ muốn nói rằng, hơn tất cả mọi điều, trong tim tôi, anh luôn hiện hữu. Kính trọng nhân cách của anh, tôi càng tâm đắc: “Núi biết mình cao nên núi luôn im lặng/ Sông hiểu mình sâu nên sông cứ êm đềm…”. Hai câu thơ ấy trong trường ca “Câu chuyện của người lính binh nhì” đem vận vào cuộc đời Văn Lê thật hay và chuẩn.
Với những cống hiến xuất sắc nhiều mặt, tôi cứ nghĩ nếu như ngành văn hóa có ngạch bậc phẩm hàm thì Văn Lê tài hoa đích thực là một vị tướng không chút hổ danh!.
Tp. HCM, 28/9/2020
Nguyễn Minh Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...