Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Cánh đồng tuổi thơ

Cánh đồng tuổi thơ

Từ nơi đê biển xa tít mù tắp, Hải Đăng được bố mẹ bồng lên một con tàu để đi vào phương Nam. Nhưng không phải con tàu đánh cá cậu thường thấy ngoài khơi, mà là con tàu có bánh xe bằng sắt có thể đi xuyên qua hang đá, chui vào lòng đất và phóng vùn vụt qua những cánh rừng hoang vu…
Đó là tất cả những gì Hải Đăng nhớ được vào tuổi lên bốn. Cậu bị vứt như con chó con trong khoang tàu, nhồi nhét giữa khoai sắn, cuốc xẻng, đồ dùng và hàng chục đứa trẻ khác. Giữa cái nóng hầm hập của con tàu chạy bằng than của mùa hè năm ấy, cậu bé nhận thấy vẻ khác lạ trên gương mặt, ánh mắt của cha mẹ, anh chị mình. Tất cả đều có vẻ mong chờ, háo hức lạ thường. Ai cũng mong ngóng nhìn về phía trước…Nơi ấy, bố bảo đó là một vùng kinh tế mới.
Ở Sông Ray được hai năm, khi Hải Đăng học chữ đủ để vẽ nguệch ngoạc tên mình lên chiếc lá thầu dầu thì gia đình bé Đào từ Bình Phước sang. Trước đó, gia đình cậu cũng ở Bình Phước, được cấp đất để làm rẫy, nhưng nghe vùng Nông trường Sông Ray thuận hơn cho việc trồng lúa nước, bố mẹ Hải Đăng đã đi tìm hiểu rồi quyết định khăn gói về đây. Họ là những người đầu tiên tiếp nhận những mảnh đất rừng găm đầy bom đạn để cuốc xới, gieo trồng, lần lần bạn bè, anh em họ mạc mới tìm đến, hình thành một cái xóm nhỏ của những người đồng hương xứ Bắc tại đây. Hải Đăng nghe bố và các anh kể những ngày đầu đến đây, mọi người ngủ nhờ trong lán trại của các chú bộ đội, vay từng ống gạo nấu cơm và được các chú dẫn đi tìm nơi đào giếng, chặt cây làm nhà. Mùa mưa đầu tiên, nhà đổ, nước suối dâng lên cuốn đi cả cột, cả mái, mọi người lại phải tìm nơi tốt hơn để dựng lại nhà. Khi cái nhà đã chắc chắn, cánh đồng đã được khai quang, Hải Đăng mới được mẹ dắt về Sông Ray.
Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai
Tối đầu tiên cả nhà đoàn tụ ở Sông Ray, bác Quang tới nhà chơi. Bác Quang đang là quản đốc nông trường 2 trong số 4 nông trường thời đó. Bố nói bác Quang là trung uý, thời ấy quân hàm trung uý có uy danh ghê gớm lắm, nhưng nhìn bác hiền khô, vóc dáng quần áo gầy guộc sơ sài không khác gì bố, chân lại đi khập khiễng vì bị tật. Đó là do một mảnh đạn găm vào, khiến cho một sĩ quan công binh phải chuyển sang dân sự… Nghe những lời giải thích của bố và bác Quang, tai Hải Đăng lùng nhùng không sao hiểu được; nhưng cậu rất quý bác Quang vì bác chào hỏi mẹ cậu cẩn thận, rồi nói với cậu:
– Ngày mai con vào doanh trại của các chú bộ đội để học nhé. Trường học của nông trường chưa xây xong, nhưng nói như bố con thì không thể để lũ trẻ thất học một ngày nào cả. Mai bác sẽ nói các chú lo cặp sách, vở học cho con…
Hải Đăng hơi ngớ ra, nhưng hôm sau cậu sướng mê tơi vì thấy tất cả đều trở thành hiện thực, tuy cái cặp hơi cũ, nhưng vở mới, bút mới, có cả một cục tẩy trắng phau. Bác Quang đạp cái xe đạp độc nhất của nông trường đến chở cậu đi học, đến trưa lại chở về trả cho bố mẹ. Bác Quang lại rất thích nói chuyện với ông Thanh – bố Hải Đăng, hai người có thể nói hết cả ngày về chuyện đất đai, giống má, tưới tiêu…Thế là từ đó, ban ngày cậu được vào học ở chỗ các chú bộ đội, buổi chiều ra đồng giúp bố mẹ, tối lại được nghe bố, bác Quang và mọi người trò chuyện, hoạch định chuyện khai hoang, mở rộng cánh đồng…
Khi gia đình ông Hưng, bố của bé Đào đến tìm và tá túc tại nhà của Hải Đăng, cô bé mới tròn hai tuổi, được mẹ đặt ngồi gọn trong một bên quang gánh, bên kia là quần áo cũ và bọc lúa giống mang theo. Cô bé mới vừa biết đi và biết nói, người mũm mĩm trông rất đáng yêu, nhất là mái tóc xoăn tự nhiên và đôi mắt to có hàng lông mi cong vút. Cả nhà ông Hưng có 6 người, nhà của cậu thì có 8, lại rất giống nhau ở chỗ lộc ngộc toàn con trai. Hải Đăng chỉ có một chị gái, năm ấy chuẩn bị đi lấy chồng, còn bé Đào có 3 thằng anh rất chi là háu ăn và nghịch ngợm. Hải Đăng cũng không kém, cứ bị hàng xóm gọi là “ông thần đèn” vì quá nghịch và quá đen. Nhưng lạ làm sao, từ khi có bé Đào trong nhà, cậu trở nên chững chạc hẳn lên, không còn chơi trò phá ổ chó, bám ti mẹ hay chọc ngoáy linh tinh nữa. Bé Đào cũng xoắn ngay lấy Hải Đăng, suốt ngày thơ thẩn theo cậu đi chơi, thậm chí lẽo đẽo theo cậu vào tận xưởng mộc của các chú bộ đội học chữ nữa.
Cả chục gia đình lúc ấy chỉ có mỗi cái xe cải tiến, nói đúng hơn là xe của ông Thanh, bố Hải Đăng tậu được sau những chuyến đóng thuyền đánh cá giúp các chú bộ đội.  Hồi còn ở quê, ông Thanh đã có nghề đóng thuyền, đi biển, nhưng đến đây, ông chỉ giúp đóng thuyền để các chú bộ đội tổ chức đánh bắt cá trên hồ Sông Ray. Chiếc xe cải tiến trở thành tài sản chung của cả xóm, nhà ai có việc nặng nhọc như đào giếng, xây nhà, đắp sân là chiếc xe được trưng dụng ngay. Ngoài ra, hàng xóm mỗi người một chân một tay giúp cho xong việc. Mỗi khi có dịp, Hải Đăng bế ngay bé Đào nhảy tót vào xe cải tiến để người lớn kéo chạy vòng vòng trên cánh đồng. Hai anh em cười khanh khách cực kỳ vui. Thấy bé Đào tròn trịa, xinh xẻo, nhiều người muốn ẵm bồng nhưng cô bé chỉ thích Hải Đăng – ông thần đèn gầy nhom như con mèo – chơi cùng.
Gần hai năm sau, ông Hưng gầy dựng được một căn nhà nhỏ và đưa cả gia đình ra đó. Thế là Hải Đăng không được ngủ chung với bé Đào nữa, hàng ngày cũng không được dắt tay cô bé lẽo đẽo theo bố mẹ, anh chị ra đồng. Cậu bé đã học lớp ba, người vẫn còn đen nhẻm, gầy như que củi. Sáng sớm, tuy không ai sai khiến nhưng cậu vẫn tình nguyện dậy sớm, lăng xăng vác cuốc giúp bố và các anh ra đồng. Có hôm cậu còn giành xách ấm nước trà xanh cho mẹ, mục đích chỉ để đón bé Đào theo bố mẹ đi làm đồng, mọi người thường gặp nhau ở khoảnh đất đầu xóm.
Hôm ấy, Hải Đăng đang nhăn nhở hỏi mẹ khoai lang ăn sáng thì ông Hưng cõng bé Đào đi tới. Trông ông lực lưỡng như một con gấu, bé Đào mặc cái váy len màu đỏ, trông như một bông hoa ngồi vắt vẻo trên vai bố. Cái váy này do mẹ bé Đào nhặt nhạnh từ các loại áo len sợi cũ để đan lại cho con gái, cô bé mặc suốt cái tết ấy, qua tận đầu mùa hè mà vẫn không chịu thay ra. Nhìn thấy Hải Đăng, cô bé gọi lanh lảnh: “Anh cu Đăng, anh cu Đăng, chờ em với!” Rồi ngả người xuống đòi xuống đất. Hải Đăng giúi ngay vào tay bé Đào củ khoai lang to nhất, mới được mẹ chia phần…
Trong lúc các ông bố bà mẹ đang cuốc đất cật lực ở cánh đồng, Hải Đăng và bé Đào chui vào túp lều bằng rơm ở dưới một gốc cây lớn để chơi. Thỉnh thoảng, cô bé chạy tung tăng ra chỗ bố mẹ và các anh, bày trò gì đó rồi toe toét cười, chạy về tìm Hải Đăng. Cậu thì phải học, nhưng thực ra chẳng lo gì sất, cứ thỉnh thoảng bắt dế, bắt chuồn chuồn vào lều chơi, rồi chạy theo bé Đào, trông chừng cô bé như đã hứa với ông Hưng.
Bé Đào cầm trong tay một chùm củ lạc (đậu phộng) chạy băng băng về túp lều rơm. Cô bé gọi toáng lên: “Anh cu Đăng, anh cu Đăng, ăn củ lạc với em! Ăn củ lạc với em!” Chiếc váy đỏ bằng len được mẹ đan bằng tay khiến khuôn mặt cô bé trở nên đỏ rực. Hải Đăng chạy ào vào trong lều, ôm chầm lấy bé Đào từ phía sau. Cả hai cười như nắc nẻ…
Bỗng “ầm” lên một tiếng.
Hải Đăng vẫn còn một tay ôm chặt bé Đào, một tay với chùm dây củ lạc. Nhưng tiếng cười như chim sâu của cô bé im bặt. Một dòng rất ấm loang ra ngực Hải Đăng.
Cậu bé cố ôm xiết cô bé thêm chút nữa. Nhưng bé Đào ngả người ra, chùm củ lạc trắng phau rơi xuống chân cậu. Không đỡ được bé Đào, Hải Đăng ngồi phịch xuống đất. Cậu thử giơ tay nựng má cô nhỏ, nhưng chợt bàng hoàng vì bàn tay mình đang ròng ròng máu, chiếc váy đỏ của bé Đào đã rách toang phần ngực.
Trong cơn sốt nóng hầm hập, Hải Đăng vẫn mơ màng nhìn thấy gấu váy màu đỏ và dây củ lạc của bé Đào thò ra từ vòng tay ông Hưng. Ông Hưng phủ phục thân hình to lớn như con gấu để ôm gọn lấy con, toàn thân ông rung lên vì tiếng khóc. Cậu quỵ gối xuống đất, nước mắt văng thẳng vào tay ông Hưng. Vừa khóc nức nở, Hải Đăng vừa níu lấy một bên cánh tay cứng như sắt của ông Hưng, hai bàn tay giơ ra sờ lên người bé Đào. Cậu cố xấn vào để sờ vào bàn tay, bàn chân bé xíu của cô bé, như thường ngày cậu vẫn bế, vẫn hôn và chơi đùa với em. Cơ thể cô bé vẫn còn ấm, nhưng chân tay mềm oặt. Ông Hưng ngửa mặt lên trời, hét to một tiếng, rồi giơ một cánh tay ra, ông ôm choàng lấy Hải Đăng, kéo cậu hẳn vào lòng. Bác Quang và các chú bộ đội xuất hiện ngay sau đó, họ dùng bạt quân dụng quấn quanh người bé Đào, đặt cô bé lên cáng rồi đưa đi.
– Ôi, con ơi! Sao lại bỏ bố mẹ hả Đào ơi!
– Bé Đào! Bé Đào!
Hải Đăng thét lên thất thanh, cậu vùng dậy, chạy ra ngoài trời đêm. Cậu vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy: Bố, mẹ, hai anh chạy ào qua mặt Hải Đăng; phía khoảng ruộng bên kia, ai nấy bỏ cuốc chạy theo. Chiếc xe cải tiến vứt chỏng chơ trên mặt đất, cả ấm nước, bọc khoai cũng bị vứt lăn lóc. Hải Đăng nghe thoáng có tiếng kêu: “Ối giời ơi! Làng nước ơi! Các ông các bà ơi! Nổ bom ở dưới suối rồi…” Tiếng kêu ời ời vang lên từ phía suối cạn cách đó khá xa, bị một rặng cây dày che khuất. Hải Đăng còn thấy khói đen, hay là một thứ gì đó giống như vậy cuộn lên. Cậu đứt hơi gọi một tiếng: “Mẹ!”, rồi lảo đảo gục xuống.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Có tiếng ai đó khàn khàn vang lên trên đầu cậu:
– Nhà bà Tài ở bên suối… chỉ còn hai đứa bé…
Rồi ai đó nói nhỏ, xen với tiếng thở dài đứt ruột:
– Nếu như anh cu Tài đừng có bày trò cưa bom lấy thuốc nổ đi bón cây… thì đâu nên nỗi ấy…
Chính trong lúc mọi người bàn nhau việc làm hậu sự cho gia đình bà Tài (bà mẹ anh Tài, vợ chồng anh Tài, đứa con trong bụng vợ anh Tài) và bé Đào, Hải Đăng đột nhiên dứt cơn sốt mê man, song cậu trở nên hoảng loạn. Cậu chạy ra ngoài cửa, lao vào bóng đêm mà không ai đuổi kịp. Chạy một thôi một hồi, ra đến đầu xóm thì cậu đâm sầm vào chiếc xe đạp của bác Quang (nhờ cái đèn pin gắn ở ghi đông xe mà cậu nhận ra bác)
– Ớ cái thằng này, giờ này còn chạy đi đâu hả?
Bác Quang quát lên, nhưng kịp túm tay Hải Đăng khi cậu định bỏ chạy. Ông kéo cậu ngồi lên chiếc xe đạp của mình:
– Lên đây bác chở…
Hải Đăng sợ hãi kêu lên:
– Không, con sợ lắm…
– Thôi nào, cứ lên đây, bác không chở vào nhà đâu…
Tối hôm ấy, Hải Đăng nằm bên cạnh bác Quang trên chiếc giường đơn của bác ở nông trường. Bác bảo cậu dỏng tai lên nghe tiếng ếch kêu, tiếng dế gáy, rồi tiếng tắc kè kêu trong hốc cột. Bác bảo chỉ cần nghe những âm thanh ấy một lúc là sẽ ngủ được, sẽ quên được những chuyện đau buồn trong ngày.
Nhưng cậu làm sao ngủ được. Trong đầu cậu chập chờn hình ảnh cột khói phía suối cạn cuồn cuộn lên, và cả cánh đồng vang lên tiếng kêu khóc, cùng với khuôn mặt đau khổ và dữ tợn của ông Hưng, bố bé Đào. Rúc đầu vào nách bác Quang, cậu nói khẽ:
– Con sợ lắm bác ạ!
– Đừng sợ. Đấy là tai nạn không ai muốn cả. Đến bác đây này, suýt nữa mất cả cái chân vì bom đạn cũng không sợ. Con là thanh niên thế hệ mới, con mà sợ thì mai mốt ai đi làm cho nông trường này?
– Con… con… Lớn lên con đi bộ đội bác ạ.
Bác Quang vỗ vỗ vào lưng cậu:
– Xem nào, đi bộ đội để làm gì? Bác nói thật, thời trước ai cũng phải đi bộ đội, giống như bố cháu và bác. Nhưng đến thời nay, mọi người phải làm kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo… chứ. Phải học nghề cật lực lên ấy chứ…
– Bác ơi, nhưng mà con… vẫn sợ lắm…
– Con sợ thì có giải quyết được việc gì đâu. Có phải con sợ bác Hưng không? Bác Hưng không bao giờ muốn như thế đâu con ạ, bác ấy cũng từng là một người lính mà con…
Đêm mơ màng trôi qua, dần dần lòng cậu bé cũng nguôi ngoai rồi chìm vào giấc ngủ. Nhưng đêm ấy, rồi nhiều đêm trong những tháng ngày Hải Đăng dần lớn lên, cậu vẫn mơ thấy mình dụi đầu vào mớ tóc xoăn nhẹ như tơ khét mùi nắng của bé Đào, thỉnh thoảng vẫn mơ hồ thấy mình vươn tay ra dỗ dành cô bé trong giấc ngủ.
Sáng hôm sau, Hải Đăng dụi mắt tỉnh dậy đã thấy nắng lên cao, bác Quang đã đi đâu mất, chiếc xe đạp không thấy trong phòng nữa. Cậu ngơ ngác chạy ra thì thấy sân của văn phòng nông trường vắng hoe, không có ai làm việc như mọi ngày. Hải Đăng hộc tốc chạy đến xưởng mộc, vì nghĩ rằng bố mình có thể đến đó làm việc với các chú bộ đội. Nhưng xưởng mộc cũng vắng hoe, cái khung gỗ mới dựng lên của một con thuyền vẫn nằm chỏng chơ ở đó. Cậu chạy về nhà thì thấy chị cả đang ngồi ôm bụng bầu, tay vét miếng cháy nồi xôi lạc trước cánh cửa sổ đầy nắng. Chị giúi vào tay cậu một nắm xôi còn nguyên lành, nóng hổi, thủng thẳng nói:
-Mọi người đưa đám ma ra nghĩa trang rồi. Vì bà bầu phải kiêng nên chị mới ở nhà đấy. Em chạy tắt qua cánh đồng chắc còn kịp.
Nhưng cánh đồng lúc ấy chỉ còn một đám lửa vừa tàn. Túp lều rơm Hải Đăng và bé Đào thường chui vào chơi trong lúc chờ bố mẹ làm đồng đã cháy rụi, tro tàn đang bay lên lơ lửng giữa không gian đầy nắng. Mẹ bé Đào đang ngồi ở một gốc cây gần đó, khóc sụt sùi và xếp những cái áo cũ của con gái ra mặt đất, chuẩn bị bỏ chúng vào lửa.
– Bác ơi!
Người mẹ tuổi không còn trẻ, mặt mày xanh xao, quần áo xộc xệch ngẩng lên nhìn Hải Đăng. Thường ngày bà hiền dịu lắm, nhưng lúc đó cái nhìn của bà làm cậu bé co rúm lại. Im lặng nhìn cậu bé hồi lâu, đột nhiên bà vừa nói vừa khóc to lên:
– Hải Đăng ơi! Cháu chạy đi. Đi mau xem người ta chôn bé Đào ở đâu? Người ta không cho bác đi theo. Bác chết mất thôi!
Hải Đăng co cẳng chạy đi, không dám ngoái lại nhìn bà mẹ đau khổ rũ rượi ấy. Người ta chôn bé Đào ở trong nghĩa trang của xưởng công binh, cô bé nằm giữa những ngôi mộ còn mới, của những chiến sĩ bộ đội vấp phải bom mìn hy sinh sau chiến tranh…
Nhưng rốt cuộc, bà mẹ đã không đốt mớ quần áo cũ của bé Đào. Sau đó không lâu, Hải Đăng nhìn thấy hai đứa bé mồ côi con của vợ chồng anh Tài mặc lại những bộ quần áo đó. Hai em bé song sinh được hàng xóm và các chú bộ đội nhận nuôi, sửa chữa lại nhà cửa, đưa đi học, lần hồi mà lớn lên ngay ở bờ suối tang thương còn nguyên dấu vết của hố bom năm ấy.
Nhiều năm sau, khi kỹ sư Hải Đăng bước vào tuổi bốn mươi, anh vô tình xem trên mạng bài dân ca Kalinka do hai vũ công nhí múa hát. Nhìn đôi má đỏ hây hây của cô gái nhỏ, đôi bàn tay bé xíu đan vào nhau và những quả dâu tây, phúc bồn tử bày trên cỏ, Hải Đăng thốt nhiên nhớ tới bé Đào mũm mĩm, xinh xẻo đang tập múa hát trong lều rơm cùng anh lúc nhỏ. Trái tim anh như bị một chiếc búa sắt đập mạnh vào, những vụn vỡ chất chứa bao năm rơi xuống mặt đất, nơi cỏ hoa đang mọc quanh nấm mộ bé xíu của cô bé. Anh nhớ lại cơn hoảng loạn khi phải chứng kiến cái chết của cô bé cũng như nỗi đau đớn dữ dội của vợ chồng ông Hưng lúc ấy. “Bác Quang ơi, con về tìm bác thì bác đã đi xa… Cũng nhờ ngày ấy bác khuyên dạy, giúp con lớn lên, trưởng thành như hôm nay. Con còn phải cố gắng rất nhiều, để hàn gắn phần nào những vết thương của tất cả chúng ta…”
2/6/2023
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Độc đáo Trần Hùng

Độc đáo Trần Hùng Nhà thơ Trần Hùng sinh ngày 4.12.1957, quê nội ở Hà Tây nay thuộc Hà Nội, nhưng ông sinh ra ở Yên Bái quê ngoại trong mộ...