Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Có mái tóc hoa râm lặn lội tìm giống người

Có mái tóc hoa râm
lặn lội tìm giống người

Có người nói: ông Lê Chí sống lặng lẽ, vẻ hơi buồn buồn nỗi buồn thế sự. Tôi muốn nói: Đất nước mình vẫn luôn có nỗi buồn thương trăm năm ngàn năm đấy thôi. Tôi biết là nhà thơ Lê Chí đang ờ ờ chan chứa… rồi ngâm ngợi, thì thầm…
Xong việc ở Thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Vũng Tàu, có khi là thành phố Phan Thiết, tôi thường đi luôn vào miền Tây Nam Bộ, để tiết kiệm thời gian, thì đi tiếp đến  Rạch Gía hay Hà Tiên, Cà Mau hoặc Bạc Liêu, có lần còn ra mấy hòn gần đảo Phú Quốc. Làm một thôi một hồi, mươi ngày hoặc vài tuần thế rồi theo xe đò quay lại từng chặng bất chợt… Bay về đến Hà Nội thốt nhiên tự hỏi mình mà như hỏi ai: Đi thế thì được gì nhỉ? Chịu, không thể trả lời cho rành rẽ được..
Đi là đi thế thôi. Có một sự vẫy gọi từ đâu đó, rất rõ mà cũng thật xa mờ, mông lung.
Lại cũng như một thói quen, như một phản xạ tự nhiên, đã vào đến đấy, không đi tiếp Tây Nam Bộ thì vào đây làm gì? Thế là đi thôi. Lại nhớ thơ Phạm Tiến Duật: Cứ đi cứ đi, đường nhiều cái lạ…
Lần ấy tôi được ngồi với nhà thơ Lê Chí. Sự ít lời của ông hóa ra lại rất hợp. Nước sông đang dâng từ từ, phía bên kia bờ cũng hưng hửng sáng lên dần theo ánh mặt trời, đỏ sông, vàng nhà và xanh trong trời tít tắp, rạng rỡ, cao cao. Xung quanh chúng tôi người ngồi uống cà phê sáng như tự nhiên cũng trầm lắng lại cả. Ở đây có nghi lễ đón bình minh vậy sao? Tôi định hỏi nhà thơ, thấy ông lặng lẽ đăm chiêu, nên cũng lắng mình lại. Lát sau, như đã dứt được khỏi cảnh này, giọng ông trầm chậm vừa đủ nghe: Nguyên An uống đi, ở đây vậy đó.
Cái chữ “vậy đó” của nhà thơ đã như một thứ chìa khóa giúp tôi mở cửa ngôi nhà thơ của ông rồi.
Tôi nhìn xung quanh, rồi dõi mắt ra xa xa, thấy chập chờn nhiều người, nhiều gương mặt, mà không thật rõ một ai, đâu như là Lê Văn Thảo, như Nguyễn Khoa Đăng, như Lê Sơn, lại như có cả Trần Hoài Giao, loáng thoáng lụm cụm Sơn Nam, thoáng cái lại thấy ai như Trương Nam Hương đang cười cười nữa…và cả mấy ông bạn trẻ trung tân kỳ mơi mới quen quen ở hội nghị hội thảo nào…Trong đầu chợt hiện lên mấy câu: rối rắm sắc màu siêu thực/ nhốn nháo thời trang nhếch nhác tình ca/ lạm phát đại ngôn/ dư thừa hứa hẹn/ lòng ơi, xa cách đôi bờ… định hỏi: Anh Lê Chí, anh viết vậy là sao? Nhưng thấy anh cũng như đang nhìn mình nhìn ai mà như chả nhìn ai, thì im lặng lại, lẩm nhẩm tiếp:
dấu hiệu  mùa xuân
phải đâu đến sớm
tấm lòng ta như đất giục xanh trời,
rồi nhớ:
những mái tóc hoa râm
ngày ngày lặn lội
tìm hạt giống người
Người đi tìm hạt giống người, hay thơ đi tìm hạt giống người đây? Thơ Lê Chí đấy, là độc thoại, cũng là đối thoại giãi bày.
Hạt giống nào trên sông mùa nước nổi?
Không thể phân biệt được người và thơ Lê Chí, chẳng thể nào trả lời được câu hỏi đã nhiều lần chợt đến ở trên, tôi thả cho chân và mắt, tay và mũi… được tự nhiên tự do ngập vào cảnh quan của nhà thơ Lê Chí:
xuồng ba lá chông chênh giăng câu thả lưới
chợ sớm miệt đồng cá sặc cá linh
rau ngổ, rau dừa, cù nèo, rau nhút
thời khẩn hoang thấp thoáng đâu đây
lủ khủ rùa vàng,rùa sen, rùa nắp
ri cá, ri voi, hổ đất, hổ hành   
lù khù diệc, cò, ốc cao, cúm núm
Khi viết ra mấy dòng này, chắc gì nhà thơ Lê Chí đã tự xác định viết ra thế, là để tả cho được phần nào cái đặc sắc trong kho sản vật miền Tây Nam Bộ nước ta? Không xác định rõ từ đầu, mà viết ra vậy, như là từ ấn tượng. Mà đã là ấn tượng, thì rõ ràng, rờ rỡ,… mà nhiều khi cũng xô bồ trùng điệp như một đoạn phóng sự ký sự cảnh quan, một cảnh phim thời sự nghệ thuật đặc tả như vậy, hóa ra lại thành đặc sắc của thơ ông rồi.
Chuyện này xin nói lại: Đã chắc gì nhà thơ biết trước?
Một lần khác ông viết thả bút, hồn nhiên mà vui bất ngờ:
rưng rưng hoa đỏ chiều phơ phất
mờ khói nhang bay bạc mái đầu
thổn thức gieo xanh lòng đất
chiều vội vàng như giấu niềm đau!
Thế là ông đi tìm hạt giống, đã thấy, nên gieo xanh lòng đất rồi đấy ư?
Có phải hạt giống người ấy là đây:
phiêu bồng thảo theo dòng vô định
lắt lay điên điển hoa vàng
thiên nhiên dạy ta bài học
mùa xuân đang còn ở xa
(mùa xuân ở xa)
Và đây nữa:
thương quá những mùa rơm Tết
hạt gạo trắng tinh thơm tận đáy lòng
lãng đãng khói giữ hồn năm tháng
nghe tiếng cười rung buổi hoàng hôn
(nhớ đồng)
Dường như nhà thơ từng trải qua mấy chặng học đường rồi chiến tranh, sang ngày hòa bình rồi mà chưa hết giặc, đã không còn đói mà vẫn còn quặn thương đau này… muốn nhắc với ta: có hạt giống kiên trì vững chí, có hạt giống yêu thương vô vàn, dường như đã dễ bị lẫn bị quên?
Nhà thơ thì làm được gì giữa buổi chen lấn bán mua này ngoài việc nhắc nhở và gieo mầm xanh kia, có phải Lê Chí đã có lúc nghĩ nên viết ra thế không nhỉ?
Nhưng nếu có vậy, thì cũng là sự thường. Tôi nhận ra có âm điệu buồn buồn tiêng tiếc trong thơ ông và nhiều người khác nữa. Cái thời này nó thế, ai như Hoàng Ngọc Hiến nói vậy, từ cách đây vài chục năm. Tôi nghi ngờ: Hình như anh hơi mặc cảm? Ông nhún vai: Có thể, nhưng cảm giác này là thật, là tự nhiên… Và vì thế, nó là “thực tế khách quan”? Hoàng Ngọc Hiến cười nhẹ, ý nhị: Thơ hay là thơ tự nhiên. Lê Chí nhắc: Thì có bấy nhiêu bài trong dăm tập đó, Nguyên An đọc đi,
Đọc Lê Chí, thấy ông với đương đại, thì có gì ngác ngơ, rồi bình tâm quan sát mà giãi bày, lại cũng có gì thắc thỏm, lo âu. Đó là một phiên bản của vóc dáng, tâm trạng con người và cả nghệ thuật của thơ ông. Sự định vị này của tôi về ông, rất mong bạn đọc cùng đọc thơ của Lê Chí mà trao đổi thêm. Đọc đi, trong những ngày Tết tấp nập hối hả này, tôi nghĩ tâm trí bạn sẽ thêm va động, một cái Tết có sự trầm tư cũng hay chứ sao!
Kia, nhà thơ Lê Chí đang đi và tìm hạt giống. Ông có vẻ hồ hởi hơn khi rời xa thị thành. Vẫn là cảnh nối cảnh của náo nức sự sống trên đồng trên bãi trên sông của Tây Nam Bộ, đấy là:
quê tôi vẫn như ngày ấy
chiếc xuồng bơi theo dấu câu hò
bông sậy xám bông bồn bồn cũng xám
Ông buông tiếp một dòng nữa:
người đi xa nghe đất dặn dò
(kí ức quê nhà)
Hay ở một khổ thơ khác đang viết:
vượt thác băng rừng ầm ào sóng bạc
ước mơ xanh chớp đỏ chiến trường
năm thắng buồn vui khúc hát
Ông lại “chốt chặn” luôn theo:
đất nước mình đâu cũng quê hương
Cái ý tứ của mấy câu này dễ làm ta nhớ đến Nguyễn Mỹ: Giấc mơ xanh còn mãi của tôi/ Là Ô Loan đầm nước sáng ngời/ Tôi như con sóng nhoài trên biển/ Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi… còn câu đất nước mình đâu cũng quê hương của Lê Chí, nếu tách ra, ta biết ngay rằng ý này không mới, nhưng đặt nó vào đúng vị trí, là câu thứ tư của khổ thơ này, ta lại thấy: nhà thơ Lê Chí trên con đường đi tìm hạt giống của mình, ông đã tìm được, hạt giống xanh ấy vốn ở quê hương, đang là quê hương.
Trở lại mấy trích dẫn ở trên, và tìm đọc thêm thơ Lê Chí ở các sách báo khác nữa, ta hiểu ra: Đó là một vùng quê lam làm vui sống, với sản vật trù phú, và cả bao nhiêu chuyện, bao nhiêu điều đáng nghĩ với bấy nhiêu vấn đề đang được lo toan, định liệu, mà làm dần…
Mùa nước nổi này trong đó có sao không?
Thật ra thì tôi từng hỏi Lê Chí  nhiều chuyện về cỏ cây vườn tược mùa này mùa kia. Nhưng không hiểu sao, mùa nước nổi trong đó có sao không? vẫn là câu tôi hay hỏi ông và một số bạn trong đó hơn. Háo hức muốn gặp thì hỏi, hơi lo nước to quá thì hỏi…Hỏi riết, nghe mãi, thấy mãi mới hiểu dần ra, đại thể: Lũ nhiều, nước sông rạch lên to, ấy là lũ giàu xin chớ lo quá. Lũ giàu, là lũ to, nước mang theo nhiều tôm cá, ba ba…và phù sa nữa, hên lắm; còn lũ nghèo, là ngược lại, dân sông nước kiếm cá tìm tôm hay rùa… đều coi như gặp khó, dân trồng bắp, làm vườn lại càng thấp thỏm về hoa ít trái nhỏ bán rớt giá, ai mua?
Đọc thơ Lê Chí càng băn khoăn. Ông kể: dân không giàu lên được, thì nhà thơ cũng phải làm nước đá mà bán cho có tiền xài mỗi ngày thôi.
ôi nhà thơ bán từng lon nước đá
giá bao nhiêu sự tinh khiết vô cùng
câu thơ sống tận đời vất vả
nước đá và  nhà thơ năm tháng bão bùng
(bài thơ nước đá)
Trên con đường sáng tạo thi ca, là con đường hun hút xa mà với Lê Chí, thì có nhiều u buồn và thắc thỏm mà bâng khuâng nhớ nhung với ngỡ ngàng, hơn là reo ca thì phải. Lê Chí độc đáo mà không cô độc cô đơn dẫu tuổi già đến dần dần, ông đã ít đi lại, ông bớt quảng giao. Ông viết: lời nào mang hết nỗi đau/ tập tễnh ra đồng với khoai với lúa/ nắng mưa dẫu dài/ chênh vênh dò bước qua cầu… mấy dòng thơ như bức tự họa này dễ làm ta thấy nhà thơ nhòe lẫn với những ông già muôn năm thủa nào. Có lẽ ấy là sự ngẫu nhiên thả bút của ông chăng? Tôi thấy mấy câu này thì lại là sự giãi bày phần hồn bên trong của Lê Chí hơn, dù ông cũng như kể lể:
học cách của sen
mày mò tìm thơ từ rơm rạ sinh bùn
chuyện trò cùng bông hoa hoang dã
chẳng có gì sang trọng lắm đâu
cũng như cá, như rau, củ hành, tép sả
chiếc võng mẹ đưa, chiếc chiếu em nằm
không biết quanh co dối trá
thơ sạch như đôi tay người thầy thuốc
sáng tinh mơ
đã gặp em cười
Không ồn ào mà lặng lẽ. Sự lặng lẽ của người chăm chỉ sau nhiều trải nghiệm, chiêm nghiệm, ấy là Lê Chí. Vậy nên thơ ông tự nhiên đã tạo ra âm hưởng và vang ngân. Tôi bỗng lại tiếc là Lê Chí và nhiều nhà thơ ta ở xa mấy trung tâm… À, mà Cần Thơ cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả một vùng  mênh mông và đặc sắc đấy chứ. Chả biết trách ai, thì tự trách mình, là sao cứ ai hỏi ông Lê Chí chuyện nọ xọ chuyện kia , mà gần đây mới tìm đọc thơ ông được có vậy.
Đọc các tập thơ của Lê Chí, những là: cô gái đánh xe bò,  mùa xuân đến sớm, những con đường lặng im, khuya xa, hoa quỳnh, thời gian, hạc, nhớ, đời, 9 tập, thấy ngút ngàn quá! Ông Lê Chí tự ngẫm về mình mà như mời gọi:
sinh ra trên đất khô cằn
như cây lúa ít mưa nhiều nắng
con đường thơ lầy lội bão giông
mải miết đi về phía biển
(Dấn thân)
Thơ Lê Chí có ngữ điệu vầy vậy, dễ thấy hiền hiền, mà xem ra, có nhiều bài sắc ngọt. Phần thơ sắc ngọt này của ông, xin hẹn một dịp khác, ta làm món nhắm nữa. Tôi thấy thơ Lê Chí có bài này hơi lạ về giọng điệu, tiết tấu… so với chính ông. Đây cũng là thơ Tết đấy, xin chép ra đôi đoạn để anh em cùng thưởng thức.
mùa lại mùa trĩu quả
xanh màu xanh ngút ngàn
chim chuyền rung bóng lá
hoa đón mùa xuân sang…
thương hàng cây mới lớn        
biết che mát con đường
đàn chim dang cánh rộng
ngong ngóng nhìn đại dương
giữa đường hoa trăm sắc
hương ngậm ngùi xa bay
ngọn gió ru lời hát
nhắc ai người qua đây…
Bây giờ đã sang đầu tháng 11 lịch ta, mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ đã sắp qua hết rồi, cái Tết nữa lại đến kia, mùa lại mùa trĩu quả/ xanh màu xanh ngút ngàn/ chim chuyền trong bóng lá/ hoa đón mùa xuân sang…Lê Chí viết thế, thơ như một khúc ca.
Khúc ca này gợi ta nhớ đến bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao…và cũng nhớ đến bài tùy bút xuân của Lê Chí nữa:
về Cây Dương
mà chẳng gặp cây dương
chỉ thấy những hàng xoài rất trẻ
sao anh nói cùng em như thế
để bây giờ em tìm ngẩn ngơ
để bất ngờ
em gặp rất…Cần Thơ
mùa xuân tới những khu vườn vui quá
từng chum trái căng đầy buông thong thả
quà mười năm mặt đất tặng cho đời
(dấn thân)
Vốn là người trầm tư, mà khi Tết đến xuân về, thơ Lê Chí, như người Lê Chí bỗng vui đến lạ.
Vào mấy ngày cuối cùng của năm 2019, nhà thơ Lê Chí gọi điện báo tin với tôi, là ông sắp in xong tập thơ mới nữa, thơ song ngữ Việt – Anh, do nhà thơ - dịch giả Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Fred Marchant chọn dịch. Mười hôm sau, tập thơ mới có tên là Nếu…/ If… của ông đã đến tay tôi.
“Đọc, coi có được không…”, tôi lướt qua lời dặn này mà đọc ngay. Rồi mừng cho ông, là có được một tập thơ dịch (chứ không chỉ là một vài bài thơ hay một hai chùm bài được dịch như số đông nhà thơ đương đại ở ta). Nỗi mừng này cũng hàm nghĩa cảm ơn hai dịch giả, bởi các ông đã chọn được những bài “gan ruột” của Lê Chí, rồi qua lao động chuyển ngữ thơ, không, chuyển cả tâm trí, cả con người Lê Chí đến bạn đọc Anh ngữ một bức chân dung tâm hồn của một nhà thơ đặc sắc Việt Nam ở miền Tây Tổ quốc ta.
Lê Chí đi tìm hạt giống người để gieo thơ, để tâm sự. Ông đã tìm và được hòa nhập ở quê hương Nam Bộ, quê hương Việt Nam, nay lại được giao hòa với bạn yêu thơ nước ngoài nữa. Mong và tin rằng qua thơ anh, mọi người hiểu và yêu quý Việt Nam hơn.
Thơ Lê Chí toàn nói chuyện riêng của ông và của những người ra trận, và vì rất riêng như thế, nên giá trị khái quát thời thế của thơ ấy lại thật rõ ràng, và có sức gợi dẫn sâu xa:
năm tháng chiến tranh bom đạn đầy trời
mặt đất âm thầm ra trận
có nghĩa gì một câu hờn giận
ai biết mai rồi chia xa
cho dẫu bây giờ
cho dẫu hôm qua
xin đừng có trong lòng ta khoảng tối
bởi em biết
như tình yêu không nói
nói làm chi
lồng ngực gan lì
(Tình yêu)
Và đây nữa:
mấy mươi năm buồn vui thao thức
đêm đêm giấc ngủ chưa thành
mặt nạ mặt người nhốn nháo
hàng quảng cáo đáng ngờ
rập rình phiên tòa không người đối thoại
lương tâm trú ẩn nơi nào
bầu trời bao dung lơ đãng
máu thịt đâu rồi
khí hậu khôn lường
lòng người có như khí hậu?
Thơ và người Lê Chí đấy, khắc khoải lo toan. Và ông hình dung, hy vọng:
thời gian quằn mình
thời gian hốt hoảng
hòa bình
xin đừng hoang phí
con Rồng cháu Tiên
ôm nhau mà khóc
ôm nhau mà cười….
(hòa bình, xin đừng hoang phí)
Có người nói: ông Lê Chí sống lặng lẽ, vẻ hơi buồn buồn nỗi buồn thế sự. Tôi muốn nói: Đất nước mình vẫn luôn có nỗi buồn thương trăm năm ngàn năm đấy thôi. Tôi biết là nhà thơ Lê Chí đang ờ ờ chan chứa… rồi ngâm ngợi, thì thầm:
ngày từng ngày lặng lẽ
hạt giống nẩy mầm
không thể nào khác được
bài thuốc dưỡng sinh từ cỏ cây tình đất tình người
dẫu nắng dẫu mưa
mùa đang kết trái
dẫu muốn dẫu không đời đang bước tới
từng viên gạch ta xây thành phố trong lòng
(thành phố tròng lòng)
Thêm một tập thơ này mà đọc, ta biết là Lê Chí mải miết tìm hạt giống người, thì ông đang gặp. Những người này đã ở quanh nhà thơ lâu nay và ở cả những miền xa ngái nữa. Thơ và người như ông, dẫu bề ngoài có vẻ lặng lẽ, nhưng vẫn có phẩm tính liên kết tự nhiên mà.
Chú thích:
Nhà thơ Lê Chí, tên thật là Lê Chí Trường, sinh năm 1940, quê ở Phú Hưng, Cái Nước, Cà Mau, hiện sống ở thành phố Cần Thơ. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1970, làm việc ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc khu ủy Tây Nam Bộ. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977. Nhà thơ Lê Chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ khóa V, Giám đốc Nhà xuất bản Mũi Cà Mau (1983 – 1988), Trưởng Ban Công tác Nhà văn Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Các tác phẩm chính đã xuất bản của nhà thơ Lê Chí: Cô gái đánh xe bò (1976), Mùa xuân đến sớm (1976), Những con đường lặng im (1986), Hoa quỳnh (1989), Ngẫm nghĩ cà phê (1990), Khuya xa (1990), Ngày ấy (1996), Thời gian (2012), Hạc (2013), Nhớ (2017), Đời (2017), Nếu… (thơ song ngữ Việt – Anh, 2019).
7/1/2021
Nguyên An
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thanh âm suối ngàn  Nhà văn Đặng Bá Canh còn có bút danh Bá Canh, Phan An mới được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh s...