Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Dược sĩ Huỳnh Khang và những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích

Dược sĩ Huỳnh Khang và những
nhạc phẩm được nhiều người yêu thích

Là dược sĩ, đến với thi ca chưa lâu song anh Huỳnh Khang đã có những tác phẩm được rất nhiều người đồng cảm, yêu thích. Hàng chục bài thơ của anh được các nhạc sĩ phổ nhạc. Đặc biệt, ca khúc đầu tay Chỉ nụ cười em thôi do Huỳnh Khang sáng tác đã vang lên từ thành thị tới nông thôn, từ quê hương Phú Yên lan tỏa đến các vùng miền trong nước.
“Hầu như thôn xóm nào cũng có người hát ‘Chỉ nụ cười em thôi’. Đây là một hiện tượng âm nhạc. Bài hát có ca từ dễ thương, điệu bolero nên dễ đi vào lòng người, dễ lan tỏa” – NSND, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên (bên phải) và dược sĩ – nhà thơ Huỳnh Khang.
Sự lan tỏa của ca khúc đầu tay
Bài thơ Chỉ nụ cười em thôi được dược sĩ Huỳnh Khang sáng tác vào năm 2022, từ cảm xúc về những nụ cười thật đẹp, thật duyên của bạn bè trên facebook, từ ấn tượng về nụ cười như nắng sớm của các cô bạn học hồi cấp 2. Đến một ngày nọ, Huỳnh Khang nảy ra ý tưởng tự phổ nhạc bài thơ của mình. Theo cảm nhận của anh, bài thơ đã có sẵn giai điệu. Và anh cũng có một số kiến thức về âm nhạc nhờ khoảng thời gian tự học để chơi đàn thời phổ thông. Vậy là, bài thơ Chỉ nụ cười em thôi trở thành ca khúc chỉ sau 2 tuần. Nhạc phẩm đầu tay của Huỳnh Khang có giai điệu, ca từ dễ đi vào lòng người.
“… Em đến từ vô thường/ Một nụ tình dễ thương/ Rồi tan vào sương khói/ Rồi tan vào mênh mông/ Như tiếng suối bên rừng/ Như dòng sông êm trôi/ Nụ cười em ngày ấy/ Thương nhớ hoài khôn nguôi/ Chỉ nụ cười em thôi/ Nghe gió thơm lưng đồi/ Cuộc đời như mây trôi/ Bao giờ ta gặp nữa/ In dấu trong cuộc đời/ Dù thời gian phai phôi/ Nụ cười em ngày ấy/ Một đời vương vấn tôi”.
Phổ nhạc xong, anh Huỳnh Khang gửi đứa con tinh thần mới toanh nhờ nhạc sĩ – Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Cao Hữu Nhạc, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên và nhạc sĩ Xuân Thành, giảng viên Trường đại học Phú Yên xem, góp ý. Sau khi chỉnh sửa đôi chỗ, nhạc sĩ Xuân Thành hòa âm phối khí và kết nối để Lê Tuấn – nhạc công trong ban nhạc thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển – hát bài này. Lê Tuấn có giọng hát rất hợp với bolero.
Bài hát ra mắt trên mạng xã hội, nhanh chóng được nhiều người đón nhận, yêu thích. Họ hát, ghi hình và gửi lại cho Huỳnh Khang, như lời cảm ơn tác giả đã gợi lại hình ảnh những nụ cười từng làm họ xao xuyến thuở cắp sách đến trường. Đến nay, anh Huỳnh Khang đã nhận hơn 100 clip của những người yêu nhạc ở Phú Yên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hải Phòng, Thái Bình… gửi đến, trong đó có ca sĩ Tường Vi ở Đồng Nai. Giọng ca được trao giải Ca sĩ triển vọng trong cuộc thi Tình ca Việt Nam 2022 hát Chỉ nụ cười em thôi với bản phối mới của Phan Thánh. Một số người Việt đang sống ở nước ngoài cũng hát và gửi clip về. Dược sĩ Huỳnh Khang chia sẻ: “Tôi cảm thấy bất ngờ, rất vui và hạnh phúc. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ viết nhạc, cũng như chưa từng nghĩ mình sẽ làm thơ, viết tản văn”.
Nhà báo Hoàng Chương (CLB Nhà báo hưu trí) lý giải về sức hút của ca khúc Chỉ nụ cười em thôi: “Với ca từ mộc mạc, gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, với giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát nên Chỉ nụ cười em thôi nhanh chóng được nhiều người tìm nghe và hát cũng là điều dễ hiểu thôi. Một ca khúc đầu đời, mới toanh mà nhận được sự đồng cảm, chạm vào trái tim của đông đảo khán giả là niềm hạnh phúc của người sáng tác”.
Sau thành công của ca khúc Chỉ nụ cười em thôi, dược sĩ Huỳnh Khang “thừa thắng xông lên”. Anh phổ nhạc bài thơ Đêm hoang của Nguyễn Đức Bá. Đêm hoang trầm buồn, da diết trên nền điệu boston. “… Chiều thu ngồi ngắm mây trôi/ Ngàn mây trôi không trở lại/ Quạnh hiu bên đời cỏ dại/ Cánh chim lạc giữa lưng trời/ Tàn đêm ngồi ngắm sông trôi/ Dòng sông trôi không trở lại/ Vệt đời tàn đêm bóng ngả/ Lá ơi chạm ánh trăng mờ”. Nhạc sĩ Xuân Thành hát rất hay ca khúc này.
Khi tiếng lòng được đồng cảm
Dược sĩ Huỳnh Khang sinh năm 1971, quê ở Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Tốt nghiệp đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, anh Huỳnh Khang lập nghiệp tại thành phố phương Nam. Anh đang làm việc cho Công ty TNHH Daewon Pharmaceutical (Hàn Quốc) và quản trị trang Diễn đàn thơ 1-2-3. Diễn đàn này được lập vào giữa tháng 11/2022, đến nay đã có gần 700 thành viên.
Anh Huỳnh Khang đến với thơ vào thời điểm rất đặc biệt: Dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Ngồi trong căn phòng vắng, anh nghĩ về cuộc đời, về sinh mệnh con người. Qua báo chí và mạng xã hội, Huỳnh Khang biết rằng Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên năm đó lỗi hẹn với bạn yêu thơ. Những cảm xúc về quê hương dâng lên, dâng lên. Huỳnh Khang sáng tác bài thơ đầu tay Ta về trong ngày Thơ Việt Nam năm 2020 và chia sẻ trên trang facebook cá nhân. Bạn bè đọc, khen, khích lệ. Anh dược sĩ có động lực, tiếp tục sáng tác.
Đến nay, Huỳnh Khang đã có hơn 50 bài thơ. Điều đặc biệt là một nửa trong số đó đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Có thể kể đến các tác phẩm: Miền nhớ (được 2 nhạc sĩ: Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Quang và nhạc sĩ Hoàng Cư phổ nhạc), Hoan ca xuân Tuy Hòa – nhạc sĩ Mạnh Trí phổ nhạc, Khóm cỏ may – nhạc sĩ Duy Tuấn phổ nhạc, Nghiêng nghiêng Hai Riêng – NSND Cao Hữu Nhạc phổ nhạc… Theo anh Huỳnh Khang, Nghiêng nghiêng Hai Riêng là một trong những ca khúc mà anh tâm đắc. Nhạc phẩm này có giai điệu hay, phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Xuân Huy rất hay. Đó là một bài rock, khó hát; ca sĩ Mỹ Như, Y Viêng hát rất hay. Còn Miền nhớ là bài hát được nhiều người thích. Ca khúc này gợi lên những điều bình dị, những hình ảnh thân thương của quê nhà “Có cánh đồng, nơi ấy xa xăm/ Đàn cò trắng bay là bay lả/ Mùa gặt xong đồng chiều trơ rạ/ Ai đốt đồng cho khói lên mây?”. Đó là những hình ảnh vẫn chập chờn trong giấc mơ của bao người xa quê. Có lẽ vì vậy mà nhiều người chia sẻ rằng họ rưng rưng khi nghe bài Miền nhớ, và chỉ muốn trở về quê nhà.
Huỳnh Khang với bạn bè Phú Yên hát “Chỉ nụ cười em thôi”
Mới đây, Huỳnh Khang có thêm một bài thơ được Duy Tuấn phổ nhạc. Đó là bài Muốn về, đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên. Ca khúc mang âm hưởng dân ca, nói hộ nỗi lòng của những người con Phú Yên đang sống xa quê “Muốn về hứng ngọn gió nồm/ Nghe cơn nam đổ chiều hôm nghiêng chiều”.
Anh Huỳnh Khang thổ lộ: “Tôi sống xa quê đã lâu nhưng nỗi nhớ quê trong tôi chưa bao giờ nguôi. Cứ hơn một tháng là nhớ quê, nhớ mẹ khiến tôi không làm gì được và phải trở về. Mỗi lần về quê là một lần tạo cho tôi những cảm xúc mới. Quê hương chính là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi”. Vì vậy, anh Huỳnh Khang thường viết về quê hương, về ký ức tuổi thơ, về những gì thân thuộc. Các nhạc sĩ có sự đồng cảm nên phổ nhạc, sau đó gửi tác phẩm cho anh. Huỳnh Khang rất vui.
Dược sĩ đa năng nói rằng đến với thi ca, anh được rất nhiều: Được đồng cảm, chia sẻ, có thêm rất nhiều bạn bè – từ những người trẻ cho đến người cao tuổi. Nhiều người nói rằng họ thấy mình trong các bài thơ, tản văn về quê hương của Huỳnh Khang, vì anh khơi gợi lại những chuyện mà hầu như nhiều người đã quên, những ký ức đẹp dần nhòa đi trong nhịp sống hối hả. Giờ đọc những bài viết dung dị của Huỳnh Khang, họ như gặp lại tuổi thơ mình.
7/5/2023
Yên Lam
Nguồn: Báo Phú Yên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thêm một cách hiểu về Marcel Proust Người khổng lồ bệnh hoạn của chủ nghĩa hiện đại, người cùng với Joyce đã làm đảo lộn sự hiểu biết củ...