Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Ma Văn Kháng: Bông hồng vàng

Ma Văn Kháng: Bông hồng vàng

Yên là một người rất thính ngủ.
Nhưng, đêm nay, Yên thức giấc không phải vì những tiếng động con con thông thường. Yên tỉnh giấc vì đã ngủ giữa yên tĩnh, một yên tĩnh có hình khối cực đại, khổng lồ, kỳ quái đến mức mở mắt ra, Yên liền chồm ngay dậy và ngơ ngác nhìn quanh để kiếm tìm, rồi tự hỏi: cái gì đang ở với ta thế nhỉ? Sao sự yên tĩnh lại có thể gây ra được những cảm xúc bất thường như thế này?
Thực ra đó chỉ là dư chấn của cơn cảm xúc đột ngột chế ngự Yên từ hồi chiều, khi chiếc xe ô tô mười hai chỗ ngồi sau một ngày leo đèo xuống dốc, ngoặt qua eo núi cuối cùng, để Yên đột ngột nhìn thấy thành phố cao nguyên này, nơi anh được quyền tới để an dưỡng, nghỉ ngơi ba tháng trời. Thành phố, giống hệt một bức tranh treo lơ lửng giữa trời với cả trăm biệt thự kiểu cách sang trọng, đẹp mê hồn, nhưng không ngờ lại tĩnh lặng như một sản phẩm của tạo hóa đông cứng, lặng tờ một linh hồn cô lẻ đến thế!
Nhà văn Ma Văn Kháng
Ô-tô đậu ở bến. Đi bộ đến nhà nghỉ, anh giật mình vì nghe thấy tiếng bước chân mình vang to quá. Và cùng với tiếng bước chân, anh nhận ra tiếng cánh cổng ngôi biệt thự bị đẩy, kẹt một hồi dài, như được phóng đại và vút lên cao tít, tan biến vào vòm thông vời vợi trên nền trời thu bằng lặng đang chuyển vào phần chiều.
“Cháu xin giới thiệu với chú, cháu là Phương, phục vụ ở nhà an dưỡng này”. Tan hòa với xung quanh, nhập vào hương sắc của cây và hoa trong khu vườn trước ngôi nhà, cả tiếng cô bé vừa nghe tiếng Yên gọi, lách chách chạy ra ngoài sân đón Yên. Mọi âm thanh đều như giọt mực rơi vào tờ giấy thấm, biến thành vô tăm tích giữa không gian. Cả tiếng khóa lạch cạch mở cửa phòng và tiếng cánh cửa bị du đẩy nhẹ nhàng. Đặt va-ly, Yên rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành đặt ở cạnh cửa ra vào trong căn phòng vây quanh là rèm cửa xanh mơ phản quang ánh hoàng hôn đang tắt dần trên những dải rừng thông xa xa.
Trong giây phút, Yên có cảm giác những nguồn thần lực từ nội tâm sâu kín của anh vừa khai mở bất thình lình. Anh đã được giải thoát ra khỏi những náo nhiệt, ồn ào. Anh được đón nhận và gia nhập vào cõi vô biên trong cái im lặng như chân lý tuyệt đối vô hình vô tướng này. Cái im lặng của bầu trời rộng rãi, giống như một tấm gương lớn phản ánh những tư tưởng và tình cảm thầm kín và phóng chiếu chúng lên. Cái im lặng mang quyền năng khác thường, nó khiến anh lập tức lặn chìm vào bản thể mình, nghe được tiếng vọng của chính mình.
Còn bây giờ thì hình như trời đang hé sáng. Bước tới khuôn cửa sổ, Yên đứng lặng vì chợt nhận ra ô kính ở khuôn cửa sổ trước mặt vừa phát ra một tiếng rung nhè nhẹ như tiếng côn trùng vỗ cánh. Có lẽ đã có một chấn động nhỏ từ mặt đất truyền lên và đó là cơn trở mình lúc giao thời, khi đêm tối chuyển sang phần ngày. Lát sau, Yên nghe thấy tiếng chân chạy đều đều và tiếng thở suỵt suỵt rất mạnh nhưng ngắt quãng của một người nào đó ở ngoài sân. Rồi tiếng cô bé Phương rất trong trẻo và dịu dàng: “Bác thức khuya mà sao bác dậy sớm thế, bác nhà văn?”
– Chào anh Yên!
Nghe tiếng người chào, Yên đứng lên, quay lại.
Đang từ bậc tam cấp trên cái sân nhỏ đi xuống khuôn viên, nơi Yên đang đứng cạnh một bông hồng vàng, là một người đàn ông mặt trái xoan, đuôi mắt quýp, vương vương một nỗi sầu muộn và khổ ải, trong bộ quần áo thể thao xanh nước biển, nẹp trắng, tay nâng một vầng hoa màu hạt dẻ.
– Tôi đến đây nghỉ đã một tháng. – Người đàn ông nói. – Tối qua, cháu Phương đem nước vào phòng tôi, có cho tôi biết, tôi đã có một người bạn quý là anh vừa tới. Lẽ ra, phải đến chào anh ngay tối qua. Nhưng, như Kim Thánh Thán nói: Văn chương kỳ diệu nhất là phút giây con mắt thiêng đã thấy bàn tay thiêng phải chộp ngay lấy. Vì trước đó một phút không thấy thì sau đó một phút lại càng không thấy. Tôi chạy theo cơn hứng bất tử đến kiệt sức. Mong anh thông cảm cho cái oái oăm của nghiệp văn nhé. Xin tặng anh vầng hoa này.
Yên đưa tay đón vầng hoa. Nhìn gương mặt người đàn ông, nghe ông nói, nhớ lại những bức ảnh gần đây của ông trên các tờ báo và tạp chí ở Hà Nội, Yên nhận ngay đó là nhà văn Nguyễn Dậu[1]. Ông Dậu, do những định kiến xã hội bất cập, vắng biệt trên văn đàn hai mươi nhăm năm. Giờ đây, ông đã bắt đầu viết trở lại.
– Anh có biết hoa này không?
– Dạ không.
– Một loại hoa lạ đấy. Nhưng tôi cũng có biết đâu. Hóa ra, đến đây mới biết là mình chưa biết tí gì cả. Nó là hoa hertensio, tiếng ta gọi là cẩm tú cầu. Cháu Phương nó bảo tôi đấy. Còn cạnh anh là bông hồng vàng. Và bên kia là địa lan. Địa lan có đến ba mươi loài. Kia là…
Yên quay lại và đi theo nhà văn. Dưới chân Yên, lan đất phun những chùm hoa trắng muốt. Trên đầu Yên, anh đào nở chúm chím những cánh hoen hoen sắc hồng. Tường vi đỏ nối tiếp cúc tím biếc, thiên lý ánh vàng, trà mi trắng tinh, hải đường mơn mởn. Và lay-ơn phô diễn đủ các sắc màu kỳ lạ, từ xanh tuyền đến xanh phớt, khói lam… Một vùng đua chen nét thanh, nét đậm, sắc nhạt, sắc nồng xôn xang niềm phúc lạc vô biên vây bọc quanh Yên.
– Cháu mời hai bác về ăn sáng ạ.
Phương trong cái áo măng-tô mỏng màu hồng tươi, tóc cắt ngắn, mặt tròn trịa, hoáy đồng tiền in bên má trái, từ trong nhà bước ra, cất tiếng gọi trong ngần.
Hai người vào phòng ăn.
Ông Dậu so đũa, nhìn Yên:
– Anh Yên à, tôi đã ở đây một tháng, nhưng chưa ra khỏi cổng. Chưa hề biết một nơi danh thắng, một địa điểm du lịch, một chốn vui chơi nào. Thác Pren, thác Cam Ly, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, các biệt điện của vua quan, các bậc quyền quý thời trước. Toàn những nơi ở xa thì ao ước. Vậy mà đến đây lại dửng dưng.
Cười nhè nhẹ tự giễu, ông Dậu tiếp:
– Vì sao anh có biết không? Tôi rơi xuống cái đáy bể vô thanh này, tôi bơi trong cái khoản chân không này, không hề vướng bận vì ngoại vật; nên lần đầu tiên tôi thấy chỉ có tôi với tôi. Thế là tôi lục lọi, khám phá cái thằng tôi ở trong tôi. Tôi khai mở thần nhãn. Tôi làm cho tâm linh tôi thoát khỏi gông cùm da thịt. Thế là tôi viết. Tôi viết tiểu thuyết. Một ngày tôi lia hai mươi trang, lia đến mức những ngón tay cứng đờ.
Nhà văn giơ bàn tay xương xẩu, co quắp như bộ rễ cây khô, rồi chợt hạ giọng:
– Anh có bi-ơ bàn tay xương xẩu, Ngày mai anh sn tay xương xẩu, co quắp như bộ rễ cây khô. Cháu Phương nó dy xương xẩu, co quắp như bộ rễ
Dừng lại, nhà văn thở dài:
– Thôi, ta ăn nhé. Ăn xong, xin phép anh tôi lại tiếp tục công việc của mình. Chiều, ta lại gặp nhau nhé. Nào, xin mời. Kìa, Phương, ngồi đây ăn với bác. Bác thử so sánh nhé, cháu rất giống một đóa hồng vàng, có phải không, nữ họa sĩ tương lai?
Cô bé Phương kêu úi một tiếng và chạy vụt đi.
***
Một tuần lễ sau, kể từ ngày Yên tới, ông Dậu bắt tay vào viết những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết sáu trăm trang Nhọc nhằn sông Luộc. Đó là một tác phẩm thặng dư ngoài dự kiến. Trong tác phẩm này, nhân vật chính là ông. Ông, trong đoạn đời bi tráng của mình, khởi đầu là những ngày luồn rừng, mở đường bí mật vào hậu địch, tiếp đó là chiến công, rồi bị địch bắt và ra khỏi ngục tù của địch, bơ vơ thống khổ giữa vòng lưới nghi ngại của bạn bè, đồng chí.
Không một an ủi, không một đỡ nâng, ông ăn nhờ ở đậu, sống vật vã đây đó, đến mức đã có lúc cao rao chua chát: “Tôi sẽ yêu ngay bất cứ người đàn bà nào, nếu người đó cho tôi một xó nhà nương thân”. Cũng đã có lúc tủi hờn dâng lên nghẹn đắng, tặc lưỡi định buông mình cho số phận, thôi sống thế là đủ rồi!
Nhưng cuối cùng thì sự việc cũng đã phát triển tới đầu mút của tính hợp lý. Và ông không thể ngờ, mình lại dồi dào cảm hứng và sung sức đến thế. Minh triết nảy nở trong yên tĩnh. Nguồn văn từ ông, qua ngòi bút lai láng chảy trên trang giấy. Chữ nghĩa, hình ảnh, ý tứ, biểu tượng dường như đã nấp sẵn ở đâu đó rồi, và bây giờ đã đến lúc, chúng đổ xuống trang giấy, thật ào ạt, tràn trề. Cả chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết đã lần lượt chào đời.
Ông ở trong cơn mê mị rối bời.
Ông viết như điên dại. Hàng ngày, ông đóng chặt cửa, người dính vào bàn viết, bàn tay dính vào cây bút. Và công việc sáng tác chỉ dừng lại khi phải thay một ruột bút bi, lúc cô bé Phương gõ cửa mời ông nghỉ để ăn cơm.
Trưa nay cũng vậy. Nhưng tính toán chi li ra thì ông có chậm mất vài phút. Ông đang bừng bừng cơn sốt trên những dòng cuối cùng của cuốn sách. Nên nghe tiếng gõ cửa, ông không cất tiếng thưa và phải một lúc sau ông mới rời bàn viết, lệt sệt đôi dép, ra mở cửa.
– Chà, đã mười một rưỡi rồi cơ à, cháu Phương?
– Dạ, thưa anh.
Nghe tiếng đáp, ông Dậu bật lui, bỏ kính, dụi mắt. Đứng trước cửa ông là một thiếu phụ. Một vóc hình cân đối, đậm đà. Một gương mặt đoan trang, những đường nét cân bằng, thầm lặng, âm vang một chiều sâu tinh thần cao quý. Chị là bản nguyên và Phương là một tác phẩm mô phỏng.
– Tôi xin lỗi… Tôi cứ tưởng.
– Dạ, không có gì! Cháu Phương viêm họng nhẹ. Vừa rồi, cháu học thi vào Đại học Mỹ thuật vất vả quá. Em là mẹ cháu.
Thoát qua đôi môi nhỏ là âm điệu của miền đồng bằng Bắc Bộ pha chút ngữ điệu phương Nam. Người thiếu phụ lui lại một bước nhỏ. Chị mặc áo sơ-mi vàng cổ bẻ, vai bồng, trẻ trung, hòa hợp với chiếc váy màu hoa cà vải mềm thả xuống quá đầu gối. Đôi chân trắng, thẳng và nhẹ nhõm. Môi mím nhẹ, mờ mờ vết cái lúm đồng tiền bên má trái và mắt chị vời vợi ẩn ức, nhưng yên tĩnh đến nao lòng.
– Chị chờ một chút, để tôi đi gọi anh Yên.
– Dạ, em đã bảo ảnh, ảnh sắp ra.
Ngẩn người, nhìn thiếu phụ ông Dậu khe khẽ:
– Xin lỗi, chị tên chi?
– Dạ, em tên Nghĩa.
– À, chào Nghĩa. Tôi là Dậu, nhà văn.
Định nói một câu thân mật đặc biệt với người phụ nữ xinh xắn, rất dễ thương này, nhưng vừa lúc thấy bóng Yên ở đầu hành lang đằng kia, ông Dậu liền giơ tay vẫy và cất tiếnggọi. Ông tự hiểu đó là những động tắc nhằm che giấu cảm giác sung sướng bàng hoàng của mình.
Trực giác đã không đánh lừa ông Dậu.
Một tuần Phương viêm họng. Nghĩa thay con phục vụ việc cơm nước cho hai người khách ở nhà an dưỡng, đủ để nhà văn, trong kinh ngạc trước đường đột của sự kiện, vẫn nhận ra: một lần nữa, ông đã gặp may ở vùng đất yên tĩnh này.
Ngày thứ tám, khi Phương đã bình phục, Nghĩa đến chào nhà văn để trở về nhà, không còn kìm lòng được nữa, ông cầm tay chị, nâng niu trìu mến:
– Tôi nói thế này sợ có bất ngờ quá với Nghĩa không? Nhưng, tôi tin là tôi không lầm. Tôi muốn nghe chị kể về đời chị.
– Đừng gọi em là chị.
– Vậy thì thế nhé, em.
Quả nhiên ông Dậu đã không lầm.
Nghĩa quê ở một huyện miền biển giàu có của tỉnh Nam Định. Năm 1965, chị tình nguyện gia nhập đội ngũ chiến sĩ tình báo và được đánh vào Nam. Xinh đẹp, duyên dáng và hiểu biết, chị lọt được vào những cơ quan quan trọng của địch. Hơn năm năm hoạt động ở Sài Gòn có hiệu quả, cuối cùng bị lộ, chị được tổ chức rút ra, đưa lên Đà Lạt. Ở đây chị hoàn thành nhiệm vụ và yêu một cán bộ văn hóa từ Bắc mới vào hoạt động bí mật trong thành phố. Đó là một mối tình đầu, âm thầm và lớn lao. Người chồng vừa mới kịp kinh hoàng nhận ra vợ mình, sau bao nhiêu năm lăn lóc giữa hùm beo lang sói, vẫn hoàn toàn là phụ nữ trinh vẹn và nồng nàn, đã hy sinh vì nhiệm vụ. Chị sinh bé Phương ngoài giá thú. Và ra khỏi công việc vì sự vi phạm quy ước xã hội nghiêm ngặt này, sau một lần bị địch bắt rồi được thả ra, với bao câu hỏi nghị kỵ của đồng đội treo lơ lửng quanh mình và không một lời giải đáp. Không một lời than vãn, không trình bày, khiếu nại, chị lặng lẽ sống và nuôi con. Giờ chị trồng hoa, trồng rau và làm nghề phụ, hướng dẫn khách du lịch.
Đó là những ngày sống hối hả, mê mải của nhà văn.
Ông bám theo công việc của Nghĩa vì một lực hút không thể cưỡng nổi. Theo chị, ông đứng sau chị mỗi khi chị làm công việc hướng dẫn một đoàn du lịch. Đi cùng chị, ông nghe chị giới thiệu với khách tham quan các công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố, mỗi biệt điện, mỗi công thự, mỗi tư dinh, từ lai lịch đến vẻ đẹp kỳ lạ của nó, cùng các nhà bảo tàng, các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những địa điểm đã chứng kiến các kỳ tích của con người trong cuộc đấu tranh để giải phóng họ ra khỏi nanh vuốt thống trị dã man của kẻ thù.
Nữ hướng dẫn viên có một giọng nói âm vang, nhưng thuần túy khách quan, như một người kể chuyện đơn thuần. “Trong đám du khách lắm tiền nhiều của, nhởn nhơ kia, liệu có ai có được một cuộc đời đẹp như em, Nghĩa ơi!” Ông Dậu cắn răng, không để ứa nước mắt, mỗi khi nhận ra một ánh mắt khinh thường đối với Nghĩa của một khách du.
Nhà văn đến nhà Nghĩa, nghe Nghĩa nói mới biết rằng để có được một đóa thược dược đẹp huyền ảo vào não nùng như thế, chị đã phải bỏ ra nhiều công phu lắm. Cành cắt và giâm từ tháng Chín ta, sau mười ngày rễ nảy, từ đó là đằng đẵng gần bốn tháng trời, bấm ngọn, tỉa nụ, chăm sóc, để hoa nảy đúng dịp Tết. Xem vườn cà chua lai tạo giống từ giống cà Bulgarie và giống cà dại xứ Thanh của Nghĩa, ông biết rằng chị đã vào cuộc đánh bạc với trời đất thật quyết liệt và thầm lặng để có được mùa cà trái vụ bội thu. Ông biết Phương đã thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Sài Gòn và nay mai, nó sẽ xa chị. “Nó thật vô tư, vui vẻ”. Chị nói. Ông không nghĩ đó là một lời than.
– Anh ạ, chị nói tiếp: năm kia em hướng dẫn một họa sĩ già đi thăm thành phố. Chính ông đã khích lệ cháu Phương kiên trì theo đuổi việc thi vào trường Mỹ thuật. Đến đâu ông họa sĩ cũng hăm hở muốn vẽ lắm. Nhưng đó là thoạt đầu. Về sau, ông không hề động bút. Hỏi, ông nói: khi mới tiếp xúc, thấy chỗ nào cũng có thể đặt giá vẽ. Sau một tuần thì thấy không thể vẽ ngay được bất cứ cái gì.
Trong giây phút, nhà văn lặng tờ như hóa đá. Nghệ thuật luôn là một thách đố oái oăm. Một khi đã sáng tỏ, đã rõ ràng, cái đẹp sẽ không còn lý do tồn tại. Có thể là như thế lắm. Nhưng cũng rất có thể, như trường hợp của ông lúc này đây, nghệ sĩ bó tay bởi cơn bối rối trong xúc động thác đổ trước cái đối tượng mỗi lúc một trở nên mê hoặc vì sự bí ẩn của nó. Cái đẹp bao giờ cũng phong phú; tĩnh lặng bao giờ cũng sâu sắc hơn huyên náo, ồn ào.
Rơi vào trạng thái rối bời, quên bẵng cuốn tiểu thuyết đang viết sắp xong, ông Dậu bắt tay vào phác thảo cuốn thứ hai. Nhưng, một đêm ông thức giấc ba bốn lần, ngồi vào bàn viết, rồi lại bật trở lại, ôm đầu phủ phục trên giường. “Phải suốt cả quãng đời còn lại sống lặng lẽ, nghiền ngẫm, may ra ta mới có sáng tạo được một cái gì đó ra hồn. Ta chẳng hiểu cái gì cả. Giờ đây chìm trong yên tĩnh, ta mới hiểu là ta chẳng hiểu cái gì cả, cái cuộc đời bình dị khiêm nhường mà nhẫn nại ghê gớm này”.
Nhà văn sống trong mê man và bất lực.
Một ngày kia, ông sực nhớ đến người bạn duy nhất ở nhà an dưỡng với mình là Yên, thì vừa lúc Yên đến gõ cửa buồng ông.
– Ủa, anh xách va-ly đi đâu?
– Tôi đến chào anh.
– Kìa, anh mới ở đây chưa đầy tháng.
– Tôi cần phải về anh ạ.
– Sao lại thế hả anh?
– Thưa anh. Tôi chỉ là một ông giáo dạy văn trong chiến tranh đã từng đi bộ đội, bị thương và được tiêu chuẩn nghỉ an dưỡng ở nơi thiên đường này. Nhưng, nhà văn ơi, cũng giống như anh, kỳ lạ thế đấy, trong cái không khí yên tĩnh gần như tuyệt đối này, tôi nhận ra biết bao điều kỳ diệu và tôi bỗng thấy phải xa nơi này, không thể chậm trễ hơn nữa, để bắt đầu một cái gì đó hệ trọng trong công việc của mình.
Hai người đi ra sân. Trời thoảng hơi sương nhẹ, mang mang một nỗi buồn xa cách. Yên bình tư lự từ những ngọn thông già rót xuống, tràn trên thảm hoa tươi quanh khu nhà.
Dừng lại ở cánh cổng còn đóng, Yên quay lại, nhận ra cô bé Phương trong cái áo măng-tô hồng đang từ căn nhà phụ của tòa nhà hấp tấp chạy ra.
– Bác Yên, cháu có lỗi với bác!
– Sao cháu nói vậy?
– Bác bỏ cháu! Bác không hài lòng về nhà nghỉ của cháu!
Yên cầm tay cô bé, hai mắt trũng sâu, nhưng tươi rói nhìn ông Dậu:
– Ở đây, chẳng đêm nào tôi ngủ đẫy giấc cả. Tôi đã thật sự biến thành người khác rồi.
Phương phụng phịu:
– Hai bác kỳ thiệt. Đi nghỉ mà chẳng nghỉ gì hết là thế nào!
Yên cười khe khẽ:
–  Ô, chưa bao giờ bác được sống những ngày có ý nghĩa như vừa rồi đấy. Bác không phải là nhà văn, nhưng bác cũng có thể nói như bác Dậu, bác cũng đã bắt gặp được phút giây thiêng. Bác cũng giống như ông họa sĩ nọ, hoàn toàn bối rối vì ứ đầy cảm xúc, không thể vẽ được cái gì sau một tuần ở đây. Và cháu có biết không, thêm nữa, bác rất vui vì cháu đã đỗ vào đại học. Nào bác cháu ta hát đi: Ngày mai anh sẽ xa Đà Lạt. Thành phố buồn trả lại cho em.
Và xoay người về phía bờ rào vườn hoa, Yên bước nhanh tới đó, rồi trở lại với đóa hoa hồng vàng tươi mởn trên tay. Phương đã không chịu nổi trạng thái biệt ly, ngầm ẩn những cảm xúc lớn lao, bỏ chạy vào nhà. Yên đưa bông hoa cho ông Dậu:
– Anh tặng Nghĩa hộ tôi. Chúc anh nhiều may mắn.
Dưới lòng đường, một chiếc taxi màu cánh chả đã mở cửa đón đợi. Bắt tay nhà văn, Yên chui vào xe. Ở hàng ghế sau đã có hai vị khách. Dưới chân họ là những giò phong lan đang nở hoa. Trên tay họ, thược dược và cúc đại đóa. Những bông hoa không biết nói, nhưng gợi buồn ghê gớm.
Chiếc xe lăn bánh, dường như không cần một nỗ lực nào. Không tiếng máy nổ, không tiếng còi bấm. Chiếc xe đi trong không gian tĩnh lặng trong suốt và mênh mông...
Chú thích:
(1) Nhà văn Nguyễn Dậu (1930-2002).
26/7/2014
Ma Văn Kháng
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...