Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Người đàn bà trước biển

Người đàn bà trước biển

Thương ai rồi lại nhớ ai
Mắt buồn rười rượi như khoai mới trồng
(Ca dao)
– Cô ơi! Mua giùm con đi cô!
Con bé cột tóc đuôi gà, tay bê cái mẹt thuốc với linh tinh các thứ kẹo, đậu phộng, hộp quẹt. Thấy nó rảo cẳng lượn lờ mời khách, người đàn bà đang ngồi bó gối trên cát động lòng thương cảm. Con cái nhà ai mới tí tuổi đầu mà đã phải lo bươn chải kiếm sống rồi không biết? Tuy vẫn còn thuốc lá nhưng nàng vẫn lấy cho nó một gói Everest, loại thuốc có vị bạc hà dành riêng cho phái nữ. Con bé lí nhí nói lời cảm ơn, nét mặt nó có phần như tươi tắn hơn trong loang láng ánh trăng tãi đầy bãi biển. Đi được chừng dăm bước, con bé kín đáo ngoái lại quan sát người đàn bà vừa mua hàng, nó thấy cô ấy có vẻ lạ lùng đến mức bí hiểm. Phàm là khách du lịch chẳng ai lại đi một mình, nhất là đàn bà con gái. Chọn mùa nào không chọn lại nhè cái mùa biển động mà đến, thiệt lạ. Từ chập tối hôm qua nó đã thấy cô ấy có mặt ở đây rồi. Nó chứng kiến cái cảnh một gã đàn ông nhăn nhở lượn vo ve xung quanh cô ấy. “Ôi, cưng sao mà buồn vậy? Đi với anh không? Cho anh ngồi với nhé!”. Gã sán vào quàng tay lên vai cô ấy tính giở trò sàm sỡ. Chớp mắt nó nhìn thấy gã đàn ông ngã sóng xoài trên cát. “Cút!”.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Không phải là hạng gái qua đường, cũng không hò hẹn cặp bồ với tình nhân, cô ấy là loại người gì vậy? Hay là một bà khùng khùng điên điên chán chồng con ra đây chờ đâm đầu xuống biển? Vô lý, nghe giọng nói nó biết cô ấy là một người rất hiền, không có bất cứ dấu hiệu nào của kẻ chán sống cả. Chịu. Con bé vừa bán hàng nhưng con mắt vẫn tò mò dõi theo từng cử chỉ của người đàn bà.
Gần chục năm nay, Nhơn mới quay trở lại xứ thùy dương cát trắng này, dù nó chỉ cách cái thành phố đô hội nơi nàng đang sinh sống chỉ một cuốc tàu đêm. Công việc của một người nghệ sĩ nói rằng bận thì cũng bận tối mắt tối mũi, nhưng lắm khi lại nhàn tênh và trống rỗng đến vô hồn. Nhơn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cuộc đời của nàng là những chuyến đi săn tìm cái Đẹp. Dịp hè vừa qua, nàng khăn gói theo đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ trong rừng Sác rồi chiến khu Đ. Tìm mộ trên đất liền đã khó nay phải lội mò mẫm tìm kiếm ở cả những nơi ngập nước lại càng bội phần cực hơn. Chứng kiến cái cảnh anh em trong đội quy tập lăn lộn làm việc, ống kính của nàng đã nhòa đi không biết bao lần. Kết quả chuyến đi ấy đủ cho nàng tổ chức một triển lãm ảnh được bạn bè và đồng nghiệp đánh giá cao. Từ khi trở thành một tay máy chuyên nghiệp, Nhơn đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia lẫn quốc tế. Nhưng vẻ như càng vinh quang, nàng càng cảm thấy cô đơn. Không gì có thể xóa được nỗi đau đã thành sẹo trong tim nàng.
Nỗi ám ảnh khiến nàng sinh ra mộng mị liên miên. Nhiều đêm nàng mơ thấy anh như hồi hai đứa mới yêu nhau. Chính trên bãi biển này đây, nàng ngồi trong lòng anh nghịch cát và nói những dự cảm về tương lai. Toàn thân họ đẫm ánh trăng và tóc nàng bay rối ram ráp mùi nước biển. Nằm trong vòng tay của chồng nhưng óc nàng lại thầm thì gọi tên anh. Cũng may Tân là một người chồng độ lượng và có phần vô tâm, hễ cứ đặt lưng xuống giường là ngủ liền một mạch. Khi Nhơn thông báo là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố mời nàng tham gia chuyến đi sáng tác dọc miền Trung, chồng nàng ủng hộ ngay. Nàng biết ơn người chồng đã tạo điều kiện để nàng dấn thân trên con đường nghệ thuật. Sau nhiều năm chạy trốn, Nhơn quyết định trở về cái nơi mà nàng đã có anh và mất anh vĩnh viễn. Hạnh phúc với nàng cũng giống như một vệt sao băng, chỉ lóe sáng trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi tan biến giữa thinh không vời vợi.
Lẽ ra nếu cuộc đời cứ bình lặng trôi đi và chấp nhận số phận thì nàng đã là một cô giáo có thâm niên hai mươi năm đứng trên bục giảng. Nhưng số phận nghiệt ngã đã kéo nàng rẽ sang một hướng khác. Hồi ấy, nàng là sinh viên khoa Toán của trường Cao đẳng Sư phạm, trẻ đẹp và nhiều mộng ước. Nàng gặp và làm quen với Thiều trong một lần giao lưu văn nghệ giữa Đoàn trường với trung đoàn không quân nhân ngày thành lập quân đội 22-12. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc Thiều ôm cây đàn guitar đệm cho nàng hát bài “Hành khúc ngày và đêm”.
Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ
Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương…
Theo lời nhận xét của bạn bè thì họ đã hóa thân đến độ ai cũng ngỡ ấy là hai người trong cuộc. Giữa anh lính và cô giáo là sự xa cách, nhung nhớ. Về sau mỗi lần nhớ lại nàng tự nhủ hình như đó là cái điềm báo trước vậy. Vừa mới quen nhau mà đã nói đến biệt ly, cách trở. Hồi ấy, không khí của hai cuộc chiến tranh biên giới đã khiến cho con người nhích lại gần nhau hơn và sống có trách nhiệm hơn. Phút chốc con người ta có thể dễ dàng quên đi bao nỗi nhọc nhằn thiếu thốn thường ngày. Mỗi tối thứ bảy, Thiều tới xin phép bố mẹ đón nàng đi chơi. Vẫn trên bãi biển này, chỗ nàng đương ngồi bây giờ, khi chiếc xe đạp Phượng Hoàng chưa kịp tựa vững vào gốc cây dương thì họ đã lao vào nhau. Những chiếc hôn dài say đắm giống như những ngọn sóng bất tận tràn lên bờ cát. Nàng ngây ngất kêu lên:
– Từ từ anh, khéo làm em chết ngạt bây giờ.
Mỗi lần đi chơi bao giờ anh cũng mang cho nàng một ít trái cây, lúc thì chùm nho, chùm mận, khi là mấy quả măng cụt hoặc lọ sấu chín của gia đình gửi vào từ Hà Nội. Anh cười bảo nàng không khéo mai này con cái chúng mình ra bãi biển lại bắt gặp cả một rừng nho cũng nên. Nàng thích đến lịm người. Thiều là mối tình đầu của nàng. Dường như cả vũ trụ đều thu lại trong một không gian nhỏ hẹp, chỉ tồn tại có hai người.
Lễ cưới của hai người được tổ chức ngay sau khi nàng vừa tốt nghiệp. Là vợ bộ đội, vợ của một phi công chiến đấu, cô giáo Nhơn được phân công về một trường cấp hai ngay trong thành phố biển. Nàng là con một của một gia đình đi tập kết trở về. Bố mẹ nàng đều rất quý chuộng chàng rể. Mặc dù các cụ coi Thiều như con trai nhưng họ vẫn xin được ra ở riêng trong khu tập thể của đơn vị.
Lần đầu tiên nàng thấy trong người có dấu hiệu khác thường, mỏi mệt. Tình yêu của hai người đã bắt đầu đơm hoa, kết trái. Nàng hồi hộp chờ đợi mãi đến gần tháng thứ ba mới dám thông báo cho anh. Nàng nhớ vẻ mặt của anh lúc ấy như dại đi, niềm vui khiến anh giống như một cậu học trò vừa được cô giáo cho điểm tốt. Sự thay đổi lớn bên trong cơ thể làm cho nàng bỗng nhiên trở tính, dễ khóc dễ cười và hờn dỗi như trẻ con. Có lần đương đêm nàng trằn trọc rất bất thần thở dài. Anh dỗ dành: “Có chuyện gì vậy?”. Nàng bảo: “Tự nhiên em thấy thèm một ly chè đậu thật nóng”. Những tưởng Thiều sẽ cáu, nhưng không, anh sốt sắng: “Có ngay! Em ráng chờ chút, nghe!”. Thế là anh tất bật nhào xuống bếp nhóm lửa. Nửa giờ sau, anh mang chè lên thì nàng đã ngủ vùi tự lúc nào. Lại có hôm chủ nhật, buổi sáng vừa thức dậy, nàng nhìn anh: “Lâu rồi chưa được ăn bữa sò huyết nào. Em thèm muốn đứt gân cổ”. Thế là anh lại lóc cóc đi chợ lùng mua cả mớ sò về rửa sạch rồi đem thả vào nước sôi, làm muối tiêu vắt chanh cẩn thận nhưng nàng chỉ đụng có mấy con rồi thôi. Nàng nhắm tít mắt: “Sao ghê thế! Em thấy nó đỏ lòm như máu”. Thiều đành phải kêu mấy ông bạn hàng xóm đến nhậu để giải quyết “hậu quả chiến tranh”.
Mẹ nàng biết chuyện, bà liền tế cho con gái một chặp: “Mày hành nó một vừa hai phải thôi con ạ. Đừng thấy chồng hiền đòi xỏ chân vô lỗ mũi. Thích ăn gì cứ bảo với tao một câu, để sức cho nó còn bay trên trời nữa chớ”.
Anh chiều chuộng nàng hết mực. Cái mầm sống trong cơ thể nàng cứ lớn dần từng ngày. Nhiều lúc nó quẫy đạp mạnh khiến nàng muốn té xỉu. Một lần trong đêm khi hai người nằm úp mặt vào nhau, anh ve vuốt cái bụng của nàng và hỏi: “Em thích con trai hay con gái?”. Mắt nàng sáng lên: “Con trai!” Anh cười hiền. “Ừ, anh cũng vậy, nhưng em biết không, dân pilot phần đông đều là ông ngoại cả đấy”. Nàng dí ngón tay lên trán anh: “Thế ông ngoại thì làm sao?”. “Thì tốt, đồ ngoại thứ gì chả tốt!”. Nàng khanh khách cười. “Nhưng anh là trường hợp ngoại lệ. Em sẽ đẻ cho anh một hoàng tử”.
Sang tháng thứ bảy, nàng vác cái bụng bầu lặc lè xin nghỉ phép trước để còn lo chuẩn bị. Thiều vẫn bận bịu với công việc bay huấn luyện, có khi anh trực chiến liên tục cả tuần. Từ khi làm vợ anh, nàng bắt đầu để ý đến tiếng máy bay hàng ngày, đang bay hễ thấy bầu trời ắng ngắt một lúc là nàng đã thấy thót tim. Cuối buổi, anh về nàng đem chuyện thắc mắc ra hỏi. Anh cười hiền, phô hai hàm răng trắng nõn đều tăm tắp. “Thì bay hết chuyến bao giờ cũng có nghỉ giữa ca để phi công ăn nhẹ, lấy sức ấy mà. Chuyện thường có gì đâu mà em phải lo”. Lại hỏi: “Thế ăn những gì?”. Nàng tròn mắt nghe anh bảo chỉ có ổ bánh mì với chút sữa, thêm quả chuối hoặc ly chè đậu xanh thôi. Cái nghề lên trời nào có nhàn hạ gì cho cam, căng thẳng và quần quật cứ như bổ củi ấy chứ. Nàng ái ngại. “Anh phải ráng giữ gìn sức khỏe, không phải lo gì cho mẹ con em”. Như là một cách chuộc lỗi, nàng siêng đi chợ hơn và chịu khó chế biến để bữa cơm anh ăn được ngon miệng. Thiều bảo anh thật hạnh phúc vì có một người vợ vừa thông minh, xinh đẹp lại vừa giỏi nấu nướng chớ không như mấy ông bạn cùng phi đội, các bà vợ của họ chỉ lái phi công[1] là giỏi và thường quen chém to kho mặn, chán chết.
Nàng nhớ như in cái ngày định mệnh hôm ấy. Buổi chiều hôm trước lúc cuối giờ anh không ở lại chơi bóng chuyền như mọi bận mà đạp xe về sớm. Hai vợ chồng lên nhà bố mẹ nàng ăn cơm. Anh ngồi nói chuyện thời sự cho bố nàng nghe, hai ông con có vẻ tâm đắc lắm. Tối về, nàng ngạc nhiên thấy anh lôi tập album hình cưới ra xem và điểm mặt bạn bè. Anh bảo: “Tụi mình đứng lộn. Phải là nam tả nữ hữu mới đúng chớ”. Sau này vài lần có dịp cầm máy chụp hình đám cưới giúp cho những chỗ thân thiết, sực nhớ lời anh tự nhiên nước mắt nàng cứ ứa ra.
Hằng tháng số đường, sữa tiêu chuẩn anh dành dụm mang về hết để dành cho con. Anh dặn nàng phải sắp sẵn những đồ dùng cần thiết cho vào một cái giỏ, để khi cần là có thể đến bệnh viện được ngay. “Hay để anh nhờ mẹ lên trông chừng. Có mẹ bên em thì anh đỡ lo”… Anh gợi ý nhưng nàng cười xòa. “Gần hai tháng nữa, còn tha hồ anh ạ”. Khi áp tai lên bụng nàng để nghe cái thai chòi đạp, anh thì thầm. “Con nó đang đòi ra để gặp mặt bố đấy em ạ”. Quả thật đó là những giây phút êm đềm bên anh, nàng cảm thấy cả thế gian này ngập tràn hạnh phúc, không còn chiến tranh và cũng chẳng có chia ly…
Bốn giờ sáng, Thiều thức dậy đánh răng rửa mặt. Trước khi dắt xe ra khỏi nhà, anh còn ghé lại bên giường hôn nàng và dém sửa mùng mền. Rồi lặng lẽ khép cửa và khóa cổng. Nàng nghe thấy tiếng ổ khóa U.S kêu đánh tách một cái khô khốc. Anh phải vào trung đoàn sớm để kịp triển khai bay. Nàng cũng chỉ nằm thêm được một lúc cho tới khi chuyến bay khí tượng bắt đầu. Tiếng động cơ máy bay L.39 giòn giã khua náo động cả bình minh, dễ thường nó phải đánh thức đến phân nửa cư dân thành phố chớ không ít. Bản hòa tấu của một ngày mới mở đầu bằng tiếng xe lam bành bạch, lặc lè. Tiếng xe ngựa gõ móng lóc cóc trên con đường biển…
Nàng chậm chạp bước ra sân thuận tay đưa vài nhát chổi, thỉnh thoảng lại ngừng để đấm lưng. Tiếng máy bay khiến nàng phải ngước lên nhìn trời. Hai chiếc đầu nhọn đang vun vút nối đuôi nhau bỗng ngoặt phải vòng ra phía biển. Ngày thường, những lúc rảnh rỗi anh từng giảng giải cho nàng hiểu thế nào là bay vòng kín, bay biên đội đường dài, bay chặn kích… Nàng nghe nhưng rồi lẫn lộn lung tung cả. “Chịu thôi, em có bay đâu mà em phải nhớ!”. Có lần nàng nửa đùa nửa thật bảo anh thu xếp cho nàng “quá giang” một chuyến để thỏa sức ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Anh cười mà rằng nếu còn bay thứ “cào cào” của Mỹ như trước đây thì dễ ợt. Loại T.41, U.17 tuy nhỏ nhưng buồng lái khá rộng có thể nhét được bốn người. Thi thoảng gặp hôm đẹp trời bọn anh vẫn lén cho cánh thợ máy phới một vòng. Giờ bay phản lực thì chào thua.
Trở vào nhà, nàng kéo ghế ngồi định bụng sẽ khâu nốt chiếc áo cho con nhưng tâm trí nàng lại để tận đẩu đâu. Hai lần mũi kim bập vào ngón tay đau nhói. Nàng kinh hãi nhìn giọt máu rớt tóe xuống sàn xi măng. Cái thai chòi đạp mạnh. Nàng chới với ngừng tay khâu ôm lấy cái bụng nhòn nhọn. Và thẫn thờ. Ôi, giá như có Thiều ở nhà. Nhưng anh ấy lại đương ở trên trời. Nàng nhìn lên vách. Kim đồng hồ dường như đứng yên không nhúc nhích. Lúc ấy là 9 giờ sáng. Ồ, tại sao bỗng dưng lại im bặt tiếng máy bay thế nhỉ? Có khi lại nghỉ giữa ca đấy thôi. Nàng tự trấn an mình bằng cách ngả ra giường nhưng liền đó lại đứng dậy ngay. Linh cảm thấy có chuyện gì đó không bình thường, nàng đi xuống phía sau nhà nơi có bức tường thấp ngăn cách với sân bay để nghe ngóng. Nàng có cảm giác mọi vật bỗng dưng như đang chết lịm. Nán thêm chút nữa, nàng ngó thấy một chiếc UAZ (U-oát) đang lao xồng xộc, tiếp theo là xe đạp rồi cả người chạy bộ băng về phía trung đoàn. Những câu hỏi chen nhau, hấp tấp:
– Mấy, mấy chiếc? Bị chỗ nào?
– Một! Mất liên lạc rồi. Biết chỗ nào thì còn nói làm gì?
Vòm trời sa sầm lại. Từ đâu bỗng đùn ra những đám mây đùng đục màu nước hến. Tiếng trực thăng phành phạch hối hả lướt qua khu nhà của nàng băng ra biển. Ruột gan nàng như có lửa đốt. Khi nhìn thấy chiếc xe Jeep lùn của trung đoàn đỗ xịch trước cổng khu tập thể, nàng khụy xuống bất tỉnh.
Sau này bạn bè kể rằng hôm ấy là ngày biển động dữ dội. Tràn bờ mênh mông, biển đỏ đục một màu nước mắm. Sóng lưỡi búa chồm lên từng đợt vô hồn, vỡ vụn trên cát. Bằng mắt thường thật khó mà xác định được vị trí của chiếc máy bay vừa lâm nạn. Chiếc trực thăng Mi-8 quần đảo là là gần sát mặt nước sục sạo, rồi hai chiếc tàu của Hải quân đi rà quét… nhưng thảy đều vô vọng. Ngày thứ ba cuộc tìm kiếm kết thúc với con số không. Nàng đã tuyệt vọng và đẻ non. Đứa trẻ thiếu tháng phải nuôi trong lồng kính. Đó chính là thằng Phi bây giờ. Tội nghiệp anh chưa được nhìn thấy mặt con. Anh bảo nếu sinh con gái thì đặt tên Yến Nhi, nghĩa là chim én của mùa xuân, con trai thì đặt là Phi. Những cái tên liên quan đến bầu trời…
Thôi nôi cho thằng Phi xong, bố mẹ nàng bán nhà dọn vào Sài Gòn. Nàng bỏ luôn nghề dạy học ở nhà mở quán bán cháo lòng. Thật là duyên kỳ ngộ. Quán của nàng có khá nhiều văn nghệ sĩ lui tới. Một phần vì nàng đẹp và có đôi mắt vời vợi như hồ nước xa xăm. Gái một con trông mòn con mắt. Phần khác là quán sá tinh tươm, cháo ngon tuyệt và nàng lại biết chiều khách. Những bài thơ nàng chép trong sổ tay tình cờ được một ông nhà thơ phát hiện và chúng lần lượt xuất hiện trên nhiều tờ báo. Lắm kẻ a dua xúm vào tâng bốc nàng như một “hiện tượng” văn học. Điều ấy khiến nàng thao thức hằng đêm cặm cụi cùng trang giấy. Nhưng cha nàng, một người đàn ông thấu trải việc đời biết chuyện. Ông bảo với nàng cứ theo thiển ý của cha thì đàn ông theo nghiệp văn đã khốn khổ, đàn bà dính vào lại còn khổ hơn. Văn chương là nghiệp đa đoan, không đùa với nó được đâu, con ạ. Trong thâm tâm nàng cũng tự biết lượng sức mình và dừng lại đúng lúc.
Cuộc đời nàng rẽ sang hướng khác từ khi gặp Tân. Anh là một đạo diễn điện ảnh tiếng tăm nổi như cồn nhưng lại thất bại trong hôn nhân. Thoạt đầu Tân mời nàng vào vai một nhân vật nữ có đời sống nội tâm dữ dội trong một bộ phim của anh, nhưng nàng nhất định từ chối. “Đến mấy cô người mẫu uốn éo trước ống kính còn thành diễn viên huống nữa là người thông minh như em”. Tân nài nỉ.  “Nhưng em không cái tài ấy. Chịu thôi!”.
Một lần, hai người đi xem triển lãm ảnh, thấy nàng có vẻ say mê môn nghệ thuật này, Tân đã mua tặng nàng một chiếc Pentax. Anh đưa nàng đến dự một lớp học nhiếp ảnh ngắn ngày do nhà văn hóa quận tổ chức. Được các nghệ sĩ lão thành tận tình hướng dẫn, nàng tiến bộ rất nhanh. Ban đầu chỉ là chụp chơi, nhưng rồi cái nhu cầu muốn khám phá bí ẩn nghề nghiệp đã thôi thúc nàng dấn bước. Nàng lang thang ra ngoại thành chụp phong cảnh, đến cả những công trường, xưởng máy… để tìm cảm hứng. Phát hiện ra năng khiếu nghệ thuật của nàng, Tân đã hết lời khích lệ động viên. Anh chia sẻ với nàng cả những khi nàng thất bại, nản lòng. Có lẽ xuất phát từ sự biết ơn và lòng kính trọng, ngưỡng mộ mà nàng nhận lời chung sống với Tân. Hơn chục năm lăn lộn với nghề, nàng gặt hái được một số thành công và cũng nếm trải không ít gian nan, thậm chí nhiều phen cơ cực. Những chuyến đi thực tế dài ngày bao giờ cũng là thử thách nghiệt ngã đối với người cầm máy, nhất là phụ nữ.
Say nghề và có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, đó là nhận xét của đồng nghiệp giành cho nàng. Sau một loạt tác phẩm được giới thiệu cả trong và ngoài nước, đặc biệt là triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đất nước và người lính” gây được tiếng vang, nàng được phong tước hiệu A. FIAP. Rồi tivi dành hẳn một thiên phóng sự nói về công việc thầm lặng của nàng. Bạn bè đồng nghiệp gọi điện, gửi hoa chúc mừng, nhưng sâu thẳm trong cõi lòng nàng vẫn thấy buồn rười rượi. Ai đó từng nói rằng với một người đàn bà thì chẳng có vinh quang nào sánh nổi tình yêu và hạnh phúc gia đình. Thiếu hai thứ đó thì dẫu có làm đến tổng thống thì họ vẫn là người đàn bà bất hạnh. Bây giờ nàng sẵn sàng đánh đổi tất cả để có Thiều, người đàn ông mà nàng yêu dấu nhất đời.
Chớp mắt, thằng Phi đã là một chàng trai hai mươi tuổi, cao lớn vạm vỡ. Nó đương học năm thứ ba đại học khoa học. Ai cũng bảo thằng Phi là bản sao hoàn hảo của bố nó. Mỗi lần nhìn ngắm đứa con trai, lòng nàng quặn đau nhớ đến người đàn ông đầu đời. Thằng Phi đã hỏi ông bà ngoại, và hỏi nàng rất nhiều về người cha. Trên bàn học của nó luôn có bức ảnh Thiều đang ngồi trong buồng lái máy bay, miệng nở nụ cười tươi. Có lần vào dịp hè, thằng bé một hai đòi nàng dẫn về N. để đi viếng mộ bố. Nàng phát hoảng lên và phải năn nỉ mãi nó mới chịu đổi ý. Chưa bao giờ nàng đủ can đảm để nói hết cái sự thật đau lòng kia với đứa con tội nghiệp.
Chiếc tàu nhỏ của Công ty Du lịch đưa nàng cùng các đồng nghiệp ra thăm các đảo cách xa thành phố trên chục cây số. Lúc ngang qua tọa độ X. nơi mũi Kê làm thành một đường vuông góc với đảo Rùa, nàng bỗng phát hiện ra một sự lạ. Bên trái mạn tàu có một vệt nước màu đen thẫm nom như hình một chú cá heo đang sải cánh. Cô bạn đồng nghiệp cùng đi với nàng buột miệng: “Ôi, sao trông nó giống chiếc thủy phi cơ vậy?”. Nàng liếc nhìn tay trái, kim đồng hồ chỉ 9 giờ. Đúng vào cái thời khắc máy bay của Thiều lâm nạn. Nàng lảo đảo ôm ngực đổ xuống ghế. Lúc quay về, con tàu vẫn theo luồng lạch cũ, nàng đã mỏi mắt nhìn nhưng tịnh không thấy gì. Biển vẫn thăm thẳm một màu xanh bí hiểm.
Lòng đầy nghi hoặc, hôm sau, nàng lại cùng lại đồng nghiệp ra đảo. Vẫn giờ ấy, lần này thì cả đoàn đều nhất loạt kêu lên xác nhận phát hiện của nàng. Sau khi dò hỏi các ngư dân đánh cá lão luyện người ta cho biết chỗ ấy độ sâu đến cả trăm thước chớ không ít. Thợ lặn bình thường không thể nào với tới. Muốn lặn được phải có thiết bị dưỡng khí, quần áo bảo hộ có độ an toàn cao. Nghe nói mấy năm trước ở vùng biển ngoài khơi Hội An người ta đã thuê thợ lặn nước ngoài trục vớt được cả một con tàu chở đầy đồ cổ, đem bán đấu giá thu bộn tiền. Liệu có thể kiến nghị với cấp trên thuê họ chăng?
Nàng đi kiếm những người bạn cũ của Thiều đều là cánh phi công cả, giờ họ đang giữ các cương vị quan trọng ở trung đoàn bay. Nghe nàng trình bày nguyện vọng, ai cũng tỏ ra thông cảm và tìm cách an ủi nàng. Rằng ngần ấy năm rồi làm gì có chuyện đó, có thể do nàng quá thương nhớ mà bị ảo giác đánh lừa chăng? “Không! Không thể! Đâu phải chỉ có mình em”. Nàng cả quyết. Họ khuyên nàng làm đơn trình bày chính kiến của mình gửi lên cấp trên. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, của nhiều người thì may ra mới có hy vọng. Nàng thở dài và hiểu thế nào là lực bất tòng tâm.
Tháng trước, xem tivi nàng thấy thương và đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ Nga có chồng, con là thủy thủ hy sinh trên chiếc tàu ngầm Cuốc ở vùng biển Baren. Nỗi đau giữa thời bình của những người vợ lính là nỗi đau vô bờ bến vì nó được nhân lên bội phần so với thời chiến tranh. Giờ đây các đồng nghiệp của nàng, người trở về thành phố, người tiếp tục hành trình ra các tỉnh miền Trung. Sau khi lên chùa thắp nhang cầu nguyện, nàng quyết định ở lại thêm một đêm và thuê một phòng trọ bình dân ngay trước bãi biển nơi ngày xưa hai người vẫn hò hẹn.  Nàng muốn được trò chuyện cùng anh, muốn được bên anh dù chỉ là trong mơ hồ.
– Cô gì ơi! Có người tìm cô đây này.
Tiếng con bé bán hàng rong thì phải? Nàng nhỏm dậy ngơ ngác đưa tay dụi tắt điếu thuốc. Quanh nàng vẫn chẳng có ai ngoài những cặp tình nhân đang xoắn bện vào nhau, oằn oại trên cát. Nàng lặng lẽ trở về phòng trọ. Cảm giác như có một bàn tay ai vừa đặt nhẹ lên đôi vai gầy của nàng. Một ngọn gió từ ngoài khơi tuông vào như hơi thở nồng nàn, ấm sực. Không chịu nổi, nàng từ từ ngoái lại, đôi môi mấp mấy thành lời. “Thiều ơi!”…
Chú thích:
[1] Ý nói điều khiển chồng.
Nha Trang, 8/12/2000
Nguyễn Minh Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...