Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch: Cần nhận diện chiến tranh để không được phép lặp lại

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch: Cần nhận diện
chiến tranh để không được phép lặp lại

Từ Nguyên Thạch tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 1980, từng dạy học, làm báo và hiện nghỉ hưu tại TPHCM. Ông đã xuất bản các tác phẩm: Miền đất tôi yêu (tập thơ – 1989), Bài hát buồn (tập thơ – 1990), Tình người cách ly (truyện dài – 2020) và mới nhất là tập truyện ngắn và ký Hai bên chiến tuyến (NXB Tổng hợp TPHCM – 2022) viết về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhà thơ Từ Nguyên Thạch
Nhận xét về cuốn Hai bên chiến tuyến của Từ Nguyên Thạch, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương trong lời bạt có viết rằng: “Mặc dù là nhà thơ lâu năm trước khi viết truyện, Từ Nguyên Thạch không đem chất thơ phả sương mù làm nhòa đi sự dữ dội của chiến tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những thảm kịch kết thúc một cách đau đớn như chuyện tình ngang trái của Hoa và Doan (Chạy trốn), tình cảnh bi đát của gia đình Vinh và Hải (Chiếc xe đạp trúng thưởng) và số phận bất hạnh của o The (O The), ngòi bút Từ Nguyên Thạch đã an ủi chúng ta với những happy-ends trong Đá nở hoa, Mùi củ cải trắng, Đôi nạng gỗ đi qua thành phố. Con người không thể thiếu hy vọng để mà sống, huống chi đó không phải là trí tưởng tượng lãng mạn mà là một khía cạnh của chính sự thật cuộc đời. Thì chính câu chuyện gia đình của tác giả đó thôi: mẹ con, chị em đã đoàn tụ vẹn tròn sau 21 năm chia xa, cách trở…”
Về tác phẩm văn xuôi mới trình làng của mình, nhà thơ Từ Nguyên Thạch bày tỏ:
– Tôi chủ yếu viết báo. Hơn 30 năm viết báo như nghề kiếm sống. Thỉnh thoảng dư chút thì giờ thì làm thơ, viết truyện. Về hưu năm 2019, có thời gian xem lại các sáng tác, thấy có nhiều truyện ngắn viết về cuộc chiến đã qua, tôi góp lại cũng thấy vừa một tập truyện. Tôi xin nói thêm là tôi không thể viết một cuốn truyện chỉ dựa vào khả năng hư cấu của mình. Tôi chủ yếu viết dựa theo cảm xúc từ những hồi ức về những chuyện có thật, trong đó có nhiều hồi ức về chiến tranh. Có lẽ do tôi sống ở vùng đất có nhiều chiến tranh từ nhỏ nên bị ám ảnh.
* Trong sách thấy anh viết về hai anh em ở hai phía đối địch (Hai bên chiến tuyến; Mẹ ơi, chúng con đã về), người lính Cộng hòa không bắn vào anh du kích (Câu chuyện dưới hầm), người du kích già an táng hài cốt một người lính Cộng hòa (Chiếc lược và tấm thẻ bài)… Qua các câu chuyện này anh muốn nói lên điều gì?
– Thật ra tôi viết theo dòng cảm xúc bên trong. Có cảm xúc tôi mới viết được. Truyện Hai bên chiến tuyến lấy từ câu chuyện có thật của gia đình anh Lê Long- một người anh đồng nghiệp của tôi ở báo Người Lao Động. Anh tham gia Cách mạng từ thời sinh viên, sau đó vào R. Năm 1975 về tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn. Một lần anh rủ đến nhà anh ở quận 4 ăn giỗ. Khi anh đứng thắp nhang, tôi thấy trên bàn thờ ngoài di ảnh ba, người dì còn có người em kế. Đáng chú ý ảnh người em mặc áo lính Cộng hòa với ba bông mai trên ve áo. Anh cho biết người em là đại úy Biệt Động Quân.
Thật ra, câu chuyện hai anh em ở hai bên chiến tuyến không phải là cá biệt trong nhiều gia đình Việt Nam. Như chuyện gia đình tôi, cô ruột tôi có chồng là du kích trong khi ba tôi là lính Cộng hòa. Từ câu chuyện của gia đình, tôi viết truyện ký O the. Hay Câu chuyện dưới hầm cũng lấy từ một chuyện có thật trong chiến tranh. Một sĩ quan Cộng hòa phát hiện một chiến sĩ Cách mạng bị thương ở trong một căn hầm. Anh lính đã lén bỏ lại thức ăn, thuốc men để giúp người chiến sĩ Cách mạng qua cơn nguy kich. Truyện Má ơi, chúng con đã về cũng viết về hai anh em ruột ở hai phía… Qua các truyện này tôi muốn gửi đi một thông điệp là cùng chung tay thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Vì đó là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc: Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần; Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau; Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…
Tập sách “Hai bên chiến tuyến” của Từ Nguyên Thạch: “Dân tộc Việt Nam đã nếm trải và đau khổ nhiều vì chiến tranh. Nhưng không thích chiến tranh không có nghĩa là quên đi, không được nhớ lại. Mà ngược lại, phải ngoái lại để nhận diện một cách đầy đủ. Ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời có nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Những hy sinh, mất mát dù đau đớn, dằn vặt của ngày hôm qua không được phép quên. Nó cần được nhận diện để không được phép lặp lại”.
* Trong nhiều truyện của anh có nhân vật chính là người sĩ quan Cộng hòa đi học tập cải tạo (Đá nở hoa), thương phế binh chế độ cũ (Mùi củ cải trắng), lại có cả bộ đội thương binh từ chiến trường K về sống lây lất bên vỉa hè (Đôi nạng gỗ đi qua thành phố)…  Anh không sợ bị “chụp mũ” tuyên truyền cho cái xấu sao?
– Như tôi đã nói, các nhân vật của tôi hầu hết đều sao chép từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời. Khi đặt bút viết tôi không băn khoăn họ là nhân vật của phía bên này hay bên kia, mà tôi chỉ quan tâm họ là một con người với đầy đủ số phận sung sướng lẫn khổ đau cùng khát vọng được vươn lên làm người có cuộc sống lương thiện. Và tôi rất vui khi các nhân vật của tôi đã thuyết phục được những biên tập viên “khó tính” ở các nhà xuất bản để đến với công chúng.
* Có ý kiến cho rằng không nên nhắc lại chiến tranh, vì đó là quá khứ đau buồn. Ý kiến của anh?
– Vâng, chiến tranh là điều không ai mong muốn. Dân tộc Việt Nam đã nếm trải và đau khổ nhiều vì chiến tranh. Nhưng không thích chiến tranh không có nghĩa là quên đi, không được nhớ lại. Mà ngược lại, phải ngoái lại để nhận diện một cách đầy đủ. Ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời có nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Những hy sinh, mất mát dù đau đớn, dằn vặt của ngày hôm qua không được phép quên. Nó cần được nhận diện để không được phép lặp lại. Cũng như vết thương trên người bạn, nó cần được mổ xẻ mới có thể chữa lành. Nhớ lại những đau thương hôm qua để thấy hết giá trị của những ngày tháng hòa bình hôm nay.
* Văn học về đề tài chiến tranh thường được viết bởi các nhà văn chiến sĩ, rất ít “dân thường” như anh viết về đề tài này?
– Đúng là đề tài này là vốn sống của các nhà văn cầm súng, nhưng điều đó không ngăn cản những “dân thường” như tôi viết về nó. Tuy tôi chưa trực tiếp cầm súng nhưng tôi có những bạn bè đi lính mất trong chiến tranh, những người thân trong gia đình, trong dòng họ cầm súng ở cả hai phía. Bản thân tôi trực tiếp chứng kiến những trận đánh, máy bay ném bom, pháo bắn, những mất mát đau thương… Chừng đó thôi chiến tranh cũng đủ ám ảnh tôi, buộc tôi phải cầm bút. Mặt khác, viết về chiến tranh hiện nay còn nặng phần ngợi ca của “bên thắng cuộc” (làm sao mà không tránh được chủ quan) nên tôi muốn góp thêm cái nhìn của một dân thường ở đô thị miền Nam hay “vùng tạm chiếm” theo cách nói sau 1975. Và tôi nghĩ đó là điều cần thiết, vì nó làm cho cuộc chiến được nhìn một cách đầy đủ hơn.
* Với cách tiếp cận về đề tài chiến tranh như anh, xin hỏi anh có gặp khó khăn nào khi xuất bản không? 
Việc xuất bản được hay không tôi nghĩ cũng là điều bình thường trong sinh hoạt văn học. Nhưng tôi tin với chủ trương đổi mới mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, tôi nghĩ viết văn là chuyện tấc lòng gởi đến ngàn năm nên không nên nóng ruột.
* Xin cảm ơn và chúc ông mạnh khỏe, tiếp tục có nhiều sáng tác mới!
5/5/2022
PV
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hội rằm tháng tám Đêm rùng rùng dội ngực bởi từng hồi trống thị uy của lân to, lân nhỏ, lân nhỡ, lân vừa… Lân nào thì cũng rồng rắn kéo ...