Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Lê Hoài Nam: Cuộc hành quân không mỏi

Nhà văn Lê Hoài Nam:
Cuộc hành quân không mỏi

Nhà văn Lê Hoài Nam sinh năm 1953, tại Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nhân. Hiện ông là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội.
Xuất thân từ một người lính từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến ác liệt, nên dù sau này chuyển công tác và đã nghỉ hưu, nhà văn Lê Hoài Nam vẫn luôn trăn trở, day dứt đến số phận, cuộc đời của những người lính từ thời chiến đến thời bình. Với “vũ khí” là cây bút sắc bén, ông đã thổ lộ những tâm tư ấy vào trong những trang văn giàu cảm xúc của mình.
Nhà văn Lê Hoài Nam
Ám ảnh máu của đồng đội
Trong tư gia mới của mình ở quận Long Biên (Hà Nội), nhà văn Lê Hoài Nam hăm hở đón những vị khách từ trong thành phố ra. Đó là “chốn đi về” thứ hai mà ông sở hữu sau 11 năm rong ruổi cùng cậu con trai duy nhất và cũng là con út lên Thủ đô học đại học. Trên tay lướt chiếc smartphone, nhà văn khoe bức ảnh mới đăng lên facebook cùng 5 người bạn học trong Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du, từ trái qua phải là Nguyễn Thanh Kim, Y Phương, Trần Quang Quý, Đức Ban, Văn Chinh và Lê Hoài Nam. Tốt nghiệp ra trường đã 33 năm, những chàng sinh viên khóa 2 năm ấy giờ công bằng mà nói đã để lại những dấu ấn đậm đà trên bầu trời văn nghệ nước nhà. Người ít tuổi nhất trong số họ cũng trên dưới 60 tuổi nhưng những khát vọng sáng tác hầu như chưa hề thuyên giảm.
Đôi mắt rưng rưng khi nhớ về những năm tháng đã qua, nhà văn Lê Hoài Nam kể, trước khi bước vào con đường học tập chính quy, năm 16 tuổi, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn cam go ác liệt nhất, ông đã tự nguyện xin đi bộ đội và được chiến đấu tại Sư đoàn 305 Đặc công. Gia đình ông đã có hai người anh trai đang trong quân ngũ (sau này, một người hy sinh ở Huế, người còn lại cũng đã có giấy báo tử gửi về gia đình nhưng sau Hiệp định Paris mới vỡ lẽ bị địch bắt, giam cầm ở nhà tù Phú Quốc và tra tấn đến độ tàn phế).
Tuy thời gian trực tiếp cầm súng chiến đấu không dài, nhưng ông đã chứng kiến không ít lần sự ra đi của đồng đội trong những trận đối đầu với kẻ thù. Có những trận, đại đội của ông chỉ còn một phần quân số. Thậm chí, ông cũng không nhớ nổi mình đã cõng bao nhiêu đồng đội bị thương vào khu vực an toàn mà đến giờ mùi tanh của máu vẫn còn ám ảnh ông. Nhưng khi ấy còn quá trẻ, bút lực chưa vững, kiến văn chưa sâu rộng cho nên phải trải qua nhiều năm sau, những chất liệu sống ngồn ngộn ấy mới được đánh thức để ông sáng tác hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa đăng trên các báo và gộp lại trong tập “Hành trình của người lính”, xuất bản năm 2016, được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen cho tác phẩm về đề tài Thương binh – Liệt sĩ.
Bìa tiểu thuyết “Hạc hồng”, NXB Hội Nhà văn 2019, tập sách mới nhất của nhà văn Lê Hoài Nam.
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, lúc này đang là lính Hải quân, ông được điều ra đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) để sống cùng với những người lính thủy đánh bộ và pháo bờ biển. Sau chuyến đi dài ngày này, ông viết được một loạt truyện ngắn, bút ký chiến sự được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội như: “Những phút đầu mùa xuân”, “Biển dữ, biển lành”, “Nhà thơ của quần đảo”, “Chim biển”… Về sau, ông được đi học sĩ quan, hai năm sau trở thành cán bộ chính trị, chỉ huy đại đội. Nhưng rồi năng khiếu văn chương của ông ngày càng phát lộ, lãnh đạo quân chủng muốn ông trở thành một nhà văn chuyên nghiệp nên cho ông cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Hà Nội ôn thi và cả hai ông đều đỗ Trường Viết văn Nguyễn Du.
Không dẫm vào chân mình
Với cách kể chuyện dí dỏm, hài hước cùng những kiến thức dồi dào về nhiều lĩnh vực mà khi còn công tác ở Nam Định, ông được mời đến nói chuyện chuyên đề với các em sinh viên tại các khu lưu niệm Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Khuyến, chùa Cổ Lễ và nhà thờ Bùi Chu. Ông nói những điều không có trong giáo án của giảng viên, những chuyện không phải ai cũng biết về các nhà văn, nhà thơ quê hương. Đặc biệt, khi ông dẫn sinh viên vào nhà thờ Bùi Chu nói với các em về những điều cơ bản, cốt lõi của đạo Kito, nhiều đồng bào Công giáo đứng ngoài cửa xem, khoanh tay “kính chào Cha” khi ông bước ra vì ngỡ đâu ông là một vị linh mục mới từ Hà Nội về.
Những kiến thức về đạo Kito của nhà văn Lê Hoài Nam được thể hiện sâu rộng hơn, mới mẻ hơn, trong tập truyện ngắn “Bữa tiệc ly” (NXB Phụ nữ, 2014) và tiểu thuyết “Hạc hồng” (NXB Hội Nhà văn, 2019). Còn cuốn tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của ông được đông đảo bạn đọc đón nhận bởi “cách nhìn, cách viết về lịch sử rất mới mẻ”. Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản của bốn bộ phim truyện: “Trong nhà có chàng thiếu úy” (1997), “Mãnh lực phố phường” (1999), “Thầy giáo dạy văn” (2000), “Hương bạc hà” (2001). Các kịch bản đã được in thành tập “Một ngày và một đời” được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng cao nhất vào năm 2002.
Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà văn khác đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh ngày cận Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nối tiếp mạch cảm xúc về người lính trong các tác phẩm đã xuất bản như “Hành trình của người lính”, “Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn”, “Bến sông tuổi thơ”… trong “Hạc hồng”, Lê Hoài Nam đã “dựng” lên nhân vật và các sự kiện xoay quanh cuộc đời của người cựu binh trở về từ chiến trường. Dù bị “ép” phải về hưu trước tuổi nhưng với bản tính cương trực, thẳng thắn, không chịu luồn cúi, người lính ấy vẫn vững vàng đi lên. Trong tiểu thuyết “Hạc hồng”, tác giả đã vẽ lên bức tranh nhiều vẻ về một xã hội với những diễn biến phức tạp có sự đan xen giữa đạo và đời, điều tốt và cái xấu, cái chân thực và sự giả dối… với cách xử lý tình huống tài tình, hợp lý của nhà văn.
Dù cũng đã có tuổi, nhưng sự sáng tạo của nhà văn Lê Hoài Nam vẫn thật dồi dào. Mới đây, ông cùng các văn nghệ sĩ Thủ đô tham gia tọa đàm “Văn nghệ sĩ Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội” tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Rồi ngày cận Tết Canh Tý 2020, ông cùng các nhà văn đi thực tế sáng tác tại vùng mỏ Quảng Ninh. Ông bảo, xã hội đang phát triển rất nhanh, mình đi nhiều thì mới cảm nhận được nhịp sống của thời đại, tìm ra cái mới, cái độc đáo, thú vị để không ngừng làm mới bản thân và không cảm thấy hụt hơi trước bạn đọc. Hơn nữa trong văn học, nhà văn không được phép “dẫm vào chân người khác và càng không được dẫm lên chính vết chân mình”, nghĩa là mỗi tác phẩm lại phải hiến dâng cho bạn đọc một điều gì đó mới mẻ, không lặp lại những tác phẩm đã viết trước đó, luôn đem hơi thở của thời đại vào trong tác phẩm bằng những cách thể hiện mới lạ.
Có thể nói, cuộc đời Lê Hoài Nam là một cuộc hành quân không mỏi mà đích đến là những tác phẩm tâm huyết được bạn bè và công chúng ghi nhận.
19/10/2020
Ngô Khiêm - Hồng Hạnh
Nguồn: LĐO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...