Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Nhà văn Lê Phương - Người đi tìm bạn

Nhà văn Lê Phương
Người đi tìm bạn

Nhà văn Lê Phương (tên khai sinh: Nguyễn Văn Tiến) sinh ra ở làng Thiết Úng (tên Nôm là Làng Ống), xã Vân Hà huyện Đông Anh. Xa xưa vùng đất này thuộc Bắc Ninh, là nơi có nhiều di tích văn hoá tối cổ. Miền đất ấy vốn thuộc kinh đô Luy Lâu có trước Thăng Long cả ngàn năm, với trầm tích của tầng tầng văn hoá người Việt Châu thổ Sông Hồng.
Lứa chúng tôi thì biết chắc rằng ngôi làng nổi tiếng về nghề làm đồ gỗ đã có lịch sử mấy trăm năm, với những người thợ được phong nghệ nhân sớm nhất, và cách đó chỉ trên chục cây số là những chùa, đền, miếu cổ xưa như Phật Tích, Bút Tháp, Chùa Dâu… Rồi gần hơn là Dục Tú, nơi sinh ra những Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng…
Điều kỳ lạ là đủ tự hào vô cùng về quê hương xứ sở, nhưng nhà văn Lê Phương lại hầu như chưa từng viết về miền đất ấy. Sinh năm 1933, lớn lên đúng thời điểm đất nước độc lập và bước ngay vào cuộc trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tiến (đang học dở dang bậc Thành chung) khi ấy còn chưa biết mình sẽ trở thành nhà văn. Tham gia quân đội khi mới 16 tuổi, trong trung đoàn Bắc Bắc (đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Bắc Ninh lúc đó), gia nhập cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tâm thế của kẻ dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bí ấn và hấp dẫn.
Nhà văn Lê Phương
Được phân công phụ trách địch vận, Nguyễn Văn Tiến từng bước thâm nhập sâu vào mối quan hệ phức tạp giữa vùng tự do và vùng “tề” trong suốt cuộc kháng chiến, cho đến năm 1953, anh mới chuyển hẳn sang bộ đội chính quy, tham gia vào cuộc khảo sát các tuyến đường chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên. Và trong khi đồng hành cùng các đội dân công tiền tuyến, sau này gọi là Thanh niên xung phong khai phá những con đường vận chuyển lương thực lên Điện Biên, Nguyễn Văn Tiến đã viết những trang văn đầu tiên của mình.
Truyện ký Thử Lửa được in trên báo Cứu quốc quân nói về một đội thanh niên xung phong đang mở đường thì gặp máy bay của Pháp oanh tạc. Địch thả bom Napan vừa nhằm huỷ diệt đơn vị thanh niên xung phong này, đồng thời phá sạch những đoạn đường mới hình thành. Bị vây giữa biển lửa, những người chiến sĩ thanh niên xung phong đã vận dụng kiến thức có được qua những câu chuyện truyền miệng về nhân vật lịch sử Nguyễn Thiện Thuật rút vào giữa rừng chuối tươi, đốn hạ những thân chuối còn ứa nhựa tạo thành một vành đai “ướt” bảo vệ đơn vị không để lửa lan tới. Câu chuyện có thật, qua góc nhìn của chàng lính trẻ ưa chuyện phiêu lưu đã gây sự chú ý đặc biệt cho những người lính đang ngày đêm đối mặt với hiểm hoạ tương tự, nhưng còn gây chú ý nhiều hơn cho những người chỉ huy đang rất cần tìm kiếm những cây bút trẻ với sức viết mãnh liệt, tươi mới…
Sau một số bài báo được phổ biến trong các ấn phẩm khác nhau của quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiệm vụ và địa bàn công tác thay đổi cũng cuốn Nguyễn Văn Tiến theo các cuộc phiêu lưu khác mà rời xa chữ nghĩa. Với bí danh Lê Phương mà sau này sẽ trở thành tên gọi – bút danh quen thuộc của mình, nhận nhiệm vụ công tác tại Cục Bảo vệ chính trị, Lê Phương thâm nhập sâu vào giới doanh nhân Hoa Kiều tại Hải Phòng trong giai đoạn “300 ngày” người Pháp thực hiện cuộc rút lui trong trật tự sau hiệp định Geneva, một giai đoạn lịch sử đặc biệt của thành phố Cảng. Trong vai một doanh nhân trẻ, chủ một công ty xuất nhập khẩu hàng nông thổ sản với đội tàu biển vận chuyển hàng hoá hai chiều từ Hải Phòng đi Ma Cao, Hồng Kông… Lê Phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thu thập và chuyển giao cho lãnh đạo đơn vị những thông tin quý giá về hoạt động của các tổ chức bí mật do các thế lực thù địch thao túng dưới cái vỏ là những tổ hợp kinh tế tư nhân…
Có thể nói đây là phần đời khá đặc biệt tuy không dài của nhà văn Lê Phương. Nó để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong cách hành xử với cuộc đời cũng như trong sáng tác sau này của ông. Một người trẻ tuổi với hai bàn tay trắng, muốn thâm nhập sâu vào một cộng đồng mình chưa từng quen biết dưới vỏ bọc của “một người trong số họ”, thì việc tìm kiếm các mối quan hệ hữu ích để tạo sự tin cậy cũng như nể trọng của cộng đồng ấy là việc làm sống còn. Lê Phương đã làm được, và nhận ra rằng dù làm việc gì, ở đâu, thì việc “tìm bạn” cũng phải đặt lên hàng đầu. Có những người bạn mà ông kết nối được trong quá trình công tác này còn duy trì mối quan hệ cho đến tận khi có sự kiện 1979, các Hoa kiều lũ lượt ra đi để rồi ngay sau khi định cư được ở một nước thứ ba nào đó, họ lại liên lạc với ông như anh em ruột thịt, mặc dù ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ (1955), ông đã rời khỏi Cục Bảo Vệ Chính Trị để trở về Hà nội, làm việc tại cơ quan Tổng Công đoàn (sau này là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) trong vai trò một nhà báo, rồi một nhà văn.
Những thực tế công tác trong 300 ngày ở Hải Phòng ấy đã thổi bùng lên trong người cán bộ trẻ nỗi khai khát được viết, được hiểu biết nhiều hơn nữa… Trong khoảng 5 năm sau đó, ông vùi mình trong thư viện Quốc gia, đọc sách như một cách bù lại những gì còn dở dang khi phải bỏ ngang bậc học Thành chung để tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc, đồng thời thâm nhập vào đời sống công nhân để viết những bài báo đầy tâm huyết về họ với những truyện ký như Con chim đầu đàn, tác phẩm văn học đầu tiên viết về phong trào Lao động xã hội chủ nghĩa ở một đơn vị nhỏ thuộc Nhà máy Xi măng Hải Phòng, gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc thời kỳ đó.
Và rồi… năm 1960, khi đã trở thành nhà báo chuyên viết về công nhân, Bất Khuất – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương mới hình thành và được nhà xuất bản Lao động in lần đầu năm 1963. Với tiểu thuyết đầu tay này, những hoạt động rất nhiều chất phiêu lưu bí ẩn của các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân đã được mô tả cực kỳ hấp dẫn, giàu chất điện ảnh đến ngạc nhiên với những tình huống kịch chặt chẽ, đầy kịch tính.
Trong thời gian từ 1963 đến 1978, 15 năm dành cho văn học, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết dày mỏng khác nhau, về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã Ba thời gian (Thuỷ lợi, 1978); rồi Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…
Những tập sách của nhà văn Lê Phương
Mỗi tác phẩm ra đời là kết tinh của những ngày dài đằng đẵng thâm nhập thực tế, mà ông thường gọi là “những ngày đi tìm bạn”. Quả thật, từ những cuộc đi thực tế này, mối quan hệ bạn bè sâu sắc của ông được mở ra trong một tổng phổ rộng lớn, đa màu sắc. Ông có bạn là công nhân, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo ngành… có những người bạn vong niên là lão nông tri điền hơn ông vài chục tuổi và cũng có những kỹ sư, tiến sĩ khoa học trẻ tuổi kém ông cũng vài thập niên. Thậm chí ông còn có những người bạn từ giới giang hồ tự nhận mình là “đệ ruột” của ông dù ông chưa một ngày thuộc về thế giới của họ. Tất cả họ đều đã cho ông những chân dung người đặc sắc, những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mà ông thâm nhập, và nhờ họ, cùng với tư liệu khoa học, ông đã có một hệ thống kiến thức chuyên ngành ở cấp chuyên gia…
Xem xét các yếu tố loại hình trong cấu trúc tiểu thuyết thì không chỉ Thung lũng Cô Tan mang dấu ấn rõ nét của một tiểu thuyết sử thi hóa mà Bất khuất, Bạch Đàn… với những bối cảnh, không gian của tác phẩm đều mang tính chất sử thi với những xung đột thế sự, nhân vật đa chiều thể hiện qua giọng văn đặc biệt, thâm thúy nhưng hóm hỉnh. Bạn đọc của ông khi đọc Thung lũng Cô Tan thường nhầm ông với một kỹ sư địa chất lão luyện. Thậm chí ngay cả những người của ngành địa chất sau này khi đọc cuốn tiểu thuyết cũng tin rằng ông là người trong ngành, bởi vì một kẻ “ngoại đạo” không thể có được những chi tiết mang dấu ấn của kiến thức chuyên sâu như “bùn dậy thì”. “tầng đá mẹ”, “mây tích”, “mây ti”…
1977 – Một cơ duyên đưa Lê Phương đến với ngành điện ảnh, trở thành nhà biên kịch lão luyện. Cũng như với văn học, có thể nói Lê Phương viết không nhiều, bởi với ông, viết là một công việc nghiêm túc và khắc nghiệt đòi hỏi một năng lượng và tri thức sâu rộng. Ông không bao giờ viết cái gì mà mình còn mơ hồ. Chính vì thế mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Từ Nơi gặp của tình yêu (2 tập, 1980) đến Biệt Động Sài gòn (4 tập cùng với Nguyễn Thanh) hay những kịch bản được chính ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình (Cơn lốc biển – chuyển thể từ tiểu thuyết Bất Khuất), đều chứa đựng những hiểu biết mà chỉ người trong cuộc mới thấu rõ. Là bởi ông luôn có những người bạn chí tình trong mỗi chặng sáng tác của mình.
Đặc biệt ở giai đoạn từ sau 1990, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là “tiểu thuyết truyền hình”, thì các mối quan hệ bạn bè của ông càng trở nên rộng khắp. Với Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ – Một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam (do Công ty nghe nhìn Hà Nội sản xuất), ông có những người bạn trẻ là tiến sĩ vật lý chuyên nghiên cứu gốm siêu cứng, những doanh nhân chuyên nghề xẻ đá…; Với Con nhện xanh – ông có những người bạn là doanh nhân ngành dệt may; với Ngã ba thời gian (một tên phim được lấy lại từ tiểu thuyết đã xuất bản nhưng nội dung không trùng lắp) ông lại có những người bạn đặc biệt từ những gia đình nông dân có 3 thế hệ cùng chung sống…
Nhưng có lẽ phải nói rằng dù viết cho điện ảnh không nhiều, nhưng trong vai trò người biên tập – phụ trách kịch bản cho một xưởng sản xuất, Lê Phương trở thành người thầy không đứng trên bục giảng của nhiều biên kịch có tên tuổi như Dương Thu Hương, Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã… Đồng hành và dẫn dắt các biên kịch đi đến đích mà họ muốn, với kho tri thức khổng lồ trên mọi lĩnh vực của mình, Lê Phương dung chứa được tất cả mọi đề tài có thể không phải là niềm hứng thú sáng tác của cá nhân ông. Và bằng cách ấy, ông vừa là thầy, vừa là bạn của các biên kịch lớp sau, cống hiến cho nền diện ảnh nước nhà những cây bút vững vàng và những tác phẩm điện ảnh được ghi nhận qua các kỳ liên hoan phim quốc gia.
Mặc dù do một trớ trêu nào đó của số phận, những tác phẩm văn học của ông từng được bạn đọc ghi nhận và ghi dấu ấn trên văn đàn như Bạch Đàn, Thung lũng Cô Tan… hay những bộ phim được làm từ kịch bản của ông để lại niềm yêu thích bền vững trong lòng khán giả như Biệt động Sài gòn… đều không mang lại giải thưởng nào cho ông dù rất xứng đáng, nhưng may mắn thay, ngay cả khi ông đã ngừng viết, những người bạn mà ông đã làm quen, đã thân thiết trong suốt những cuộc rong ruổi thâm nhập thực tế, hay những bạn viết từng tự nhận là học trò của ông vẫn khôn ông. Họ luôn theo dõi và nâng niu từng ngày sống của ông…Có lẽ đó là hạnh phúc ít người có được. Xét về phương diện ấy, nhà văn Lê Phương có thể coi là một người giàu có.
3/4/2022
Mạc Phiên
Nguồn: Văn Nghệ 13/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như...