Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: "Nàng thơ" của văn xuôi miền núi

Nhà văn Đỗ Bích Thúy:
"Nàng thơ" của văn xuôi miền núi

Không hiểu sao mỗi khi nhìn Đỗ Bích Thúy từ xa trong một sự kiện nào đấy, rồi ngắm chị qua những bức ảnh trên facebook, tôi cứ nghĩ đến hai chữ “Nàng Thơ”. Đỗ Bích Thúy là người đàn bà đẹp, hẳn nhiên rồi, một nhan sắc sang trọng, đài các và đằm thắm cùng thời gian.
Nhưng hơn thế, tôi như luôn nhìn thấy những đóa hoa vùng rẻo cao Hà Giang rực rỡ khoe sắc trong tâm hồn suối nguồn của chị. Và nó chảy tràn trên những trang viết trong vắt, mênh mang, thương cảm, dạt dào chất thơ.
Một vài bạn văn trẻ nói với tôi họ từng thấy ngại/sợ khi có ý định tiếp xúc với Đỗ Bích Thúy. Họ bảo ở chị vừa có ánh hào quang rực sáng, vừa có cái lành lạnh, xa xăm của một ngôi sao. Tôi thì không thấy thế, Đỗ Bích Thúy là người lặng lẽ, không thích ồn ào và có những lúc chị sợ đám đông.
Nhưng ai đã từng trò chuyện với chị sẽ cảm nhận được cái mến thương, ấm áp của một nữ văn sĩ – người đàn bà đẹp – luôn tôn thờ cái đẹp và sự thanh sạch trong tâm hồn. Thực là chưa bao giờ Đỗ Bích Thúy có “bệnh lý” của một ngôi sao. Mặc dù, kể từ khi mới nổi tiếng cho đến nay, trên văn đàn đương đại chị xứng đáng ở một vị trí mà nhiều người viết trẻ khát khao vươn tới.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Tôi đọc Đỗ Bích Thúy từ năm 1994, khi chị lần đầu xuất hiện trên Báo Tiền phong với truyện ngắn “Chuỗi hạt cườm màu xám”. Nhưng phải đến ngày chị trở thành “Nữ hoàng” trong cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1998 – 1999) với chùm truyện “Ngải đắng ở trên núi”, “Sau những mùa trăng”, “Đêm cá nổi” thì cảm xúc của tôi về một gương mặt văn chương xuất sắc mới thực sự vẹn đầy.
Đấy là cái mướt óng, hoa tuyết của câu chữ. Đấy là sự hoài nhớ day diết, thương cảm, xa xót của giọng điệu. Đấy là cái đầy đặn, vững chãi của cốt truyện, lấp lánh, rậm dày của tình tiết. Và tôi cho rằng, giải thưởng năm ấy của Đỗ Bích Thúy đã giúp Hà Giang quê hương chị thăng hạng trên bản đồ văn chương Việt.
Cho đến nay, sau hai thập niên bước vào hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp, Đỗ Bích Thúy đã có một gia tài tác phẩm đáng ngưỡng mộ với hơn hai mươi đầu sách, đủ các thể loại tản văn, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết.
Ngoài “Cửa hiệu giặt là”, cuốn tiểu thuyết mà có ý kiến cho rằng nó là tấm “căn cước” công dân Thủ đô của Đỗ Bích Thúy, viết về đời sống đô thị Hà thành, còn lại toàn bộ tác phẩm của chị là những câu chuyện về vùng cao nguyên đá Hà Giang. Chị viết trong nỗi nhớ của đứa con ly hương chưa khi nào nguôi khát quay về nơi chôn nhau cắt rốn.
Cái thung lũng ở “cây số 7 Vị Xuyên” với ngôi nhà đã nghe tiếng khóc chào đời của cô bé Thúy, gắn bó từ thời ấu nhỏ cho đến khi Thúy thành một nàng sơn nữ, rồi tiễn Thúy theo chồng về xuôi luôn là nơi để Đỗ Bích Thúy thanh lọc tâm hồn, vượt qua trúc trắc và cả những mất mát trong đời.
Thung lũng ấy, ngôi nhà ấy dù bây giờ không còn thuộc quyền sở hữu của gia đình chị nữa, nhưng nó mãi mãi là chốn quay về của Đỗ Bích Thúy. Chị từng viết: “Khi mình không còn chỗ trở về, thì mình sẽ thành ra cái loại gì?”.
Ngày trước, khi Đỗ Bích Thúy rời núi rừng Vị Xuyên về Tạp chí Văn nghệ Quân đội công tác, một số bạn văn, bạn đọc lo lắng rằng rồi liệu chị có còn viết được về miền núi nữa hay không, khi chị như một “cánh chim kiêu hãnh” giữa đại đại ngàn nay lại tự nhốt mình trong “chiếc lồng” chật chội, ồn ã phố phường? Nhưng đối với Đỗ Bích Thúy, càng đi xa càng nhớ nhiều, càng xa lâu càng nhớ sâu. Thế nên mạch nguồn cảm xúc văn chương miền núi trong chị vẫn mãi như dòng Nho Quế, dòng Lô Giang rì rào tuôn chảy.
Trường hợp của Đỗ Bích Thúy làm tôi nhớ đến một câu danh ngôn nổi tiếng của Ra-xum Gam-za-tôp: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Quả vậy, sau bao năm, dù là lúc còn ở núi cao rừng thẳm, nơi chị sinh ra hay khi đã buộc lòng phải xa nơi ấy thì Đỗ Bích Thúy vẫn là người cần mẫn xếp chữ “kê cao quê hương”. Và quê hương sẽ mãi mãi không bao giờ rời bỏ chị.
Nhân vật của Đỗ Bích Thúy hầu hết là đàn bà. Có vài tác phẩm chị chủ đích xây dựng nhân vật trung tâm là đàn ông. Nhưng người đọc cảm giác là khi chị ngồi vào bàn viết thì có những người đàn bà vùng cao chạy đến trước mặt chị  và “đòi” chị phải đưa họ vào trong tác phẩm.
Để rồi, nhiều trường đoạn, những người đàn bà này “lấn lướt” cả nhân vật đàn ông trung tâm mà tác giả dày công chăm chút, tiêu biểu như nhân vật Vàng Chở, bà Tư của Sùng Chúa Đà trong tiểu thuyết “Chúa đất”.
Người đọc sẽ mãi không thôi ám ảnh về một Vàng Chở xuân mẩy, rực rạng như bông anh túc, cháy khát yêu đương, kiêu hãnh về sắc đẹp của mình (thế nên có chết trên cột đá cũng phải đẹp!) và cả những cơn sóng ngầm dữ dội trong cô.
Đàn bà trong văn chương của Đỗ Bích Thúy có mặt ở mọi trạng huống cuộc sống trên vùng rẻo cao bạt ngàn đá xám Hà Giang. Cuộc đời họ trải qua mọi cung bậc cảm xúc thăng trầm, khi ấm êm, hạnh phúc, lúc mang mác, u buồn, tuyệt vọng. Nhưng âm điệu xuyên suốt vẫn là nỗi buồn của những phận đàn bà.
Những người đàn bà cả đời lặng lẽ sầu thương vì chuyện tình dang dở, vì những lề luật, thói tục lạc hậu, đói nghèo quấn riết… đè nén lên kiếp phận của họ. Nỗi buồn đau của người nữ trong văn chương Đỗ Bích Thúy là thứ đeo bám dai dẳng, nó như một cái tội “giống loài” đàn bà mà họ không còn cách nào khác là phải lĩnh trải.
Tác phẩm “Lặng yên dưới vực sâu” của nhà văn Đỗ Bích Thúy
Đỗ Bích Thúy từng bảo chị là đàn bà thì viết về đàn bà, và chị  không viết được những câu chuyện vui, bởi khi chị đọc lại thấy nó nhạt nhẽo, vô duyên. Với Đỗ Bích Thúy “đời không buồn thì có gì vui?”, cuộc đời con người ta phải có nỗi buồn, trải qua cả nỗi đau để biết trân trọng và cảm nhận sâu sắc nhất, “trọn vị” nhất niềm vui, hạnh phúc.
Mấy năm rồi, Đỗ Bích Thúy mặn duyên với kịch bản truyền hình. “Lặng yên dưới vực sâu”, “Người yêu ơi”, “Chúa đất”… lần lượt ra đời trên nền những truyện ngắn, tiểu thuyết của chị. Trong đó, “Lặng yên dưới vực sâu” đã chiếu trong khung giờ vàng trên truyền hình (2017), được khán giả quan tâm, yêu thích. Hai kịch bản phim còn lại đang được các đơn vị điện ảnh tiến hành sản xuất.
Đỗ Bích Thúy còn có biệt tài “sáng tạo ngược” là chuyển thể kịch bản phim thành thành tiểu thuyết (tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu” và “Người yêu ơi”). Tham gia sản xuất phim, Đỗ Bích Thúy có những chuyến đi dài ngày trở về vùng cao quê chị, tôi tin “bầu sữa” quê hương sẽ nạp thêm năng lượng sáng tạo cho chị, và những đóa hoa văn chương mà chị đang thai nghén sẽ nở sáng trong thời gian tới.
Có lần, khi ngồi chơi tại phòng làm việc của Đỗ Bích Thúy ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một nhà văn nổi tiếng cũng ghé vào, rồi thấy vẻ xinh đẹp lộng lẫy của chị lúc ấy, nhà văn cười cười, trêu chị: “Ôi Thúy, anh yêu Thúy lắm, anh yêu Thúy nhất!”. Tôi bảo: “Gớm, cứ như mỗi anh yêu chị Thúy. Người như chị Thúy thì cả văn đàn phải yêu ấy chứ!”.
Thật! Một nhan sắc, một tài năng, hơn hết là một tâm hồn trong trẻo, nồng hậu như thế ai mà không trân trọng, mến thương, ngưỡng mộ?  Đỗ Bích Thúy quý người, yêu trẻ, lại thật giỏi việc nữ công. Chị sắm máy khâu tỉ mẩn đo đếm, may vá những bộ cánh tinh tế, hút mắt cho bản thân và hai cô con gái nhỏ, may bọc những chiếc đệm ghế hoa lá rực rỡ.
Con nhỏ của bạn văn thân thiết cũng hay được Thúy tặng những bộ váy áo xinh xắn do chính bàn tay khéo đảm của nữ văn sĩ nổi tiếng cắt may. Phòng làm việc hay nơi ở của chị chỗ nào, góc nào cũng phải tinh tươm, gọn ghẽ và phải đẹp, đẹp từ cái cái cây đến cái giỏ trồng cây và cái dải dây để treo giỏ cũng dứt khoát phải đẹp.
Nếu không quá bận rộn, Đỗ Bích Thúy sẽ làm những món ăn mà ai may mắn được thưởng thức hoặc mới chỉ được nhìn thấy (trên facebook) cũng phải xuýt xoa, trầm trồ bởi sự hài hòa, tinh tế, đẹp đẽ đến từng hạt vừng.
Vài năm trở lại đây, sau khi chủ động xin thôi giữ chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đỗ Bích Thúy có nhiều thời gian hơn cho gia đình, văn chương và những dự án hướng tới cộng đồng. Đã mấy năm liền chị đứng ra kêu gọi bạn văn, bạn đọc và các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp trẻ vùng cao được hưởng những cái Tết có bánh chưng, đủ áo ấm.
Vừa thấy chị và bạn bè hoàn thành công trình nhà ăn, nhà vệ sinh cho Trường Tiểu học dân tộc nội trú Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì – Hà Giang), đã thấy chị cùng mọi người về Phú Xuyên – Hà Nội để trao phần kinh phí khởi công xây dựng mái che trong Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại tư gia của cựu binh Lâm Văn Bảng.
Tôi biết, Đỗ Bích Thúy không như một số ai kia ngoài xã hội lấy việc thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi, cầu phúc cho mình. Một người đàn bà viết văn ưa tĩnh lặng, nếm đủ đắng ngọt và luôn tin vào số phận sẽ chẳng màng đến những ồn ào, hào nhoáng phù vân.
Bao năm chị tất bật với cơm áo, với chức phận làm vợ, làm mẹ, làm lãnh đạo trong một cơ quan lắm cá tính, nhiều khác biệt… muốn lắm mà chị chưa đến được nhiều với những số phận thiệt thua, chị dồn sự thấu cảm, thương yêu ấy lên trang viết. Đến lúc có thể, chị muốn hòa mình vào mênh mông cõi người, để mang ấm áp nơi tâm hồn chị đến với những phận đời bé mọn…
Và bây giờ, nếu được cùng bạn văn làm cuộc bầu chọn các danh hiệu cho những nữ văn sĩ tiêu biểu của văn chương Việt đương đại, một lần nữa, tôi sẽ không ngại ngần đề cử: Đỗ Bích Thúy - Nàng Thơ của văn xuôi miền núi. Với việc này, tôi tin mình thuộc về số đông!.
1/12/2020
Nguyễn Phú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...