Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng: Về quê

Truyện ngắn Chu Quang
Mạnh Thắng: Về quê

Lại tết. Khác với mọi người, hắn không bao giờ thích tết. Thà hôm nào cũng như buổi chiều hôm nay thì hay biết mấy. Mặc dù ế đấy, ngồi chờ mỏi cả gối cũng chẳng thấy ma nào ghé tới bơm một vài cái bánh xe. Lủng bánh lại càng thêm hiếm. Ước gì, ngày nào cũng mưa thật to, to y như những chiều tháng bảy, tháng tám ấy. Và con đường lại ngập… Thiên hạ tha hồ chết máy xe. Tha hồ cong lưng ì ạch dong xe lên lề đường rồi lại chổng mông nghiêng ngó… Nước ngập ngang xe, có ngó tới sáng cũng thế thôi. Vậy là hắn lại có việc. Chỉ cần tháo cái cuống bu – gi, thổi thổi lau lau vài cái là đã có thể “vặt” được vài ngàn đồng… Ấy thế mà trời lại không mưa. Nhưng dù sao thì ế, vẫn không sợ bằng cái tết.
Hắn kéo cái mũ vải sụp kín mặt rồi ngáp một cái, nằm lăn xuống chiếc võng mắc cạnh đó, tranh thủ ngủ một lát…
Không phải chỉ có năm nay mà năm nào, hắn cũng sợ tết. Sợ khủng khiếp. Hắn sợ những đêm ba mươi tết thui thủi một mình ở cái ngã tư này nhìn người đời qua lại, và cái ngày mồng một vắng tanh, vắng ngắt. Thường thì hắn đói ba ngày tết trong khi thiên hạ no say trọn ba ngày. Đói, cũng chẳng phải vì hắn không có tiền. Ác một cái, mấy ngày tết chẳng ma nào bán đồ ăn. Mấy hàng cơm mọi khi đều đóng cửa im ỉm ngay từ chiều hăm chín, ba mươi. Kiếm khắp phố mới thấy một hàng phở có mấy tay “đao phủ” mặt lạnh. Tết mà! Tha hồ họ chém.  Nhưng chẳng sao, kiếm được cái để ăn là tốt lắm rồi.
Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng
Đấy là những năm hắn không về quê. Mà thường thì hắn không về. Từ dạo vào Sài Gòn tới nay, đã bốn năm rồi, hắn mới về thăm quê có một lần. Lần ấy, hắn cũng về vào dịp tết. Cái làng quê bé nhỏ của hắn, thế mà cũng có khối kẻ bước chân ra tung hoành khắp thiên hạ. Tết đến, đều hội tụ về. Hắn vẫn bị coi như một cái mảnh giẻ mục, bởi trong tay hắn chẳng có cái khỉ khô gì. Mang tiếng vào Sài Gòn làm ăn mấy năm trời, khi về, vẫn bận cái áo kẻ ca-rô xoăn tít mà dân làng có thể nhận ngay ra được, chiếc áo ấy hắn mặc từ khi còn ở nhà. Bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ cho thiên hạ nhìn hắn bằng phần tư con mắt. Trở lại Sài Gòn sau tết khoảng hai tuần, cũng chẳng kiếm được việc gì hay hơn, hắn lại loay hoay trên cái vỉa hè này với cái hộp đồ nghề sửa chữa xe đạp. Tiến bộ hơn một chút, hắn vạch lên bức tường cạnh đó dòng chữ: “SỮA HONDA - XE ĐẠP” thay cho “SỮA XE ĐẠP” như trước. Có điều, cũng chỉ bơm vá vớ vẩn thôi, ai thèm dắt Honda vào “SỮA” chỗ hắn, trừ khi chết máy bất tử. Và hắn cũng chỉ được tháo chiếc bu-gi ra lau chùi vớ vẩn thôi. Còn thì “CHUYÊN BƠM HƠI – VÁ ÉP” là chính. Hắn cũng chẳng cần thuê nhà mướn cửa làm gì cho tốn. Cứ mắc võng tòn ten cạnh bức tường. Bất cứ lúc nào cũng có thể lăn ra ngủ và cũng có thể bật dậy bất cứ lúc nào để tiếp khách, kể cả một – hai giờ đêm. Không mưa thì chẳng sao. Mỗi khi mùa mưa đến thì thật là khốn nạn. Khốn nạn ở chỗ, phải ngủ ở vỉa hè, và cuộn tròn trong một chiếc áo mưa. Thế thôi chứ mưa xuống, con đường lại ngập và hắn lại “vặt” được khối tiền… Cứ thế, hắn sống vật vạ năm này qua năm khác, tại một ngã tư nho nhỏ gần giữa trung tâm thành phố. Cái ngôi làng nho nhỏ của hắn, nghe đâu cũng có vài kẻ đã đặt chân vào Sài Gòn làm linh tinh gì đó? Hắn bỗng sợ một ngày nào đó, sẽ có ai đó cùng làng vô tình đi ngang qua ngã tư này và nhìn thấy hắn với chiếc võng tòn ten bên cạnh. Chà, khi ấy thì cả làng sẽ biết rằng, hắn là một kẻ ăn đường, ngủ chợ… Không còn cách nào khác, hôm nào, hắn cũng quệt dầu mỡ lên mặt cho lem nhem. Lem nhem đến nỗi nhiều lúc, hắn cũng chẳng nhận ra mình. Nhiều khi, có đến vài ngày, hắn cũng không thèm rửa mặt. Rửa rồi lại bôi thì thà cứ để vậy còn hơn. Có lẽ do có cái tài ngụy trang  nên hắn chưa bị lộ. Thế nên, ở quê vẫn chẳng hề có ai biết, hắn đang làm nghề gì ở Sài Gòn?
Loanh quanh, lại tết. Mà tết này sẽ vô cùng đặc biệt, bởi hắn đã có quyết định… về quê.
Chiếc xe tốc hành, sau khi “hành cấp tốc” hơn một ngày đêm cũng đã về tới đích. Hắn bước chân xuống đất, đầu gối run bần bật. Hơn một ngày đêm ngồi lì trên xe và chỉ được thả gân cốt một lúc trước những quán “cơm tù” đầy tệ nạn. Xong, lại tiếp tục bó gối trong cái xe chật cứng và cái mùi hăng hăng, nồng nồng đến là khó chịu…
Rét, cái rét của dải đất miền Trung mà đã mấy năm nay hắn không được biết lại ùa tới. Hắn rụt cổ như con rùa rút đầu vào chiếc áo khoác màu da bò, chiếc áo mà hắn đã năn nỉ gần nửa tháng mới mượn được của một gã lái xe ôm tốt bụng đậu bến ngay cạnh ngã tư chỗ hắn, và phải thế chân toàn bộ thùng đồ nghề và cái máy bơm hơi cũ xỉn nữa đấy!
Leo lên một chiếc xe ôm, hắn tiến dần về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Cả làng ngỡ ngàng nhìn hắn xúng xính trong chiếc áo khoác màu da bò. Lần này hắn về, ăn bận khá oách. Chỉ có cái nước da đen nhẻm và khuôn mặt lọ lem, hốc hác là không thể nào giấu được, mặc dù đã được cọ tẩy khá kỹ càng.
Cho đến giờ này, cũng chẳng hề có ai biết, hắn làm nghề gì? Có hỏi thì hắn cũng cười hềnh hệch rồi thôi. Thiên hạ lại càng tò mò rồi bàn tán xôn xao.
Mấy ngày tết, hắn mướn được chiếc xe gắn máy đời mới ngoài chợ rồi chạy lông nhông khắp phố huyện. Chà, thiên hạ lại xì xầm: “Không biết hắn mần cái chi mà có nhiều tiền rứa?”.
Chẳng hiểu sao, cứ thấy những kẻ đi xa về, có lắm tiền, là dân làng phục lắm! Khác hẳn với lần trước, hắn mặc cái áo kẻ ca-rô cũ rích đi về làng. Hắn cười khẩy: “Thì ra là thế, con người ta đôi khi cũng chỉ hơn nhau nhờ có cái… vỏ!”. Đã thế, lần nào về quê, hắn cũng phải tạo cho mình một cái vỏ thật đẹp, mặc kệ những ngày sau đó sống thế nào? Dù sao thì có “một phút huy hoàng”, cũng tốt!
Ăn tết xong. Hắn rờ túi, sấp tiền hãy còn khá cộm, công sức mấy năm liền của hắn đấy. Giữ một ít đủ để mua chiếc vé xe và ăn vài đĩa cơm đường, còn bao nhiêu, hắn đưa cho ông bố giữ giùm để dành sau này cưới vợ. Rồi hắn bảo:
– Có lẽ tết sang năm con không về được!
Bố hắn nhăn mặt:
– Răng rứa?
Hắn chép miệng:
– Con bận lắm!
– Ờ, làm việc cho công ty nước ngoài mà! – Bố hắn chợt nhớ ra rồi gật đầu.
Rồi bố hắn thở phào, phấn khởi trong khi mặt mũi hắn tối sầm, nhăn nhó, không biết nên cười hay nên khóc. Hắn chợt nhớ, hình như đã có ít nhất một lần hắn tiết lộ như thế khi ông bố già ra sức gặng hỏi.
Ngày hắn chuẩn bị lên đường, họ hàng nhà hắn kéo tới rất đông. Có người còn dắt theo một đứa con hoặc đứa cháu. Thì ra, họ nghe tin hắn được làm việc cho một công ty nước ngoài! Việc gì thì chẳng rõ, miễn khấm khá, được rồi. Thế nên, họ muốn gửi con cháu đi theo, nhờ hắn giúp giùm! Hắn cười méo miệng, xua tay rối rít:
– Việc này… để tính lại đã!
Hôm sau, hắn lên xe chuồn vội. Bỏ lại đằng sau bao sự nuối tiếc và những lời trách cứ, mắng mỏ của bà con dòng họ…
Chiếc xe rời khỏi quê hương khá xa, hắn mới thở phào rồi ngao ngán nghĩ tới những ngày sắp tới. Thùng đồ nghề, chiếc võng và ngã tư đường bụi bặm… tất cả lại như đang hiện ra trước mắt. Chỉ một ngày đường nữa thôi, hắn sẽ lại có mặt ở Sài Gòn, tiếp tục bôi mặt lem nhem, tiếp tục cảnh sống vật vạ như bao năm trước và hy vọng, sẽ chẳng có ai bắt gặp mình. Ờ! Nếu chẳng may có ai đó bắt gặp, hắn sẽ phải xử lý ra sao nhỉ?… Hắn khẽ thở dài rồi chép miệng: “Ôi dào, chỉ cần phảy tay: vừa xuống chó!” – Thế là đủ! Ở đời, thiên hạ lên voi, xuống chó cũng mấy hồi!
Rồi hắn thở phào:
– Thế là hết tết!.
Sài Gòn, 20/1/2003
Chu Quang Mạnh Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...