Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn: Vợ xấu

Truyện ngắn của Nguyễn
Thị Bích Nhàn: Vợ xấu

1. Đó là một căn nhà gỗ chật hẹp nép dưới chân đồi, cạnh con suối nhỏ. Không gần nhà dân. Buồn. Mà cũng không thể gần được. Vùng lõm mà, nhà dân thưa thớt như cái lược… gãy răng. Chỉ mấy nóc nhà nằm lẩn khuất dưới những tán cây to, buổi tối lờ nhờ một chút ánh sáng của đèn dầu rồi tối om. Người ta ngủ theo đồng hồ của gà. Cũng đúng, cả ngày bới móc tìm cơm thì phải lên giường khi gà lên chuồng, sức người có phải sức voi đâu.
Từ ngày Cường lên nhận công tác tại trạm y tế, anh là người thứ hai ở nội trú – cùng bác Sáng, bảo vệ Trường tiểu học An Sơn. Cường trẻ trung tráng khí. Không quá điển trai nhưng cuốn hút. Anh vốn tính sôi nổi, ưa náo nhiệt. Bây giờ ra vô tẻ ngắt, muốn ngồi cà-phê cũng không có quán. Hiu hắt quá, ước chi nội trú có thêm người…
Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Bích Nhàn
2. Đang loay hoay chuẩn bị bữa trưa thì nghe “cạch”, tiếng một chiếc ba-lô đặt xuống nền nhà. Cường ngước lên thì thấy một cô gái đang lột khẩu trang. Hành lý kiểu này chắc là thành viên mới của nội trú. Mừng quá! Trông đợi rồi cũng có người nhưng anh nhìn cô gái bằng ánh mắt của một thằng đàn ông chưa vợ chứ không phải của “người cùng cảnh ngộ” (xa quê). Nàng không vừa mắt chút nào. Cường tự dưng “nổi giận”, hỏi có vẻ gắt:
– Đến đây nhận việc hả?
– Dạ.
– Làm gì?
– Dạ, đi dạy.
Rồi Thanh được biên chế về nội trú. Nàng đảm đương chuyện bếp núc nên ra “chỉ thị”, cả ba người sẽ ăn chung mâm.
Người tên Thanh mà chẳng có “thanh”… Cường không thích một cô nàng kín tiếng. Thanh cứ lặng lẽ y như tính cách của cô vậy. Ở trường về là lách cách dọn dẹp. Ròm ròm mà giỏi thiệt! Cái sân cỏ trước nội trú trong phút chốc trở thành vườn hoa. Nước nôi sinh hoạt trước giờ phải đến nhà dân xin nhưng không vì thế mà nội trú thiếu nước (như ngày trước). Có Thanh, những thùng những lu hầu như lúc nào cũng đầy nước. Đàn bà thật diệu kỳ, ở đâu có đôi bàn tay họ là ở đó có thiên đường. Bác Sáng không tiếc lời khen, giờ mới thấy câu này chí lí, “vì Chúa không thể tạo ra thiên thần ở mọi nơi nên Người tạo ra phụ nữ”.
3. Bác Sáng là người Nha Trang, sắp về hưu nhưng cứ thảnh thơi một mình. Bác bảo Cường, kinh nghiệm của tớ là cứ thuận theo tự nhiên mà làm chàng trai à! Là sao? Là phải quân bình âm – dương ấy. Bác nói rồi cười khà khà… Thời buổi giờ tìm việc đã khó, xin chuyển công tác lại càng khó hơn. Thôi thì đất lành chim đậu, lo mà nghĩ đến chuyện thành vợ thành chồng với người ta để có bầu có bạn, ăn đời ở kiếp!
Bây giờ thì Cường đã hiểu vì sao tối tối bác thường bỏ nội trú, thái độ rất “đắc chí” rồi. (Để rồi xem, lửa gần rơm giỏi mà không bén!?).
Rõ chán! Bác cứ cố tình gán Thanh cho Cường. Những lúc như thế, anh nhảy nhồng như vôi phải đỉa. Bộ muốn vùi dập đời trai tui hả trời? Hoa lài cắm bãi cứt trâu sao đang? Thanh à? Mơ đi! Chừng nào những người đàn bà khác trên thế gian này tuyệt chủng đã. Người chi đâu khó coi lạ!
4. Ba mẹ Cường thúc anh kiếm vợ. Đã qua tuổi “nhi lập” gần mười năm rồi chứ ít gì. Vợ chứ có phải bánh kẹo, quần áo đâu mà chui vô chợ lượm đại cho xong. Cường cũng kiếm rồi đấy chứ. Kiếm thiếu điều… bét mắt. Những cô ở địa phương, học hành đến nơi đến chốn thì định cư ở phố hết rồi. Mẹ anh đòi sống chết, mầy phải có cháu cho mẹ bồng trước khi chui vô bốn miếng ván! Rõ khổ! Dòm qua dòm về, cuối cùng chỉ mỗi Thanh “đơn thương độc mã”.
Thanh chỉ hợp với vai bạn bè. Cô là chỗ thích hợp để phàn nàn những bức xúc, phẫn nộ thôi… Quá lắm thì những đêm trăng, nhớ nhà nhớ phố, gác công việc lại, rủ nhau ra cửa ngồi nhìn trăng. Cường đàn ghi – ta cho Thanh hát. Trông thế mà hát hay gớm! Giọng trong veo, thánh thót và ma mị. Có một người vợ biết im lặng thì còn gì bằng? Đời vốn đã quá ồn ào rồi! – Bác Sáng thúc đít nhiệt tình làm Cường phải lưu tâm. Hơn ai hết, anh biết, anh không thể sống đời độc thân, cũng không còn trẻ dại để phiêu lưu tìm kiếm tình yêu truyền kỳ. Nhưng mà…
5. Đêm ấy mưa lất phất. Xóm núi bỗng dưng lạnh. Bác Sáng đội áo mưa đi uống trà với mấy ông bạn già. Đi mấy bước thì quay đầu lại dặn, tối nay tớ không về, mưa gió nẩy nả…
Một trai một gái trong căn nhà gỗ, chút ánh sáng của đèn không thể sáng lên nỗi buồn hiu quạnh, một chút rượu cũng không thể làm đêm ấm hơn. Cường tính qua phòng Thanh lục cơm nguội vì chiều làm xong còn xuống thôn có chút việc nên lỡ cơm chiều. Mới bước qua thì nghe:
– Tối nay nổi mưa, tự dưng nhớ nhà quá…
Cường không nỡ dửng dưng nên kéo ghế ngồi cạnh Thanh, ngồi im như một sự chia sẻ. Rồi như thấy không tiện, Cường nói đủ chuyện Đông Tây kim cổ.
Chiếc máy cát-xét cũ vẫn rè rè hát yêu nhau cho nhau nụ cười…; Kiếp nào có yêu nhau thì xin tìm đến mai sau…; Hát đến hãy yêu nhau đi, bù đắp cho trăm năm… thì cọc cạch rè rè. Thanh đứng dậy định đi tắt máy, Cường muốn kể nốt câu chuyện đang nói dở nên kéo mạnh cô xuống. Trượt chân, Thanh ngã vào người anh, cô vội đứng dậy. Run rẩy.
Đêm mưa trai đơn gái chiếc trên núi, thế là chuyện gì tới rồi cũng phải tới…
6. Cường bây giờ là trạm trưởng. Thanh là hiệu phó trường tiểu học. Trạm, trường có thêm nhiều nhân viên mới.
Sáng hôm ấy Thanh lên trường, vô tới cửa văn phòng thì thấy mấy cô chụm ba chụm bảy:
– Ông Cường lấy bà Thanh vì đã trót dại “tạm ứng” thôi! Không chó thì bắt mèo đóng thế! Chứ dễ dầu gì một người đàn ông có mã đẹp lại đi ưng một nàng… Thị Nở.
Chị Trang ở bên trạm y tế qua chích ngừa uốn ván cho học sinh nghe vậy thì gắt:
– Ai bảo Thị Nở không có người si mê!?
Thanh nghe xong, đánh tiếng động rồi tỉnh bơ bước vô bàn làm việc, ai nấy đi về chỗ của mình. Trang chào chị rồi xin phép về trạm.
Ngày hôm sau đến cơ quan, không cần rón rén cũng nghe được điều người ta đang thẽ thọt, đêm hôm tui gặp ông Cường với bà Trang dưới phố. Coi bộ tình tứ lắm. Đồng nghiệp đi chung, cũng thường thôi mà. Nó bất thường ở chỗ, nhà bà Trang ở gần đấy, tui là tui nghi lắm… Người ta thân gái không chồng, làm gì mà cứ kè kè bắt ghét.
Lần này thì không thể tỉnh bơ bước vô bàn làm việc nữa, Thanh chết trân ngoài cửa, mồ hôi vã ra như tắm. Lau vội những giọt nước rỏ ra ở mắt rồi quay ra nhà xe.
7. Cu Bom diện quần áo mới, đòi mẹ chở lên buôn Diêm xem người ta đánh cồng chiêng, nhảy A ráp. Mẹ con áo xống đàng hoàng rồi thì Cường dắt xe ra, dặn:
– Bom lên trạm chơi với bố. Em ở nhà coi tiệm bán thuốc, nếu chỉ là cảm mạo bình thường thì cứ như mọi hôm mà bán. Nếu bệnh nhân đến vì những triệu chứng khác thì bảo họ đến trạm, có anh trực.
Thanh gật đầu. Chị là vậy, mọi việc lớn nhỏ trong nhà nhất nhất đều theo sự cắt đặt của chồng.
Trưa hôm đó, một vài người bạn ở phố đi công tác trên huyện bảo trưa sẽ ghé nhà ăn cơm. Thanh lật đật ra chợ, tạt qua trạm kêu chồng tranh thủ về sớm với bạn. Dừng trước cửa, chưa kịp leo xuống xe, chị giật mình vì thấy bên trong ghế đá là Cường đang ngồi với Trang. Nhìn sâu vô, con gái của Trang đang cùng Bom chơi trò gì đó ngoài vườn thuốc nam. Trông bộ hai đứa nhỏ rất vui, hình như chúng thân nhau thì phải?
Rõ rồi. Mọi việc đã sáng tỏ như ban ngày. Mắt ráo hoảnh! Chị về nấu cơm chờ khách.
8. – Anh đem về cho em hai vị khách nữa nè!
Thanh đứng trong bếp nhìn ra. Ngơ ngác đến tái mặt, không hiểu chồng đang chơi trò gì. Chị miễn cưỡng gật đầu chào khách chứ không cười.
– Mẹ con Trang ăn cơm với vợ chồng mình rồi đi thẳng vô Nha Trang đoàn tụ với ông xã ở bên Pháp mới về.
Nói rồi anh lại ôm chị từ sau tới (trước mặt mẹ con Trang): Vợ chồng mình tối nay cũng gửi cu Bom cho ngoại rồi xuống phố tung tăng đi, trăng đang đẹp, không yêu thì uổng lắm!.
1/3/2021
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...