Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Mai Nam Thắng: Cô Dung

Truyện ngắn Mai
Nam Thắng: Cô Dung

Thế là trong vòng mới hai năm, cả hai vợ chồng cô Dung đã lần lượt ra đi. Đám ma của cô Dung lần này không linh đình, trọng thể như đám ma ông Bảo – chồng cô – hai năm trước đây. Vì ông là đại tá về hưu, lại con cháu đông đúc. Còn cô, ngoài ông Bảo ra, chẳng có ai thân thích, ruột thịt ở cái làng này. Nhưng đám ma cô Dung lại được nhiều người quan tâm, bàn tán…
Một năm trước đây, đúng ngày giỗ đầu của ông Bảo, cô chào láng giềng để ra Hà Nội ở với vợ chồng anh Nhâm – con trai cả của ông Bảo. Đúng ngày đoạn tang ông Bảo năm nay, dân làng tôi phát hiện xác cô ở nghĩa trang liệt sĩ xã, thân thế không hề có tí thương tích, xây xát gì. Cô nằm dưới chân ngôi mộ chú Thà, thanh niên xung phong hi sinh hồi chống Mỹ. Liền đấy độ dăm  bước là mộ ông Bảo. Trên mộ ông có một nắm nhang đã cháy tàn. Người ta quả quyết rằng đó là nắm nhang cô mang từ Hà Nội về thắp cho ông. Vùng quê tôi đâu có loại nhang mảnh chân nhuộm phẩm tím và cháy đều như thế. Trên mộ chú Thà cũng có một nắm nhang mảnh chân nhuộm phẩm tím, tàn cháy rất đều …
Hội cựu chiến binh đã đề nghị được chôn cất cô ở nghĩa trang liệt sĩ xã
Bốn năm trước đây, dân làng tôi đã được dịp xôn xao bàn tán về chuyện ông Bảo lấy vợ. Kể ra một ông già sáu mươi tuổi góa vợ, đã có cháu nội, cháu ngoại còn lấy vợ lần nữa để kiếm người bạn nương tựa nhau những năm xế bóng chiều tà thì cũng chẳng có gì là ghê gớm. Nhưng dân làng tôi vốn tò mò, thóc mách. Kể thì cũng phải thông cảm cho họ. Ở cái làng quê heo hút ba bên bốn bề núi đá bao bọc này, người dân quanh năm chỉ biết cắm cúi lo cái ăn. Phim ảnh chẳng mấy khi về tới, sách báo rất hiếm hoi… thì bất cứ chuyện gì hơi là lạ, khang khác một tí là được chú ý, được bàn tán rất say sưa, hào hứng… Mà chuyện lấy vợ của ông Bảo cũng khác người lắm cơ. Ai đời chỉ có cậu con trai lớn đi hỏi vợ cho bố. Ai đời hôm đón dâu cũng chỉ mỗi cậu con trai đó đi bộ ra ga lấy xe đạp của cô dâu buộc chiếc va li và chiếc ba lô con cóc phóng về trước, còn cô dâu chú rể thì cuốc bộ thủng thẳng về sau…
Nhà văn Mai Nam Thắng
Tất cả những chuyện ấy đều có thật. Có người nói ông Bảo vốn con nhà lính nên việc gì cũng chủ trương đơn giản, gọn nhẹ. Thật ra, chuyện trăm năm lần này của ông Bảo chẳng “đơn giản, gọn nhẹ” chút nào. Suốt mấy chục năm biền biệt xa nhà, một mình bà vợ ông nuôi ba đứa con khôn lớn, ăn học nên người. Ông về hưu chưa đầy năm thì bà đột ngột qua đời. Ngôi nhà trở lại cảnh sớm tối một mình một bóng như sáu bảy năm nay, từ ngày cô con út tốt nghiệp sư phạm theo chồng vào dạy học đâu tận Cồn Tiên, Dốc Miếu. Chỉ khác lần này mình ông lủi thủi chứ không phải là bà. Mà cái sự quạnh hưu của ông thì chắc là lớn hơn bà nhiều lắm. Dù sao, bà cũng đã quen với nhịp sống của cái làng quê hẻo lánh này từ thủa lọt lòng tới giờ. Còn ông thì đang nơi ồn ào sôi động của một sư đoàn chủ lực, nay chỉ riêng chuyện phải nghỉ hưu, phải xa đơn vị, phải rời công việc … thì đã đủ buồn tẻ lắm rồi. Với lại ngày ấy, bà còn có ông để ngóng trông, để chờ đợi cảnh đoàn tụ xum vầy những năm cuối đời. Còn với ông thì coi như đã hết. Chỉ còn mong mỗi năm đôi dịp nghỉ hè, nghỉ tết chúng nó bồng bế nhau về láo nháo vài bữa rồi lại bồng bế nhau đi…
Đôi ba lần đã có người nói gần nói xa, nửa đùa nửa thật khuyên ông nên tục huyền. Ban đầu ông có cảm giác như bị xúc phạm. Xúc phạm tới cái uy danh của một vị đại tá đã lên bậc lão như ông. Xúc phạm tới vong linh người vợ đảm đang, chung thủy, thiệt thòi mà trọn đời ông yêu thương, tôn thờ, mang nợ… Nhưng dần dần những ý kiến đại loại như thế ông cảm thấy là chuyện bình thường. Lắm lúc ông còn cười cười đáp lại bằng những lời cũng vui vui, hóm hỉnh. Rồi đến một ngày ông cảm thấy điều đó là hợp lẽ, là nhu cầu thật sự của ông. Nhất là sau cái lần ông dầm mưa chạy ra vườn chặt mấy ngọn lá cọ, rồi lại dầm mưa trèo lên mái nhà chữa mấy chỗ dột, bị cảm sốt li bì một tuần liền, ông càng thấm thía nỗi cô đơn và sự cần thiết của bàn tay người phụ nữ…
Sau trận ốm lần đó, cô em họ con ông chú ruột đang làm nhân viên hành chính của trường Đảng Quân khu đóng ở Huế về phép sang thăm ông, bảo:
– Anh thu xếp gửi nhà cho các cháu bên này trông hộ, vào Huế chơi với vợ chồng em một chuyến. Hai thằng nhỏ cứ nhắc ông hoài.
Ờ nhỉ? Từ ngày giải phóng tới giờ, ông chưa có dịp trở lại Huế. Mà chỗ chúng nó cũng là đơn vị quân đội, chắc ông không trở nên lạc lõng. Nghĩ thế, ông vui vẻ nhận lời.
Tàu chợ đến ga Huế hơn mười một giờ đêm. Không hiểu cô em hò hẹn thế nào mà ba bốn cô cùng cơ quan nó và cậu em rể của ông đã đón sẵn ở cửa ga. Các cô ríu rít gọi ông bằng anh rồi đẩy một chị lớn tuổi nhất bọn đến trước mặt ông:
– Kìa chị Dung, xách hộ anh Bảo chiếc túi.
Người phụ nữ có tên là Dung mỉm cười với ông thay lời chào rồi lẳng lặng xách chiếc túi của ông đi theo mọi người…
Quả tình, khi nghe các cô gọi mình bằng “anh”, ông Bảo cảm thấy ngường ngượng. Ở cái tuổi trạc ba mươi như chúng nó, hồi còn ở đơn vị đố đứa nào dám gọi ông như thế. Thường thì các cô các cậu ấy gọi ông là “thủ trưởng”. Thân mật hơn thì “thưa chú, thưa bác”. Chỉ đứa nào táo tợn lắm mới dám “bố bố, con con”. Có lẽ ở đây, chúng cậy là bạn bè vợ chồng cái Hà – em họ ông – nên cũng được quyền xưng hô như thế. Cũng được! Càng thêm phần thân mật ở cái nơi quen ít, lạ nhiều này. Nhưng đến lúc chia tay, các cô nháy nhau: “Ngày mai mời anh sang thăm chị Dung và chúng em” rồi đấm nhau thùm thụp ù té chạy, thì ông láng máng nhận ra một sự gán ghép, sắp đặt tinh quái nào đó. Cô em họ của ông cũng lấp lửng:
– Chị Dung là tổ trưởng của bọn em. Bốn mươi hai tuổi, chưa có gia đình…
“Cái buổi ban đầu” của ông và cô Dung đã diễn ra như thế!
Dịp tết năm đó là một chuỗi ngày dữ dội của cha con ông Bảo. Cô con gái út chỉ tức tưởi nức nở nước bàn thờ của mẹ, rằng là ông đã bạc nghĩa phụ tình … Anh con thứ cũng đưa vợ con từ thành phố Hồ Chí Minh ra và than rằng từ nay không dám về quê nữa … Chỉ có anh con cả cũng là sĩ quan đã có vợ con ở Hà Nội là ủng hộ ông. Anh nói rằng con nuôi bố chẳng bằng bà chăm ông. Rằng đời mẹ đã chịu khổ cực, thiệt thòi một bề, bây giờ con cháu không có quyên bắt bố phải chịu thiệt thòi, cô quạnh… Cuối cùng, anh cũng đã thuyết phục được hai người em đồng ý để anh đứng ra “tổ chức” cho bố, kịp ngày ra Hà Nội làm thủ tục đi hợp tác lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức.
Thì ra cô Dung chẳng phải ai xa lạ. Nhiều người trong làng vẫn còn nhớ và nhận ra cô ngay từ hôm đầu tiên cô xuống ga Ngọc. Cả tôi cũng chưa quên cô. Mặc dù hồi ấy tôi mới lên mười tuổi.
Ấy là vào những năm sáu sáu, sáu bảy. Hồi đó làng tôi bị máy bay Mỹ quần đảo, bắn phá suốt ngày đêm vì nằm cạnh một đoạn đường sắt trọng điểm. Có một đơn vị thanh niên xung phong đến đóng ở làng tôi, phụ trách cung đường từ ga Ngọc đến hang Minh Lạc. Đơn vị này phần đông là nữ, nghe nói quê ở Nam Hà, Thái Bình gì đó. Dân làng tôi mấy ai được đi xa mà biết đấy là đâu, cứ nghe giọng nói khác với giọng trọ trẹ quê “miềng” là gọi dân “khu ba” tất. Con gái khu bốn tay cẳng đen sì, mỗi khi chồng gọi “chi chi rứa rứa”. Mấy chú bộ đội pháo cao xạ ở bên kia núi Ngọc vẫn hay trêu các cô gái làng tôi như vậy. Quả thật, mấy cô thanh niên xung phong cô nào cũng đẹp, nói véo von như hát, còn hát thì thật tuyệt, nhất là hát chèo. Ban đêm cả đơn vị đi “hiện trường”. Mờ sáng mới trở về nghỉ ngơi, tắm giặt. Buổi chiều thường học văn hóa hoặc tập văn nghệ ở trường học của chúng tôi. Gọi là trường nhưng thực ra chỉ là một cái lán nửa chìm, nửa nổi nấp dưới bóng tre. Bên trên trần nhà có lót phên đổ cát chống bom bi. Bởi vật trong lán lúc nào cũng nhờ nhờ tranh tối tranh sáng. Những hôm trời xấu phải đốt đèn mới nhìn thấy chữ. Thầy giáo lớp bổ túc văn hóa của đơn vị là chú Thà. Nghe nói trước khi đi thanh niên xung phong, chú đang học dở ở trường sư phạm. Chú Thà người mảnh mai nhưng giỏi võ. Có lần chú đã biểu diễn một bài quyền ngay giữa sân nhà tôi, cho đám trẻ con chúng tôi xem, đứa nào cũng mê li và phục sát đất. Tôi mến chủ Thà không phải để đòi chú dạy võ như mấy đứa bạn vẫn hay gạ gẫm, mà vì chú Thà thỉnh thoảng vẫn cho tôi dăm viên phấn. Dạo đó, phấn viết cũng hiếm lắm, nhất là phấn màu.
Một buổi chiều, tôi mang sách vở ra làm bài tập toán thì sực nhớ ban sáng đã bỏ quên quyển sổ học dưới gầm bàn lớp học. Thế là mặc dù trời đất đang vần vũ sắp đổ mưa đến nơi, tôi vẫn ba chân bốn cẳng chạy vọt đến trường. Trong lán hình như có tiếng người. Chiều nay các cô thanh niên xung phong nghỉ học cơ mà? Hay là tụi thằng Bân lại vặt trộm mít nhà bà Sum mang ra đây “khao quân” như hôm nọ?
Tôi bỏ lối vào cửa chính, rón rén men theo ụ đất đắp nổi phía đầu hồi tay trái, bò lên sát tấm phên cát che trần nhà, thò đầu nhòm xuống. Không phải trẻ con mà là hai người lớn đang nói chuyện rì rầm. Rõ ràng là giọng một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông là chú Thà. Chú ấy thì chỉ cần nhìn thấy cái áo cộc tay màu gạch cháy và cái dáng ngồi khòng khòng như lúc chú ôm cây đàn đàn cho mấy cô “khu ba” hát là tôi nhận ra ngay. Còn người đàn bà kia, phải một lúc quen mắt với thứ ánh sáng nhờ nhờ trong lán, tôi mới nhận ra đó là cô Dung. Tiểu đội cô Dung đóng ở nhà bác Nghĩa, cách nhà tôi hai ngõ. Cô Dung không đẹp rạng rỡ như cô Hoa, không hát hay bằng cô Lợi nhưng khuôn mặt, đôi mắt, giọng nói của cô thật dịu dàng, quyến rũ. Cả xóm tôi, trẻ con, người lớn ai cũng quý mến cô. Cô Dung mặc thứ gì trông cũng khéo, cũng buộc người ta phải ngắm theo cô, từ bộ đồng phục thanh niên xung phong may bằng thứ vải xanh dày cộm đến chiếc quần lụa đen hơi chít gấu với chiếc áo sơ-mi vải phin màu cánh trả. Hôm cô mượn chiếc áo nâu may kiểu cổ “Tư Hậu” của bác Nghĩa để diễn kịch, cũng vừa và khéo như người ta đo người cô mà cắt vậy, ăn đứt mấy cô thôn nữ chải chuốt nhất ở làng tôi. Có lẽ cô được trời phú cho một thân hình cân đối và bộ ngực đầy căng, tròn trịa. Ngày ấy, tuổi chúng tôi chưa biết để ý, bình phẩm những đường nét trên cơ thể người thiếu nữ. Nhưng đám thanh niên sơn tràng tếu táo vẫn hay đem bộ ngực của cô ra để ao ước, trêu đùa nhau những lúc vui vẻ. Tất nhiên là những lúc vắng mặt cô. Còn trước mặt cô thì anh nào cũng tỏ ra rất đàng hoàng, tử tế. Chính tôi đã có lần dại dột đọc lại bài vè nghe lỏm được của họ: “Vú cô Dung, lưng cô Mùi, đùi cô Huệ …” bị cô giáo phạt đứng suốt một buổi học …
Bây giờ cô Dung và chú Thà đang ngồi sát bên nhau kia, cạnh chỗ ngồi của tôi và thằng Bân. Tay trái chú Thà quàng qua vai cô Dung. Còn cô thì hơi nghiêng đầu nép vào ngực chú. Hình như cô thút thít khóc. Bỗng nhiên chú Thà xoay người ôm chầm lấy cô, hôn tới tấp lên mặt, lên mắt, lên trán cô… Còn cô thì kêu lên khe khẽ, hai tay cũng choàng ngang lưng chú, rối rít, cuống quýt… Cứ thế, hai người xoắn xít lấy nhau. Chưa bao giờ tôi trông thấy một người đàn ông và một người đàn bà ôm riết nhau như thế. Nhưng trong ý thức của một cậu học trò lớp ba, tôi cũng láng máng hiểu được rằng đấy là “chuyện kín” của những cặp yêu nhau. Trống ngực tôi đập thình thình, chân tay run bắn lên. Ngoài kia, gió giật ào ào, bụi tre vặn răng rắc. Cơn giông tố đã ập xuống. Một tia chớp xanh lè xẹt ngang đọt cây xoài, kèm theo một tiếng nổ làm tôi giật nảy người giật tung que củi đở ngang tấm phên tre chắn cát. Đất cát đổ xuống rào rào … Cô Dung và chú Thà cũng giật mình như choàng tỉnh. Tôi ngồi thụp xuống, lăn mấy vòng xuống đất rồi co cẳng chạy như ma đuổi dưới trời mưa…
Đêm ấy, đường lại tắc. Cả đơn vị được huy động ra “hiện trường”. Gần sáng, người ta khiêng chú Thà về đặt giữa nhà kho hợp tác xã. Thân thể chú đầm đìa máu. Cô Dung không đi dự buổi lễ truy điệu chú Thà. Cô nằm ở nhà, không khóc, không ăn uống, nói năng gì suốt từ sáng tới chiều. Người cô như dán lên chiếc chõng tre. Mắt trân trân ngó lên trần nhà, đờ đẫn như người mất hồn. Tối, cô vùng dậy ra hiện trường với chị em. Nhưng mới hơn mười giờ đã thấy cô Mùi và một chú nữa dìu cô trở về. Nghe nói cô đã bị vấp ngã và ngất đi…
Không ai hay biết gì chuyện của cô và chú Thà trong cái buổi chiều giông hôm ấy…
Đã hai mươi năm, bây giờ cô Dung lại trở về làng tôi, chính thức trở thành người làng tôi. Kể ra, đơn vị có thể cấp cho vợ chồng cô một căn hộ ở Huế và cô có thể tiếp tục công các thêm dăm năm nữa. Nhưng ông Bảo không muốn thế. Nếu phải từ bỏ mảnh đất chôn rau, cắt rốn với bao nhiêu ràng buộc sâu nặng của nghĩa tình, trách nhiệm, đạo lý… thì ông đã ra Hà Nội với thằng cả hoặc vào miền Nam với vợ chồng thằng hai, con út theo lời khẩn khoản của chúng nó mấy năm nay rồi. Thế là cô Dung xin nghỉ hưu để “xuất giá tòng phu”. Mình bằng cấp không có, tính năm tháng phục vụ cũng đủ rồi, cơ quan lại đang giảm biên chế, nghỉ là phải. Cô bảo thế!
Đã hai mươi năm, bây giờ cô Dung không còn là cô thanh niên xung phong phổng phao, căng đầy như trước nữa. Người cô tuy hơi đẫy nhưng sắc khí khô nhạt, không phải thứ đẫy đà, béo tốt của những mệnh phụ viên mãn. Hai mươi năm, cô phải chống chọi với sự cô đơn, với khát khao được làm người yêu, người vợ, người mẹ. Nỗi khát khao ấy cùng với thời gian đằng đẵng hai mươi năm đã cướp đi tuổi thanh xuân của cô. Bây giờ, khóe mắt của cô như vầng trăng sau rằm, vẫn trong sáng, đẹp dịu dàng nhưng đã có phần héo khuyết. cô như một chồi cây đang giữa những ngày nắng hạn, tuy lá cành không còn giữ được vẻ tươi non mơn mởn nhưng bên trong vẫn đang tiềm ẩn một sức sống rạo rực, bạo liệt, chỉ cần một cơn mưa tưới tắm tràn trề là trỗi dậy, sinh sôi…
Và cơn mưa ấy đã tới. Tuy không ào ạt, cuồng nhiệt như cơn giông tháng tư nhưng cũng đủ tươi mát để hồi sinh những nét xuân sắc trên cơ thể người phụ nữ vốn một thời xinh đẹp, hấp dẫn. Hạnh phúc đến với cô muộn màng và có phần an bài nhưng cũng phần nào bù đắp, an ủi những thiệt thòi, mất mát. Bồn mươi hai tuổi, cô vẫn còn khả năng sinh nở. Ngay đêm chồng vợ đầu tiền, ông Bảo đã chứng tỏ khả năng của người đàn ông và củng cố cho cô niềm tin đó. Và cô đã hối hả, đã cuống quýt với niềm tin và mong ước có một đứa con.
Nhưng hạnh phúc đến với cô cũng ngắn ngủi như cơn giông ngày hạ. Lấy nhau chưa đầy nửa năm thì ông Bảo đổ bệnh. Cô hoang mang, thất vọng khi bệnh viện cho biết ông bị suy thận và phải tuyệt đối kiêng hẳn sinh hoạt vợ chồng. Hơn ba chục năm đánh nam dẹp bắc, vào sinh ra tử, bon đạn đã chừa ông. Nhưng chiến tranh thì không buông tha, vẫn tìm cách sát hại ông bằng được. Hồi “chém vè” ở vùng ven, có thời kỳ phải gập mình trong những căn hầm dâm dấp nước hàng tháng dòng, ông đã bị viêm thận suýt tử vong nếu cơ sở không bắt mối được một ông thầy thuốc có cảm tình với cách mạng. Lần thứ hai ông bị tái phát vào thời kỳ cam go nhất sau Mậu Thân 1968, giữa những cánh rừng miền Đông đói khát, muỗi nhiều như trấu vãi. Và lần này là lần thứ ba, ông không tin vào cái luận điểm “sự bất quá tam”, nhưng ông biết rõ bệnh trạng, sức khỏe của mình và hiểu điều gì đang đến. Chiều ý cô, ông đã vào bệnh viện Quân khu, ra cả viện 108 ở Hà Nội. Cô không chịu để ông đi một mình. Nhưng sự có mặt của cô bên ông hàng tháng trời ở các bệnh viện cũng không xoay chuyển được bệnh tật. Ông xin về điều trị đông y ngoại trú nhưng cũng chẳng ăn thua. Người ta nói bệnh của ông sống đã khó mà chết cũng rất khó. Nó hành hạ không chỉ một mình người bệnh mà cả những người thân thích ruột thịt. Thời gian đầu ông còn đi lại, đứng ngồi được. Nhưng càng về sau chân tay, mặt mũi ông càng sưng phù. Và đến lúc thân thế gần như bất động, hàng tháng ròng không dậy khỏi giường. Những ngày ấy, cô Dung không chỉ là người bạn, người vợ, mà còn là người con, người mẹ của ông. Ông đã khóc vì thương cô, vì hàm ơn cô, vì có lỗi với cô … Bởi ông nghĩ rằng chính ông đã đưa đẩy đời cô đến tình cảnh éo le, bất hạnh này. Nay mai ông chết, đời cô còn phải chịu éo le, bất hạnh nữa…
Ông mất vào một chiều giông tháng tư, đúng hai năm ba tháng kể từ ngày hai người về với nhau.
Lại một lần nữa, căn nhà gỗ ba gian rơi vào cảnh trống trải quạnh hiu, sớm tối chỉ có một bóng người ra vào lầm lũi.
Ngày xưa, bà Bảo còn có chồng, có con cháu để chờ trông, thắc thỏm. Bà sống được là nhờ nỗi nhớ chờ trông, thắc thỏm ấy.
Ngày xưa, ông Bảo còn có những người thân thích trong xóm ngoài làng để thăm nom, qua lại; còn có những người bạn đồng niên, nối khố để ôn cổ, luận đàm…
Còn với cô Dung, tất cả đều xa lạ. Từ tiếng nói, phong tục đến những mối quan hệ họ tộc, láng giềng… Cả ngôi nhà này cũng trở nên xa lạ. Nhiều đêm giất mình tỉnh giấc, cô hoảng hốt quờ chăn chùm kín người, lòng dạ bồn chồn với bao nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng hình như lúc nào cũng rình rập bên cô.
Thế vẫn chưa đủ. Cô còn bị dằn vặt đau khổ vì những lời đàm tiếu. Có người độc miệng nói rằng chính cô đã gây nên cái chết của ông Bảo. Rằng cái tuổi hồi xuân phây phấy, hơ hớ thế kia thì gì mà ông Bảo chẳng tàn hơi cạn lực. Lại có người thực dụng thì tính toán: “cô Dung thê mà trúng to, tự dưng được thừa hưởng một gia tài của nổi của chìm cả cuộc đời vợ chồng ông Bảo xây dựng…”
Hình như hai đứa con của ông Bảo cũng nghĩ đến điều đó!
Có người ái ngại khuyên cô nên trở về “khu ba”. Nhưng cô nói rằng cô lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì thờ chồng. Duyên số đã đưa cô về đây thì cô sống chết với cái làng này.
Có người chân tình khuyên cô nên dọn ra Hà Nội ở với vợ chồng anh con cả. Thôi thì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Con cháu ông Bảo cũng là con cháu của cô. Nay mai mình nằm xuống chúng nó cũng có trách nhiệm thờ cúng. Mà anh cả là người có học, biết nghĩ. Chính anh đã ủng hộ ông Bảo xây dựng với cô là gì. Bây giờ anh ấy đang ở bên Đức, mẹ con chị ấy ở nhà chắc cũng rất cần có bà.
Hình như thằng thứ, con út cũng nghĩ như thế, đã bàn như thế!
Và chúng đã nói ra điều đó. Hôm về cúng trăm ngày cho ông Bảo, chúng đã đánh tiếng bán đất, bán nhà. Cô hiểu là chúng đuổi khéo cô. Cô là người dưng, người thừa trong cái nhà này. Ngày xưa, chúng đã từng phản đối…
Cả làng tôi xôn xao về cái chết của cô Dung. Người thì nói rằng cô về làm lễ đoạn tang chồng, chẳng may bị trúng phong, đột tử. Người lại kể vanh vách rằng anh con cả đi hợp tác lao động mới về Việt Nam trước thời hạn hợp tác nên được đền bù một khoản tiền lớn, đã mua đất xây nhà mặt phố, buôn bán giàu lắm. Vợ chồng anh còn thuê một người ở vừa hầu hạ nội trợ, vừa có thể làm gia sư kèm cặp cậu quý tử đã đến tuổi đi học. Còn cô chỉ là “đồ vô tích sự”. Uất quá, cô đã mua một liều độc dược và trở về, thực hiện lời nguyền của cô sau ngày ông Bảo mất…
Xung quanh cái chết của cô, người ta còn nghi hoặc, xì xào nhiều điều nữa. Nhưng chỉ một thời gian rồi cũng bẵng đi. Đã bảo dân làng tôi tuy hơi tò mò, thóc mách nhưng vô tâm, tốt bụng lắm. Chẳng ai muốn nói đến những điều không hay về người đã quá cố.
Xuân thu nhị kỷ, vào dịp tết, các cháu học sinh hoặc đại biểu quan chức địa phương cũng đến viếng nghĩa trang, đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm dưới chân đài TỔ QUỐC GHI CÔNG.
Cô Dung không phải là liệt sĩ, chẳng biết linh hồn cô có được dự phần vào đấy hay không?
Còn tôi, cứ môi lần như thế, lại bồi hồi nhớ đến những nắm nhang mảnh chân, nhuộm phẩm tím, cháy rất đều…
21/2/2021
Mai Nam Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...