Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Được làm bạn với Đức Hậu là may mắn

Được làm bạn với Đức Hậu là may mắn

Đã đọc và nghe một cái danh Đức Hậu, rồi gặp ở hội nghị, tôi nhận ra ngay bởi qua văn thấy người. Lớp nhà văn từ khoảng thập niên 90 thế kỷ XX trở về trước hầu như đều biết đều quen nhau bởi một là số lượng không đông lắm, hai là dù cá tính gì thì cũng lấy cái sự thân thiện, hòa nhã làm trọng. Tuy thế, tôi chỉ trộm ngắm nhìn Đức Hậu từ xa bởi cái vẻ lạnh lùng bề ngoài. Phải đến năm 2004 tại hội nghị văn học miền núi ở Sa Pa chúng tôi mới thật quen nhau.
Trong hội trường, diễn giả đang cao giọng oang oang, cử tọa chật ních ồn ào. Vốn không ngồi yên một chỗ, lại thủ vai phóng viên tạp chí văn nghệ Lào Cai, tôi khẽ đi ra ngoài thì thấy Đức Hậu đang trầm ngâm tựa lan can. Một thế đứng rất nhà văn can trường. Tôi mạnh bao xin được phỏng vấn và chụp ảnh chân dung. Một thời gian sau giở lại phim, làm một tấm cỡ CP, càng nhìn càng thấy đẹp. Tôi gọi cho Đức Hậu có cần thì gửi phim cho. Đức Hậu gọi cho tôi: “ảnh của ông đẹp đến mức kinh điển. Bạn bè Thái Bình ai cũng thích”. Sau đó Đức Hậu gửi cho tôi một tấm ảnh phóng to và trả lại phim. Quả là trong số ảnh chân dung nghệ thuật tôi chụp chỉ có ảnh Đức Hậu là ưng nhất: Dáng to cao lịch lãm, tóc xoăn sóng tự nhiên, đôi mắt nhìn sâu thẳm được tô điểm bằng hàng ria đậm. Không ngờ nhân vật trong tấm ảnh như một nhà quý tộc thượng lưu đầy uy quyền và sang trọng thời Phục Hưng. Chính tấm ảnh đã kết chúng tôi thành bạn thân. Có người bảo tôi nên gửi treo hoặc triển lãm nhưng rồi cứ nấn ná đắn đo cho đến lúc quyết định giữ lại cho mình, chứ giới ảnh mà nghe cái tên người miền núi ngồ ngộ là họ vứt nhoách đi ngay thôi. Chốn nghệ trường có điều trớ trêu là thế, không lý giải được, dù tác phẩm hay, tốt nhưng không hiểu sao đeo một cái tên tác giả thì lại thái nhau, vả lại chân dung một thiên nhân mà đem treo cho mọi người xem, cứ cảm thấy như mình bị hạ thấp phẩm giá.
Nhà văn Đức Hậu
Hồi ấy Đức Hậu đang làm Chủ tịch hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình. Không nhớ rõ năm 2005 hay 2006, Đức Hậu tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ Thái Bình đi thực tế sáng tác ở tỉnh Lào Cai. Bất chợt Chủ tịch hội Lào Cai gọi tôi đi cùng tiếp đoàn, do chính đoàn Thái Bình chiêu đãi. Gặp nhau, mới biết mình được gọi là do Đức Hậu yêu cầu. Đức Hậu rủ tôi lên phòng khách sạn, giới thiệu vợ là kiến trúc sư và tặng tôi cuốn sách “Đức Hậu – Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc”. Rồi gặp trong đại hội nhà văn khu vực miền Bắc tại thành phố Yên Bái, gặp ở đại hội đại biểu nhà văn toàn quốc tại thành phố Hà Nội nhưng chỉ thoáng qua vì ai cũng bận việc. Lần gặp nào Đức Hậu cũng nhắc lời mời tôi về Thái Bình chơi. Trung tuần tháng 10 năm 2008 lại gặp nhau tại hội nghị nhà văn khu vực phía Bắc ở Ninh Bình, Đức Hậu nhắc thêm lời mời. Thấy từ Ninh Bình đến Thái Bình không bao xa nên tôi cả quyết nhận lời. Không phụ thuộc xe cộ, kết thúc hội nghị, tôi cùng về Thái Bình quê ông. Đến thành phố Thái Bình, Đức Hậu đưa tôi về một khách sạn nhỏ đủ tiện nghi. Vợ Đức Hậu, Lê Thị Hòa đã đến trước để xếp phòng. Đức Hậu bảo:
– Tôi rất muốn đưa ông về nhà. Nhà tôi rộng rãi, có riêng phòng máy lạnh cho khách nhưng dù sao cũng không tiện cho ông, vì biết ông hay viết về đêm. Ông đi tắm đi. Tôi về tắm cái rồi tới đón ông về nhà tôi ăn cơm!
Thì ra cung cách đối xử với bạn bè của vợ chồng Đức Hậu rất hiện đại. Trọng tình nhau thì phải trọng cá tính của nhau; chứ mà quý nhau cứ phải dằng dây vào nhau thì phiền toái lắm, nhất là cánh văn chương, cứ lục sục cả đêm. Lúc sau cả hai vợ chồng Đức Hậu mỗi người một xe đến làm tôi xúc động ứa nước mắt. Về đến nhà, mâm cơm của bà Hòa chẳng bày biện gì, chỉ một tô lớn gà ta hầm nguyên con, một rá rau sống lẫn rau thơm, đĩa bún và mấy quả ớt. Đức Hậu lôi trong góc tủ ra chai rượu ngoại, chắc là đắt tiền lắm.
– Đêm nay nghỉ ngơi thôi nhá. Dù sao thì cũng già rồi, viết được đến đâu thì viết, cứ phải giữ sức, nhưng dù sao tôi với ông cũng phải đánh đổ chai này!… Mà này! Văn của ông cứ nhẩn nha túc tắc như là đi đường núi, rồi ông pha thêm cái chất sương khói huyền thoại nữa nên rất sâu lắng, tính nhân văn nổi trội lên vừa cuốn hút, vừa ám ảnh. Cái Biển xa xăm của ông đăng báo Văn nghệ tôi đọc đến hai lần. Nào, chào mừng ông đến Thái Bình!
Thế rồi câu chuyện chúng tôi xoay quanh cuộc đời, chuyện bạn bè kẻ còn người mất. Kiến trúc sư Lê Thị Hòa chỉ ngồi nghe, không hề động đến giọt rượu nào. Tôi được biết bà đã từng là ủy viên Ban chấp hành hội kiến trúc sư Việt Nam hai khóa và từng làm Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Bình. Bà vui vẻ ngồi tiếp món ăn cho chúng tôi đến tàn cuộc rượu. Đúng như Đức Hậu giao hẹn, chúng tôi đánh đổ cả cây Chivas regal 18 loại to.
Đêm. Trằn trọc. Tôi cứ mơ mơ màng màng nghĩ về Đức Hậu. Trông tướng ấy đáng phải là một nhà quan chức cấp cao. Cái thằng văn chương cứ phải méo mó, dẹo dọ như tôi mới đúng chứ! Có thể Đức Hậu không trúng số? Có thể Đức Hậu chọn nghề văn chương bởi ông yêu nó, cũng như tôi, văn chương không có chuyện sang hèn nhưng trước hết nó là Con Người. Triết sinh của tôi là thế nên tôi học làm Người trước khi làm văn. Có phải thế không, Đức Hậu?
Sáng hôm sau ngủ dậy muộn khi Đức Hậu đã chờ ở lễ tân. Ông đèo tôi đi ăn canh cá rô, món đặc sản Thái Bình. Rồi chúng tôi đi uống cà phê ở một quán bên bờ sông có hàng liễu rủ la đà với những làn gió thoảng nhẹ mát lành. Về nhà, thấy bà Hòa đang ngồi căng mắt vẽ bên máy vi tính. Không nhìn chúng tôi, bà bảo:
– Em xin lỗi không đi ăn sáng với hai anh được. Hôm nay em bận việc từ sớm!
Trong khi chúng tôi leo bậc cầu thang lên tầng, Đức Hậu bảo:
– Vợ tôi bận lắm. Về hưu, bà ấy đứng ra lập một cái công ty tư vấn thiết kế, giám sát và xây dựng. Làm cả quy hoạch và xây dựng nông thôn. Các cháu đi làm xa cả, nhà chỉ có hai vợ chồng, bà ấy vừa lo công việc, vừa phục vụ tôi. Bà này yêu nghề và yêu chồng con hết mực!
Chưa vào phòng, Đức Hậu dẫn tôi thẳng lên sảnh phía sau sân thượng tầng ba.
– Ông thấy giàn trầu mẹ tôi mượt chưa. Giàn trầu của mẹ tôi đấy!
Đức Hậu nói vậy tức giàn trầu chính là bóng hình người mẹ. Ông vân vê những cánh lá xanh mập:
– Ông ạ, tôi luôn nghĩ phải học Làm Người trước khi viết văn. Học Làm Người quả thật không dễ dàng gì, vì trước hết phải luôn nhận phần thiệt thòi về mình. Tuy thế, suy đi ngẫm lại, thấy chẳng thiệt đâu. Giời có mắt mà!
Tôi ớ người ra rồi chìa tay bắt tay Đức Hậu thật chặt.
– Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình như một cái diều, dù bay lượn thế nào thì cũng phải cột chặt đầu dây vào một điểm tựa. Điểm tựa đó chính là làng quê mình. Không có điểm tựa, mình sẽ bị gió quăng quật rồi rơi vào đâu không biết. Anh hùng, vĩ nhân thì cũng phải sinh ra từ một cái làng, phải có một chỗ chôn nhau cắt rốn. Nếu tôi không sinh trong một cái làng nghèo, chắc gì tôi đã thành nhà văn. Mà ngày xưa làng tôi nghèo lắm!
Đức Hậu tuổi Đinh Hợi, quê làng Tam Lộng, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy. Bố mẹ sinh được cả thảy chín anh em nhưng chết bốn còn năm. Ông là thứ tư, giờ thành thứ hai. Người chị trên ông sinh năm 1944, năm đói Ất Dậu phải đem cho người ta ở chợ đến nay vẫn chưa tìm được. Bố là Vũ Đức Phiêu hoạt động bí mật từ năm 1948, sau hòa bình làm cán bộ xã cho đến khi nghỉ hưu. Mình mẹ quanh đời đeo giỏ mò cua bắt cá đồng nuôi con. Năm 1965 vào học cấp ba bên huyện Thái Ninh vì hai huyện mới có một trường. Nhà nghèo quá không có gạo để trọ học, Đức Hậu thôi học rồi xin đi học trung cấp mỏ. Năm 1967 đi làm ở mỏ Vàng Danh – Quảng Ninh. Nhận được đồng lương đầu tiên, Đức Hậu đi tìm mua sách để đọc và cuốn sách đầu tiên tự mình mua được là cuốn Bút ký triết học. Cũng năm 1967 truyện ngắn đầu tiên ra đời, mang tên Niềm vui, được in vào tuyển tập truyện ngắn Quảng Ninh năm 1968. Truyện tiếp theo là Người nhà máy, đăng trang nhất báo Văn nghệ năm 1971. Lãnh đạo mỏ thấy Đức Hậu thích viết, liền điều động làm Công đoàn phụ trách về văn hóa. Thế là ngày thì làm việc, tối thì đi học bổ túc văn hóa cấp ba. Tối thứ bảy không học văn hóa thì đi học nhạc, cách xa mười bảy cây số, phải lấy ống bơ tạo một cái đèn ma zút để chạy bộ trên đường ray. Năm 1969 về nghỉ phép, Đức Hậu mang theo chiếc ghi-ta và mấy cái truyện ngắn tìm tới Ty văn hóa tỉnh Thái Bình sơ tán ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng. Gặp được ông Hồng Dương trưởng phòng, ông Thanh Long, phó phòng văn nghệ. Qua câu chuyện, thấy Đức Hậu hiểu nhiều biết rộng, ông Hồng Dương đã học thời Tây hỏi sao hiểu biết rộng vậy. Đức Hậu bảo không có điều kiện học hành nhưng chịu khó đọc nhiều sách. Ông khuyên nên về ty Văn hóa. Về hỏi bố. Bố gàn. Thế là tự làm đơn, lý lịch rồi đi tìm ông Phó Chủ tịch huyện Tạ Bá Khù sơ tán trong nhà dân để xin xác nhận. Ông Khù chẳng mấy khi tiếp khách xởi lởi nhưng gặp được người thanh niên trẻ hiểu nhiều biết rộng nên hai người chuyện trò suốt cả buổi chiều. Ông ký xác nhận luôn rồi bảo đi lấy dấu, ông còn chúc thành công và khuyên hãy làm một nhà văn của Đảng thật tốt. Cán bộ tổ chức ty Văn hóa xuống xác minh rồi nhận về làm ở phòng sáng tác. Năm 1971 tỉnh thành lập hội Văn nghệ, Đức Hậu là một trong ba người về Hội đầu tiên, sau đó đi học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ của hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá khóa V. Cùng học, Đức Hậu còn nhớ có Duy Khán lớp trưởng, Nguyễn Khắc Trường, Tô Nhuận Vĩ, Xuân Đức, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Văn Phan, Phúc Lai, Phù Ninh, Thanh Tùng, Thanh Quế, Trần Nhuận Minh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Hoài Dương, Bế Kiến Quốc… Học xong về, Đức Hậu tập trung hết tâm lực viết về nông thôn miền Bắc thời kỳ hợp tác xã đang dồn hết sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những năm 70, 80 thế kỷ trước, Đức Hậu là một trong vài cây bút viết về nông thôn khá tiêu biểu thường xuyên xuất hiện trên báo Văn nghệ và một số báo chí khác với những bút ký, truyện ngắn nóng hổi hơi thở cuộc sống. Ông say mê đi và viết. Ông thường về nông thôn sống với nông dân chân lấm tay bùn, mặt dán đất, lưng dán trời có khi hàng tháng. Dù lúc ở phố hay khi ở nông thôn ông vẫn không ngừng đọc. Đọc dưới ánh đèn dầu. Đọc dưới ánh lửa, thậm chí cả dưới ánh trăng. Ông dồn hết tâm huyết và tình yêu cho văn chương và sách vở, không tham vọng chính trị, không bận tâm kinh tế. Cho đến bây giờ nhà văn Đức Hậu – Trưởng ban công tác các nhà văn phía Bắc vẫn luôn nhắc đến một ân nhân, như là người thầy đầu tiên của mình. Đó là ông giáo Nguyễn Văn Riệm, con trai của cụ Đồ nguyên mẫu nhân vật trong Người đàn bà ám ảnh, một truyện ngắn nổi tiếng của Đức Hậu mà tôi xếp vào loại kinh điển. Ông giáo Riệm tuy không trực tiếp dạy, nhưng từ Sơn La về chỉ với một tủ sách lớn và tủ sách ấy chỉ một mình Đức Hậu được đọc. Đọc lúc chăn trâu. Đọc khi thổi bếp. Đọc lúc giã gạo. Đọc khi đi đường… Toàn những sách kinh điển như Sếch-xpia, Lép Tôn-xtôi, Mác-xim Goóc-ky, Vích-to Huy-gô, Séc-văng-téc, Đuy-ma, Phu-xích, Tuốc-ghê-nhi-ép, Lỗ Tấn, Ta-go… Yêu sách và đọc nhiều sách thế từ thuở trẻ, thảo nào sách đứng sách ngồi chật cứng cả bức tường trong thư phòng của nhà văn Đức Hậu mà bên tường đối diện với giá sách là tấm chân dung tôi chụp.
– Trên giá sách kia nhà văn Đức Hậu ngự ở góc nào?
Đức Hậu đứng dậy đến bên giá sách. Tôi cũng bước tới. Đức Hậu rút ra một cuốn của mình.
– Tôi viết ít lắm ông ạ. Cho đến giờ mới có 8 cuốn, bắt đầu bằng tiểu thuyết Bông cúc biển (1976) và Vùng đất mới (1980)!…
Còn sau đó Đức Hậu bận làm công tác quản lý nên có lẽ có tới 20 năm liền chuyên viết truyện ngắn, in trong các tập Bạn bè sau chiến tranh, Chuyện kể của bé Hạnh, Người đàn bà ám ảnh và Đức Hậu – Truyện ngắn chọn lọc… Đức Hậu bảo rất yêu truyện ngắn vì thể loại này cực kỳ tinh xảo và khó viết. Ông còn một tập bản thảo tiểu thuyết nữa viết về thời kỳ tập thể hóa nông thôn, đã trích đăng nhưng đành lòng rứt bỏ vì hiện thực cuộc sống đã thay đổi, cảm quan thẩm mỹ cũng phải đổi thay, không luyến tiếc nữa.
– Thế còn cuốn Nhà văn Thái Bình to đùng này? Hoành tráng quá!
Tôi chỉ trên giá sách. Và đó là cuốn kỷ yếu do Đức Hậu chủ biên để tri ân 45 nhà văn hội viên Thái Bình qua hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Công trình làm mất hai năm, nay đều có trong các tủ sách của gần một nghìn trường học của tỉnh. Mới đây Đức Hậu còn gửi qua bưu điện tặng tôi cuốn tạp văn Một chút hồn sông núi mới in xong.
– Thế bây giờ ông đang viết gì?
– Vẫn chuyện người nông dân thôi. Mấy chục năm nghiên cứu và suy nghĩ về nông dân, nông thôn, về lịch sử dân tộc áo nâu, thấy vấn đề thật lớn lao. Mình biết mười, trăm, mới viết được một, chục, bởi tài thấp, lại lười nữa!
Đức Hậu chỉ máy vi tính trên bàn làm việc, một cố định, một láp-tốp, rằng món duyên nợ với quê hương ông đang cố gắng trả bằng một tiểu thuyết viết dở trong máy kia. Cứ nhẩn nha viết, bao giờ xong cũng được, viết để gửi gắm chứ không bao giờ coi văn chương là chuyện danh lợi, vì thế ông không ham số lượng, cũng chẳng bao giờ thi thố. Ông còn một số bản thảo bút ký đã đăng rải rác trên báo chí, phát trên đài nhưng chưa nghĩ đến việc tập hợp để xuất bản, phần vì có bài bị thất lạc, phần vì có bài vấn đề đã lỗi thời.
– Tiểu thuyết đòi hỏi công sức ghê gớm, lại phải tập trung cao độ, thế mà tôi vẫn thấy ông đăng truyện ngắn, bút ký, ông ưu tiên loại nào hơn, viết máy nào là chính?
– Viết cả hai máy. Viết cả mấy loại. Lúc viết máy này. Lúc viết máy kia. Lúc đi chơi cờ. Biết là vẫn phải chạy đua với thời gian nhưng chẳng cần hối hả. Dạo này tôi đang viết một cuốn sách cho thiếu nhi, hình như có viết cho thiếu nhi thì mới đọng lại sâu nhất làng quê, hồn quê!
Đức Hậu với tôi lại trùng nhau điểm này. Văn Đức Hậu sâu lắng, hàm xúc toát lên vẻ sang trọng, không bới móc, rỉa rói, không lợi dụng chuyện đời nhố nhăng đưa vào tác phẩm cho người đọc liên tưởng những chuyện nhỏ nhặt, vì văn là nhân văn. Nhân vật trong văn Đức Hậu dành phần nhiều cho giới trí thức nhưng hầu như có chung nguồn gốc sinh ra từ làng quê. Tôi yêu Đức Hậu bởi chúng tôi cùng chung quan điểm thẩm mỹ và lẽ sống. Nhà văn Đức Hậu luôn đồng nhất giữa Văn với Người. Văn thì đằm thắm tình người, phần Người thì luôn đồng cảm yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp. Tôi từng trực tiếp làm công tác quản lý một hội Văn học Nghệ thuật miền núi hơn 15 năm nên có biết tình cảnh của các hội. Đức Hậu làm Chủ tịch hội Thái Bình đến 17 năm hẳn đã từng trải nhiều chuyện không vui.
– Tôi có nghe ông đã từng vấp phải những chuyện buồn bực?…
Đức Hậu ung dung rót trà.
– Văn là cuộc đời mà ông. Dù ông sống như thế nào thì cũng có kẻ yêu người ghét. Kẻ ghét vì ghen tức. Người ghét vì sống và nghĩ khác mình. Nhà văn Chu Văn có nói: “Ghen tình và tài là hai cái ghen cay độc nhất”. Biết làm sao được. Cái chính là sống làm sao không để ai coi thường. Ghen ghét thì không tránh được, nhưng nếu để người đời coi khinh thì không thể sống được, ông ạ! Mình sống thế nào thì văn mình cũng như thế!
– Nhưng những kẻ bị người đời coi khinh vẫn nhan nhản, vẫn nhơn nhơn… – Tôi không tìm được từ ngữ để nói thêm.
– Giời có mắt. Quanh ta có biết bao người tốt chứ, và hẳn có nhiều người biết đến ta chứ!
Trong phòng khách tầng trệt treo một đôi câu đối viết bằng chữ Hán khá bay bướm, Đức Hậu bảo nhà văn Lê Bính tặng vào dịp tết nguyên đán Mậu Tý, 2008: Tam lộng sinh nhân, thập thất lai niên quan chủ hội / Bắc Hà nhân sĩ, lục tuần dư tuế trưởng văn gia (Làng Tam Lộng sinh ra người 17 năm làm chủ tịch hội / Ngoài 60 tuổi làm trưởng ban nhà văn Bắc Hà). Tôi hỏi xuất xứ. Đức Hậu nói lảng: “Đó là một câu chuyện dài”. Đức Hậu, một con người tinh tế và kín đáo đã không muốn nói nên tôi không gặng thêm. Tôi chưa đọc bài của các anh Võ Bá Cường, Nguyễn Dương Côn viết về Đức Hậu trong tập truyện ngắn chọn lọc của ông, nghĩ rằng mình hiểu Đức Hậu thế nào thì cứ viết đã, rồi sẽ đọc sau kẻo bị họ lôi cuốn làm mình mất giọng điệu riêng. Suy đi tính lại, xin lỗi bạn đọc, có lẽ tôi vẫn phải viết ra vài điều về người bạn tâm giao của tôi. Câu chuyện hơi lộn xộn được xâu chuỗi lại như thế này: Cuối năm 1990 hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức đại hội, Đức Hậu được bầu làm chủ tịch với số phiếu rất cao khi ông chưa là đảng viên. Nhà văn Đức Hậu lên diễn đàn nhậm chức trong tràng vỗ tay kéo dài mấy phút. Trong tiếng vỗ tay ấy vang lên tiếng hô của ai đó: “Đảng đổi mới muôn năm!”. Không khí náo nức của đại hội nói lên rằng anh em văn nghệ sĩ đặt niềm tin lớn vào sự đổi mới của văn nghệ ở một vùng đất có nền văn hóa truyền thống ắp đầy cần phải được cải tổ bởi sự gánh vác của vị tân chủ tịch 43 tuổi điềm đạm, kiệm lời. Nhưng cũng chính cái không khí ấy đã mang lại cho ông nhiều hệ lụy. Ngay sau đại hội, một số người gửi đơn khiếu kiện về việc người làm lãnh đạo chủ chốt lại chưa phải đảng viên và còn bịa ra nhiều chuyện để bôi nhọ nữa. Họ kiện cả việc chỉ đạo đại hội của lãnh đạo tỉnh. Trong một buổi làm việc với Thường trực tỉnh ủy, Đức Hậu nói: “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ làm chủ tịch hội. Bây giờ được anh em tín nhiệm, nếu các anh ủng hộ, tôi sẽ làm hết sức mình để đổi mới phong trào văn nghệ tỉnh nhà. Nếu không, tôi xin lui về để thanh thản sáng tác!”. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy từ tốn như tâm sự nhưng là mệnh lệnh, đại ý lãnh đạo tỉnh rất tin ở Đức Hậu, Đức Hậu hãy dành tâm huyết lo cho phong trào để đáp lại lòng tin của anh em văn nghệ sĩ và của tỉnh ủy. Rất nhiều việc phải làm. Rất nhiều khó khăn thách thức phô bày ra trước mắt vị tân chủ tịch hội: Chi bộ liên tục bị xếp loại yếu kém. Cơ quan mất đoàn kết triền miên. Đời sống cán bộ hội rất khó khăn. Trụ sở hội là một dãy nhà mái ngói tường mười xây từ sau chiến tranh phá hoại, mỗi trận mưa là nhà dột, sân lội. Từ ngày thành lập đến khi đó tờ ngôn luận của hội vẫn chỉ là tập san, năm thì mười họa ra được một số lèo tèo vài trăm cuốn biếu tặng. Đức Hậu bắt đầu sự nghiệp quản lý bằng công tác tổ chức. Ông lên kế hoạch đưa ra thảo luận trong Ban chấp hành rồi tiến hành thành lập các chi hội chuyên ngành, trình Thường trực tỉnh ủy thủ tục đề nghị bộ Văn hóa cấp giấy phép xuất bản định kỳ cho tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Năm 1994 tạp chí ra đời theo giấy phép của Bộ Văn hóa – Thông tin. Đức Hậu phân công nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo – Phó chủ tịch hội làm Tổng biên tập. Là người giỏi làm báo, Đỗ Vĩnh Bảo đã đưa Văn nghệ Thái Bình thành tạp chí có số lượng tia-ra 4000 bản phát hành qua bưu điện có lẽ là lớn nhất so với tạp chí văn nghệ các địa phương. 8 quy chế được soạn ra thông qua Ban chấp hành cho các tổ chức chân rết của hội đưa vào thực thi. Văn nghệ Thái Bình cất cánh từ đấy với đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo được tập hợp và tổ chức chặt chẽ cùng sự mở rộng giao lưu thường xuyên với đồng nghiệp toàn quốc. Khóa thứ hai chủ tịch hội Đức Hậu xin tỉnh được trụ sở mới. Nhân cơ hội này ông xin lại một phần đất cơ quan cũ cấp cho anh em cán bộ hội. Việc nhà đất vốn rất khó, phải mất nhiều thời gian, công sức, không kiên trì là dễ nản lòng. Khi được tỉnh chấp nhận, Đức Hậu nhờ vợ vẽ quy hoạch, chia lô làm hồ sơ cấp đất. Người được nhận đất làm nhà đầu tiên là cựu chủ tịch hội Bút Ngữ rồi đến các cán bộ văn phòng như Trọng Khuê, Kim Chuông, Lê Bính, Hà Trí Dũng, Đức Ba, Trịnh Trung Thông, Nguyễn Thị Duyên, Võ Song Hào, Nguyễn Thị Đức…
– Ông thì sao? – Tôi hỏi.
Đức Hậu cười:
– Mình đi làm phúc mà lại nhận phần thì coi sao được!
Trở lại xuất xứ đôi câu đối nói trên. Lê Bính vốn là một cán bộ cũ của hội, tuổi đời còn trẻ đã phải về mất sức do lấy vợ hai. Cuộc sống nghèo túng cùng cực đến nỗi cái xe đạp cà tàng cũng phải bán đi để lấy tiền đong gạo nuôi con nhưng anh vẫn viết và ra được sách. Đức Hậu bảo Lê Bính làm đơn rồi ông làm việc với các ngành cho Lê Bính trở lại hội kèm với việc nâng liền hai bậc lương. Đức Hậu rằng “những việc thuộc về chính sách, để làm được, phải nhờ vào sự ủng hộ của anh em, bạn bè ở các ngành chức năng, chứ bản thân mình dù có tốt đến mấy, tài thánh đến mấy cũng chẳng làm được”. Được trở lại công tác, Lê Bính về thưa với cha. Lúc ấy người cha bật khóc, đôi vai già nua rung lên từng hồi rồi liền sửa soạn ba mâm cơm, tờ Quyết định con trai trở lại công tác được đặt trịnh trọng trên ban thờ. Lê Bính trở thành một trong những cây bút chủ lực của Thái Bình, được bổ nhiệm làm Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ và được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam. Trường hợp tương tự là tác giả Nguyễn Long, từng làm công nhân một công ty của bộ Giao thông, đi lao động ở Đức về rồi mất việc, Đức Hậu đã nhận về cơ quan. Nguyễn Long có bài thơ Thường dân nổi tiếng hiện đang là Thư ký tòa soạn thay Lê Bính nghỉ hưu. Còn một số văn nghệ sĩ nữa dù là hội viên địa phương hay hội viên chuyên ngành trung ương cũng được Đức Hậu cưu mang, giúp đỡ vượt lên hoàn cảnh để có điều kiện chuyên tâm hoạt động văn học, nghệ thuật. Riêng Lê Bính tết nào cũng đến thăm Đức Hậu, rồi về Tam Lộng thắp hương cho hai cụ thân sinh ra ông. Cuối năm Đinh Hợi Đức Hậu nghỉ hưu, tết năm đó đôi câu đối của Lê Bính được viết thành hai bản, một bản ở nhà Đức Hậu, một bản treo ở quê Tam Lộng. Tình cảm của kẻ sĩ với nhau được như thế thật đáng trân trọng.
– Ông làm điều tốt cho nhiều người, mà ăn ở với ông như Lê Bính được mấy?
Đức Hậu nhìn giá sách như ở đó có sẵn những câu trả lời:
– Ông hiểu con người mà! Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Oán thù khắc trên đá hoa. Ân huệ vẽ trên cát”. Các cụ ta thì nói: “Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán”, và… “thương người thì khó đến thân”. Nhưng theo triết lý đạo Phật thì làm ơn ai nghĩ đến trả ơn. Mẹ tôi xưa vẫn thường dặn phải ăn ở để phúc cho con cháu. Tôi có những người bạn tốt, như ông, như nhà văn Lê Bính chẳng hạn. Tôi cũng có một gia đình yên ấm, các con ngoan hiền, học giỏi, không phụ lòng cha mẹ. Đây, con gái tôi đây!
Nói rồi Đức Hậu giở máy vi tính cho tôi xem  ảnh con gái út vui đùa trên tuyết. Cháu đang học thạc sĩ bên Thụy Điển khiến tôi lại nhớ da diết nước Nga choàng tuyết trắng. Cháu được giải văn quốc gia, vào thẳng đại học, tốt nghiệp cử nhân báo chí rồi thi được học bổng đi du học. Hai con trai, một kiến trúc sư, một kỹ sư giao thông đều trưởng thành, có nhà cửa, vợ con và đang làm việc ở Hà Nội. Có tiếng gọi nhỏ nhẹ của bà Hòa ở cầu thang. Chúng tôi đi xuống thì món nhắm và chai rượu quý đã bày sẵn trên mâm. Bà Hòa vui vẻ:
– Món ăn em tự làm lấy. Mời hai anh!
Trên mâm có món nem thính, một khay tôm he nướng thơm lừng, ba bát nước chấm cùng mấy loại rau sống, rau thơm, lá sung và quả sung non. Chúng tôi trịnh trọng nâng ly bằng cả hai tay. Uống rượu với Đức Hậu phải sang. Món ăn dân dã mà sang. Rượu sang. Người sang nên cung cách uống cũng phải sang. Đức Hậu giải thích rằng món nem là bản quyền của người cha truyền lại cho con dâu. Làm không khó, vật liệu dễ kiếm nhưng cầu kỳ. Riêng như thành phần thính, phải là gạo ngon nấu cơm rồi phơi khô, khi nào làm nem thì đem rang vàng rồi xay mịn. Sau đó chọn thịt, gia vị, ướp tẩm theo bí quyết riêng. ăn một miếng nem gói lá sung kèm một quả sung nữa, quả là nhớ đời. Nhấp ngụm rượu lên môi, tôi đùa:
– Nghe nói Đức Hậu được vợ chiều lắm. Sống với cái ông nhà văn gàn dở chỉ biết lo cho thiên hạ này bà có thấy dễ chịu không?
Bà Hòa với tay gắp thức ăn cho tôi:
– Em chỉ biết canh ngon cơm dẻo cho chồng con. Em chẳng màng, chẳng thiết gì về danh lợi. Chỉ mong nhà em để thật nhiều phúc đức cho con cháu. Có vậy mới có người như anh từ miền núi xa xôi về chơi!
Đức Hậu rót thêm rượu.
– Giàn trầu nãy ông xem là vợ tôi lấy giống đúng dây ngày xưa ở làng quê mẹ tôi trồng ăn hàng ngày, cứ ngày nhất ngày rằm là vợ tôi lại ngắt thắp hương… – Đang nói, chợt Đức Hậu quay mặt nhìn phía vô định nơi cửa vẫn mở toang, phía xa kia là cánh đồng trải ra ngút ngát.
Tôi cứ nghĩ mãi mà chưa lý giải được, một thằng dân miền núi thô mộc là tôi lại được làm bạn với Đức Hậu? Cơ may hay là duyên hữu? Nhưng tôi thấy mình thật may mắn.
Lào Cai, 10/10/2009
Mã A Lềnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...