Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023
Nỗi buồn chiến tranh 1
Nỗi buồn chiến tranh 1
Chương 1
Sáng hôm sau, cả Thịnh cả Thanh chả đả động gì đến chuyện hồi
đêm. Những người khác thì càng có vẻ như không hay biết có sự bất thường nào hết.
Nhưng Kiên cảm thấy rõ ràng một sự bí ẩn đồng lõa giữa họ với nhau. Anh không tức,
chỉ buồn. Lần đầu tiên anh bị đồng đội cho ra rìa. Tuy nhiên anh im lặng, tuyệt
đối không đả động gì tới điều bí ẩn ấy của anh em. Trong mọi cuộc họp hành kiểm
điểm anh chẳng một lần nhắc nhở chuyện đó. Thế nhưng tội lỗi vẫn tái diễn, Kiên
biết. Chỉ có điều từ khi anh bị phát hiện, những bóng ma đàn bà không lẻn tới
chỗ trung dội nữa mà chính cánh trinh sát mò đến động của họ. Về đêm... nửa
đêm... lặng lẽ có những cái bóng đen trườn khỏi võng, nhón bước ra khỏi lán,
kín đáo đánh tiếng thông đồng với người khác, rồi lẹ làng theo nhau mất hút
trên con đường mòn không dấu vết chạy men một dòng suối nhánh dẫn sâu vào lòng
núi tối tăm đắm dưới mùa mưa như thác đổ. Và đêm nào cũng thế, vào lúc mấy cái
bóng nọ nhỏm dậy khỏi võng rục rịch với nhau ở ngoài suối chuẩn bị lên đường là
Kiên lại một lần chợt tỉnh giấc. Anh nằm im. Tiếng thì thào... tiếng chân giẫm
lụp búp trên bùn... Giọng nói của người gác. . . một ai đó trượt chân ngã . . .
tiếng cười cố nén . . . Có đêm những cái bóng ở lán bên cạnh, song có đêm là từ
lán của anh, từ chiếc võng mắc sát anh. Có đêm mưa nặng nề xối dội, có đêm vội
vã từng cơn rào rào, mà cũng chẳng đêm nào là đêm chuyện đó chẳng diễn ra. Ướt
át lầy lội nhơn khổ... Và nhiều giờ sau khi các gã trai lần về, thở hổn hển, be
bét bùn và run rẩy trong cái mát lạnh của trận mưa phùn ban mai thì Kiên cũng
đã thức dậy, nhưng vẫn thế anh nằm im lặng nghe ngóng đếm từng bước chân rón
rén, để rốt cuộc được trút một hơi thở phào mừng rằng may thay cả bọn đã bình
yên trở về. Chính vào những lúc đó Kiên nghe thấy tiếng hú mà người ta bảo là của
loài ma núi. Nghe thật buồn, thê thảm, nhưng Kiên biết đấy là tiếng lòng, người
nam người nữ gọi truyền theo vách núi để tạm biệt nhau và để hẹn ước. Dĩ nhiên
Kiên biết không phải là cả phân đội, cả mười ba người, song anh thừa biết không
phải chỉ có ba cái bóng nhất định nào đấy trong bấy nhiêu đêm đã thường xuyên
đi và về trên con đường hiểm trở dẫn sang bên kia núi, mặc dù ở bên đó, Kiên biết,
dưới cái lũng âm u, hoang vắng nọ, trong khu trại tăng gia của huyện đội 67 đã
nhiều năm bị bỏ quên trên bờ thác nước ấy chỉ có mỗi ba cô gái, chỉ ba cô mà
thôi đang sống và đang hàng đêm chờ đợi, mong ngóng bước chân người lai vãng.
Biết hết, và vì thế, lý ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỷ luật
quá quẩn này, cần phải, như người ta thường nói, uốn nắn, chấn chỉnh, lập lại nề
nếp khuôn khổ, đạo đức tác phong, cẩn phải thẳng tay kéo đội viên của mình
thoát khỏi tình trạng mê mẩn chẳng khác nào bị chài ếm, cần phải... Song trái
tim, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho
phép anh ra tay hành động như vậy. Không những nó năn nỉ anh mà trái tim anh nó
buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm thế
nào khác được, thực thể trước tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh
xuân?
- Hay đếch gì? Buồn lắm. Thương lắm. Ai oán. Dưới mồ sâu người
đâu còn là người. Nhìn nhau. Hiểu nhau mà không làm gì được cho nhau.
- Thằng cu nhà em đẻ ra nặng những gần bốn ký thế mà chỉ sống
được có hai ngày. Cháu tên Việt, họ Nông. Anh ấy nhà em người Tày, quê tít đâu
trên mạn ngược Hà Giang. Về đóng ở đây được có non một tháng nên chúng em nào
đã kịp cưới xin, cả đến báo cáo cấp chỉ huy cũng chưa. Đi được nửa năm thì có
thư về cho em, cơ mà không phải anh ấy viết, người cùng tiểu đội viết. Báo tin
rằng anh ấy đã hy sinh trên dọc đường qua Lào... Thằng cu Việt con em còn trong
bụng mẹ đã mồ côi cha, có nhẽ vì thế nên cháu chẳng muốn sống. . . Đấy, nông nỗi
đời em như thế đấy anh ạ. Mỗi năm mỗi xiêu đi. Em cứ ở vậy. Quanh quẩn trong
nhà ngoài đồi. Chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới, mà cũng lạ từ sau đợt đơn
vị nhà em, Đồi Mơ này không có thêm đợt bộ đội nào về nữa. Rồi thì hòa bình rồi
tới hôm nay, bao năm rồi...
Bao bạn bè đồng lứa với Kiên trong chung cư đã ra đi mà không
trở về song ngôi nhà vẫn đây, hình bóng của họ vẫn đấy. Đời sống của những người
hy sinh còn vương hình bóng trên gương mặt của các thế hệ sau. Kiên nhớ tới Hạnh,
người phụ nữ độc thân từng sống trong căn phòng nhỏ sát chân cầu thang mà bây
giờ thuộc gia đình ông Sự. Chẳng hiểu vì sao giờ đây ở nhà này ít người còn nhớ
tới Hạnh, càng không mấy ai nhớ nổi rằng Hạnh đã rời khỏi nhà này từ năm nào và
đi đâu? Vì sao mà đi?
Anh bật ho như thể buột rên lên nỗi day dứt giằn vặt, khó hiểu,
ám mãi trong lòng. Kể ra thì sau chiến tranh anh đã từng có được cảm giác hạnh
phúc, chí ít thì cũng là ấn tượng hạnh phúc của ngày trở về. Hơn ba ngày đêm
rong ruổi dọc đường sắt Xuyên Việt vào cuối mùa thu năm 76 ấy có thể ví như là
chút niềm vui vớt vát cuối cùng của đời bộ đội. Tuy nhiên nhớ lại cứ thấy đau
đau trong lòng thế nào ấy. Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương phế
binh và lính về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến
đoàn tàu thành một bãi khách. Thoạt đầu, tâm trạng chung phải nói là khá chua
chát. Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến một
chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn giành cho bộ đội. Cảnh chợ
chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại
còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng
như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất
thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi
anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác...
Đối với Kiên thì người chết vừa mơ hồ vừa sâu xa hơn người sống.
Họ cô đơn, trầm lắng và kỳ diệu, như ảo ảnh. Và đôi khi hương hồn người chết trận
hóa thành những âm thanh chứ không phải là những hình bóng. Bản thân Kiên thì
chưa từng nhưng anh em khác trong đội hài cốt thì đã từng nghe thấy người chết
đàn và hát. Chuyện xảy ra ở chân đèo Thăng Thiên họ bảo thế... Khi bóng tối vùi
kín rừng cây trong hẻm núi thì từ đáy rừng phủ lá mục tiếng hát thì thào dâng
lên, có cả tiếng đàn ghi-ta hòa theo nữa hoàn toàn hư, hoàn toàn thực "...
Năm tháng vinh quang khổ đau bất tận...", lời và giai điệu bài ca vô danh ấy
giản dị và huyền bí nên mỗi người nghe ra mỗi khác, song không ai là không nghe
thấy. Cuối cùng, sau mấy đêm lắng nghe người ta đã định vị được chỗ đất có hồn
người. Trong tấm tăng bó xác xương cốt đã hóa mùn cả, riêng cây đàn ghi ta tự tạo
của người chết thì còn nguyên vẹn.
- Con ấy chắc chả phải dân thường. Có lẽ là lính thông tin hay không quân gì đấy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét