Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

"Gió bụi đầy trời" của Thiên Sơn: Lịch sử là liên tục

"Gió bụi đầy trời" của
Thiên Sơn: Lịch sử là liên tục

“Gió bụi đầy trời” tái hiện những ngày tháng Tám 1945 sục sôi bão táp trên đất nước Việt Nam. Đó là thời điểm nước Nhật phát xít phải đầu hàng vô điều kiện quân đội Đồng Minh trong cuộc Thế chiến II. Theo hiệp định Potsdam ký kết giữa ba nước Liên Xô, Anh và Mỹ, quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc và quân đội Anh Quốc vào miền Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật đang ở Việt Nam lúc đó.
Hoàn cảnh lịch sử này đã đặt các đảng phái và thế lực chính trị ở Việt Nam lúc đó trước một tình thế trọng đại: giành lại độc lập cho đất nước. Đảng Cộng Sản Đông Dương có cơ sở sâu rộng trong quần chúng đã thông qua tổ chức Việt Minh của mình nắm bắt nhanh thời cơ phát động cuộc tổng khởi nghĩa trên cả nước trước khi các lực lượng thuộc phe Đồng Minh vào và sớm giành được chính quyền, lập ra Chính phủ Lâm thời, nhanh chóng ra mắt quốc dân đồng bào và tuyên bố với thế giới bằng bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2.9.1945.
Nhà văn Thiên Sơn đã bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình từ đó. Anh để cho các nhân vật lịch sử có thực bước lên sân khấu chính trị theo từng trang sách mở ra. Phía cộng sản là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Giàu, Lê Duẩn. Phía triều đình nhà Nguyễn là Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Sâm, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm. Phía Quốc Dân Đảng và Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội là Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng. Phía quân đội Trung Hoa Dân Quốc là Lư Hán, Tiêu Văn. Phía quân đội Pháp là Georges Thierry d’Argenlieu, Philippe Leclerc, Jean Cédile, Leon Pignon, Jean Sainteny.
Tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn
Tác giả nói với độc giả ở ngay đầu sách: “Các bạn sẽ thấy những nhân vật lịch sử tiêu biểu từ nhiều phía, những sự kiện đặc biệt từng chìm khuất trong bóng tối thời gian và định kiến, những vấn đề tư tưởng, những nguyện vọng tha thiết về độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh vượt qua những tình huống hiểm nghèo trước tham vọng thực dân đã được tác giả cố gắng trình bày trong một hình thức khách quan, giản dị”.
Hình thức mà Thiên Sơn chọn để tái hiện lịch sử trong sách này gợi liên tưởng đến một sân khấu quay. Anh không chia chương mục mà viết từng đoạn nối liền nhau, cách nhau chỉ một dấu sao (*). Các đoạn ấy liên tiếp hiện ra theo vòng quay của sân khấu tiểu thuyết cũng là sân khấu lịch sử nhằm cho người đọc thấy được nhiều nhất, đầy đủ nhất có thể diễn tiến của thời cuộc trong chính không-thời gian thực tế đã xảy ra.
Đó là một cách nhà văn khắc phục sự hạn hẹp của mặt phẳng trang sách với sự lật giở từng trang sau trước theo tuyến tính để tái hiện những sự kiện đã diễn ra đồng thời ở đây lúc này. Cũng có thể đọc tiểu thuyết này như một kịch bản phim mà mỗi đoạn là một cảnh, một lớp (scène) với những người đứng đầu các đảng phái là những nhân vật chính.
Trên sân khấu lịch sử hồi đó các đảng phái, phe phái đều chạy đua với thời gian và với nhau để được chính danh với dân tộc, quốc gia, vì tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước, mỗi bên theo cách của mình. Yêu nước và phải đoàn kết tất cả các lực lượng trong nước vì lợi ích chung của dân tộc, tác giả đã làm nổi bật lên tư tưởng này của Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng tháng Tám xuyên suốt tác phẩm.
Nhà văn đã để Hồ Chí Minh nói với Tôn Quang Phiệt: “Nhân dân không chỉ là tầng lớp vô sản, mà là tất cả các tầng lớp. Chúng ta không được gây ra những thù oán mới trong xã hội, không được để cho những người có văn hóa cao, các vị quan thanh liêm của chế độ cũ, các nhà trí thức phải khổ sở, bị đe dọa, bị trả thù và đời sống trở nên bất an. Chúng ta không được phá hoại các di tích lịch sử của tổ tiên để lại. Cuộc sống là sự kế tục, lịch sử là sự kế tục” (tr. 260).
Vì vậy ông đã cho thả Ngô Đình Diệm khi ông Ngô không nhận lời ông Hồ mời tham gia chính phủ liên hiệp sắp thành lập. “Ông cần biết rõ, điều tôi cần không phải là chức vị, mà là tự do. Ông hiểu không, tự do! Tôi sẽ cống hiến cho đất nước theo cách của mình” – ông Ngô nói với ông Hồ. Và “Hồ Chí Minh vẫn bình thản: – Được thôi! Vậy thì ông là người tự do!” (tr. 308).
Nhà văn cũng đã viết việc Trần Văn Giàu sau khi lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn đã thả cho Nguyễn Văn Sâm, khâm sai đại thần của Bảo Đại ở Nam Kỳ, được tự do. “Tôi biết rõ ông ta. Ông ta là người theo chủ nghĩa quốc gia, chống Pháp. Sắp tới đây, bọn Pháp sẽ theo chân quân Anh trở lại, chúng có thể sử dụng cả quân đội Nhật ở đây để tấn công lại ta. Giờ bắt giữ hoặc giết Nguyễn Văn Sâm không có ý nghĩa gì. Ông ta là khâm sai do Bảo Đại bổ nhiệm, giờ Bảo Đại thoái vị, ông ta không còn quyền lực. Để ông ta lại, có thể có lợi về sau…” (tr. 130) – ông Giàu đã nói vậy với những người phản đối mình ngay khi ấy. Và rồi việc làm đó của ông đã bị các đồng chí của ông phê phán, khiến ông sẽ phải rời miền Nam ra Bắc, để lại quyền lãnh đạo cho Lê Duẩn. Diễn tiến lịch sử này cũng được phản ánh trong tiểu thuyết.
Tác giả đã dựng lại lịch sử trong tiểu thuyết bằng cách như vậy: để các nhân vật lịch sử nói năng, ứng xử, suy nghĩ, hành động trong khả năng cái có thể có của họ dựa trên cái nền là những tư liệu lịch sử có thực của mỗi người.
Như việc Phạm Quỳnh và cha con Ngô Đình Khôi – Ngô Đình Huân bị giết trong những ngày đầu cách mạng ở Huế là một thực tế lịch sử. Với tư cách nhà văn, Thiên Sơn đã sử dụng quyền sáng tạo nghệ thuật để dành một số trang kể lại toàn bộ quá trình Phạm Quỳnh bị bắt từ biệt thự Hoa Đường đến lúc bị xử tử ở một nơi đồng không mông quạnh. Qua đó tác giả cố gắng thể hiện những ý nghĩ, tư tưởng của một nhà học giả văn hóa, một quan thượng thư triều đình trước bước ngoặt lớn lao của dân tộc. Bị Việt Minh ở Huế kết tội âm mưu cấu kết với thực dân Pháp quay lại thống trị Việt Nam, nhà văn đã để cho Phạm Quỳnh nói với những người bắt mình: “Chúng tôi chỉ muốn tạo cho Việt Nam một địa vị chính đáng và thương thuyết với Pháp nhằm tránh một cuộc đổ máu. Người Pháp sẽ quay trở lại, họ muốn xác lập quyền cai trị đã bị tước mất, nếu chúng ta đối xử một cách khéo léo, có thể giữ mối quan hệ với Pháp, giữ được độc lập mà không phải đối mặt với cuộc chiến tranh. Tuyệt đối không vì quyền lợi cá nhân, chúng tôi đã hy sinh đời mình cho đất nước, đó là một sự thật không thể phủ nhận…” (tr. 133).
Giữ được nền độc lập vừa giành được, tránh một cuộc chiến tranh với Pháp, đó cũng chính là điều mà Hồ Chí Minh đã kiên trì theo đuổi và thực hiện trong năm đầu cách mạng, cố nhiên là theo đường lối và cách của ông, khác với Phạm Quỳnh. Bằng câu nói đó của nhân vật, tiểu thuyết nhà văn đã chiếu một ánh sáng khác vào nhân vật lịch sử. Nhưng lịch sử là tàn khốc. “Những viên đạn đầu tiên đỏ lòe xuyên thẳng vào ngực Phạm Quỳnh. Chiếc áo the của ông ướt sũng. Tóc rối xòa. Mặt xanh như tàu lá. Ông từ từ khuỵu xuống. Co giật. Đôi mắt trợn trừng.” (tr. 139).
Cái chết của học giả họ Phạm do tay của những người thừa hành cấp dưới đã khiến Hồ Chí Minh không bằng lòng. Nhà văn đã để Hồ Chí Minh nói với Tôn Quang Phiệt: “Giết một học giả như Phạm Quỳnh thì đất nước ta, cách mạng ta được lợi gì?” (tr. 260), câu này diễn theo ý một câu nói của ông Hồ khi được tin Phạm Quỳnh bị giết mà các tài liệu đã ghi lại.
Cũng như về cái chết của anh và cháu mình trong cùng vụ Phạm Quỳnh, tác giả đã để Ngô Đình Diệm nói với người em Ngô Đình Nhu: “Ông Hồ nói không phải chủ trương của ông ấy mà do bọn dân quân ở địa phương. Anh tin. Với tầm nhìn xa trông rộng và mong cầu sự đoàn kết rộng rãi, ông Hồ không dại gì ra lệnh giết anh Khôi. Nhưng ông Hồ phải chịu trách nhiệm về những việc như vậy.” (tr. 316).
Cuộc gặp của hai anh em họ Ngô, cũng như cuộc trao đổi của Hồ Chí Minh với các đồng chí về người lãnh đạo cách mạng ở miền Nam, là một vài trong nhiều đoạn văn tác giả đã táo bạo nhìn xuyên lịch sử bằng con mắt nhà tiểu thuyết.
Những cái chết như vậy là những sự mất mát không sao cứu vãn được trong cơn gió bụi đầy trời của lịch sử. Còn có những sự hủy hoại, mất mát to lớn về văn hóa khi lịch sử trở nên cuồng bạo dưới tay người. Tác giả có dựng lại cảnh đội kiểm kê tài sản hoàng gia đã đốt hết các sách vở, văn thư của triều đình cũ vì coi đó là tàn dư phong kiến mà ngay đến vị chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời thành Huế cũng bất lực không ngăn lại được. “Ngọn lửa đỏ tiếp tục liếm vào từng trang giấy trắng rồi trùm lên. Trùm mãi lên. Chẳng mấy chốc, cả khối di sản khổng lồ của các triều vua nhà Nguyễn biến thành đống tro tàn. Khói đen bay lượn như những oan hồn vướng vất trên các mái nhà, các lùm cây, khóm hoa trong đại nội.” (tr. 127-128).
Ở một chỗ khác tác giả mô tả chuyến trở về Hà Nội của vị cựu thủ tướng nội các Trần Trọng Kim dọc đường bị chặn xe, quăng hết sách vở ra đường. “Một người lấy bàn chân trần sần sùi nứt nẻ dẫm lên bìa sách có gương mặt Khổng Tử. Một người khác cầm cuốn sách bằng chữ Pháp lên ngó ngó rồi xé toác ra thành hàng chục mảnh ném xuống mặt đất.” (tr. 273).
Bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Định danh thể loại này nghĩa là gì? Nghĩa là viết tiểu thuyết về lịch sử. Mà tiểu thuyết là hư cấu (fiction). Tất cả những lời nói, suy nghĩ của các nhân vật trong tiểu thuyết này dù mang tên thực ngoài đời đều không phải của họ mà là của tác giả. Lịch sử chỉ có các niên đại và sự kiện. Các nhân vật lịch sử được ghi lại trong các cuốn sử chí chỉ là con người của lịch sử, không phải con người của cá nhân. Không chỉ sử xa xưa mà sử gần nay cũng vậy.
Ta biết theo sử liệu là Hồ Chí Minh cùng Vũ Hồng Khanh đã thay mặt Chính phủ liên hiệp Việt Nam ký với Jean Sainteny đại diện nước Cộng hòa Pháp bản Hiệp định sơ bộ 6.3.1946. Nhưng ta không biết họ đã nghĩ gì, đã nói năng với nhau ra sao.
Ở chỗ sử dừng lại thì văn bước tới. Bạn sẽ đọc cảnh ký kết này và những trao đổi sau đó của ba nhân vật trong cuộc với những người phe mình. Đó đều là những giả định, ức đoán của nhà văn dựa trên các cứ liệu lịch sử và các tư liệu về cá nhân từng người đó.
Văn còn có thể hư cấu ra việc không có nhưng có thể có theo logic của cuộc sống. Lễ tuyên bố độc lập diễn ra vào chiều ngày 2.9.1945. Đó hiển nhiên là một thực tế lịch sử đã diễn ra. Nhưng nhà văn đã tạo ra một lễ tế vào sáng hôm đó của Hồ Chí Minh và các đồng chí thân cận của mình trong khuôn viên của hoàng thành cũ để kính cáo với các chư vị liệt thánh, chư vị tổ tiên người Việt Nam về chứng giám, phù hộ cho sự hồi sinh của dân tộc, cho nền độc lập của đất nước.
Việc này có thực không, không ai biết. Nhưng xét theo tâm linh người Việt thì một cuộc lễ như thế là rất phù hợp. Và lòng thành đã thấu đến tiên tổ. “Bỗng trên lò hương chính ánh lửa bùng lên sáng rực tỏa thành ngôi sao năm cánh. Cả khuôn viên hoàng thành như rung động, khí thiêng tụ về. Trên cành đa cổ thụ những chú chim đập cánh và hót ríu ran. Trên nền trời, những đám mây vàng quần tụ tựa gương mặt của thánh thần đang nhìn xuống trần gian…” (tr. 110). Ngòi bút nhà tiểu thuyết ở đây trở nên ngòi viết sử dân gian đượm chất sử thi.
Cấu trúc cuốn tiểu thuyết theo đúng sự vận động của lịch sử hồi ấy và cố nhiên trọng tâm đặt vào Hồ Chí Minh và những người cộng sản trong nỗ lực xoay chuyển tình thế có lợi cho đất nước. Nhưng cái được của Thiên Sơn ở tiểu thuyết lịch sử này là anh đã cho người đọc thấy lịch sử là phức tạp, nhiều chiều, và cá nhân con người lịch sử là đa diện, uẩn khúc. Từng đoạn, từng đoạn của cuốn tiểu thuyết mở ra cho người đọc một cách nhìn lịch sử toàn diện và đa chiều như nó vốn là thế chứ không phải sơ lược, đơn giản như ngay trong một số sách sử.
Trong cái năm 1945 biến thiên lịch sử ấy đã có nhiều khả năng tình thế được đặt ra và thách thức tất cả các bên tham dự đối phó mà chưa chắc một khả năng nào đã thắng thế. Ví như trong một lúc khó khăn và nguy nan nhất, để tìm đường ra cho nước nhà, ông Hồ đã nghĩ đến việc mời cựu hoàng Bảo Đại đứng ra lập chính phủ mới. Hồ Chí Minh nói với Bảo Đại: “Ngài biết đấy, tôi đã làm tất cả cho đất nước. Và tôi tin, ngài cũng thế. Chúng ta có một trái tim yêu nước, thương nòi. Tôi đề nghị ngài đảm nhận một vị trí và tôi tin ngài không phụ lòng quốc dân sau biết bao đau khổ, ngóng chờ một nền độc lập, hòa bình và không ngần ngại hy sinh xương máu cho nền độc lập ấy. Nếu như ngài đứng ra, trong trường hợp ấy chúng ta sẽ bàn thêm về thành phần và cơ cấu cũng như cơ chế hoạt động, nhưng về nguyên tắc thì không có gì thay đổi, đó là sự bình đẳng và đoàn kết giữa đại biểu các đảng phái, đó là tinh thần hướng đến mục tiêu chung quốc gia và gạt bỏ lợi ích ích kỷ của phe phái.” (tr. 322).
Nhưng sau khi trình bày ý định này trong nội bộ đảng không nhận được sự tán đồng (tr. 334-338), Hồ Chí Minh đã rút lại lời đề nghị đối với Bảo Đại (tr. 344). Rốt cuộc ông Hồ và đội ngũ của ông đã biết lựa chọn và làm chủ tình thế để xoay vần thế cuộc theo cách của mình.
Cuốn tiểu thuyết dừng lại ở thời điểm cuối tháng 5/1946, khi Hồ Chí Minh cùng phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam sang Pháp. Đó lại là lúc mở đầu cho một khúc quanh lịch sử mới mà chắc tác giả sẽ dành cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
Nhà văn Thiên Sơn sinh năm 1972 ở Nghệ An và hiện sống tại Hà Nội. Anh đã có bề dày sáng tác với nhiều tác phẩm cả văn và thơ. Mấy năm trước bộ tiểu thuyết hai tập mang tên “Đại gia” của anh viết về những vấn đề khốc liệt của cuộc sống hiện nay đã gây tiếng vang trong dư luận.
“Gió bụi đầy trời” là tác phẩm đầu tiên trong loạt tiểu thuyết anh dự định viết về con đường lịch sử đầy sóng gió mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ XX. Anh cho rằng đã đến lúc nhìn lại lịch sử hiện đại một cách khách quan với tất cả sự phức tạp đầy nghịch lý của nó.
Cuốn tiểu thuyết dày in chữ nhỏ khổ 15x23cm này được tác giả đăng ký dự thi cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi nghĩ nó đáng được chú ý ở một cách nhìn mới về lịch sử và một cách viết mới tiểu thuyết về lịch sử, nhất lại là lịch sử hiện đại.
Hà Nội, 31/8/2020
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...