Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Kinh Nhiêu Lộc - Nhịp thở Sài Gòn

Kinh Nhiêu Lộc - Nhịp thở Sài Gòn

“Coi ngoài rạch Bà Nghè,
dòng trắng hây hây tờ quyến trải ngó lên giồng Ông Tố,
cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai”
(Gia Định phú, bài 1 – Gia Định thành thông chí)
1. Trung úy Lạc, rời phi đội 259 G Nhân Ái khi, Sài Gòn đang trong cơn địa chấn đêm 29. 4.1975.
Anh hối hả bẻ lái chiếc trực thăng chúi mũi tới trước, và đột ngột chuyển hướng bay… bay dọc kinh Nhiêu Lộc, ra biển.
Anh bật khóc, lúc cánh quạt trực thăng ở độ cao an toàn trên không phận Sài Gòn.
Với anh, có lẽ từ đây, anh vĩnh viễn mất dòng kinh tuổi thơ yêu dấu của mình!
Đêm Cali, buồn mênh mông và lạc lõng. Cái mênh mông nơi đất khách, sự lạc lõng chốn quê người! Anh nhớ Bến Cỏ, nhớ Miếu Nổi… thương làn nước trong xanh soi bóng hàng bần, soi bóng cây cầu Bông… Mỗi chiều đi học về, anh thường lén mẹ ra sau sàn nước tuột áo, co giò giơ cẳng nhảy… “ùm” xuống dòng kinh như phát pháo lịnh, mấy thằng bạn nhà bên cùng đua nhau nhảy “ùm… ùm…”. Thỉnh thoảng đâu đó, nghe ai hát nhại lời nhạc “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ:
“Ai đang đi, trên cầu Bông
Té xuống sông, ướt cái quần ny lon…
Vô đây em, dù trời khuya, anh cũng đưa em về…”.
Rồi, tiếng khúc khích cười rộ mé kinh…
Anh cũng chẳng thể nào quên tiếng chuông chùa Vạn Thọ công phu về khuya như thổi hồn vào cơn gió sớm, làm chao nghiêng chiếc xuồng nhỏ có ai đó, đang giăng câu dưới sao trời hiu hắt, đã xa lơ! Bất chợt, Nhiêu Lộc đồng vọng trong anh tiếng thở dài: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền!” (Phong Kiều Dạ Bạc– Trương Kế). Người ngàn năm trước bến nước Cô Tô và, người ngàn năm sau vùng đất mới Bến Nghé như, đồng cảm nỗi cô liêu trước tiếng chuông chùa trong đêm thanh vắng…
Ngày ấy, tất cả dường như hòa quyện vào nhau trải dài qua xóm Chùa, một cái xóm mà người thành phố cũ coi như chốn nương náu của những hàn sĩ lỡ thời!  Nhiêu Lộc là, máu thịt của anh. Bởi, anh đã cất tiếng chào đời nơi đó, anh bú từng giọt sữa mẹ từ khoai củ lớn lên và, anh bập bẹ tập nói tiếng nói đầu đời bằng tiếng mẹ đẻ! Bao lần anh dợm trở về. Vì lo và sợ, một nỗi sợ… không tên, đành ngậm nỗi thương nhớ quê nhà trên đất khách!
2. Người lái máy bay trực thăng tải thương năm xưa, giờ đã là ông lão 74 tuổi đời. Ông lão đó, tháo giày lột vớ khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Hành khách đi cùng chuyến bay, ngạc nhiên và rất ngạc nhiên nhưng, họ nào hiểu thấu: Ông khao khát da thịt lòng bàn chưn của mình chạm lên mặt đất Sài Gòn, sau 41 năm tự ông lưu đày ông biệt xứ!
Gần tháng nay, sớm tinh mơ nào, ông cũng tản bộ trên lề đường dành cho người đi bộ dọc kinh Nhiêu Lộc. Những tiểu cảnh, những vườn hoa… những băng ghế ngồi… đã tạo nên không gian mỹ miều và lãng mạn, yêu thương và trân quý… Chẳng ngẫu nhiên, hai con đường song hành chạy dài gần 10 km mang tên: Hoàng Sa – Trường Sa! Nếu mỗi đời người có một ga tàu để xuống thì, ông đã xuống đúng ga tàu của mình dù, ông đã già mất rồi! Với Nhiêu Lộc, ông thẹn lòng vì, làm kẻ hưởng thụ chớ, chưa là người góp sức mình trên mảnh đất từng “chôn nhau cắt rún” ông! Dòng kinh tự nó gắn đất và người Sài Gòn trên 300 năm, tự nó cho”Cả sắc vóc và tâm hồn, cả sức sống và sự hưởng thụ của bao lớp người không phân biệt giai tầng xã hội”. Phải rồi, những 20 năm chớ ít ỏi gì, để cải tạo một dòng kinh! Một cuộc hồi sinh ngoạn mục: Nhà nước và người dân Sài Gòn đã từng bước, từng bước đưa dòng kinh Nhiêu Lộc thắm da đỏ thịt, trả lại màu nước xanh trong!.
3. Nhiêu Lộc uốn lượn qua miền đất địa: Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 10, Quận 3, Quận 1, lấp lánh dưới nắng nét thanh xuân… Nơi đây, người Sài Gòn gọi là “Bờ Kè”, như hai nửa mỉm cười, gần gũi, đối mặt thân thương! Một người bạn của cái thời “nhảy xuống kinh tắm”, mừng ông ly rượu ngày về tại một nhà hàng nằm cạnh bờ Nhiêu Lộc, đã thẳng thắn nói với ông:
– Kinh Nhiêu Lộc không đặc quyền, đặc lợi riêng ai. Đã là, không riêng ai thì, đừng “ai riêng” quên ý thức cộng đồng, xô đẩy kinh Nhiêu Lộc quay về nơi tăm tối ngày cũ. Thờ ơ và đố kỵ sẽ trở thành kẻ sát nhân, vô tình cắt hơi thở Sài Gòn ngay trên dòng Nhiêu Lộc.
Ông tâm đắc lời bạn nói. Bởi, trong sự lột xác này, hình như Nhiêu Lộc chịu bao điều ơn nghĩa của vô số hạt nước mắt rơi xuống rửa nước “kinh đen” thành “dòng trắng hây hây” thuở mấy trăm năm trước!
Với hơi thở Sài Gòn, kinh Nhiêu Lộc đủ sức níu chưn người bạn nhỏ ngày xưa ở lại và kể cả, những ai còn chút tình quê!. 
31/1/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...