Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Một nét bí ẩn của thơ Bích Khê

Một nét bí ẩn của thơ Bích Khê

Nhà thơ Bích Khê (1916-1946), tên thật là Lê Quang Lương, sinh trưởng từ xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình Nho học có truyền thống đấu tranh cách mạng. Bích Khê đã có thơ đăng ở báo Tiếng dân từ những năm 1931-1932. Cho đến cuối năm 1936, nhiều sáng tác theo lối thơ Đường luật của ông đều đặn xuất hiện trên các tờ báo lớn. Từ năm 1936, Bích Khê bắt đầu sáng tác thơ tự do và nhanh chóng trở thành một trong những nhà thơ cách tân hàng đầu trong phong trào Thơ mới (1932-1945) với tập thơ “Tinh huyết” (1939). Ông qua đời sớm do bệnh lao năm 1946.
Nhà thơ Bích Khê
Trong Trường thơ loạn, không riêng gì Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử  mà cả Bích Khê đều bí ẩn. Chế Lan Viên như ngọn “Tháp Chàm lẻ loi và bí mật”, Hàn Mạc Tử thầm lặng như thủy triều theo những mùa trăng, còn Bích Khê thì tràn lên như màu hoàng hoa của những điệu nhạc cổ. Có phải người ta gọi “trường thơ loạn” là vì họ nghĩ và viết khác thường, không như những thi sỹ bình thường khác? Có phải vì vậy mà người đương thời thường khi khó mà hiểu tường tận những gì họ nói? Ví như thơ Bích Khê. Một người tinh tường như Hoài Thanh “ đã đọc không biết mấy chục lần… thấy trong đó những câu thơ đẹp. Nhưng không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa…”.*
Có thể có nhiều những điều bí ẩn trong thơ Bích Khê. Chẳng hạn vì sao chỉ trong ba tháng Bích Khê đã làm được một công việc “thần dị” như vậy; Hoặc vì sao Bích Khê tìm đến “thơ lõa thể” như một mê đắm “tìm chất quý thơm tinh mùi khoái lạc” (Duy tân) như vậy, vv
Nhưng trong khuôn khổ một bài phát biểu nhỏ, xin thử đi tìm một nét của cái “hình như vẫn còn gì nữa” mà Hoài Thanh từ Novembre 1941 đã viết những dòng đầy phân vân kia.
Chúng ta đều biết Bích Khê mê thơ Đường, sáng tác hàng trăm bài thơ Đường luật từ lúc mới mười bốn, mười lăm tuổi. Rồi từ Đường luật, Bích Khê tiếp xúc với thơ Hàn Mạc Tử, với thơ phương Tây, đặc biệt mê đắm thơ tượng trưng của Charles Baudelaire (Baudelaire người là vua thi sỹ – Ăn mày). Từ nửa cuối phong trào thơ mới, sau lời khích của Hàn Mạc Tử, Bích Khê đột nhiên chuyển sang kiểu thơ tượng trưng, với tâm nguyện “trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sỹ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”. Thế rồi, năm 1939, khi tập Tinh huyết ra đời, là “một đóa hoa thần dị” như Hàn Mạc Tử đã viết trong lời chứng.
Điều làm nên “thần dị” này là sự kết tinh, gặp gỡ giữa hai lối tư duy thơ, thơ Đường và thơ tượng trưng của phương Tây trong ngòi bút Bích Khê. Sự kết tinh đó thể hiện trên nhiều phương diện, hòa trộn trong câu thơ từ nhạc điệu, hình ảnh, màu sắc, hương vị…làm cho thơ Bích Khê mang một vẻ đẹp dị thường, “hay vào loại bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Chẳng hạn:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông
(Tỳ bà)
Trong câu thơ trên có thể nhận ra dấu vết thơ Đường khá rõ. Ngôn từ phảng phất sắc thái “buồn vương” dịu nhẹ đến “cây ngô đồng” hiện hữu trong thơ Đường như một biểu tượng (Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu). Nhưng cũng trong câu thơ trên có thể nhận ra dấu vết của thơ tượng trưng phương Tây hòa trộn trong màu sắc và nhạc điệu: màu vàng như một “biểu tượng” đặc trưng trong mênh mông buổi tàn thu. (Charles Baudelaire trong bài mang tính tuyên ngôn Correpondances cũng có sự hòa trộn rất đặc trưng này: Les parfums, les couleurs et les sons de respondent ). Một lối tư duy thơ rất khác lạ so với tư duy lãng mạn đương thời, lại khác xa với tư duy thơ hiện thực, có phần bí ẩn, với sự hòa tan trong lớp vỏ ngôn từ những vô thức, trực giác, ám thị…và không còn ráo riết với nghĩa, bớt đi rất nhiều sự rõ ràng, vươn tới cái mà ông cha ta vẫn nói: “ý tại ngôn ngoại”. Cái ý ở ngoài lời này chính là một đòi hỏi rất cao đối với thơ, cũng là cái để thơ kích thích suy nghĩ tiếp của người đọc, cũng chính là cái mỗi người đọc, tùy theo quan niệm thẫm mỹ của mình, tùy theo kinh nghiệm sống của mình, tùy theo tâm trạng của mình lĩnh hội theo cách của mỗi người. Tôi đồ rằng, đó chính là cái mà Hoài Thanh muốn nói: “hình như vẫn còn gì nữa…” trong những câu thơ của Bích Khê.
Rất nhiều trong thơ Bích Khê những câu thơ gần như mờ nghĩa, phi lý tính, hay nói cách khác, không thể đưa lý trí ra để giải thích cho rõ ràng, để tìm ra cái nghĩa hiểu theo một cách thực dụng. Bởi vì Bích Khê không chủ trương miêu tả, không chủ trương mạch lạc, không chủ trương hiện thực… mà chủ trương gây ấn tượng. Mỗi câu thơ hướng đến một ấn tượng. Cũng như chủ nghĩa tượng trưng không chủ trương hiện thực, mà chủ trương đi sâu vào cõi tâm hồn, vào cõi linh cảm, vào cõi vô thức… rồi từ đó đi tới cái đẹp:
Vàng phai nằm im ôm non gầy
Chim yên neo mình nương xương cây
Đây mùa hoàng hoa, mùa hoàng hoa
Đông nam mây đùn nơi thành xa
(Hoàng hoa)
Chẳng thể nào hình dung ra cho trọn vẹn đó là “bức tranh” gì (Bích Khê vượt ra ngoài khuôn phép của hiện thực). Nhưng lại cảm nhận được một cách rõ rệt trong cảm thức của mỗi người như là một sự thực thể của hiện thực xa xôi nào đó, hình thành bởi rất nhiều liên tưởng mà ngôn từ gợi ra. Chỉ cảm nhận được mà không gọi tên được, chỉ hình dung được mà không vẽ ra được. Không hẳn là hiện thực, nhưng có vẻ như biêng biêng với hiện thực. Đó chính là siêu thực, một nấc thang của hiện thực, vượt lên trên hiện thực. Chẳng hạn như khi Nguyễn Du viết: Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương, thì hiện thực đã không còn “nguyên vẹn” nữa. Ở đây mọi ngôn từ đều hiện thực, từ các danh từ: ngọn đèn, tiếng chày, nguyệt, sương đều hiện thực, nhưng đã có một thực tại “ngoài thực tại”, hình thành bởi sự “quái đản” tương tác giữa các động từ “khêu” và danh từ “nguyệt” (khêu nguyệt), “nện” và “ trăng” (nện trăng) tạo ra. Ở trường hợp Bích Khê, nhà thơ như đã khoác lên hiện thực chiếc áo màu hoàng hoa và những gì chúng ta hình dung được là như một ý niệm về cái đẹp. Nói như  Hàn Mạc Tử: “Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì thực tế ấy thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…”**.
Nếu như ở thơ Đường nói chung, các nhà thơ thường rất ít khi nói hết ý mình, chỉ gợi mở, chỉ dựng lên những tương quan giữa các chất liệu thơ, rồi để người đọc “tự luận”, tự tìm ra ý nghĩa…, thì Thơ Bích Khê cũng vậy. Bích Khê không chú tâm đến cái nhìn thấy, mà chú tâm khêu gợi. Hơn thế nữa, Bích Khê hòa trộn tất cả những: hương, hoa, nhạc, màu…vào một cảm thức đặc biệt để từ đó làm câu thơ bật sáng một cách dị thường, làm bất ngờ những ai đọc tới. Thoạt tiên người ta bất ngờ, người ta chưa thể hiểu ngay mà bị nhạc điệu dẫn đi, rồi người ta cảm nhận được, khi đã xuất hiện trong liên tưởng của họ những sợi tơ mỏng manh nối với một thực tại nào đó. Nhưng là sự cảm nhận khó gọi tên, lại càng khó giải thích cho ra ngọn ngành. Đấy là cách làm quen thuộc của các nhà thơ “trường thơ loạn”. Chế Lan Viên viết: Hàn Mạc Tử nói làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sỹ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý *** .
Chẳng hạn:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Tay đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi
(Tỳ bà)
Quả thực trong đoạn thơ trên và rất nhiều đoạn thơ khác của Bích Khê cảm giác như vẫn chưa thấy hết những gì nhà thơ muốn nói, như Hoài Thanh thú nhận là có thật.
Bích Khê nghiêng về phía hình thức, về phía “vị nghệ thuật”. Ngay từ bài thơ mang tính “tuyên ngôn”, Bích Khê đã nói rõ quan niệm của mình: Hỡi lời ca man dại/ Điệu nhạc thở hơi rừng/ Đêm nay xuân đã lại/ Thuần túy và tượng trưng (Xuân tượng trưng). Lời ca man dại, thuần túy… cho ta thấy với Bích Khê thơ là “vương quốc” của cái đẹp. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà Bích Khê đặt cho tác phẩm của mình là Tinh huyết và Tinh hoa.
Bích Khê rất chú ý đến hình thức:
Từ nhạc điệu, hình ảnh, màu sắc đều toát lên vẻ đẹp đặc thần dị mang “thương hiệu Bích Khê”. Bích Khê có rất nhiều bài thơ “độc thanh”, đọc lên nghe như một bản giao hưởng chơi vơi, mênh mang. Nếu là mùa thu thì đó là vàng rơi, vàng rơi: thu mênh mông, nếu là mây thì đó là mây nhung pha màu thu, nếu là sương thì đó là sương lam phơi màu thu, nếu là đàn thì đó là cây đàn yêu đương làm bằng thơ…
Từ cách ngắt dòng, vắt dòng khá “gắt”, làm gián đoạn, làm “tán loạn” trong tiếp nhận của người đọc:
Buồn, và xanh trời. (tôi trôi tới bờ
Êm biếc – khóc với thu: lời úa ngô
Vàng…khi cách biệt – giữa hồn xây mộ –
Tình hôm qua – dài hôm nay thương nhớ
im lặng nhìn bông ý, lặng lờ lên
những dáng hình thanh khí…) Giữa mông mênh
(Duy tân)
Đoạn thơ trên trích từ bài Duy tân, hẳn mang chủ định đổi mới rõ rệt của Bích Khê. Đây là một kiểu tư duy thơ từng có trong thơ phương Tây. Kiểu tư duy này không còn chú ý đến trật tự ngôn ngữ và ngữ pháp thông thường, ngược lại, cố ý đảo lộn, xáo trộn ngữ nghĩa, gây “vấp” trong cảm nhận, đặng làm tăng sự chú ý của người đọc, cái mà Chế Lan Viên nói là: nó xáo trộn Dĩ vãng, và không chỉ là dĩ vãng.
Bích Khê sử dụng nhiều thể thơ. Có thể thơ thuần túy dân tộc như lục bát, song thất lục bát, có thể thơ cổ phong, thơ luật Đường, thơ tự do…Nhiều câu thơ của Bích Khê “in dấu” của lối diễn đạt hiện đại, không hề bị cũ so với thơ hiện thời.
Chẳng hạn, lối diễn đạt nhiều lớp: Bóng yên hoa, màu khiêu vũ, mây phú quý, bả phù vân ( Đêm khuya nghe chuông ); lối diễn đạt “tích hợp” nhiều cảm giác: Tôi muốn nghe đôi mắt/ Chứa cả một hồ thu ( Thu ); lối diễn đạt dung dị, như một tâm sự: Thưa chị đêm nay dường nhớ quá/ Đưa thư hồng nhạn biết mang không/ Một nhành mai trắng rung rinh ngọc/ Đôi cụm sao vàng lớt đớt bông ( Gửi Liên Tâm ); lối diễn đạt mang nặng cảm thức nội tâm: Đêm nay ta nhặt hoa trăng rụng/ Những cánh đau thương sắp mặt lầu ( Nhặt hoa ), Rồi những mùa thu vô hạn thương/ Trở về dưới biếc chập chờn hương/ Mùa thu ám ảnh nhà thi sỹ/ Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương ( Nấm mộ ), Là lúc đêm về trên mái ngói/ Những nhành nhãn muộn cánh dơi bay ( Làng em )…
Nhưng vì quá chú trọng hình thức, cái đẹp của câu thơ có đôi lúc làm nhẹ đi cái day dứt với cuộc đời. Chế Lan Viên nói: nó thoát Hiện tại là vì vậy. Bích Khê không đau đời bằng Hàn Mạc Tử. Thơ Hàn Mạc Tử cất lên từ đau thương, biến đau của một người thành đau của nhiều người. Bích Khê quên cái đau của mình để đến xứ sở của cái đẹp. Bởi vậy, thơ Bích Khê có những bài, những câu đẹp lộng lẫy. Đi vào thế giới thơ Bích Khê là bước vào ngôi đền thiêng của thi ca, nhưng càng đi càng thấy tiếng vọng của cuộc đời đã ở xa lắm. Hiển nhiên không ai đi tìm bóng dáng cuộc đời trong thơ ca lãng mạn, nhưng sao đọc Huy Cận, Xuân Diệu, rồi Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính ngày trước, vẫn thấy điều gì đó ngay cạnh ta, trong lòng ta. Còn Bích Khê, ông dẫn ta đi vào chốn thiên thai đầy những vạt hoa vàng quên lãng nào đó, thì phải.
Dẫu vậy, thơ Bích Khê thật đẹp và lạ, thật quý và hiếm trong lịch sử thơ ca Việt Nam.
Chú thích:
* Hoài Thanh và Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H. 1989, tr. 232
** Hàn Mạc Tử: Tựa Tinh huyết, 1939.
*** Chế Lan Viên: Tựa Điêu tàn. Xem Chế Lan Viên, Toàn tập, 5 tập, tập 1, NXB.Văn học, H. 2002, tr.23 
9/4/2020
Lê Thành Nghị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...