Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Đèn Cần Giờ 1

Đèn Cần Giờ 1

Những hòn đạn bi-da

Thái đọc

CẦU Ô

Thanh niên hoạt động và chịu khó, đang học lóp đệ tam chuyên khoa, muốn dạy học thêm ở các tư gia. Hỏi cậu Hồng, 233/20 đường Phát Diệm.

Chàng mỉm cười. Cái cậu Hồng nầy sao mà giống chàng quá cũng hoạt động, cũng chịu khó, cũng học đệ tam chuyên khoa, mà nhứt là cũng muốn dạy học ở các tư gia. Chỉ có khác là chàng không đăng báo để tìm việc thôi.

Có hằng trăm thanh niên võ trang bằng những đức tính, giống hệt cậu Hồng nầy, và cùng một mong mỏi với cậu. Thái biết rõ thế. Như vậy, chàng thấy đăng báo không hiệu quả bao nhiêu:

mình đăng báo này, họ đăng báo khác, khó hy vọng được người ta mời.

Thái lại đọc tiếp:

Thanh niên đẹp trai, học lực trung học đệ nhứt cấp giỏi âm nhạc, thể thao, biết lái mọi thứ xe có động cơ, sành chụp ảnh, cỡi ngựa giỏi, rất tháo vát, sẵn lòng làm bất cứ công việc gì, với bất kỳ lương bổng nào, đi xa bao nhiêu cũng được. Hỏi cậu Tân 469/ 178F Phan Đình Phùng.

Thái để từ báo xuống rồi thở dài. Một thanh niên giỏi chừng ấy công việc, lại phải thất nghiệp đến cam kết nhận bất kỳ đồng lương nào và nhận đi bất kỳ nơi nào, thì xã hội Việt Nam quả đang ở vào giai đoạn tranh sống quyết liệt rồi đây.

Nhưng sau một lúc nghiệm kỹ, chàng giựt mình. Có bao nhiêu tài giỏi như anh bạn trên đây, cũng bằng không. Đó là những tài ba ăn trợt, khó lòng sử dụng được. Người ta cần một bác thợ hồ giỏi để đưa đi Ban mê thuột, người ta cần một anh thợ điện giỏi để coi điện cho một xưởng nào đó ở Sàigòn, nhưng chắc chắn không ai biết dùng vào công việc nào một thanh niên cỡi ngựa tài, hoặc sành âm nhạc.

Xét bản thân mình, chàng thấy chàng còn nghèo tài vặt hơn anh bạn ấy nhiều lắm. Mà tài lớn, chàng cũng chưa có, hoặc có, cũng không thể bán hoặc cho thuê được.

Như bất kỳ cậu học sinh nào, Thái đã viết văn và làm thơ. Chàng hơn bạn hữu một tí là thơ chàng được đăng lên vài tờ báo. Chàng lại hơn những mầm non văn nghệ được đăng báo là giới phê bình đã bắt đầu nói sơ đến chàng.

Một người bà con của chàng, vốn là ký giả, một hôm xui dại chàng gởi thơ cho những báo nào đăng thơ chàng để đòi tiền nhuận bút.

Đợi mãi không thấy báo nào trả lời cả, mà lạ lùng hơn nữa là thơ chàng bỗng dưng vắng bóng trên mấy báo ấy, mặc dầu chàng cứ tiếp tục gởi đến họ.

Và cũng như bất kỳ mầm non nào, Thái nghĩ ngay là họ muốn dìm một tài ba chớm nở: trong các tòa soạn ấy có những biên tập viên cũng là thi sĩ, sợ chàng lên quá rồi lấn mất họ, nên họ dìm chàng chăng ? Chớ làm gì bỗng dưng tài của chàng lại thình lình triệt thối ở khắp các mặt trận như vậy được.

Chàng băn khoăn cậy người bà con nói trên điều tra giùm, và kết quả của cuộc điều tra ấy đã đánh tan mất trong trí chàng cái ảo mộng đổi ra sách vở và xi-nê những vần thơ của chàng.

Người bà con ấy nói: "Chỉ có một ông chủ báo là chịu cho biết vì sao không có tiền nhuận bút cho thơ của anh, còn mấy tòa soạn khác, nhứt định không trả lời tôi. Ông ấy bảo rằng lệ của nhà báo, bất kỳ báo nào, hay phần lớn các báo ở đây, không có tiền nhuận bút chữ thơ. Một bài thơ chỉ choán có một phần tư cột báo thôi, thì không lẽ đưa mười đồng hay hai mươi đồng. Mà đưa nhiều hơn, một trăm chẳng hạn, để xem cho được con mắt, thì hóa ra mỗi cột báo chi phí biên tập phải lên đến bốn năm trăm, và một trang tám cột phải mất đi bốn ngàn bạc à? Ông ấy nói làm thơ là làm cái gì cao quý, là phục vụ nghệ thuật, thì không nên làm hoen ố công việc đẹp đẽ ấy bằng cách đòi tiền công.

Thế là rõ ! Và đã lâu rồi, Thái chỉ trông cậy vào tiền mà gia quyến anh gởi lên cho mỗi tháng một ít thôi.

Chàng đọc tiếp quảng cáo, và lầm thầm nghĩ rằng chỉ có bọn người thất nghiệp và bọn người túng thiếu như chàng mới đọc quảng cáo thôi.

CẦNDÙNG

Một học sinh bục trung học đệ nhứt cấp để kèm hai trẻ lớp nhứt tại nhà. Hỏi ông phạm Văn Mìn, thầu khoán 758 đường Cao Thắng.

À, đây rồi? Thái reo thầm lên. Nhưng chàng thấy cái mỉa mai trong hai bài quảng cáo trên và dưới, nên buồn cười lắm: trên thì tìm việc, dưới lại tìm người, đúng là cái người tìm việc trên: mà 2 quảng cáo cứ đăng mãi mấy ngày rồi. Hai người chưa gặp nhau à? Hay đã gặp nhau mà không thích nhau?

Thái nhứt quyết đi đến nơi cần dùng thầy giáo nầy, và không để trễ, chàng đứng dậy đi thay đồ.

°

Thái có cảm giác rằng ông Mìn không phải là một ông nhà giàu mới, mặc dầu biệt thự ông đang ở, chưa sơn đến lần thứ nhì từ lúc dựng lên đến bây giừ.

Ông Mìn có lễ độ. Vâng, nhưng những ông nhà giàu mới cũng có thể có lễ độ như ông. Không, không thể cắt nghĩa được cảm giác của chàng bằng một hay hai chi tiết. Nơi ông nhà giàu mới, tất cả cái gì cũng kêu ầm lên rằng ta đây vừa có tiền đây nè! Nơi ông Mìn, thì tuyệt nhiên không.

Nhờ cảm giác đó mà Thái có ngay cảm tình đối với gia đình nầy. Cảm tình của chàng quả đặt không lầm chỗ.

Hai đứa bé, mười và mười một tuổi, ngoan ngoãn lắm. Chúng ham chơi, hay lo ra, nhưng có người kềm là chúng chăm chỉ được ngay.

Ngày đầu, Thái được ông Mìn tiếp rồi đưa qua buồng học để giới thiệu cho thầy trò tiếp xúc với nhau.

Mới đi dạy lần đầu, Thái chưa biết phải làm sao cho ra vẻ. Chàng suy nghĩ kỹ thì thấy cứ cư xử tự nhiên như một người anh lớn đối với em nhỏ, không cần làm oai, mà trái lại nên gây cảm tình.

Cuộc tiếp xúc được thân mật, và tín nhiệm phát sanh ngay nơi lòng hai đứa bé. Ông Mìn coi bộ mừng lắm.

Những ngày sau đó, chàng đi ngay vào buồng học, và luôn luôn học trò có mặt sẵn nơi đó để đợi chàng.

Buồng lọc là một buồng trông ra đường và ở giữa nhà. Buồng bìa bên trái là buồng tiếp khách, còn buồng bên mặt có lẽ là buồng chơi của trẻ con, vì chàng thường nghe tiếng bóng bàn bên ấy.

Thái dạy vào buổi xế trưa. Trời nóng bức lạ, mặc dầu có quạt máy, thầy trò vẫn nghe khó chịu. Thỉnh thoảng một chị người nhà bưng ra ba ly nước cam vắt cho ba thầy trò giải khát và buổi dạy nào chàng cũng uống ít lắm là hai bận nước cam như vậy.

Thái giảng thêm bài trường và nói chuyện nhiều hơn là dạy, vì chàng tin rằng phương pháp đó hay hơn. Học trò xem ra cũng rất thích lối học như vậy.

Hai tuần lễ sau, không xảy ra chuyện đáng tiếc nào cả. Thái có gởi thơ xin phép ông Mìn dẫn Long và Hưng đi xem "Nàng tiên khác thường!" và đưa hai cậu bé về tận nhà, rồi thôi, sự thân mật giữa thầy trò không vượt ra ngoài những câu chuyện bên lề sự học và những câu chuyện cổ tích ta và ngoại quốc.

Nói rõ là chàng gởi thơ xin phép, vì chàng không gặp mặt được ông Mìn lần nào cả từ lần mới đến xin việc và lần giới thiệu thầy trò.

Hai đứa bé không tò mò hỏi về đời tư chàng, còn chàng thì tuy hơi tò mò thật đó, nhưng ngại thất lễ với gia đình ấy nên cũng không tìm biết gì.

Thái chỉ mong học trò tiến bộ để được tín nhiệm của gia đình, và mong cho tới tháng để lãnh tiền, hầu mua sắm thêm những vật cần thiết.

Bốn giờ chiều ngày thứ mười sáu, ông Mìn qua buồng học chào thầy giáo rồi khen ngợi:

- Tôi bằng lòng ối dạy của thầy lắm. Tôi có xem tập cháu, không thấy thầy cho bài nhiều, nhưng cứ nghe chúng nói chuyện thì nhận thấy chúng nó mở trí thêm nhiều lắm: suy luận đúng, tò mò hữu lý và biết sự tìm hiểu nhiều bài, nhiều việc xảy ra chung quanh chúng nó.

Tôi mong thầy cứ tiếp tục phương pháp ấy mãi. À, thầy có giỏi Việt văn hay không?

- Thưa ông, đó là sở đoản của tôi.

- May lắm. Nhưng có thể làm cho học sanh khá Việt văn được hay không thầy? Tôi cứ nghe họ nói phải có khiếu mới giỏi được.

- Thưa ông, họ nói đúng phần nào. Nhưng đó là khi nào muốn xuất sắc muốn thành văn sĩ kia. Chớ còn muốn giỏi để đủ làm một bài luận văn cho sáng sủa, muốn hiểu và cắt nghĩa một bài văn cho thông thì chỉ nhờ được chỉ dẫn đúng cách và tự mình cố gắng là được rồi.

- Vậy hả! Tôi có một đứa con gái, con thứ ba. Năm nay nó học đệ tứ mà Việt văn nó kém lắm. Chính nó cũng tự biết thế và rất lo sợ hỏng thi vì môn ấy. Thầy có thế nào giúp thêm giờ để dẫn cháu đến ngày thi cho đủ sức với người ta không?

- Thưa ông, hiện giờ tôi dạy từ ba đến năm giờ. Nếu chỉ thêm cho cô Ba, thì tôi ở lại đến sáu giờ, không gì trỡ ngại cả.

- Tốt lắm. Tôi sẽ có chỗ tạ công thầy riêng về giờ thêm đó.

Ông Mín vừa nói vừa xây lưng đi. Ra tới cửa, ông nói vói vào:

- Đúng năm giờ, tôi sẽ đưa cháu đến đây để giới thiệu thầy trò với nhau, rồi chiều mai khởi sự học.

Thích chưa! Sẽ có tiền thêm đây, mà một tiếng đồng hồ dạy thêm nầy, lương bổng ít ra cũng tương đương với hai tiếng đồng hồ dạy trẻ. Trung học mà, chớ nào phải tiểu học đâu.

Nhưng Thái hơi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông thầu khoán này lại không mướn giáo sư Việt ngữ thật thụ để dạy con gái, lại nhờ mình. Trung học mà dạy Trung học thì thầy với trò có khác hơn bao nhiêu đâu? Đệ tứ là lớp chàng vừa bước khỏi chỉ mới mấy tháng nay thôi kia mà, ông cụ lẽ nào lại quên điều đó?

Hay là ông ta hà tiện, định lợi dụng mình? Ừ mướn giáo sư tốn tiền lắm. Còn nhờ mình thì bất quá đưa thêm vài trăm mỗi tháng là cùng?

Nghĩ tới đó Thái hơi lo. Nếu bị lợi dụng mà tranh đấu để tự vệ e mất chỗ làm. Còn nín thinh mà chịu thì tức biết bao!

Nhưng dầu sao cũng được chỗ an ủi này là người học trò mới là một cô gái mười tám, như ông Mìn đã nói.

Là thanh niên, Thái hay mơ mộng hão như bất kỳ học sanh nào. Thanh niên Thái lại là thi sĩ thì giấc mơ tình ái của cậu còn to biết bao nhiêu.

Đây là một cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh, tốn tiền cũng còn dám tốn nữa kia chớ nói chi là được trả công rẻ.

Vậy đêm nay phải uống thuốc ngủ mới được, kẻu mơ quá rồi không nhắm mắt được đa nhé, vì ông Mìn đã quên đưa con lại, chàng nóng biết cô ấy ra sao.

Ngày giờ trôi sao mà chậm chạp đến phát giận lên.

Nhưng mà sợ lắm thay! Có ai chận cho nó đi chậm thêm nữa thì Thái đây cám ơn lắm lắm.

Mà giờ long trọng đã đến, không làm sao bước lui được nữa.

Suốt hai tiếng đồng hồ dạy Long và Hưng, Thái chỉ giảng được mỗi một bài cách trí thôi, còn thì kể những chuyện đầu Ngô mình Sở cả.

Chiếc đồng hồ Carillon bên buồng bên đổ nhạc rồi thong thả buông từng tiếng như kẻ sát nhơn đếm một, rồi hai, rồi...

Cánh cứa buồng mở, và nơi khung cứa nàng tiên áo trắng hiện ra, không biết có đẹp hay không, vì Thái bối rối không dám ngước lên, làm bộ như câu chuyện đang nói với trẻ còn dài lắm mà chàng thì đang kể chuyện mê mệt, quên cả bên ngoài.

Nàng tiên bước lại trước bàn, nghiêng mình chào thầy giáo rồi nói với hai em:

- Tới phiên chị học đây!

Hai đứa bé cười rồi đứng lên nói:

- Xin phép thầy.

Chúng không đợi thầy cho phép, chạy ùa ra ngoài, vừa chạy vừa la.

- Đổi phiên gác rồi, sướng quá, đi chơi né.

Thái nghe mình bình tĩnh hẳn lại. Cô bé xinh quá nhưng chàng thấy cô ấy còn trẻ con lắm. Cô ta không gây được tiếng sét nơi lòng chàng.

Thế là hơn, chàng nghĩ. Mình sẽ làm tròn phận sự một cách dễ dàng.

Cô bé Ngồi xuống ghế rồi thưa:

- Thưa... thầy - cô ta do dự giây lát không biết kêu Thái là gì - em là Huệ. Em học đệ tứ trường "Cô Bắc". Chiều hôm qua, ba em định đưa em lại đây để trình diện với thầy, nhưng lại có khách thình lình, rồi cuộc thăm viếng của khách kéo dài hơn tiếng đồng hồ. Khách đi rồi, thầy cũng đã về mất, Nên ba em biểu em xin lỗi thầy...

- Không cần gì. Thái chận nói. Ông cụ có nói qua là đủ lắm rồi.

Thái nhận thấy cô học trò ăn nói dễ dàng quá, lưu loát quá, và có bộ tịch dạn dĩ lắm. Thái thấy cần thành thật ngay với cô học trò để cô khỏi thất vọng, hoặc khỏi bị cô ta "côn" để phá chàng chơi.

- Tôi chỉ mới rời khỏi đệ tứ chưa đầy một năm, không hiểu sao ông cụ lại nhừ tôi dạy cô. Tôi cần cho cô biết điều ấy để...

- Thưa thầy, thầy khỏi ngại. Huệ chận nói. Chính em đã năn nỉ ba em mướn thầy đó. Em biết thầy sành Việt ngữ lắm, có lẽ còn rành hơn cả ông giáo sư của em nữa kia. Em biết về thầy nhiều lắm...

Thái hốt hoảng hỏi:

- Cô biết gì về tôi?

- Em biết thầy là thi sĩ Phong Điền...

- Làm sao cô biết được?

- Em có thấy ảnh của thầy đăng báo một lần.

- Vậy à! Nhưng tôi lại không sành nghề dạy học. Biết là một đàng, dạy được là một đàng.

- Mà thầy đà thành công với hai em Long và Hưng, lẽ nào lại không thành công với em.

Thái làm thinh giây lâu rồi nói:

- Té ra cô cũng đã để tâm đến bọn thi sĩ chúng tôi. Vậy chắc là cô thích văn thơ ?

- Thưa, thích lắm.

- Thì sao cô kém Việt văn?

- Thưa thầy, bởi vì đi thi, người ta cho luận văn: Làm bài luận rắc rối hơn đọc một bài sáng tác nhiều.

- À!

Lời Cô bé nhắc Thái thớ đến chính một quan sát của chàng: là bên trung học Pháp người ta ra đề tả cảnh, còn bên Việt lại ra đề luận. Thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi, chưa vững trí thì luận là một việc quá khó khăn đối với họ. Nhưng đó chỉ là mối hại nhỏ thôi. Cái nguy to là bao nhiêu cố gắng đều đưa vào luận nên nhiều học sinh chểnh mảng mọi khía cạnh khác đến đỗi tới đệ tứ mà còn viết sai văn phạm.

Cuộc tiếp xúc tới đó là chấm dứt. Thái lấy sách ra giảng cho Huệ nghe một đoạn "Thu dạ" không có ghi trong chương trình.

Thật ra thì Huệ có khiếu về văn chương. Nàng hiểu rất mau, viết văn sáng rỡ, nhưng vì thiếu chỉ dẫn nên hóa lu mờ đó thôi.

Ngày nào hai thầy trò cũng nói chuyện độ hai mươi phút rồi mới học. Chuyện bên lề học vấn, nhưng không xa học vấn bao nhiêu.

Huệ vô trách nhiệm nên không cần giữ gìn, nói đến cả chuyện nhà chuyện cửa. Nhờ vậy mà Thái biết cô Lan, cô gái lớn của ông Mìn là một góa phụ trẻ. Cô ấy lấy chồng năm hăm hai. Được một năm thì chồng chết, và cô còn ở vậy cho đến năm nay cô đã hăm tám tuổi rồi.

Huệ rất mến thầy, hay biếu quà thầy lắm. Mà nàng khéo làm sao. Trong câu chuyện, nàng hỏi bâng quơ vài chi tiết về lối sống của ông thầy, thế mà bằng vào đó, nàng đoán đúng được những gì thầy cần mà sắm không nổi, những món thật là bất ngờ như cái tourne- disque chẳng hạn.

Thú thật là thầy, từ khi gặp trò, không có ý quấy nào cả, không phải vì thầy là một nhà đạo đức, trái lại nữa. Nhưng mà cô bé thật là bé, bé người mà bé cả tâm hồn nữa.

Huệ chỉ mới bắt đầu trổ mã. Tuy thân thể nàng hứa hẹn một sắc đẹp có hạng, nó vẫn còn cao lỏng khỏng, cổ nàng còn ốm nhom, mắt nàng nhìn mọi vật còn ngạc nhiên một cách đáng thương hại.

Huệ ăn điện như một cô gái lớn, nhưng sự ăn diện ấy không hòa hợp được với cái trẻ con nơi người nàng nên trông càng buồn cười thêm.

Thái rất thương em bé Huệ vì những câu suy nghĩ ngộ nghĩnh và hồn nhiên của em bé ấy, vì những mộng mười lăm của em về cuộc đời.

Chỉ có thế thôi.

Huệ là con nhà có giáo dục, nên lời lẽ cử chỉ của nàng không có gì quá đáng cả. Nhưng không hiểu sao, Thái tế nhận thấy rằng lòng mến thầy của nàng không phải vô tội đâu. Riêng trong bụng Thái, chàng cũng không dám nói đến tình yêu. Em bé còn thơ dại quá, bảo rằng nàng yêu mình, hóa ra vu cáo cho nàng sao. Nhưng mặc dầu không dám nghĩ như vậy, Thái cứ thấy sự trìu mến thầy của cô Huệ không chỉ là sự mến suông.

Không có bằng cớ nào đích xác cả để cho là như thế. Nhưng chính sự thiếu bằng cớ ấy khiến chàng len lén nghĩ đến ái tình. Khi người ta yêu, người ta chỉ làm thinh thôi. Nhưng cái gì miệng không nói ra được, thì mắt nói lên hết cả, và tay chân, thân thể cũng đều bập bẹ được để phụ lời.

Huệ có hỏi nhà chàng lần nào đâu, và chàng cũng chưa bao giừ tự khai chỗ ở trọ ra, thế mà hôm ấy, sáng chúa nhựt, chàng ngạc nhiên hết sức mà thấy Huệ đi ngang qua trước cửa, vừa đi vừa ngó vào nhà.

Căn nhà chàng ở trọ, trông ngay ra một ngõ hẻm dùng làm địa dịch qua lại cho cả xóm. Nhà không sân, không hàng hiên thành ra ai đi ngoài ngõ là y như là đã bước vào nhà nửa chừng.

Sáng hôm ấy, Thái đang ngồi ở bàn ngoài, đọc một chương trình chiếu bóng. Nghe tiếng giày, chàng ngẩng mặt lên thì hai người như là gặp nhau trong một căn phòng: họ cách nhau chỉ có hai thước thôi.

Huệ reo lên:

- Chào thầy. Thầy ở đây à?

Thái bối rối, không phải vì gặp con gái, mà vì sự chạm mặt đột ngột quá nơi một căn nhà tồi tàn mà chàng thấy cô ta không biết là hơn.

- Ừ, tôi ở đây. Cô ba đi đâu đó?

- Thưa, em đi tìm người bạn, nhưng chắc địa chỉ sai nên tìm mãi không ra.

- Người bạn cô tên chi? Xóm nầy tôi biết tên cả mọi người, từ già đến trẻ.

Huệ ấp úng, rồi không đáp, khiến Thái thấy là nàng quyết đến thăm anh, sau khi đã biết địa chỉ anh nhờ cách nào không rõ, có lẽ nhờ lục lạo trong quyển sổ tay của ông Mìn chăng?

Huệ đứng đó mà làm thinh, chắc khó chịu lắm, nên Thái mời:

- Mời cô vào chơi.

Huệ mỉm cười, bước vào nhà liền.

- Anh ở trọ, hay là nhà của anh.

Nàng xưng hô như vậy một cách rất tự nhiên, như là đã xưng hô từ lâu rồi.

- Thưa tôi ở trọ. Nhưng nhà bà con, không nhận ai khác cả, ngoài tôi ra.

- Thì cũng như nhà anh. Sáng chúa nhựt anh không đi chơi sao?

- Tôi ít đi lắm.

- Cả chúa nhựt nữa? Trời ơi buồn chết! À, mà chắc anh không buồn. Anh ở nhà để làm thơ. Làm thơ vui lắm không anh?

- Nhọc lắm thì có. Nhưng mình thích nhọc, thành ra cũng hơi vui được.

- Người ta ra đề sẵn, anh gieo vần có được không?

- Tôi chưa thử lần nào: Nhưng chắc phải có hứng mới làm hay được.

- Đâu anh làm thử bài thơ nầy xem. "Sáng chúa nhựt gặp khách bất ngờ".

Thái mỉm cười:

- Nếu cô bắt tôi làm ngay, không cho tôi đợi hứng thì thơ có dở cô ráng chịu nghe không?

- Đợi hứng? Thành ra hiện giờ anh chưa có hứng.

Thái nghe cả sự thất vọng chua cay trong giọng nói của Huệ.

Mặc dầu lòng chàng dửng dưng, chàng cũng không muốn làm phiền cô bé dễ thương nầy, nên vội cứu vãn:

- Có nhưng mà hứng chưa chín muồi.

Nhưng Huệ đã hiểu. Nàng thông minh lắm, việc gì tỉ mỉ nữa kia mà nàng còn tế nhận được thay, huống hồ chi cái hớ hênh to tát nầy của Thái.

Huệ nói vài câu chuyện không đâu rồi xin phép ra về.

Thái tiễn học trò ra đến đầu ngõ, nàng lên xe rồi anh mới trở vô nhà. Cuộc tiễn đưa "đến tận thuyền" ấy không phải chỉ vì lịch sự không mà thôi, mà là để an ủi một đứa bé vừa bị bể vở một bong bóng xà bông, đang buồn cho những màu sắc xanh đỏ bỗng nhiên tan biến mất.

"Tình trẻ con chưa rõ rệt bao nhiêu, rồi nàng sẽ quên mất và về sau còn thấy đó là buồn cười". Thái lẩm bẩm như vậy, rồi an lòng được, sau trót một tiếng đồng hồ băn khoăn.

Hôm sau, người học trò vẫn ngoan ngoãn, nhưng ít nói, bảo là không nói gì hết thì đúng hơn. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nàng lộ vẻ giận hờn, oán trách gì cả.

Năm hôm sau là trở lại bình thường. Huệ vui vẻ y như lúc trước, nói líu lo như chim.

"Đúng như mình đã đoán, Thái nghĩ thầm. Nàng sẽ quên đi chớ gái thơ thì lòng dại hay đi phiêu lưu, nhưng khi thấy các nẻo đương phiêu lưu ấy không có gì huyền diệu lắm, thì họ trở bước được ngay.

Hôm ấy đúng vào ngày cuối tháng - tháng dạy học - nghĩa là mười hai tháng chạp. Huệ trao cho Thái một phong thơ của ông Mìn và yêu cầu Thái đọc ngay.

Thơ cám ơn công khó của ông thầy, kèm theo một số tiền. Tiền xúp dạy cô ba, tính phải chăng chớ không lường công. Và mời chiều hôm đó thầy giáo ở lại ăn cơm.

Đoán chừng ông thầy đọc vừa xong, Huệ nói:

- Sáng kiến của em đó. Ba, má em cũng mến anh lắm, nhưng bận quá nên quên mất. Em nhắc, ổng bả mới nhớ ra và biểu em nài nỉ cho anh nhận lời.

Thái hơi ngại, vì hôm đó chàng ăn mặc không được sạch lắm. Về nhà thay y phục thì không kịp nữa, bởi ông Mìn mời chàng hễ hết dạy là qua ngay để trò chuyện chơi trước khi dùng bửa.

Nhưng không thể không nhận lời.

Nhà có sân trong mà Thái không dè. Trông từ đằng xa, Thái thấy cả gia đình đều có mặt.

- Người mặc áo vàng nghệ, có phải là cô hai đó hay không cô ba? Thái hỏi Huệ đang dắt nẻo cho chàng.

- Dạ, chị hai em đó a.

Sân trồng hoa kiểng rất xinh, nhứt là rất ấm cúng và kín đáo, mắt người đi đường không dòm vào được.

Thái đã đến nơi. Chàng bận nhìn bà Mìn cao lớn đẫy đà nên chưa thấy ai cho rõ. Chàng nghiêng mình chào từng người, bắt đầu chào ông Mìn trước. Khi mắt chàng dừng lại trước người thiếu phụ góa chồng thì chàng ngây người ra.

Thiếu phụ đẹp, đẹp quá sức tưởng tượng của chàng. Chàng đã hình dung thử người đờn bà ấy thấy trong trí là cô ta hiện hơi đẹp hơn Huệ một chút, nhưng rồi sẽ thua Huệ khi Huệ được trổ mã đều.

Nhưng quả thật chàng đoán sai rất xa. Sắc của Huệ mà đi mút con đường tiến triển, cũng còn kém hơn Lan vào độ Lan vừa trổ mã xong. Huống chi Lan đã là đờn bà rồi.

Người đờn bà trẻ, đẹp hơn con gái đương thì nhiều lắm, vì cái chớm nở không sâu sắc bằng cái bừng nở, vì buổi mai tuy tươi mát dễ ưa mà không say sưa bằng buổi trưa uy vệ hơn.

Trong tình sử của loài người, thật không nghe nói bực vĩ nhơn nào mà mê con gái đến đổ vỡ cơ nghiệp, mà chỉ thấy toàn đờn bà làm tan nhà nát cửa người ta thôi.

Thái bối rối như cậu học sanh mười bảy mới giao thiệp với bạn gái lần đâu, mặc dầu chàng đã hăm hai rồi.

Để che lấp sự lúng túng của mình, chàng đưa tay bắt lấy hai tay đứa bé trai, lồi nắm lấy tay chúng mãi, hỏi lăng xăng như là hồi nãy chưa gặp nhau.

Ông Mìn mời chàng ngồi, rồi nói bằng tiếng Pháp:

- Mettez- vous à l'aise, jeune homme 1.

Bà Mìn thạo đời lắm, đưa đầu đề ra ngay:

- Tôi biết thầy ăn cơm tháng, bỏ bữa mà không báo trước cũng chẳng sao, nên mới đám mời thình lình như vầy. Số là vợ chồng tôi bận việc nên quên mất. Con Huệ nó nhắc mới sực nhớ ra. Để lại ngày hôm sau, e có điều gì trở ngại chăng, nên mới mời thầy ngay hôm nay.

Bà ta tỏ ra là một bà chủ có bản lĩnh. Chỉ có một mình bà là nuôi nấng buổi chuyện trò cho nó khỏi tắt ngọn. Nhờ thế mà Thái dễ chịu được và lần lần tỉnh lại.

- Ông giáo uống gì? Cô Lan vừa hỏi vừa day ra sau lưng lấy hai chai rượu để trên chiếc bàn con có bánh xe.

Thái ấp úng:

- Thưa cô, tôi uống gì... mà... không có chất rượu ấy.

Lan cười giòn lên:

- Như đờn bà ấy à? Như vậy làm sao được? Ít lắm cũng phải uống bia chớ.

- Thôi, cho ông giáo uống nước cam vắt, chị hai à, Huệ can thiệp để cứu ông thầy.

Lan đứng lên, thay cho mẹ mà đãi thức ăn uống cho cả bàn.

Đây là nàng tiên đã gợi hứng cho chàng làm thơ từ bao lâu nay, một người đờn bà có cái lưng ong như lưng gái nước Sở ấy, có những ngón tay riêng tự nó có linh hồn như những con vật sống, có đôi mắt mơ buồn một nỗi buồn khôn nguôi.

Suốt bữa ăn, Thái tế nhận được vẻ ngạc nhiên trên gương mặt cô Huệ.

Ái tình luôn luôn im lặng. Nhưng người ngoài lại nghe ồn ào lên rõ bông bông. Huệ có nói lòng mình ra bao giờ đâu, thế mà Thái đã biết rõ tâm tinh nàng.

Thì nay cũng vậy, Thái chỉ hầu chuyện ông Mìn bà Mìn, thỉnh thoảng mới day qua đáp một câu hỏi thường của Lan, mà đáp một cách thờ ơ, lạnh lạt. Thế mà Huệ như trông thấy suốt tim. chàng đang máy động vì việc gì.

Huệ nó ngạc nhiên lắm. Mà chính chàng, chàng cũng ngạc nhiên. Lẽ nào chàng từ chối tình yêu của một cô gái trong trắng để bâng khuâng trước một người đờn bà đã hăm tám tuổi rồi?

Trước khi kiếu từ ra về, chàng nghe bà Mìn nói:

- Ông giáo sư tự nhiên qua lại nhà chơi. Chúng tôi xem ông giáo như người nhà, nếu ông không cho thế là mích lòng.

- Dạ, tôi đâu dám...

- Con Huệ nó nói đến ông luôn thành ra ông không qua đây mà chúng tôi đã quen nhiều với ông rồi.

Bà cười đến rung rinh cả thân thể.

Vâng, Thái sang nhà thường lắm. Chàng chỉ lo không có lý do để sang. Nhưng mà người ta cho phép, dại gì không nhận.

Nhưng càng qua lại nhiều, càng tủi thêm. Cô Lan chỉ xem chàng là một ông giáo đến dạy ở tư gia, không hơn, không kém. Hôm nào vui tánh, nàng bước thêm một bước, đối xử với chàng như một người chị đối với một người em trai họ.

Thật là trời trả báo cho chàng. Chàng đã xem Huệ như em thì bị Lan xem lại như em, quả đáng kiếp. Nhưng nghĩ oái oăm thay, ái tình. Nó giống như là trò chơi bi-da của người Nga: viên đạn này chạy đi tìm viên đạn kia, nhưng viên đạn kia không đứng lại với bạn, mà chạy tìm viên nọ.

Thái đau một niềm đau khó chịu. Thà là bị tình phụ rẫy cho cái đau nó rõ rệt ra, kêu khóc lên được cho hả hơi, và tự an ủi được khi nghĩ rằng người ngoại cuộc cũng sẽ tội nghiệp cho mình.

Đằng nầy niềm đau âm thầm của mình chính mình cũng không than trách được, thì cái đau ấy mới lắng xuống tới đâu để mà biết mà rứt để mà mài cho mòn lần mòn hồi cả tâm hồn chàng.

Lan có khinh rẻ, hất hủi chàng lần nào đâu ? Nàng có yêu chàng rồi phụ rẫy chàng lần nào đâu? Nàng chỉ thờ ơ thôi, xem như là chàng không có.

Hỡi vì sao trên trời, lấp lánh về nửa đêm! Có biết chăng một con dế kia mỗi tối mỗi nằm ở miệng hang mà dòm lên trời, bị thôi miên vì vẻ rực rỡ của nàng, mà vẻ rực rỡ ấykhông bao giờ soi thấu miệng hang cả.

May thay là Thái có nơi lùi về ẩn náu. Đó là thế giới thơ của chàng. Thế giới ấy lần nầy được thủy triều đưa phù sa tình ái đến, nên nó bỗng trở nên phì nhiêu kỳ lạ.

Người ta nói chỉ có đau khổ và ái tình mới làm nảy tài thi nhơn được. Thái đã yêu mà yêu đau đớn, thành ra chàng đủ cả hai điều kiện để thành công.

Thơ chàng bỗng nhiên già giặn và sâu sắc ra. Người ta đoán được rằng chàng đã rút bao nhiêu tình cảm ấy nơi trường đau khổ, đã đi sâu trong thất vọng, trong chua cay mới tìm thấy được những giọng thơ nó làm bối rối người đọc.

Lần nầy, Thái nổi danh thật sự. Người ta phổ nhạc thơ chàng, người ta ngâm thơ chàng trên các đài phát thanh, người ta in thơ chàng dưới đủ hình thức, hình thức phổ thông cho mọi túi tiền, hình thức xa xí để đưa thơ chàng vào các gia đình vốn không thưởng thức văn nghệ bao giờ cả.

Tập thơ đầu in xong, Thái ân hận không đề kịp tất cả vào đó. Tiếng kêu đau thấm thía hơn hết chỉ mới phát ra đây, ngày chàng được tin Lan sắp đi lấy chồng do Huệ thỏ thẻ kể.

Chàng làm xong bài "Mừng cuới" ngay chiều hôm đó, giữa lúc cô học trò Huệ đang làm bài theo lời chỉ dẫn của chàng.

Bép xép tin ấy, Huệ rình phản ứng trên mặt Thái để đọc tình cảm của chàng. Nét đau câm lặng mà nàng bắt chợt được trên đó như biến thành tiếng động rồi vang dội vào lãnh vực sâu thẳm của lòng nàng.

"Trời ơi ! Anh ấy đau đớn như thế à? Nghĩa là anh ấy quả yêu chị mình quá lắm, và nghĩa là mình vẫn là một kẻ ngoài vòng tình cảm của anh thôi".

Một tháng sau, Thái được thiệp mời dự tiệc cưới. Nhà giàu thì đờn bà năm con bảy cháu vẫn còn làm đám cưới rình rang như con gái được.

Cầm tấm thiệp, Thái không nghĩ đến mối tình của chàng nữa mà chỉ lật qua lật lại vấn đề nên đi hay không nên đi.

Không nên đi, không phải vì xấu hổ với ai, hay vì hờn ai. Không, nếu mà Lan biết, chàng cũng không có gì để mắc cỡ với nàng. Chàng đã yêu mà không nói ra, không phải vì chàng nhút nhát mà chỉ vì chàng thấy có nói cũng vô ích. Người mà chàng yêu trộm không bị xúc động lần nào cả mỗi khi tiếp chàng. Người thờ ơ như vậy thì còn hy vọng gì.

Chàng cũng không hờn mát Lan được, vì lan đã có dịp khước từ sự tỏ tình của chàng lần nào đâu?

Không nên đi vì công phẫn tình đời. Gia đình nầy chỉ xem chàng là một ông giáo vào dạy tư gia, trừ Huệ thì khác thôi.

Một ông giáo vào hạng đó không thế nào có ghế ngồi trong những cuộc tiếp tân sang trọng của họ được.

Họ mời chàng chỉ vì chàng vừa nổi danh. Giới nào, họ cũng muốn có vài đại diện lỗi lạc, cả giới văn nghệ sĩ là giới thật ít dính líu đến xã hội của họ.

Họ mời chàng ngồi đó để làm cây cảnh cho rôm bữa tiệc thôi.

"Các ngài thấy hay không, sự phong phú của các mối giao thiệp của tôi: bác học có, nhạc sĩ có, thi sĩ có, chớ không phải chỉ mời được nhà giàu không mà thôi như các ngài đâu".

Thái đã bị người ta dùng làm món đồ trang trí như vậy vài lần rồi. Lần đầu chàng thích lắm, nhưng sau nhận được ẩn ý của họ, chàng vỡ mộng ngay.

Đáng buồn hơn nữa là cái thứ cây cảnh lạ là chàng, lại lắm khi không được ai buồn ngó đến.

Văn nghệ sĩ à? Là cái quái gì ấy, nhiều người tự hỏi thế rồi tò mò dòm một cái. Đoạn thấy những con người không oai vệ chút nào, không sang trọng tí nào, họ lơ đi ngay.

Tủi thân lắm! Thái có một người bà con nhà giàu. Lâu lắm chàng mới đến thăm người ấy một lần. Một hôm, thấy trên bàn hắn có một quyển truyện kiếm hiệp, Thái hỏi:

- Anh thích đọc sách lắm không?

- Buồn ngủ lắm. Tôi mua cuốn truyện này chỉ cốt đọc mỗi bữa độ nửa trang cho dễ ngủ đó thôi.

Tủi ôi là tủi cho sản phẩm của tinh thần khi chúng lạc vào thế giới tiền bạc.

Thái đắn đo rất lâu. Rốt cuộc chàng quyết định phải đi. Gia đình nầy vẫn lịch sự đối với chàng, chàng không thể vô lễ là nằm nhà được.

Vả lại, biết đâu họ mời chàng không vì lẽ khác hơn là lẽ chàng nghi ngờ. Biết đâu đây lại không là sáng kiến của Huệ. Nàng luôn luôn can thiệp để cho Thái được tham dự vào mọi hoạt động xã giao của gia đình: Dạ yến tại nhà, rong chơi cuối tuần nơ các bờ biển v.v...

°

Chồng của Lan quả xứng đáng một ông chồng mà Lan mong ước: một người giao thiệp rộng (bằng vào số tân khách đàng trai trong bữa tiệc), có dáng điệu oai vệ của một chủ nhơn ông, đủ bản lĩnh sống đời sống mà người Pháp gọi là "Mông đen". Hai vợ chồng đi hết bàn nầy qua bàn khác. Ở mỗi bàn họ đều bị thưởng mỗi người một ly rượu mạnh. Ông ấy không hề trốn ân huệ của tân khách, lại còn bao sân giùm cho vợ. Năm căn phố lầu của tửu lâu "Hà Đình" hôm đó được gỡ tất cả vách gỗ ngăn. Mỗi căn chứa năm bàn, vị chi là hai mươi lăm bàn tất cả. Tính ra ông ta uống đến năm mươi ly rượu mạnh mà không hề thấy sắc mặt ông ta thay đổi màu chút nào.

Hai vợ chồng mới xứng đôi làm sao! Ông chồng hơi đen da nhưng vẫn đẹp trai một cách kim thời, nghĩa là đẹp như một lực sĩ điền kinh.

Còn bà vợ thì khỏi nói. Bà ta ăn đứt tất cả gái tân đang có mặt, ăn đứt luôn những thiếu phụ mà nếu không có bà, họ sẽ là những nàng tiên trong dạ hội nầy.

Nghe đâu như là Lan đã từ chối lời xin cưới của một vị bác sĩ để tái giá với ông Công, nhà xuất nhập cảng nầy.

Xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi để biến lần giông giống như xã hội Âu Châu về giá của con người. Ngày nay, người ta thấy những ông giáo sư, những ông bác sĩ đi xe đạp. Giá trị họ vẫn y nguyên như ngày xưa, nhưng giá của họ sụt đi trước cái bước vươn lên của những nhà tư bản. Một nhà trí thức, một kỹ thuật gia tốt nghiệp như một kỹ sư chẳng hạn, thật phải lép vế trước một con nhà thầu.

Lan đã chọn chồng theo lý tưởng của giới nàng. Nàng có tội gì đâu?

Hai suôi gia chiếm một bàn riêng đặt trong một phòng vắng. Cặp vợ chồng mới bận đưa nhau đi trình diện với từng tân khách, nên chưa ăn được, chỉ có cha mẹ em út đôi bên là đã ăn một lướt với khách.

Ăn xong, họ ra ngoài, thay thế cho hai vợ chồng vào mà dùng bữa. Trong phòng bấy giờ chỉ có ông Công, Lan và Huệ.

Lan sai Huệ chạy mời Thái vào.

Thái ngạc nhiên, không hiểu Lan mời mình vào làm gì. Khi chàng đến nơi, Lan tươi cười đon đả mời chàng ngồi để dùng thêm rượu bánh.

- Anh nè, nàng giới thiệu Thái với chồng. Đây là ông Thái, một thi sĩ hữu danh, bạn của gia đình em. Hình như là thơ của ông ấy hay lắm.

- Hân hạnh. Công đứng lên bắt tay Thái. Đoạn ông day qua nói với vợ:

- Ừ anh cũng nghe danh ông Thái. Hình như là thơ của ông hay lắm.

- Hân hạnh về phần tôi. Thái đáp mà lòng đau xót cho hai tiếng "hình như" mà hai vợ chồng mới ấy vừa dùng.

Họ cóc cần nghệ thuật, cóc cần thơ, chỉ cho thi nhân lọt vào vòng giao thiệp của họ để tỏ ra họ cũng thân được với trí thức thôi.

Đôi tân hôn bấy giờ cũng đã dùng xong bữa ăn. Phổ ky bưng đến một thố tàu hủ đặc biệt làm bằng hạnh nhơn.

Lan chính tay múc tàu hủ ra chén rồi mời Thái:

- Trong thực đơn, tráng miệng bằng cam, đu đủ, bánh sữa. Nhưng anh Công ảnh thích tàu hủ nầy nên chúng tôi kêu riêng. Mời ông dùng thêm với vợ chồng tôi một chén chơi. Tàu hủ hạnh nhơn của Hà Đình thì ngon đặc biệt.

Cả ba cùng thưởng thức biệt phẩm của tửu lầu, xong họ uống trà, cũng chính của tửu lầu ướp lấy.

Lan châm trà cho Thái rồi nói:

- Ông Thái nè, tôi có câu chuyện riêng, cần nói với ông hôm nay.

Thái giựt mình, nhưng cố bình tĩnh đáp:

- Thưa bà, tôi sẵn sàng nghe bà chỉ dạy.

Nàng lại cười, lịch sự hơn bao giờ cả rồi tiếp.

- Số là ở ngoài họ nói nhiều về bài thơ Mừng cưới gì đó của ông. Họ nói đến nó nhiều quá, và dám xuyên tạc nầy kia nữa là khác. Tôi chỉ mới nghe đây thôi, và tôi lo chồng tôi cũng nghe như vậy rồi ngộ nhận gì hay chăng? Nên tôi cần cả ba đều gặp mặt hôm nay để phá hết mọi hiểu lầm.

Nàng lại cười, mời thuốc người khách đang run sợ và tiếp:

- Nếu ông đã thầm yêu tôi, thì đó là quyền của ông, không ai nói vào đâu được cả. Ông bắt tôi mà làm đề thơ, cũng chẳng can gì, còn danh dự cho tôi nữa là khác. Nhưng quả tôi không phải là nhơn vật là ông đã tả trong bài thơ đó. Tôi không phải con người ham giàu rồi lơ là với một người bạn xưa.

Tôi chỉ là một người đờn bà tầm thường thôi. Tôi mộng lấy một người chồng thích hoạt động, rồi tôi sẽ an phận mà nuôi con. Văn nghệ sĩ là một bực mà tôi không hiểu, nên không hề yêu được. Chỉ có thế thôi. Có phải như vậy hay không, thưa ông?

Rồi nàng lại cười giòn, như là nói một câu chuyện rất tầm thường mà hơi ngộ nghĩnh một chút.

Thái lúng túng đáp:

- Thưa bà, họ chỉ bịa ra đó thôi, chớ...

- Không có gì mà ông phải thắc mắc như vậy: Văn thơ chỉ là chuyện bịa thôi. Ông đây có quyền bịa bất kỳ thứ gì. Không, ông khỏi ngại, chúng tôi hiểu biết lắm. Mời ông dùng thêm trà. Trà ngon quá.

Bỗng có người gọi hai vợ chồng ra.

- Anh đi một mình, Lan nói, em ở đây với ông Thái.

Nhưng ngoài ấy người ta đòi hỏi cô dâu ráo riết lên. Thái phải nói:

- Xin bà cứ ra, kẻo người ta đợi. Đã có cô Huệ ở đây với tôi.

- Thôi, như vậy thì xin phép ông.

Nãy giờ Huệ lùi lại, giấu mình trên một chiếc trường kỷ kiểu Tàu, đặt trong góc phòng.

Bấy giờ nàng mới đứng lên để đi lại bàn, nhưng Thái mau chân hơn, đã tới gần bên nàng rồi. Hai người đứng nhìn ra cửa sổ. Những nóc nhà bẩn thỉu làm cho khung cảnh bỗng khác hẳn khiến người xem cảnh bở ngỡ vô cùng: trong là một căn phòng lịch sự tuy trang hoàng theo kiểu Tàu xưa; rồi đột ngột là những mái ngói đen buồn vì nắng mưa của năm tháng.

- Anh đã nghe rõ, Huệ nói sau một hồi im lặng, chị em sẽ an phận nuôi con, và không bao giờ hiểu văn nghệ sĩ cả.

Em nói câu nầy không phải vì ganh mà làm hoen ố mối tình của anh: là em ngạc nhiên lắm. Làm sao mà nhà thơ cao đẹp nầy lại yêu đến dại một người đờn bà tự thú là tầm thường, không mơ một mộng đẹp nào cả, không rung động vì một tình cảm nào cả.

Chị của em đẹp thật đó. Nhưng không lẽ ra thi sĩ mà chỉ yêu vì sắc đẹp của thân thể mà không kể đến cái đẹp của tâm hồn?

Thái đã ngà ngà say. Chàng nhìn Huệ giây lâu rồi mỉm cười. Chàng đưa tay xoa đầu cô gái bé rồi nói.

- Không, em không thể hiểu được đâu.

Cử Chỉ và lối xưng hô mới của Thái chỉ do lòng thương mà có thôi. Chàng thương cô bé như một em nhỏ dại, mà hôm nay, nhờ thân mật, nhờ rượu nên chàng mới dám bộc lộ tình thương ấy ra.

Nhưng Huệ nghe tê tái cả người, bước đến một bước nữa, đứng gần sát Thái rồi hỏi:

- Sao anh biết em không hiểu được lòng anh?

Lần nầy Thái cười to lên, cười như một anh chàng mới say, men rượu còn kích thích dữ.

- Em không hiểu, vì như thế nầy. Em sẽ lớn lên bằng chị của em. Em sẽ đẹp lắm, có thể đẹp hơn chị của em nữa. Nhưng ngày ấy, nếu anh còn sống, anh cũng sẽ không yêu em được, mà chỉ thương em như bây giờ thôi em à!

Em nên biết rằng một văn nghệ sĩ bao giờ cũng sống trước người trang lứa đến năm bảy năm là ít. Tâm hồn anh già hơn tuổi anh nhiều. Như vậy anh chỉ có thể tìm một tâm hồn bầu bạn nơi một người lớn tuổi hơn anh thôi. Chị em không hiểu thơ anh, đành vậy nhưng bà ấy lại hiểu những cảm nghĩ thường của anh, vì bà ấy già hơn anh nên mới có được tâm hồn ngang mức với tâm hồn anh. Còn em, em chỉ hiểu thơ, mà không hiểu anh được, em nghe chưa. Khổ lắm là em càng già, anh cũng già luôn, tâm hồn anh không thể đợi tâm hồn em được để cho đôi ta cảm thông nhau.

Giữa đôi trai gái, nếu một bên là văn nghệ sĩ, thì không thể nào tránh được sự so le để có thể yêu nhau được. Muốn xứng tuổi phải so le tâm hồn. Muốn xứng tâm hồn, phải một bên già một bên trẻ.

Anh cũng muốn yêu em lắm đó, mà tạo hóa có cho phép tâm hồn anh ngưng lại để đợi tâm hồn em đâu.

Huệ rưng rưng nước mắt:

- Hay là em cố cho già lòng thêm để theo kịp anh.

Thái cười ha hả:

- Cũng không được nốt. Em ơi, thôi vậy nhá! Số kiếp của anh là phải chịu đau khổ, còn số kiếp cua em là phải chịu vạ lây. Thế mà còn hơn là gượng yêu nhau để rồi thất vọng.

Huệ nức nở mà rằng:

- Em chỉ thương anh thôi, còn cái đau của em, em cần gì.

- Vậy à ? Thái ngạc nhiên hỏi. Có lẽ em già hơn tuổi em đó. Thôi em thôi đi, để anh xét lại coi có quả em già hay không mà có được lòng vị tha ấy.

Mắt Huệ reo cười lên, nhưng vẫn còn long lanh ngấn lệ.

--------------------------------

1

Anh chàng trai trẻ ơi, anh hãy cứ xoay cho hết ngượng ngập đi

Bao bố nhìn mặt

Hạnh tuy còn ít tuổi mà lo xa như một ông cụ. Anh sửa soạn nào bông gòn, dây hăng tanh-ti-dót đủ cả rồi cho mọi thứ vào cái hộp cứu cấp bằng da của anh.

Từ Sài-gòn lên đó mười ba cây sô. Biết đâu dọc đường lại không té trầy chơn hoặc tới nơi leo cây, lội rạch lại không bị gai quào, nọc đâm.

Hộp cứu cấp ấy anh dùng mang thuốc, mang ống tiêm để đi chích dạo trong xóm Hòa-Hưng.

Để thuốc, gòn vào đó xong, anh mới nhận ra rằng anh đã chuẩn bị như là đi làm nghề, chỉ trừ thuốc và ống tiêm không có bỏ vào đó mà thôi

- Hay là bỏ đủ vào đó ? Biết đâu...

Thế rồi anh thêm vào hộp một ống chích, ba cây kim, vài mũi thuốc khỏe, vài mũi thuốc cầm máu.

Vừa lúc ấy thì Thế tới ngoài ngõ, bóp chuông xe máy leng keng và kêu với vô:

- Rồi chưa ta ? Đi nè, kẻo trưa, nắng lắm !

Họ lên Vĩnh-Phú để uống nước chè tại lò đường của dì của Thế.

Vĩnh-Phú là một làng vườn, đất ẩm nên hợp với sự trồng mía.

Từ quốc lộ Sài-gòn-Bình-dương ra đến sông Sài-gòn, địa phận của làng, mía trương cờ lên, trùng trùng điệp điệp trắng xóa như một biển lau sậy.

Đây đó những hòn đảo xanh rì: đó là nhà dân, với vườn tược bao bọc chung quanh.

Xa, thật xa ngoài bờ sông, những trại ngói dài với ống khói cao, nhả khói lên đen ngòm cả bầu trời trong trẻo của thôn dã. Đó là những lò đường trong làng.

Nhờ có công nghệ nên làng trù mật lắm. Nhưng tuy dân có của thế mà không ai ở không cả. Cả làng làm việc như cái ổ ong.

Đây, vài mươi phu cuốc đất. Đất đen như than, mà mềm như bùn. Lưỡi cuốc rất to, xắn xuống rồi lấy lên từng cục trông ngon như nhưn bánh trung-thu chai bằng đậu đen.

Kia, một nhóm phụ nữ phát mía, những đám mía đã tới tuổi nấu đường.

Trong lò lửa cháy rần rần, trông vui và ấm lạ.

Tiếng ông che nghiến răng kèn kẹt như câm giận sao dân làng bắt các ổng làm việc nhiều thế để hưởng lợi.

Ông che là những khúc gỗ tròn, đứng kề sát nhau, lăn quay như con vụ. Mía đút vào đó, ổng nghiến dẹp lép, nước chảy ra không sót một giọt. Bàn ép của các xe mía là những ông che tí hon nằm ngang.

Dì của Thế là một chủ lò đường, nhà làm ăn rần rần nhưng không con.

Bà thấy Thế lên thì mừng rối rít, hối trẻ ví gà để đãi cháu một bữa gà luộc nước chè.

Hai anh em hỏi thăm sức khỏe bà dì xong là thoát ra ngoài. Uống nước chè là chuyện phụ. Họ lên đây chỉ để hưởng thú quê một ngày chúa nhựt, sau cả tuần lễ ngộp thở ở Đô-thành.

Cặp Mạnh, Thế đi xuống bến, mở xuồng của dì cột nơi đó, rồi bơi ra giữa dòng.

Nước sông Sài-gòn ở nơi đây xanh lơ như nước sông trong tranh, nên hai anh em muốn ở mãi dưới ấy cho đến bữa cơm trưa.

Nhưng mới bơi được một đỗi là bà dì đã cho người gọi giựt ngược lên. Bà ta nhận được lịnh khai thuế gì đó mà đọc không hiểu mấy bữa rày, nên nóng được đứa cháu thông thái cắt nghĩa cho nghe.

Không được chơi nước thì chơi lửa vậy, đôi bạn tự an ủi thế. Và giải thích xong giấy tờ cho chủ lò nghe là họ ra liền, không ngồi nóng ghế chút nào.

- Nước chè là nước làm sao vậy ? Mạnh hỏi.

- Là nước mía nấu sôi để làm đường, mà chỉ mới sôi đến độ nào đó thôi.

- Vậy hả ? Thành ra thịt gà luộc trong đó ăn ngọt ?

- Ừ.

Người thợ nấu đường đứng xem chảo nước mía sôi một hồi, dường như thăm hỏi từ bong bóng mật đang sùng sục trồi lên hụp xuống, đánh hơi cái mùi ngon ngọt thơm thơm từ chảo bốc ra, rồi nói: "được rồi".

Đoạn anh ta thọc gáo vào chảo múc đầy một gáo nước chè, đổ ra hai cái tô đặt cạnh đó, trong tô có sẵn vài lát gừng.

- Mời hai cậu uống nước !

- Nước chè đây à ? Mạnh hỏi bạn.

- Ừ, uống cho biết kẻo chết thành ma nhà quê.

- Ma chợ chớ. Nếu ma nhà quê thì đã sành uống nước chè.

Mạnh thổi vào tô nước nóng, rồi uống từng hớp kêu soạt soạt cái thứ nước ngọt một vị ngọt tươi và cay cay hơi gừng ấy.

Người thợ nấu đường khác đi lại, tay cầm hai cùi thơm phủ một thứ nước sơn vàng láng mà trong.

- Hai cậu mút cái nầy rồi uống nước mới ngon.

- Gì đây ?

- Đường gần tới. Nhúng cái gì vào đó, rồi mút cũng ngon cả, cùi thơm, cùi bắp, vỏ bưởi, đu đủ sống, v. v...

- Như con nít mút kẹo vậy. Thế ơi, ngộ quá !

Mạnh mút một cái, hớp một hớp nước chè nóng, vừa lắng nghe mùi nước mía ngập ngừng muốn biến ra mùi đường mà chưa thành hẳn, vừa nhìn người ngồi che cho che ăn.

Anh ta ngồi ngay dưới đất, rút mía nơi đống mía sau lưng rồi đút vào hai con che trước mặt.

Che nuốt lần lần những cây mía cứng ấy như một con quái vật đang đói một cơn đói khổng lồ, ăn mãi, không bao giờ no cả.

Hai con trâu kéo một cây trục đóng dính vào đầu một con che, đi vòng quanh bất tận. Đó là động cơ sống hai... ngưu lực, dùng để quay cái bàn ép to tướng kia.

Con che kêu rít lên, nghe rợn cả người, khiến Mạnh có cảm giác đó là một vật sống có linh hồn, mà đây là một linh hồn hiểm ác.

Như đang cùng một ý nghĩ với bạn, Thế nói:

- Họ sợ hãi kêu con che bằng ông che nghĩ cũng phải. Họ hay cúng kiến nó lắm, và con che nào cũng có "cô hồn" cả.

Cho che ăn về đêm là một công việc cảm tử. Hễ ngủ quên trong nháy mắt, đút luôn tay mình vào đó là chỉ có trời cứu. Ở đấy vài năm lại xảy ra thảm kịch ấy một lần.

Bỗng ai nấy đều giựt mình kêu thét lên một tiếng khủng khiếp. Họ dòm lại thì, trùng phùng kỳ lạ thay, tay người thợ ngồi che vừa bị "ông" che ngoạm phải.

Tiếng kêu la của nạn nhơn nghe kinh sợ lạ kỳ như tiếng một người thoạt thấy ma, rồi lại tuyệt vọng quá sức như người vừa rơi xuống miệng hố sâu, không mong ai cứu được cả.

Trong khi ấy thì cặp trâu cứ bình thản kéo cây trục, cho con che lăn quay đi.

Lẹ như chớp, anh thợ nấu đường nhảy tới nắm mũi trâu mà chận nó lại.

Nhưng tay anh thợ ngồi che đã bị nuốt đến cườm.

Cả xóm bu lại tháo che ra. Bàn tay anh nầy dẹp lại như con khô hố. Huyết quản và hồi huyết quản bị bể máu ra có vọt, còn nạn nhân thì đã bất tỉnh nhơn sự vì mất máu và vì sự đau đớn.

Mạnh lật đật chạy vào nhà lấy đồ nghề ra băng bó cho nạn nhơn, tiêm cho hắn một mũi thuốc khoẻ và một mũi thuốc cầm máu, rồi hối thúc:

- Mau mau đưa anh đó đi nhà thương, không thôi anh ta chết mất.

- Liệu cứu đuợc không cậu ? Bà chủ hỏi.

- Chắc chắn được, nếu đi kịp. Xuống nhà thương, ngưòi ta biết cách và đủ phương tiện thì hy vọng lắm.

Khi người ta đưa kẻ rủi ro đi rồi thì vừa tới bữa ăn.

Bà chủ lo âu cần mời khách, và cố nhiên nhấn mạnh về công của anh bạn trẻ nầy.

- Thuở giờ, bà nói, chúng tôi chỉ để vậy mà chịu chết. Nay nghe theo lời cậu thử một chuyến xem sao. Nhưng dầu sao cũng cám ơn cậu lắm. Trong làng mà có một người biết thuốc như cậu thì đỡ biết bao !

- Hay là mầy ở luôn đây mà tàm thầy lụi vườn, Thế nói cà rỡn. Bà chủ cũng cười mà rằng:

- Thiệt chớ ! Ở đây không thiếu mối đâu. Giàu thì không giàu, nhưng cậu kìếm tiền sống dư dả. Muốn tìm đôi bạn, cũng chẳng thiếu gì nơi.

Thế thúc cùi chõ vào hông Thịnh một cái rồi nói:

- Mê chưa ? Cái vụ tìm đôi bạn đó mới là hấp dẫn đa !

Mạnh làm thinh, nhưng không và cơm nữa. Anh ta đang bi lời đề nghị chơi chơi nầy quyến rủ.

Thầy chích dạo ở Sài-gòn đã nhiều lắm rồi. Lóng nầy anh ta phải đạp xe máy rả cả giò để đi từ mối nầy tới mối khác, họ càng ngày càng hiếm hoi ra.

Giây lâu, anh ngước lên hỏi bà chủ:

- Nhưng ở đây tìm nhà ở, khó hay dễ thưa dì ?

- Cũng khó lắm. Mà tôi có một cái trại ngoài kia, cậu ở đó vài tháng, chừng có tiền, tôi sẽ cho đất mà cất nhà.

° ° °

Dân ở đây chỉ mắc phải có ba bịnh thôi: rét rừng, kiết lị, và bón uất. Bịnh sau đó, giây ra muôn ngàn biến chứng, nào là nhức đầu chóng mặt, tức ngực, vân vân...

Mạnh biết rõ thế nên anh ta "làm thuốc" rất mát tay, chữa đâu lành đó. Dân làng phục lăn anh ta và kêu anh là thầy thuốc. Có người lại tôn Mạnh là đốc-tơ.

Ở Sài-gòn, sao anh ta lèn xèn, thế mà lên đây cũng bộ y phục ấy, nhưng trông anh ta lại sang trọng ra.

Mạnh thấy là mình đã tìm được đất dụng võ, và quyết yên phận sống nơi xó nầy đến già với cái mộng mua vườn mua đất và có vợ.

Vì ảnh hưởng kinh tế, ở những làng trù phú lâu đời, con gái thường dễ coi và nhiều khi đẹp.

Mới ở có một tuần mà Mạnh đã chú ý đến năm cô, cả năm đều cùng xóm với anh, đó là chưa nói đến nhiều xóm khác mà anh đi chưa tới.

Thật ra năm cô gái ấy không đẹp đẽ gì bao nhiêu. Một cô được nước đa trắng trẻo như gái chợ. Hai cô đen mà đen duyên, trông rất đễ yêu. Cô thứ tư hơi to lớn, nhưng thân thể nở nang đều đặn tuyệt mỹ. Cô chót nói chuyện nghe mê lắm, thông minh và khôn ngoan như một cô gái có học nhiều.

Yêu họ mà qua đường thì thú lắm. Mà cỡ cưới họ làm vợ cũng chẳng hại. Nhưng Mạnh còn tham lam. Biết đâu xóm khác lại không có người lý tưởng. Hấp tấp rủi còn nữa thì có phải là tiếc lắm hay không ?

Anh ta nghiễm nhiên là nhà tai mắt ở đây rồi, uy tín có thừa, bóng sắc như bóng sắc của anh, đối với gái quê cũng là có đường lắm, thì tội gì không chọn hoa khôi trong vùng để mà yêu hoặc để mà lập tổ ấm.

Hôm ấy anh đi chữa bịnh cho một ông lão ở xóm Lò mứt chuối.

Anh đạp xe đạp trên bờ các con đê, qua hết đám mía nầy đến đám mía khác, thì bỗng trước mặt anh một chiếc cầu ván đón đường.

Cầu ván làm bằng ba tấm ván nối dài lại, thành hình thang trong khoa hình học; bề ngang cầu chỉ vỏn vẹn rộng có bốn tấc thôi.

Anh Mạnh xuống xe, rồi người và ngựa (ngựa hai chân) cặp song song nhau mà qua cầu.

Cầu ván đóng đinh lắc lẻo, gập ghình, rung rinh thấy mà bắt ngán. Thỉnh thoảng cái bàn đạp bất nhơn đập vào ống qnyển anh ta một cái đau điếng người.

Tấm ván giữa cầu cao hơn tấm ở đầu cầu. Đẩy xe tới đó, ông thầy lụi bị đập một cái nữa, đau quá, ông ta toan cúi xống mà xoa chân thì bánh xe trước đã trật ván 1ọt xuống mương.

Cố níu xe lại, thầy lụi ta lại bị xe trì rồi cả hai rơi xuống nước một cái tùm.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh ta mới ngã mình ra khỏi cầu ván, Mạnh thoáng thấy một cô gái đứng ở bờ mương đối diện, cách đó độ hai mươi thước.

Cô gái xinh đẹp lắm. Trong lúc hốt hoảng mà Mạnh nhận được điều đó, chứng tỏ sắc đẹp của cô ta quả sáng rực lên.

Hình như cô ta đang cười rũ rượi, tuy không ra tiếng.

Mương sâu cỡ hai thước; gặp lúc nước ròng, các mương trong đều đánh tháo ra ngoài sông nên nước chảy siết. Mạnh lại không biết lội.

Hồi té, anh không sợ bao nhiêu, đoán nước dưới ấy giỏi lắm tới ngực là cùng. Anh không bông xe nên vì nặng, rơi tới đáy rất lẹ. Bấy giờ anh mới thả tay ra để đứng dậy.

Lần đầu tiên trong đời anh, Mạnh mới hay rằng hoạt hoạt động dưới nước khó vô cùng. mà lại lại dưới dòng nưóc đang chảy mạnh.

Anh đứng lên, nghe nằng nặng ở trên đè xuống, và gì mà như ai xô anh tới trước. Đã nghe ngộp, anh ráng hết sức bình sanh chống lại áp lực ở tứ hướng và đứng dậy thật mạnh. Anh đã đứng được, nhưng mặt anh vẫn còn ở dưới nước.

Tất cả những sự việc trên đây xảy ra mau hơn là thì giờ dùng để kể nó lại nơi đây, sự việc chỉ xảy ra trong nháy mắt thôi.

Mạnh hoảng hốt đến cực độ, chợt biết rằng mương sâu hơn thân người cao. Trên anh, khối nước còn đè nặng lên đầu anh.

Mạnh vừa quýnh lên thì thấy một bóng đen lù lù tiến đến làm anh khủng khiếp vô cùng, nghĩ tới những con thủy quái ghê gớm đọc thấy trong tiểu thuyết.

Nhưng một cánh tay thò tới, thoạt tiên làm anh khiếp vía, ngỡ vòi con mực trong phim chiếu bóng kia. Nhưng anh chợt hiểu.

Người cứu cấp nhảy lên bờ mương trước rồi nắm tay anh mà kéo. Manh níu cỏ thoát lên cho đỡ nặng người kia.

Anh mắc cở đến muốn nhảy xuống mương vì người đó là một cô gái, cái cô gái gặp mình mà cười hồi nãy.

Cô ta nhảy trở xuống nước để lôi xe máy lên, lần nầy khó khăn hơn nhiều, vì tuy xe nhẹ hơn người mà nó lắc lẻo khó kéo lắm.

Mạnh, tuy thế, vẫn cố dẹp tự ái lại, đứng lên để cám ơn người nghĩa. Người nầy chỉ mỉm cười, có lẽ quê mùa, ngây thơ, không tìm được lời khiêm nhượng nào để xóa lấp câu cám ơn của nạn nhân chăng ?

Mạnh lại hỏi thêm:

- Thưa cô, nhà cô ở đâu ?

Cô gái chỉ mỉm cười như trước, rồi không hiểu sao đâm đầu chạỵ đi một nước, trước sự kinh ngạc của Mạnh.

Anh ta ngó theo cho đến lúc cô ấy khuất dạng, sau một đám mía, ngó theo để biết hướng nhà cô ta, mà cũng là ngó theo cái thân hình tròn trịa lộ rõ ra vì y phục ướt dán sát vào da thịt cô.

Thầy lụi chích xong, hỏi người nhà ông lão:

- Ở xóm nầy, cái cô gái có nút ruồi trên môi trên là gì và nhà gần hay xa ?

Bà lão ngơ ngác, còn dâu bà thì mỉm cười nói:

- Chắc thầy hỏi con Bánh ?

- Con Bánh ? Tên ngộ quá ! Nhưng tôi không biết tên cô ấy, cô ta đẹp lắm, nhờ nút ruồi trên môi.

- Chắc chắc là con Bánh rồi. Nhà nó ở trong kia, nhà ngói cũ nhỏ, có hòn non bộ ngoài sân.

Rồi chị ta cười bí mật, hỏi gì cũng không chịu nói thêm nửa lời.

Bận về, Mạnh ra đường cái mà đi, không dám theo bờ đê nữa. Anh thay y phục, ăn cơm mà một chị hàng xóm làm giùm cho rồi đi nghỉ.

Ngủ trưa thức dậy, Mạnh diện bộ đồ bảnh nhứt của anh như chiều thứ bảy đi xem chiếu bóng ở Sài-gòn, rồi đẩy xe ra lộ lớn để xuống xóm cô Bánh.

"Cô Bánh, tên xấu quá, mà người lại đẹp. Mạnh vừa đi vừa nghĩ vừa buồn cười. Nhưng bánh nầy là bánh bò bông, nên trắng nõn, lại là bánh đám cưới, làm hoa hòe ra, trông ngon lắm. Nhưng biết có phải là cô Bánh hay không ?"

Anh ta đạp xe như đua nước rút, không mấy chốc là đã đến nơi. Đẩy xe đi dài theo bờ mương, anh nhớ lại tai nạn hôm qua mà tức cười.

- Cô ta cười là phải. Bộ mình qua cầu không quen, trông thấy lọm khọm ai mà nín cười cho được. Lại té xuống nước nữa ! Mà chết hụt trong một cái mương hẹp mới ác chớ !

Mạnh đi riết vô trong thì quả gặp cái nhà mà chị nọ đã tả. Trước sân có hòn non bộ hẳn hòi.

Chó sủa vang mà không thấy dạng người ta. Mạnh bẻ một cành tre ngoài hàng rào cầm quất chó rồi bước vào sân.

Không thấy bóng người, mặc dầu cửa mở. Có lẽ cả nhà đều ở ngoài đồng. Đứa bé coi nhà đã trốn đi chơi chăng ?

Mạnh đứng ngoài sân tằng hắng hai ba tiếng. Cũng không nghe động tịnh. Đánh bạo, anh đi vòng ra sau bếp thì mừng thay, cô gái nút ruồi, cô Bánh, đang nấu nướng gì đó.

Cô gái đưa lưng ra ngoài, chắc là điếc hay sao mà Mạnh lên tiếng cô ra vẫn chẳng day ra. Tức quá anh thầy lụi bước đại vào nhà bếp.

Bấy giờ cô Bánh mới day lại, thoạt tiên chưng hửng rồi vui mừng lộ rõ ra trên mặt cô. Cô cúi đầu chào khách rồì đứng đó làm thinh.

Thấy cô ta quá ngây thơ quê mùa, Mạnh thích lắm. Chàng nói:

- Thưa cô, ơn cô tôi không sao qnên được, nên nay quyết đến để...

Cô gái mở miệng ra, ú ớ cái gì không biết nữa và Mạnh bỗng chợt hiểu tất cả: đó là một cô gái câm.

Chàng buồn cười hết sức, không cầm giữ được, nên bật tiếng cười dài.

Cô gái mắc cỡ, bỏ chạy ra đám mía trước nhà rồi lủi vào đó mất dạng.

Mạnh biết đợi thế nào cô ta cũng chẳng vô, nên ra về, tự hẹn sẽ đến.

Ngày mai chàng trở lại nơi đó, vì dầu sao cô gái ấy cũng đẹp mà chàng còn trẻ với tình yêu chan chứa, với dục tình muốn thoát cương.

Cô Bánh thấy khách toan chạy đi, nhưng nghĩ sao không rõ, lại thôi.

Mặt cô vừa bẽn lẽn vừa có vẻ giận dỗi. Mạnh hiểu ngay những phản động trong lòng cô ta, nên anh vào chào cô rất lễ phép và nghiêm mặt lại như trọng nể cô lắm.

Quả nhiên cô Bánh hết giận ngay.

Quên bịnh tật của cô, Mạnh hỏi Bánh một câu. Bánh u ớ lu bù những giọng líu lo gì đó, khiến thầy lụi sực nhớ lại thực trạng về cô.

Mạnh cố suy tính coi phải ra dấu thế nào cho cô ấy hiểu câu hỏi của chàng. Câu ấy là như vầy:

- Còn ba má cô đâu ?

Rốt cuộc chàng vuốt cằm như vuốt râu, muốn nói người có râu, tức ông già, tức cha cô gái. Rồi chỉ vào nhà, lại chỉ ra đồng.

May quá, cô gái hiểu và chỉ về đằng xa dưới kia, rồi lấy cây chổi giả bộ như cuốc đất.

- Ba tôi cuốc đất dưới kia.

Chàng muốn hỏi nữa, nhưng không biết ra dấu làm sao nên đành cụt hứng. Đôi bạn đứng đó mà làm thinh, miệng tuy ngậm câm, mà lòng nói với nhau nhiều lắm.

Đối diện đàm tâm mãi cũng chán, Mạnh lấy ra một gói nhỏ trao tặng Bánh. Đó là ve dầu thơm thứ lô-canh rẻ tiền mà chàng đã mua chiều hôm trước trên chợ Lái-Thiêu.

Cô gái không nhận, xua tay lia lịa. Mạnh làm ra vẻ khẩn khoản lắm, ra dấu nói nếu cô ta không nhận thì chàng sẽ đập lọ vào gốc cây rồi về và không trở lại thăm cô ta nữa.

Cô Bánh rốt cộc nhận quà, rồi ra dấu bảo Mạnh đứng đó. Cô chạy vô nhà một lát thì trở ra với một chiếc khăn mu-xoa thêu rìa xanh đỏ trông rất quê.

Nhưng Mạnh tỏ vẻ vui mừng như được bảo vật. Rồi họ chia tay nhau, cả hai đều bằng lòng.

Sáng hôm sau, Mạnh vừa tiêm xong thuốc cho bốn năm người khách không bịnh nhiều, lại ngay nhà chàng được, thì cô Bánh đã đến.

Cô Bánh vừa bước tới sân là Mạnh nghe nực nồng mùi dầu thơm rẻ tiền. Cô ta làm dáng ghê lắm: nón bài thơ bọc áo ni-lông; áo bà ba bô-bơ-lin thêu trôn; đồ trong màu hường dạ ra ngoài rõ bông, quần lãnh tây thêu lai; guốc quai tréo.

Chiều hôm qua, Mạnh đã điều tra kỹ và biết cô Bánh là con một của một gia đình trung nông, ông cha là hương chức trong làng, chủ ba bốn mẫu mía.

Cô có học trường câm ở Lái-Thiêu mấy năm nên biết viết, biết đọc sách thầm, biết thêu thùa, làm hoa giấy, v. v...

Mạnh tiễn khách tới sân rồi luôn tiện mừng bạn vừa đến. Chàng mời Bánh vào nhà, trà nước đàng hoàng, rồi ra dấu để đàm đạo.

- Cô đi chợ phải không ?

- Không, em lại đây.

- Cô có xức nước hoa, tôi tặng hay không ?

- Có, không nghe mùi đó sao.

Lại làm thinh, vì những câu muốn hỏi khó ra dấu quá.

Cô Bánh làm bộ như viết chữ. Mạnh chợt hiểu, chạy vào lấy giấy và một cây viết chì ra trao cho bạn.

Cô Bánh viết ngay mấy câu sau đây. Chữ rất xấu, chánh tả lại sai be bét:

"Anh Thầy Chít ơi"

Đọc xong lời kêu gọi, Mạnh cố nén cười đến tức muốn bể ngực. Thì ra cô gái đã điều tra, và có lẽ ai đã viết cho cô đọc để biết anh ta là thầy chích. Nhưng cô ta lại lầm tưởng thầy chích là tên của anh, nên mới viết hoa hai chữ T và C.

"Anh Thầy Chít ơi !

"Em tới thăm anh. Hỏi xao (sao) anh hổng tập lội, kẻo té nữa rồi ai dớt (vớt) cho. Anh có vợ con chưa ? Ai nấu cơm anh ăn ?"

Lần nầy Mạnh dám cười, cười thẳng thắn, anh đáp:

"Cô Bánh ơi !

"Tôi có té thì kêu cô vớt liền. Tôi chưa vợ. Tôi ăn cơm tháng với chị gần bên.

"Phải chi tôi ở gần cô, tôi mượn cô nấu tôi ăn. Cái khăn cô tặng tôi đẹp quá. Tôi cất kỹ để dành, lâu lâu, tôi lấy ra nhìn, cũng như là thấy mặt cô."

Đôi bạn bút đàm với nhau tốn đến năm tờ giấy mà nói toàn những chuyện vớ vẩn không mà thôi.

Rồi Bánh ra về, hẹn sẽ đến nữa. Họ thỏa thuận với nhau là lặp nhau nơi đây tiện hơn ở đâu cả, và Mạnh sẽ không đến nhà Bánh cho cha mẹ Bánh khỏi nghi nan.

Cưới Bánh làm vợ thì Mạnh không tính tới, cố nhiên rồi, mặc dầu nàng là con nhà khá giả trong làng.

Nhưng con trai thì tánh hay tham, nên Mạnh thấy bỏ đi cũngr uổng. Vả lại làm bạn với một con câm cũng vui trong cảnh buồn tẻ ở xó quê nầy. Tỏ tình với nó cũng thú lắm.

Đôi bạn qua lại với nhau đâu được mười lăm hôm thì bữa đó Mạnh viết:

"Cô Bánh ơi,

"Tôi thương cô lắm mà không biết cô có thương tôi hay không ?"

Cô Bánh đáp:

"Anh Thầy Chít ơi,

"Sao lại không thương, em thương anh từ lúc vớt anh lên bờ. Không thương còn lại đây làm chi."

Mạnh lại viết:

"Cô Bánh ơi,

"Từ đây tôi kêu cô bằng em. Tôi mừng quá, tôi sung sướng quá. Tôi muốn nói chuyện với cô thật nhiều, thật lâu mà bây giờ sắp có khách khứa lu bu. Vậy tối cô lại có được hay không ?

Bánh lại đáp:

"Thầy Chít ơi.

"Ngày thường thì không được. Mà tối nay được. Ba em đi dọn đám ma nhà bà con dưới Bình-Phước. Má em thì quáng gà. Tối nay em lên lối tám giờ."

Mạnh bôn chôn trông cho mau tối. Tối đến, anh lại hồi hộp đợi bạn.

Bánh lên, anh nhắc chõng tre ra sân, ngồi cho mát. Cả hai đều biết cuộc gặp mặt đêm nay có mục đích gì, chớ nói chuyện bằng chữ sao cho tiện bằng ban ngày.

Sự gần gũi lần đầu trong đời người giữa đôi bạn trai gái, quá thần tiên và đẹp như mộng, đẹp hơn cả mộng nữa, bởi vì sự ấy đã là mộng rồi trong đó đôi bạn không còn ý thức rõ ràng về thực tế chung quanh.

Mạnh cầm lấy tay bạn thì nghe Bánh thở như ống bễ lò rèn. Chàng chợt nhận ra mình cũng thở như...

° ° °

Cuộc sống ở thôn quê cứ lặng lẽ trôi qua như mây bạc trên trời, hay như nước dưới dòng sông.

Thỉnh thoảng có một con cá, trồi lên mặt nước vùng vẫy một cái mạnh làm xao xuyến sông lặng rồi đâu trở lại đó như cũ.

Con cá trong làng là vụ cô Bánh. Cô Bánh có thaì. Với ai, nào ai biết đâu.

Tới chừng bụng cô ta lớn bà con mới tóa hỏa ra.

Hai ông bà bắt con mà đánh một trận như trời giáng. Đoạn ông hương bà hương mới tra gạn Bánh để biết nó đã tư tình với ai.

Bánh cứ một mực lằc đầu.

Cùng thế ông hương phải viết giấy.

"Đứa nào ở với mầy cho mầy có thai, mầy nói ra đặng tao bắt nó cưới mầy. Nếu không thì xấu hổ tao, tao giết mầy chết."

Cô Bánh viết đáp cụt ngủn:

"Con không biết."

Nổi giận, ông hương đạp con một cái lăn cù rồi đánh bồi thêm túi bụi, đánh đấm, đánh đá như người đập nệm phơi ngoài nắng.

Bà hương nóng ruột con, nhưng không dám nói gì. Bà suy nghĩ dữ lắm trong trận đòn đó và bỗng tìm được kế để cứu đứa con gái thân yêu.

- Ông à ! Hay là nó không biết thật. Nó câm lại điếc, làm sao biết hết trai trong làng được.

Đánh con đã mỏi tay, nên ông hương mới chú ý đến lời bà.

Ông hơi nao núng, nhưng chỉ làm thinh. Bà đề nghị:

- Tôi nghĩ nên giao vụ nầy cho cậu hương quản của nó tra xét. Là hương chức đương quyền, cậu nó được phép tra hỏi cả làng. Mình cũng chẳng còn sợ tiếng tăm gì nữa, vì vụ nầy đã tùm lum ra rồi, ai lại không thấy cái bụng của con Bánh.

- Bà làm sao xong thì làm. Con của bà, dạy dỗ nó là phần của bà, tôi giao cho bà hết đó.

Hương qnản Nhãn là một hương chức không bận trí về pháp luật cho lắm. Ông thấy phương tiện nào mà ông ngỡ hay thì cứ dùng. Và ông cũng sốt ruột cho con cháu nên không ngần ngạì mà thi hành đến một biện pháp mà thôn quê đã bỏ hẳn ba bốn mươi năm nay rồi là tựu dân phái nam lại cho cô Bánh nhìn mặt.

Có lẽ thấy quân đội Pháp cho bao bố nhìn mặt nên ông phát hứng làm theo, chớ chắc không phải nhớ tục xưa đâu.

Sáng hôm ấy tất cả trai tráng trong làng đều bị lùa vô xóm trong. Đàn ông còn trẻ cũng không thoát được khổ dịch đó, vì biết đâu cô ta lại không bị một anh có vợ nào dụ dỗ.

Nhưng vì hương quản không đủ phương tiện bố ráp, nên các cậu trai chuồn đi rất nhiều. Đó là những cậu có chọc ghẹo cô Bánh (có tịt hay nhúc nhích ấy mà !) và những cậu đã bị bao bố của Tây nhìn mặt một lần, biết rõ những cái gặt đầu ẩu xị của lao bố, nên quyết dĩ đào vi thượng.

Đàn ông con trai đứng giàn hầu hai hàng như lính giàn mặt trong một cuộc duyệt binh. Hương quản Nhãn dắt cháu đi giữa hai hàng rào người đó

Đằng kia, dưới gốc sao, trên gò đất, nhiều vị hương chức, cha mẹ Bánh, vài bậc kỳ lão, và con trẻ cả làng đều tựu để chứng kiến cuộc truy tầm thủ phạm bí mật, vô hình này.

Cô Bánh hơi bối rối, như là cô đang đứng trước một vấn đề nan giải. Bước vào giữa hai hàng rào người, mặt cô ra vẻ miễn cưỡng nhẫn nại chịu đựng sự phanh phui nầy.

Qua mặt ai là người đó tái xanh đi, và chừng cô bước khỏi đó, họ mới thở ra, nghe nhẹ hẳn cả người.

Người câm là một kẻ lòng dạ khó lường, nên ai nấy đều sợ hãi, nghĩ cũng phải lắm.

Lạ quá, cô Bánh ngập ngừng, do dự trước bốn người con trai, nhưng mỗi lần như thế, cô lại đi qua luôn.

Mạnh đứng cuối hàng. Cô Báuh dường như không dè có mặt chàng ta nơi đó. Đến chừng đi trờ tới, thấy ông thầy chích, cô ta như sực tỉnh, áp tới mà níu áo thầy.

- À...

Cả làng đều à lên một tiếng dài, trong khi Mạnh ngạc nhiên thật tình và phản đối bắng tiếng "ủa" to.

Hương quản Nhãn cười ha hả:

- Ngỡ ai, té ra thầy ba. Thôi cũng được. Thầy chưa vợ, dễ tính lắm mà.

Mạnh hất tay Bánh rồi nói lớn lên, giọng giận dữ:

- Các ông làm như vậy oan tôi lắm. Phải có bằng cớ gì đích xác kia, chớ còn một lời quả qnyết cảm của một người á khẩu đứng làm sao cho vững !

Hương quản Nhãn ra lịnh giải tán dân làng, họ mừng quýnh, đổ túa vô trong các đám mía.

Còn lại vài ông hội tề và cha mẹ cô Bánh. Hương quản Nhãn dịu giọng dỗ ngọt Mạnh:

- Thầy ba à, nếu ra tòa, tôi chắc là tòa cũng sẽ phải tin cháu tôi. Vả lại khi không nó vu oan cho thầy làm chi ? Thôi, ta thỏa thuận với nhau là hơn, cháu tôi nó xinh đẹp lại giỏi dắn; anh chị tôi cũng nhân từ, anh chị tôi sẽ gánh hết tổn phí đám cưới đám hỏi cho thầy, thầy đừng lo. Con một của nguời ta đó mà.

Mạnh sầu đến muốn cắn lưỡi mà chết. Thật là một nỗi oan Thị-Kính !

Đêm ấy anh quả có gặp Bánh tại nhà, quả có cầm tay nó, vuốt lên tóc nó và quả đã có nhiều tà ý.

Nhưng kỳ lạ quá, và mãi đến ngày nay Mạnh vẫn không hiểu sao mà đêm đó chàng có thái độ như vậy. Không phải chàng ân hận đã dại dột bỏ qua dịp may, mà chàng ngạc nhiên sao mình đã đứng đắn được như vậy.

Cầm lấy tay Bánh, Mạnh bỗng nghe ghê tởm mình quá. Dụ dỗ gái thường tuy không tốt gì, nhưng còn nghe ít tội một chút. Đàng nầy cô gái câm thật là một con mồi thật thà quá. Lòng chàng nghe khó chịu vô cùng như kẻ anh hùng ái ngại khi xuống tay hạ sát một người không được bảo vệ.

Bị cầm tay, cô Bánh giựt nẩy mình, rồi trong giây phút đê mê, cô ta ngã vào lòng Mạnh. Mạnh xô cô ta ra mấy lần mới được.

Bánh ngạc nhiên hết sức và chưa kịp hỏi nguyên do của sự thay đổi thái độ của bạn nàng thì Mạnh đã đưa tay biểu cô ta đi.

Bánh vẫn không chịu hiểu, ngồi lì đó mãi. Mạnh phải kéo cô ta dậy và đẩy đi như đuổi tà, cô ta mới chịu cúi trở xuống giường lấy khăn.

Cô gái ban đầu khóc vài tiếng rồi như nén sầu và đâm giận, vùng bỏ đi một nước.

Ngày hôm sau, Bánh lại đến, mặt hầm hầm. Mạnh xua tay bảo cô ta đi ngay cho.

Câm tức cực độ, cô ta viết:

"Em có làm gì mà anh ở ác dữ vậy. Em giận anh lắm đó ! Em buồn muốn chết đi. Bộ anh thương người nào khác phải không ? Coi chừng."

Mạnh có ác đâu, anh tốt lắm đó chớ. Anh chỉ vụng về thôi, không biết cách khước từ làm sao cho cô gái hiểu là không nên lén lút như vậy.

Từ đêm đó đến nay, anh không hề hội kiến với Bánh lần nào nữa cả. Thì làm sao mà nó có nghén được vói anh !

Trời hỡi nè, oan nầy ai thấu cho mình ? Mà tại sao con Bánh nó vu oan giá họa một cách thất đức như vậy không rõ. Nó trả thù vì đã căm giận mình à ?

Không sành pháp luật lắm, Mạnh nghe những lý lẽ của hương quản mà đâm lo. Ừ, ra tòa, tòa nào lại không nghe lời con Bánh ? Sao cả trăm đàn ông con trai, nó không chỉ ai, lại nhè mình mà níu. Nó oán mình, ai biết cho ? Vả nếu nó khai ra vụ đêm đó, càng chết thêm, vì có ma nào tin được rằng một cậu trai gặp bạn gái ban đêm, cô bạn sắp hiến thân cho mình, mình lại khước từ ?

Thôi thì đành chịu số phận, rồi hãy hay. Anh định bụng, sau tiệc cưới anh sẽ trốn đi. Bỏ vợ không ai làm gì đuợc, còn bây giờ mà họ đưa ra tòa là dính ngay cái tội dụ dỗ gái thơ.

Đám hỏi.

Người trong làng thấy đám nầy cũng xứng đôi vừa lứa, nên họ quên chuyện tồi tệ mà chỉ khen hai trẻ tốt đôi.

Bánh là cô gái câm đấy. Nhưng tật nguyền của cô được của cải bù lại. Cô là con một của một gia đình khá giả kia mà !

Nhưng Mạnh không nghĩ thế. Anh kiếm tiền để sống, kiếm dư tiền nữa để làm cho một cô gái lý tưởng được hạnh phúc.

Cô Bánh quả có xinh đẹp thật, nhưng mà cưới một người câm thì hạnh phúc anh sẽ giảm đi bao nhiêu ? Tệ hơn thế, người câm ấy bây giờ đã bị hoen ố rồi !

Anh định trốn, nhưng tính lại thì cũng không phải là chuyện dễ. Ra đi là muôn mắt dòm mình, trốn đâu cho thoát. Không lẽ giả đò dạo mát rồi lủi đại vào rừng. Vào đó, đi lạc đường sẽ khổ đến đâu.

Còn cái chỗ làm ăn nữa ! Không phải mỗi lúc mà tìm ra được một chén cơm trắng, cơm thơm như thế nầy, trốn về Sài-gòn, biết còn kiếm được khách hàng như trước nữa hay không ?

Khổ ơi là khổ ! Mạnh lẩn thẩn đâm ra ăn năn. Phải dè lúc đó mình cứ việc... thì ngày nay dầu bị cảnh nào cũng mát bụng đi.

Đạo đức làm chi, thương người làm chi mà phải quà quạ nuôi tu hú như bây giờ ? Ai ăn mắm ở đâu, mình lại chịu khát nước !

Trong thời gian ấy, Thế có lên hai lần. Nó hay tự sự, đã không tìm được mưu kế gì cứu bạn, lại cười ngã nghiêng ngã ngửa cho tình cảnh oái oăm của thằng bạn rủi ro nầy.

° ° °

Chú rể Mạnh không thèm đi làm rể làm con gì cả. Trái lại, cha mẹ vợ anh mỗi ngày mỗi đến thăm anh. Mạnh biết họ đi thăm bẫy thử xem con vật vào cạm có sảy hay không, hoặc có thử vùng vẫy, để thoát hay không.

Nói cái nào cho ngay, ông hương rất quí rể. Không ngày nào là ông bà không mang quà đến: không một con gà quay thì cũng mươi con tôm luộc, hoặc vài cặp dừa xiêm.

Người trong làng ai cũng buồn cười cho cảnh làm rể ngược đời nầy. Ông già vợ gì mà đi làm cỏ trước sân chú rể ?

Hôm ấy bà Hương đem biếu một rổ bòn-bon và đưa cho Mạnh một bức thơ. Thơ rằng:

"Anh Thầy Chít ơi !

"Em thương anh Thầy Chít lắm, mà cũng giận anh Thầy Chít lắm, nên mới làm như vậy. Mà nghĩ cũng không hại gì cho anh. Em sẽ nhỏ nhoi hết sức, anh Thầy Chít muốn sai em làm gì cũng được, muốn đánh em, em cũng chịu. Tiền của em nhiều, em cho hết anh Thầy Chít đó. Tội nghiệp em lắm mà !"

Đọc xong Mạnh giận tím mặt, xé nát thơ mà vụt xuống đất. Bà già vợ anh kinh hãi vội rút lui ngay.

Trong cơn điên tiết, Mạnh muốn chạy đi tìm Bánh mà bẻ cổ cho lợi gan anh. Nhưng rồi anh dằn được.

Nghĩ cũng tôi nghiệp, Mạnh tự nhủ. Nếu mình không bày chuyện yêu đương, không rờ rẫm nó, chắc nó sẽ không bị động tình và giữ mình được. Xác thịt giống như thùng thuốc pháo. Không ai rớ đến thì thôi, mà hễ khơi ngòi nó, nó nổ lung tung, ông trời mà dập tắt được.

Bên đàng gái coi ngày gấp đặng làm đám cưới trước ngày Bánh khai hoa.

Còn hai tháng nữa !

Còn một tháng nữa !

Còn mười lăm ngày nữa !

Mạnh ra vào thơ thẩn như kẻ mất hồn.

Thấy con Ngọ bán đậu phọng rang đi ngang qua nhà, anh kêu mua một gói ăn cho đỡ buồn miệng.

Mạnh ngạc nhiên hết sức mà thấy trên giấy gói đậu có tuồng chữ viết của Bánh. Nhưng khi nhớ ra con Ngọ là chị em bạn dì với Bánh, anh không còn lấy làm lạ nữa.

Nhưng tánh tò mò, anh banh tấm giấy ra mà đọc.

"Anh Thìn ơi,

Thìn là anh ruột của Ngọ, người con trai sáng sủa nhứt trong đám nông dân ở đây.

"Anh Thìn ơi,

"Tôi vu oan cho anh Thầy Chít là để cứu anh đó. Bà con mà anh bậy quá, dụ dỗ tôi cho đến nỗi nầy.

"Từ rày tôi cấm anh léo hánh đến nhà tôi. Tôi quyết làm vợ anh Thầy Chít. Còn con anh, tôi đẻ ra, tôi sẽ lén cho nhà phước thiện. Liệu hồn, anh mà còn bén mảng đến, tôi khai tạch hoạch ra cho mà mang xấu cả lũ."

Hai tay Mạnh run bây bẩy. Mồ hôi trán anh nhỏ giọt. Anh mừng, mừng như dò giấy số thấy mình trúng độc đắc, mừng như kẻ tử tù hay tin được ân xá.

- Thôi, sướng rồi, bắt đước bằng cớ rồi ! Bằng cớ nầy, mình dùng để thoát thân, rồi sẽ hủy. Nếu mình mà ác, mình sẽ làm tiền cả họ nhà nó. Chúng nó sợ xấu, mình đòi bao nhiêu họ cũng phải lòi ra.

May cho cả họ nhà nó lắm đa !

Lan rừng

Ông Xương Ký không bớt tốc lực, quanh gấp để chạy vào sân nhà và nơi đó, ông thắng xe một cái két rít dài lên.

Nhưng ông thất vọng lắm. Nơi thềm nhà, chỉ có vợ chồng ông Trần đứng đợi ông thôi. Ông chạy xe một cách thể thao như vậy cốt để cho một người kia thấy, nhưng người đó lại vắng mặt.

Ông hơi lo trong bụng và tự hỏi: "Hay là nàng bịnh thình lình?". Ấy, vào phút chót, con người hay bị hụt giò như thế. Ông lại bàn thầm: "Hay nàng giả đau để có cớ thối thác? Nhưng không, xem ra, nàng đã nhẫn nại chịu số phận rồi kia mà!".

Người khách đi xe hơi, tươi nét mặt ra và chào chủ nhà rất lễ phép. Vợ chồng ông Trần cũng đủ lễ trả lại, nhưng nét vui tươi của hai ông bà rất là gượng gạo.

Ông Trần hỏi cho có chuyện mà nói, để khách đỡ bỡ ngỡ:

- Xe không có mui à?

- Thưa có chớ. Nhưng chiếc xe nầy kiểu tối tân, mui xe bí mật và ngộ nghĩnh lắm. Xe mới qua tới là tôi lấy ra liền.

Đó là một chiếc xe hình dáng vừa vạm vỡ lại vừa nhanh nhẹn, sơn màu lam lợt. Đuôi xe hơi dài quá. Xe lại giống hệt xe trần, không thấy dấu vết sườn mui đâu cả.

Ông Xương Ký chỉ giải thích mập mờ như thế mà không chỉ coi mui ấy giấu ở đâu. Ông lại hỏi một câu cốt dang ra xa đầu đề:

- Thưa bà, cô Thu sửa soạn chưa xong, hở bà?

- Xong rồi, nó sắp ra đây. Cả nhà tôi ai cũng đúng hẹn cả.

Bây giờ khách đã xuống xe, đã đến gần chủ nhà. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Khách có vẻ sốt ruột. Bà chủ nhà kêu với vào trong:

- Thu a ! Ông Xương Ký đợi con đây !

Không nghe đáp, nhưng tiếng giày báo có người đi ra, rồi quả nhiên cô Thu đã hiện nơi khung cửa, tay xách va ly.

Người con gái ấy mặc toàn đen và gương mặt u buồn cùng với màu sắc tang tóc kia gợi ra một tuyệt vọng vô biên. Nhưng quả cô ta đẹp tuyệt trần. Không kể chi tiết nhỏ mọn là nước da trắng mịn nổi bật lên bên cạnh y phục và màu tóc, màu mắt đen huyền, toàn thân cô là một bài thơ ca ngợi đường nét huyền hoặc của những pho tượng cẩm thạch cổ điển Âu Châu.

Ông Xương Ký mỉm cười rất vô duyên, nghiêng mình rất vụng về để thi lễ. Cô Thu chỉ hơi ngả đầu. Bà mẹ giục:

- Thôi con đi kẻo trưa, nắng lên rồi mệt đa !

Nói xong bà đưa tay giành valy với con. Bà biết con sẽ không buông, nhưng như thế bà sẽ có dịp kéo valy và cả nó ra xe.

Ông Trần chỉ đứng lặng nhìn, vẻ mặt bất nhẫn.

Người khách chạy vội trở ra xe và làm một việc mà hồi nãy ông cố ý quên. Ông bấm vào một cải nút tức thì mui xe từ từ mọc lên. Mui xe là những tấm kim khí sáng trắng, tấm nầy đè lên tấm kia, xếp lại, kéo ra được, tất cả chôn giấu giữa lưng nệm sau và đuôi xe. Mui vừa mọc vừa bò ra, tới phía trước rồi cúi xuống níu lấy tấm kính cản gió. Ông Xương Ký lại quay kính cửa, kính nầy lại mọc lên đến đụng mui xe, hai thứ ấy ôm lấy nhau, khít rịt, một hột bụi vào cũng không lọt.

- Kiểu tối tân, ông Xương Ký mỉm cười mà nói thế, mắt nhìn giai nhân để rình một vẻ thán phục nơi gương mặt nàng. Nhưng cô Thu vẫn thản nhiên như tượng đá.

Ông Xương Ký không mở cửa xe cho người đẹp lên, lại mở đuôi xe. Một bồn rửa tay bằng sứ tráng men trắng nằm sẵn trong ấy. Chủ xe vặn một cái nút, tức thì có nước chảy ra.

- Kiểu tối tân, ông ta lại khen.

Nhưng thấy không ai xúc động cả, ông ta đành thôi và mời cô Thu lên băng trước.

Bà Trần giọng van lơn nói:

- Em nó còn dại lắm, xin ông thật tình sửa dắt nó. Bề gì rồi ông cũng cưới nó nay mai, ông hãy nương nó, chớ nên có gì đáng tiếc.

- Thưa bà, tôi hiểu.

Hai người trên xe chào hai người dưới đất, rồi chiếc xe tháo lộn ra đường một cách kiếm hiệp như khi vào.

Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một thanh niên đẹp thì đó là cảnh đẹp. Phụ nữ đẹp ngồi trên chiếc xe đẹp bên cạnh một người đàn ông đứng tuổi, tóc nhuốm hoa râm, cũng vẫn là cảnh đẹp.

Nhưng trong trường hợp trước, người ta nghĩ nay đến sự xứng đôi vừa lứa. Trong trường hợp sau, người ta đoán đó là một ông cha góa vợ đưa con đi đâu đó. Cũng chẳng hề gì. Ngặt ông Xương Ký lại muốn người ta nghĩ khác, nghĩ theo trường hợp trước, và biết chắc là muốn thế không được, nên ông ngượng nghịu lắm. Cô Thu cũng một tâm trạng với ông. Cả hai cùng khó chịu.

Ông Xương Ký muốn nói cái gì để bớt ngượng, nhưng vừa tìm ra được một câu hỏi xoàng là ông lại phải do dự ngay từ tiếng đầu. Ông muốn kêu cô Thu bằng em nhưng không đủ can đảm. Mà kêu bằng cô thì cũng tức. Ông là vị hôn phu của Thu kia mà!

Ông Xương Ký góa vợ đã lâu. Ông Trần là bạn ông, lớn hơn ông bốn tuổi. Ông Trần là giáo viên về hưu. Không cam với hưu bổng, ông ta mở trường tư. Lỗ lã, nợ nần. Ông Xương Ký giúp cho để ông ta chịu đựng. Nhưng giúp mãi mà ông Trần cứ lụn bại, thành ra số nợ, sau khi đổi chủ, cứ to lần lên. Năm nay thì ông Trần kiệt quệ. Chỉ là bạn thường thôi chớ không thân thiết ơn nghĩa lắm, ông Xương Ký rất sốt ruột vì số tiền kẹt chết của minh. Tịch thâu bất động sản của nhà trường, chỉ vớt vát được mớ nào mà thôi, mà lại tội nghiệp ông Trần nữa. Nhưng một hôm ông Xương Ký lại nảy ra ý muốn tục huyền. Ông soát lại những phụ nữ mà ông quen biết và rốt cuộc chấm cô Thu.

Quyết định đó là sự dở chứng của cái tuổi quá thì của người đàn ông. Ông năm nay bốn mươi hai, tuổi khó khăn mà người đàn ông lắm khi ngỡ trẻ như hai mươi. Nhưng ông xét kỹ, không thấy phạm luân lý. Cô Thu trẻ hơn ông những hai mươi tuổi. Phải. Nhưng ông không vợ, và cưới xin thật sự kia mà!

Cái ngày mà ông tỏ ý muốn cho vợ chồng ông Trần nghe, ông bà nầy bỗng như lảo đảo say rượu. Một tuần lễ sau, sau khi nghiền ngẫm điều kiện của ông Xương Ký đưa ra là hủy hết số nợ, lại viện trợ thêm hai mươi vạn để tiêm thuốc khỏe cho trường, ông bà Trần thấy rằng hôn nhơn nầy, nghĩ kỹ ra cũng không có gì xấu hổ cho lắm.

Còn một điểm khó khăn nhứt là cô Thu. Thu là nữ giáo viên nơi trường của cha. Nàng trẻ đẹp, rất trẻ, rất đẹp, không lẽ lại ưng ông già tóc bắt đầu điểm trắng.

Bà Trần thạo tiếng ngoại quốc, có đọc truyện cổ tích Tích Tân và Ỷ Sơ của Pháp. Bà cứ mơ hão có được thứ tiên được yêu đương mà bà Hoàng hậu ấy đã trao cho con gái là công chúa tóc vàng Ỷ Sơ để nàng nầy uống lúc đi về nhà chồng, hầu yêu được người chồng già là ông vua hiếu sắc kia.

Không có thuốc tiên, bà đành sử dụng những phương tiện thiết thực hơn: thuyết lý cho con thấy rõ nỗi nguy của nhà và hôn nhơn ấy là cơ hội may để cứu vớt những ngày cùng của ông bà: khi Thu đã nuốt nghẹn nhận lời, ông bà lại cho hai "trẻ" gặp gỡ nhau thường để Thu bớt xúc tâm lần lần.

Ông Xương Ký thì tham lam hơn, mong Thu yêu mình. Ông đã nịnh đầm, đã biếu quà, đã lịch sự, đã thơ mộng, đã ăn tiệc, nhưng vô hiệu quả.

Nay ông xin đưa vị hôn thê đi Ban Mê Thuật cốt để khoe những mặt khác của ông: ông còn khỏe và rất thể thao; lái xe hơi chạy đường xa như không không, leo đồi, trèo cây, lội rừng, băng suối tắm nước hồ lạnh, thảy thảy không thua ai. Và biết đâu, trong một phút kia, giữa cảnh hùng vĩ của cao nguyên, trên bờ các suối mơ khảm toàn rêu nõn, nàng lại không cảm bài thơ man rợ của rừng sâu, và khi cảm xúc, lại không yêu được người dìu dắt ở bên cạnh nàng?

Ông bà Trần, vốn biết ông Xương Ký đứng đắn và thành thật nên ưng thuận. Cô Thu thì một liều, ba bảy cũng liều. Và cuộc quảng cáo rầm rộ xui cô cũng muốn biết đất mới Ban mê thật ra sao, biết những Sơn nữ hồn nhiên mà cô rất thích qua các tiểu thuyết đường rừng lãng mạn. Với lại chính cô cũng cố gắng để yêu cho được người chồng già, cho đỡ khổ tảnh lấy chồng so le của cô.

- E... m... cô có đem theo đủ các thứ cần dùng chớ ?

- Có.

Một câu hỏi hơi dài, một câu đáp quá ngắn. Rồi thôi. Những cặp vợ chồng son trẻ trên những chiếc xe mà họ gặp dọc các phố lại càng khiến họ khó chịu hơn. Có những đôi trai gái rất xấu xí trên những chiếc xe khổ, có những đôi trai gái chênh chông với nhau về sắc đẹp trên những chiếc xe tầm thường. Nhưng họ lại ước nếu được như vậy còn đỡ hơn.

Khi qua khỏi cầu Băng Ky, ông Xương Ký cho phóng xe mau để qua mặt những chiếc xe trên đó có người cứ ngó ngoái lại mà dòm. Ông ghét nhứt là vếtpa có đèo phụ nữ,vì luôn luôn đó là những cặp rất xứng lứa, và người ham mặc sơ mi ngắn tay để khoe bắp thịt của mình.

Khỏi ngã ba Bình Triệu, họ qua một cánh đồng minh mông mà người địa phương gọi là đồng Chó Ngáp. Gió thổi vù vù lại thêm năm nay, cái lạnh của tháng chạp còn chần chờ ở nán lại lâu quá, nên Thu rùng mình rồi khoanh tay lại trước ngực.

Ông Xương Ký vuốt lại tóc mình. Tóc nầy ông nhuộm đen mấy tháng nay: Nước thuốc nhuộm cho tóc một màu đen kỳ dị và giả tạo, lại làm tóc cứng ra, không thể chải bằng gôm, bằng gì được nữa. Nó rối bởi trước gió ngược chiều nên ông thấy cần phải sửa sang lại cho nó có trật tự một chút và nhứt là để lấy cánh tay đưa lên đó mà che, hầu liếc nhìn người bạn đang làm một cử chỉ khả ái.

Bỗng ông Xương Ký ngây người, suýt lạc tay lái. Không, đừng ai nghĩ quấy gì hết. Đành là ông đang nhìn hai cánh tay khoanh lại trên ngực của Thu, và đành là ông đang nhìn cái ngực ấy. Nhưng quả không phải hình ảnh tuyệt mỹ kia làm ông say sưa.

Chính hai bàn tay trắng như bông của nàng nằm trên nền áo đen đã gây xúc cảm dữ dội ấy vì nó nhắc ông đột ngột nhớ đến một điều mà ông xao lãng mấy hôm nay, vì bận chuẩn bị đi với người vợ chưa cưới.

Một năm nay, ở Sài gòn có phong trào chơi lan rừng. Từ Đà lạt, Gia linh, Blao, Ban Mê Thuật người ta gỡ trăm ngàn loại lan đem về bán tràn ngập đô thành. Ông Xương Ký không thua ai hết về mặt ăn chơi, hưởng thụ. Quanh nhà ông, toàn những lan là lan. Một hôm ông thấy một người đàn bà Âu cầm một khóm lan kỳ lạ: lan cành trắng như tuyết, không có lấy một chiếc lá, dáng khô khan như nhánh chết, mà hoa lại đen huyền. Màu đen của bông lan ấy láng mướt như nhung, lại lóng lánh sáng như bạc, nếu nhìn cánh hoa ngang mắt, ngỡ lan nầy cũng nhiều như các thứ khác, ông không hỏi thăm người cầm, chỉ đi tìm mua, nhưng tìm mãi không ra.

Suốt mấy tháng, ông Xương Ký mơ thứ lan đen kia. Ông chiêm bao thấy mình lên rừng và gặp cả một khu toàn lan đó. Ông săm soi huyền lan, vuốt ve nó và lạ sao, trong hoa hiện ra mọt sơn nữ da trắng, y phục đen, chạy trốn trong khói lá xanh rậm của rừng già. Người sơn nữ ấy mặt hao hao giồng Thu và như Thu, cũng mơ buồn không dứt.

Đêm nào ông cũng thấy sơn nữ, khi nhập vào hoa, khi từ trong hoa mà ra. Vốn thuở nhỏ thích xem truyện Tàu và truyện đường rừng của ta, ông Xương Ký tin có hồn hoa, có yêu tinh lan rừng và sự tích huyền lan của ông, như thế, càng tăng thêm.

Đã bảo, tuổi quá thì rất khó khăn. Ông Xương Ký mơ mộng như một thiếu niên. Trong trí ông, các thứ đó bị xáo trộn lại: ông chạy tìm lan đen; hồn lan đen từ trên rừng sâu, cảm động trước tâm thành của ông, nên hiện ra để kêu gọi ông lên đó rước nàng về. Hay hồn ấy lại nhập vào xác của Thu cũng nên?

Ông Xương Ký định bụng thế nào cũng đi tìm hoa, tìm hồn hoa. Nhưng tứ hôm mời Thu đi Ban Mê Thuật với ông được rồi, ông mừng quá, quên mất người sơn nữ trong mộng.

Hai bàn tay no và non và tráng mịn ló ra khỏi hai tay áo đen mướt, nằm trên gò ngực huyền bổng xua mơ cũ tới. Người yêu ngồi bên cạnh đây rồi, gần gũi quá, nên không còn sức quyến rũ mạnh của người trong mơ nó hão huyền như bọt xà bông mà trẻ nhỏ thổi lên không trung, lóng lánh nhiều màu. Phải chăng là như vậy? Nếu không, sao ông vẫn mơ sơn nữ, mặc dầu ngồi gần Thu? Không, thật ra, gần Thu mà vẫn xa Thu như từ thuở giờ. Sự gần gũi về thể chất không thỏa mãn được tâm hồn ông Xương Ký, nó lãng mạn, nó mộng hão như một chàng trai trẻ. Thành ra gần Thu, ông không say sưa được mà vẫn ước mong chưa toại, và cứ mộng đến Thu qua hình ảnh hão huyền của hồn lan trong giấc chiêm bao.

Xe lướt gió vùn vụt. Sợ Thu lạnh, Xương Ký vói tay mặt quay kính lên, rồi càng phóng mau thêm nữa. Qua những cầu gỗ hẹp, ông không thèm bớt tốc lực, chiếc xe nhảy lồng lên trên những đầu cầu bên kia. Ông Xương Ký mỉm cười, biết rằng Thu đương thót ruột. Chắc Thu sợ hãi và giận ông lắm. Nhưng qua những cơn giận áy, thấy không việc gì, chắc chắn Thu sẽ nghĩ đến hai cánh tay của ông mà nàng sẽ đoán là còn rắn chắc, bắp thịt còn đủ sức dẻo dai, tinh thần còn đủ lanh lẹn, mắt còn đủ sáng tỏ. Rồi sau nhiều trận như thế, nàng sẽ quen đi, say tốc lực như say rượu bia nhẹ, trí nàng sẽ triền miên với cái động, lòng nàng sẽ mê man bối rối vì hai thứ tình trái ngược: kinh sợ và ham nhanh. Một khi tâm trạng ấy xâm chiếm lòng nàng thì nàng sẽ có cảm giác nhỏ bé, cảm thấy cần được bảo vệ và cố nhiên nghĩ đến người bên cạnh và sức khỏe của y.

Đành rằng tình yêu không đến sớm được liền sau cuộc say sưa đó. Nhưng quả những giây phút nầy là những hột cát phù sa bồi đắp xây dựng lần lần mối tình mong ước.

"Còn nhiều dịp nữa mà! Ông Xương Ký tự bảo thầm. Rồi nàng sẽ thấy mình trèo cây, mình tắm suối lạnh".

° ° °

Ông Xương Ký gởi Thu nơi nhà một người chị, chủ hiệu uốn tóc độc nhứt tại thành phố Ban Mê Thuộc, còn ông thì tạm nghỉ nơi trại của một người bạn, chủ đồn điền.

Cả hai người, không ai có ý xem hội chợ, nhưng ông Xương Ký cũng đưa Thu đến đó. Ông nghĩ trong một hội chợ nhà quê người đi xem chắc là cục mịch và sẽ không có những cặp vợ chồng xứng đẹp nó làm cho ông và Thu bị tự ti mặc cảm. Nhờ thế ông sẽ dạn ra, bảnh thêm được với vị hôn thê quá trẻ, và riêng Thu nàng cũng sẽ bớt ngờ ngợ vì ông chồng quá già. Ông Xương Ký nhớ rõ là hôm qua, khi ra khỏi thành phố Sàigòn là ông nghe dễ chịu ngay và lén dòm Thu thì nhận thấy mặt nàng cũng giãn ra như trút được một gánh nặng. Vì ra khỏi đô thành là thôi gặp những chàng và nàng tốt đôi, là khỏi bị ám ảnh vì sự so sánh thường xuyên giữa họ và mình.

Nhưng ông ta đã lầm. Người Sàigòn ở đâu cũng có mặt cả, giữa cao nguyên họ vẫn lên để mà trẻ đẹp.

Người đàn ông đứng tuổi nào khác có thể hãnh diện được khi đi với một cô gái trẻ. Nhưng vị hôn phu nầy khác hơn họ. Ông không cần dư luận bên ngoài trầm trồ ông tốt phước, mà chỉ cần sự cảm thông giữa người yêu và ông thôi. Sự cảm thông nầy không có là ông tủi thân, là ông xấu hổ như nghe rõ chính Thu đang nói lớn lên để chê ông là già.

Ông Xương Ký đành phải trốn bằng cách chúi mũi vào các gian hàng. May quá, Thu bỗng vui lên và nói:

- Đẹp quá, đẹp quá!

Đẹp thật, ông Ký cũng nhận thế. Những tấm vải do người cao nguyên dệt, mới xem ngỡ hàng ngoại quốc. Chỉ có ba màu thôi: đen, trắng, và đỏ mà họ kết hợp lại thành những kiểu mẫu trang hoàng rất là mỹ thuật, màu sắc dùng rất tiết độ. Chỉ tiếc là sợi quá thô và mặt vải quá thưa.

Vải dệt thành những tấm dài từ hai thước đến trên ba thước. Ông Ký cầm lên một tấm rồi nhìn Thu hỏi trống:

- Cỡ may mặc được không?

- Thưa quá! Thu cũng đáp trổng lại nhưng ông Ký nghe êm ái như ai vuốt lên tim mình. Đây là lần thứ nhì mà giai nhân thốt lời, và lần thứ nhứt mà người đẹp trao lời với ông.

Đâm bạo, ông xổ tấm vải, hai tay cầm vải dang ra rồi phủ vải ấy lên mình Thu và nói:

- Đẹp lắm. Nhưng có vẻ cổ sơ. Nếu... em mặc đầm thì may cũng được.

Nói được tiếng em, ông Ký thấy là dễ dàng quá. Chỉ khó lúc tiếng đó còn nơi cổ họng, chực vọt ra mấy mươi lần mà vẫn lấp ló như con dế hang. Bây giờ nó ra xong mà nghe sao mà không có gì khó khăn hết. Vậy mà từ lâu ông không dám nói, nghĩ cũng lạ.

Thu cúi xuống dòm vải nằm trên mình nàng, chống đầu gối ra để xem nó có dịu, có nặng mình hay không và hai ngón tay mân mó sớ vải.

Vụt có sáng kiến mới, ông Ký nói, giọng reo vui:

- Hay là em may một bộ y phục trá hình mặc chơi. Phải, em choàng vải nầy lên mình, xem giống như một cô sơn nữ.

Nói tới đây, bỗng ông nhớ lại cô gái trong chiêm bao. Nhưng lần nầy sao người con gái ấy bớt quyến rũ nữa. Có lẽ nhờ gần được với người đẹp trước mặt. Dầu sao, ông cũng nghĩ đến lan đen mà ông tha thiết muốn có một kiểu mẫu trong vườn.

Thu ngước lên mỉm cười:

- May áo ghế bành thì được.

Ông Xương Ký mua năm tấm vải nền đen, và năm tấm nền mỡ gà, cả thảy đều để tặng Thu: Ông lại mua nào gạc nai, gùi, mác để biếu bạn hữu, ôm vác kè kè như hai vợ chồng mới, đi mua sắm để dọn nhà lần đầu.

° ° °

Cuộc đua voi, và đua ngựa không yên cương là một trận hửi bụi không tiền khoáng hậu. Nhưng đó là trò mà Thu thích nhứt.

Ông Xương Ký nghe mình hứng dử lắm trước nỗi vui của ngươi yêu. Ông còn chưa biết làm cái gì hơi động, hơi ồn cho nó có vẻ trẻ ra để xứng với vẻ hân hoan của bạn thì may quá, đoàn ngựa đua giải tán, lướt chậm tới chỗ hai người đứng.

- Anh ơi, cho tôi cỡi thử một chút chơi.

Ông xin liều như vậy mà một người kỵ mã trai trẻ kia nghe hiểu, xuống ngựa liền và mời ông.

Ngựa tuy nhỏ thó nhưng không có yên cương gì cả. Nó lại có vẻ hăng lắm khiến ông Xương Ký đâm sợ. Biểu diễn trước người yêu mà thành công được thì tuyệt nhưng nếu rủi bị ngựa quăng xuống đất thì đi đời kết quả ít ỏi của cuộc chinh phục trong mấy ngày nay.

Nhưng không thể lùi được nữa, ông Xương Ký bậm môi, vói tay níu gáy ngược rồi thót lên lưng nó. Không việc gì đáng tiếc xảy ra cả.

Con ngựa vưng theo cái thúc chơn của ông, bắt đầu nhảy. Nhưng mới chạy được một quãng, nó lồng lên, nhảy dựng lên như con chó đi hai chơn trong rạp xiếc. Muốn còn ngồi ngay được, nghĩa là thân mình khỏi nằm ngã nằm, vì lưng ngựa đã đứng sững lên như tấm vách, ông Ký níu chặt gáy ngựa và áp sát mình vào lưng con thú. Ngựa khó chịu, thôi lồng nữa, nhưng lại vục vặc đầu lia lịa để thoát gáy ra khỏi người cỡi. Tuy nó đã đứng lại bốn chơn như thường, nhưng người kỵ mã không dám rời lông cổ nó ra. Thoát không được, ngựa sải tán loạn, làm đủ trò chứng để quăng gánh nặng trên lưng.

May quá, nhờ ngựa nhỏ thó, nhờ ông Ký cố bám níu như đó là vấn đề sống chết, nên sau một hồi nổi loạn, con vật chịu thua. Nhưng ông Ký không dám trổ tài lâu nữa. Bấy nhiêu đó hơi vữa đủ rồi, tiếp thêm, rủi không xong, sẽ khổ thân lại mang nhục trước giai nữ.

Bấy giờ áo ông Xương Ký ướt mồ hôi như vừa mắc mưa: Ông thở không kịp và ở hai bên màng tang, ông nghe mạch máu nhảy như muốn bứt ra.

Ông trở về chỗ Thu đứng đợi ông, cố đi thật chậm để khi đến nơi, bớt thở cho dễ coi một chút. Khi đang đi, trong một giây, ông nghe choáng váng muốn té xỉu. Qua cơn đó, ông cảm thấy thân già mà cố làm trẻ thì thật là khổ. Tủi thân quá, ông bỗng nảy ra cái ý bỏ vãi tất cả. Hạnh phúc đâu chưa thấy mà đã khổ thân như tội đồ bị bắt buộc làm những công việc quá sức mình.

Nhưng dòm lại người ngọc đàng xa, ông nghe được kích thích như người leo cột mỡ vào những ngày hội, mệt nhoài ra, trèo lên tuột xuống hoài, mà vẫn cố gắng vì bị giải thương treo ở đầu cột lôi hút mãi.

Đêm ấy ông Xương Ký trằn trọc đến khuya không chợp mắt được, Ông bận trí về sự dùng thì giờ ngày sau đó. Đưa Thu đi đâu cho nàng vui, mà ông lại trổ tài được?

Người chủ nhà có mời đi săn. Đi săn bằng khí giới cổ sơ do người Thượng tổ chức. Nhưng ông sẽ làm gì được trong cuộc săn ấy.

Có lúc ông Ký nghe chán lạ. Ông cảm thấy mệt mỏi vì sự chinh phục thường xuyên nầy. Không phải chỉ mệt mỏi về thân thể mà về cả tâm thần. Cái gì mà không giờ phút nào khỏi nghĩ đến việc làm vui lòng người vợ chưa cưới?

Chẳng những thế, cuộc chinh phục sẽ bị tiếp tục một khi cưới xong người đẹp. Chồng già, vợ trẻ, không thể buông trôi như những cặp mà anh chồng không so le với vợ. Mệt ôi là mệt!

Ông Ký nhớ lại thuở trai trẻ, ông đã o mèo như bất kỳ ai. Ông đã chịu khó, đã bền chí một cách gian khổ, nhưng sao không thấy chán nản như bây giờ. Phải chăng vì thuở ấy, tình yêu, đối với ông thiêng liêng lắm. Ngày nay thì ái tình đã mất vẻ huyền ảo của nó, bao nhiêu ý đẹp đã tan, đã lắng xuống, chỉ còn nổi lều bều lên như bọt dơ, những cái gì chỉ dính líu đến vật chất mà thôi. Mà về vật chất, cố công như xưa là uổng công.

Tuy suy luận như thế, ông Ký vẫn không bỏ cuộc được vì ông đang ở vào tuổi quá thì như đã thấy trên kia. Không say đậm với tình yêu như hồi trẻ nữa, nhưng vẫn hơi điên dại như trai tơ. Rốt cuộc ông nhắm mắt với quyết định ngày mai đưa Thu theo đoàn săn bắn của chủ đồn điền.

° ° °

Cuộc đất dợn sóng như mặt đại dương. Mà đây toàn là sóng thần cả. Không phải thần về sự cao, mà chỉ về sự rộng lớn thôi. Mỗi trái đồi to độ bảy tám mẫu, liên tiếp nhau trùng trùng điệp điệp như một bầy thú lưng gù đang ăn cỏ giũa trời.

Ở những khu đất không có rừng, bầy thú nầy hiện ra đông đúc như kiến.

Đoàn săn gần hai mươi người Thượng, toàn là phu ở đồn điền của bạn ông Xương Ký, người chủ đồn điền ấy, Thu và ông Ký.

Để cho gọn, dễ day trở, người Thượng hôm đó không thèm mặc y phục, chỉ đóng khố. Mười tám người không võ trang mà chỉ mang tù và. Còn hai người kia thì cầm mỗi người hai cây ná và mang mỗi người hai gùi tên thuốc.

Khi qua khỏi một cánh rừng, cả đoàn đổ ra một khoảng trống rộng bảy quả đồi.

Sau một lịnh của hai người Thượng đứng tuổi có võ trang ná, mười tám người kia túa ra, chạy lùi vào rừng trước mặt và hai bên.

Bọn người ở lại ngồi trên chóp trái đồi cao hơn hết ở giữa khu đất.

Đồi trọc lóc, cỏ đế cũng không cao. Họ như đang tắm lội giũa một hồ tắm mà bờ hồ là rừng xanh bao quanh đó.

Độ nửa tiếng đồng hồ sau, tù và khắp bốn phương tám hướng túa tên một lượt.

Hai người Thượng đứng lên giương ná, đặt tên vào, rồi trao cho chủ đồn điền và ông Xương Ký mỗi người một cây.

Giây lâu, nhím, trút, chồn, thỏ từ trong rừng rậm chạy tán loạn ra ngoài. Đây là một cuộc săn nhỏ, tổ chức mua vui, người đuổi thú đã ít oi lại không đi xa, nên không có thú lớn chạy ra.

Hai người Thượng bắn trước. Dây ná kêu lên một cái xạch, tên bay véo một cái là hai con vật ngã quay ra.

Ông chủ đồn điền bắn một phát, trật lất, rồi cười ha hả mà hỏi Thu:

- Chị xem tôi bắn có tài không. Nhứt phát là nhứt trúng...đất.

Thu thở không khí lành từ sớm đến giờ nên cũng trở nên vui tánh cười theo rồi vừa chỉ vừa khen:

- Mấy ông Thượng kia bắn sao mà y như là con vật bị cột gần sát họ.

Ông Xương Ký cũng bắn một phát. Trúng ngay đích, thật là may kỳ lạ. Nhưng con mồi lại là một con trút vảy dày và cứng nên mũi tên trợt lớt rơi xuống đất. Con vật tiếp tục chạy như không có gì xảy ra, khiến Thu nheo mắt cười giòn rụm mà chế nhạo:

- Coi con trút kìa, nó lêu lêu mắc cỡ kia!

Ông Xương Ký sung sướng đến muốn rơi cây ná. Ông sung sướng vì bắn trúng mồi thì ít mà vi được Thu chế giễu thì nhiều. Sự chế giễu ấy không ác ý, trái lại chứng tỏ cảm tình, muốn thân mật và hàm kín đáo sự khâm phục tài bắn của ông.

Lần cỡi ngựa tuy không suông sẻ, và lần bắn nầy tuy cũng trục trặc nhưng quả đã khiến Thu. có cảm tình đôi chút với vị hôn phu già. Chắc cô ta đã bảo thầm trong bụng: "Tuy không xong xại gì chớ cũng đỡ hơn các thanh niên ôm măng- đô- lin, ôm ghi- ta nhiều lắm!"

Bắn được một phát, ông Xương Ký rất toại chí vì đã gần đạt mục đích. Chỉ gần đạt thôi mà toại nguyện được là ông biết không thể nào đạt hẳn. Tệ hơn hết, bắn lần sau, sẽ trật lất như ông chủ đồn điền kia.

Nhưng cái tánh muốn làm tàng, tới già con người bỏ cũng chẳng được. Nên ông ta lại toan bắn nữa.

Nãy giò ông ta đã quan sát cách lên ná của người Thượng. Họ làm công việc ấy như chơi chơi: đuôi ná chống vào bụng, tay trái giữ ná, tay mặt vói lên vai để rút tên ở chiếc gùi mang sau lưng. Tay rút tên ấy lại hạ xuống và cùi chỏ của tay đó kéo dây ná. Cùi chỏ kéo dây vào bụng và cùng một lượt bàn tay đặt tên lên mình ná.

Cứ nhìn họ làm, ông Ký nghe dây ná rất mềm, cung ná rất dẻo và trò lên ná là trò trẻ con. Nên chi ông cũng lập y lại những cử chỉ đã quan sát được. Nhưng khi ông hạ tay rút tên xuống thì cùi chỏ của ông chỉ kéo dây ná vào bụng ông được vài phân thôi. Cung ná xem ra cứng rắn nhường sắt, không chịu cong thêm một chút xíu nào cho dây dễ kéo. Cùi chỏ đè lên dây bây giờ lại đau như bị thanh sắt quất vào và càng cố sức kéo, đuôi ná càng chống mạnh vào bụng đau như bị ai thọc gậy mạnh.

Rõ cuộc săn bắn nầy là một buổi chơi thể thao của những ông bụng bự, chỉ ngồi trên dàn mà xem người ta đá banh. Ông Ký và bạn ông cũng thế, đợi người ta lên ná sẵn mà bắn thì được, còn chính mình thì không cử động bao nhiêu. Cho đến con mồi cũng phải có người đuổi ra trước mặt chớ họ không chịu cực được mà lội rừng để tìm mồi.

Ông Ký nói gượng:

- Trời, đau nơi bụng chết đi thôi, làm sao mà tiếp tục chống để lên dây!

- Đâu anh chống dưới đất rồi lên thử coi.

Bạn ông Ký biết ông cố che lấp sức yếu của ông, nên đùa như thế.

- Không, như vậy lại càng không được. Khi mà nắm trái tay ai có sức trời kéo cũng chẳng nổi.

Tuy lỡ một dịp biểu diễn thể thao, ông Xương Ký cũng rất bằng lòng mà chưa mang nhục. "Ná mọi" kia mà ! Nó nổi danh là cứng như thép, thì giương không nổi cũng chẳng xấu hổ bao nhiêu. Vả lại, ông chỉ vì chịu đuôi ná vào bụng không quen thôi, chớ ná thì ông bảo kéo được kia mà. Thích một cái là Thu đi bộ thì thở hổn hển, còn ông thì không. Ông đã già đâu, bằng cớ là lội rừng, ông tỏ ra khỏe hơn cô gái hai mươi nhiều.

Người Sàigòn lần lượt về và ngày hội chợ bế mạc, cảnh có vẻ như một đám hát đình nhà quê ngày đưa sắc thần.

Tỉnh ly nhỏ ấy thâu hồi lại sự sống bình thường của nó với toàn là những gia đình tận lực làm ăn để gây sự nghiệp. Đi rong phố, rất ít người, mà họ cũng đi đâu đó có việc gì chớ cũng chẳng phải đi khoe áo như ở Sàigòn. Những cặp vợ chồng công chức đi dạo mát cũng rất là khiêm tốn, đến những người vợ tây sở cũng tỏ ra con nhà.

Cặp Thu - Ký nghe dễ thở bội phần. Lần nầy đôi bạn so le được người ta nhìn để trầm trồ vì ông Ký dầu sao cũng "đẹp già", và nhờ biết ăn diện nên xem cũng khá trẻ ra, nhứt là khi xen lẫn với toàn những người bận làm ăn, ai cũng không tươi lắm. Họ hết bị nhìn bằng những vẻ mặt kinh ngạc như khi ở Sàigòn hoặc khi đang giữa hội chợ.

Ông Ký nghĩ nếu ở đây luôn, sống với đồn điền, có lẽ hạnh phúc được nhưng ông biết chắc không thể chôn vùi tuổi hai mươi của người vợ trẻ nơi chốn thâm sơn nầy mà không bị phản đối. Tuổi hai mươi ham sống biết bao nhiêu! Nhưng họ ham sống với xã hội loài người, cái xã hội phù hoa, chớ dễ gì ham sống gần thiên nhiên hoặc gần xã hội cần cù ở đây.

Cô Thu cũng thấy là không khổ lắm nếu theo chồng sống trên các đồn điền nầy. Nhưng rồi nỗi nhớ ánh sáng và tuổi trẻ ở đô thành luôn luôn ngùi ngùi như là nỗi sầu xứ của một kẻ lìa quê.

Tạm trong vài ngày nầy, cô thấy cũng dễ chịu và gần vị hôn phu già, cô lần lần tìm được thêm nhiều đức tánh của người nầy và cả nhiều chi tiết về sự trẻ đẹp muộn màng của hắn.

Thu có đọc một quyển sách ngoại quốc, trong đó có tác giả đề cao người chồng già. Người nầy giàu kinh nghiệm về mọi mặt, biết đoán ý muốn của vợ, biết xử thế với những bạn bè của vợ, sành đời hơn người tình nhân trẻ tuổi nhiều. Thu nhận là sách nói đúng khi gần gũi ông Ký, nên cảm tình đối với vị hôn phu cũng bắt đầu nứt mộng đâm chồi.

Người con gái đang thì nào cũng đói yêu đương. Nếu gặp người lý tưởng được thì tuyệt. Bằng không, lắm khi tình yêu đi lạc nên cũng đến lắm cô lầm lỡ với người già. Trong trường hợp Thu - Ký, lòng cô gái đang muốn phiêu lưu. Nề nếp nhà chắc chắn sẽ giúp cô khỏi ngả với ai hết. Nhưng người bạn già nầy, cô đang đói lại cối và cố sức yêu, nên cố nhiên tình yêu của cô bắt đầu lấp ló.

Ông Xương Ký đoán hiểu tâm trạng của Thu. Ông rất sành về lòng người nên mới có cuộc đưa Thu đi chơi nầy, thì sao bây giờ lại không hiểu được.

Nhưng quả là chán phèo, cái trái cấm ấy một khi đã gần hái được. Chán vì mệt mỏi quá rồi. Trên sân khấu, người Ký trẻ chỉ dán râu vào mép, bôi mặt sơ sịa và thêm vào đó một chút tài nghệ là làm lão già được, mà chỉ trong vài giờ thôi. Anh kép già nầy, trái lại, không thể hóa trang được mà phải trổ tài nghệ tuyệt luân ròng rã ngày nầy qua ngày khác để làm kép nhứt trẻ trung thì còn khổ nào bằng. Cái khổ nghĩ chắc sẽ không bù lại được với cái hạnh phúc mong muốn, nên chán là phải.

Hồn lan rừng thế mà ít đòi hỏi hơn. Nó lại quyến rũ như một mội nước xa đối với người bộ hành trên sa mạc. Sức nóng của nắng trưa đủ làm sai lạc thị giác của người nầy, nên mội nước càng được trang trí bằng muôn ngàn màu sắc rực rỡ ma quái khác.

Ừ, lan rừng! Từ hôm lên rừng đến nay, ông Ký quên mất nó. Phải tìm nó mới được. Ông đã đưa Thu vào những thôn xa, đã thấy hằng vạn nhánh cây có lan bám vào, nhưng chưa hề gặp lan đen lần nào cả.

Có một buổi vào thăm một cái nhà dài của người Thượng, ông nhìn dưới bộ ván dài thấy một cành lan đó, mà đã héo khô. Người Thượng ở trong những ngôi nhà dài hai mươi thước. Ván cũng dài gần bằng nhà. Hôm đó, trên ván có mấy mươi người đang lên cơn sốt rét ngã nước nằm la liệt nên ông không hỏi gì được. Từ đó, không hề thấy dáng lan đen nữa.

Hôm nay ông Ký đưa Thu đến một con suối ít người biết đến. Ông thích những nơi hẻo lánh, ông lại cố ý đi xa để tìm hoa lạ.

Riêng Cao Nguyên không dày mịt như rừng dưới ta. Giữa những thân cổ thụ mọc rất hiếm những dây leo, những kè gai, những mật cật lá rè, nên ông Ký dắt bạn xâm nhập đại vào khối cây xanh, không theo những lối mòn mà ai cũng biết. Ông biết hướng con suối đâu, và đi liều lĩnh như thế mới đổ ra được những bến lạ chưa hề thấy dấu chơn người.

Suối báo hiệu bằng một vùng đất hơi ẩm, phủ rêu nõn. Nó lại lên tiếng trước bằng lời chim như tụ về đó để uống nước. Đến gần sát bờ mới nghe thủ thỉ dưới lá.

Nếu một chiếc xuồng thả trôi theo dòng xuôi thì người ngồi xuồng có cảm giác là đi xe lửa và đang chun vào hang núi. Cây giao nhánh giấu mất dòng nước dưới mắt kẻ tò mò; suối sống âm thầm trong rừng sâu nên được một người ham sống âm thầm như thế tìm đến. Đây đó vài giọt ánh sáng nhểu xuống từ trên vòm lá. Có giọt to như giọt nước máng xối lúc trời mưa lớn, soi sáng nếp sống thân mật bên trong. Hai người dòm xuống thì thấy dưới đáy một màu lục sậm, có nơi đen ngòm khiến Thu rùng mình tưởng tượng đến những con thủy quái hung dữ ẩn nấp đâu dưới đó trong một hang hiểm hóc nào. Nàng thò tay xuống nước rồi toàn thân mọc ốc. Nước lạnh như nước trong một ly nước đá bào. Cái lạnh lại theo đi mà chạy mau như điện đến lưng người. Đây là một thứ lạnh, khó chịu như cái lạnh dún mình lúc sắp đến cơn sốt rét rưng.

- Tắm em nhé, ông Ký nói.

Thu lắc đầu. Nàng có đem y phục tắm theo, nhưng vì ớn màu lục đen dưới đáy nước, ngại sức lạnh của suối và nhứt là e dè trước ông Ký nên nàng bỏ dự định tắm đó.

- Công trình đi đến đây mà không tắm cũng uổng. Ông Ký vừa nói vừa cởi ra y phục một cách tự nhiên. Cũng không nài nỉ thêm gì người yêu cả. Khi chỉ còn đồ tắm trên thân mình, ông ngó quanh quất và mừng rỡ mà thấy một cây quỳ. Cây như mọc lên được một thước thì bị ai nuốn ngã nằm. Nó tiếp tục lớn lên bằng cách bò dài ra, và vô tình bây giờ dùng làm ghế được.

Ông Ký cầm tay Thu mà dắt đi, nàng không chống cự. Ông đưa nàng đến gốc cây quỳ ấy rồi bước lên trước mà nói.

- Thôi, em ngồi đây, đợi anh tắm mát vài phút rồi ta đi tìm lan.

Cây quỳ bò ra mặt nước nên ông Ký khỏi phải xuống, đợi Thu ngồi xong ông theo cây mà ra giữa suối như đi cầu khỉ.

Sách khoa học quả quyết rằng con người không già nơi tuổi tác mà già nơi sự suy mòn của thớ thịt. Có người sáu mươi mà thớ thịt còn tươi, trái lại có người ba mươi mà thịt đã bắt đầu lão.

Nếu sách nói đúng thì ông Ký còn trẻ. Thân mình ông quả còn đều đặn, các bắp thịt quả còn sơn sở.

Không biết suối sâu hay cạn, ông cũng chắp tay phóng xuống vì thân cây mà ông đứng, không cao cho lắm.

Nước suối văng tóe lên rồi mặt suối khép lại sau gót chân người nhảy. Vài giây sau, ông Ký trồi đầu lên cách đó gần mười thước. Vì ông phóng xuôi dòng nên bây giờ phải lội ngược về chỗ cũ. Nước chảy thấy thì rất mạnh, thế nên ông Ký lội cũng vượt tới mau lẹ như lội rạch đất bưng. Khi về ngay cây quỳ ông nhắm nhía rồi lướt qua khỏi đó vài thước. Đoạn thả trôi xuôi trở lại. Trôi tới thân cây, ông từ dưới nước phóng lên, níu lấy cây quỳ, đánh đu lộn ngược nơi đó.

Ông đang say với sự khoe bắp thịt như một nhà điền kinh mê tập luyện vào buổi sáng, bỗng một tiếng kêu thất thanh của Thu trên bờ làm ông rụng rời. Ông Ký rơi xuống nước rồi không kịp nhìn, bơi sải vào bờ sau vài ba cử động mạnh của tay chơn.

Khi ông trườn lên bờ thì thấy Thu đang té ngửa xuống và cũng lẹ như chớp, ông nhảy lại đống quần áo, chụp lấy cây mác cán dài rồi day lại chặt chụp xuống một cái, sát đầu Thu.

Máu phun có vòi...

Đó là một con trăn con, vụng về tập sự quất mồi, hay giỡn chơi cũng nên, hệt như con chó con lạ gì cũng cắn rồi tha đi cho đỡ ngứa răng. Thấy cô Thu ngon quá, nó quấn chơi, chớ con mồi to như vậy, làm gì nó ăn được. Đuôi trăn đang quấn cổ vội tháo lẹ ra trong lúc đầu lăn lóc muốn bò thoát đi. Nó sẽ không bò được xa nhưng ông Ký cũng chẳng thèm biết tương lai đích xác của nó. Ông bận đỡ Thu lên, Thu mà giờ đây đang nằm trên tay ông, Thu ấy mặt cắt không còn một hột máu và nhăn lại như nhờn gớm cái gì.

- Em có làm sao không?

Thu mở mắt ra, rồi rùng mình:

- Chỉ nghẹt thở trong một giây. Nhưng nhờn quá, nó lang láng, nhơn nhớt ghê muốn chết.

- Chết là nó, chớ không phải em. Em xem kìa...

- Thôi, ai dám ngó nó... Anh...

Giọng Thu nhõng nhẽo như trẻ con sợ ma, và tiếng "Anh" thốt ra để toan nói một câu còn ngập ngừng nơi cổ họng, tiếng ấy hàm trách móc rất đáng yêu, có lẽ trách ông bỏ nàng một mình nên mới gặp nạn.

Người đẹp ở trong tay đây rồi! Người yêu lại không phải ở đó vì bị bắt buộc mà vì muốn ở để được bảo vệ. Người ấy đang nĩu nịu, đang trách móc... Ôi, thần tiên là sự đụng chạm lần đầu trong đời niên thiếu với một người bạn lòng. Ông Ký quả nghe ngây ngất gần được y như thế, nên như một chàng niên thiếu, ông bỗng đâm bối rối, vụng về, không biết phải làm sao nữa.

Ông hồi hộp nhìn Thu, tiếc sao nàng không bất tỉnh như người cung nữ trong phim Địa ngục môn, và xấu hổ thấy mình như chàng tướng trẻ trong phim đó, hớp nước suối để làm bộ cho nước, mà lại sợ sệt nhìn quanh dáo dác rất buồn cười.

Không, ông không hèn như chàng tướng trẻ ấy. Ông phải yêu đường hoàng chớ không được lợi dụng sự bất tỉnh của người đẹp để cho nước. Nhưng ông phải yêu lễ độ chớ không hỗn hào như một chàng trai hai mươi được.

Quyết định được thái độ, ông Ký tay nưng vị hôn thê lên, mặt cúi lần xuống rồi chỉ đặt môi lên tóc nàng, hun thật nhẹ một cái ngắn rồi thôi. Trong khi Thu rùng mình rồi ngây ngất dưới hơi thở ấm của người chồng chưa cưới thì ông Ký bỗng nghe một cảm giác thật kỳ lạ. Đó là một sự nhờm gớm, không phải nhờm gớm hương trời trong tay, mà giựt mình đánh thót lên và vẳng nghe đâu đây lời trách móc, hơn nữa, lời hăm dọa tội tù.

Tám tháng trời đeo đuổi, nửa tháng chinh phục không ngừng, hai phút lồi hộp đến tim như muốn nhảy thoát ra khỏi lồng ngực, bao nhiêu ngày tháng công lao ấy dầm trong một giấc mơ hạnh phúc vô biên. Nhưng giờ đây, ê chề hối hận như lỡ tay đánh phải một đứa bé dại, săn phải một con khỉ non và lòng quặn thắt, đau trước tuyệt vọng, căm hờn, khi ẩn trách của khỉ mẹ.

Ông Ký đặt Thu nằm xuống cỏ, nhưng nàng không chịu nữa.

Người con gái họ giữ gìn nết hạnh rất chín chắn. Nhưng khi đến lúc thấy không cần giữ gìn nữa, với một người nào, là họ suông sẻ một cách rất lương thiện. Đường họ đi, không đi thì thôi nhưng hễ đi thì suông như đi trên một đại lộ, không quanh co, không ngập ngừng một cách ích kỷ như ta. Hơn thế, nàng vừa mới yêu trong một phút, lần đầu tiên trong đời nàng. Tình yêu chỉ có thế thôi a? Không, nàng không chịu bị thất vọng. Ông Ký đành phải tiếp tục nâng đỡ người vợ chưa cưới, mà lòng khổ như phải nâng một người vợ già, ốm đau liên miên mấy tháng trời.

Thu nằm đó, lòng băn khoăn chờ đợi cái gì nàng không rõ, nhưng tin chắc không phải như thế rồi thôi.

Bỗng một tiếng soạt trong lá khiến cả hai giựt mình ngó lại.

Lá xanh như một tấm màn giấy bỗng bị xé rách một lỗ và nơi lỗ rách ấy một mặt người ló ra. Đó là một Sơn nữ không giống người trong mộng chút xíu nào cả. Nàng không trắng, không đẹp, mắt nàng không mơ huyền mảy may nào; nàng cũng chẳng ngây thơ nhìn người đàn ông đất Kinh như ông Ký đã mộng thấy. Ông đang vừa ra khỏi một thất vọng lại đâm đầu vào thất vọng khác nữa! Người sơn nữ vạch lá bước tới, không ngại ngùng như ta, trước cảnh thân mật của người khác.

Hồn hoa ơi, không lẫn trốn nữa à? Ảo mộng ơi! Bây hùa nhau mà ra mặt một lượt, bổ tới như những đợt sóng mạnh xô ngã người đang đứng nơi bãi cát nhìn xa ra khơi mà mơ hão những chân trời lạ, những nước non huyền diệu ở đâu đâu!

Để đỡ khó chịu, ông Ký hỏi bậy một câu, không mong người kia hiểu:

- Ở đây có lan đen không chị ? Sơn nữ nhìn ông giây lát rồi đáp:

- Có, thầy hỏi làm chi?

Tiếng Việt đúng giọng của người nầy khiến đôi bạn ngạc nhiên. Ông Ký nói:

- Tôi muốn tìm lan đen, chị làm ơn chỉ giùm.

- Đi theo tôi.

Đôi bạn uể oải đứng lên sau lời mời xẵng lè nầy. Lá rừng khép lại sau lưng họ như muổn lấp nẻo vào quê hương của lan lạ.

Đến một khu rừng kia, thiếu nữ dừng lại và làm thinh, lấy tay chỉ lên cây:

- Ôi! Lan đen sao mà nhiều như dế sau trận mưa đầu mùa. Ông Ký choa mắt không biết chọn chùm nào. Ông lại nghe hết thích hoa đó nữa. Không có thì ham, có rồi thấy cũng chẳng thích mấy. Có nhiều quá lại phát ngấy lên.

Ông Ký hỏi:

- Làm sao mà mang về cho chắc sống chị? Về rồi trồng đâu?

- Không, không trồng ở đâu được cả. Không đem về mà sống được.

- Tôi thấy họ chặt luôn nhánh cây mà nơi đó nó bám, nhưng rồi nhánh cây khô, hết nhựa, nó chết đi.

Cô sơn nữ cười ngất:

- Nó có ăn nhựa cây như chùm gởi bao giờ đâu. Nó chết không phải vì nhánh hết nhựa, trái lại nữa.

- Chớ nó ăn gì?

- Nó ăn vỏ cây chết nên... Ông Ký bỗng nhớ lại một câu của nhà văn Michelet: "Giống lan uống sự chết, sự chết ấy tạo sự sống cho nó". Ông chận sơn nữ mà nói:

- Nếu nó ăn cây chết thì chặt nhành cây về là đúng lắm rồi.

Sơn nữ mỉm cười:

- Chùm gởi ăn nhựa cây sống nên sống bám vào cây đó là phải. Nhưng lan ăn vỏ cây chết rồi còn phải tạo lấy sự sống cho mình, nên không phải chỉ sống gởi là đủ. Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và một vạn thứ bí mật khác nữa mà ta không biết. Ông Ký bỗng giựt nảy mình, nhìn lại Thu đang trố mắt soi mói người thiếu nữ Thượng.

Một cô gái ăn chơi son trẻ, sẽ vui lòng thỏa chí bám vào ông như chùm gởi bám vào cây sống. Ông sẽ chết trước chùm gởi và khỏi đau khổ mà thấy người đẹp héo sầu. Nhưng Thu, một khi bám vào vỏ cây già cỗi của ông, chưa chắc đã đủ điều kiện để tạo sự sống cho Thu. Ông lặp lại trong trí lời sơn nữ: "Còn phải có khí hậu nào, hơi gió nào và một vạn thứ bí mật khác nữa mà ta không biết". Không, vô ích, cuộc hôn nhơn kỳ lạ của ông và Thu! Ông vừa thất vọng sau cái hun trên tóc, ông không nên mò đến một thất vọng lớn lao nữa.

- Thôi, cám ơn chị nhé, tôi thôi không mang lan về nữa. Nói rồi ông ra hiệu cho Thu theo, không nắm lấy tay nàng mà dắt đi như ông đã sung sướng làm mấy bữa rày.

Khí hậu Khí hậu! Ông lặp lại mãi hai tiếng ấy trên đường về. Khí hậu nhà ta là những cuộc chạy áp phe quay cuồng. Rồi vài năm nữa đây, nó sẽ là khí hậu tu viện của một ông già lùi về quê. Cả hai lối sống đều không hợp với Thu, nàng cần không khí vui tươi hơn là những con số, những kiện hàng, và cần không khí trẻ trung hơn là một khu vườn ở nhà quê trong đó chủ nhà dưỡng lão. Ra đến lối mòn, ông nhìn Thu rồi ngập ngừng giây lát, ông đánh bạo nói:

Thu, cháu ơi, chú thấy chú đi sai đường lạc nẻo sâu lắm rồi. Nhưng trở lại còn hơn liều tiến đến miệng hố. Cháu nghĩ sao?

Thu kinh ngạc đến tột độ. Sau một phút nhìn ông Ký nàng bỗng chợt hiểu. Nàng ngồi phệt xuống cỏ ôm đầu khóc mùi mẫn. Người con gái đi đường suông. Và nếu phải trở bước thì khó khăn thay.

Không kíp thì chầy

"Bây giừ mình thèm cái gì?". Bích tự hỏi như vậy và hỏi xong là chàng thấy rõ là mình không thèm khát cái gì nhiều cả, nên mới hỏi lôi thôi.

Người ta nói kẻ ghiền á phiện, một khi ra khỏi khám là đi tìm món ma túy ấy ngay, như có một sức mạnh ma quái xô sau lưng họ. Bản năng chàng không lôi kéo chàng chạy tìm thứ gì, tức là chàng không nghe thiếu thốn thứ gì cho lắm.

Chế độ nhà tù ngày nay dễ thở hơn hồi Pháp thuộc, nên tuy không đầy đủ lúc ngồi lao, Bích cũng không tha thiết bao nhiêu với các món bên ngoài. Tuy nhiên, qua hàng nước đá, chàng ghé lại uống một ly yà nghe sung sướng lạ.

"Bây giừ công việc đầu tiên là đi hớt tóc cái đã, rồi sẽ hay. Hớt cho khéo, cạo râu cho sát, gội đầu cho sạch, chải gôm cho mướt, rồi đì tìm thằng Quang mà xin một bộ đồ. Tóc tai như vầy, quần áo nhàu nát sau ba năm được cất giữ trong kho, còn mong gì ló mặt tới đâu cho chúng còn nể mình?

Quang tử tế thật, nên chi chàng phải trễ nải trong việc khác của chàng. Nó mừng rỡ chàng, mất hết nửa giờ, hỏi chuyện đến một tiếng đồng hồ, bắt chàng đợi nó một tiếng đồng hồ nữa - có lẽ để đi chạy tiền - rồi dắt chàng đi ăn cơm chiều. Bữa cơn có rượu, kéo dây dưa đến bảy giờ tối.

Ra khỏi tiệm ăn, nó hỏi:

- Bây giờ anh đi đâu?

Bích tức lắm. Nó hỏi vậy, tức là nó không muốn chàng về nhà nó. Nên chàng đáp:

- Về nhà anh.

Rồi để cho Quang hoảng sợ một lúc lâu, để cho bỏ ghét, chàng mới cười hà hà rồi đính chánh:

- Nói chơi vậy chớ tôi còn phải đi đây có chút việc.

Thấy Quang thở ra giải thoát. Bích hối hận đã hù bạn một cách ác độc, nên vội bắt tay từ giã rồi đi mau cho Quang yên lòng.

Phải, chàng phải đi nơi khác. Chàng muốn đi sớm hơn nhiều. Ngặt phải đợi Quang nó hiến bộ đồ rồi mới đi được.

Tắc xi ngừng tại đầu ngõ hẻm ấy. Bích bằng lòng lắng. Sàigòn ngày nay thay đổi ngày một. Nhiều xóm quen mắt trên mười năm, đi xa hai tháng về là không còn nhận ra được nữa. Thế mà con đường hẻm nầy vẫn y nguyên như cũ thì có thích hay không?

Ba năm trước chàng tìm đến ngót tháng mới được con đường hẻm nầy. Nó không rộng, không đẹp, không mát, nhưng hai dãy phố đâu mặt nhau trong đó, rất hợp với ý muốn của chàng. Trong đó chỉ toàn người Tàu và người Ấn ở, tức là không có ai tò mò dòm ngó chàng. Chàng sang một căn, để Tuyết ở đó rồi không còn lo ai hỏi tới hỏi lui gì Tuyết về chồng con, không ai nhìn chàng bằng con mắt thám tử nữa, mỗi khi chàng đến và mỗi lần chàng ở đó ra đi.

Cảnh cũ thì còn, mà người xưa nay đã ra sao? Bích bỗng thấy mình bây giờ rất là thi sĩ. Chàng ngậm ngùi khan khan một lúc cho sướng chớ, tưởng tượng người xưa nay đâm ra kẻ thiên cổ (nàng đã bịnh nặng kia mà! Trong khám chàng hay được tin nầy), và khi vào nhà, một ông cụ khóc òa, đưa ra cho chàng một món quà lưu vật và một bức tuyệt mạng thư. Rồi chàng sẽ làm thơ:

Hoa đào năm ngoái còn cuối gió đông.

Bùi ngùi chưa đủ, chàng rất hãnh diện mà tưởng thấy mình đóng một vai tuồng tình nhơn đau khổ, đang lang thang về cảnh cũ tìm dấu người xưa, như trong phim chiếu bóng.

Hay biết bao! Cái câu chuyện lòng nầy, chàng sẽ kể cho Tuyết nghe, khi gặp lại nàng.

Trẻ con nô đùa trên ngõ hẻm có hơi khác xưa. Chúng đã lớn lên, và những đưa trẻ ba năm trước còn bò, nay đã chạy nhảy được. Không ai nhận ra chàng cả, mặc dầu có người lớn hóng mát nơi đó. Hay họ nhận ra, nhưng vì tánh tốt không tọc mạch vặt nên họ làm lơ đi cũng nên.

Bích đi mút hai dãy phố tám căn mỗi bên và vào tới trước căn nhà bên trái. Hồi trước có đến ba căn muốn sang. Chàng chọn căn chót, ở trong cùng. Nơi đó, ít người qua lại hơn bên ngoài. Rủi có xảy ra chuyện gì không tốt cũng ít ai thấy.

Chàng đang hồi hộp lại càng hồi hộp thêm khi thấy dáng nhà vẫn như trước. Hồi hộp thêm vì hy vọng người xưa còn đó, mà cũng vì quá sợ nàng không còn. Hy vọng mong manh khiến ta lo lắng hơn là hy vọng lớn, hoặc hơn là không hy vọng gì cả.

Cũng bộ bàn ghế tiếp khách bằng mây, cũng cái màu áo nệm trước, cũng cái tủ sách ấy. Trên tường, bức tranh bờ biển vẫn xanh một màu xanh mát rượi và hai người đờn bà Tàu bằng sứ vẫn ôm lấy hai dây trầu bà nó bò trên vách rồi giao nhánh lại với nhau.

Qua khung cửa sổ che bằng màn tuyn màu lợt lợt, Bích thấy thiếu phụ ngồi đưa lưng ra ngoài, mặt cúi xuống, chừng như đọc báo. Xem thật kỹ thì người ấy không phải là Tuyết, tuy cùng một vóc, cùng cái cổ trắng và no, cùng lối uốn tóc với Tuyết. Người ấy mặc áo bi- da- ma lụa màu, thì là người trong nhà, chớ không phải là khách. Tuyết lại không có bà con dòng họ gì cả, thì người nầy phải chăng là chủ mới căn nhà?

Bích đang lo sợ gặp nơi đây một người đàn ông, đang bị ám ảnh vì định ý ấy, nên bây giừ chàng thất vọng lắm. Phải, ở đời lắm khi ta thất vọng vì khỏi gặp cảnh khổ mà ta đinh ninh phải gặp. Thất vọng một giây, chàng lại đâm sầu. Thì ra, Tuyết đã đi rồi! Mà ở thành phố lớn, khó lòng người mới đến ở nhà nào, biết được người chủ cũ đi đâu để chàng hỏi thăm.

Bích đâm ra hối hận đã nghi oan cho Tuyết. Chàng vào khám tháng đầu, cả vợ lớn chàng lẫn Tuyết đều có đi "nuôi". Kế tòa xử vụ của chàng sao mà xử sớm thể? - và chàng bị kêu án ba nam. Vợ lớn chàng ẳm con vào thăm, khóc lóc nói hết cả tiền. Chàng khuyên mẹ con nó về quê. Vợ bé dư sức nuôi mà! Chàng thụt sáu trăm ngàn đồng của hãng xuất nhập cảng ấy, đưa gần hết cho Tuyết thì còn lo gì đói. Nhưng một tuần sau, Tuyết nhắn vào nói nàng đau nặng, rồi có tin nói nàng xụi cả hai chơn, không đi thăm được nữa. Bích tức giận lắm, nghi là Tuyết phụ mình để giựt, số tiền kia.

Thì ra, chàng nghĩ, Tuyết chắc bịnh thật tình và có lẽ chết rồi cũng nên, vì Tuyết rất thích căn nhà nầy, dẫu có phụ chàng, cũng ở đây luôn, chớ đâu có sang lại cho người khác như vầy.

Nghĩ tới đó chàng nghe yêu Tuyết hơn bao giờ cả. Chàng gặp Tuyết trong một tiệc cưới kia. Làm quen thì biết Tuyết góa chồng mà không con. Tuyết cũng biết rõ chàng có vợ có con. Người ta mách khéo cho chàng hay là Tuyết không tốt và "bảy da" lắm. Chàng không sợ, vì nghe mình khá khôn quỷ. Vả lại Tuyết đẹp quá, có sợ cũng phải dẹp cái sợ lại. Mà sợ làm gì. Bất quá chàng tốn với Tuyết năm ba ngàn rồi thôi, chết chóc gì đâu? Năm ba ngàn mà mua được trong nửa tháng người ngọc kia thì tưởng rằng không đắt giá lắm.

Nhưng chàng đã tốn quá số tiền dự trù mà vẫn chưa gần được Tuyết. Chàng đã đưa Tuyết đì ăn, đi xem hát, xem chiếu bóng, đã biếu Tuyết chiếc cà rá hột xoàn, đã đưa Tuyết đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, thế mà tình bạn suông vẫn được trong sạch một cách đáng giận.

Con nhỏ bảy da thật, chàng nghĩ. Hên chi mà họ sợ và báo hiệu cho mình. Nhưng đã lỡ xuất vốn bỏ ngang cũng uổng nên chàng đã nhứt quyết chiếm lòng Tuyết cho kỷ được mới nghe, bất kỳ với giá nào.

Phải chi Tuyết không khứng thì chàng đã cam lòng. Đằng nầy nó cứ úp mở mãi, mà mỗi lần úp mở như vậy, hóa ra là nó tăng giá món hàng bằng cách nuôi dưỡng hy vọng của chàng. Nó thân mật cho chàng cắn câu, rồi lại dè dặt, nết na cho chàng yêu nó. Nó bắt chàng mua tiếng xưng hô "anh" của nó bằng một chiếc cà rá ba hột bốn ly, rồi sau đó, chận đứng sự thân mật lại: Chận đứng sự thân mật, nhưng bắt đầu khiêu khích bằng y phục, bằng dáng điệu, bằng cử chỉ của nó. Thành ra rốt cuộc chàng phải bước cái bước cuối cùng là xin đem nó về làm vợ. Nó hỏi:

Còn vợ anh?

- Anh bỏ, anh cho nó về quê, Bích đáp liều mạng như vậy.

- Trời ơi, người gì mà đoản hậu. Vợ anh là tình tấm mẳn mà anh còn bỏ được thì em sau nầy sẽ ra gì!

Bích bối rối nói:

- Thôi, anh không bỏ vợ, anh sang nhà riêng cho em.

- Hứ, ai chịu làm bé.

- Cũng ba bảy đường làm bé chớ. Vả làm bé mà toàn quyền về tiền bạc thì cũng bằng như là làm lớn.

- Toàn quyền! Toàn quyền! Anh làm như bạc của anh là bạc kho.

- Không là bạc kho, nhưng anh có thể chạy đủ cho em sung sướng, cho bù với cảnh làm bé mà em không thích.

Bình Nguyên Lộc
Nguồn: binhnguyenloc.com
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...