Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Một cách đọc sử thi Mahabharata

Một cách đọc sử thi Mahabharata

Mahabharata được tính là thiên sử thi dài nhất của nhân loại. Trọn bộ sử thi này dịch ra tiếng Anh dài gấp mười lần trường ca Iliad và Odyssey gộp lại. Ở trong ấy có gần 3.000 nhân vật chính và phụ. Nhưng ta đừng để những con số như vậy uy hiếp. Hãy tìm ra một cách khiến cho thiên sử thi trở nên dễ đọc.
Nhà văn Hồ Anh Thái thời kỳ ở Ấn Độ
1. Đừng bận tâm đến những cái tên nhân vật và địa danh khó phát âm. Ta cho rằng tên của người Trung Quốc dễ đọc, chẳng qua vì phiên âm theo kiểu Hán – Việt đấy thôi, còn nếu phiên theo kiểu tiếng Anh chẳng hạn, cũng chẳng dễ đọc dễ nhớ một chút nào: Confucius (Khổng Tử), Sun Tzu (Tôn Tử), Wu Cheng’en (Ngô Thừa Ân), Luo Guanzhong (La Quán Trung), Shi Nai’an (Thi Nại Am), Zhang Yimou (Trương Nghệ Mưu), Chen Kaige (Trần Khải Ca)…
Tóm lại, với những cái tên trong sử thi Ấn Độ cũng vậy, nhớ được tên nào thì nhớ, không thì cứ bỏ qua và đọc truyện một cách thật hồn nhiên.
2. Mahabharata bằng hình là quyển sách được minh họa bằng hơn 1.000 tranh ảnh: Những bức tranh cổ điển và hiện đại, ảnh chụp những pho tượng xưa và nay, ảnh chụp các loại hình sân khấu diễn tả câu chuyện trong sử thi, các nhân vật và các địa danh liên quan… Như vậy, câu chuyện đã được minh họa bằng hình ảnh, trở nên dễ hình dung hơn nhiều. Người đọc chỉ việc đọc cả chú thích cho những bức tranh, bản thân các chú thích ấy cũng có những câu chuyện.
Cuốn sách “Mahabharata bằng hình – Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ”- Lê Thị Oanh dịch, Hồ Anh Thái hiệu đính
3. Ta hãy đọc thẳng luôn vào câu chuyện, tức là vào luôn phần đầu tiên ở trang 34: Sách khởi nguyên. Ta tạm bỏ qua những trang trước đó về kinh văn Hindu, hệ thống các thần, vũ trụ theo đạo Hindu, lịch sử và thời gian… Những trang đó cũng rất bổ ích, nhưng với người nhập môn thì có thể gây nhầm lẫn. Cho nên ta sẽ quay lại, sau khi đã thưởng thức câu chuyện trong sử thi.
Hãy bắt đầu đọc phần một, “giới thiệu tổ tiên các nhân vật chính, thiết lập bối cảnh câu chuyện… Mô tả sự ra đời của anh em nhà Kaurava và Pandava, các chi tiết về sự kình địch ngày càng tăng giữa hai nhà và kết thúc bằng việc phân chia vương quốc Kuru” giữa hai nhà này.
Để cho dễ theo dõi, xin rút ngắn câu chuyện xuống mức tối thiểu:
Ông anh mù không làm vua được cho nên ông em được phong vương. Nhưng một thời gian sau, ông em mắc bệnh, phải để lại vương quốc cho ông anh, rồi đi vào rừng ẩn cư.
Ông anh mù có một trăm con trai, gọi là một trăm anh em Kaurava. Một trăm đứa con trai này sinh ra trong một cái bọc, người ta đập vỡ cái bọc thành một trăm mảnh, ủ vào một trăm cái hũ đất mà nở thành con (có nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng buổi đầu của sử thi Ấn Độ vào Việt Nam đã sinh ra truyền thuyết một trăm con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ngay cả thần khỉ Hanuman của Ấn Độ cũng đã ảnh hưởng vào văn hóa Trung Hoa mà thành Tôn Ngộ Không).
Ông vua em có năm con trai, gọi là năm anh em Pandava. Một trăm anh em con ông bác muốn độc chiếm toàn bộ vương quốc, họ âm mưu đuổi năm anh em con ông chú vào rừng mà không được. Anh em nhà Kaurava bèn bày ra trò đánh bạc, ép anh cả của nhà Pandava vào chơi. Chúng dùng thủ đoạn gian lận khiến cho nhà Pandava thua bạc, mất nửa vương quốc của mình, phải lưu đày vào rừng mười ba năm. Điều kiện: Năm thứ mười ba phải ẩn danh, nếu bị phát hiện thì phải lưu đày tiếp mười ba năm nữa.
Năm anh em Pandava và người vợ chung là Draupadi phải sống trong rừng. Trường hợp năm ông lấy một bà này rất thú vị, ta hãy đọc chương “Draupadi” để biết cụ thể. Họ ẩn danh thành công vào năm thứ mười ba và trở về. Mâu thuẫn giờ đây chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh. Cuộc chiến nổ ra trên chiến trường Kurukshetra, cách thủ đô New Delhi ngày nay 160km. Sau mười tám ngày, toàn bộ một trăm anh em nhà Kaurava cùng các vị vua đồng minh của họ bị tiêu diệt. Năm anh em Pandava giành lại được vương quốc của mình.
Sau cuộc chiến anh em họ hàng tàn sát lẫn nhau, hai bà mẹ của hai gia đình cùng các vị trưởng lão vào rừng ẩn tu. Năm anh em làm cho vương quốc thịnh vượng, rồi giao lại vương quốc cho con cai trị, họ lên đường mưu cầu chân lý. Con đường đưa họ lên cả thiên đường và xuống địa ngục. Đến kết sử thi, câu chuyện vẫn còn hứa hẹn hấp dẫn và là bài triết học sâu sắc.
4. Sau khi đã nắm trọn cốt truyện này, ta mới quay lại đọc những câu chuyện liên quan đến các nhân vật chính. Chuyện về ông bà tổ tiên của họ. Chuyện về các vị vua láng giềng, đồng minh của hai phe. Chuyện về Krishna hào hoa, được coi như là thần Bảo vệ Vishnu giáng trần. Bản thân Krishna lại có cả một pho truyền thuyết li kỳ về sự ra đời, báo ân và báo oán. Ngày đầu tiên trên chiến trường, chàng Pandava thứ ba là Arjuna không muốn tấn công vì thấy bên địch là một trăm anh em họ của mình. Krishna đã thuyết cho Arjuna về bổn phận chiến binh, đấy là bài Bhagvad Gita (Chí Tôn Ca). Quyển Mahabharata bằng hình này dành 50 trang khổ lớn để trình bày một số câu thơ trong Chí Tôn Ca bằng tiếng Hindi, được viết theo lối thư pháp, rất đẹp mắt (trang 238-287).
5. Cuối cùng ta mới tìm hiểu về tác giả của sử thi. Đây là công trình tập thể của nhiều hiền giả, ẩn sĩ, nhà thơ, được bổ sung thêm thắt trong mười thế kỷ mới hoàn chỉnh. Người đầu tiên xướng lên những vần thơ Mahabharata là ẩn sĩ Vyasa. Ông đang ẩn tu trong rừng thì bị mẹ gọi về, buộc phải ăn ở với hai bà vợ để sinh con cho dòng họ. Ở trong rừng lâu, râu tóc bờm xờm, da dẻ mốc thếch, nên khi ông xuất hiện, bà thứ nhất sợ quá nhắm tịt mắt, vì vậy đẻ ra một đứa con trai mù, sau này thành ông vua mù có một trăm con trai Kaurava. Bà thứ hai thấy ông thì sợ xanh mặt, nên đẻ ra một đứa con trai có làn da xanh tái và ốm yếu, về sau trở thành ông vua em ốm đau, có năm con trai Pandava.
Như vậy tác giả thiên sử thi cũng chính là ông nội của các nhân vật chính trong sử thi, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến nồi da xáo thịt.
Giống như mọi hiền giả và thi sĩ cổ đại, Vyasa không màng đến chữ viết (và có thể không cần biết chữ). Ông đọc to lên những vần thơ cho Ganesha chép thành văn bản.
Ganesha, đầu voi mình người, là thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng. Thần Hủy Diệt và Tái Tạo Shiva đi xa nhiều năm, khi trở về thấy vợ mình ngồi cùng một chàng trai lạ. Shiva tuốt gươm chém bay đầu chàng trai rồi mới biết đó là Ganesha, con trai mình. Shiva thề sẽ lắp cho con trai cái đầu của bất cứ ai sắp xuất hiện. Cùng lúc đó, một con voi từ trong rừng đi ra. Thế là Ganesha mang cái đầu voi, được người Ấn Độ thờ để con cái có tri thức và có của cải.
Sau khi nắm được những nội dung này, bạn có thể thấy là sử thi Mahabharata đã trở nên dễ tiếp nhận.
28/11/2021
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...