Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Nhà thơ Lâm Huy Nhuận: "Người trong gương ấy còn đau hơn mình…"

Nhà thơ Lâm Huy Nhuận: "Người
trong gương ấy còn đau hơn mình…"

Lâm Huy Nhuận, cái tên không quá nổi nhưng cũng chẳng hề bị khuất chìm giữa bạt ngàn nhà thơ mọc như nấm sau mưa. Anh là vậy, luôn ở giữa những sắc thái: nóng-lạnh, sáng-tối, thực-ảo…
Nhà thơ Lâm Huy Nhuận. Ký hoạ của họa sĩ Ðỗ Hoàng Tường.
“Câu thơ lạnh đọng mưa sau trang sách”
Lâm Huy Nhuận, cái tên không quá nổi nhưng cũng chẳng hề bị khuất chìm giữa bạt ngàn nhà thơ mọc như nấm sau mưa. Anh là vậy, luôn ở giữa những sắc thái: nóng-lạnh, sáng-tối, thực-ảo… như chính anh đã thú nhận trong Bài kệ 1: Tôi nằm giữa thực và mơ/ Mà nghe tay buốt hai bờ thương đau/ Có bông hoa nhỏ dưới cầu/ Nở ra trắng muốt không màu thời gian.
Chiến tranh. Nhuận đã từng băng qua và găm lại những viên đạn thơ, âm hưởng giống người bạn thơ cùng Trường đại học Tổng hợp Văn Hoàng Nhuận Cầm: Anh ngã xuống một đêm như thế/ Đó là đêm chớp lửa với ngọn cây/ Đó là đêm tiếng rừng và gió/ Bết vào nhau như tóc ướt trên tay. Đó là những ngày lòng người lính nước mắt già hơn tuổi, để bắt đầu phát lộ một Lâm Huy Nhuận độc đáo ngay từ những bài thơ viết về mặt trận.
Lâm Huy Nhuận quê Bình Định, tướng “ngũ đoản” đa tài: biết võ, xem tử vi, bốc thuốc, kê đơn, thạo cả đồ cổ, vẽ vời và làm thơ. Ngần ấy thứ trong anh như có một sợi dây xâu liền lại thành một chuỗi hợp lý.
Thơ Lâm Huy Nhuận là một thế giới riêng, không dễ nhập vào đám đông. Chỉ cánh cổng thông sang căn phòng thơ ca sang quý của cụ thân sinh Yến Lan. Dưới nếp nhà cổ phong, anh tiếp thu từ người Cha – một nhà thơ lớn trong Trường thơ Loạn đất Bình Định: Tuổi cha ngoài sáu mươi/ Mang trái tim nghìn tuổi/ Đôi mắt mới lên mười/ Cái nhìn nêu câu hỏi. Để rồi thèm một trạng thái “tĩnh lặng” đến ngây thơ của Cha mình: Con thèm được ngơ ngác/ Như cái nhìn của cha.
Thơ Lâm Huy Nhuận đậm triết, ngấm như đọc câu kinh, câu kệ. Tập thơ riêng của anh Chiều có thật nội dung rất hợp với thiết kế bìa của Phan Cẩm Thượng, họa sĩ quen sống ở chùa. Thơ không kể lể mà là gieo vào lòng người những ý niệm. Nhiều nhà thơ có thơ đọc vang ra ngoài, thơ Nhuận ngược lại dội vào trong, mỗi câu chữ được gọt hết những vỉa thừa, như tiếng vọng xuống lòng giếng sâu. Có những vần thơ đẹp như tranh và ngân như nhạc: Tăm cá vỡ mặt hồ/ Sóng chạm vào nỗi nhớ/ Tới em; có những lúc anh khát khao như một chàng trai tuổi mới yêu “vầng trăng non vừa hé”: Hãy nhìn vào xa xăm/ Dẫu lòng chưa lặng gió/ Đôi mắt em miền lạ/ Khát môi anh một đời”; nhưng âm hưởng chung là buồn. Thơ ghi lại những ngày cô đơn: Và đôi lúc/ Chúng ta buồn/ Quá thể/ Ném lên trời/ Vài câu hát chơi. Thơ trong những đêm dài như chiếc neo giữ anh lại với con đường độc đạo: Ngày dài và đêm dài/ Được chút chiều lại ngắn/ Vừa nhận ra cuối mây/ Đã chìm vào đêm vắng, để tự mình xác lập một trạng thái: Với khoảng trống giường đôi/ Nơi đọng em vết cũ/ Xác ngày không ai rũ. Những ngày buồn lê thê đó, Nhuận còn muốn xé ra từng miếng/ Hình em dán khắp trời, anh bỏ thơ, đốt tiền vào sơn dầu để vẽ, vẽ như điên như quên như say.
Nhưng rồi vẫn không bỏ được thơ. Thơ cho Nhuận những khúc kỳ tài, trong đó có những tứ tuyệt, không lệ vào Đường thi, mà thoát ra theo lối riêng:
Áo lẫn nhòa cây em lẫn anh
Chim thôi rũ nắng động run cành
Những mong trở lại vườn yêu ấy
Chỉ sợ đôi mình hóa búp xanh
Để rồi Kẻ ra đưa tiễn tình theo suốt/ Bỏ lại sân ga mấy chấm người…
“Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi”
Một dạo trên căn gác cũ nhà tôi, vốn gần nhà Lâm Huy Nhuận cũ, phố Hàng Quạt, hầu như tối nào cũng đón anh qua chơi. Cha tôi quý, hiểu và chiều Nhuận, cứ lặng lẽ pha trà ngồi nghe Nhuận nói và đọc thơ. Có những lần say, Nhuận nhổm dậy, xuống tấn, đi vài đường quyền ngỡ rung sập lớp sàn gỗ mọt. Ngày đầu tiên, rời quân ngũ, Nhuận khoác chiếc ba-lô cũ sờn ra mắt Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, trông tướng mạo, ai nấy đều hiểu sẽ là những ngày “chiều chuộng” một cá tính.
Và mái ấm tình văn chương đó đã cưu mang Nhuận trong những vui buồn. “Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi”, và nhận về ấm nóng một người tài, bỏ sang một bên những dị biệt mà phải thật thấu hiểu mới cảm thông được.
Ngoài thơ, Nhuận còn vẽ tranh. Tranh “bản năng” của Nhuận độc, lạ và giống như một thứ thơ viết bằng ngôn ngữ màu sắc. Nhuận kể, những lần say rượu anh thường ngồi trước giấy vẽ, ngẫm nghĩ, thiền, rồi quờ 10 đầu ngón tay vào màu loằng ngoằng bôi lên giấy. Sau đó ngồi ngắm, thấy giống hình gì thì vẽ hoàn thiện hình đó. Nhuận thích mầu gạch non, lấy làm mầu chủ đạo trong nhiều bức. Đôi khi được kết hợp với mầu xám, tạo nên một lớp mầu bàng bạc khá lạ… Những đôi gà sống mái xoắn xuýt nhau tạo thành bố cục hình bát quát; những chú gà non chiêm chiếp, cánh ướt mưa tồi tội; chú mèo đầy uy lực vờn con cá chép đáng thương dưới móng vuốt sắc như hổ.
Nhuận uống. Nhuận vui. Người xung quanh ngại. Nhuận tạo sóng, tạo gió nhờ cá tính dị biệt của mình. Đó là lúc bốc đồng. Còn những buổi chiều nhiều tâm trạng, uống hiền, chỉ có rượu và thơ thôi thì tuyệt. Nhuận da diết đọc như chỉ có thơ là thứ tinh diệu nhất trên đời. Như chỉ thơ là có thể thay thế được tôn giáo. Lúc đó, Nhuận ngồi thu mình, trầm ngâm giấu “móng vuốt”, không động chạm ai, không bàn chuyện chính trị. Riêng đôi mắt nheo nheo vẫn không ngừng sắc, tinh và chứa những u uẩn chỉ mình anh biết và luôn đón đợi. Nhuận có sự tự chủ cao, một mình một khoảnh, ít tựa vào người khác. Ngay cả lúc cô đơn nhất, Nhuận cũng thề sẽ “Tự xông đất”, chứ chẳng cậy ai. Vượt qua cả nỗi đau, bình tâm đến ngạo nghễ thề xin “cưới đêm” khi “Họ rước em” “trong gió loạn xe hoa đến”, khỏa lấp những hố sâu cơn cớ.
Lâm Huy Nhuận đó, quậy tung trời nhưng cũng thăm thẳm là vậy. Giờ đã sang cái tuổi ở ngưỡng bên kia, Nhuận đằm lại, yên ắng. Chỉ thơ vẫn ngày ngày được kê ra cùng với những vị thuốc hăng hắc giữa một không gian cổ phong trầm trầm những bình lọ cổ…
Thơ LÂM HUY NHUẬN
TỰ XÔNG ĐẤT
Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa
Tự đốt pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau
Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình.
MÙA THU
Tăm cá vỡ mặt hồ
Sóng chạm vào nỗi nhớ
Tới em
Mùa thu
Tiếng chim gù
Cuối phố
Em còn nhìn bỡ ngỡ
Hai mắt tròn như đôi tiếng chim
Khi lặng lẽ khẽ tìm
Một chấm hè son trên cành phượng
Cái tuổi biết yêu thu đầy mộng tưởng
Mà ngày ơi đã ngắn dần rồi
Thu về chín vỡ trong tôi
Hương bao trái lạ rối bời lời chim
Thu đi để lại bên thềm
Nghìn con mắt lá đang nhìn về đâu
Chúng mình đã lỡ thương nhau
Đừng như thu rụng đôi màu lá thu.
23/2/2022
Trần Nhật Minh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...