Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Diễm Phượng 2

Diễm Phượng 2

Em bất bình bỏ đi ngay, nhưng về sở thì ông giám đốc gọi em vào phòng giấy của ổng mà cho em hay rằng ổng không cần em nữa, cho em hai tháng lương bồi thường thâm niên và sự thôi việc. Ổng nói em mới làm có ba bốn tháng mà được bồi thường hai tháng lương là hậu lắm đó.

Em tức nghẹn, không nói được mà cũng không khóc được.

Sau suy nghĩ nhiều, em mới biết rằng ổng chán em mà không dứt khoát được nên mới âm mưu với bà kia, để sẽ có dịp bắt quả tang em nhảy dù. Nhưng em không ngã, ổng phải đuổi em vậy.

Em thất nghiệp hai tháng, hết tiền và quẫn bách quá, đành trở lại bà chủ phòng ngủ lậu.

Vì thế mà thầy Quang mới biết em.

Ban đầu em ngỡ là anh biết sự thật, muốn cái gì, nên cứ đến. Không dè anh không như người khác, đề nghị hôn nhơn, em kẹt vì nhơn chứng Quang ấy, đành phải từ chối, nhưng lại thương anh sợ anh quá si rồi tự tử, nên lại phải tự vạch áo cho anh xem lưng.

Anh đau nhưng rồi anh sẽ quên em. Lương tâm em sẽ an ổn.

Tôi đã chết lặng từ lâu, từ hơn mười phút đồng hồ rồi.

Tôi chết đứng vì cô Thu vừa bị giết, bị chính cô ta giết chết.

Cả hai chúng tôi đều im lặng rất lâu, rồi tôi mếu máo nói :

- Em.

- Dạ.

- Em dại quá !...

- Vâng, em chưa phải là con quỉ, vì thế nên em mới còn ráng tìm chỗ làm.

- Em dại quá. Cái kẹt của em rất dễ tháo gỡ. Em cứ tìm riêng thầy Quang, lạy thầy là để em yên, cho em hoàn lương. Thầy ấy coi vậy mà tốt bụng lắm.

Như vậy có phải là anh được hạnh phúc và em có dịp làm lại cuộc đời hay không ?

Tôi nói vừa xong thì Thu ôm mặt khóc òa, lâu lắm nàng mới nói được !

- Em còn ngu lắm. Con gái trong trắng không ra con gái trong trắng, mà lão luyện trong tình trường cũng chưa lão luyện. Em tự sát thật là vô ích, làm cho anh đau, không lợi gì cho ai cả. Nhưng đây là bài học mà em đã trả giá rất đắt, trả bằng một chuyến hụt xe hoa, chắc rồi em sẽ khôn ra được.

Thôi, vĩnh biết anh nhá ! Lần nầy thì vĩnh biệt thật, em bặt tin luôn mà khỏi lo anh tự tử.

Tôi tần ngần, đứng nhìn theo hai cô gái cứ xa lần, xa lần tôi, một cô Giang, sát nhơn, và một cái xác của cô Thu, cả hai thất thểu bước đi trên hè phố.

Tôi rất tiếc là cô Giang còn khờ quá. Nếu cô ta đã thành một con hồ ly chánh hiệu thì cô ta sẽ tàng hình để cho cô Thu tạo hạnh phúc cho tôi.

Vâng, chắc chắc là tôi sẽ được hạnh phúc thật sự với một ả giang hồ mà tôi không biết dĩ vãng, bởi cô Thu đoan trang với cô Thu bán phấn buôn hương nào có khác gì nhau đâu.

Hai cô chỉ khác nhau khi nào cô biết sự thật. Nhưng tôi chỉ biết ảo ảnh mà thôi, thì tôi sẽ được hạnh phúc.

Thì ra giữa sự lành lặn và sự hư hèn, biên giới rất mong manh, cốt là kẻ ấy có đặt biên giới, và ta đừng vượt biên giới.

Cả hai chúng tôi đều không may, cô Giang bị kẹt thầy Quang và quá non trí, không đặt biên giới được, còn tôi thì phải vượt biên giới một cách bất đắc dĩ.

Bóng kẻ sát nhân và bóng xác chết đã mất hút trong đám đông hè phố từ lâu rồi mà tôi cứ còn tần ngần đứng đó, thương xót một thiếu nữ không may, thương tiếc một người đẹp vừa mất và thương hại cho mình, vừa bắt đầu yêu đã phải chạm trán với một bề trái không đẹp của cuộc đời.


(Tuần báo Tâm Tình, 1965)

TIẾNG THỜI GIAN

Từ cầu Cổ Cò vào chợ Mỹ Lương, đi đường thủy, mất ít lắm là ba tiếng đồng hồ chèo xuồng.

Gặp mùa nước đổ, nước trong Đồng Tháp Mười tuông mạnh ra, khiến cho việc chèo ngược dòng là cả một kỳ công.

Thế mà Thạnh đã ba lần đòi quay trở lại khi xuồng tiến mau trên rạch Ông Mẻ được hai phần đường rồi. Nếu không có bạn chàng khuyên dứt thì trong cuộc hành hương hôm đó, họ đã chẳng đến nơi.

Phải, đây là một cuộc hành hương thật sự. Chợ Mỹ Lương là nơi đã nghỉ yên một đoạn dĩ vãng của họ, nghỉ yên một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy lại nữa. Họ đã yêu ở đó, đã đau buồn vì vận nước ở đó, và đã phấn khởi làm phận sự ở đó.

Hàng trăm đám lục bình xanh đang chạy đua xuôi dòng rạch Ông Mẻ vàng khè phù sa khiến họ nhớ đến những đêm năm nào mà họ vượt đồn Cổ Cò bằng cách lội úp theo những đám lục bình cứu tinh đó.

Sao Thạnh đã gần đến nơi rồi lại còn muốn quay về ? Sự thật thì chàng đã định bỏ cuộc ngay từ lúc mới xuống xuồng, và càng đi gần tới đích chàng càng lo sợ và càng muốn thôi không đi nữa.

Cả hai người bạn đều phấn khởi lúc rủ nhau về đây. Mười năm lăn lóc trong cuộc vật lộn để giành chén cơm, họ thường nghĩ đến cái nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của họ.

Và hôm qua đây, nhơn thấy cũng đỡ bê bối tiền bạc phần nào, họ đồng tình về chốn quê cũ một chuyến, để thăm lại cảnh cũ người xưa, và nhứt là để xem hòn giả sơn của chú Dầu Ía có còn hay không.

Ở chợ Mỹ Lương chỉ có độc một gia đình Trung Hoa. Chú Dầu Ía, người chủ gia đình, thích chơi cây cảnh, non bộ. Sau nhà chú, chú có đắp một hòn giả sơn rất khéo mà Thạnh chưa thấy hòn giả sơn nào đẹp bằng.

Hôm qua đây, cả hai người đều có ý về Mỹ Lương một lượt, và Thạnh hăng hái nhứt, nói là rất nhớ hòn giả sơn đó.

Nhưng thật ra, chàng chỉ bồn chồn gặp lại người kia. Cái háo hức buổi đầu lại nguôi lần lần trên đường thôn du nầy, vì một lẽ làm chàng băn khoăn mãi từ lúc bước chơn xuống xuồng.

Khi họ thấy đằng xa sông Cái Cối chắn ngang con rạch Ông Mẻ, họ nhìn về bên trái thì chợ Mỹ Lương thoáng hiện xa xa, cheo leo trên doi đất tại ngã ba sông.

Thì ra chợ Mỹ Lương vẫn còn nguyên vẹn, đó là cái chợ thôn dã hiếm hoi không bị tàn phá lúc chiến tranh.

Nước sông đổ rất mạnh, khiến Thạnh hoảng lắm, chàng mong cho xuồng cứ tiến thật chậm để lùi lại cho lâu cái lúc đến nơi.

Ngã ba sông Cái Cối.

Chợ Mỹ Lương là kiểu mẫu cổ điển của nhiều chợ xép Tiền Giang. Chợ ngó xuống sông, và hai bên hông chợ, hai dãy nhà cũng trông xuống bến. Nhưng hai dãy nhà ấy lại bị dãy nhà sàn đối diện ngăn tầm mắt lại. Con đường mòn hẹp té, nhưng ngay bon, đi thẳng giữa hai dãy nhà vừa kể trên rồi mất hút trong rặng dừa đằng xa.

Bốn dãy nhà gồm bốn mươi căn, mỗi căn bán một thứ hàng hóa giống hệt ở mọi chợ khác. Có tiệm hớt tóc, mà những giờ vắng khách, mấy anh thợ ngồi buồn gảy ghi-ta; một tiệm may, vài tiệm chạp phô, một hiệu trữ dược phẩm Âu Mỹ kiêm bán sách báo, một hiệu ba da, một hiệu bán chén và đồ gốm v.v...

Họ lên bờ và căn nhà họ tìm trước hết là hiệu thuốc bắc "Tăng-Thọ-Đường".

"Tăng-Thọ-Đường" vẫn vững như một con người được tăng thọ. Tấm bảng hiệu dựng đứng theo lối Trung Hoa, trên viết lăng nhăng một cột chữ Tàu, đã rạn nứt vì mưa nắng gió sương, nhưng chữ mạ vàng vẫn còn đọc được.

Nhà có gác, chiếc gác thấp, mái cong cong như mái chùa, và cửa song sơn đỏ, gợi nhớ hình ảnh nước Tàu ngàn xưa mà người khách trú chủ hiệu thuốc nầy thương mến nhái lối kiến trúc ấy được phần nào hay phần ấy.

Cả hai đứng lại rất lâu nơi doi đất trước ngã ba sông, bùi ngùi nhìn những mái nhà đóng rêu, bùi ngùi nhìn chơn trời quen bên kia sông. Cảnh vật như được ướp lạnh hằng bao thế kỷ, và nay mở tủ lạnh ra, nó vẫn y nguyên như cũ. Chỉ có người là khác xưa. Anh thợ hớt tóc tiệm Nam Hưng, căn nhà bìa cheo leo trên bờ sông, trẻ hơn anh thợ ngày trước nhiều. Khách của ông ta cũng trẻ hơn. Cả bọn chơi măng-đô-lin, và ca tân nhạc, họ tìm trên vách mãi mà không thấy bóng cây đờn kìm cẩn ốc của bác thợ năm đó.

Mặc dầu lo sợ, Thạnh cũng bươn bả theo bạn sau lúc đứng chiêm nghiệm ở bờ sông. Hồi hộp lắm ! Nôn nao gặp lại người xưa, mà sợ sự gặp mặt đó, sợ nhưng cứ muốn gặp gỡ ngay!

Cụp... keng... keng... cụp... keng... keng... Tiếng chày giã thuốc trong chiếc cối bằng đồng, cứ giã một cái lại nhịp hai cái trên thành cối, tiếng nhạc đều đều kéo dài từ ngàn đời rồi trong giới dao cầu Trung Hoa ấy, đã nghe rõ khi họ bước tới trước thềm Tăng-Thọ-Đường.

Người giã thuốc không phải là ông Tăng-Thọ nữa mà là một người trung Hoa còn trẻ, độ ba mươi. Ông Tăng-Thọ đầu đã bạc phơ, ngồi ngậm một chiếc điếu dài gần bốn gang tay, mắt lim dim lắng nghe tiếng nhạc chày nện trên cối.

- Ông chủ a ! Mạnh giỏi chớ, ông chủ ?

Tiếng chày bỗng ngưng nện, tiếng chim chắc chè ngưng gáy trong lồng và ông Tăng-Thọ nhảy nhổm lên. Ông đẩy cặp kiếng trắng lên cái trán hói và láng bóng, rồi trố mắt nhìn hai người khách lạ đang bước qua ngưỡng cửa.

- Ông thầy còn nhớ anh em tôi không ?

Ông Tăng-Thọ vừa bán thuốc, vừa làm y sĩ, nên họ mới gọi thế. Ông ta cười hề hề mà rằng:

- Nhớ... Mà quên... a... nhớ ít ít thôi.

- Thằng Ba với thằng Tư, hai con sâu cam thảo đây mà !

- A, nhớ dồi ! Lâu quá, anh em còn mạnh giỏi hơ. A, ngóa mừng quá mà.

Ông Tăng-Thọ mừng rối rít, hối người nhà pha trà, rồi giới thiệu với khách :

- Thằng Hinh, dể của ngóa.

Thì ra, cái người giã thuốc là rể của ông ta. Thạnh thừ người ra, không phải vì ngạc nhiên, mà vì hơi bần thần trước một chuyện phải xảy ra, đã xảy ra, nhưng khó tin vì chàng ta mơ hảo.

Phải, cô Chúi Tín (Thủy Tiên) ấy thế nào cũng phải lấy chồng và cũng phải được lấy chồng. Cô năm nay có lẽ đã gần ba mươi, đẹp người, lại con nhà khá giả thì không lý do nào cô làm gái già cho đến lúc doi đất nơi chợ nầy sụp lở.

Chàng đã yêu cô Chúi Tín ấy, một cô gái Trung Hoa đã được Việt Nam hóa một trăm phần trăm, nhưng ông Tăng-Thọ, từ khi vợ chết, cứ nghe cô đơn và muốn chọn rể người Tàu cho có bạn, thành thử hai người không lấy nhau được.

Mười năm... Không biết bao nhiêu là nước chảy dưới cầu Cổ Cò, không biết bao nhiêu là nước chảy dưới dãy nhà sàn trước chợ. Trí chàng cho biết rằng Chúi Tín thế nào cũng đã lấy chồng, nhưng lòng chàng cứ chối rằng sự ấy đã xảy ra.

Mười năm...

Bây giờ chú rể bắt đầu giã thuốc trở lại, cụp... keng... keng... cụp... keng... keng.... Ông Tăng-Thọ rót trà ra trong những cái chén nhỏ bằng ngón tay cái và mời khách. Cả ba ngồi trước một cây xi-cú mà làm thinh, để nhớ lại năm nào mà họ đã núp sau hàng dừa để xem tàu Tây rần rộ chạy qua trước chợ, bắn bậy lên mà không ghé lại bao giờ.

Thạnh nóng nảy khi nhìn thấy chủ nhà cứ uống trà từng hớp một, hỏi :

- Ông thầy à, còn hòn non bộ ?

- Hà, cố lứ còn nhớ cái hòn non bộ ấy à. Hà, bây giờ tốt lắm, tốt quá !

- Cho xem được không ông thầy ?

- Sao lại khôn lược.

Ông thầy đứng lên, đi ra sau, hai người khách theo ra bén gót.

Hòn giả sơn ấy nằm ở sân trong, giữa nhà trên và nhà bếp, trong một cái hồ cạn thả bèo và cá lia thia.

Năm, tháng, gió, sương đã đi qua trên đó thêm mười năm nữa nên lớp rêu xanh bây giờ xanh rậm ri, đẹp không biết chừng nào. Nước cứ theo sơn khê mà đổ xuống hồ, và lão ngư phủ cứ thả cần câu, bất kể thời gian, trông hệt như ông già ở sông Vị.

Bộ giả sơn đẹp như một câu chuyện cổ tích bị lớp bụi thời gian phủ lên, càng dầy, càng hay, càng đẹp.

Bỗng tiếng người trẻ thơ lao nhao từ ngoài trước, ông Tăng-Thọ nhìn Thạnh, cười hề hề nói:

- Con Chúi Tín về đó.

Thạnh quay lại thì một á xẩm già tay bồng tay bế những bốn đứa con vừa bước vào tới nơi.

Trời ! Chàng kêu thầm lên trong bụng. Chúi Tín không còn là Chúi Tín nữa. Á xẩm nầy mới ba mươi tuổi mà răng đã bắt đầu rụng, và má hóp một cách dị kỳ. Nàng dơ không thể tưởng tượng được vì bận với lũ con.

Vừa lúc ấy thì tiếng đồng hồ con ngựa treo nơi vách nhà trên, chậm chạp gõ.

Keng... keng... keng...

Thạnh quặn thắt lòng, nghe như tiếng thời gian đang rụng, rụng từng chiếc một. Mười năm! Sinh kế đã làm chàng quên tháng ngày trôi. Nay bỗng dưng gặp lại người cũ với nhan sắc tàn phai, chàng nghe như thình lình thời gian, vốn đang ngừng chảy, vụt lướt qua một cái vù.

Keng.. keng.. keng...

Từng chiếc, từng chiếc một, thời gian rụng dần, không hối hả, nhưng chắc chắn, không một thiên tài nào chống lại nổi cả. Thạnh đã sợ cuộc gặp gỡ nầy vì chàng biết trước rằng cũng với sự rơi rụng của thời gian, sự tàn rụng của mối tình mà chàng ấp ủ tận đáy lòng, sẽ đau như ai bị tình phụ.

Kang... keng... keng...

Mỗi tiếng chuông đồng hồ, mường tượng như mỗi giọt mưa rơi trúng ngay tim chàng. Thời gian bị quên lửng, bỗng dưng nổi lên với cả chiều sâu và chiều dài của nó, minh mông như vũ trụ.

Thạnh quì bên bệ hồ, tay vuốt lên rêu xanh non mởn của bộ giả sơn : thời gian đã lướt qua đây rồi xây dựng vẻ đẹp nơi đây, nhưng sao khi lướt qua nơi kia, nó lại tàn phá nhan sắc của người đàn bà ? Chúi Tín ơi, em có biết hay không lòng anh cũng vừa sụp đổ tơi bời. Mối tình mà anh ngỡ là kiên cố trong tim anh, bỗng dưng cũng vừa tan nát hết khi thấy mặt em. Anh đã sợ điều đó, vì anh sẽ xấu hổ với anh không biết bao nhiêu, nhưng sợ mà cũng không tránh được. Bấy lâu nay anh sống với một giấc mộng, ôm nó mà ngủ mỗi đêm, và mỗi sáng khi choàng thức tỉnh, anh âu yếm nó để đủ cam đảm mà vật lộn với đời.

Keng... keng...

Giờ đây giấc mộng đã rụng theo tiếng thời gian rồi !

Dưới kia, trong lòng sông Cái Cối, nước Tháp Mười tuông tràn ra, chảy mạnh như thời gian, và những đám lục bình trôi mau trên mặt nước, không đám nào giống đám nào hết, càng không giống đám lục bình của mười năm xưa.


(Tuần báo Vui Sống, 1959)

BỨC THƯ CHƯA GỞI

Có nhiều người kinh nghiệm thường bảo rằng hôn nhơn chỉ là một cuộc xổ số, may rủi khó lường.

Không rõ với thiên hạ thì sao, nhưng nhận xét ấy đúng với trường hợp của tôi lắm.

Tôi gặp chàng do một sự tình cờ. Rồi quen nhau. Nhưng quen nhau, chỉ có thể biết tánh tình nhau thôi chớ không có nghĩa là biết hết mọi điều : dĩ vãng, dòng họ của chàng...

Sau trận thế chiến, trong nước ta lại có chiến tranh riêng của ta, khiến nhiều gia đình ly tán, tàn rụi, và mất gốc.

Chàng thuộc hạng người đó và tôi cũng vậy. Không còn cha mẹ, anh em, họ hàng gì cả, chúng tôi trôi nổi lên Saigon thì làm sao dọ hỏi về nhau như thời xưa cho được.

Âu là yêu nhau thì nhắm mắt lấy nhau vậy. Xã hội ta, dầu không muốn, cũng phải chịu giống các xã hội Âu Mỹ về khía cạnh đó. Bên ấy, trong các thành phố lớn, họ cũng nhắm mắt lấy nhau như thế chớ một cá nhân bị chìm trong một đô thị tám triệu người thì còn biết cá nhân ấy thật rõ làm sao cho được.

Tôi có thể đã ba con rồi, giấu đút mướn vú nuôi trong một xóm nhà lá nào, chàng cũng có thể đã hai ba vợ, một cô ở Bàn Cờ, một cô ở Gia Định, cô thứ ba ở Bàu Sen, làm sao tôi biết được.

Cái câu :"Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" cứ ngỡ chỉ đúng trong thời xửa thời xưa nào, thế mà lại cứ đúng mãi mới kỳ.

Nhưng tôi đã gặp bến trong đấy, các bạn gái ơi ! Mừng giùm tôi nhé.

Tuy không còn bà con họ hàng, nhưng tôi có nhiều bạn, rất đông bạn gái và vài bạn trai. Tất cả đều đồng thinh bảo là tôi có phước. Mà quả đúng như vậy.

Chàng đẹp trai, lương to, địa vị vững, không rượu chè, cờ bạc gì cả, cho đến đổi thuốc điếu thơm mà chàng cũng không hút được thì quả là một ông thánh sống, một con người "lành mạnh xây dựng" nhứt thế gian.

Tôi lại có cảm giác rằng chàng chưa biết đến đàn bà trước khi cưới tôi.

Là trinh nữ, tôi vẫn có xem chiếu bóng, vẫn có đọc tiểu thuyết tình mê ly. Chàng rất vụng về trong đêm tân hôn, chớ không phải bảnh như mấy vai chánh trong phim, hoặc trong tiểu thuyết.

Tôi đã thẹn quá, mà chàng lại không biết làm sao, không biết nói gì, không biết gạt gẫm tôi, thành thử chúng tôi sống "lành mạnh" suốt tuần lễ đầu. Có buồn cười chưa !

Nhưng chính vì thế mà tôi sung sướng không biết bao nhiêu vì tôi chắc chắn rằng tôi đã rơi vào một tay trinh nam mà tấm lòng còn trong vắt như tấm lòng của chính tôi.

Chàng rất nhát gái, bạn của tôi đến chơi chàng không dám tiếp, có bị tôi bắt ép ra ngồi cầm khách, chàng chỉ ngồi làm cảnh mà thôi, các chị ấy có hỏi gì, chàng ửng đỏ hai tai lên và trả lời ú ớ những gì không ai nghe rõ gì cả.

Nhưng không vì thế mà lũ bạn gái của tôi chê chàng. Trái lại, chúng nó mê chàng như điếu đổ, vì chúng nó là một lũ quỉ dịch, một số có kinh nghiệm, một số còn trong trắng nhưng rất tinh nghịch, mà con gái kinh nghiệm và rắn mắc nào cũng đều mê con trai thật thà.

Tôi hãnh diện lắm, và sung sướng ghê đi chớ không phải mặc cảm có chồng khờ đâu. Và tôi ghen quá sá, mệt lắm. Nhưng chính sự ghen tương cũng làm cho tôi sung sướng hơn lên.

Tôi yêu, tôi quí chàng như ông lão quí vợ bé mươì tám tuổi vậy lận. Sao mà chàng hiền lành như ông Phật, và chân thật như hòn đất.

Môi chàng chưa hôn cô nào cả nên nó ngọt và thơm như môi trẻ con, và mỗi lần chàng hôn tôi, tôi nghe rõ ràng tình yêu của chàng như một thứ nước cam lộ nó chảy vào tôi. Trời ơi sao mà tôi sung sướng đến thế nầy !

Ngoài giờ đi làm, ngoài những chuyến đi công tác ở Hậu Giang và ở miền Trung, chàng không hề rời tôi nửa bước.

Chiều chiều, chàng đi làm về, tôi đang thổi nấu dưới bếp, mặt lọ lem và má với lại tóc hôi nước mắm, tanh cá ghê lắm, thế mà chàng chạy a xuống, ẵm tôi lên hôn trơ hôn trất, bất kể chiếc sơ-mi trắng nõn như áo của chú học trò ngoan, bất kể nó bị tay bẩn của tôi làm hoen ố.

Có mặt con nhỏ ở, chàng cũng thây kệ, cứ nựng nịu tôi cho thỏa lòng nhớ vợ của chàng suốt mấy tiếng đồng hồ vắng mặt.

Chàng đi thay đồ trong buồng thì con nhỏ ở cười với tôi :

- Thầy cưng cô quá sá. Không bằng thầy năm mà em ở hồi trước, thẩy chửi vợ tưới hột sen.

Chàng không có thề non hẹn biển với tôi như những anh chồng đời xưa, vì đời nay, các cô vợ tinh khôn hơn, có kinh nghiệm hơn, giỏi tâm lý đàn ông hơn, nên họ không thèm nghe lời thề thốt nào nữa cả mà chỉ quan sát để rồi kết luận về mức độ của tình cảm của chồng họ đối với họ thôi.

Tôi đã quan sát chàng và tin chắc rằng chàng yêu tôi với tất cả tấm lòng chàng, một tình yêu không bợn bởi giấc mơ phiêu lưu tình ái ngoại hôn nào cả.

Hạnh phúc của tôi hoàn toàn và đầy đủ quá khiến tôi đâm sợ. Tôi tin dị đoan, vì người ta thường bảo trong tình vợ chồng phải có cái gì đó không được tròn trịa lắm chớ nó quá trơn tru thì đó là điểm chẳng lành cho sự bền vững của cuộc sống chung.

Đôi lần, tôi thỏ thẻ nỗi lo lắng của tôi cho chàng nghe thì chàng phá lên cười mà rằng :

- Nếu thế thì rất dễ đề phòng. Em hãy để cho anh có mèo, tức là tạo ra gai góc cho nó hết trơn tru, thế là vợ chồng ta sẽ sống trăm tuổi, bách niên giai lão.

Tôi véo chàng một cái mỗi lần chàng pha trò như vậy rồi chúng tôi cười xòa với nhau, tôi quên tất cả mọi băn khoăn lo sợ.

Ở với nhau đúng một năm rưởi thì tôi thọ thai.

Trời, phải các bạn mà thấy được cái mức cưng vợ của chàng.

Chàng đã đích thân chà gạch sàn nước mỗi hôm bằng bàn chải sắt, không dám giao công việc quan trọng ấy cho con nhỏ ở. Chàng sợ gạch trơn tôi trợt chơn mà té thì nguy.

Tôi nhõng nhẽo ghê lắm và chàng hay nói rằng :

- Ừ, ráng mà nhõng nhẽo đi cưng, để vài tháng nữa, chú bé ấy chú ra, chú dành nhõng nhẽo hết đa.

Mấy tháng đầu tôi ốm nghén, ăn không được thì chàng cũng bỏ cơm. Thành thử chính chàng cũng ốm nghén nữa.

Đó là mùa mà chàng phải đi công tác ở miền Trung rất thường và mỗi lần xách va ly là chàng âu sầu và hôn tôi hằng trăm cái, rồi mỗi bước là mỗi ngập ngừng.

Bé Thành ra đời rồi thì ôi thôi là thích. Hạnh phúc của tôi đã lên cao tột đỉnh vì bản năng làm mẹ của người đàn bà đã được thỏa mãn mà chồng tôi lại cưng tôi hơn trước kia nữa, bởi tôi hóa ra là người có công trận lớn, công mang nặng đẻ đau, cho chàng một đứa con nối dõi.

Nhưng nỗi lo sợ của tôi trước kia lại hóa thành sự thật. Chúng tôi hưởng chung được ba năm hạnh phúc thần tiên thì một hôm, chàng bị tai nạn xe cộ. Một chiếc tắc-xi ép xe sì cút tơ của chàng vào lề. Xe ngã, chàng té, đầu bị đập vào đá ba bê.

Ba hôm hấp hối trên giường bịnh, chàng mê man không trăn trối gì cả. Vả lại, chắc chàng cũng chẳng có gì dặn dò. Đôi vợ chồng trẻ, chưa sự nghiệp. Bất quá khóc với nhau mà nói rằng :"Anh sẽ yêu em cả đến khi xuống tới tuyền đài".

Tôi chắc chắn chàng sẽ nói như vậy, chỉ như vậy thôi.

Thế rồi chàng tắt nghỉ, lúc tôi được hăm bốn xuân xanh.

Mồ chàng đã xanh cỏ từ lâu, thế mà tôi vẫn ôm ấp kỷ niệm mến yêu của người chồng lý tưởng.

Tôi không có thề với tôi rằng sẽ thủ tiết cùng chàng cho đến lúc đầu bạc răng long, nhưng tôi nghe rằng khó lòng mà yêu người khác được. Tái giá, riêng đối với tôi là một sự phản bội trắng trợn linh hồn của một người đã yêu tôi tột bực, không hề phạm một lỗi nhỏ nào trong đạo vợ chồng.

Thỉnh thoảng tôi hay soát đồ đạc của chàng, để tìm lại hình ảnh người quá cố qua bao kỷ vật ấy, nhứt là tôi hay ngửi y phục của chàng, mớ y phục không dùng trong cuộc tẩn liệm, để tìm lại mùi riêng biệt rất thân yêu của chàng.

Một hôm, dỡ chồng quần tây để đuổi những con hai đuôi, một bức thư màu lam nhạt, bỗng lưu ý tôi. Cầm thư lên xem, tôi suýt ngất vì dòng chữ đầu do chính tay chàng viết :

Em Thúy cưng của anh.

Tôi chết lặng đến mấy phút, nhưng cố trấn tỉnh, cố suy luận thuận lợi cho linh hồn chàng, vì tôi vẫn chưa tin được rằng đây là bức thơ tình của chính chàng. Biết đâu, chàng lại chẳng có người bạn có tuồng chữ giống tuồng chữ của chàng.

Thế nên rồi tôi tiếp tục đọc, và mỗi chữ mỗi vận xé lòng tôi.

Em Thúy cưng của anh.

Sai hẹn với em vì chị sửa soạn về quê để bán ruộng thì tới phút chót lại hủy chương trình, dời lại hai tháng sau.

Dạo nầy, anh chỉ có thể trốn vào giờ làm việc để đến với em thôi, nhưng lại quá bận nên cũng đành để cho em cô đơn.

Vuốt giận em và xin sẽ tạ tội với em bằng cái món quà mà em cứ ao ước mãi đó.

Nay mai, anh sẽ bịa rằng đi công tác miền Trung trong mười hôm và anh sẽ sống với em suốt tuần trăng.

Thân yêu

Đức

Thư đề ngày 20 tháng chạp năm 1962 tức vào ngày mà chàng bị tai nạn xe cộ. Đây là một bức thư chưa kịp gởi, có lẽ viết tại sở, nhưng bận việc, cất vào túi mang về nhà, hoảng hốt, cố giấu thật kín rồi quên luôn, hoặc tìm chưa ra.

Trời ơi ! Sao lại rủi ro cho chàng và cho tôi đến thế ? Nếu thư đã gởi đi, tôi nào hay biết rằng trong thành phố nầy đã có một cô gái chia sớt tình yêu của chồng tôi !

Chàng ơi ! Em không trách chàng đâu ! Em rất hiểu luật sinh lý, và mấy tháng em thọ thai bé Thành, chàng đã phải nhịn lâu quá.

Có lẽ chàng không hề muốn phản bội em, nhưng chàng đâu có phải là ông già hoặc thánh nhơn !

Chỉ là sự rủi ro thôi. Không, sự rủi ro mà em nói đây, không phải là mối tình vụn trộm của chàng mà là sự không gởi thư kịp.

Cái lỗi của chàng, trên thực tế là có thật, nhưng nếu en không bắt gặp thư nầy thì như là không có. Thành thử, cái gì cũng là ảo ảnh cả, thực là hư, hư là thực.

Chàng ơi ! Ba năm thần tiên ! Nhưng giờ biết ra thì chỉ là hư ảo ! Em đau xót vô ngần mà không còn tin tưởng vào cái gì nữa cả, kể cả sự thành thực nhứt trần đời của một người chồng gương mẫu.

Không trách chàng, em tha thứ cho chàng vì ít ra, chàng cũng đã lịch sự mà giấu khéo quá, giấu nhẹm quá !

Em cũng tha thứ người kia có lẽ vì buổi đầu nàng cũng không biết sự thật, và khi đã trót yêu anh, nàng đành phải liệu luôn vậy.

Và nhứt là em tha thứ em. Vâng, em là kẻ có lỗi phần nào, chính em đã lên án gái buồn hương, khiến anh mặc cảm tội lỗi, tránh họ, nên lại phạm tội nặng hơn là bẻ gãy cuộc đời của một cô gái có thể là ngây thơ trong trắng. Em là nhà đạo đức tầm ruồng.

Nhưng em tha thứ em vì em đã đền tội rồi, đền tội vì niềm đau nầy đây.


(Nhựt báo Tia Sáng, 1964)

BỨC THƯ ĐẾN TRỄ

Còn độ mười mấy cây số nữa thì tới nơi !

Nhân nghĩ thầm câu đó, rồi thở ra khoan khoái. Chàng nghe như bao nhiêu mệt nhọc bỗng biến đi đâu cả. Ngước nhìn lên, Nhân thấy những ống khói cao vút của vùng Bình Đông, Bình Tây nổi bật trên nền trời trong xanh. Vài ống nhả khói dày mịt và đen thui. Báo trước sự hoạt động của châu thành mà non mười năm nay chàng vắng mặt.

Nhân sung sướng không phải như người nhà quê lên tỉnh mà vì chàng sắp gặp lại người vợ mới cưới chưa đầy hai tháng thì đã phải xa nhau.

Thỉnh thoảng chàng được tin nhà. Cả nhà chàng, bên chàng và bên vợ đều về ở Saigon. Lẽ tự nhiên hôm nay chàng cũng về đó, và sẽ tìm địa chỉ mà chàng biết, 185 phố đại tá G.

Qua khỏi Phú Lâm, Nhân đón tắc-xi và độ nửa giờ sau là đến nơi.

Khỏi tả nỗi vui mừng trong gia đình, vã lại có muốn tả cũng không tài nào tả nổi.

Nhưng Nhân không trọn vui mà lại còn hơi tức : vợ chàng vắng mặt, để lại một bức nhỏ :

Mình,

Em hay tin mình về hôm nay, nhưng má bịnh nên em phải về trển mấy bữa (Má đã về Thủ Dầu Một từ hôm nghe lệnh ngưng bắn đến nay).

THÂN YÊU

Mai

Mẹ vợ chàng bịnh vợ chàng về thăm là phải lắm rồi. Nhưng Nhân cứ nghe là mình bị vợ ít yêu. Chàng có cảm giác là vợ chàng yêu mẹ hơn chồng, nên mới bỏ được cuộc tái ngộ sau mười năm xa cách.

Nhưng rốt cuộc rồi Nhân cũng tha thứ vợ được, và sốt ruột gặp mặt nàng. Nhân dông lên Thủ sau ba ngày ở nhà với cha mẹ.

Mai đã khóc khi thấy mặt chồng. Nhân sung sướng quá, và mắt chàng cũng rơm rớm lệ, chàng sung sướng vì thấy vợ mừng chàng đến chảy nước mắt. Cầm tay vợ chàng nói :

- Anh vẫn mong có ngày hôm nay, nhưng không hy vọng lắm. Mặc dầu thế, anh vẫn yêu em và, nếu anh đã chết, anh chết với niềm thương nhớ em.

Mai khóc sướt mướt, úp mặt vào tay chồng mà rằng :

- Nhưng bây giờ cớ sự như vậy, mình sẵn lòng tha thứ em thật chớ ?

- Em nói chi cái tiếng lớn lối đó. Thì má bịnh, em về đây là phải. Còn vợ chồng ta, sớm muộn gì cũng gặp nhau. Mười năm mà còn đợi nhau được kia mà.

Mai ngồi thẳng lên, trố mắt nhìn chồng, ngạc nhiên đến cực điểm.

Nàng không hiểu gì cả, không thể nào nàng hiểu được.

Nhưng dầu sao, chồng nàng cũng đã đến với nàng theo lời giao ước trong thơ. Thế nghĩa là chồng nàng đã tha thứ.

Muốn chắc ý, nàng hỏi thêm cho kỹ :

- Còn bức thơ ?

- À, anh đã đọc thơ em nên anh mới đến đây.

Mai nghe nhẹ cả người.

Rồi hai vợ chồng lại hoàn thành thời kỳ trăng mật bỏ dở chừng hồi mười lăm năm về trước. Mai tỏ ra một người đờn bà yêu chồng và phụng sự chồng một cách châu đáo.

Nhân thấy mình hoàn toàn hạnh phúc về vấn đề vợ con, và bạn hữu chàng ai cũng thấy thế.

Rồi vợ chàng lại sanh con và tình thương yêu giữa hai người lại càng đậm đà thêm.

Lâu lâu, gặp lúc vui, Mai thỏ thẻ với chồng :

- Nhờ anh rộng lượng tha thứ mới có ngày nay.

Nhân bật cười thấy vợ tự ti quá lẽ :

- Vắng nhà để đi thăm mẹ mà cứ sợ có tội với chồng.

Hai vợ chồng cứ hưởng hạnh phúc gia đình như thế được hai năm.

Hôm ấy, Nhân ngồi buồn, dở một quyền sách cũ ra đọc, sách mua hồi tiền chiến, hồi mới cưới vợ, và vợ chàng đã giữ được đến ngày nay.

Có vật gì cồm cộm dưới trang sách. Nhân lật trang qua thì lạ nầy, một bức thư ! Mà bì thư chưa bốc, trên đó đề tên chàng.

Thư đến hồi nào, và ai để nó trong sách nầy ?

Chàng xem kỹ lại con dấu bưu điện thì ngạc nhiên hết sức. Con dấu Saigon, tháng chín năm 1954 cách đây già hai năm.

Chàng xé bì thư ra xem :

Bức thư gởi cho chàng viết :

Thủdầumột, ngày...tháng chín năm 1954

Anh,

Hôm qua em hay tin anh hôm nay về tới Saigon. Như thế là em phải ra đi rồi.

Anh còn nhớ chăng, lời giao hẹn khi ta chia tay nhau, nếu em có lỡ điều gì thì em nên lánh mặt khi anh về, vì đó là giải pháp êm thấm hơn cả.

Anh ơi, một thiếu nữ còn trẻ giữa Saigon, vắng chồng những mười năm ! Em đã lỡ dại, em đã phạm tội với anh. Vì trung thành với lời giao kết và vì nghĩ mình không xứng đáng được anh yêu, em mới ra đi.

Em chỉ ra đi mới hôm nay thôi vì từ bấy lâu nay em phải phụng dưỡng cha mẹ anh mà em thương như cha mẹ của em và cũng vì em muốn ở lại để anh an lòng làm phận sự.

Anh ôi ! Cái lỡ dại ấy chỉ thoáng qua mấy ngày và do một phút điên cuồng của tuổi trẻ, nhưng nó đã làm hoen ố cả một đời em. Âu cũng là cái không may của số kiếp và em ôm hận mà xa anh từ đây.

NGƯỜI VỢ DẠI CỦA ANH

Mai

T.B. : - Em còn thương anh nhiều lắm, thương còn hơn hồi ta mới gặp nhau. Vì thế em còn chút ít hy vọng được anh tha thứ. Nếu được thế, anh cứ lên đây. Thấy mặt anh là em hiểu ngay. Và em sẽ về với anh, sẽ cố gắng đền bù tội lỗi.

Tay Nhân run lẩy bẩy, mồ hôi chàng thoát ra dầm dề.

Thì ra vợ chàng đã... và đã thú tội trong một bức thư đến trễ lúc chàng đi Thủ Dầu Một mà người nhà chàng bỏ trong sách rồi quên luôn.

- Trời ơi ! Nó đã...

Nhân ngồi thừ ra đó, nghe như tất cả vũ trụ đều sụp đổ quanh chàng.

Nhưng người đờn ông đó đã có một quả tim được trui rèn từ lâu, và lý trí chàng đã lấn áp được tất cả mọi tình cảm lăng nhăng.

Chàng buồn và đau khổ không quá một giờ đồng hồ rồi bắt đầu suy luận :

- Dầu sao, hạnh phúc của mình từ hai năm nay vẫn thật. Và tình yêu của vợ mình thật hơn cái gì hết.

Nó đã phản bội mình trong giây phút điên cuồng ! Ừ, nhưng mà ai lại không có những phút yếu đuối, nhứt là khi xác thịt của tuổi hai mươi cứ kêu gào lên ?

Nó đã quên, đã ngỡ mình tha thứ, do một sự hiểu lầm, thì mình còn chọc tỉnh thức làm chi một câu chuyện không hay cho ai cả ?

Nhân bình tỉnh trở lại và bấy giờ chàng mới bật cười khi nhớ đến những hiểu lầm hồi hai năm về trước, vợ chàng cứ nằng nặc hỏi chàng có chắc tha thứ hay không, chàng ngỡ là tha thứ sự vắng mặt lúc chàng về. Vợ chàng nói đến bức thư chàng lại ngỡ bức thư ngắn cho biết Mai đi Thủ Dầu Một thăm mẹ.

Nhân mĩm cười tự nhủ :

- Hạnh phúc do ảo ảnh tạo ra cũng thật như là hạnh phúc thật. Mà đây có phải là ảo ảnh đâu. Đây là sự mù quáng trước sự thật. Nếu mình đui, mà vợ mình ngoại tình kín đáo, chắc mình cũng vẫn được hạnh phúc như thường.

Chàng bèn châm lửa đốt bức thư, cả bì thơ nữa, rồi tìm vợ mà nói :

- Anh mới nghĩ đến triết lý nầy : Khi mình có lỗi, mình thú nhận đã không có lợi cho ai mà còn có hại thì nên nín đi.

Vợ chàng thật không hiểu gì cả về câu triết lý vụng nầy.


(Nhựt báo Lẽ Sống, 1965)

BÓNG MA SUỐI KIẾT

Toàn đang mơ giấc thần tiên của một thanh niên viễn du một mình trên một quãng đường vắng, giữa đêm khuya, thì cảm giác hơi kỳ kỳ.

Cảm giác nầy đánh thức tỉnh chàng, chàng lắng nghe để xem cho biết đó là cái gì, thì ra xe lửa đang hạ tốc độ khá nhiều rồi để cho cơ thể của chàng vốn quen với tốc độ cũ suốt mấy tiếng đồng hồ, bị tốc độ nầy làm mất thăng bằng nên báo động cho tiềm thức của chàng hay, rồi kế đó tiềm thức lại báo động cho ý thức rõ.

Toàn ngồi thẳng dậy, day ra cửa mà nhìn bóng đêm dày mịt ngoài kia, khối lá xanh ở cận thiết lộ chỉ được đèn trong xe soi qua lờ mờ thôi và sau đó là tối hoàn toàn.

Đoạn day trở vào, chàng hỏi người bạn đồng hành cao niên ngồi cạnh chàng :

- Thưa ông, ga nầy là ga gì ?

- Tôi cũng không biết nữa, ông khách trả lời, tôi đi xa lắm.

Ông ấy nói giọng Huế và Toàn tin ngay là ông không biết thật chớ không phải là ông không sẵn lòng đáp một câu hỏi vô ích, vì chàng đã khai với ông ta, lúc đầu hôm, khi xe mới khởi hành ở ga Sài Gòn, rằng chàng đi Nha Trang thì có cần gì biết cái ga xép giữa truông nầy.

- Xe lửa đã rời ga Biên Hòa khá lâu rồi phải không ông ?

- Ừ, nãy giờ xe ngừng ở mấy ga rồi.

- Vậy chắc gần tới ga Suối Kiết rồi chớ ?

- Tôi thật mù tịt.

Toàn nghe lòng rộn vui, nhưng một nỗi buồn dịu nhẹ cũng đồng thời làm cho chàng nao nao trong dạ.

Chàng vui vì Suối Kiết như là cái tên của nơi hành hương mà khách mộ đạo là chàng, sắp đến nơi. Nhưng mà chàng cũng buồn vì đấng thiêng liêng Suối Kiết, thật ra, chắc chắn không còn ở đó nữa.

Chàng đứng dậy, nhìn về phía trước. Thình lình còi xe lửa hú lên, cũng y tiếng còi đầu hôm, nhưng ở ga Sài Gòn, giọng nó lại buồn nỗi buồn tiễn biệt, mà nơi đây tiếng còi sau lại nghe vui nhộn thế nầy ?

Bỗng Toàn thấy một vùng sáng ở trước đầu xe rồi xe chạy từ từ một lúc thì ngừng hẳn.

Một hành khách đứng dậy, nói to lên một mình, giọng mừng rỡ một nỗi mừng không hăng hái lắm.

- Thôi, tới Suối Kiết rồi.

Rồi ông ta xuống xe.

Trong một giây phút, một sức mạnh vô hình xô chàng bước theo hành khách đó. Biết mình có một công việc quan trọng và cấp bách ở một nơi xa kia, Toàn cố cưỡng lại với sức mạnh ấy, nhưng không thể được.

Chàng bước tới mấy bước rồi nắm chặt lưng dựa của chiếc băng trước mặt làm như bám níu như vậy không còn sợ bị gì lôi cuốn đi nữa.

Nhưng sức mạnh ấy ở chính trong chàng nên rồi chàng buông chỗ bịn ra bước tới nữa.

Ra đến cửa. Toàn còn tự vệ lần cuối cùng, nhưng có một tiếng xa xôi nhưng rất là thiết tha réo rắc kêu gọi chàng, nên chàng đành đầu hàng.

Đêm hăm ba tháng chạp ta trời tối như mực Tàu. Nếu ở nơi khác, ngửa bàn tay lên trước mặt cũng không thể thấy được chính bàn tay của mình.

Mấy ngọn đèn thắp quanh nhà ga, có vẻ bịnh hoạn và khổ sở vô cùng.

Đây là một ga xép giữa rừng, Toàn rất biết điều đó từ lâu. Phía bên kia xóm ga, sau một khu rừng, là con đường thiên lý với lữ quán Cao Văn Trạng, cất lên để đón du khách sang đi xa bằng xe hơi nhà. Chỉ ở đó là có hơi hám văn minh thôi, còn xóm ga nầy là nơi đèo heo hút gió.

Chàng lại còn biết chắc một điều nữa là nàng không còn ở đây.

Thế mà chàng cứ xuống xe, không dừng được.

Thình lình xe lửa nổi còi rồi cả đoàn xe dài thậm thượt chuyển mình lướt tới. Toàn chưa ra khỏi nhà ga chợt tỉnh, và hoảng hốt chạy theo xe, nỗ lực bám vào một thanh sắt ở một đuôi goong kia, nhưng không kịp.

Gã thụy du nầy đành buông thanh sắt ra, không chạy đua với xe nữa, và nhẫn nại chịu số phận, nhìn mười mấy goong hàng hóa bịt bùng kết ở đuôi đoàn, lướt qua nhanh chóng trước mặt.

Gã thụy du ? Vâng, đó là một gã thụy du và nói "hắn chợt tỉnh lúc nghe tiếng còi" không phải là nói quá.

Hắn hành động như một kẻ đang ngủ, đứng dậy đi mà không hay biết, đó là kẻ mắc chứng bịnh thần kinh gọi là thụy du.

Hắn bị một định kiến ám ảnh và sai khiến. Định kiến ấy là tên của ga nầy : Suối Kiết.

Thuở còn đi học, những lần nghỉ hè, đi Huế, đi Nha Trang, qua đây hắn không thèm để mắt đến cái ga quê này. Tên Suối Kiết đối với hắn là một tên làng hẻo lánh nặc danh, vâng, mặc dầu địa điểm ấy có tên, nhưng nó vẫn nặc danh như thường như một nông dân tên là Nguyễn Văn Hai, hoặc Trần Văn Ba vậy.

Hiện kim, địa điểm ấy không phải là danh lam thắng cảnh để du khách nhắc nhở đến, mà trong thời gian, nó cũng không phải là một bãi chiến trường như gò Đống Đa, như truông nhà Hồ, như bến Vạn Kiếp để sách vở phải nói đến nó và học trò phải thuộc tên nó.

Thình lình năm ngoái, lên lớp đệ nhị ở một tư thục kia, địa danh Suối Kiết bỗng trở nên vô cùng quan trọng đối với Toàn.

Đó là một lớp hỗn hợp lam nữ, đông được tám mươi tám học sinh mà quá phân nửa là nữ sinh.

Nữ sinh nào cũng có tên thơ mộng cả, nhưng sau ba tuần nhập học, giáo sư gọi đến tên một cô thì cả lớp rầm rộ mà cười.

- Hà thị Suối Kiết !

Người bình dân miền Nam rất sợ tĩnh từ "Kiết" vì nó đồng âm với một danh từ chỉ một bịnh không đẹp mắt bao nhiêu. Lắm người muốn gọi cái ga nầy là ga Suối Cát cũng vì thế.

Riêng Toàn không cười. Chàng chết lặng đến mấy mươi giây vì bị tiếng sét.

Nhưng suốt niên học, chàng không trao lời với cô gái ấy. Chàng nhút nhát, lại được giáo dục nhà luyện cho cái tính quá dè dặt nên mấy mươi lần muốn hở môi, mấy mươi lần lại thôi.

Không nói gì, nhưng mơ nhiều lắm.

Nếu cái tên Suối Kiết là đầu đề câu chuyện pha trò của bạn hữu chàng thì trái lại, nó là cái đích là hồn chàng viễn du tới, một cách nghiêm trang.

Hà thị Suối Kiết, ngoài vẻ xinh đẹp, lại có tướng sang trọng đài các thì không thể nào là dân bổn xứ của một nơi khỉ ho cò gáy như Suối Kiết. Đó là một điểm chắc chắn !

Điểm chắc chắn thứ nhì là người địa phương không bao giờ lấy tên làng mà đặt cho con. Đó chỉ có thể là thói quen của dân cư ngụ, họ đặt thế để kỷ niệm cái thời gian họ tạm trú nơi nào đó.

Mà hạng người cư ngụ ở cái xứ Suối Kiết đìu hiu quạnh quẽ chỉ có thể là một ông xếp ga thôi. Toàn suy luận như vậy, và tin rằng mình đoán đúng vì người bổn xứ Suối Kiết ắt hẳn không gởi con đi theo học trung học ở Sài Gòn.

Chàng lại đoán rằng ông xếp ga ấy gốc người miền Bắc. Hồi tiền chiến, người miền Nam rất sợ làm ở Bưu điện và sở Hỏa xa vì có thể bị thuyên chuyển đến những nơi hẻo lánh như cái đất Suối Kiết này.

Năm ngoái, cô Suối Kiết mười chín thì tức thân phụ cô là một xếp ga tiền chiến rồi vậy.

Nhưng cô Suối Kiết lại nói giọng miền Trung, giọng Quảng Nam hay giọng Bình Định gì đó chàng không rõ.

Để nói cái câu : "Hắn làm rầm rầm tôi phải cắn răng chịu, chớ không dám cằn rằn" cô ta nói : "Hén làm rèm rèm, tui phải kén ren mà chịu, không dám kèn rèn".

Chàng tưởng tượng ông xếp ga ấy bị thuyên chuyển vào Nam theo cái đà Nam tiến ngày xưa, nghĩa là đi qua miền Trung trước, rồi lấy vợ ở đó, đoạn mới đổi vào Suối Kiết. Con cái gần mẹ hơn, nên nói theo giọng mẹ.

Chàng yêu Suối Kiết kể từ năm ngoái và cái làng nặc danh ấy, cái nơi rừng rú cỏ cháy đồng khô ấy bỗng trở nên trù mật vô cùng trong trí của chàng. Đó là nơi vườn tược sầm uất, suối trong thấy đáy, dân cư đông đảo, mộc mạc bình dị mà không quê.

Cuối niên học, cả hai đều đậu tú tài I, rồi vì gia đình suy sụp, Toàn phải bỏ học để đi làm.

Sau đó, chàng có trở lại trường cũ để hỏi thăm tin tức về cô bạn đồng song mà chàng đã yêu thầm lặng thì cô ta đã đổi trường, đi học ở đâu, không ai biết cả.

Từ đó mối tình câm của chàng càng ngày càng trưởng thành lên thì niềm tiếc nhớ cứ làm cho chàng ngậm ngùi đau xót.

Suối Kiết trở thành một nơi hành hương mà đêm đêm, hồn chàng tìm đến để ngưỡng mộ nàng tiên chắc chắn không còn ở đó nữa, vì cái nghề xếp ga nầy y như nghề công chức, không thể nào ông cụ của nàng làm ở nơi đó mãi từ lúc sanh nàng ra đến nay là hai mươi năm rồi.

Hà thị Suối Kiết không còn ở Suối Kiết nhưng mà nơi tiên ngự, tiên thường để dấu gót chân lại trên các tảng đá.

Chính những kẻ hành hương chỉ đến các nơi ấy để chiêm ngưỡng trước các gót chân chứa nước mưa trong vắt, giữa rừng sâu núi thẳm ấy thôi.

Toàn xem lại đồng hồ tay thì bấy giờ đã hơn mười giờ đêm rồi. Tàu Nha Trang khởi hành hồi bảy giờ rưỡi tối ở Sài Gòn, đã vội rời cái nơi mà chắc chắn một trăm phần trăm không hề có người hành khách nào lên xe để đi đâu bằng chuyến xe đêm, từ ngày đường thiết lộ được thành lập đến nay.

Tiếng còi tàu nghe xa vắng trong rừng rồi chết lần trên dặm đường bán dạ.

Toàn nghĩ đến món hàng Tết chở trên xe, mà chàng phải bỏ cho một hiệu buôn ở Nha Trang mà đâm lo.

Đó là hàng Nhựt Bổn. Ác một cái là một hiệu buôn khác cũng cho người đi bỏ hàng Tết ở Nha Trang, cùng một chuyến xe với chàng. Hàng của họ lại là hàng Pháp, được chuộng hơn.

Trễ một chuyến tàu là hỏng một mối lớn, mà có thể mất cả sở làm nữa, khi chủ hãng của chàng biết chàng làm không tròn phận sự vì một lý do không đâu.

Vâng, chàng sẽ thú nhận nửa chừng thôi, là xuống ga để đỡ tù chơn rồi lỡ tàu chạy. Tuy là đỡ tội, chớ thật quả là quá bất cẩn, không thể tha thứ được.

Mấy ngọn đèn ở sân ga đang ngủ gục, chỉ chờ chuyến xe cuối cùng nầy để mà ngủ luôn. Ông xếp ga cũng thế. Ông ta cũng sốt ruột đợi cho hành khách ra để đóng cửa ga và được thở ra vì xong một ngày lao lực.

Hành khách chỉ có hai người mà một cứ đứng đó mãi để nhìn trời đất coi bộ muốn mọc gốc mọc rễ luôn ớ đó !

Ông xếp ga tiến đến nói :

- Xin lỗi ông, cửa ra ở đằng kia.

Giọng nói ông ta là giọng Sài Gòn, Toàn nhìn trừng trừng vào viên xếp ga cao niên nầy, không biết vì ở đây lâu năm quá mà ông nhái được giọng địa phương chăng ?

- Thưa ông, ông làm ở đây được bao nhiêu năm ?

Viên xếp ga kinh ngạc, trố mắt mà nhìn lại chàng rồi đáp.

- Hai năm, ông tìm người quen chắc ?

- Vâng tôi tìm ông xếp ga của những năm tiền chiến.

- Ồ, cái đó rất khó. Đã bao nhiêu lớp người trông coi ga nầy từ hai mươi năm nay, qua không biết bao nhiêu là biến cố. Cái ông tiền chiến ấy chắc đã về hưu từ lâu rồi.

Toàn tần ngần đứng lặng rất lâu. Tiếng còi tàu hấp hối từ nãy giờ vừa tắt nghỉ trong đêm khuya, nhưng chàng cứ còn nghe văng vẳng đâu đó và tưởng như đó là tàu cuối cùng của thế gian mang đi, không bao giờ trở lại cả, người con gái mà chàng thầm mơ.

Ngày mai sẽ có tàu Nha Trang nữa. Ngày mốt cũng thế, mà ngày kia cũng vậy. Nhưng tất cả đều không phải chuyến tàu của đêm nay. Đêm nay không bao giờ tái hiện.

Trên đời còn rất nhiều gái đẹp, nhưng không phải Hà thị Suối Kiết, người con gái của đời chàng. Người nầy không bao giờ chàng được gặp lại mà có dấu vết của nàng chàng cũng không mong tìm thấy.

Viên xếp ga ái ngại hỏi :

- Ông có quen với ai ở đây không ?

- Thưa không !

- Vậy mà không thấy ông lo. Chỉ hơi buồn thôi. Hay là ông cứ tạm nghỉ lưng ở nhà tôi. Thật không có chỗ nhưng chắc ông không chê cảnh luộm thuộm nầy.

- Cám ơn lòng tốt của ông.

Toàn lặng lẽ bước theo ân nhân của chàng và được cho mượn một bộ đồ mát và được mời ngủ trên một chiếc ghế bố, đặt ngay ở nhà ga vì nhà riêng của một xếp của một cái ga nhỏ như thế nầy thì chỉ to bằng chiếc khăn mu-xoa mà chứa nào vợ nào con ông ấy, ông ấy có tốt bụng tới đâu, cũng không thể ưu đãi khách hơn.

Nằm dài trên chiếc giường vải, Toàn lắng nghe khí lạnh của rừng thiêng thấm vào da thịt, thắm vào hồn chàng.

Cuối năm trời lạnh, mà khí hậu giữa rừng càng lạnh lắm, đành là thế. Nhưng từ đây, dù giữa mùa viêm nhiệt, trong bốn bức tường kín, có lẽ chàng cũng nghe lạnh như thế nầy.

Không phải là chàng thất vọng vì không tìm được người thương. Chàng đã biết Hà thị Suối Kiết không có ở đây rồi kia mà ! Và chàng đã xuống xe trong một lúc ngông thôi.

Nhưng cái phút ngông của con người nhiều tình cảm là đời thật đó. Hắn đã sống y hệt như thật trong những giờ điên loạn của lòng hắn. Và giờ hắn đau khổ thật sự như là cố nhân đã biệt tích.

Nhân diện đào hoa hà xứ khứ

Toàn đã chi phí vào cái ga xép nầy một số tình cảm lớn lao quá nên giờ tiếc quá nhiều cái sự mất mát không mong gỡ gạc được phần nào.

Bên kia tường, tiếng một em bé nói mơ hồ rồi ré lên khóc. Toàn bất giác lội ngược giòng thời gian, tưởng chừng như đang nghe con bé Hà thị Suối Kiết nhõng nhẽo với mẹ.

Ừ, bên kia tường là căn buồng hẹp đã chứng kiến Hà thị Suối Kiết lớn lên, đã chấp chứa những giấc mơ thơ dại của nàng.

Hồn người chưa chết như quanh quẩn đâu đây và hương của nàng cùng với hương rừng như thoang thoảng đưa qua.

Mặc kệ, chàng đã lãng phí tình cảm thì cho "vỡ nợ" luôn ấy, cứ tưởng tượng cho nhiều vào chớ đã trót xài bạc triệu, gần sạt nghiệp rồi, bây giờ hà tiện cũng chẳng đi tới đâu.

Giờ nầy, ở một nơi nào đó trong thành phố Sài Gòn, Toàn nghĩ, có một người thiếu nữ đang mơ đến nơi chôn nhao cắt rún của nàng, nơi nàng trải qua buổi hoa niên sung sướng nhất đời nàng. Nàng lắng nghe tiếng còi tàu của ngày xưa hú trong tđêm của thời gian, cách đây hơn mười năm.

Hồn nàng đang quanh quẩn ở sân ga là nơi nàng tập cỡi xe đạp lần đầu tiên trong đời nàng, hồn nàng thơ thẩn qua mấy gian buồng hẹp, nhưng thờ ơ đi qua, không thèm nhìn một linh hồn bơ vơ đang co rút ở một xó ga mà chịu cái lạnh ngoài trời và nỗi lạnh trong lòng.

Nhưng mặc kệ, miễn chàng yêu là đủ rồi, yêu nhiều như con đường sắt nầy dài vô cùng tận. Mai nầy chàng có thể mất chỗ làm. Cũng mặc kệ cái vặt ấy. Chàng không hối hận gì cả. Suối Kiết là một biến cố cần có mặt trong đời tình cảm của chàng, và dám nhỡ tàu là một hành động can đảm của kẻ biết yêu.

Gió rừng vi vu hú, từ xa đến, rồi đi thật xa, không ghé lại ga nầy giây phút nào cả, như người con gái có mớ tóc thề chảy trên vai như suối đã đi qua không ghé lại lòng chàng giây phút nào cả.

Bất giác Toàn ngước lên trời với ảo vọng nhìn theo gió. Chàng cũng đã ghé qua đây với ảo vọng tìm ai.

Gió rừng vi vu thổi.


(Diễm Phượng)

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ

Đó là hàng sách to nhứt Saigon. Không giờ phút nào mà cửa hàng không đông đến hằng trăm khách... À, không phải là khách tiêu thụ đâu, mà là khách xem chơi và đọc cọp.

Có những anh chàng đọc tiểu thuyết Tây ngay trong ấy, mỗi ngày tới đọc độ mười trang. Loại tiểu thuyết được xén ở cả ba mặt, lật ra dễ dàng quá.

Lẽ dĩ nhiên là trong đám ấy có độ một chục người mua và lối vài cậu... đạo sách.

Hiệu phải mướn rất đông nhơn viên, toàn là con gái, để kín đáo làm nữ gián điệp theo dõi mấy cậu đạo hiếm hoi ấy, tuy bề ngoài họ vẫn là những cô bán hàng.

Tồn không thuộc vào hạng khách nào kể trên cả. Chàng là người tìm tòi...lục lạo để phát kiến sách lạ, và lâu lắm, chàng mới tìm ra một quyển, có khi mất hằng tháng hiệu sách mới lấy được của chàng vài mươi đồng.

Thế nên chàng có vẻ khả nghi nhứt, và có lẽ là kẻ bị coi chừng nhiều nhứt.

Hôm ấy chàng đứng một mình trong một xó tương đối tối hù, nơi bày sách ế độ vì khó tiêu; hoặc vì quá mắc tiền.

Chàng không rờ tới sách mà chỉ đọc nhãn sách in trên các gáy thôi. À, cái đó lại càng khả nghi hơn.

Có lẽ mấy cô đang tự nói thầm : "Thằng nầy làm bộ, không buồn cầm sách lên, nhưng biết đâu đó là thủ đoạn khôn khéo nhứt để làm một cú rất đáng đồng tiền".

Chàng đứng đó hơn hai tiếng đồng hồ. Xem chừng chàng chắc là phải mệt ghê hồn, nên một cô nổi đóa bước vào trong, xấn rấn gần chàng.

Hiệu sách nầy buôn bán đúng theo truyền thống Âu Mỹ, nghĩa là để khách tự do, không hỏi, vì hỏi tức là làm áp lực. Thế nên cô nọ chỉ đuổi khéo anh chàng kỳ dị và khả nghi nầy bằng sự có mặt của cô ta thôi.

Chàng phải hiểu rằng cô ấy muốn nói một cách cầm lặng :"Ông mua hay không mua ? Chọn gì mà đến hai tiếng đồng hồ, báo hại người ta xem chừng đến mỏi cả mắt. Ông nên đi là hơn".

Nhưng Tồn lại không nghe những lời ấy mà đáng lý chàng phải nghe. Mặc dầu đó là lời nói không được thốt ra, chàng phải nghe bởi chàng thông minh và tế nhị lắm.

Chàng không nghe vì chàng bận nghe thứ khác và trí óc đang bị thứ ấy quấy rầy.

Cô áo xanh đứng đó được ba phút mà chàng vẫn không nhúc nhích nên cô bắt đầu nổi nóng.

Thình lình cô nghe chàng hỏi :

- Xin lỗi cô, nước hoa cô đang dùng hiệu gì ?

A, thằng cha nầy mới đáng ghét chớ ! Giờ nó lại trổ ngón tán tỉnh nữa đây !

Đang nổi dóa cô ấy đâm khùng :

- Nè, ông đừng vô lễ, tôi nói cho ông biết...

Tồn bình thản nói :

- Không có gì mà cô làm to chuyện. Nếu cô biết phong tục Âu Mỹ thì một câu hỏi như vậy là thường. Người đàn ông có thể thích vợ mình dùng loại nước hoa nào đó và gặp được loại ấy dĩ nhiên họ truy tầm căn cước để xúi vợ họ mua.

- À, thì ra là vậy. Tôi cứ ngỡ... Xin lỗi ông nhé.

- Khỏi, tôi chỉ cần biết tên thứ nước hoa của cô thôi.

- Ông mới đến đây lần đầu ? Hình như là không phải vậy. Tôi nhớ ra ông là một gương mặt rất quen mà ?

- Đúng thế. Nhưng thường thì cô đứng chung với các cô khác, nhiều mùi lẫn lộn nhau, một là hương của cô chưa bao giờ nổi bật như hôm nay, hai là tôi thoáng nghe cái hương ấy, nhưng không lẽ lại hô : "Nào, các cô đứng dang ra coi, để tôi đánh hơi từng cô, tôi cần truy nã một mùi hương trong mớ hương hỗn hợp của quí cô".

Nếu tôi làm thế tôi đã bị tát tay rồi.

Cô gái áo xanh, nước da bánh mật, cười dòn lên rồi nói :

- Cứ theo lời ông thì ông hỏi nghiêm trang, chớ không phải cố ý tán tỉnh tôi. Nhưng tôi còn hơi nghi ngờ.

Tốt hơn là ông đưa bà đến đây. Bà hỏi thì tôi nói ngay.

Tồn châu mày. Bà ở đâu mà đưa đến bây giờ ?

Đó là mùi hương của Thủy, mà Thủy đã đi lấy chồng mất từ năm năm nay rồi.

- Vâng, để tôi đưa vợ tôi đến.

Tồn không biết đáp làm sao cho trôi, nên hứa như vậy cho qua chuyện, và cô gái áo xanh an lòng, đi làm công việc khác.

Người nữ gián điệp rời khỏi nơi đây hơn năm phút đồng hồ rồi mà hương thừa của nàng còn thoang thoảng chưa phai.

Ngày đầu cô ấy vào làm ở đây, ngày ấy Tồn cũng có đến - ấy, chàng là con mọt sách, không hôm nào là không có mặt những nơi bán loại hàng hóa mà các tay triệu phú không bao giờ thèm mua - và cũng đã nghe mùi hương đó.

Lần ấy chàng bỗng vụt sống lại cuộc đời của chàng năm năm về trước một cách mãnh liệt, khi mà mùi hương nặc danh kia như bấm vào một cái nút điện làm hoạt động cả bộ máy ký ức của chàng.

Lạ quá, một tấm ảnh, một bức thư của người cũ không có khả năng khôi phục dĩ vãng cho bằng một mùi vị, bất cứ dĩ vãng nào, mà nhứt là dĩ vãng về một mối tình.

Khắp thế giới đều nghe danh chiếc bánh Madeleines nhúng nước trà của Marcel Proust, chiếc bánh mà mùi vị gợi nhớ lại tất cả những chi tiết tỉ mỉ, những hình xưa, bóng chết, những chơn trời năm cũ, những gương mặt thân yêu, cho đến những tiếng động không đâu, tiếng một chiếc muỗng khua ly, tiếng một con ve sầu ngoài vườn, tất cả đều hiện hồn về.

Nhứt là anh chàng không còn giữ được món kỷ niệm nào về Thủy cả. Bao nhiêu thư từ hình ảnh của nàng, chàng đã thiêu hủy hết, nói là để tránh gây rắc rối, phiền phức cho một cô gái đã lấy chồng mà thật ra chính vì hờn giận cho nên mùi hương ấy càng quí báu hơn lên vì đó là nguồn gợi nhớ độc nhất.

Rất nhiều lần Tồn muốn tìm biết, nhưng cô mặc áo xanh tư niên ấy cứ bận rộn mãi, với lại cô không bao giờ đứng một mình nơi chỗ vắng nên Tồn đành thôi. không hỏi được. Vả lại chàng cũng không dám chắc rằng chính cô gái nước da bánh mật lại thơm cái mùi hương đó. Ở đây cô nào cũng xức nước hoa cả, mà Tồn lại dại dột cứ hồ nghi các cô hao hao giống Thủy, trắng trẻo và mảnh mai, hơn là nhằm cô gái áo xanh, cô nầy hơi cao lớn, môi dày quá, mày rậm quá, không giống Thủy chút nào.

Tồn đứng tần ngần nơi đó một hồi lâu nữa, mắt vẫn nhìn gáy sách nhưng chỉ thấy buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Thủy và chàng, họ hẹn nhau để mà chào vĩnh biệt.

Khi Tồn ra nhà sách đi ngang qua cô áo xanh nước da bánh mật, chàng rất muốn đứng lại, nhưng không dám nên đi luôn ra cửa.

Các tay chế tạo nước hoa ngày nay họ khôn quỉ không tưởng tượng được. Thay vì chỉ quanh đi quẩn lại với năm bảy mùi như hồi xưa, họ sáng tác hàng vạn mùi khác nhau, mà phụ nữ họ cũng hóm lắm, mỗi cô chọn một mùi hợp với cá tánh của mình, thành thử trong một bữa tiệc đông hằng bốn mươi đàn bà, có thể không có hai mùi trùng hương với nhau. Họ mang thẻ căn cước bằng hương riêng của họ, lắm cô lại khôn quỉ hơn các kỹ nghệ gia nữa là pha trộn vài thứ nước hoa lại để tạo nên một mùi hỗn hợp, độc đáo mà không làm sao mà tìm ra một người thứ nhì thơm y như vậy.

Kể từ hôm ấy, Tồn và cô gái áo xanh không còn nặc danh đối với nhau nữa. Cô gái môi dày là hình bóng của Thủy, nếu chàng nhắm mắt lại, còn Tồn là một gã si tình cô, theo ngộ nhận của cô.

Ừ, gã hứa rồi không bao giờ đưa vợ tới cả, nên cô ấy đinh ninh rằng gã chỉ kiếm cớ để tán cô ta thôi.

Cô ta rất buồn cười, và để cho gã leo cây chơi, cô ta không bao giờ thèm lại gần cả.

Nhưng Tồn đã có cách đến gần cô áo xanh. Hắn rình - Vâng, bây giờ thì chính hắn rình cô gái, chớ không phải cô gái rình hắn nữa, hắn rình để chờ cô ta đứng không rồi chụp lẹ quyển sách, chạy tới nhờ cô ta gói.

Công việc gói sách, làm phiếu trả tiền kéo dài được mấy phút và suốt thời gian ngắn ngủi ấy Tồn đứng cạnh cô gái đó, làm bộ như để kiểm soát coi cô ta có ghi sai hay không. Những lúc ấy chàng luôn luôn nhắm mắt lại để chiêm bao thấy Thủy.

Trò chơi nầy tốn tiền quá sức vì ngày nào Tồn cũng mua một quyển sách, may là chàng chọn loại sách rẻ tiền nhứt, loại bỏ túi, giá 1 C, chỉ có hai mươi đồng một quyển thôi.

Khổ nhứt là phải mua trùng. Tủ sách nhà chàng chứa đến bốn quyển Le Grand Meaulnes. Chẳng, loại sách bỏ túi

bày la liệt trên chiếc bàn ngoài hết, rất dễ chụp lấy, mà khi chụp vội vàng thì không còn chọn lựa kịp nữa.

Chàng đã phải sắm thêm hai tủ sách lớn mà cũng chứa không hết loại sách rẻ tiền đó, lắm quyển chàng chưa lật ra lần nào.

Cô hàng sách đoán biết cái gì, không đúng lắm, nhưng vẫn đúng phần nào, là anh chàng nầy mua sách không phải để xem, mà chỉ để gần cô ta thôi.

Nhưng cô nghĩ rằng đó là anh chàng nhút nhát hoặc thiếu kinh nghiệm đã mua sách trên hai trăm lần rồi mà chưa dám nói gì cả. Hoặc nếu ngại chỗ đông người, chưa biết đón đường cô ở đâu đó, ngoài phố.

Cô ta rất buồn cười, nhưng hơi thương xót hắn nên không nỡ kể chuyện cho đồng nghiệp cô ta nghe để cả hiệu cùng cười chơi.

Người con gái lạ lắm. Đoán rằng gã si tình nầy đã có gia đình - mà chính miệng hắn thú nhận như vậy - cô gái đoan trang nầy không mong mỏi gì cả, nhưng cô ta vẫn nghe êm ái lạ kỳ trong lòng mỗi lần nhận gói quyển sách mà kẻ si cô, trao cho cô.

Hôm nào chàng đến trễ là cô ta hơi nhơ nhớ. Không, cô ta không thèm yêu người có vợ đâu, cho dẫu chàng có đeo đuổi và tán cô ta suốt hai năm đi nữa, nhưng cuộc tìm thấy mặt cô của hắn là mơn trớn dịu nhẹ làm cho cô ta vui vui.

Là một cây rắn mắt, cô gái môi dày bèn nghĩ ra một trò đùa mà cô tưởng tượng trước rất ngộ nghĩnh.

"À, hắn bảo là hắn chỉ muốn biết tên thứ nước hoa mà ta dùng thôi, chớ không phải tán gái, và ngầm cắt nghĩa sự lân la của hắn bằng lý do đó.

"Vậy mình cứ đổi nước hoa chơi. Hắm nói láo thì hắn sẽ không bị việt vị khi nghe mùi hương khác, mà hắn sẽ ngỡ ngàng, không biết ăn làm sao, nói làm sao cho trôi cái vụ năng tới của hắn, cho dẫu là nói thầm thôi.

"Để xem thử hắn đủ thông minh để bịa một lý do khác hay không, khi mình hỏi vặn hắn. Chắc mình sẽ được cười trước sự bối rối của hắn"

Vậy cô gái không dùng hiệu Eszouka nữa, đó là loại nước hoa của Nga cổ thời mà chế tại Anh Quốc bằng cách mua bằng - sáng - chế. Nước hoa ấy rất hiếm có ở Saigon, thơm mùi da của dã thú, đàn ông rất mê : cô bắt đầu dùng hiệu Chanel số 5, cũng là một hiệu đắc tiền, mùi hương rất đài các, nhưng bán tràn đồng ở đây, ai có tiền là mua được.

Hôm ấy gã si tình vô danh cũng đến vào giờ thường lệ là mười giờ sáng, và cũng rình cô gái áo xanh, chờ đợi phút rảnh tay của cô.

Cô gái bắt đầu mong đợi hồi chín giờ rưỡi, cô ta rất tinh nghịch và ưa cười đùa, và khi thấy mặt anh chàng mua mãi loại sách bỏ túi, cô ta cố làm việc nhanh chóng để được rãnh tay.

Hôm nay Tồn không phải rình lâu, và vì quá vội, chàng chụp lầm một quyển đôi, dầy bằng hai quyển thường và dĩ nhiên giá cũng cao bằng hai.

Chàng nhắm cái đích xanh và bước tới. Chàng nhắm mắt lại liền sau khi cô gái đưa tay ra, và thình lình, chàng bỗng nghe lạc hướng.

Cô Thủy không còn ở trước mặt chàng nữa. Đó là một cô gái khác, một mùi hương khác, mùi hương sang trọng nhưng quá tầm thường vì được rất nhiều người dùng.

Tồn rụng rời vì Thủy lần nầy thật là chết hẳn rồi, không làm sao mà tìm lại được nữa. Chàng phải mất đến năm năm mới nghe lại mùi Eszouka, thì chưa dễ mười năm nữa, chàng sẽ bắt gặp lần thứ ba cái mùi gợi nhớ đó.

Thủy đã chết và ngàn năm vĩnh biệt. Nàng đã đi vào dĩ vãng của chàng thật sự, kể từ hôm nay, đi vào đó lần thứ nhì, cách lần thứ nhất năm năm trời.

Tồn mở mắt ra và chỉ thấy mái tóc dài phủ lưng của cô gái áo xanh, nàng bận biên phiếu trên một chiếc bàn con đặt phía trong, cách bàn để sách bỏ túi một khoảng trống bảy tấc. Rầu lòng, chàng bỏ đi bước trước lại quầy trả tiền, đứng đợi, mắt nhìn mãi cái dĩa đựng tiền bằng thủy tinh để khỏi phải thấy người không phải là Thủy.

Hôm sau, cô gái áo xanh đợi tới mười giờ rưỡi mà gã si tình câm lặng, mãi không thấy đâu cả.

Cô hơi buồn buồn, và nhơn một lúc rảnh tay, cô ta phóng mắt ra đại lộ Lê Lợi.

Gã mê gái mà nhút nhát, đang đứng trên vỉa hè trước hiệu sách, hai tay nhét túi quần, mặt nhìn gạch xi-măng màu mà hiệu sách lót vỉa hè riêng nơi đó.

Thình lình cô gái áo xanh vụt hiểu. Quả thật hắn không phải là anh chàng băm lăm có ý muốn tán cô ta mà không dám.

Gã không vào hiệu nữa vì gã không tìm thấy mùi hương Eszouka mà chắc chắn đã gợi hắn nhớ một người yêu cũ năm nào, chớ không phải muốn mua cho vợ đâu như hắn đã nói láo.

Nếu muốn vợ hắn biết nước hoa ấy thì không có gì dễ bằng : hắn cứ đưa vợ hắn tới là xong vì cô đã hứa nói sự thật với người đàn bà ấy.

Bằng như muốn tán cô thì cho dầu cô xức nước hoa nào, cô vẫn là cô thôi.

"Trời ơi, cô áo xanh kêu than thầm, đời nầy lại có kẽ trung kiên đến thế với một mối tình hay sao ?

Mình cứ nghe bạn hữu mình rủa nam phái rằng lủ nó quên nhơn tình mau lẹ lắm, như trẻ con một tuổi quên mẹ chúng, khi các bà mẹ ấy chẳng may chết đi".

Bỗng dưng người con gái áo xanh đâm ra cảm tình với con người độc nhất vô nhị trên đời nầy mà còn biết yêu dai dẳng như người xưa, chớ không thờ ơ, không chế giễu thầm chàng nữa.

Chàng đứng đó hằng giờ, không vào vì trong ấy ảo ảnh không còn, mà cũng không đi, vì bấy giờ ảo ảnh mờ rồi, một ảnh thật nổi lên, gương mặt cô gái có nước da bánh mật và đôi môi dầy.

Nếu làn da trắng mát chiếm lòng thì cái nước da bánh mật không son phấn lại mặn mòi hơn bội phần. Và người phụ nữ có đôi môi dầy là người yêu biết rất bồng bột.

Tồn nhớ ra thì nụ cười kín đáo của cô gái áo xanh dễ mê không biết bao nhiêu mà chàng đã thờ ơ chỉ vì mùi hương năm cũ làm chàng tối mắt thôi.

Tuy nhiên chàng vẫn đứng đó đến hơn một tuần lễ. Con người trung kiên với một mối tình nầy, không thể quên mau quá như bao nhiêu người khác.

Sáng thứ ba hôm đó chàng vào hiệu, và hỏi ngay cô gái nước da bánh mật.

- Thưa cô, cô có quyển "Hình bóng mới" hay không ?

Cô gái hiểu ngay, mĩm cười hóm hỉnh và hỏi lại :

- Thế ông không thích quyển "Hương cố nhân" à ?

- Cố nhân đã chết mà thời nay không có phép lại gậy phép, đũa mầu để giúp nàng sống lại.

- Thì ra ông cũng khá thực tế đó.

- Chỉ tới mức nào thôi cô à.


(Tuần báo Buổi sáng, 1964)

ME TÂY

Minh toan mở cửa xe thì một giọng âm ấm sau lưng chàng nổi lên :

- Xin lỗi ông, tôi bắt xe trước !

Chàng quay lại thì thấy một thiếu phụ định qua mặt chàng để giành lấy chốt cửa xe. Chàng nhìn người tài xế, lặng thinh, nhưng hất hàm để hỏi thầm :

- Ai kêu xe anh trước ? Tùy anh quyết định đó.

- Ai kêu thì tôi không biết, nhưng tôi thấy ông ra hiệu nên ghé lại.

Minh mĩm cười nhìn thiếu phụ và cũng cứ nói thầm bằng mắt :

- Cô thấy hay không ? Tôi có quyền.

Thiếu phụ cũng mĩm cười gượng gạo và cũng nói thầm :

- Thôi thì ông lên vậy.

Bỗng người con trai may mắn nầy thừ người ra. Chàng chợt để ý đến thiếu phụ và nhận ra rằng chẳng những nàng đẹp mà thôi, nàng còn hạp nhãn chàng nữa.

Trên đời nầy không thiếu gì người đẹp. Nhưng không phải hễ đẹp là được đàn ông mê đâu. Có nhiều vẻ đẹp, mà mỗi người đàn ông chỉ bị một vẻ đẹp nào đó quyến rũ thôi. Thấy vẻ đẹp ấy, người kia bị lung lay cả thần kinh hệ như là bị sét đánh. Hạp nhãn là như thế ấy.

Minh liền nhớ ra rằng giọng cô nầy ấm, khác xa với giọng trong trẻo của phần đông phụ nữ khác. Cái giọng nói kia mà người ta đặt tên là giọng thổ, và không được hoan nghinh nơi người đàn bà, Minh lại thích. Chàng để ý rằng phụ nữ nào có giọng thổ cũng có bản ngã đặc biệt, luôn luôn vượt ra sự tầm thường.

Do dự một giây, Minh nói :

- Theo phép lịch sự thì tôi phải nhường cho cô, mặc dầu tôi có quyền, nhưng tôi lại gấp đi công việc riêng, nên thôi, xin mời cô cùng lên rồi ta chia hai tiền xe... À anh tài nầy, anh có phản đối hay không ?

Người tài xế cười đáp :

- Bà con đi xe như vậy, riêng tôi, tôi không bị thiệt hại gì hết. Chỉ một đồng nghiệp của tôi là thiệt mất một cuốc xe thôi. Nhưng mà... ế quá thì tôi cũng xin không phản đối.

Minh mở cửa xe đưa tay lặng mời thiếu phụ lên trước.

Chàng đóng cửa xe lại rồi nói :

- À quên, tôi quên hỏi cô đi về đâu ?

- Em về Phú Nhuận.

- Vậy à ! May quá, tôi cũng về đó.

Minh nói láo, chàng chỉ ra chợ Bến Thành thôi, nhưng muốn ngồi gần cho thật lâu với người đàn bà nầy nên chàng không ngại tốn tiền. Không ngại vì đường xa, cũng không ngại vì phải trả bao. Phải, nếu cùng đi tới một nơi với nhau thì chàng trả một mình, đẹp hơn là bắt thiếu phụ chịu phân nửa như đã đề nghị thế cho thiếu phụ an lòng mà nhận lời.

Minh cố lì lắm. Đáng lý ra chàng phải ngồi phía trước với tài xế, trong một trường hợp như vậy. Nhưng chàng giả đò quên chi tiết lịch sự ấy đi.

Người bạn đường của chàng có vẻ là một người đàn bà hơn là một cô gái. Không phải là vì tuổi tác đâu. Lắm cô gái lỡ thì đã ba mươi mà vẫn còn phong độ tươi mát như chiếc áo mới gói cất lâu năm. Cô nầy chắc chưa được hai mươi lăm, nhưng không còn tươi lắm.

- Thưa cô, cô ở Phú Nhuận mà lối nào, xin cho biết để xe chạy cho đúng đường.

- Em xuống nơi nào mà thầy xuống ấy.

- Không, tôi không thể cho cô biết nơi tôi xuống được.

- Như vậy thì xin bỏ em trước nha quận Tân Bình.

- Sao cô không về thẳng nhà ?

- Em cũng không cho thầy biết nơi em xuống.

Cả hai cùng cười, Minh thì cười vì thấy thiếu phụ trả đũa ngay, còn thiếu phụ thì chắc cũng cười vì cách trả thù nhỏ mọn của mình.

Minh đoán rằng chồng cô ta ghen dữ tợn lắm nên cô ta không cho chàng đưa về đến nhà. Nhưng không hiểu sao, chàng lại có linh giác rằng cô ta không có chồng. Ừ, cô ta là đàn bà, đành vậy. Nhưng có khối người đàn bà không có chồng trên đời nầy.

Có lẽ thấy người ta đẹp, chàng mong thầm như vậy thôi chớ có dấu hiệu gì đâu, chứng tỏ là cô ta không chồng, còn trái lại nữa là khác.

Xe chạy sao mau quá, chưa chi đã qua cầu Kiệu rồi. Thôi, chỉ còn độ hai phút nữa thì chia tay, biết bao giờ mới gặp lại nhau.

Minh không cho xe chạy khi giai nữ xuống trước quận Tân Bình. Chàng cố ý đợi xem cô ấy đi về hướng nào. Nhưng cô ta tinh khôn lắm, nên cũng không chịu đi.

Rốt cuộc chàng nhượng bộ, vì đồng hồ cứ nhảy và số tiền cứ tăng lên từng phút một.

Minh ngỡ đây chẳng qua là cuộc gặp gỡ hay hay như bao nhiêu cuộc gặp gỡ khác thôi, rồi một tuần lễ sau là chàng quên mất người ngọc. Nhưng mười ngày qua mà bóng dáng thiếu phụ quen mười phút kia cứ lảng vảng trước mắt chàng.

Chàng đã đi Phú Nhuận mấy lần, không hy vọng gì nơi người đàn bà có chồng kia, nhưng chỉ cần thấy mặt cô ta thôi.

Mấy xóm nhà quanh đó đều bị chàng lục lạo, nhưng vô hiệu quả. Con chim trời bay đi là bay mất biết phương nao mà tìm.

Người ta nói chứng bịnh tương tư chỉ là câu chuyện bịa của bọn văn sĩ ngày xưa thôi, nhưng Minh nghe rõ là bịnh đó có thật. Chàng không nghe đau đớn gì cả, cũng chẳng đau khổ chút nào. Còn buồn thì chỉ thoáng buồn sơ sơ thôi chứ không buồn thắm thía như cái lần đầu mà chàng bị tình phụ.

Nhưng lạ sao, chàng ăn không biết ngon, mà dỗ giấc ngủ lại khó vô cùng. Gặp bạn, họ cho chàng hay là gương mặt của chàng sầu thảm lắm. Không, chàng có buồn nhiều đâu mà đến đổi lộ ra mặt !

Hôm ấy, Minh đi từ phía Quốc Hội để lên hiệu sách Xuân Thu. Một anh thợ nhiếp ảnh đứng thẳng người, nện gót giày kêu cái rụp như kiểu quân nhân chào. Đoạn hắn chìa ra một tấm thẻ. Không thích chụp ảnh vì biết mình không ăn ảnh lắm, nhưng bận lo ra. Minh đưa tay nhận lấy thẻ.

Nhưng anh thợ trẻ măng kia nói :

- Xin lỗi ông, em chụp cô kia.

Cô kia là một người đàn bà đi sau chàng một vài bước, bên hông tay mặt của chàng. Nãy giờ chàng có nghe tiếng giày của cô ta, nhưng không để tâm tới. Từ ngày gặp gỡ, không còn người đàn bà nào trên đời mà đáng kể nữa cả, đối với chàng.

Minh tức giận vì bị việt vị nên toan cự người con trai thợ ảnh. Hắn hoảng sợ nói :

- Nhưng rồi em lại chụp ông.

Nhưng nó không chụp chàng được vì, thấy người đàn bà từ chối tấm thẻ, chàng day lại nhìn cô ta rồi đứng lặng ra, không day mặt trở lại nữa.

Thiếu phụ cũng chưng hửng, nhưng nàng không ngạc nhiên lâu và chào Minh :

- Chào ông, ông mạnh giỏi ?

Minh ngậm câm không nói được một lời. Chính sự ngây người của chàng khiến thiếu phụ cảm động vì nó hùng biện quá nói nhiều hơn lời chào mừng vồn vã nào cả.

Thiếu phụ bỗng hiểu được rằng người con trai nầy đã yêu nàng và đã nghĩ đến nàng luôn từ khi gặp gỡ. Có lẽ hắn đã đi tìm nàng cũng nên. Ấy đờn bà họ tinh tế lắm, đoán hiểu thấu tận đáy lòng mình.

Vì vậy khi Minh mở miệng được là lời nói của chàng linh nghiệm ngay. Chàng mời thiếu phụ đi ăn kem, và cô nầy nhận lời liền.

Minh biết rằng chàng không liều lần nầy thì không còn hy vọng gì cả, vì cô ấy sẽ mất tăm nữa, khó lòng có một dịp may thứ hai xảy đến. Chàng nói :

- Tôi vẫn biết là bất tiện, nhưng tôi thề không ghé thăm cô, tôi chỉ đi ngang nhà thôi, nếu cô cho biết chỗ ở.

Thiếu phụ suy nghĩ giây lát rồi thở dài :

- Ông đừng có hiểu lầm. Em không có chồng mà sợ chồng ghen...nhưng quả là bất tiện. Hay là để em đến thăm ông.

Minh mừng rỡ nói :

- Cũng hay và tạm được.

Rồi chàng đưa danh thiếp ra.

Thật là kỳ dị, chàng nghĩ, sau khi tạm biệt người quen. Nếu câu chuyện xảy ra ở thôn quê, hoặc ở nơi biệt tịch nào thì chàng không khỏi nghĩ đến hồ-ly, những cô gái ma đẹp tuyệt trần đột ngột đến và luôn luôn giữ bí mật về chỗ ở của họ.

Minh còn lầm ở một điểm nữa là thiếu phụ không dễ dãi như chàng mong. Gái đến nhà trai, trai làm sao khỏi nghĩ như vậy. Nhưng cô gái đứng đắn quá, chàng phải nể mà không dám sỗ sàng.

Nàng tên là Hương, Lưu Thị Hương, sống một mình và tự nuôi sống lấy. Minh chỉ biết được có thế thôi, sau một tháng trời kết tình bằng hữu với nhau.

Bí mật phủ lấy đời tư thiếu phụ, đã nuôi nấng sự tò mò của người con trai nầy, và nuôi nấng tình yêu của chàng cho đến đổi chúng trưởng thành lên.

Minh thấy mối tình ngây thơ của chàng biến thành một mối tình lớn, và nếu không lấy được Hương chàng sẽ đau khổ không biết bao nhiêu.

Chàng nghĩ đến nát trí mới tìm được mưu sau đây : thuê một người để theo dấu Hương khi nàng ra khỏi nhà chàng. Người ấy được đưa tiền trước cho có đủ phương tiện : thuê xe, ăn quán v.v... nếu cần.

Và rốt cuộc chàng biết được cô gái ma nầy.

Hôm chàng đến đó, lòng chàng hồi hộp vô cùng. Thiếu phụ ở đường Nguyễn Minh Chiếu. Người theo dấu tả rõ là khi xuống trạm chót của ô-tô vàng thì đi vào hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Vừa ra khỏi nghĩa địa là đến nhà cô ta, ở phía đối diện với nghĩa địa. Số 718/2.

Nghĩa địa ? Nàng là ma chăng ? Minh đi qua nghĩa địa và thấy đối diện với bãi tha ma, một đám đất rộng trên đó người ta trồng cải sà lách son. Người theo dấu đặn rõ ràng là ngõ hẻm nầy.

718/2. Không phải nhà Hương chăng ? Nhà lá tồi tàn quả không xứng đáng với con người đẹp và ăn mặc sang kia. Nhưng rõ ràng là Hương đang ngồi may trước một bàn máy đặt sát vách.

Khi bước vào sân, Minh thấy bạn ngước lên và giật nẩy mình. Hương sợ đến tái mặt lúc Minh vào nhà.

- Tôi xin lỗi cô, Minh nói, tôi quá đường đột vào cấm cung, Nhưng xin cô biết giùm nỗi lòng tôi...

Hương không buồn hỏi vì sao chàng tìm được nhà nầy. Nàng chỉ ngồi thừ ra như là những gì quí báu trong đời nàng vừa đổ vỡ.

Chủ nhà quên bải buôi với khách, khiến khách phải tìm đầu đề câu chuyện cho đỡ lạnh không khí.

- Thưa cô, cô sống về nghề may ?

Minh hỏi thế vì chàng thấy hàng vải nhiều lắm trên bộ ván sau lưng nàng. Bấy giờ chủ nhà mới tươi tỉnh lại đôi phần và đáp :

- Thưa phải, nhưng em kiếm không đủ ăn. Lãnh đồ trong xóm giá nhẹ lắm. Em phải lãnh thêm đồ ren và đồ thêu tay của hiệu Mỹ Trang ở đường Tự Do mới đủ xây xài trong một tháng.

Minh nhớ ra rằng Hương đã kể đời nàng về mười mấy năm về trước, nàng là nữ sinh trường nhà trắng, nên giỏi việc thêu thùa.

Minh ngó ra sân để nhìn lại cái cây cảnh mà chàng đã trông thấy hồi nãy. Cái sân còn hẹp lắm, nhưng vì chủ nhà trồng có mỗi một cây ấy thôi nên xem nó rộng thênh thang ra.

Cây cao độ một thước. Nói là bụi cây thì đúng hơn, vì thân cây gồm bốn năm cọng mọc chùm với nhau. Thân cây màu tía, có lông, hệt như cây trúc, lá cũng ốm và dài như lá trúc. Nếu không có màu tía, và trông xa người ta sẽ ngỡ đó là một khóm trúc kiểng, tức là thứ trúc nhỏ cây, trồng ở dưới chơn các non bộ.

Minh ngạc nhiên lắm mà thấy gia chủ trang trí sân nhà bằng bụi cây không đẹp đẽ chút nào ấy.

- Cây nầy là cây gì, thưa cô ?

- Dạ, cây me tây.

- Me tây ?

- Dạ. Lá của nó dùng để nấu canh chua, Nó chua như lá me. Còn Tây là tánh người mình hễ cái gì lạ là cho gốc Tây, Tàu cả : Ổi Tây, gà Tàu, xoài Huê Kỳ.

- Me, nhưng không giống me chút xíu nào...

- ...Còn Tây thì cũng phải Tây.

- Chắc cô ưa ăn canh chua lắm ?

- Thưa không !

- Vậy không lẽ cô trồng cây nầy để làm cảnh ?

- Đó chỉ là tượng trưng thôi, để nói rằng me Tây mà không phải me Tây.

Minh còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì bỗng chàng thấy một đứa bé da đen độ bốn tuổi, từ đâu đàng xóm chạy vào sân.

Thằng bé đen mông mốc, tóc quăn quíu như một đống ruột gà bằng thép nhuyễn, vừa chạy vô nhà vừa khóc :

- Má ơi thằng Hiệu nó đánh con !

Minh kinh ngạc đến cực độ. Người đàn bà xinh đẹp và có nhiều học thức nầy lại là me Tây? Trời ơi, sao lại có chuyện trớ trêu như vầy ?

Hương ôm con vào lòng, hôn lên tóc quăn của nó, tình thương con của nàng thật

và đậm đà vô cùng. Nàng dỗ dành :

- Ừ để rồi má đánh nó. Hận con nè, con không chào ông đây à ?

Bé Hận, cái tên kỳ dị nhỉ, day lại chào khách rất là Việt Nam, rồi lại dông đi chơi nữa.

Mắt của Minh thầm hỏi rất nhiều, Hương nhìn cái lưng đen của thằng bé đang mất hút ngoài xa, rồi bỗng nàng bụm mặt mà khóc òa.

Minh không dám thốt ra một lời nhưng chàng biết rằng sắp được rõ bí mật của đời bạn.

Quả nhiên khi đã bớt hơi, Hương ngước lên phân trần.

- Anh đã thỏa tò mò chưa ? Có ích lợi gì không cái hiếu kỳ của anh ? Bà Hoàng Hậu Trung Hoa thuở xưa khi đau nặng, đã từ chối không cho Hoàng đế vào thăm. Và vị Hoàng đế đó đã biết điều hơn anh.

- Có một khi kia, cô nghèo lắm à ? Minh đánh bạo hỏi.

- Không. Bao giờ em cũng chỉ nghèo thế nầy thôi chưa đến phải lấy Tây. Nhưng lúc đó em tản cư về quê với má em. Rồi thì anh đã hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ấy. Đó là một quân nhân An-giê-ri. Nó hiếp em chỉ có một lần mà để hận cho em đến bạc đầu. Em đã đặt tên nó là Lưu Trường Hận.

Minh nghe đau nhói nơi tim chàng như ai đã chọc một que nhọn vào đó. Giọng run run, chàng nói nghẹn ngào vì xúc động :

- Em... em Hương... anh mặc kệ... anh vẫn yêu em như hôm qua đây và sẽ yêu em mãi mãi.

Hương cười khanh khách và cười dài nghe rất ghê rợn rồi đáp :

- Không, anh lầm. Lòng anh đã gạt gẫm anh trong nhứt thời. Về sau, anh sẽ xấu hổ đến muốn bỏ trốn đi vì cái vết hoen ố trên đời của em, cái vết đen không bao giờ tẩy được. Em thương con em lắm. Lòng mẹ nơi em, đã ngăn em đưa nó vào Cô - Nhi - Viện để em rảnh tay làm lại cuộc đời - điều mà má em luôn luôn đốc xúi lúc má em còn sinh tiền. Như vậy trước mắt anh lúc nào cũng có cái gai chỉa ra. Không, anh lầm...

- Anh thề với em rằng...

- Vô ích, em hiểu lòng người nhiều lắm rồi. Thật là đáng tiếc ! Anh đã vỡ mộng đẹp, nhưng đó chỉ là sự trừng phạt xứng đáng tính tò mò của anh. Còn em có tội gì đâu mà cũng bị trừng phạt ? Em sẽ mất một người bạn đồng tâm hiệp ý, nguồn an ủi độc nhất của đời em...

- Không tình bạn giữa...

- Anh nên về, và đừng bao giờ trở lại đây nữa !

Minh chưa về ngay. Chàng ngồi đó để nhìn bạn khóc, không biết trong bao lâu.

Khi chàng trở ra sân, nhìn lại bụi me Tây, chàng mới hiểu được ý nghĩa tượng trưng của cây kiểng kỳ lạ đó : me Tây mà không phải me Tây, me Tây bất đắc dĩ chỉ bị miệng đời gọi vậy thôi, chớ thật ra...


(Tầm Nguyên, 1957)

GIẤC MƠ CỦA BÉ PHƯỢNG

CHA ! Ba mang về nhà một chiếc bíp bự dữ, cỡ gỏ lên đầu anh Dũng một cái, đầu anh Dũng sẽ phải u một cục bằng trái cam.

Ba cứ trầm trồ chiếc bíp trong khi má trề môi mà rằng :

"Chỉ tổ ung khói cho cay mắt cả nhà".

Tuy nói thế chớ má phải nhìn nhận rằng chiếc bíp nầy đẹp.

Còn Dũng và Phượng thì chỉ lo rình để giành cái hộp.

Theo hiệp ước thì Dũng được hưởng những gì mà ba bỏ ra, chẳng hạn như hộp thuốc rời Prince Albert, hộp thuốc điếu 555, hộp đựng cà vạt, hộp xi gà v.v... còn Phượng thì trọn quyền về những món bị má bỏ lạc son, chẳng hạn như lọ nước hoa mà đã hết nước hoa rồi, chẳng hạn như hộp phấn, như hộp kẹo v.v...

Nhưng hôm nay con Phượng ăn gian, quyết xé hiệp ước đó, nhìn cái hộp đựng bíp bằng đôi mắt thèm thuồng nên Dũng phải sẵn sàng để tự vệ.

Ô, cái hộp mới đẹp làm sao chớ ! Phượng sờ tay vào đó, búng thử thì nghe biết rằng cái hộp ấy làm bằng giấy cứng. Vậy mà trông cứ giống như là bằng gỗ, một thứ gỗ màu ngà có vân màu cánh dán, xinh đẹp không thể tả.

Ba đứng lên đi thay áo. Tức thì chiến tranh diễn ra, Phượng yếu hơn anh nên dùng thứ khí giới ghê gớm là dẫy và khóc la, ba phải bỏ việc thay áo, má bỏ nấu nướng để lên họp "Liên hiệp quốc" bàn xử hai nước ương ngạnh nầy.

Phượng có lỗi rõ rệt, đáng lý thì phải đầu hàng ngay, nhưng ba muốn giải thích cho Phượng hiểu bổn phận hơn là bắt ép Phượng tuân lịnh, nên hỏi :

- Phượng, con quên lời giao kết rồi hả ?

Phượng tấm tức tấm tưởi đáp :

- Con nhớ chớ ba ! Mà con xin anh Dũng nhường con một lần.

- Có xin thật à ?

- Dạ, có thật.

- Con xin để làm gì ?

- Dạ, bí mật !

Ba, Má và cả anh Dũng nữa, đều cười ngất. Bé Phượng mới học lớp năm trường Phan Văn Trị, đã biết gì mà bí với lại mật.

Ba, má thấy hay hay nên khuyên anh Dũng.

- Thôi Dũng, con nên nhường cho em lần nầy.

Dũng cũng buồn cười cho Phượng, nên vui lòng làm cái cử chỉ đẹp đó.

Phượng cười với đôi mắt ráo hoảnh, rồi vừa ôm hộp vào lòng, vừa nói :"Cám ơn ba, cám ơn má, cám ơn anh Dũng".

Đêm ấy bé Phượng cất hộp dưới gối mà ngủ, và sáng ra thì ba, má quên mất việc ấy luôn cho đến tối hôm sau, cơm nước xong rồi, cả nhà tụ họp lại, ba lấy bíp ra hút thuốc, má mới sực nhớ đến cái hộp và hỏi :

- À Phượng à, con làm gì với cái hộp ?

Phượng lấm la lấm lét nhìn ba rồi làm thinh.

- Kìa, sao má hỏi, con không trả lời ?

- Dạ, con nuôi con chim Phượng trong đó.

Ba vẫn nghe được câu đáp rất khẽ mà Phượng đã hạ giọng thật thấp để chỉ riêng một mình má nghe thôi.

- Sao con lại nuôi con chim Phượng ? Ba hỏi.

Phượng hoảng lắm. Nó rất sợ ma nên thường bị ba mắng là không ngoan, là hay tin nhảm chuyện hoang đường. Con chim Phượng đâu bao giờ có, chắc ba sẽ mắng nó nữa. Nhưng không thể không trả lời, nó mếu máo đáp :

- Dạ, vì con thương con chim Phượng : Phượng là tên của con.

Ba cười ồ rồi hỏi :

- Ai bảo con rằng tên của con có nghĩa là con chim Phượng ?

- Má bảo.

Ông Thành thấy vợ lầm, nhưng không đính chánh, không phải sợ vợ mất uy tín trước mặt con, mà sợ Phượng mất ảo tưởng của nó. Ông muốn giải thích :"Không, tên con là một thứ hoa. Con chim Phượng là tên của con trai, con gái phải tên Hoàng, tức là con chim Phượng mái". Nhưng ông giữ miệng kịp.

Phượng sung sướng quá : Ba không mắng nó.

Đêm sau, giữa bữa ăn tối, ba hỏi :

- Con chim Phượng được bao lớn rồi đó a Phượng ?

- Dạ, nó vừa mọc cánh.

- Cho nó ăn gì ?

- Dạ, nó là chim tiên nên không cần ăn gì hết.

Ba, má nhìn nhau mà cười.

Đêm sau nữa, trước bữa ăn, ba lại hỏi :

- Cánh Phượng có đẹp không con, Phượng ?

- Dạ, đẹp.

- Nhưng hộp nhỏ quá, nó đâu có xòe cánh ra được.

- Ừ, tội nghiệp nó quá, để Phượng cho nó bay ngoài vườn cho nó thong thả.

Đêm thứ tư, suốt bữa ăn, Phượng không hề mở miệng nói một lời. Má hỏi :

- Phượng ơi, sao bữa nay con buồn hiu vậy ?

Phượng nấc lên rồi khóc mùi. Lâu lắm nó mới nghẹn ngào đáp :

- Chim Phượng bay mất rồi má à.

Ba mĩm cười, còn má kinh sợ đến buông đũa. Ba hỏi :

- Nó bay đi lúc nào ?

- Dạ, lúc con thả nó ngoài vườn, kẻo nó tù túng ở trong hộp.

- Phượng có giận nó lắm không ?

- Dạ, ơ...hơ... có, mà con vừa hết giận giờ đây. Nó phải được thong thả chớ, phải không ba ?

- Ngoan lắm. Thế Phượng có lo nó đói lạnh không ?

- Dạ không. Nó về cảnh tiên chắc phải sung sướng.

Trên giường, lúc sắp sửa ngủ, má trách ba :

- Anh hay mắng em là chỉ dạy con tin nhảm. Sao nay anh lại nuôi nấng ảo mộng của con Phượng ?

- Em lầm. Chuyện con chim Phượng không phải là tin nhảm. Đó là giấc mơ trẻ thơ. Không một người lớn nào làm nên sự nghiệp gì đáng kể, nếu thuở bé họ không mơ những giấc mơ kỳ thú như Phượng, họ không nuôi nấng những ảo ảnh huyền hoặc nào.


(Đuốc Thiêng, 1962)
Dựa theo ý của một bài báo bên Pháp

NÀNG VÀ TÔI

Chín giờ đêm, đang ngồi ở tiệm cà phê, tôi bỗng nghe buồn buồn nhơ nhớ ai. Nỗi nhớ cứ man mác mãi và lẩn lút mãi, khiến tôi có cảm giác rằng đó chỉ là cái buồn mà người Pháp gọi là cafard.

Tôi không nhớ quyết ai, và chỉ nhớ thương nhè nhẹ thôi, thì là gì nếu không phải là nỗi buồn vô căn cứ vào một buổi chiều chán nản nào ?

Bỗng vụt thình lình, tôi ý thức được căn nguyên của nhớ nhung nầy. Có lẽ trí tôi đã âm thầm làm việc nãy giờ để truy nã người nầy, nên bây giờ tiềm thức tôi mới thả y ra cho tôi gặp mặt.

Người đó là NÀNG.

Tôi xa nàng đã bốn tháng rồi. Nhớ chết đi được lận.

Ngày ấy tôi ra đi đúng cái lúc mà nàng xô Hiến ra. Hiến một thanh niên đẹp trai, đã có công theo đuổi nàng từ lâu và được nàng chấm đậu.

Chính tôi đã tổ chức cho hai đứa nó gặp nhau, giúp cho tình cảm của hai đứa nó tiến triển đến chỗ gặp nhau lần thứ nhì nghĩa là trên địa hạt tinh thần.

Nàng đoan trang và dè dặt lắm, nhưng tôi vẫn phải xoay thế nào cho rốt cuộc nàng vẫn bằng lòng cho chàng một buổi hẹn ở một nơi nào và vào một giờ rất là thơ mộng.

Như thế thì hai đứa chỉ còn làm cái gì sót lại phải làm mà thôi, chớ chúng nó đã hiểu thấu ruột gan nhau rồi, không còn phải dọ dẫm gì nữa cả.

Nhưng đến phút chót, tôi lại xui nàng xô Hiến ra khi Hiến choàng tay qua vai nàng rồi từ từ kéo nàng về phía chàng, kéo càng giây càng mạnh và rốt cuộc siết chặt nàng trong tay hắn.

Nàng không hề cưỡng lại.

Tôi nhìn xem hai đứa nó "mùi" với nhau, tim đập thình thình mà theo dõi từng giây, từng phút, cái đà thân mật giữa hai đứa nó.

Tôi ghen ghê lắm, ngay từ phút đầu đã muốn nhảy tới phá đám rồi, nhưng phận sự bắt buộc tôi phải cứ để vậy, phải chịu đau khổ âm thầm, phải cắn răng nhìn người mà tôi trộm yêu, nằm trên tay một tình địch.

Hiến ban đầu là bạn của tôi đấy. Tôi cũng thương mến hắn với tất cả tấm lòng tôi, nhưng mà... không, không thể để cho nàng lọt vào tay hắn !

Tôi đau, tôi xót, tôi tức tối, tôi bức rứt, mồ hôi tôi nhỏ giọt, hơi thở hổn hển mãi cho tới cái giây kia, khi mà bốn mắt của họ say đắm nhìn nhau, ót của nàng nằm trên tay hắn, đôi mắt nàng he hé chờ đón một cái hôn, và đầu Hiến từ từ hạ xuống.

Tim tôi đập mạnh hơn bao giờ cả và tôi nghe nghẹt thở ghê lắm.

Đầu Hiển hạ xuống, hạ xuống !... Chỉ còn hai phân nữa thôi là môi hai đứa nó chạm nhau. chỉ còn một phân nữa thôi...Chỉ còn có năm ly nữa thôi.

Bấy giờ tôi đã nổi xung thiên lên rồi, không cần cóc gì phận sự nữa hết, nhưng nói cho đúng ra là phận sự đã cho phép tôi can thiệp, nên tôi nhảy đến nắm lấy tay nàng và xô Hiến ra.

Phải, chính tôi đã cầm tay nàng để làm cử động ấy chớ nàng thì đang phiêu diêu trong một thế giới huyền ảo và đã nhắm mắt lại để nhận và tận hưởng cái hôn đầu trong đời con gái của nàng.

Xác thịt yếu hèn lắm đấy nhé, hay nói cho đúng ra nó mạnh ghê hồn. Nó yếu khi ta tranh đấu với ta để tránh tuột dốc, còn nó lại mạnh khi nó tuột dốc mà ta muốn níu nó lại.

Nàng đã chịu ngã trên tay chàng rồi, đã nhắm mắt lại, hé môi mà hứng cái hôn thì còn làm sao chợt tỉnh kịp lúc nữa.

Và nàng đâu còn lý do để mà chợt tỉnh : đã dám hẹn hò với trai ban đêm ở một nơi vắng vẻ thì cứ mà yêu luôn đi có phải hợp tình hơn không ?

Đã nói là phận sự đã cho phép tôi can thiệp. Nhưng cỡ phận sự không cho phép, tôi cũng bất tuân kỷ luật lúc đó, vì cơn ghen của tôi, tôi không dằn được nữa.

Phận sự ? Vâng. Nói rõ hơn là chén cơm. Và nói rõ hơn nữa, nàng chỉ là một nhơn vật của một tiểu thuyết đăng báo hằng ngày do tôi sáng tác.

Nếu hai đứa nó yêu nhau rồi thì hết chuyện, còn khỉ khô gì nữa mà nói. Mà ông chủ báo lại muốn cho độc giả của ổng tức, nên lại ngầm xúi tôi cho hai đứa nó dang ra vào cái phút mê ly nhứt trần đời ấy, thành thử phận sự chẳng những cho phép tôi can thiệp mà lại còn bắt buộc tôi can thiệp nữa.

Nhưng tôi đã cóc cần phận sự. Tôi hành động theo tình cảm. Quả tôi ghen, ghen thật sự, mặc dầu nàng chỉ là một nhơn vật tưởng tượng.

Tôi đã làm tạo hóa trong một thời gian, lấy Vô Cực mà tạo ra Nàng từ chỗ không có gì hết.

Nói cho đúng ra, tôi đã ăn cắp của nhiều người để tạo ra nàng. Tôi ăn cắp của cô Liên, một cô gái có thật, ở cạnh nhà tôi, ăn cắp của cô ấy đôi mắt đen huyền và hơi ươn ướt, đôi mắt u buồn một nỗi buồn bí mật nào, không sao đoán được, nhưng chính nhờ thế mà hấp dẫn vô song, hấp dẫn vì cái bí mật có lẽ không có, nhưng ai cũng ham khám phá.

Tôi đã ăn cắp của cô Lệ, một cô gái buôn hương quen biết với tôi, đôi môi mà khi nhoẻn miệng cười một cái thì chủ của đôi môi ấy mà có bảo tôi nhào ra giữa phố cho xe cam nhông cán, tôi cũng vâng lời.

Tôi đã ăn cắp của cô Cúc, một cô nữ thư ký của nhà báo, mái tóc Carroll Baker, một Carroll Baker Á Đông, và nhứt là tôi đã ăn cắp của cô Thuận, một nữ giáo viên xấu như ma, cái tâm hồn đẹp như một bản tình ca...

Tôi đã ăn cắp đôi chân của một nữ thực khách xa lạ kia mà tôi thường gặp tại một hiệu ăn sang trọng, đôi chơn đẹp như đôi chơn vũ nữ Âu Châu và tôi đã ăn cắp đôi bàn tay của một nữ bác sĩ nhổ răng kia.

Tôi đã ăn cắp nơi nhiều người rồi ráp những thứ ấy lại để tạo ra Nàng, thành thử

Nàng đã là một cô gái lý tưởng... đối với tôi.

Vâng, chỉ đối với tôi thôi vì có lẽ chỉ có tôi là thích đôi mắt cô Liên, đôi môi cô Lệ, mái tóc cô Cúc, đôi chân của cô thực khách lạ, đôi tay của nữ bác sĩ nhổ răng, mà tâm hồn của cô giáo xấu như Chung Vô Diệm, chớ chưa chắc người khác đã thích.

Nhưng vì chủ quan, tôi ngỡ ai cũng thích một người con gái như vậy, nên đưa Nàng ra trình diện, không dè độc giả cũng thích. Tôi sung sướng ghê mà thấy rằng khiếu thưởng thức của mình đúng.

Đó là một cô gái mà tôi đợi chờ từ hai mươi năm nay, sắp già mất rồi mà nàng chưa xuất hiện.

Sở dĩ tôi bền chí đợi chờ lâu năm như vậy là vì tôi tin chắc rằng Nàng có mặt trên đời nầy.

Tạo hóa, thứ thật, chớ không phải giả hiệu như tôi, đã tạo ra một cô Liên với đôi mắt ấy, một cô Lệ với đôi môi ấy, một cô Thuận với cái tâm hồn ấy thì tại sao không tạo ra một cô A, một cô B có đôi mắt cô Liên, đôi môi cô Lệ, tâm hồn cô Thuận ?

Vâng, chắc chắn là có NÀNG, nhưng hiếm lắm, có thể chỉ có một mẫu độc nhứt như vậy thôi và có thể đã năm con bảy cháu rồi cũng nên - vì hai mươi năm đã qua rồi kia mà - nhưng tôi cứ bền chí đợi trong ảo tưởng rằng nàng không thể bị thời gian tàn phá hường nhan.

Ban đầu, khi mới tạo nàng ra, tôi không nghĩ gì về nàng cả. Nhưng rồi nàng có đời sống tâm tưởng, ăn nói hoạt động, khiến tôi hồi hộp theo dõi nàng.

Viết cái tiểu thuyết nào, tôi cũng sống mãnh liệt với nhân vật trong đó. Tôi cũng nổi giận, cũng căm tức, băn khoăn và bâng khuâng như họ, cũng ngậm ngùi trước một cuộc biệt ly nào, và cũng phấn khởi trước một cuộc tranh đấu. Ở đoạn đầu nào tôi cũng thủ vai chủ động, nhưng đến giữa chừng, lắm khi nhân vật có cá tính mạnh quá, lại lôi kéo tôi qua những nẻo thật bất ngờ.

Nhưng riêng về tiểu thuyết ấy tôi đã sống hoàn toàn với nàng. Khi khởi viết tôi giống như một đấng tạo hóa hay một vị tiên ông, lấy lá sen kết thành hình cô ta, đoạn hà sinh khí vào hình nộm ấy, thế là cô ta cười nói, đi đứng. Về sau cô gái cứ tự cô hoạt động, tôi có điều khiển cô ta thật nhưng vẫn nương tay cho nàng được tự do phần nào.

Tôi không đủ lời để tả nàng. Tôi chỉ trình diện một thiếu nữ đẹp, có duyên, có nết, nhưng riêng tôi, tôi thấy những đức tính ấy sâu đậm hơn độc giả.

Ôi chao, làm sao mà tả cho nổi đôi môi của nàng, cái màu đen huyền diệu của đôi mắt nàng?

Tôi quen thân với nàng và hai người thường trò chuyện với nhau mỗi khuya, sau khi tôi viết xong một chương tiểu thuyết, đi lại giường nằm nghỉ. Lúc bấy giờ nàng giống như một cô đào sân khấu, hết vai rồi nên rời rạp hát, về nhà với tôi, sống với tôi chớ không sống với anh kép đóng cặp với nàng nữa.

Thế nên, rồi tôi đâm ra si nàng, và chỉ muốn để dành cho tôi thôi. Nhưng cái ông chủ báo và cái bao tử của tôi, cả hai đều âm mưu thúc giục tôi, thành thử tôi đành phải cho nàng yêu cái thằng khốn nạn đó.

Cũng đỡ khổ là tôi chỉ có một thằng đeo đuổi nàng thôi. Thằng ấy là CHÀNG. Ban cái ân huệ ấy cho nhiều thằng quá, tôi sẽ phải ghen nhiều, mệt lắm, với lại tôi có thể chậm tay, giữ không xuể, một thằng nào nó chiếm mất NÀNG thì chết.

Ông chủ báo nhứt định để cho CHÀNG yêu NÀNG, tôi đành phải vâng dạ để lấy tiền mua gạo, nhưng tôi dục hưỡn cầu mưu, cứ kéo dây dưa mãi.

Tôi làm như trẻ con chơi cá lia thia, đựng mỗi con trong một bồn thủy tinh để được xem chúng nó phùng xòe đá bóng với nhau suốt ngày, chớ nếu cho chúng nó đá thật thì sẽ có một con thua chạy te, còn gì nữa mà xem.

Ông chủ báo khám phá ra rằng trò chơi ấy thế mà hốt bạc cắc vì độc giả cứ hồi hộp theo dõi mãi, nên khuyến khích tôi cho hai đứa nó đá bóng với nhau mãi.

Được nước, tôi làm tới, không phải vì tuân lệnh chủ báo, mà vì, như đã nói, tôi ích kỷ ghê hồn, si ghê hồn và ghen ghê hồn.

Tôi bắt buộc phải cho hai đứa nó yêu nhau, nhưng tức sôi gan mỗi lần CHÀNG cầm tay NÀNG.

Rồi rốt cuộc tôi bắt nàng phải xô thằng khốn nạn ấy ra, và chấm dứt tiểu thuyết đó, mặc kệ ông chủ báo nói gì thì nói.

Cái ngày mà tôi phải xa nàng là ngày đau đớn nhứt trong đời chưa hề yêu của tôi. Đó là mối tình thứ nhứt, đó là một mối tình lớn nhứt, nên niềm đau của tôi không có bờ bến.

Tôi mất ăn mất ngủ như thế đến trót ba tháng trời, thế nên đêm nay chưa cạn tách cà phê đen, tôi trả tiền rồi vội về nhà để đọc lại hết thiên tiểu thuyết đã đăng báo ấy, mà tôi cắt mỗi ngày, để dành bán cho các nhà xuất bản.

Tôi đang nằm trên một chiếc ghế bành để đọc truyện do chính mình viết ra, thì bỗng giựt mình mà nghe tiếng giày phụ nữ bước lên thềm.

Tôi ngỡ đó là cô bạn gái nào, nhìn ra thì... ồ nầy lạ : NÀNG.

Vâng, đúng là NÀNG, không khác một làn mi, một sợi tóc nào cả với đôi mắt của cô Liên, đôi môi cô Lệ, đôi chân người nữ thực khách, đôi tay của bà nữ bác sĩ nhổ răng.

Tôi đâm sợ, toan chạy trốn. Không, tôi không nhát gái đâu. Nhưng tôi ngỡ nàng là ma. Tôi nghĩ đến nàng hằng giây, hằng phút rồi bị loạn óc, thấy ảo ảnh, hay oan hồn thiếu nữ nào đoán biết giấc mơ của tôi, hiện ra để trêu tôi chơi ?

Hay là hồ ly tinh ?

- Có phải nhà nầy là nhà của nhà văn Huyền - Hoặc hay không thưa ông ? Nàng hỏi.

- Thưa phải, tôi ấp úng đáp, Huyền-Hoặc chính ơ...là... tôi. Xin mời cô vào nhà.

Nàng vào trong, tôi chỉ ghế nhưng nàng không ngồi. Giờ đã trấn tỉnh được, nhưng tôi lại run vì bị xúc động trước con người mà tôi chờ đợi đã hai mươi năm rồi.

Nàng không ngồi mà nóng nảy hỏi ngay :

- Thưa ông, cái tiểu thuyết đó sao chấm dứt đi ? Tôi tìm ông đã gần hai tháng rồi, mới được gặp đây.

Tôi sung sướng phồng mũi lên. Thật là sao đào hoa chiếu mạng. Viết tiểu thuyết rồi được gái đẹp, nữ độc giả tìm thăm là phần thưởng lớn lao hơn tiền nhuận bút nhiều lắm.

Mà gái đẹp làm sao chớ ? Đâu có phải là một cô gái đẹp thường mà tôi gặp ngoài phố. Đây là NÀNG, người tôi mơ ước đã hai mươi năm, tạo ra cho đỡ khổ, tạo rồi yêu ngay, rồi đau khổ vì Nàng.

Rươm rướm lệ hạnh phúc tôi đáp :

- Thưa cô, chuyện bị cúp ngang vì theo quyết định mới, báo chỉ đăng ba tiểu thuyết thôi, bao nhiêu cái khác phải bỏ hết. Dầu sao tôi cũng hân hạnh được cô biết đến.

Tôi đáp láo, nhưng đúng theo một tình trạng có thật trong làng báo thuở ấy.

- Nhưng kết cuộc ra làm sao, thưa ông. Chàng có lấy NÀNG không ?

Tôi mĩm cười hỏi lại :

- Cô muốn thế nào tôi sẽ chìu theo ý cô thế nấy. Nhưng xin mời cô ngồi.

Cô gái ngồi xuống trong cái dáng ngồi y hệt dáng của NÀNG mà tôi đã tả trong truyện, thật là khả ái.

- Tôi không thích họ lấy nhau. Nàng đáp.

- Hoan hô. Tôi cũng không thích cho họ lấy nhau. Thành thử chìu ý cô rất dễ dàng cho tôi.

- Thưa ông CHÀNG có thật hay không và có thể nào ông giúp tôi gặp CHÀNG được hay không ?

Hơi lo, tôi hỏi :

- Chi vậy ?

- Thú thật với ông là tôi mê CHÀNG ghê lắm, mê đến đỗi ghen, không muốn chàng lấy ai cả.

Tôi bỗng như bị ai búa lên đầu, choáng váng suýt chết ngất.

Thì ra NÀNG tìm tôi, không phải vì tôi mà vì CHÀNG.

Chua xót, tôi gượng gạo mĩm cười đáp :

- Tiểu thuyết chỉ là chuyện bịa thôi cô à.

- Nhưng mà bịa dựa theo sự thật, đôi khi rất cần sự thật. Và tôi tin chắc có Chàng trên đời nầy, nếu chàng không ở trong vòng quen biết của ông.

- Quả đúng như vậy. Tôi cũng thú thật với cô là chính tôi cũng mê nàng ghê lắm, đã tìm nàng từ lâu và may mắn hơn cô, tôi đã gặp nàng nơi cô.

Cô gái cũng thình lình bị sét đánh. Nhưng không phải là sét đánh ái tình đâu nhé. Lời nói bóng gió của tôi rõ nghĩa quá, lại đột ngột, bất ngờ quá, khiến

nàng rụng rời vì tánh cách kỳ dị của nó : tôi cao niên hơn nàng đến hai mươi tuổi.

Nàng đứng lên, lảo đảo như say rượu, rồi xin phép ra về.

- Rất tiếc ! Nàng nói.

- Rất tiếc ! Tôi lặp lại như một tiếng vang.

Đó là hai câu ngắn mà khách và chủ đã trao nhau thay lời từ giả và cảm ơn.

Tiển khách ra tới cửa tôi tần ngần đứng lặng nhìn cô gái thất thểu đi trên vỉa hè, đau xót không biết bao nhiêu cho thân phận của chúng tôi. Cả hai đứa đều là đồ điên, đã yêu một người không có thật.

Người không có thật ấy rồi cũng có, bằng cớ là tôi đã gặp NÀNG, nhưng rất trễ muộn.

Phần NÀNG, hai mươi năm sau có lẽ, NÀNG cũng sẽ gặp CHÀNG đấy chớ chẳng không đâu, nhưng bấy giờ nàng đã con đàn cháu đống rồi mà CHÀNG thì chỉ mới trưởng thành.

Cho đáng kiếp NÀNG, NÀNG nhé ! NÀNG sẽ bị cậu ấy thờ ơ, y như NÀNG đã thờ ơ với tôi hôm nay.

Dầu sao chúng tôi cũng là bạn đồng tâm, NÀNG ạ ! vì cả đôi ta đều điên, một chứng điên giống hệt nhau, cái chứng điên của kẻ si một hình bóng.


(Nhật báo Tiếng Vang, 1964)

NHỮNG NGÀY TRỐN HỌC

Sài Gòn, ngày.... tháng.... năm....

Mầy Ngọc,

Té ra mầy đang làm ông bự dưới Vĩnh Bình ?

Tao bắt được thư mầy một cách bất ngờ quá khiến tao suýt bị sự ngạc nhiên đánh

"nóc ao".

Lâu quá rồi, tao không biết mầy đã hui nhị tỳ trong loạn ly, hay còn sống mà chui ở xó nào, không dè mầy leo cao dữ !

Tao không nhớ cái mộng tuổi thơ của mầy, nên không vội mừng giùm mầy, vì biết đâu mầy đã chẳng mơ làm kép cải lương, hoặc làm cầu tướng quốc tế và giờ cái chức tước của mầy, coi vậy mà có giúp mầy thỏa chí bình sanh đâu.

Nhưng dầu sao, chắc chắn là mầy đã sướng ghê lắm vì thoát khỏi tai nạn nộp bài.

Mầy còn nhớ hay không, năm ta học lớp nhì, lớp nhứt ? Hễ hôm nào không làm bài tác văn được thì ta trốn học.

Mà ta đi học trường lùm, trường bụi rất thường vì không bao giờ ta làm bài được cả. Ta muốn viết gì thì ta viết chớ đầu đề ra sẵn, ta nuốt không trôi. Ta là hai đứa vô kỷ luật và nếu nhà nước chỉ huy văn nghệ thì tao chẳng viết được một chữ nữa và có lẽ đang làm ông ký và mầy không thể biết tao đang ẩn ở xó kẹt nào.

Mầy sướng, nhưng chớ tưởng là tao cũng sướng như mầy đâu mà lầm to.

Tao đã dại dột lao đầu vào thế giới đặc biệt mà mấy thằng lớn xác vẫn cứ phải nộp bài như học trò, nộp hằng tuần như ngày xưa, và kinh khủng hơn cả ngày ta còn thơ, là phải nộp hằng ngày mới là khiếp đảm cho chớ.

Mầy có nhớ hay không, thuở ban đầu thầy giáo vẫn tin theo lời khai bịnh nhắn miệng của ta, nhưng mãi rồi các ổng biết "tẩy" của tụi mình, các ổng sai tụi nó đi lùng bắt tụi mình rồi khiêng ta về trường như khiêng heo.

Nhưng ta không sợ vì chỉ phải ăn vài roi mây rồi huề, bài vẫn khỏi nộp.

Bây giờ khủng khiếp hơn nhiều. Con khóc đòi quà, vợ than hết gạo, khiến tao sợ mấy ông Tổng thư ký tòa soạn còn hơn là sợ cọp nữa. Các ổng mà không nhận được bài tao phải nộp đúng kỳ, các ổng mách với các ông chủ báo thì cả nhà tao "xíu oách" hết.

Vì vậy mà, oái oăm thay, tóc tao gần nhuốm hoa râm, tao lại trở thành cậu bé ngoan ngoãn, để không bao giờ bị khiêng về các tòa soạn như nhà văn Pháp Honoré de Balzac.

Chắc mầy tự hỏi tại sao tao lại ngốc quá mà chui đầu vào một ngành hoạt động kỳ cục như vậy.

Đó là câu hỏi mà nhiều phóng viên của các tạp chí văn nghệ đã đặt ra với tao. Tao đã trả lời họ, nhưng mỗi người lại mỗi nghe tao giải thích khác, và nếu mầy có theo dõi văn nghệ, chắc mầy đã ngạc nhiên lắm.

Nhưng không phải là tao nói láo đâu. Mỗi lần tao đều nói mỗi khác, nhưng luôn luôn đúng sự thật. Không có gì lạ cả. Chỉ vì các nguyên nhơn rất là đa thái và phức tạp, họ hỏi thình lình, tao nhớ nguyên nhân nào, cứ nói nguyên nhân ấy ra, vài tháng sau tao chợt nhớ tới lý do khác khi tạp chí khác phỏng vấn, mà lại đã quên mất các nguyên nhơn đã kể trước kia, nên lại đưa ra lý do vừa sực nhớ.

Nhưng có một nguyên nhơn nầy mà tao chưa hề kể cho ai nghe cả, không phải vì tao thấy nó xấu xa, nhưng không hiểu sao, tao lại quên mất, và chính mầy đã gợi nhớ cho tao, nên mầy là người xứng đáng được nghe tâm sự nầy trước thiên hạ hết.

Mầy có nhớ hay không mầy

Ngọc, là thuở ấy tụi mình học trường bụi tại bờ Suối Cây Đa ?

Tụi mình lấy đất sét trắng ở bờ suối để nắn hình những cỗ bánh cúng đám làm chay, cúng xong tụi mình đi rủ bọn chăn trâu tới để giựt giàn.

Nhưng mầy với tao, cả hai đứa đều đã lén nhau nắn thứ khác nữa, mà mầy giấu tao, tao giấu mầy, vì thuở ấy ta cho rằng đó là chuyện xấu lắm.

Ta đã lấy đất sét nơi lòng ta để nắn Nàng.

Thuở ấy học trò lớp nhứt lớn xác lắm chớ không phải bé con như bây giờ. Mầy với tao hai đứa đều mười bốn.

Đó là một công trình dài hạn, ta sửa, ta chữa, ta thêm, ta bớt mãi cho đến hết tuổi dậy thì của ta, Nàng mới được thành hình hẳn.

Chắc là mầy đã vứt Nàng của mầy đâu đó, khi mầy phải đi tìm sanh kế.

Riêng tao thì khác, tao tin rằng Nàng có mặt thật sự trên đời nầy, lòng tin của tao mạnh như là một tín ngưỡng tôn giáo, nên đi tìm sanh kế, tao cũng đi tìm Nàng luôn một thể.

Tao đã bỏ phí rất nhiều năm thanh xuân của tao, nhưng tao hoài công vô ích.

Thua trận mà không bỏ cuộc, tao nghĩ mãi rồi phát kiến ra được cái mẹo tài tình nầy là làm phù thủy là đắc sách nhứt.

Vì Nàng chỉ là một bóng ma, tao làm phù thủy, tao sẽ bắt Nàng hoạt động được để tao xem cho đỡ nhớ.

Ấy đó, đó là một trong nhiều nguyên nhơn rắc rối, chằn chịt như mắc cửi của nghề của tao.

Làm phù thủy tức là viết tiểu thuyết đó.

Tao không ngốc đâu, tao chỉ hơi điên thôi. Tao nuôi âm binh trong nhà, sống với một bóng ma, đọc thần chú, hà sinh khí vào pho tượng đất-sét-lòng ngày xưa và pho tượng ấy bỗng hoạt động liền.

Mầy có mọc ốc khắp mình chưa mà nghe bạn mầy kể đã sống và đang sống với hồ ly ?

Vâng, viết tiểu thuyết là làm trò phù thủy vậy.

Tao nuôi cả một đạo âm binh to lớn mà Nàng là một con hồ ly quan trọng nhứt, tất cả đều phải hành động theo ý muốn của tao.

Tao bắt Nàng hoạt động để tao xem cho đỡ nhớ như thỉnh thoảng ta ngắm lại ảnh của một cố nhân, mà còn thú hơn là ngắm ảnh nữa, vì cố nhân của tao sống, hoạt động, đi đứng, nói năng, làm dáng.

Câu chuyện của tao có thật ngoài đời, nhưng tao hạ bệ nữ nhân vật chánh, để nàng thay thế và biến đi nhiều chi tiết, nhứt là khi nào có vụ yêu đương.

Tao ghen không cho Nàng yêu thằng nào cả, chỉ bắt tụi nó si Nàng mà thôi.

Thấy trò chơi làm phù thủy hay quá, tao tiếp tục chơi trò ấy mãi, với lại tiếp tục cho đỡ sốt ruột trong cuộc tìm tòi dài hạn, trong sự chờ mong đến suýt thành đá vọng... mỹ nhơn.

Mầy có biết hay không là tao ghen ghê lắm, và trong những tác phẩm đầu, tao cứ bắt nàng phải lỡ duyên để được độc quyền về Nàng ?

Cái ngày mà vì áp lực của một ông chủ báo, tao bị bắt buộc phải cho Nàng lên xe hoa, ngày ấy tao đã khóc thật sự đó mầy ơi !

Tao ghen đến đỗi bắt Nàng che mặt như phụ nữ Á Rập: có khi tao trình diện Nàng với đôi môi mỏng, có khi với đôi môi dày, độc giả cứ tưởng rằng đó là nhiều nàng khác nhau. Tao không cho ai biết Nàng cả đâu, vì Nàng của riêng tao, Nàng phải mang mặt nạ để ra sân khấu và thiên hạ phải bị gạt hết ráo.

Nàng lên xe hoa rồi, tao hờn nàng lắm, và đâm ra ác, tao cho nàng bị tình phụ một khi kia, cho đáng kiếp ! Ác nhứt là tao đã bắt ép Nàng làm gái giang hồ đến mấy lần.

Lần nào trả thù xong, tao cũng khóc cả tháng trời mới nguôi sầu.

Để tao kể chuyện nầy, mầy nghe là biết cái nước ghen của tao lên tới độ nào.

Có một lần, tao cho Nàng mơ tao. "Tao" nghĩa la một người trong mơ của Nàng. Câu chuyện đó hay lắm, bán sẽ được tiền hơn các chuyện khác. Năm đó vợ tao mắc bịnh lao phổi, còn thằng con trai của tao thì cần được cắt cục thịt dư ở cuống họng nó.

Vậy mà tao không đành bán nàng. Tao đi vay, đi mượn xoay đủ cách để lo cho vợ con, nhưng Nàng thì tao cứ bo bo giữ lấy.

Rốt cuộc, túng quẫn quá, tao cho tao chết đi để đủ can đảm mà bán Nàng. Vì tao đã quyên sinh rồi thì nàng lấy ai, tao cóc cần.

Bao nhiêu năm qua rồi, mầy Ngọc nhỉ, kể từ ngày ta nắn hình bằng đất sét. Trên hai mươi năm, mốt áo, mốt tóc, mốt giày cứ thay đổi như lá thay theo mùa. Tao cũng phải cho nàng ăn mặc cho hợp thời trang, nhưng thật ra, nàng vẫn cứ là cái Nàng năm ấy.

Chỉ có khác là Nàng không già, Nàng không già vì nàng lại được ướp trong tủ lạnh của lòng tao, nó lạnh dưới không độ thì làm sao mà già được.

Lạnh thật đó mầy ơi, hình như phải có hai con tim cùng đập một nhịp với nhau mới sanh ra nhiệt độ được, chứ đơn ca sô lô mãi thì chán bỏ xừ.

Những năm mà thôn quê yên ổn, những năm 1954, 1955, 1958, tao trở về Suối Cây Đa, vì tao tin rằng Suối ấy là suối Đào đưa về thạch động mà ngày xưa những ông Lưu, ông Nguyễn, ông từ đã lạc lối vào đó.

Tao lại tin rằng Nàng hẳn phải sống trong thạch động ấy, vì Nàng có mặt trên đời, mà tao không tìm được thì trừ phi chỗ ấy, nàng đâu có thể trốn nơi nào khác nữa.

Nhưng tao lại cũng hoài công, bởi tao ngược nguồn con suối ấy trong nhiều ngày, cho đến khi gặp mội của nó, mà không hề thấy một thạch động nào cả.

Có năm nọ, tao rất muốn vào "Quốc gia hành chánh" học để làm tri huyện.

Tao sẽ đi chơi chùa, sẽ gặp Nàng hạ san bẻ gãy cành mẫu đơn nhà chùa, bị bắt giữ và tao sẽ cởi áo làm tri huyện để chuộc Nàng.

Nhưng hỏi ra thì các nhà sư ngày nay cần lấy lòng dân nên không thể bắt giữ một đứa con gái lỡ tay làm gãy một cành mẫu đơn nên tao lại thôi.

Rất tiếc, vì chỉ có chuộc Nàng Giáng Hương, tao mới được đến cái nơi bí mật mà Nàng đang chờ tao.

Tao ghen, tao không cho độc giả biết gương mặt thật của Nàng, mà tao lại còn ghen bằng cách giấu tên thật của Nàng, tên mà tao đặt cho Nàng trong thời gian nắn tượng.

Những cái tên Liên, Thu, Mai, Thủy toàn là những tên láo khoét.

Nàng cũng không mang tên Giáng Hương đâu nhé, các bồ ạ. Bí mật mà ! Tiên tổ mấy thằng gián điệp cũng không tìm biết được.

Mầy Ngọc ơi, là đàn ông mỗi ngày tao mỗi lại soi gương như hạng phụ nữ hay làm dáng, để được mừng mà thấy tóc tao còn xanh, tức còn một chút xíu hy vọng mong manh gặp nàng một cách không quá trễ muộn.

Ngọc ơi, viết tới đây tao lại soi gương - ấy, trên bàn viết tao luôn luôn có một chiếc gương nhỏ - và tao tìm coi có sợi tóc nào bắt đầu trổ màu chưa. Tao cứ lo là sẽ quá muộn.

Mỗi lần đi húi tóc, tao căn dặn mấy anh thợ cạo xem cho thậy kỹ, hễ có dấu hiệu tiên phuông bạc tóc thì cấp tốc báo tin cho tao hay lập tức. Để làm gì tao cũng chẳng biết nữa, vì các nhà bác học bận chế vũ khí, xao lãng việc tìm thuốc cãi lão hoàn xuân thì có hay tin kịp lúc cũng đành bó tay chịu phép lạ của thời gian.

Có lẽ tao đã giả dối với tao. Sự thật, tao không muốn biết ngay rằng tao vừa có một sợi tóc bắt đầu trổ màu, mà chính là để được nghe bác thợ cạo nói: "Còn lâu mà thầy hai !".

Thế là "thầy hai" phồng mũi lên, sướng mê tơi và "buốc boa" cho các bác rất hậu.

Hiện giờ thì tao vui sống với nghề phù thủy vì chỉ có nghề nầy mới giúp tao gần gũi Nàng, điều khiển Nàng và nhứt là xem chừng Nàng. Hễ có thằng nào láng cháng định chinh phục Nàng, tao sẽ ám hại nó, và hễ khi nào Nàng có ý muốn cảm một cậu đẹp trai thì tao báo động cho Nàng biết rằng phải coi chừng sở khanh đa nhé.

Hù cho Nàng sợ mà lùi bước vậy thôi chớ mấy thằng đó xứng đáng hơn tao nhiều lắm. Chúng nó không điên, chỉ yêu một cách "con người" thôi chớ không thèm si đến xuẩn ngốc như tao vậy đâu.

Tao tin chắc rằng Nàng biết Nàng, nói rõ hơn là có kẻ biết mình là Nàng, bởi tao giấu mặt, giấu tên Nàng, nhưng không thể giấu tâm hồn Nàng. Thế thì kẻ ấy phải tự thấy tâm hồn đó là tâm hồn của mình, và mình tức là Nàng.

Nhưng không hiểu sao Nàng lại cứ bặt tin, không hề tìm tao. Chắc Nàng đã có chồng rồi.

Nè, tao nói ra cái điều ác nhứt của tao đây nghen mầy Ngọc, cái điều nầy thì xấu lắm, phải giấu mới được, nhưng đã trót tâm sự với mầy thì phải xì ra luôn vậy: là tao mong cho Nàng góa bụa.

Cái mới là tàn nhẫn, tàn nhẫn hơn cả những lần tao bắt Nàng bán phấn buôn hương.

"Nàng ôi, tha thứ cho hắn nhé ! Kẻ không may, rất dễ trở nên ác và ganh tị. Hắn có muốn ác đâu, nhơn chi sơ tánh bổn thiện kia mà ! Nhưng hoàn cảnh dung rủi cho hắn bắt gặp ác ý, hắn vội chụp lấy, cất vào trí để sử dụng.

Nhưng xin Nàng biết cho rằng mỗi lần hắn ác là mỗi lần hắn đau thêm một niềm đau to ít lắm cũng bằng tiếng kêu than của Nàng khi Nàng gặp rủi vì ác ý của hắn.

Nàng còn có thể nguôi sầu vì Nàng không có pho tượng đất-sét-lòng nào cả thì cậu nào an ủi Nàng cũng được, chớ như hắn thì hắn phải đau đến thiên vạn kỷ vì một người quen mà chưa biết !"

Ngọc ơi, tao đoán rằng đọc xong bức thư nầy rồi, mầy không bao giờ dám viết thư cho tao nữa, hay nói cho đúng, mầy sẽ viết một lá thư chót, báo tin rằng mầy đã được thuyên chuyển đi nơi khác rồi và xin hủy lời mời tao xuống chơi.

Tiếp một người khách sắp đi Biên Hòa, chắc mầy ngán lắm. Nửa đêm tao rất có thể vụt dậy, xách dao đi tìm để chém thằng tình địch đã được Nàng, vì áp lực của chủ báo bắt buộc hắn phải được Nàng.

Hôm nay là ngày tựu trường. Nhìn lũ con tao ôm cặp đi học lại, sau mấy tháng hè, tao thầm van vái cho chúng nó không bao giờ phát minh ra được cái trò chơi tai hại là nắn hình Nàng.

Nắn hình ông Thủ tướng, ông Đại tướng, coi vậy mà còn tương đối để thỏa nguyện hơn là nắn hình một kẻ mà trên đời nầy chỉ có một kiểu mẫu, mà kiểu mẫu ấy lại chìm mất trong mấy chục triệu người phụ nữ Việt Nam tạo hình còn làm sao mà tìm cho ra ?

Ôi, mớ đất - sét - lòng của thời niên thiếu ! Mi chỉ là vật chất vô tri, muốn nắn hình gì ra hình nấy. Nhưng ta đã dại dột và không may mà dùng mi để nắn tượng Nàng, có khổ chưa !

Sao ta lại không nắn chiếc ô-tô hay cái nhà lầu, rồi thì tự nhiên Nàng cũng sẽ tới ? Nhưng không, nàng sẽ tới, nhưng nàng không phải là Nàng với chữ N viết hoa đâu.

Nàng có thể đẹp hơn Nàng nhiều lắm, nhưng Nàng không phải là Nàng của mộng đầu xuân của ta, Nàng ấy thì không thích nhà lầu ô-tô đâu.

Thôi nhá, thằng bạn trốn học đồng chí của ngày xưa, vĩnh biệt nhá ! Mầy sợ thằng điên, tao không giận mầy đâu.

Đường đời vạn nẻo, ai có đường nấy, không thể bắt hằng triệu người tỉnh trí phải điên theo một vài thằng thằng điên.

Mầy chỉ cần nhớ rằng mầy đã thoát nạn nộp bài, còn tao thì không, và còn sẽ nộp rất nhiều năm nữa, gần chống gậy đến nơi rồi mà không dám trốn học. Nhớ bấy nhiêu đó mầy đủ sướng rồi.

Chào thân mến.

Ký tên: Thầy phù thủy.

(Tuần báo Tâm Tình, 1965)

Bình Nguyên Lộc
Nguồn: binhnguyenloc.com
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...