Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Thảo Phương - Nữ sĩ vắt kiệt sức mình để sống và viết

Thảo Phương - Nữ sĩ vắt
kiệt sức mình để sống và viết

Thơ Thảo Phương đã tạo nên một giọng điệu riêng, có sức lay động và lan tỏa. Chị đã góp một tiếng thơ riêng trong dàn đồng ca của thơ nữ Việt Nam hiện đại.
Khi đọc những câu thơ trong bài Không đề gửi mùa đông người ta nhớ đến ngay nhà thơ Thảo Phương, bài thơ là tiền đề cho bài thơ “Nỗi nhớ mùa đông” sau đó được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng Nỗi nhớ mùa đông.
Dường như ai đi ngang cửa,/ Hay là ngọn gió mải chơi?/ Chút nắng vàng Thu se nhẹ,/ Chiều nay, cũng bỏ ta rồi./ Làm sao về được mùa Đông?/ Chiều Thu – cây cầu… đã gãy./ Lá vàng chìm bến thời gian,/ Đàn cá – im lìm – không quẫy./ Ừ, thôi… mình ra khép cửa,/ Vờ như mùa Đông đang về!
Nhà thơ Thảo Phương (1949-2008). Ảnh: Nguyễn Thái Sơn
Đọc những câu thơ trên cũng như nghe lời bài hát người đọc hình dung ra Thảo Phương là con người giàu lòng trắc ẩn, người phụ nữ làm thơ với những nỗi buồn, nỗi lo toan vất vả. Ở đó, là niềm tin yêu, sự hoài vọng; ở đó là những triết lí, chiêm cảm sâu sắc về kiếp người, cõi người… Dù cuộc đời không mấy suôn sẻ, một mình với vai trò là người trụ cột trong gia đình, phải cáng đáng nuôi năm người con. Tưởng hoàn cảnh nghiệt ngã ấy sẽ làm cho chị gục ngã, nhưng không Thảo Phương là người thi sĩ biết vượt lên trên mọi hoàn cảnh, chị đã vắt kiệt sức mình để sống và viết.
Đọc thơ Thảo Phương, người đọc nhận ra đó là tiếng thơ của một người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Dường như mọi khổ đau, mất mát, tổn thương đều ập đến và bủa vây chị. Nên thơ Thảo Phương đầy ắp những nỗi niềm khắc khoải, cô đơn trong nỗi buồn vô tận. Thi sĩ Thảo Phương cho rằng: Người đàn bà do đàn ông sinh ra và ở họ sẽ gánh chịu bao trái ngang, sầu thảm, chống chếnh, không phút bình yên: Người – đàn – bà – do – đàn – ông – sinh – ra/ Mãi chơ vơ giữa chợ đời chộn rộn/ Người đàn bà do đàn ông sinh ra/ Suốt đời chống chếnh…/ Không kịp hỏi ta…/ Không kịp hỏi chàng..!/ Ta lạnh lắm – và ta cô đơn lắm… 
Nhà thơ đổ lỗi cho định mệnh và thảng thốt thét gào: Hỡi định mệnh – Trả ta về nơi máu thịt sinh ta..!
Tuy vậy, chị vẫn còn niềm tin yêu và hi vọng với cuộc đời này. Thảo Phương đã sống, đã yêu đến tận cùng với một trái tim đa cảm; biết chấp nhận và vượt qua những khó khăn, trở ngại trên mọi bước đường đời. Nhà thơ tự nhận mình: Ta tuổi Sửu – cầm tinh con trâu/ Sinh ra để kéo cày…
Thảo Phương có linh cảm, đời chị luôn luôn và là cả một chuỗi dài những tháng ngày mệt lả, đơn chiếc. Tuy vậy, điều đó không dập tắt được những ước mơ: Ta kéo chiếc cày bằng vàng trên cánh đồng trăng/ Những hạt cườm từ vai ta lăn vào lòng đất/ Và ánh trăng bỗng dưng xanh biếc/ Những hạt cườm bật lá – Lá đong trăng…/ Và sao băng vụt tỏa ánh hào quang/ Và ngọn gió khoan thai đưa nhạc/ Ta gối chiếc đầu trên chiếc cày vàng/ Mơ gặt lúa một lần trên cung Quảng (Sinh nhật).
Trong cái nhìn về thời gian, Thảo Phương bộc lộ nhiều trăn trở, nghĩ suy và day dứt. Nhà thơ tìm về quá khứ và mơ ước về tương lai để được an ủi, vỗ về. Suốt cuộc đời nhà thơ đi tìm hạnh phúc trong những dằn vặt và suy tư. Càng chua xót hơn khi đối diện với thực tế, với nỗi cô độc của đời mình. Em đi tìm nơi mùa thu hoài vọng/ khi lá lìa cành thảng thốt rung tiếng chuông vàng nhạt/ và lững thững mây bay/ mây bay…/ Em đi tìm ly rượu nho nồng nàn/ nơi bàng bạc sông Ngân ngưng chảy/ xót xa những ngôi sao mồ côi/ rụng…!/ Em đi tìm/ đốm hoa vàng run rẩy mùa thu xưa/ chốn nào nơi nào … ta qua?/ Em đi tìm … những ngôi sao lặng lẽ khóc/ và đêm đêm lá vẫn lìa cành buông tiếng chuông vàng nhạt trên những dấu chân ta đã dìu nhau đi…/ Em đi tìm nơi con tim không ngủ/ Trong mùa thu mơ (Em đi tìm…)
Giữa dòng thời gian bất tận ấy, Thảo Phương thấm thía nỗi buồn của một tâm hồn lẻ loi, mệt lả, cả một trời trống vắng, hoang hoải: Tôi ngoài tôi đuổi bắt lấy chính tôi/ Có tiếng hú từ hồng hoang vọng tới/ Tôi lạc mình trong ngàn mắt ngàn tay/ Trong tiếng mõ cầm canh đêm rỗng// Tôi cười tôi bất lực dỗ dành tôi/ Thời gian khẽ ru lời tha thiết/ Thời gian cất lời ca khắc nghiệt/ Lời ca trôi như mây…// Trôi về đâu – về đâu…/ Thời gian cất lời ca khắc khoải// Từ từ tôi bước ra/ Ngả mình trên lời ca/ Trôi mãi… (Lãng du)
Bao mơ ước, khát khao nhưng rồi kết cục chỉ là như giấc chiêm bao: Tất cả dường như giấc chiêm bao/ Ta đã yêu – đã yêu… và hạnh phúc./ Kìa đàn chim bỗng giăng ngang hoàng hôn/ Tiếng thưa thớt rung rinh làn khói biếc/ Còn mình ta – mình ta…mình ta!/ Và trái tim rung rung buồn nhớ.// Tất cả dường như giấc chiêm bao…/ Thôi mình tan vào tranh Gauguin/ Làm thổ dân của màu xanh vĩnh cửu… (Tất cả dường như giấc chiêm bao)
Thật bẽ bàng và xót xa cho nhà thơ.
Thảo Phương thể hiện một người thơ hồn hậu. Dù cuộc sống không được đủ đầy, một thân một mình phải vất vả nuôi năm đứa con. Nhưng Thảo Phương đã sống và yêu hết mình bằng trái tim thiêng liêng của tình mẫu tử, trái tim của người đàn bà đã bị tổn thường. Chị vẫn bao dung, nhân ái: Em chân đất quỳ trên cỏ xanh/ Cầu nguyện cho giấc mộng yên lành/ Không còn đó – Mà anh vẫn đó (Với mình).
Nhà thơ Thảo Phương đã từng bước vượt qua những khắc nghiệt và thử thách của cuộc đời. Từ khi phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo chị vẫn cố giấu – ngay cả bạn bè và những người thân yêu nhất của chị. Chị vẫn gắng sức làm việc, vẫn viết đều đặn và chăm sóc các con của mình. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, một người bạn thân thiết với Thảo Phương cho biết: “Chị Phương biết mình bị bệnh từ hai năm trước nhưng luôn dặn người thân đừng cho ai biết, vì miệng đời lắm khi cay nghiệt trước nỗi đau của người khác. Lúc biết mình không còn sống được bao lâu nữa, Phương mới cho phép người thân loan báo tin này. Phương sống thật gần như là “bản năng” với chính con người của mình, không bao giờ biết “lấy hoa đắp lên mặt”. Bản năng lớn nhất của Phương là tình thương yêu con cái. Dù lận đận trong chuyện gia đình, nhưng Phương lúc nào cũng yêu quý con mình hết cỡ”.
Con người có thể phải mang trên mình những nỗi đau, nỗi bất hạnh, sự xô đẩy của hoàn cảnh; hạnh phúc có thể dễ dàng tan biến để rồi nỗi buồn lại cắn xé con tim nhưng thi sĩ Thảo Phương vẫn sống trọn vẹn, vắt kiệt sức mình với tình yêu và cuộc đời. Chị đã sống và viết đến cạn cùng. “Chị đã đi qua cõi trần ai này bằng tất cả nỗi vất vả không giới hạn của một người mẹ đơn chiếc và bằng tất cả đam mê đến tận cùng của một nhà thơ sống hết mình! Chị đã lấy sự chân thật để sống với mình và đối đãi với người” (Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh).
Đi qua những tháng năm thăng trầm, Thảo Phương sâu sắc nhận ra rằng: Ngụ nơi lồng ngực em-trái tim Đàn ông/ Bất cần-ham hố…/ Trái tim nâng bầu rượu và gây sét giữa trời quang// Ngụ nơi lồng ngực em-trái tim Đàn bà/ Hiến dâng-chiếm đoạt/ Trái tim biết đỏ mặt…//…/ Anh nhìn em bằng cái nhìn hủy diệt/ Em vỡ tan cùng hai trái tim/ Quá tải.
Thơ Thảo Phương thể hiện nỗi lòng khắc khoải của nhà thơ với tình yêu và cuộc đời. Đời chị sau cuộc hôn nhân có nhiều vị đắng hơn là ngọt ngào, nó như ám ảnh vào đời chị và ám vào cả trang thơ- nơi chị gửi gắm con tim. Phải chăng đó là dư vị của trái đắng tình yêu? Dư vị của đoạn đời mà chị vừa bước qua nó? Thảo Phương nhận ra gương mặt người tình. Và phải chăng đó cũng là dấu hiệu báo trước đoạn đường đời kế tiếp của đời chị. Thảo Phương – Người đàn bà đầy nghị lực, cam chịu và giàu tình thương. Chuyện tình duyên của nhà thơ là một bài ca dang dở. Những gì nhà thơ bộc lộ, ký gửi vào thơ ta lại càng cảm thông và trân trọng Thảo Phương hơn. Bài thơ Một nửa là một minh chứng: Buổi chiều/ nghiêng/ khập khiễng/ Nắng đổ/ về/ một bên/ Mưa đổ/ về/ một bên/ Hàng cây/ cụt/ một bên…/ Không gian/ đâu một nửa?/ Bài ca/ không có đầu/ Đứng quay hoài một chỗ/ Bầu trời/ không có màu/ Mây buồn/ không trôi nữa…!/ Sao níu được buổi chiều/ Theo anh đi-/ một nửa…?
Người đàn bà mang trên mình nỗi đau bất tận nên những gì trong thơ chị cũng đều mang hơi hướng buồn, cô đơn. Thơ Thảo Phương bàng bạc nỗi buồn đau nhưng đó là những giọt buồn tinh khiết. Đôi lúc chị “cười”, cười vì chị đã không còn làm sao để khóc. Tiếng cười đầy gan lì, kiêu hãnh, khi chị dám chấp nhận thương đau. Ta cười khan – / Thả rơi mảnh giáp cuối…/ Phơi con tim ứa máu nhân tình/ Tình trường đó – / Hỡi tình địch: – Cầm giáo…!/ Để nhìn ta/ Đâm – lút – trái – tim – đau (Người tình bị tên lạc).
Buồn nhưng không đến mức bi lụy mà vẫn có những tia hi vọng, sự tự tin, “dũng cảm” của một trái tim đàn bà.
Vốn là một phụ nữ có trái tim đa cảm, với chị bất cứ điều gì cũng có thể làm chị xao động tâm hồn. Đứng trước biển, lòng chị lại rộn lên bao nỗi suy tư. Những con sóng, bờ đá, muối, rong rêu, con dã tràng, vầng trăng… là những đối tượng được nhân cách hóa trở nên có hồn cốt và tạo nên những dư ba.
Thơ Thảo Phương sử dụng nhiều phép tư từ ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa. Chính việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ đó khiến cho thơ chị ý vị, kín đáo và có sức hấp dẫn với bạn đọc.
Đọc thơ Thảo Phương nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã rất có lý khi cho rằng: “Người đàn bà trong thơ Thảo Phương có tất cả những bức xúc và đau đớn mà cuộc đời và số phận mang lại. Nhưng bất hạnh không đè bẹp được họ. Trong các loại hình sáng tạo nghệ thuật-văn hóa thì hành trình khắc nghiệt của văn chương có đôi khi quay lại “tàn phá” thật sự mỗi cá thể sáng tạo, như một sự phải trả giá của chính người nghệ sĩ. Và hiểu như thế, tôi muốn được chia sẻ và thông cảm hơn, nhất là đối với những cây bút nữ, họ đã vắt kiệt hết sức lực và trí não của mình cho văn chương và cho cái thiên chức yêu thương của mình. Mà có thể, những người đàn ông chúng tôi, hoặc rất tuyệt vời hoặc đầy khiếm khuyết trong cái nhìn nữ tính vị tha của họ như trong cái nhìn dưới đây của Thảo Phương: Ta soi bóng trên đầm lầy im ắng/ Gương mặt người tình nhìn ta đăm đăm/ Sâu đáy nước lạnh xanh trong vắt/ Những xác rượu đã cất lên gương mặt dịu buồn kia/ Và đầm lầy ngào ngạt men say/ Những bản thảo, những tứ thơ/ Ngủ lơ mơ và thiêm thiếp chín”.
Thơ Thảo Phương đã tạo nên một giọng điệu riêng, có sức lay động và lan tỏa. Thơ chị cũng chính là tiếng lòng khắc khoải với tình yêu và cuộc đời. Chị đã góp một tiếng thơ riêng trong dàn đồng ca của thơ nữ Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Thảo Phương
Tên khai sinh là Nguyễn Mai Hương, sinh ngày 28.10.1949 tại Đoan Hùng, Vĩnh Phú, quê Gia Viễn, Ninh Bình. Năm 1975 tốt nghiệp Đại học, Thảo Phương về dạy tại trường PTTH Cẩm Phả, Quảng Ninh. Từ 1977 đến 1983, là cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Từ 1983-1986 là cán bộ Trường Quản lý Kinh tế Trung ương tại TP.HCM, sau đó, chuyển về công tác tại phòng nghiên cứu di truyền học Bệnh viện phụ sản TP.HCM. Từ 1987 đến khi mất (2008) Thảo Phương công tác tại Tạp chí Kiến trúc và đời sống (TP.HCM). Chị được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993. 
Thảo Phương đã trình làng 4 tập thơ: Thơ Thảo Phương (1990), Bài ca buồn (1992), Người đàn bà do đàn ông sinh ra (1993), Khúc ca thời gian (1995). Với 4 tập thơ đã ra mắt bạn đọc, mỗi tập thơ đều mang những nét dấu ấn về con người và cuộc đời của chị. Thơ Thảo Phương có nét riêng, chị đã sống và viết đến trọn cuộc đời mình bằng tất cả nhiệt huyết, bằng tình yêu và sự lao động nghiêm túc. Đó là cái đáng quý và đáng trân trọng của một thi sĩ. Ngoài làm thơ Thảo Phương còn viết truyện và kịch bản phim. 
Thảo Phương đã đạt Giải 3 Cuộc thi Thơ của Tuần báo Văn Nghệ (1989-1990)
14/12/2021
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...