Cuống rún chưa lìa 2
PHÂN NỬA CON NGƯỜI
Tụi bây nhớ nghen, năm nay đúng ngọ tao mới cúng, mà phải
cúng cho thật lớn.
- Dạ, con nhớ.
Chị Nhánh không bối rối trước cái lịnh trái đời mà cha chồng chị lập đi lập lại
đã ba hôm rồi. Trái lại, chị còn sung sướng mà khỏi phải thức đêm, nhờ cái lịnh
nầy. Mấy năm trước, gia đình nầy cúng cơm theo tục lệ làng anh Nhánh, đúng vào
sáu giờ sáng. Nhiều làng nông nghiệp ở miền Đồng nai có lệ cúng giỗ như vậy để
khách khứa ăn giỗ xong rồi còn ra đồng làm lụng.
Anh Nhánh đã khá lên rồi, không sợ tốn tiền, nhưng anh vẫn thắc mắc và cứ bàn
lén với vợ:
- Lạ quá, ông già đã tới tuổi sanh tật rồi hay sao é! Sao lại cúng trưa? Mà
cúng lớn làm chi vậy hổng biết nữa? Mình là ghe thương hồ, có mời khách khứa,
làng xóm gì được như hồi ở trên đất liền vậy đâu?
- Ối thì già sanh tật, đất sanh cỏ chớ sao!
Chị Nhánh lo cho heo gà ăn để rồi đi chợ. Tuy nhà họ chỉ là một chiếc thuyền mà
thôi, chị cũng nuôi mấy thứ gia súc đó, y như hồi còn ở làng. Heo thì sáng và
chiều, chị cho nó đứng trên sạp ghe để hóng gió trong sự ngơ ngác nhìn cảnh
sóng nước mênh mông, còn trời nắng gắt, hay trời mưa nó bị hạ ngục dưới khoan hầm.
Gà thì chị cầm tù chung thân chúng nó trong những chiếc ống tre. Chúng ló đầu
ra khỏi miệng ống để ăn và thở, cũng lớn lên được vậy, nhưng mang hình cổ quái,
tròn và dài y như ống tre, để ăn thịt chớ bán không được. Được cái là thịt gà ống
tre rất mềm.
Đang gặp "con nước", anh Nhánh cũng phải đậu ghe lại trước chợ ông
Năm để chị Nhánh mua sắm các thứ cần dùng cho một đám giỗ. Anh căn dặn:
- Má nó mua cho lẹ, kẻo trễ con nước, chèo nước ngược khổ lắm.
Cái chợ quê ấy, hôm nay dân họ vui như có đám hát về làng.
Chiếc nhà thuyền của anh Nhánh là một cảnh ngoạn mục đã rủ rê dân chúng ra bờ
sông khá đông.
Trước kia, dòng họ anh Nhánh khá giả mấy đời liền. Anh thừa tự dòng máu ăn chơi
của tổ tiên anh, nên sau họ suy sụp phải bán nhà, trôi nổi bình bồng trên sóng
nước rồi thì giờ khá lên, anh o bế chiếc nhà thuyền thương hồ của anh như các cụ
săn sóc một chậu cây cảnh. Thuyền có một từng lầu, từng lầu này là buồng của
ông cụ. Mũi ghe biến thành một cái huê viên tí hon mà nhiều thứ bông hoa trồng
trong những cái chậu nhỏ, khoe màu rực rỡ giữa đám ghe thương hồ xám xịt và buồn
hiu khác. Vách và cửa đều được sơn xanh đỏ như ghe hầu của những ông quan địa
phương thời Pháp thuộc, hay của các đại điền chủ Hậu giang cũng của thời ấy.
Hôm nay, mấy anh bạn ghe phải nhọc sức chèo ngược nước vì chị Nhánh có vội vàng
bao nhiêu cũng không kịp. Nhưng họ được bù công bằng viễn ảnh bữa giỗ to trưa
nay, to tương đối theo cảnh chật hẹp dưới thuyền, đủ cỗ cho lối ba mươi thực
khách nhưng lại thật là khổng lồ vì trên ghe chỉ có bảy miệng ăn thôi: ông già
của anh Nhánh, vợ chồng anh, hai trạo phu và hai đứa con của anh.
Anh Nhánh cầm lái, công việc này, mấy năm trưởc vốn do ông cụ làm. Hồi đó anh
Nhánh còn nghèo chỉ dám mượn có một anh bạn chèo thôi, chính anh phải chèo mũi,
vả anh cũng chưa đủ kinh nghiệm để lái ghe.
Cầm lái tương đối nhàn, nên anh Nhánh ngồi nghĩ vơ vẩn về cuộc đời kỳ di của
anh. Năm ấy anh cưới vợ rồi ra riêng. Nhà đang khá giả bỗng suy sụp lần lần vì
mấy trận thất mùa liên tiếp.
Ông cụ vốn là tay phong lưu, quen ăn xài lớn nên phải bán ngôi nhà thờ bằng cây
danh mộc, rồi cất nhà tranh mà ở. Rồi nhà tranh lại cháy. Anh rước ông già về
nhà riêng của anh. Nhưng anh cứ làm ăn lụi đụi mãi, bí quá lại phải bán nhà để
lấy tiền sắm ghe đi buôn.
Nhờ trời ngó lại, anh trúng mối liền liền và anh công tử vườn này quyết chí làm
lái thương hồ luôn cho đến trọn kiếp.
Thuyền tới Vàm Cui hồi đúng ngọ, và cô dâu đảm đang, dọn cỗ lên cho ông cha chồng
cúng cũng đúng vào lúc đó.
Trong những giờ đợi con nước, Vàm Cui vui như một chợ quận, huyện nào, vì ghe
thương hồ nghỉ "chơn" nơi đây đông hằng trăm chiếc. Cảnh buôn bán bằng
xuồng tấp nập như ở làng vào những ngày đình đám. Không có thức ăn nào, hàng
hóa nào mà thiếu cả: chè, cháo, nem, chả, món nhậu, bánh trái, thuốc, giấy, hộp
diêm, dầu lửa gì cũng đủ cả.
Ông già của anh Nhánh cúng vái vội vàng rồi nhảy qua các thuyền lân cận lạ hoắt,
để mời ăn giỗ: ông cụ hối hả như vậy thật trái hẳn thói quen của ông và gia lễ
lắm, khiến cả thuyền đều kinh ngạc. Họ ngạc nhiên mà thấy ông mời khách trong cảnh
sống chật hẹp nầy, họ lấy làm kỳ cho việc bỏ gia phong của ông. Họ đâu có dè rằng
năm nay ông cụ rất có lý do mời khách và sợ thiên hạ ăn quà no rồi ăn giỗ không
ngon miệng nên mới cúng tốc hành như vậy.
Ghe của sáu Nhánh đậu dựa bờ dưới bóng cây râm mát và cỗ bàn dọn trên ba chiếc
chậu trải trên sạp ghe. Ba mươi thực khách kể cả người nhà, ngồi thành hai
hàng, hai bên mâm cỗ dài ấy và không khí bỗng nhiên giống hệt không khí trong
làng với những cuộc bàn hươu tán vượn trong mùi rượu đế, mùi vịt tiềm, mùi mì
xào, mùi thịt hầm, mùi gỏi sứa.
Ông già của sáu Nhánh chỉ ngồi chấm mút để cầm khách mà thôi. Ông đã no tới cổ,
no hạnh phúc được ngửi lại mùi đất liền qua cái bữa cỗ gợi nhớ làng mạc này.
Bấy giờ vợ chồng sáu Nhánh mới biết tại sao ông cụ đòi cúng vào giờ ngọ. Ông cụ
rất giỏi lộ trình đường nước, biết rằng đúng ngọ là thuyền nào cũng bi kẹt tại
vàm nầy và như thế mới có khách. Nhưng vợ chồng anh còn chưa biết nhiều điều
khác nữa.
Nửa tiếng đồng hồ sau bữa giỗ, hằng trăm chiếc thuyền buôn
chui chút nhau để qua con kinh vốn cạn từ sớm đến giờ và bấy giờ nước lên mới sử
dụng được. Ông cụ ngồi cú rủ trong mui thuyền, mãi cho tới tối, mãn con nước,
thuyền phải đậu lại, chị sáu Nhánh mời ông ăn cơm, ông mới giựt mình. Giữa bữa
ăn, ông cụ thình lình long trọng tuyên bố:
- Tao không muốn theo ghe nữa. Vợ chồng bây có tiền cho tao chút ít để tao về
làng cất chòi tao ở.
Sáu Nhánh chưng hửng rồi sanh nghi, nhìn vợ anh trừng trừng, ngỡ chị ấy thất lễ
với ông già nên ổng hờn. Chị Sáu cũng tưởng mình đã sơ sót điều gì nên sợ hãi,
lấm la, lấm lét.
Ông cụ ngầm hiểu được ngộ nhận của con và dâu nên giải thích:
- Tao nhớ làng, nhớ đất quá!
Sáu Nhánh muốn phụng dưỡng cha để báo hiếu nhưng anh kiếm cớ khác:
- Nhưng con còn cần tía, cần kinh nghiệm của tía.
- Mầy đã thạo đường nước lắm rồi. Từ đây xuống tới kinh Tà bang dưới miệt vườn,
mầy thuộc cả hình dáng của mỗi lùm cây ở hai bên bờ các sông rạch, thì mầy đã đủ
lông đủ cánh rồi đó.
- Nói thiệt với tía, con đã khá, nhưng chưa đủ tiền cất nhà ngói tía ở. Tía ở lều
tranh một mình sao cho sung sướng bằng sống dưới ghe nầy mà con đã sắm đủ thứ đồ
cần dùng.
- Tao không cần gì hết, miễn được về đất. Cho phải ăn chợ ngủ đình tao cũng
vui.
- Đất...
- Ừ, đất, đất bạn mà tao chạy nhảy trên đó hồi còn thơ ấu, tao thương nó lắm.
Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hửi mùi lúa
chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo
về với ông bà.
- Tía sống một mình, con e...
- Tao sẽ bắt hai đứa con của bây về ở với tao. Sống trôi nổi như vầy hại cho
chúng nó lắm. Chúng nó không có lấy một mái tranh để mà nhớ, không có một khóm
rau để mà thương, chúng nó sẽ giống như những cọng rác trôi theo dòng.
- Nhưng mà...
- Nhưng vợ chồng bây còn làm ăn được thì cứ mà bay nhảy đi, nhưng rồi cũng phải
về làng khi nào đủ tiền mua một mảnh vườn. Đất nước chỉ còn tồn tại được nhờ những
kẻ nhớ thương nó, bám níu vào nó thôi.
- Nhưng mình sống bằng tiền, chớ có phải là bằng mùi phân chuồng đâu.
- Rồi mầy sẽ nghĩ khác, một khi mầy làm ăn thất bại, cần cái an ủi mầy. Cái đó
là bụi tre làng, là vuông ruộng sau nhà, là tiếng ru con của một bà mẹ bên hàng
xóm.
- Tía nói lạ, kỳ cục!
- Không có gì là kỳ cục. Rồi ngày kia mầy sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn mầy rất
gần gũi với hồn đất. Tao nhớ đất muốn chết đi lận, nhớ còn hơn là nhớ má mầy
trong mấy năm đầu tang khó của bà ấy, bởi vì vợ chồng không thân thiết với nhau
hơn là mình với đất. Vợ chồng chỉ ăn ở với nhau ba bốn mươi năm là cùng, đất
thì nó thấy mình sanh ra, lớn lên già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết.
Mình cũng thấy nó từ lúc lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước. Nếu
vợ chồng bây không có tiền cho tao, thì tao cũng về làng, tao ngủ đình.
Thằng Lá, con trai lớn của sáu Nhánh hỏi:
- Ông nội ơi, ở đình có bắt dế được hay không ông nội?
Ông nội cười khà, day qua xoa đầu cháu và nói một mình, mắt nhìn ở đâu xa lắm:
- Bắt dế ! Ừ, nếu không bao giờ được hưởng cái thú bắt dế thì con người như...
như mất đi hết phân nửa con người.
Đoạn day lại nhìn sáu Nhánh, ông khuyên:
- Mầy không nên bắt lũ con mầy trở thành những con người phân nửa.
CHIẾC KHĂN KỶ NIỆM
Xui người đất khách ngẩn ngơ tình làng
(Thu dạ lữ hoài ngâm)
Không biết đi đâu nữa, Bích dừng chân lại nơi bến xe buýt để "xem chiếu
bóng". Vâng, chàng thấy rằng cảnh bến xe dễ mê như một cuốn phim nhiều động
tác.
Ở Sài gòn mà không có đi xe buýt vào giờ tan sở chiều thì quả thật không đáng mặt
là dân Sài gòn. Giờ tan sở trưa, nhiều công nhân nhà xa nên ở lại trung tâm
thành phố, còn chiều thì chim phải bay về tổ ấm vậy. Thế nên ở đó xảy ra những
trận xung kích những chiếc xe cuối ngày đi về các ngoại ô xa, ngay từ lúc các
xe nầy chưa đỗ bến lận. Lúc xe rà thắng, chạy rề rề thì thiên hạ đã nhào lên
hãm thành, xáp lá cà với các hành khách sắp sửa xuống xe. Cửa xe hẹp quá, người
lên không trôi mà người xuống cũng không lọt, thành thử chiếc xe giống như một
con rắn nhỏ mà trợn trạo nuốt một con mồi quá to, bị nghẹn cứng nơi cổ họng.
Các con mồi la hét inh tai, thật là vui đối với những kẻ không dùng lối xê dịch
nầy, chỉ đứng đó mà ngắm với đôi mắt bàng quan như Bích.
Không gì vui mắt bằng cảnh một cô đã bước tới đất rồi mà đi không được, y như bị
đá nam châm hút lại: vạt áo sau của cô ta trải lên bàn đạp và bị đến vài mươi
bàn chơn đè lên đó, cô ta vùng vẫy như một con ruồi mắc lưới nhện và như con ruồi,
vẫn không thoát được. Những chiếc nón lá vô phước cũng làm vui trò, hễ nó mà rủi
ro rơi khỏi đầu người đội là bị ép kêu rôm rốp như bánh tráng nướng và dẹp lại,
mỏng như cây quạt xòe. Cảnh trên xe còn vui hơn. Áo rằn ri lập thể đứng gần áo
bà ba đứt nút, săn-đan há miếng đạp lên giày da tây bóng lộn; thanh niên ngồi,
những cụ già thì phải đứng, trai cao bồi luôn luôn tìm cách chen vào giữa các
thiếu nữ hiền lành, và những chiếc nón lá bề bộn và choán chỗ cứ bị người ta rủa
mãi.
Bích muốn nhảy lên đi một đoạn đường để được vui thêm, vì chàng biết trên xe
còn "lắm điều hay". Chàng lại rắn mắc nên hễ đi xe vào giờ đó là
chàng thích lắm. Những lúc xe ngừng lại các trạm, nhả hành khách xuống không kịp,
các hành khách ấy hay la lên: "Khoan, khoan, khoan chạy!" Chàng cũng
la lên rằng: "Đừng có khoan, lủng xe của người ta bây giờ". Cứ đùa giỡn
như vậy mãi cho tới ngoại ô, trạm chót, thì trở về, bằng phương tiện nào cũng
được, là qua được một buổi chiều buồn.
Bỗng chàng thấy Tấn ở đâu chạy đến, hớt hơ, hớt hãi, tay ôm kè kè một bọc bằng
giấy nhựt trình.
- Đi đâu mà vội mà vàng Chàng hỏi giỡn.
- Trễ rồi, trễ rồi, họ sắp đóng cửa.
Vừa nói, Tấn vừa nhảy vội lên chiếc xe Bình tây đang giựt chạy. Gói giấy nhựt
trình rơi xuống đường nhựa, bánh ngọt trong ấy văng ra tứ tung. Bích ngạc nhiên
hết sức, vội chụp lấy cái gói rách, và lượm mớ bánh rơi bỏ vào đó, đoạn cũng nhảy
lên xe theo bạn chàng.
Cửa xe tự động đóng lại trên người chàng, Tấn phải đưa lưng ra mà đỡ như Hùng
Hượt Hải đỡ tấm bửng đá mà Tùy Văn Đế cho hạ xuống để giết anh hùng sau cuộc
thí võ, Bích mới khỏi bi kẹt.
Bích thở hổn hển và có vẻ tư lự lắm. "Lạ, chàng nghĩ, thằng Tấn nầy xưa
nay ăn uống sang lắm, nay nó mắc chứng gì mà lại mua toàn bánh cắc chú thứ hạng
bét như vầy cà?" Giây lát bớt mệt, chàng hỏi bạn:
- Đi đâu vậy?
- Còn mầy đi đâu?
- Đi theo mầy.
Tấn tỏ vẻ không bằng lòng, khiến Bích sanh nghi. Chàng đoán rằng nó có nhơn
tình mà cô nhơn tình ấy là một ma-ri-sến nên nó biếu toàn bánh cắc chú và mới
giấu giếm bạn bè. Tấn nói, sau mấy phút im lặng:
- Theo làm chi, mầy nên xuống tại trạm ngả sáu Quẹt-Đon.
- Không.
- Ai cho phép mầy đi theo tao?
- Ngộ chưa, tôi có tiền, tôi lấy vé, tôi đi đâu tùy thích tôi chớ.
- Mà đừng có theo tao.
- Bằng cớ nào chỉ rằng tao theo mầy?
Biết bạn là đứa nói liều và làm bướng, Tấn đành làm thinh, nhưng hắn tức lắm!
Bích càng sanh nghi hơn, nên càng muốn theo sát hơn.
Ngã Bảy, Máy Đá, Nhà thương Chợ Rẫy. Tấn xuống nơi đây.
"À, Bích nghĩ, thì ra nó đi thăm người bịnh. Có lẽ đó là một người bà con
nghèo, nên nó xấu hổ, không muốn cho ai biết cả".
Bích bỗng nghe bạn chàng đáng khinh quá. Chàng không dè mà Tấn có mặc cảm như vậy.
Tấn đi riết xuống trại 7 là trại bố thí. Trước khi bước vào trại, hắn day lại
nhìn bạn rồi thở dài.
Bích đoán rằng Tấn mới vào đây lần đầu, vì hắn đi dài theo giữa hai dãy giường
để tìm kiếm.
- Đây rồi, hắn nói to lên, sau một hồi lục lạo.
Cả hai đều dừng bước lại trước một cái giường kia. Con bịnh là một người đàn
ông trạc năm mươi, để búi tóc, có vẻ là nông dân. Y đang nằm thiêm thiếp mà rên
nho nhỏ. Nước da y vàng khè nhưng mũi y thì đỏ như trái hồng tươi chín. Tấn rờ
trán người bịnh. Y mở mắt ra rồi nói:
- À, cậu ba! Sao cậu hay tôi bịnh mà tới thăm?
- Nghe xóm nói. Tôi tìm ông để nhờ ông vét mương. Xóm họ cho biết rằng ông bịnh
và vào đây. Ông đau làm sao?
- Quan Thầy nói tôi lớn tim, lớn gan, lớn đủ thứ hết.
- Có lớn lá mía không?
- À, có.
Không hiểu sao mà cái gì cũng lớn hết.
Hai người thanh niên thì hiểu. Những dấu hiệu đó là dấu hiệu bịnh... rượu và bịnh
sốt rét rừng.
- Nầy có bánh, có táo, có xí mụi, ăn đi, Tấn trao gói cho con bịnh và nói như vậy.
- Cám ơn cậu. Quan Thầy cấm ăn cơm, đói lắm !
- Có đỡ không ?
- Có. Nhưng tôi nghe trong người tôi, tôi biết rằng thế nào tôi cũng chết.
Y nói điều đó bằng giọng bình thản, không hoảng hốt, cũng chẳng tủi thân.
- Thôi, rán nằm đây rồi sẽ khỏi chớ gì, Tấn an ủi.
- Không, tôi chắc tôi chết cậu à!
Tấn thở dài mà làm thinh. Hắn đứng nán một lát rồi ra về, hứa sẽ trở lại. Ra tới
sân, Bích hỏi Tấn:
- Bà con làm sao?
Tấn làm thinh giây lâu rồi đáp, đáp không ăn thua gì với câu hỏi cả:
- Hắn tên là bảy Rựa.
Chỉ có thế thôi. Luôn nửa tháng, không ai thấy bóng Tấn nơi nào cả. Bích có tìm
Tấn mấy lần, nhưng tìm không gặp.
Nhưng một hôm, Tấn lại đích thân đến rủ Bích cùng đi. Một nhiếp ảnh viên theo
sau anh con trai kỳ khôi nầy. Bích ngỡ họ đi chụp ảnh lạ nào. Nhưng lên tắc-xi,
chàng mới hay là Tấn vào nhà thương.
Người bịnh hôm ấy hư lắm rồi. Hai chơn y thũng, sưng to lên gần bằng hai chiếc
gối. Y nằm đó, hả mang ra mà thở. Thấy khách, y chỉ nhìn mà không nói được, mắt
rơm rớm lệ. Người thợ nhiếp ảnh bấm nút, đèn cháy lên trong nửa giây đồng hồ,
soi sáng gương mặt hấp hối kia một cách bi thảm, ghê rợn như lửa địa ngục rọi
vào một hồn ma mới tới xuống Diêm đài.
Hôm sau, Tấn lại rủ Bích đi đưa đám ma người chết. Hòm chưn ngang, bôi đất sét
vàng. Từ nhà xác vô tới đất chùa Phước Hiền, vỏn vẹn chỉ có hai thanh niên nầy
theo sau tám anh phu đòn, họ khiêng hòm mà chạy như bay. Thế là hết chuyện. Người
bà con nghèo của Tấn đã được vùi nong một nấm, rồi Tấn sẽ quên y đi, sau hai
mươi bốn tiếng đồng hồ.
Nhưng sau đó, một tháng qua rồi mà Tấn vẫn biệt dạng, khiến Bích lấy làm kỳ lắm.
Coi bộ thì hắn không thương người bà con nghèo ấy bao nhiêu, chỉ trông cái đám
ma lạnh lẽo ấy thì biết, thì sao hắn lại không nguôi, và như là trốn bởi đang
buồn vì tang khó?
Bích tìm thăm bạn. Tấn tiếp khách, lặng lẽ như một ông cụ, lại mở đầu bằng câu
chuyện triết lý:
- Bận bịu lắm với tình cảm, với dĩ vãng cũng khổ. Nhưng nếu dĩ vãng tan biến,
thì cũng buồn.
Tấn vừa nói vừa kéo hộc tủ lấy ra một bức ảnh, ảnh ông bảy Rựa hấp hối trên giường
bịnh.
- Hắn tên là bảy Rựa...
- Biết rồi.
- Tao lớn lên là thấy hắn có mặt trong làng rồi. Không vợ con, không họ hàng
thân thích, hắn ăn ở chợ, ngủ ở đình. Ai thuê gì cũng làm, chôn ăn mày, đào giếng,
đốn củi, tối ngày chiếc rựa trên vai nên mới mang cái tục danh ấy!
- Té ra không có bà con với mầy?
- Không. Tóm lại, con người ấy không có gì hay ho đối với tao cả.
- Vậy, sao mầy lại...
- Hắn thuộc vào chân trời quen thuộc của tao thuở tao còn bé. Tao thuộc gương mặt
hắn như thuộc lòng các gốc cây trong làng. Tao phải nói rõ cho mầy nghe là làng
tao tiêu thổ trong thời kháng chiến, cháy không còn một gốc cây. Khi thái bình
được vãn hồi, năm 1954, tao về làng thì thấy nó minh mông, trống trải như một
sa mạc. Làng tao đã bị xóa, cả trong ký ức của con người nữa. Kể từ ngày ấy tao
bỗng thấy những người đồng hương sống sót và trôi giạt xuống đây, quí báu không
biết bao nhiêu. Họ gợi được hình ảnh của quê tao, một vùng đất mà tao rất
thương yêu. Rồi họ kế tiếp nhau mà chết hết, chỉ còn lão bảy Rựa nầy thôi; lão
ta giống một lọ sứ cổ Giang tây, quí chỉ vì bao nhiêu lọ khác đều bể hết, chớ
cái đẹp của chiếc lọ ấy không hơn hồi nó mới được chế tạo ra đâu. Nhưng hồi đó,
còn hằng vạn chiếc, nó có giá trị gì?
- Té ra...
- Ừ, hắn là chiếc khăn mu-xoa của một giai nữ mà tao cất để làm kỷ niệm một mối
tình. Nay khăn rách...
Bích thấy mũi Tấn và mắt Tấn đỏ cả lên.
BÁM NÍU
Trời hết mưa đã hơn nửa tháng rồi và nắng tháng chín gay gắt
như là nắng hè. Thế mà trưa hôm ấy lão Nghiệm đi khắp xóm và hô: "Sửa soạn
để đi hứng, bà con ơi".
"Hứng" đây là hứng cá, một động từ địa phương, đặc biệt của miền đông
Nam Việt. Ở miền đông Nam Việt, nhứt là trong tỉnh Biên hòa, qua mùa nước lũ,
con sông Đồng nai ứa nước nguồn, bờ sông bành trướng ra, xâm lấn đồng ruộng
trong xa, cá sông thích lên để đẻ vào mùa ấy, có lẽ trên đó yên ổn hơn ở dưới
lòng sông là nước lụt chảy mạnh ghê hồn.
Đẻ xong, chúng bỏ con, bỏ trứng lại, hồi cư để sống đời dọc ngang trong dòng
sông rộng. Cá con tự túc trên bờ và khi mùa mưa dứt thì chúng đã lớn bằng đầu
đũa rồi. Không biết do năng khiếu nào dìu dắt mà hễ những đám mưa cuối mùa đổ
xuống là chúng áp nhau mà "chạy". Chạy tức là đổ xô nhau theo những
con đường nước từ đồng ruộng cao chảy xuống các rạch, các sông, để tìm về những
khoảng sinh tồn phong phú thực phẩm hơn, y như cha mẹ của chúng.
Dân miền đông, vào những đám mưa cuối mùa ấy, rủ nhau đặt những giỏ mây hoặc giỏ
tre đan thật khít mặt, tại các "hiểm đạo" như Quan Công phục Huê dung
đạo, và hứng bắt tất cả cá con đi tìm sanh lộ ấy. Họ đặt tên chung cho cá ấy
(thuộc đủ loại cá sông ngọt) là cá lạc mạ. Mạ, có lẽ là tiếng "mẹ"
nói trại bẹ ra, chớ bấy giờ lúa đã lớn cây rồi, còn đâu mạ nữa để mà lạc. Cá lạc
mạ hỗn tạp và nhỏ quá, không có giá trị thương mãi nhưng lại là món ăn rất
thích khẩu đối với nông dân nghèo. Mỗi mùa, một nông dân trong một làng quê hứng
có cả thúng giạ cá lạc mạ, tức là hằng mấy trăm ngàn con. Họ kho với muối và mỡ,
để dành ăn hơn chín mười ngày.
Lão Nghiêm cởi trần tư niên và người ta có cảm giác rằng da lão dày lắm vì lão
chịu đựng phong sương đã hơn bảy mươi năm rồi, chỉ bằng loại y phục thiên nhiên
ấy thôi. Lão có vó một tộc trưởng của thời xa xưa, rất nhiều kinh nghiệm sống
và nhiều khả năng chỉ đạo như một con thú đầu đàn. Nên chi cả xóm, cả làng đều
nghe theo lão, mặc dầu không có dấu hiệu trời sắp đổ trận mưa cuối cùng trong
mùa, trận mưa cá chạy, trận mưa rơi xuống sau một thời gian khô hạn gạt gẫm vài
tuần.
Họ rút từ trên giàn bếp xuống, những chiếc giỏ rất ít dùng ấy rồi ra đi ngay để
giành đường nước. Vâng, những đường nước, trong một vùng, chỉ có hạn thôi, mà
người hứng cá thì đông, phải tranh nhau mới được một đường, vì theo tục lệ cổ
truyền, không ai được phép "đặt trên dòng", khi có người khác đã đặt
giỏ họ rồi trên một đường nước nào đó. Nếu không có lệ nầy thì mạnh ai nấy
tranh giành, đặt trên người khác, ở một đường nước chảy sẽ có cả ba bốn người
giành hứng, làm sao tránh khỏi cãi vã, xô xát, đến xảy ra lưu huyết như chơi.
Nếu cá con mới nở có năng khiếu đoán biết đám mưa nào là đám
cuối mùa để mà chạy xuống sông, kẻo tháng tới, ruộng khô, chết cháy cả lũ, thì
lão Nghiệm, y như cá, cũng đoán được đúng như vậy đó mà rủ thiên hạ đi hứng.
Quả thật xế lại trời mưa như cầm chĩn mà đổ thì tới tối giỏ ai cũng đầy nhóc cá
lạc mạ.
Đêm nay, nhà nhà đều vui. Nhà nào cũng kho với mỡ một mớ cá con ấy để cuốn bánh
tráng rau sống, chấm nước mắm ớt nhậu chơi, còn dư lại bao nhiêu họ mới kho mặn.
Cá lạc mạ non mềm nên ngon khôn tả và dân nhậu đều thỏa thích đêm đó. Dân quê
miền đông họ nghèo, không có tiền mua thịt, mà cá dưới sông bị họ hủy diệt bừa
bãi như thế, hằng trăm triệu con mỗi năm, hủy diệt hồi chúng còn là mầm non
thôi nên chi rồi họ lại phải nhịn thèm, vì đâu còn cá để mà câu? Nhịn thèm đến
cuối mùa mưa khác, chỉ ăn mắm muối qua loa vậy thôi, sau cái đêm linh đình nhậu
nhẹt đó.
Tuy nói thế chớ thỉnh thoảng họ cũng kiếm được cá. Đó là vào tiết tháng giêng,
tháng hai. Cũng lại lão Nghiệm nữa. Vì sáng hôm ấy, lão ta lại kêu gọi người
trong xóm đi tát. "Tát" là danh từ địa phương thứ nhì của miền đông về
nghề cá. Tát là tát các vũng trong rừng sâu, bấy giờ đã cạn gần hết nước, sau
năm tháng nắng chan chan.
Xóm Gò Rái của lão Nghiệm là một trong năm bảy xóm hẻo lánh của làng Tân định.
Đó là một làng khô cằn, một mặt nằm ven sông Đồng nai, nhưng phần lớn đất đai lại
ăn sâu vào phía trong rừng, từ đầu thôn ở bờ sông vô đến cuối thôn trong rừng,
xa đến mười mấy cây số. Xóm chỉ đông có mười sáu nóc gia, cỡ chiến tranh đi qua
đó, hủy diệt hết xóm, cũng không phải là một tấn thảm kịch lớn. Nhưng xóm ấy lại
rất cần thiết cho sự tồn tại của làng nầy, nó gồm tất cả các xóm nhỏ mới thành
làng được - cũng y như làng Tân định nầy cũng rất cần thiết để thành nước Việt
nam, mặc dầu nó nghèo khổ, không làm lợi trông thấy cho nước nhà và cỡ tang
thương có lướt qua đó, cả làng sụp đổ hết, có vẻ cũng không sao.
Tát vũng là công việc tập thể cần ít lắm là ba người mới làm cạn thật sự một
cái vũng khá lớn và khá sâu trong khu rừng nào đó, sau làng. Nhóm của lão Nghiệm
gồm lão, một góa phụ bốn mươi và chú bé Ất, mười bốn tuổi. Chú bé nầy là con của
một gia đình sắp sửa bỏ làng, di cư đi nơi khác, vì ở đây sanh sống khó khăn
không thể tưởng tượng được. Cha mẹ nó chỉ đợi cúng giỗ ông cố nội nó, vào cuối
tháng hai, là bỏ cái chòi tranh gia truyền độc nhứt để di cư.
Lão Nghiệm biết ý cá, biết ý trời mà cũng thuộc nằm lòng các ao vũng trong rừng
và thuộc nằm lòng mấy con đường mòn đưa vào các ao vũng ấy. Lão lại biết cả thú
rừng thích ao nào mà tránh và khuyên dân làng tránh, vì ao nào thú ưa đến uống
nước là ao đó có cọp rình. Họ lên đường hồi cỏ còn ướt sương, thế mà vào tới
trong ấy, mặt trời đã lên cao được bốn năm sào rồi.
Vũng mà lão Nghiệm chọn, có tên hẵn hòi. Đó là vũng Mẹ con. Ai đặt tên cho cái
nơi mà một năm chưa dễ có người làng đến chơi tới hơn một lần? Có lẽ đó là bọn
thợ rừng, họ đặt để làm những cái mốc không gian trên bước đường xuyên lâm của
họ. Vũng Mẹ con, như tên nó đã chỉ, gồm hai vũng nằm cách nhau độ ba thước, một
vũng lớn và một vũng nhỏ. Lão Nghiệm khôn quỉ, chọn vũng này để có chỗ mà chứa
nước của vũng có cá. Các vũng khác, nước tát ra, lại chảy vào, vì đất chung
quanh luôn luôn cao hơn, việc tát vũng thành ra một khổ sai tốn sức lao động
không thể tưởng tượng được.
Họ làm việc theo lối dây chuyền: ông tộc trưởng xuống tận rún vũng, múc vũng nước
bằng gàu rồi mang trao chị góa phụ đứng cách đó độ hai mươi thước, chị nầy lại
chuyền gàu cho thằng bé để nó đem nước đổ xuống ao con. Vũng Mẹ, lúc còn trinh,
đẹp vô cùng. Nước rừng, nằm yên hằng năm, lắng trong như mắt mèo. Dòm xuống đáy
vũng thấy rõ cá lượn quanh những thủy thảo hình dung cổ quái, có cây trông giống
như cội tùng già, có cây giống như cây bông cúc, có cây lại mường tượng như một
con rít khổng lồ.
Lão Nghiệm đứng nơi triền vũng do dự rất lâu, không nỡ để chân xuống đó mà phá
đám sự yên ổn của loài thủy tộc ẩn dật nầy, mà làm vẩn đục khối nước trong leo
lẻo, mà đạp gãy bao nhiêu thủy thảo đẹp như cây cảnh non bộ của nhà giàu. Nhưng
mà cái ăn tồi tàn cứ nói lên tiếng nói ưu tiên của nó và ra lịnh cho lão phá hoại
cảnh thần tiên thu hẹp này.
Xa xa, nghe có tiếng người hú nhau, có lẽ nhóm nào đó đi lạc đường, tìm nhau giữa
rừng sâu. Ở đây, chỉ nghe tiếng nước của vũng Mẹ ùa vào gàu và giây lát sau, tiếng
nước từ gàu trút xuống vũng Con. Họ lặng lẽ làm việc, dân của cái xóm thưa người
nầy gần như là hóa câm hết thảy vì họ không có nhiều dịp lắm để sử dụng cái
năng khiếu tốt đẹp nhứt của loài người là ngôn ngữ. Cho đến thằng Ất mà cũng ngậm
miệng, một sự lạ ít thấy vì trẻ con ham nói như ham ăn.
Đây là chuyến đi tát đầu tay của Ất, năm kia nó còn bé quá, năm ngoái nó đau ốm
trong mùa tát và chỉ mới được tham dự lần thứ nhứt đây thôi, vào một công việc
kiếm ăn của dân làng.
Thình lình nó la lên:
- Cá mè! Trời ơi sao lạ kỳ như vầy?
Không ai buồn đáp câu hỏi của nó mà người xa lạ thoạt nghe không thể nào hiểu
được.
Chị đàn bà góa bận khiển trách lão Nghiệm:
- Ông múc nước phải coi chừng chớ, để cá chun vô gàu, thì lát nữa phải tát cái
vũng Con trở lại để mót cá sao?
Lão Nghiệm giận mình sơ sót một cách không xứng đáng với tài năng của kẻ đầu
đàn, nên làm thinh để nuốt hận.
Thẳng Ất lặp lại câu hỏi, không hỏi thẳng người nào, nói to lên như chỉ nói với
nó thôi:
- Sao lại cá mè?
Chị đàn bà góa hỏi lại:
- Chớ mầy tưởng cá gì?
- Tui cứ tưởng ta tát cá đồng, nghĩa là cá trê, cá rô, cá lóc. Những cá sông dường
như đã bị hứng hết lúc còn là cá lạc mạ kia mà, thím Bảy?
- Không. Không phải con cá nào cũng "chạy" hết trong đám mưa cuối mùa
đâu. Có một mớ cố lội ngược dòng để ở lại, thím Bảy giải thích.
- Trời, sao nó ngu quá vậy? Lội ngược dòng đã khổ thân không biết bao nhiêu, lại
không được hưởng cái vui chung hội mà chạy với người ta. Tệ hơn nữa, ở lại
trong ao tù, chắc phải thiếu ăn và rốt cuộc có thể chết cháy khi ao vũng cạn hết.
Lão Nghiệm đã mỏi tay, mỏi lưng, đứng thẳng lên để nghỉ. Lão nhìn vào rừng trước
mặt lão, như không thèm nghe hai người đồng đội nói chuyện với nhau. Chị đàn bà
góa bí lối không biết đáp thế nào với thằng bé, mà có lẽ chị ta cũng nghĩ như
nó nên cũng đang thắc mắc thầm. Nhưng chị ta không hỏi, vì thằng Ất đã hỏi rồi.
Không có người đáp nghĩa là không ai biết đáp làm sao, còn hỏi nữa làm gì! Vả lại
dân quê bận sinh kế vất vả quá, không dám thắc mắc nhiều và lâu về bài toán vô
ích nào khác hơn là bài toán "ăn".
Lão Nghiệm nhìn rừng lâu lắm, rồi vụt thình lình trả lời câu hỏi của thằng Ất,
trong khi thằng bé ngỡ nó đành phải bỏ trôi băn khoăn nầy như bao nhiêu băn
khoăn khác của tuổi thơ mà không ai buồn giải đáp dùm nó, trong cái thế giới rừng
rú chỉ gồm mười sáu nóc gia mà ai cũng lo chạy gạo trối chết.
- Chắc mớ cá lạc mạ ngu nầy không ngu lắm đâu. Sở dĩ chúng nó không "chạy"
vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn nhao cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng,
bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời.
- Ở lại để làm gì?
- Không biết để làm gì! Chỉ thương là ở lại thôi!
- Đói chết.
- Đói cũng được, miễn toại lòng thương.
Không ai nói gì nữa và cả ba đều nhìn vào rừng, sau khi nói chuyện cá với nước.
Một hồi lâu, lão Nghiệm toan khom lưng múc nước trở lại, nhưng lão lại thôi,
nói tiếp:
- Thuở tui còn nhỏ bằng thằng Ất, ông bà tui cũng định bỏ làng đi kiếm ăn nơi
khác. Nhưng rồi họ không nỡ đi. Nhiều người khác cũng tính như vậy mà rồi rốt
cuộc ai ở đâu cứ ở đó. Họ bám níu vào mảnh đất cằn cỗi nầy mà họ rất cực khổ,
không biết để làm gì. Chắc họ thương làng quá, đi không đành. Mà quả có như vậy,
bà con ơi! Cái ngày mà ông nội tui quyết định ở lại, tui mừng không biết bao
nhiêu, tui chạy đi báo tin lành với các bụi tre ở đầu xóm, với con suối cạnh cuối
thôn, và cả ngày ấy, không có gì ăn, tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng
- Tui sắp đi, tui cũng buồn quá! thằng Ất than, nhưng không biết làm sao!
Chị đàn bà góa nãy giờ chưa có ý kiến nào hay, xui dại thằng bé:
- Sao mầy không trốn ở lại?
- Biết có được hay không?
- Dễ ợt. Trốn đi thì ngại đường xa nước lạ chớ trốn ở lại với người cũ, ai bỏ
đói mầy mà mầy lo.
- Tui thương đất nầy quá!
- Bám níu, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm nầy, làng nầy. Còn
làng mới còn nước mình, lão Nghiệm nói.
- Làng nầy nghèo quá, ông ơi! chị đàn bà góa than.
- Ừ, nghèo lắm và ta khổ lắm. Nhưng làng nầy không có không được. Một nước phải
gồm rất nhiều làng, làng nghèo, làng giàu, làng nghèo cũng cần lắm chớ bà con!
MA NÉM ĐÁ
Cô Hén không may mắn chút nào. Ba ngày tết, chủ cô đi tắm biển,
cho cô về quê ăn Tết như mọi năm. Nhưng hôm chiều hăm bảy, cô vừa "đổ bộ"
thì tối hăm chín, nhà cậu của cô bị ma ném đá.
Mồ côi cha mẹ, và chịu không nổi mợ dâu, cô Hén trôi nổi lên Sài gòn, đi ở mướn.
Bốn năm sau, nhớ xứ quá, và hận cũ đã nguôi, cô mò về làng. Thấy cháu chồng đã
khá, đeo vàng đỏ tay, quần là áo lụa, người mợ dâu cũng nể nên quên cái tội nó
đã cuốn gói ra đi, tiếp đãi nó như là một đứa cháu thân yêu. Vả mỗi lần về nó
không quên mua quà Sài gòn về biếu cậu mợ bộn bàng, nào là cam Tàu, hồng khô,
hàng ny-lông màu sắc sặc sỡ cho con của mợ, nên mợ phải xem nó là thượng khách
vậy. Cô Hén khỏi làm gì động tới móng tay sơn đỏ của cô, ăn no rồi đi dạo xóm,
tới bữa ăn lại về ních một bụng rồi lại đi nữa, đôi bữa không về vì cô ta rất
được hoan nghênh ở mọi nơi, ai cũng cầm cô lại ăn cơm hết.
Đi xa về tha hồ nói khoác. Mà cô Hén không nói khoác họ cũng mê tít đi. Nội cái
vụ đèn xanh, đèn đỏ, nội cái vụ vòi nước phun lên trời, nội cái vụ thang lầu rạp
chiếu bóng mình đứng trên ấy, tự nhiên nó bò lên, mình khỏi phải leo bước nào cả,
toàn là chuyện thật, thật đúng trăm phần dầu, nội những thứ huyền hoặc ấy cũng
đủ làm cho người làng say sưa như nghe chuyện cổ tích, chuyện thần tiên.
Tối hăm chín, Hén ở nhà để phụ giúp với mợ Tư nấu bánh tét, chớ không lẽ năm
cùn tháng tận rồi, nhà ai cũng bận rộn mà cứ ngồi lê mãi.
Hồi bảy giờ rưỡi, thình lình một tiếng đá rơi lên ngói kêu lên chát chúa. Mợ của
Hén rủa: "Quân dịch vật, ban đêm mà cũng bắn giàn thun cho bể ngói của người
ta hết".
Cậu của Hén cũng có mặt ở dưới nhà bếp, chỉ làm thinh thôi, nhưng châu mày suy
nghĩ. Trẻ con bắn giàn thun bằng sỏi nhỏ cỡ bằng ngón tay cái. Sỏi ấy rơi xuống
ngói rồi thì lăn đi, kêu rổn rổn, nghe như cả mái ngói đều bể hết, nhưng không
sao cả. Trong trường hợp nầy, tiếng chạm rất ngắn, nghe thì đoán biết ngói bể
nhưng chỉ bể một vài tấm thôi rồi cái vật rơi ấy nằm yên nơi chớ không lăn xuống
dốc mái nhà, chứng tỏ rằng nó nặng lắm.
Không biết bao lâu sau - vì không ai chờ đợi một tiếng đá rớt thứ nhì nữa nên
không ai phỏng độ thời gian - bỗng cái tiếng đá thứ nhì ấy lại kêu lên, chát
chúa. Mợ của Hén đã thả xong mười lăm đòn bánh tét vào nồi. Lúc bấy giờ đang có
mặt hai bà hàng xóm, tới đó để gởi bánh tét vào nồi nhà nầy, theo tục lệ ở thôn
quê, người nghèo chỉ gói một, hai đòn, nấu tốn công, tốn củi nên đem gởi vào nồi
của các gia đình khá giả. Mợ Tư vội bước ra cửa sau chưởi: "Mẹ tiên nhơn
cha, dòng họ cha nó! Đẻ con hổng biết dạy thì đóng trang mà thờ, chớ sao lại để
đêm hôm lại còn bắn giàn thun lên nhà người ta!" Mợ Tư chưởi thật to, vì mợ
đoán thằng bé bắn giàn thun có thể ở xa, cách năm bảy nhà gì lận, chớ không chưởi
đủ cho người khít rào nghe như những lần mợ mất gà.
"... tiên tằng cố tổ bà nội cha bây, ăn no rồi ở không phá làng phá xóm!
Mai nầy bây rước ông bà bây về, tao còn chưởi nữa, tao chưởi cho ông bà bây ngồi
không yên trên bàn thờ..."
- Thôi!
Cậu Tư nạt vợ rồi nói tiếp để giải thích:
- Không phải con nít bắn giàn thun đâu. Tiếng kêu của ngói bể, là tiếng đặc biệt
của đá chọi vô nhà.
Cậu Tư nói như vậy và nghĩ rằng có kẻ chọi nhà cậu, vì lý do gì chưa biết.
Nhưng cả nhà đều nghĩ ngay đến ma và ai cũng kinh sợ đến cực độ.
Hai bà gởi bánh tét, không nói không rằng gì, vụt chạy bay đi. Mợ Tư, Hén và bốn
đứa con nhỏ của cậu mợ, không ai bảo ai, lật đật đóng các cửa lại rầm rầm, làm
như ma sẽ bị cửa đóng vào nhà không được, như loài người vậy, rồi họ xúm xít
nhau quanh bếp lửa nấu bánh tét là nơi sáng sủa nhứt nhà bếp. Cô Hén đã rời
thôn xóm từ lâu, quen sống trong ánh sáng nên sợ hãi hơn hết, sợ còn hơn mấy đứa
bé nhứt, con của cậu mợ cô. Cậu Tư làm thinh, đoạn mở cửa nhè nhẹ, rồi thoát ra
ngoài. Mợ Tư gọi cậu một tiếng, không nghe cậu đáp, mợ càng sợ thêm, chạy vội
đi đóng cửa, phó mặc cho ma quỉ nó ăn tươi nuốt sống cậu mặc cậu. Ai bảo cậu bướng!
Thình lình đá lại rơi trên ngói. Cả nhà ôm nhau rồi ngã lăn cù. Bấy giờ nghe tiếng
xôn xao quanh nhà, khiến mấy đứa bé khủng khiếp khóc ré lên. Nhưng mợ Tư thì
yên dạ. Đó là tiếng của người trong xóm, có lẽ do hai mụ gởi bánh tét báo động,
họ tụ lại để xem cho rõ thật hư. Đá lại rơi trên ngói, lần nầy đến hai viên một
lượt.
- Đó, nó đó!
- Chắc chắn là ma!
- Ừ, chú Tư hiền khô, ai mà oán thù chú!
- Giỏi chọi nữa thử coi!
Tức thì một cục đá rơi xuống ngói.
Bấy giờ cả làng đều có mặt, đèn đuốc sáng trưng. Đàn bà họ sợ ma lắm, nhưng
cũng rất ham coi ma. Nhưng để cho chắc khỏi bị ma ăn thịt, họ đốt đuốc lên và
đi coi ma đông từng đoàn năm bảy người.
Cậu Tư không thể rình được nữa vì cậu đứng nơi sân, ai cũng thấy cậu hết. Tức
mình, cậu vô nhà lấy áo để đi mời ủy viên cảnh sát. Nhưng cậu vừa ra tới cửa
ngõ thì gặp ủy viên cảnh sát cũng vừa tới nơi.
- Gì đó chú Tư?
- Có ai chọi đá.
Cậu Tư vừa nói vừa mở cổng và thiên hạ nối gót ủy viên cảnh sát, tràn vào sân.
Mợ Tư đã mở cửa nhà trên, thắp đèn sáng lên, ông ủy viên cảnh sát chưa kịp ngồi
thì một viên đá lại rơi xuống ngói và ngoài kia thiên hạ lại la rần rần.
- Nó chọi đã bao lâu rồi?
- Độ trên nửa tiếng đồng hồ, non một tiếng.
- Mấy cục hết thảy?
- Gần mười lăm cục.
- Chú có nghi cho ai không?
- Không!
Ông ủy viên cảnh sát bóp trán rồi vụt hỏi:
- Còn con Hén đâu? Nghe nói nó mới về phải không?
Mợ Tư đáp hớt:
- Dạ, nó mới về, đang ở ngoài sau. Dạ, ông cảnh sát, tôi nhớ ra rồi.
- Nhớ gì? Ông ủy viên cảnh sát mừng rỡ hỏi.
- Nó tuổi dần. Hồi nó còn nhỏ, thầy coi nó có số quến ma.
Ông ủy viên cảnh sát và cậu Tư bật cười, trong khi đó thì mợ Tư gọi Hén giựt giọng,
giọng hằn học lắm. Ngày tư ngày Tết mà con nhỏ mắc dịch nầy về đây báo hại mợ
ăn Tết không yên! Mợ hận nó lắm, quên mất mớ quà nó biếu, mớ quà đã giúp mợ tử
tế với nó. Hén lấp ló nơi cửa buồng, ông ủy viên cảnh sát hét:
- Hén, ra đây tao biểu.
Hén ríu ríu vâng lời, mặt cắt không lấy được giọt máu.
- Dạ!
- Hai bữa rày có thằng nào chọc ghẹo mầy và mầy cự hay không?
- Dạ không!
- Nói thật tao nghe, hễ nói láo là tao bắt giam liền. Có hay không?
- Dạ, chắc chắn là không!
Cậu Tư có một người con gái thứ ba đã đi lấy chồng. Thằng con trưởng nam của cậu
đã chết lúc sắp cưới vợ. Còn lại ở nhà chỉ có mấy đứa bé xấu như ma.
Ông ủy viên cảnh sát lại hỏi cậu Tư:
- Không ai oán thù vợ chồng chú chớ?
- Quả thật không, ông à.
- Có bao giờ có ai hỏi mua cái nhà nầy hay không?
- Dạ cũng không.
- Kỳ lạ, kỳ lạ !
Hai người đàn ông, không ai tin rằng có ma cả. Nhưng một cậu con trai xồng xộc
chạy vào nhà, tay cầm viên đá. Hắn xin bà chủ nhà một miếng vôi ăn trầu. Đó là
trò chơi cổ điển mà ai cũng biết cả nên không ai ngạc nhiên và hắn được thỏa
mãn.
Hắn bôi vôi trên cục đá rồi trở ra sân, hắn quát lên thật to:
- Nè, ma có giỏi thì vụt trở vào sân cục đá bôi vôi này thử coi!
Nói đoạn hắn tung đá ra thật mạnh. Bao nhiêu người trong sân đều hoảng, chạy đi
tìm chỗ núp, mái hiên, tàng cây, v.v... Ai quen thân với chủ nhà thì chạy vô nhà,
lúc ấy đã đông nghẹt. Không đầy hai phút đồng hồ thì một hòn đá rơi đánh phịch
trên sân đất. Thiên hạ lại đổ ra sân, đèn đuốc sáng trưng trở lại nơi đó. Và
kinh dị thay! Người ta lượm được một cục đá bôi vôi mới, vôi còn ướt mèm. Ông ủy
viên cảnh sát có học tới lớp nhứt hồi Pháp thuộc, có đọc báo, đọc sách, và từ đầu
chí cuối câu chuyện, không bao giờ nghĩ đến ma, thế mà ông cũng bắt đầu nao
núng. Bận nầy ma vụt đá vào vách bổ kho, chớ không ném lên mái nhà nữa. Tung đá
chạm vào vách kêu ầm dễ sợ hơn nhiều lắm.
Ông ủy viên cảnh sát gục gặt đầu rồi lặng lẽ mỉm cười. Ông suy luận như thế
này: muốn vụt đá vào vách, phải vụt ngang. Mà đá nặng, vụt ngang phải đứng gần.
Kẻ ném đá thừa dịp thiên hạ vào hết bên trong sân, mới xáp lại gần hàng rào mà
làm như vậy được. Trước hắn còn nhát nên đứng xa, và chỉ có thể tung lên cao
cho đá rơi xuống ngói thôi.
Ông ta bước ra sân và hô lớn như công khai tuyên bố:
- Rõ ràng là ma! Như vậy vụ nầy không thuộc quyền hạn của tôi nữa. Thôi, tôi đi
về đây!
Lời công bố của đại diện chính quyền địa phương nặng cân lắm, nên thiên hạ càng
tin rằng đó là ma. Ma cứ tiếp tục vụt đá vào vách bổ kho rầm rầm, hết vách bên
tả đến vách bên hữu. Mỗi lần một cục đá bay vào nhà là người hiếu kỳ bu lại
giành nhau để đem về làm kỷ niệm, đợi vài hôm coi đá còn hay không, hay cũng là
đá ma nữa ? Nếu ma ném đá thâu đêm thì bọn tò mò nầy cũng dám thức suốt một đêm
lắm để coi chơi và bàn tán, mặc dầu họ đã mệt mỏi lắm rồi vì bấy giờ cũng gần
sang canh hai, tức là trên mười giờ đêm. Từ lúc ông ủy viên cảnh sát ra đi tới
giờ, đã non một tiếng đồng hồ và ma làm xôm tụ hơn nhiều, đá bay vào vách tới tấp
khiến khách hiếu kỳ đông là thế mà người nào cũng giữ được một cục, không còn
giành giựt nhau nữa.
Thình lình nghe ai la lớn ngoài hàng rào:
- Nó đây rồi. Mầy chạy đàng trời không khỏi tao.
Tức thì hàng chục tia đèn bin ngoài kia chỉa thẳng vào nơi phát lên tiếng la ấy.
Người ta nhận ra đó là giọng của một anh dân vệ trong làng. Thiên hạ lại đổ xô
nhau ra khỏi sân, giành nhau để đi qua cửa ngõ hẹp té. Cậu Tư nhảy rào đi tới
nơi trước thiên hạ, vì cậu tức ấm ách, muốn biết mặt mũi "con ma" ấy
ra sao và nhứt là muốn biết lý do đã xui khiến nó phá nhà cậu.
Dân vệ do ông ủy viên cảnh sát bí mật điều động và cho đi rình, đã tóm được thằng
Ngọt với một cục đá trong tay. Đó là đá xanh trải đường, đường quê lâu đời, nước
mưa chảy xiết, gặm mòn đất, để lòi ra hàng trăm, hàng ngàn cục, muốn bao nhiêu,
có bấy nhiêu. Cả làng đều kinh ngạc: Thằng Ngọt vẫn được tiếng là một công dân
tốt trong đám công dân tốt trong làng, nó siêng năng, giỏi giắn, con nhà tử tế
và tương đối khá giả. Nhà nó với nhà cậu Tư lại rất thân nhau. Nó cũng sắp đi hỏi
vợ và rất mê con Họn xinh đẹp mà nó sắp hỏi thì không thể bảo rằng nó "muốn"
con Hén không được rồi làm xằng. Vả con Hén năm nay đã hăm ba tuổi, lớn hơn nó
đến bốn tuổi lận?
Ông ủy viên cảnh sát truyền lịnh giải tán bọn hiếu kỳ, kể cả dân vệ nữa, vì ông
muốn điều tra mật, chỉ cho cậu Tư theo ông về công sở thôi.
Thằng Ngọt không sợ hãi, không hối hận, tỉnh khô như thường, có vẻ lương tâm an
ổn lắm. Vả ông ủy viên cảnh sát không có hành hung nó mà, trái lại, khi nãy còn
ngăn dân vệ toan làm dữ với nó là khác.
Lời lẽ ôn tồn, ông hỏi:
- Cháu nè, muốn nhẹ tội, cháu nên khai thật, tất cả sự thật. Nếu thấy rõ thiện
chí của cháu, bác có thế làm êm, tha luôn cháu nữa. Bằng như mà cháu còn dối
trá thì bác giải tòa vụ nầy.
Ngọt do dự lâu lắm trong sự im lặng, đoạn trịch thượng hỏi lại:
- Thưa bác ủy viên cảnh sát, cháu không biết bác chú ý tới điều nầy hay không,
là từ mấy năm nay, mỗi lần chị Hén về làng, là làng ta mất đi ít lắm là một cô
gái?
Ông ủy viên cảnh sát và cậu Tư giựt nẩy mình. Quả đúng như vậy ! Tiếng gọi của
thị thành réo rắt lắm, và gái quê, những cô gái nghèo khổ, cực nhọc, cô nào
cũng có mộng ra thành cho sung sướng tấm thân. Hén là tượng trưng của xa hoa, của
đời sống dễ dàng ở các châu thành lộng lẫy, hơn thế, nó lại quyến rũ gái làng
ra đi. Và họ dám đi là nhờ có nó dìu dắt. Những thôn nữ bỏ làng ấy, đôi cô
không bỏ hẳn, những cô còn cha mẹ, bà con trong thôn ổ, thỉnh thoảng lại về,
nhưng không cô nào còn can đảm lấy những anh nông dân trong làng mà họ đã thấy
là cùi đày, lam lũ quá.
- Thưa bác và chú, mấy hôm nay, chị Hén qua lại với con Họn rất thường và cháu
cảm nghe như Họn đã đổi thái độ đối với cháu. Cháu phải tự vệ, cho dẫu rồi phải
vào tù. Cháu quyết làm cho chị Hén sợ ma, ra đi ngay, trước khi kịp dụ dỗ con Họn,
hoặc bị mợ Tư sợ cái tuổi quến ma của chị ấy mà tống cổ chỉ đi ngay. Chỉ có thế
thôi.
- Nhưng còn cục đá bôi vôi? Cậu Tư hỏi.
- Thưa chú, đó là việc thách đố ma cổ điển, cháu biết họ sẽ thách như vậy, nên
mang vôi theo sẵn trong mình. Họ quên coi hình thù cục đá ném ra, để mà so sánh
với cục đá ném vô.
Cả hai người lớn đều nghĩ nhiều về sự hao hớt dân làng và nhìn cậu con trai nầy,
thương xót không biết bao nhiêu. Lâu lắm, ông ủy viên cảnh sát hỏi chủ nhà:
- Chú tính sao? Bãi nại được không?
- Được, miễn cha mẹ nó bồi thường thiệt hại cho tôi. Hằng trăm tấm ngói bể chớ
ít sao?
- Còn con Hén?
- Xin cho nó ăn Tết. Nhưng tôi sẽ cấm nó ra khỏi nhà.
MẤY VỤ
QUẬT MỒ BÍ MẬT
Mặc dầu mang một cái tên hào nháng, làng Phú thạnh không phú
và không thạnh chút nào hết.
Không ai còn nhớ làng nầy lập ra đã mấy trăm năm rồi, những người thông minh,
hoặc có óc khoa học có thể suy luận rằng ngày xưa có lẽ nó là một cái ấp của
làng kế cận là một làng trù mật, rồi một họ nào đó trong làng ấy, vì bất mãn với
chánh quyền thôn ổ địa phương, chạy chọt để xin tách ra, thà làm đầu gà, hơn là
làm đuôi trâu. Có lẽ họ dẫn theo một số gia đình nghèo khổ của làng chánh để khẩn
hoang nơi đồng khô cỏ cháy nầy. Đất làng là đất gò, mà lại là gò trọc, không
cây cối để giữ phân lại, bao nhiêu lớp đất tốt trên mặt đều trôi xuống làng phì
nhiêu dưới kia. Dân làng vẫn làm ruộng, nhưng năm nào mưa hơi ít một chút là
đói, còn mất mùa là sự kiện thường xuyên xảy ra ở đây từ thuở cố lỉ cổ lai nào ấy.
Làng chỉ có ba nhà ngói mà cả ba đều không phải của dân: công sở, đình và chùa.
Tất cả những nếp nhà khác toàn là nhà tranh nát, lắm nhà không thèm làm vách
làm phên, làm cửa nẻo gì cả bởi họ không có cái gì để mà mất trộm hoặc mất cắp.
Dân làng vẫn làm ruộng, như đã nói trên, nhưng họ chỉ không chết đói nhờ phụ
thu do lâm sản của khu rừng gần đó: họ bứt mây và bán lậu thuế ra những vựa của
những làng trù mật nói trên.
Vị lãnh tụ địa phương của ngày xa xưa đã xui dại họ mở rộng bờ cõi, chắc đã tuyệt
tự rồi, hay còn con cháu mà con cháu hắn cũng mạt rệp như bao nhiêu dân làng vì
hoàn cảnh bất thuận lợi. Thế nghĩa là không còn ai để cầm chân bằng áp lực nào
cả. Vậy mà cái làng nghèo khổ nầy vẫn cứ tồn tại, và dân làng cứ nhẫn nại chịu
đựng nghèo khổ, đói rách, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, mặc dầu thấy mức sống
của làng lân cận, họ không thể không ý thức về cảnh khổ của họ.
Hôm ấy, một chị đàn bà vào rừng bẻ măng hồi tang tảng sáng, hớt hơ hớt hãi chạy
về xóm đầu trong của làng để báo một tin dữ: lúc chị ta đi qua gò Cát, cái
nghĩa địa của làng, thì thấy một nấm mồ đã bị quật đâu hồi nào không rõ, chị ta
sợ quá không dám lại gần, để dòm xuống dưới ấy xem sự thể ra sao.
Những kẻ hiếu kỳ của cái xóm trong ấy, ùn ùn kéo nhau vào gò Cát để xem chuyện
lạ.
Làng nầy không hề thấy chuyện lạ bao giờ. Dân làng nghèo khổ quá, không có tiền
đâu để rượu chè rồi cãi lẫy, sanh đâm chém nhau. Họ bận chạy gạo suốt ngày nên
cũng không ai có thì giờ yêu đương lăng nhăng cho những cuộc đánh ghen có thể xảy
ra. Cho đến đỗi dịch thiên thời thổ tả họ cũng không bao giờ mắc phải, vì họ chỉ
ăn cơm với mắm kho là hai thứ được nấu chín, vi trùng chết hết ráo, và họ uống
ròng nước giếng làng, các giếng nầy sâu quá, nước giếng không làm sao mà nhiễm
độc được cả.
Thật ra bãi tha ma kia không hẳn là một cái gò toàn cát. Đó là một cuộc đất với
cát pha lẫn nhau, không trồng trọt gì được, mà chôn xác thì tốt vì người mình
tin rằng đất xốp ít tác hại tới gỗ hòm và hài cốt.
Đất đen pha với cát trắng mang màu xám tro, được đào từng đống cao xung quanh lỗ
huyệt. Không có gỗ hòm quanh đó, mà cả dưới đáy huyệt cũng trống trơn. Làng khổ,
dân nghèo, họ chôn ông, chôn cha toàn bằng hòm chơn ngang, đóng bằng gỗ dầu là
thứ gỗ tạp, thì làm sao mà còn được sau hằng trăm năm?
Cứ theo trí nhớ của người cao niên nhứt làng, một ông lão bảy mươi, thì trước
khi dân cư tới đây, nơi nầy là hoang địa, nghĩa là không có ngôi mả cũ nào cả.
Đó là trí nhớ theo lời kể của tiền nhơn, chớ làng được lập ra mấy trăm năm rồi.
Cũng cứ theo trí nhớ ấy, thì làng cũng không hề phát quan.
Chín ngôi mộ đá ong và đá xanh là những ngôi mộ đáng kể nhứt trong làng, đều là
mộ của cái họ lãnh tụ đã lập ra làng nầy, họ giàu có duy nhứt ở đây còn thì mộ
đất cả. Mà chín ngôi mộ ấy đều còn nguyên vẹn. Cái giả thuyết kẻ gian manh quật
mồ quan xưa, quật mồ nhà giàu cũ để cướp vàng, không đứng vững được. Đất ở đây
khô cằn cho đến đỗi không có gì để dân làng tranh giành nhau mà sanh thù hận. Họ
đã thương mến nhau từ nhiều đời vì không hề có dịp xung đột quyền lợi với nhau.
Như vậy giả thuyết báo thù cũng không đứng vững nốt.
Hài cốt không thấy đâu. Nhưng nếu xương tàn cốt rụi thành tro và kẻ trả thù muốn
cho đã nư giận, ắt đã hốt tro ấy rải cùng mặt đất, mà tro với cốt dễ phân biệt
với đất, nếu có là thấy ngay, nhưng vẫn không ai tìm được dấu vết nhúm tro, mảnh
xương nào.
Nhà chức trách trong làng đến trưa mới hay sự việc. Họ phái hương quản đến xem
xét để làm phúc bẩm lên quan trên cho lấy lệ, chớ không ai thưa kiện gì ai, bởi
đó là một nấm mồ dường như vô chủ. Có kẻ nhớ rằng mỗi năm, vào ngày hăm ba
tháng chạp, theo tục lệ đia phương, ngôi mả nầy vẫn được dẫy cỏ, thắp nhang,
nhưng không hề thấy tận mắt ai săn sóc nó, họ đoán đó là hành động từ thiện của
một người nhơn đức trong làng, có mộ ông bà ở gần đâu đó, sẵn tay, săn sóc luôn
nấm mồ vô chủ láng giềng của mồ ông cha họ.
Người bình dân ưa bàn tán lâu ngày về những biến cố loại đó. Thế mà làng Phú thạnh
vẫn quên vụ nầy sau ba ngày, vì cái nghèo sát đất đã hủy diệt thói tửu hậu trà dư.
Nhưng năm hôm sau, một vụ y hệt như vậy lại xảy ra nữa, và cũng do một chị bẻ
măng chạy về báo tin. Dân làng Phú thạnh bắt đầu sợ, họ không rõ họ sợ cái gì,
có lẽ sợ chính cái không biết, sợ một hành động nào của kẻ khuất mặt, ma quỉ hoặc
thần thánh gì, để báo trước một tai họa cho cả làng. Nhưng rồi họ cũng quên được,
lâu hơn bận trước thật đó, nghĩa là sau đến năm ngày. Phúc bẩm của hội tề làng
Phú thạnh bị thầy cai tổng dẹp vào một xó, chớ cũng không buồn phúc bẩm lại với
ông chủ quận nữa.
Lần thứ ba, vụ đào mồ khác nổ bùng như một trái bom. Cho đến đỗi thằng Hòn, một
tên cứng đầu và gan lì nhứt làng, không biết sợ ma quỉ, thần thánh gì cả, cũng
phải nổi da gà.
Lần nầy câu chuyện do một chị hái củi phát giác. Gỗ hòm đã mục nát, nhưng còn vết
tích của cái nấp vì nấp hòm ta làm bằng nửa thân cây nguyên, tương đối bền hơn
các tấm ván khác ghép thành chiếc hòm ấy. Nếu nấp hòm còn thì hài cốt cũng phải
còn, ít lắm là xương sọ, xương cốt bàn, các ông già, bà cả bảo thế, nhưng vẫn
không ai tìm được lấy một mảnh xương vụn nào. Cũng cứ là mồ vô chủ, họ tin là
thế, vì không ai thưa kiện gì ai. Lần nầy làng không thèm phúc bẩm lên thầy cai
tổng nữa.
Dân làng đã sợ mất mật. Họ bận chạy gạo nên không ngồi lê đôi mách để bàn tán với
nhau, nhưng không ai quên được. Trong gia đình, họ có dịp nói với nhau, nhưng
ai cũng câm miệng cả vì không dám nói. Người ta có thể rỉ tai nhau để rủa một
chánh thể, chớ không ai bạo gan đá động đến quỉ thần là cái quyền có tai mắt mọi
nơi, cả trong bóng tối, cả trong buồng kín, hàng vạn thám tử của một chế độ độc
tài cũng không bì kịp.
Chớ vụ nầy lại không do kẻ khuất mặt gây ra à? Không có người sống nào trên đời
nầy lại có lý do để hành động vô mục đích như vậy cả. Dân làng họ nín nhưng
không quên. Và vụ quật mả thứ tư lại xảy ra mười ngày sau đó. Vụ nầy giúp họ hết
sợ, nhưng lại khiến họ kinh ngạc vô cùng. Đây là hai nấm mồ bị quật một lượt,
mà có chủ, họ biết rõ điều nầy. Nhưng "chủ mồ" tức là con cháu người
chết lờ đi, đã không thưa kiện ai, cho đến đi vào gò Cát để xem sự tình ra sao,
họ cũng không buồn đi, làm như họ phủ nhận dây liên hệ họ hàng với người dưới mộ.
Hay là chính con cháu của kẻ dưới mộ cũng quá sợ nên làm lơ? Hai ngôi mộ nầy
cũng không cũ quá hai mươi năm và cho đến những cặp vợ chồng mới có một hai con
cũng còn nhớ mang máng gương mặt của ông cụ, bà cụ chôn dưới đó mà thuở còn bé
họ rất mến vì cặp vợ chồng già ấy vui tính lắm. Nếu còn sống thì hai cụ bây giờ
đã chín mươi rồi và đứa cháu đích tôn của hai cụ năm nay đã gần tứ tuần.
Đó là người dân nghèo nhứt của cái làng nghèo nhứt nước nầy. Hắn là con một, và
cha hắn cũng là con một của hai cụ vừa bị quật mồ. Thế nhưng hắn lại đông con
không thể tưởng tượng; những tám đứa, đứa lớn mới mười ba thôi. Gia đình nhà ấy,
buổi sáng nhịn đói, buổi trưa ăn cháo môn, chiều lại mới dám ăn cơm nấu lộn với
khoai, nêm muối.
Người cha làm thợ mộc, nhưng trong làng không ai cất nhà, đóng bàn đóng kệ gì hết
ráo, nên anh ta chỉ còn dùng được có cái cưa để cưa sọ dừa làm gáo múc nước bán
hai xu một cái 1.
Mà sọ dừa cũng không kiếm được, vì đất làng là đất gò, không thể trồng dừa, dân
làng cũng không có tiền để mua dừa làng khác về ăn. Chị vợ theo cái nghề không
vốn, không cần kiến thức chuyên môn, là hốt phân bò trâu ngoài đồng, hoặc trên
con thôn lộ chạy ngang làng, mang về chứa trong hầm, tới mùa lúa mà bán, nhưng
cũng không được bao nhiêu, vì làng không có hơn hai con trâu, bốn con bò. Hai vợ
chồng anh này không có làm gì ác cả, kể cả mấy đời ông cha đều nhơn đúc. Như thế
nếu quỉ thần mà muốn gieo họa cho anh ta thì đó là một sự bất công to lớn mà vô
ích, vì anh ta không thể gặp họa nào nặng hơn cái nghèo của anh ta. Nói xin lỗi
chớ nếu con anh ta mà chúng có cao hứng bỏ nhà đi đâu biệt tích biệt tăm vài đứa
thì là phước lớn cho anh ta vậy, chớ không phải họa đâu. Cái thằng nghèo sát đất
thì không còn trừng phạt nào áp dụng hữu hiệu đối với nó cả, vì cỡ phải lăn ra
mà chết, nó cũng không ngán kia mà !
Làng Phú thạnh nghèo nhưng yên ổn được nhờ chính sự nghèo nàn quá mức của làng.
Nhưng từ đây, làng đã hết yên ổn nữa vì lòng dân xôn xao trước những sự việc kỳ
bí mà họ tin là điềm bất tường hay lời hâm dọa gieo tai nạn của kẻ khuất mặt,
trên số phận của người dân. Hai ngôi mộ nầy bị quật có hai hôm là một ngôi mộ
khác bị quật nữa. Đó là mả của mẹ anh thợ mộc. Cha anh ta ngày xưa đi rừng rồi
mất tích luôn, bị cọp tha hay sa xuống hố không rõ. Anh ta chôn mẹ cách đây
chín năm và nấm mồ nầy thì cho đến lũ con nít cũng biết là mả của ai vì gần cái
mả ấy mọc lên một cây đào lộn hột mà chúng tranh nhau hái trái, qua mùa đào,
chơi giỡn nơi đó và có dịp để nói tới mả của bà nội thằng Kẹo hoài.
Như bao nhiêu lần khác, không ai lượm được mảnh xương nào, và anh thợ làm gáo
cũng không héo lánh đến gò Cát khi cái tin này dội xuống tới làng. Có người tức
mình quá cho anh ta là thằng con bất hiếu, đi tìm anh ta để mắng anh ba tiếng
thì thấy nhà anh đã trống trơn.
Có người bỗng sực nhớ ra rằng hồi khuya, lúc gà gáy chập đầu, họ gặp cả nhà anh
gồng gánh đi đâu đó không rõ, và họ nhớ hình như là nhà anh ấy lớn bé gì cũng
gánh toàn một món là những cái khạp như khạp đường hạ vậy, nghĩa là có nắp bằng
đất nung hẳn hòi nhưng họ gánh đi coi nhẹ hều chớ không nặng như khạp đường.
Lần này thì có kẻ dính líu trực tiếp với vụ quật mồ nên làng phải chạy tờ lên
thầy cai tổng và thầy cai tổng lại phúc bẩm lên ông chủ quận.
Đọc xong tờ phúc bẩm của cai tổng, thầy ký Hội vừa toan để nó vào xấp công văn
trình cho ông chủ quận khán thì bỗng sực nhớ lại điều gì. Thầy mở hộc tủ ra,
bươi giấy tìm một lá đơn, so tên của người đứng đơn và tên của anh thợ mộc bỏ
làng sau khi đào mồ mả ông cha, rồi châu mày.
Đơn như vầy:
"Bầm lạy Quan Lớn đặng rõ.
Nguyên tôi tên là Nguyễn văn Mun, làm nghề thợ mộc, dân đinh của làng Phú thạnh,
tổng Hòa phước, quận... Cúi xin Quan Lớn mở lượng hải hà cho phép tôi lấy cốt
sáu nấm mộ của ông bà và mẹ tô, để tôi mang đi theo xứ khác làm ăn. Bầm lạy
Quan Lớn thương xót, vì tôi nghèo quá nên mới bỏ làng, mà tính từ lâu, không nỡ
bỏ cũng vì mồ ông, mả cha còn đó, đi làm sao cho đành. Nay tôi quyết định chỉ lấy
cốt những ông bà gần gần đây thôi, còn lớp trước xa quá, xin để lại làng, và tổng
số mà tôi xin lấy cốt là sáu cái, cả sáu đều chôn đã lâu rồi không còn độc nữa.
Cúi xin Quan Lớn nhận lời, tôi đội ơn Quan Lớn ngàn năm.\
Kính đơn
Ký tên
NGUYỄN VĂN MUN
Bên lề lá đơn, có viết mấy hàng chữ như sau bằng bút chì, tuồng chữ chính là chữ
của thầy ký Hội:
"Nhớ bắt đương sự phải lo năm đồng mới chuyển đơn lên quan Quận"
Thầy Hội vội nhét lá đơn ấy vào túi áo để phi tang rồi tiếp tục làm việc như
không hề biết bí mật của anh thợ mộc tên Mun.
Chú thích:
1. |
Giá hồi tiền chiên |
Cam giận run lên.
Từ ngày dời nhà ra chợ đến nay, chị Mít đã thay đổi tánh nhiều lắm chớ không còn là một người vợ chỉ biết phu xướng phụ tùy như hồi họ còn ở trong làng nữa. Nhưng chị Mít chỉ đâm ra cứng đầu vì bắt chước cái thói nam nữ bình quyền ở đây vậy thôi chớ chưa hề dám nổi loạn hẳn như hôm nay.
- Sao, mầy nói sao?
Anh Cam xốc tới, mặt hầm hầm, đôi mắt đỏ ngầu như mắt thằng điên, vừa hỏi gặng vừa cung tay.
Nhưng chi Mít không sợ hãi chút nào. Chị ấy xon xỏn lập lại câu chọc tức của chị khi nãy:
- Không ai mà cần thèm ai. Con nầy không sợ đói đâu. Chỉ có ai kia mới là bất tài, không nuôi nổi vợ con thôi.
- Đ m... tao đánh thấy mẹ mầy.
Anh Cam cũng đã nhiễm thói tục ở chợ, thói của mấy anh phu vác gạo, chớ hồi ở làng anh đâu có chửi thô tục như vậy. Nhưng căn bản hiền lương vẫn còn sót lại nơi người anh rất nhiều, thế nên vừa xốc tới trước mặt vợ, anh vừa đưa mắt nhìn quanh để tìm một cái tộ, hoặc một cái chén, tóm lại những thứ đã dòn, dễ bể như pha lê hay đồ sứ Lái thiêu để mà đập cho hả giận vì anh không thích trút tất cả cơn thịnh nộ của anh lên người của chị Mít.
Nhưng ở đây là buồng trước, không có món nào khả dĩ làm bia đỡ giận được cả. Bình hương và bình bông bằng sứ Lái thiêu trên bàn thờ, cỡ ném xuống đất một cái thì bể dòn lắm, nhưng đó là của thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chỉ còn có bốn bước nữa thì anh Cam tới trước mặt chị Mít. Chị ấy đang nghinh anh một cách khiêu khích và anh tuyệt vọng vô cùng bởi không vớ được món nào giúp anh xì hơi giận hết. Cùng thế, anh đá thật mạnh vào... một cây cột nhà.
Cả hai vợ chồng đều rụng rời vì khủng khiếp: cây cột ấy gẫy làm ba, bốn đoạn, và rơi xuống nền đất kêu lổn cổn.
Cái tiếng kêu ấy đáng lý phải cho họ chợt thấy cái gì khác lạ, nhưng sự việc bất ngờ quá khiến họ quên mất chi tiết ấy đi.
Chị Mít chỉ khiếp sợ vì thấy chồng mình sao bỗng dưng mạnh gớm. Anh Cam là một nông dân lực lưỡng, đã có lần dám chụp sừng của một trâu điên để đè đầu nó xuống và anh đã thắng nó trong mấy phút cho dân làng kịp vây trói, ngăn nó tác hại. Nhưng dầu sao sức mạnh của anh cũng còn kém sức mạnh của Lý Nguơn Bá một trời một vực, cớ sao hôm nay thình lình anh ăn gì mà mạnh lên như thần, đá một cái là gãy một cây cột nhà bằng bê-tông, to bằng bắp vế người lớn?
Vâng, cột nhà này chắc chắn là bằng bê-tông chớ không thể bằng gạch vì nó tròn chớ không vuông, lại được quét nước vôi lên, trắng toát. Ngày ra chợ làm ăn để trốn những cơ cực ở thôn quê, thuê nhà này, anh Cam đã ngạc nhiên tự hỏi sao nhà vách ván, lợp ngói âm dương, nền đất mà họ lại đúc cột bằng bê-tông làm gì cho tốn tiền?
Chị Mít kinh sợ vì thế, còn anh Cam thì mất hồn vì nghĩ rằng nếu anh đá vợ, có phải đã gây án mạng hay không? Cột bê-tông to thế kia mà còn chịu không nổi cái đá của anh thay, huống hồ gì chơn yếu tay mềm của vợ anh! Nếu lãnh cái đá ấy, chắc chắn chị Mít đã dẹp như một cục đất sét lò chén bị thợ đạp lên để nhồi cho nó nhuyễn.
Chị Mít đứng chết sững mấy mươi giây rồi vụt bỏ chạy mất, kẻo chồng chị đạp một cái nữa mà lại nhè đạp lên chị thì bỏ đời.
Anh Cam thì nư giận cũng đã theo cái đá của anh tan rã như cây cột. Anh nhìn kỹ lại thì kinh ngạc hết sức. Đây là một cây cột rổng lòng, làm bằng những ống dẫn nước bằng đất nung, do lò gốm địa phương nầy sản xuất. Những ống đó chấp lại, trét sơ xi-măng ở những mối ráp rồi quét nước vôi lên, thì trông cứ như là bằng gạch, hay bằng bê-tông gì ấy.
Anh Cam vụt cười khan lên một mình. Nếu biết thì anh đã đá thêm vài đá nữa cho gẩy thêm vài cây cột, chắc chưa đến đổi sập nhà mà chị Mít đã mất mật và sẽ tởn tới già không dám ương ngạnh với anh nữa.
Anh ngồi bẹp xuống đất rồi xoa chân, vì mặc dầu bàn chân anh không nát trong cuộc va chạm mạnh bởi một vật ngỡ cứng như đá, chớ nó cũng không tránh khỏi đau đớn phần nào.
Anh lại vụt cười khan lên một mình lần nữa: anh nhớ đến những nếp nhà của thợ đá dưới chân núi Bửu long trên Biên hòa. Nhà họ là nhà tranh vách đất, nhưng cột làm bằng đá xanh như những cung điện nguy nga Đế thiên Đế thích. Nếu anh chàng thợ đá nào giận vợ mà đạp vào cột như anh thì bỏ đời.
Cơn vui này bỗng được một buổi nghĩ ngợi lung tung nối tiếp theo.
Thì ra con người sống với hoàn cảnh nhiều quá.
Con cắc kè đổi màu tùy theo chỗ nó nằm. Nếu nơi đó là rong rêu thì nó lấy màu xanh, còn như nằm trên tảng đá ong, nó lại tự nhuộm màu đỏ. Dân ở chân núi Bửu long làm cột nhà bằng đá xanh vì đó là vật liệu họ có sẵn bên tay mà cũng chẳng tốn kém gì. Còn dân xứ Lái thiêu này mà làm cột bằng ống nước nối lại thì cũng cùng chánh sách "ở đâu theo đó" như con cắc kè hay dân Bửu long, vì lò gốm ở đây sản xuất ống dẫn nước bằng đất nung rất nhiều.
Anh đã sống với hoàn cảnh của anh gần ba mươi năm rồi. Hoàn cảnh ấy là ruộng, là rơm, là rạ, là trâu bò, là phân chuồng, là cấy gặt. Có dầm mưa dãi nắng thật đó, nhưng cứ thong thả mà làm không bị ai hối thúc như ở đây, cực nhọc nhưng lại nhàn nhã vô cùng, mới nghe thì có lẽ như là mâu thuẫn, nhưng sự thực là thế!
Ở đây, thiên hạ đến gần như là nô lệ của đồng hồ. Không giờ phút nào là không có ít lắm là một người đưa tay lên nhìn cái mặt tròn tròn nhỏ xíu ấy một cái rồi hốt hoảng la lên: "Ý chết", đoạn vội vàng xách áo ra đi như chạy giặc không bằng.
Thêm vào những cái ấy, nhà cửa chật hẹp và không khí nóng bức làm cho trí óc con người lúc nào cũng như bị đun sôi, dễ bực dọc, dễ đâm cáu kỉnh. Anh Cam làm ăn không ra làm sao cả lại cứ bị thúc giục, cứ phải bực mình nên đổ quạu một ngày không biết mấy mươi lần. Chị Mít là con tằm mà trên đầu chị anh đã đổ trút cả trăm ngàn dâu bực bội, anh chợt ý thức vậy. Sự cứng đầu của vợ anh thật ra là phản ứng tự nhiên của một kẻ vô tội thường bị "bố" oan, chớ sự thay tâm đổi tánh của chị cũng không đến nỗi nào, và chính anh cũng thay tâm đổi tánh kia mà.
"Mình là một người sanh đẻ, lớn lên ở đồng ruộng, anh Cam nghĩ, vợ mình cũng vậy. Mình phải sống ở đồng ruộng mới xong".
Nghĩ xong, anh đứng dậy chạy u đi một mạch: anh đi mua một ống dẫn nước, mua xi-măng để xây lại cây cột bê-tông giả hiệu hầu trả nhà lại cho chủ nó.
Cột bê-tông giả hiệu. Danh từ này làm anh mỉm cười lúc anh đang chạy. Vì anh cũng tự thấy anh cũng là kẻ chợ giả hiệu.
Con cái anh về sau mới thành hẳn kẻ chợ được, chớ vợ chồng anh thì không. Luôn luôn dân quê ra ở chợ phải bị lạc hướng trọn đời của họ và chỉ có thế hệ sau mới tự nhuộm được màu chợ, chớ họ không thể đổi màu chớp nhoáng như loài cắc kè vậy đâu. Dân quê ra chợ là những kẻ tự hy sinh mình, trong cái kiếp của mình, cái kiếp thương nhớ khôn nguôi chơn trời cũ, cái kiếp chịu đựng hoàn cảnh mới mà họ theo không được.
Trên chuyến về, chạy ngang qua nhà ông chủ tiệm gạo nơi mà anh Cam làm công, anh thấy vợ anh đang ngồi bó gối trên một bao gạo chỉ xanh.
Chị Mít vừa thấy mặt chồng thì biến sắc, toan đứng lên để tẩu thoát nữa, nhưng mà giọng anh Cam sao lại dịu quá như là cam ngọt:
- Má nó ơi, con Quít đâu?
- Nó đi chơi rồi.
- Kêu nó về để mẹ con sửa soạn. Mai sáng, ta về quê.
Chị Mít lại càng hoảng hơn khi nghe sự quyết định bất ngờ của chồng chị. Chị sợ vì chị tin rằng anh đã hóa điên. Ừ, những người vừa nổi cơn điên thường trở nên mạnh mẽ vô cùng, năm bảy đàn ông lực lưỡng giữ cũng không được. Anh Cam đã không vừa đá bể một cây cột bê-tông đó à?
Sợ, nhưng thương chồng, chị không tính chuyện chạy trốn nữa. Chị bước ra đường, dè dặt để kịp tránh né nếu anh ta lại nổi cơn điên.
- Ba nó nè, chị gọi chồng nho nhỏ, giọng vỗ về.
- Gì?
- Ba nó có sao không ?
- Chỉ trầy sơ bàn chân thôi.
- Không, tôi hỏi ba có nghe trong người bực bội, bứt rứt hay không?
- Có
- Từ bao lâu rồi?
- Từ hai năm nay.
- Vậy hả?
Chị Mít ngơ ngẩn không còn hiểu đâu là đâu nữa. Thì ra không phải anh ta mới bực bội đây rồi hóa điên.
- Nhưng về làng thiệt hả, ba nó?
- Ừ, về làng.
- Bỏ chỗ làm sao?
- Không tiếc. Ở đây ta cũng chỉ đủ ngày hai bữa. Về làng cũng đến thế thôi.
- Về làng mình?
Chị Mít hỏi mà gương mặt đi vắng, đôi mắt nhìn xa lắm.
Chị lẩm bẩm một mình:
- Về làng, gần ruộng... gần trâu bò... rồi tôi sẽ trồng rau...nuôi heo... nuôi gà...
- Với lại, gần mồ mả ông bà nữa...
- Ừ, với lại gần xóm giềng, giúp đỡ lẫn nhau, vui không biết bao nhiêu.
- Và ta sẽ lại thấy cây, thấy cỏ, thấy mùa...
- Ừ, ta sẽ thấy mùa... mùa ve kêu... mùa lá rụng... mùa cá hội... mùa đuổi chim...
NHỮNG ĐỨA CON
THƯƠNG CỦA ĐẤT MẸ
Họ gặp nhau trong mùa nghỉ mát năm ngoái, và hôm trước tết, họ bàn tính với nhau là hết mùa nghỉ mát năm nay, họ sẽ làm lễ thành hôn với nhau. Đời bây giờ mà để ra tới những mười hai tháng để tìm hiểu nhau thì quả cặp Tuấn - Lucie Minh dè dặt có một không hai. Chỉ hơi phiền là hôm lễ Phục sinh hai người đi hai ngả: Lucie Minh lên Đà lạt, còn Tuấn thì đi Vũng tàu. Tại mỗi người, ai đều có hứng riêng của nấy, mà không ai có bổn phận phải chiều ý ai trong một việc không đáng kể như vậy. Vả lại, cả hai, không ai trẻ con cả thì không thể vì thế mà họ giận nhau. Nói "chỉ phiền" là vì đó là nguồn gốc của sự đoạn tuyệt của họ về sau nầy.
Hôm ấy Tuấn ra tới Vũng tàu thì đã bốn giờ chiều. Tắm cái đã rồi hẵng hay. Chàng tắm cho đến năm giờ rưỡi, lên giải khát, xong đâu đó mới đi thuê buồng khách sạn. Không còn buồng nào cả. Nhưng anh con trai nầy không lo, cứ ăn cơm tối cái đã "rồi hẵng hay". "Rồi hẵng hay" là câu châm ngôn cửa miệng của Tuấn, mỗi lần có gì giải quyết không được, chàng dẹp nó lại, làm việc khác hoặc đi chơi, sau khi nói mấy tiếng ấy, nói to lên, hay nói thầm với mình.
Chàng không lo, không phải chàng có thể ngủ trên bãi cát như bao nhiêu người khác. Đó là những người ra đây bằng xe nhà, có thể mang theo những tấm bố lớn để trải ra mà nằm lên đó, chớ chàng thì chàng chỉ có một chiếc va-ly con đựng mu-xoa, một chiếc sà-roong, bàn chải đánh răng, hai chiếc áo tắm, và cái khăn bông. Y phục, chàng chỉ có một bộ trên người may bằng vải không nhầu, như vậy cho nhẹ bưng xách dọc đường. Tuấn không lo vì trong thành phố, ngoài mấy mươi khách sạn mang bảng hiệu và có đóng thuế môn bài, còn mấy mươi biệt thự của tư nhơn, của những ông nhà giàu suy sụp, họ biến thành phòng ngủ lậu ngôi biệt thự của họ, và thế nào chàng cũng sẽ tìm được một buồng, một cách dễ dàng, nhờ bọn trung gian chuyên môn là mấy anh phu xích-lô.
Quả thật thế, ăn cơm rồi, Tuấn thuê ghế dài mà nằm hóng mát cho tới lúc việc tiêu hóa gần xong mới thót lên một chiếc xích-lô đạp, nói lên ý muốn của chàng là anh phu xe "ô-kê" ngay. Mấy anh nầy nhận tiền thưởng phòng ngủ lậu ở đây, nên họ rất thạo tin tức, biết số buồng trống từng giờ, từng phút. Tuy nhiên đó là những kẻ nguy hiểm mà mười lăm phút sau Tuấn mới biết. Anh phu xe nầy đưa chàng tới một nơi rất là bê bối. Đã khuya rồi chàng đành nhận vậy, vả tìm anh phu xe khác, sợ anh ta còn lưu manh hơn anh nầy thì hóa ra chạy ô mồ mắc ô mả.
Cái nhà ngủ lậu nầy ắt hẳn cho hoa hồng nhiều lắm và chắc chắn đã có nhiều người đi nghỉ mát rơi vào cạm bẫy rồi. Đó là một ngôi biệt thự xưa, một trụ cổng xi-măng đổ nát, rất có vẻ hoang tàn, trụ còn đứng vững mang một tấm bảng nhỏ đề chữ "Biệt thự Mỹ Phúc". Tuấn chợt nhớ đến cái nhà mát của hội "bảo vệ luân lý" mà năm xưa chàng leo thang lầu thì cái thang rung rinh mà cả ngôi nhà cũng rung rinh tuốt. Được cái là "biệt thự Mỹ Phúc" không có lầu nên chàng an dạ rằng cho tới ngày về Sài gòn, giò và tay, cổ chàng sẽ còn nguyên vẹn vì khỏi lo nhà sập như cái nhà mát say rượu đằng kia. Ở đây, buồng người ta lấy trăm rưởi mỗi ngày, kể ra thì rất mắc đối với buồng khách sạn có đủ mọi tiện nghi mà chỉ phải trả có hai trăm rưởi thôi. Nhưng thôi cũng được. Sự im lặng hoàn toàn ở đây an ủi Tuấn dữ lắm. Sân rộng có trồng nhãn, các buồng thì đóng cửa kín mít và không nghe tiếng động, nhà lại chỉ cách bãi biển có hơn trăm thước thôi. Bồi phòng là một phụ nữ lai căng, cha Phi châu, mẹ Việt nam, ăn nói văn hoa như tiểu thuyết ba xu, nhưng Tuấn lại nghe hay hay. Không có gì buồn cười bằng
một người nước da đen huyền, tóc quăn quíu một cách tự nhiên, đôi môi dày như hai chiếc bánh trôi nước, đôi hàm răng lại trắng như bột, mà nói "Trong trường hợp có gì làm thầy không được thỏa mãn, xin thầy cứ khiển trách em để em sửa sai".
Sáng ra, Tuấn dậy rất trưa, sắp sửa đi tắm và ra khỏi buồng chàng thì chàng thấy rất đông quân nhân Huê kỳ từ nhà nầy đi ra. Sự kiện nầy cắt nghĩa ngay vẻ im lìm đêm rồi. Tuấn rất biết phong tục của người da trắng, họ rất lịch sự ở những nhà chung cư, đóng cửa kín mít và nhất là đi đứng, nói năng thật nhẹ, sợ mích lòng láng giềng.
Thình lình Tuấn nghe xây xẩm mặt mày, rồi chàng choáng váng, lảo đảo muốn ngã. Chàng vội vã trở vào phòng mình nằm. Tuấn bị chứng áp huyết thấp từ mấy tháng nay, nên cơn khó nầy không làm chàng hoảng. Chàng sẽ uống thuốc, uống cà phê đen là khỏi ngay. Tuy nhiên, dầu sao cũng phải nằm cái đã, "rồi hẵng hay".
Lạ quá, ngôi biệt thự lặng lẽ như chùa Bà Đanh từ hồi đầu hôm tới giờ, bỗng nhiên hóa thành một cái chợ, và tiếng phụ nữ nói líu lo ngoài hành lang, gọi nhau, đáp nhau từ buồng này qua buồng khác, khiến Tuấn bực mình quá: đến lúc cần yên tĩnh để nghỉ ngơi thì thiên hạ họp chợ. Chị bồi phòng da đen bưng vào cho chàng một bình trà nóng rồi hỏi:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét