Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Mẫn cảm sinh thái trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam

Mẫn cảm sinh thái trong
sáng tác của nhà văn Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam (1926 -2008) người con của vùng Rạch Giá (Kiên Giang), được mệnh danh là nhà “Nam Bộ học”, “pho từ điển sống về miền Nam” bởi tác phẩm của ông từ khảo cứu đến những sáng tác văn chương thể hiện sự am tường và tình cảm tha thiết với đồng đất và con người Nam Bộ.
Những trang viết của ông làm hiện lên một thế giới mà cuộc sống của con người và thiên nhiên dường như hòa lẫn vào nhau. Thậm chí, con người để tồn tại, phải nương tựa, dựa dẫm vào thiên nhiên. Đã thế, con người dường như không nhận thức được sự yếu đuối, lệ thuộc của mình vào thiên nhiên mà “vô tư” hưởng thụ và khai thác tự nhiên một cách ích kỷ và vô tri. Từ góc nhìn sinh thái, chúng tôi cho rằng đó chính là mẫn cảm sinh thái của một cây bút giàu tình yêu, lòng trắc ẩn kết hợp với hiểu biết sâu rộng về văn hóa và môi trường.
Mẫn cảm sinh thái của Sơn Nam thể hiện trước hết ở ý thức tái hiện sắc thái bản địa của không gian Nam Bộ.
Nhà văn Sơn Nam
Nếu ai chưa có cơ hội đặt chân đến đồng đất Nam Bộ nhưng muốn hiểu về vùng đất ấy hãy đọc Sơn Nam! Có thể khẳng định như vậy khi tên tuổi của ông gắn liền với sắc thái bản địa vùng đất ấy. Sơn Nam như được sinh ra cho Nam Bộ, với Sơn Nam, Nam Bộ vừa là nguồn cội ân tình, vừa là đối tượng văn hóa, thẩm mỹ mà suốt đời ông say mê, theo đuổi. Qua những trang viết của ông, một Nam Bộ xưa hiện ra “hồn nhiên”, “trần trụi”, làm choáng ngợp người đọc trước vẻ trù phú hoang sơ, song, cũng là thử thách đáng kể đối với những người yếu bóng vía bởi sự dữ dằn, khốc liệt của chính sự hoang sơ đó. “U minh” – không biết ai đã đặt tên cho miền đất ấy để định danh cho tính chất đặc trưng của nó: tối tăm, ẩm thấp, bí hiểm. Nơi mà chủ nhân không phải là con người mà là thế giới tự nhiên hoang dã. Nơi mà con người chỉ là phần nhỏ bé, sống dựa dẫm, nương tựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên, Sơn Nam đã tái hiện lại không gian thiên nhiên ấy với tất cả niềm tự hào, yêu mến thiết tha.
Xứ sở thâm u, với biết bao nhiêu là sự lạ: Thiên nhiên Nam Bộ phụ thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng. Khí hậu Nam Bộ chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa (mùa nước nổi), “Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ sáng tới chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa …Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước” (Mùa len trâu). Chẳng may, có người chết vào mùa mưa có thể không được mai táng hoặc được táng một cách một cách thương tâm. Câu chuyện thằng Kìm trong truyện Một cuộc biển dâu chở ba nó (sắp mất) suốt một ngày ròng rã tìm một làng nào đó ngoi lên giữa biển nước với hi vọng ba nó mất có chỗ cao ráo mà nằm xuống. Nhưng càng chèo, càng mờ mịt “Thằng Kìm hoảng hồn, đoán rằng cha nó đang hấp hối. Mặt trời sắp lặn. Từ hồi sáng, mặc dầu nó bơi liên tiếp, cảnh vật xung quanh vẫn y hệt. Nước chảy hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu Giang ra vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây. Nó thắc mắc: nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh mông không bờ bến như biển khơi…” (Một cuộc bể dâu). Lúc ba nó mất, nó mới chứng kiến “tục lệ” chôn cất ở xứ này mùa nước nổi:  “Nói chôn cho đúng tục lệ chứ đất đâu mà chôn? Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới ruộng…”. Và đây là kết cục về lẽ sinh tồn của con người trên đồng nước: “Đất ruộng này rải rác, lũ khũ… xương người ta với xương trâu, thứ trâu len đi xa bị bịnh mà chết dọc đường. Tới mùa cày ruộng năm nào cũng vậy, tôi gặp xương đó hoài…” (Một cuộc bể dâu).
Cũng ở mùa nước nổi, Sơn Nam cho người đọc chứng kiến một “đặc sản” phong tục khác của Nam Bộ, đó là mùa len trâu: Ấy là khi “sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách”. Nước ngập cả tháng trâu không còn cỏ ăn, móng trâu bị ngâm nước nhiều nên mềm ra, len trâu là “trâu của trăm chủ khác nhau gom chung lại một bầy, len đi miệt khác kiếm cỏ”(Mùa len trâu). Mùa len trâu, người lần đầu chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng trước những chuyến di cư của thiên nhiên hoang dã giống như thời tiền sử  “…Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; Đằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm dễ chứ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn…”(Mùa len trâu).
Ở xứ bùn lầy mênh mông này, có những con lươn già “to cỡ bắp tay, mắt him híp như buồn ngủ, đặc biệt hai cái lỗ tai nó hiện ra bằng ngón tay út, giống như mặt con chồn, giống chừng tám chục phần trăm”, vì vậy, người ta đồn rằng, lươn già sống chục năm sẽ hóa thành con chồn (Đi câu trún). Đấy là xứ sở của “muỗi mòng, rắn rít, chồn đèn, chuột, chim cúm núm, rùa” và cá sấu! những giống loài sinh sôi ở vùng ẩm thấp. Chắc cảnh lạ này, chỉ thấy ở đây:  “Mùa nước nổi, chuột cắn đuôi nhau nổi lên thành một sợi dây dài, chẳng biết nó từ xứ nào tới để đi về đâu. Tụi nó lội chập chững, con này nương sức của con kia…”(Hình bóng cũ).
Bùn lầy là xứ sở của sấu. Cá sấu U Minh nổi tiếng nhiều và hung dữ “trong rừng có sẵn nhiều ao, nhiều lung, sấu cứ gom vào đó mà lập căn cứ, sanh con đẻ cháu, năm này qua năm khác, nhiều như trái mù u chín rụng!” (Bắt sấu rừng U Minh Hạ). Người sống chung với sấu và bị sấu bắt không phải là điều gì quá xa lạ. Câu chuyện một đám cưới, đoàn ghe rước dâu bị sấu cản mũi, “sấu lặn xuống rồi trồi lên đập đuôi ngay chiếc ghe chở cô dâu chú rể …Ai nấy trở về bình yên, trừ cô dâu. Nàng mất dạng sau khi quơ đôi chân ngược lên trời, lần cuối cùng, đầu và mình đều khuất dưới mặt nước xao động, trong miệng sấu” (Con sấu cuối cùng)
Môi trường ấy tạo cho “cư dân” dạt xuống đây những thích nghi để tồn tại, tạo nên những cái lạ khác: “đến như cọp quen uống nước suối, dạo chơi quanh sườn núi, xuống đây phải làm quen với phong cảnh mới: uống nước bùn, lội bì bõm trên sình lầy, không còn hươu nai thì phải ăn cá thòi lòi, ăn cua, bơi lội vụng về như chó …” (Đất Gia Định – Bến Nghé xưa). Con người “tinh khôn” và có “tổ chức”, tìm cách sống bám vào quy luật của thiên nhiên. Thêm nữa, quy luật thiên nhiên vốn có tính hai mặt. Trong sự dữ dằn kia lại ẩn dấu vô vàn những ưu đãi hiếm có. Những nguồn lợi từ thảm rừng dày đặc và đất sình lầy ngập nước kia cũng thật hữu tình “trên bờ có lúa dưới sông có cá”. Ra khỏi nhà là bắt gặp ngay nguồn lợi tự nhiên chờ sẵn: “…Chim rừng hót vang. Bước chân của hai người giẫm lên mớ lá vàng ẩm ướt. Muỗi, bù mắt…động ổ bay lên. Nắng lên chui vào vòm cây lộ ra những đốm vàng tươi. Cá lóc, cá trê mắc cạn lăn tròn trên bùn non…” (Con heo khịt)
Dĩ nhiên, cá là lộc trời cho cái xứ hội tụ nhiều nguồn phù sa màu mỡ, song, nhiều đến mức như tác giả miêu tả ở đây thì thật ấn tượng: “… Từ tháng Mười đến tháng Giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc đớp mồi, cá trê chép miệng, kế bên nhà.” (Người mù giăng câu). Ở những nơi giáp biển, mỗi năm lại có một lần “cá dại”. Ấy là lúc “nước mặn cuối năm tràn vô rạch. Bao nhiêu cá lóc quen nước ngọt bị say nước mặn, chạy trốn không kịp, nổi lên lờ đờ”, khi ấy, chỉ việc bơi xuồng mà xúc dễ dàng. Hết mùa cá lại xoay qua bắt trăn, bắt rắn, “toàn những thứ của trời, không vốn liếng” (Con cá chết dại)
Nếu ở U Minh Hạ, thì rùa, rắn có thể ăn trừ cơm “ở đây, nhiều bữa tôi ăn rùa trừ cơm, ăn độn với cơm như người ta ăn khoai lang. Ăn thét rồi ngán quá. Rùa nướng, rùa rang, rùa nấu cháo, rùa xào lá cách lá lốt. riết rồi ăn gan, ăn trứng, bỏ thịt” (Cấm bắt rùa). Nhưng ở miệt khác lại sống nhờ chuột, như dân xứ Mốp Giăng này: “Mùa nước nổi, chuột cắn đuôi nhau nổi lên thành một sợi dây dài, chẳng biết nó từ xứ nào tới để đi về đâu. Tụi nó lội chập chững, con này nương sức của con kia… Nước giựt xuống, chuột làm ổ, trời sa mưa, cỏ non mọc nhú lên, tha hồ xây rọ mà bắt. Mình ăn thịt chuột trừ cơm. Thôi thì chuột rô ti, chuột bằm nhỏ xào lá cách, lá lốt, chuột kho tiêu. Ăn không hết, mình bày ra khô chuột, treo lủng lẳng hàng trăm con từ trên kèo nhà. Lại còn mắm chuột nhận đầy lu, mỡ chuột thắng đầy hũ. Đèn thắp bằng mỡ chuột, sáng lắm…” (Hình bóng cũ).
Ngoài giống lúa “ma”, nước lên theo lên, hột rụng xuống qua mùa nước cạn lại nảy mầm, đất sình lầy còn là xứ sở của sen. Ban đầu, có thể có người trồng, nhưng giống sen phàm ăn, hợp thổ nhưỡng mọc lan tràn đầm nọ kế đầm kia, lung nọ kế lung kia, chẳng ai quản. “…Đầy loại sen bạch, sen hồng. Cuối mùa mưa, gương sen cằn cỗi, hột sen khô nổi lình bình đen mặt nước, mình cứ đem thúng ta mà xúc, mỗi người xúc một buổi sáng bằng năm sáu chục lít đem bán cho Huê kiều …” (Hình bóng cũ).
Cái cách người dân sống chung với thiên nhiên, tìm cách mưu sinh từ môi trường tự nhiên tạo nên vô số tập tục lạ bản địa. Như lối sống đơn giản, tạm bợ, nhà chỉ là căn chòi quây bằng lá dừa nước, “ở lấy lệ chứ suốt ngày ra đồng sống bằng nghề hái lá sen, bắt ốc, câu cá, gài bẫy chim…” (Hình bóng cũ). Có những địa danh như rạch Xẻo Lá, “đặt tên như vậy vì nhiều lá dừa nước, lá lợp nhà”. Hoặc lối sống nổi chìm theo con nước, mùa nước nổi thì “len trâu” (nhập đàn đưa trâu đi vùng khác kiếm ăn), “tháng Mười, nước giựt xuống. Đến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non lại trở nên hùng vĩ. Suốt mùa lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường” (Mùa len trâu), hay như cách làm “nò” đánh bắt cá ngoài khơi của cư dân giáp biển : “Ông Dì Xiêm đã ngẫu nhiên phát minh ra nguyên tắc mới. Ngoài biển sóng gió, loại cá to phải lựa một gốc cây nào đó mà nương tự cho ấm cùng. Gặp gốc cây, cá mừng quýnh như kẻ sắp chết đuối bám được cái phao. Nó chẳng bao giờ buông phai để chịu chết đuối, bỏ phao này, nó chuyển qua phao khác rồi lọt vào nò cho ta xúc, đem bán” (Con bà tám).
Môi trường ấy tạo nên, hình thành nên lối sống của cư dân bản địa: đơn giản, hồn nhiên “đánh bắt và hái lượm”, hưởng lợi những gì tự nhiên mang đến và cũng nhẫn nhục cam chịu những trái khoáy, bất thường của tạo hóa. Môi trường ấy đã góp phần tạo nên tính cách, tâm hồn con người, tạo nên lối sống văn hóa vùng miệt vườn sông nước. Nhậy cảm và hồn nhiên, bộc trực cũng là những nét cá tính của con người sống hòa đồng cùng thiên nhiên. Người Nam Bộ có tâm hồn nghệ sỹ “thích gió rừng, yêu sóng biển” và ham hát hò: “Tết trung thu ở miền đồng quê Rạch Giá nào kém phần thú vị. Lung sen, bãi sậy, dừa nước, hớn hở xao động lên chào đón gió biển trăng rừng (…) Bao nhiêu người dân chài lưới đang cau mày soi mặt vào ly rượu “công xi” để tìm hình dáng chị Hằng. Mây đen trôi qua từng chập, lững lờ. Có kẻ hờ hững nhìn trời, thử thu nhặt những sợi tơ trăng ấy, uốn nắn lại trên phím tre cho hợp với lời ca vọng cổ…”(Ngày hội Ba khía). Đờn ca tài tử, một loại hình âm nhạc mà luật hình chủ yếu dựa vào tài ứng biến đầy ngẫu hứng của nghệ sỹ vừa là ca sỹ vừa là nhạc sỹ.
Có thể nói, từ trong tâm thức, Sơn Nam là một tâm hồn sinh thái, một nhân cách sinh thái. Sự gắn bó, tình yêu thiết tha quê hương đã tạo nên những trang văn đậm hồn cốt Nam Bộ dưới ngòi bút Sơn Nam. Thế giới nhân vật  trong tác phẩm của ông dù già hay trẻ, người cùng đinh nghèo khổ đến những điền chủ lớn có gốc gác miệt vườn, đều có nỗi niềm xứ sở. Hình ảnh quê hương với những kỷ niệm vui buồn luôn được họ nâng niu, trở thành máu thịt, đi theo họ suốt năm tháng cuộc đời.
Tác phẩm của Sơn Nam giàu yếu tố sinh thái bởi mục tiêu phản ánh và xúc cảm thẩm mỹ của nhà văn gần như chỉ hướng đến một đối tượng, đó là không gian môi trường thiên nhiên vùng sông nước Nam Bộ. Không gian ấy, vừa là môi trường sống, là giá trị văn hóa, vừa là tình thương yêu của tác giả. Nhà văn đam mê sinh thái thì tác phẩm của họ sẽ là nơi trao gửi niềm đam mê ấy cũng là lẽ tất yếu.
Ý thức về nỗi bất an sinh thái: Đứng trên quan điểm sinh thái, đây được coi là giá trị khác của tác phẩm Sơn Nam: nỗi bất an sinh thái. Nỗi bất an này đến từ lối sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên của người dân nơi đây.
Môi trường sống hoang sơ với điều kiện tự nhiên tuy dữ dội, nhọc nhằn, song lại chứa đựng trong lòng nó nguồn sống vô cùng dồi dào. Con người khi biết nắm bắt quy luật tự nhiên có thể rong chơi suốt tháng nhưng vẫn đủ tiêu xài như anh chàng Hai Tỵ trong truyện Con cá chết dại trên đây. Tuy nhiên, lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên luôn có tính hai mặt tích cực và tiêu cực: mặt tích cực là con người thân thiện, hòa đồng với môi trường. Phần lớn, trong ý thức của người dân bản địa, môi trường là nguồn sống, bảo vệ, gìn giữ môi trường là bảo vệ nguồn sống: “bình thường thì ra biển, biển động thì bắt ba khía, nhưng bắt đủ dùng thôi, bắt nhiều quá mang tội” (Ngày hội Ba khía). Song, nếu con người ngày càng sinh sôi, nguồn lợi môi trường ngày càng giảm đi, thêm nữa, nếu có thành viên thiếu tự giác, có lòng tham lam, ích kỷ thì sớm muộn môi trường sẽ bị khủng hoảng, mất cân bằng vì cạn kiệt. Người nông dân, từ chỗ sống dựa vào tự nhiên lại trở thành kẻ “bóc lột” tự nhiên, bào mòn, hủy hoại chính môi trường đang đem lại nguồn sống của mình.  Trong truyện Câu trúm dưới đây, tác giả không nhằm ca ngợi đầu óc khôn ranh, tinh quái của Năm Lươn (tên đích thực là Trần Văn Lượm nhưng vì bắt lươn quá giỏi nên dân chúng tặng biệt hiệu “Năm Lươn”) mà cảnh báo về cách khai thác hủy hoại môi trường: “Mỗi tuần, anh ta bắt được hai trăm ký lô lươn, mỗi ký lô ba con, tức là sáu trăm con lươn”. Bí mật của anh ta là chế ra thứ mồi câu trúm (câu lươn) đặc biệt, kết hợp giữa thứ cá sặc, cá rô nhỏ xíu với cá mòi hộp có dầu ô liu thơm lừng. Năm Lươn trở thành “phù thủy” nghề câu trúm bởi với thứ mồi câu hấp dẫn kia thì dẫu là những chú lươn đã “thành tinh”, to bằng cổ tay, đến những chú lươn bé tẹo cũng không cưỡng nổi sự hấp dẫn của thứ bả thơm lừng, phải bò ra khỏi tổ để tự “chui vào trúm, làm tù binh”. Thử hỏi, với cách đánh bắt phù thủy ấy, bao lâu thì đồng đất Nam Bộ hết lươn?
Ở chuyện khác, chuyện Cấm bắt rùa, nhân vật Bảy Đặng lại bày ra trò tháu cáy khác để khai thác “của trời sanh”. Vợ chồng anh ta dạt đến đây thì những cánh đồng đã có chủ, chỉ còn những cánh rừng bạt ngàn không thể xác định được đâu là “rừng tràm của nhà nước” và đâu là “đất tư nhân, cần gì ranh”. Tay không tấc đất, Bảy Đặng nghĩ ra trò đốt rừng để kiếm sống, thế là “đôi ba ngày rừng cháy một lần, khói cuồn cuộn đen kịt góc trời, đỏ ké như hoàng hôn đổ xuống và mãi đến canh ba, canh tư ánh lửa mới đổi sang màu vàng vọt khi màn sương buông nhẹ”. Mỗi lần rừng cháy, vợ chồng con cái anh ta lại lao ra bìa rừng để “thu hoạch” chiến lợi phẩm, “rùa vàng, rùa quạ, rùa hôi, rùa nắp, rùa sen đủ loại. Rừng cháy rùa hoảng sợ chạy ra”. Trong căn chòi nhà Bảy Đặng, anh ta đào một cái hố to “chứa chấp bao nhiêu là rùa. Đôi ba trăm con đủ cỡ, đủ loại…”. Nhà anh ta ăn thịt rùa trừ bữa, ăn độn với cơm như người ta ăn khoai lang, “ăn riết rồi ngán”, “chỉ ăn gan, ăn trứng bỏ thịt”. Nếu cứ như thế này, với lối tư duy “của trời sanh” và khai thác vô tội vạ như thế thì chỉ cần ngày mai ngày mốt, rừng U Minh chả còn gì để đốt. Sơn Nam đã mượn lời nhân vật kiểm lâm là thầy đội Bình để nói về nhận thức đơn giản nên gây hậu quả nghiêm trọng của người dân: “Biết đâu Bảy Đặng cố ý đốt rừng để bắt rùa nhậu chơi. Việc phá hoại tài sản nhà nước ấy cần ngừa trị gấp. Tại sao thế gian này lại có những phần tử ích kỷ. Hèn gì…dân Việt Nam chưa mở mặt với thế giới” (Cấm bắt rùa). Người kiểm lâm “biết nghĩ” và tận tụy ấy đã nghĩ cách vừa giúp người nông dân có chút ruộng trồng cấy để không đốt rừng, không bắt rùa vô tội vạ, tạo cho họ sinh kế để họ trở về với bản chất cần cù, thiện lương của mình. Vợ chồng Bảy Đặng cũng như bao người nông dân khác, bản tính thuần lương, họ chỉ muốn yên ổn với cuộc sống cần cù, chịu khó của mình: “Tụi tui hiểu rồi. Không biết chữ nghĩa nhưng hiểu rồi. Cám ơn thầy đội quá chừng. Đốt rừng bao nhiêu đó đủ rồi”.
Cũng như vậy, hóa ra địa danh Cần Đước xưa kia cũng bắt nguồn từ chỗ đó là miệt sình lầy nhiều cây đước mọc và có rất nhiều con “cần đước”, có nơi gọi là “càng đước” (một giống rùa), nhiều đến nỗi trở thành “thương hiệu”, thành địa danh. Thế nhưng kiểu đánh bắt vô tội vạ như của Bảy Đặng trên đây đã xóa sổ giống này ở miệt Cần Đước, Cần Giờ, đến nỗi dân Cần Đước lại phải dạt đến vùng khác tìm sinh kế: “Tôi ở Cần Đước, phía Chợ Lớn xa lắm, nhưng mà con Cần Đước hết rồi. Đó là hồi xưa, hồi đàng cựu. Bây giờ, lội đỏ con mắt cũng không kiếm ra một con Cần Đước nhỏ xíu” (Cấm bắt rùa). Những cảnh tượng hùng vĩ vào mùa len trâu giờ đây, có lẽ cũng đã trở thành quá vãng, hình ảnh “những lằn đen ở chân trời khi nãy là bầy trâu vô số kể đang lặn hụp. Trâu quậy, sóng nước chuyển nghe đùng đùng. Hơi trâu thở khì khì như cây rừng nổi gió. Hàng trăm cặp sừng cong vòng, nhọn lễu nhô lên bộ mặt ngơ ngác ba góc, gống hệt những trái ấu khổng lồ” (Một cuộc biển dâu) chỉ còn trong ký ức của người già hay trong sách vở. Hoặc cảnh tượng chinh phục sấu hoang này, con cháu cũng chỉ còn nghe kể lại để mà rùng mình: “Dưới sông Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát. Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu. Con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy cho bè quái dị kia đi nhẹ nhàng…” (Con sấu cuối cùng)
Rồi đến một ngày, không, ngày đó đã đến, thậm chí đã qua rồi, những lớp trẻ  của đất Gia Định – Bến Nghé xưa chỉ còn cách tưởng tượng về nguồn cội mình qua những câu chuyện có thật mà như cổ tích: “Hồi đó tới mùa hạn, mấy gốc năm sáu con rùa vàng. Mùa khô, đìa cạn nước, cá gom lại nổi đầu khít rịt như trái mù u rụng. Heo rừng nanh dài cả tấc mà không dám cầm mác xông ra cự đương. Cọp trong rừng, có một mình ông đào hầm đặt bẫy…Ờ! Hồi đó cháu biết không, trong rừng có nhiều nhánh nhiều gốc cây ngộ lắm. Giống hình thù con nai con rồng. Ông đốn về bào chuốt lại để chưng dọn nhà cửa. Lắm khi ngồi một mình vui quá, ông hò với rừng với bụi…Hồi đó cây cỏ chim chóc như biết nghe, gật đầu đáp với mình” (Ngày xưa tháng chạp)
Sơn Nam sinh năm 1926, vào thời gian ấy, Nam Bộ còn giữ được nhiều nét nguyên sơ của đất Gia Định “sen tàn hơi ẩm, bần gãy mặt bùn”[1]. Vùng đất ấy, ngoài tràm và đước chiếm thế thượng phong, dưới chân tràm đước là nước và bùn lầy, những sản vật nơi đây cũng theo đó mà sinh sôi nảy nở tạo nên không gian sinh thái đặc thù. Từ không gian sinh thái mà hình thành không gian văn hóa đặc trưng Nam Bộ, văn hóa ấy vừa lấp lánh những giá trị đẹp đẽ của nghị lực sống và tinh thần lạc quan, song, cũng tiềm ẩn nguy cơ sinh thái bị xâm hại. Thẳm sâu trong trái tim và tâm hồn cây bút miệt vườn Nam Bộ Sơn Nam, cảm nhận rõ tính hai mặt của đặc trưng văn hóa “U Minh – sông nước” ấy. Viết để mà tự hào, viết để níu giữ, viết để cảnh báo, viết để gửi gắm cho tương lai…, đó là cách Sơn Nam dùng tác phẩm lưu lại cho muôn đời sau nỗi niềm “cố thổ”:
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
(Thay lời tựa cho tập “Hương rừng Cà Mau”)
Sơn Nam đã tái hiện sắc thái bản địa của vùng đất phương Nam một thuở với những nét đặc trưng: một thiên nhiên dữ dội mà phóng túng, hào sảng; Môi trường thiên nhiên ấy là đất sống của những con người gan góc mà mộc mạc trong lối sống, giàu tình cảm nghĩa nhân. Song, tác giả cũng nhìn nhận những đặc điểm ấy ở tính “hai mặt” của quy luật biện chứng để cảnh báo về một tương lai của một miền rạch vườn bị đô thị hóa.
Mượn lời một nhân vật trong tác phẩm để nói về chính tác giả của nó: “Lịch sử cùng Mỹ Lâm là lịch sử của tôi! Tôi hiểu từng cọng cỏ…” (Hình bóng cũ), không gian Nam Bộ với Sơn Nam cũng vậy, đằm sâu, kỹ càng.
Đọc Sơn Nam, gấp sách lại nhưng hình ảnh những người đàn ông đánh đáo lạc, ăn thua bằng cách cõng nhau. Những chiếc ghe biển nằm nghiêng trên bãi bùn… cứ hoang hoải hiện ra qua âm hưởng của tiếng đờn ca tài tử.
Chú thích:
[1] Dẫn theo Vũ Hạnh, lời Mở đầu sách “Sơn Nam, Đất Gia Định – Bến Nghé xưa và người Sài Gòn”, Nxb Trẻ.
22/8/2023
Hỏa Diệu Thúy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...