Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Cảm thức mùa thu trong thơ Namkau của Trần Quang Quý

Cảm thức mùa thu trong thơ
Namkau của Trần Quang Quý

Tôi quen biết nhà thơ Trần Quang Quý từ những ngày cùng công tác ở Bộ Y tế nhiều năm trước đây. Nhà thơ Trần Quang Quý từng giữ chức Tổng biên tập Báo Gia đình – Xã hội ở Bộ Y tế nhiều năm. Đó là  một tờ báo lớn của ngành y tế mà sau này, năm 2009 khi anh chuyển công tác sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã tiếp tục kế nhiệm.
Nghành y tế có nhiều nhà thơ tài năng và khá tên tuổi trên văn đàn. Nhà thơ Trần Quang Quý là một người thơ như thế. Ông yêu thích sáng tạo, cách tân thơ và luôn đổi mới. Ông là một nhà thơ tài năng, tên tuổi và đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, cao quý nhất là Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2019.
Nhà thơ Trần Quang Quý (1955 – 2022)
Tôi còn nhớ, vào những năm 2012-2018, tôi từng lang thang theo chân mấy nhà thơ đàn anh như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý để lắng nghe họ nói chuyện, đọc thơ và mong sao cố gắng học hỏi thêm chút ít từ các đàn anh. Tên tuổi của các ông nhà thơ này khi ấy đang nổi như cồn. Tập thơ “Khúc ru nơi lưng núi “ của tôi khi ấy đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép và in ấn năm 2013, do nhà thơ Trần Quang Quý trực tiếp biên tập và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận vẽ tặng bìa sách. Thời gian ấy, nhà thơ Trần Quang Quý đang làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông đã nhận làm MC trong buổi giới thiệu ra sách của tôi tại trụ sở 65 Nguyễn Du. Một kỷ niệm thật đẹp đẽ, khó quên. Bây giờ, cả hai ông anh quý mến đều đã về cõi cao xanh !
Những năm 2015-2016, tôi bắt đầu được đọc và biết đến những bài thơ Namkau đầu tiên khi ông viết. Khi ấy, tôi cũng vừa ra mắt tập thơ “Cộng ta vào thế giới” và đã được ông và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng đứng ra chủ trì buổi giới thiệu sách tại một không gian cà phê rất đẹp và thơ mộng của Hà Nội. Nhà thơ Trần Quang Quý ngay sau đó đã đọc chùm thơ Namkau của mình cho nhóm bạn thơ thân thiết hôm ấy cùng nghe ngay trong bữa tiệc gặp mặt ra sách của tôi. Lúc đó, tôi cũng chưa có cảm nhận gì nhiều về thơ Namkau. Phải tới mấy năm sau, cho tới năm2018- 2019 tôi bắt đầu đọc thơ Namkau của ông nhiều hơn và cũng bắt đầu viết thử những bài Namkau đầu tiên khi tự thấy yêu thích kiểu thơ mới lạ này.
Nhà thơ Trần Quang Quý là người say mê thơ và luôn đề cao việc đổi mới, cách tân thơ. Ông vốn yêu thích thơ tự do. Ông viết Namkau như một sự thể nghiệm từ những câu thơ  tự do, ấn định kiểu viết với  khổ trên là ba câu, khổ dưới là hai câu. Cũng có thơ Namkau ông viết theo thể lục bát nhưng không nhiều. Vẫn là lối viết có nhiều suy ngẫm, tìm tòi, giàu tính ẩn dụ và liên tưởng. Bởi vậy, thơ của ông cũng kén người thưởng thức và không hề dễ đọc. Những câu thơ ngắn dài dù khác nhau thế nào vẫn rất đặc trưng một kiểu tư duy Trần Quang Quý. Đặc biệt, câu kết trong bài thơ Namkau của ông luôn gây ám ảnh, bất ngờ cho bạn đọc. Viết thơ Namkau như thế nào cho thật hay và mới lạ, cho đến nay vẫn luôn là một thách thức với người yêu thơ Namkau.
Ông đã được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khuyến khích và cổ vũ nhiệt liệt khi ra tập Namkau đầu tiên. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết bài giới thiệu và đặt tên thuật ngữ cho thể thức thơ mới mẻ này của Trần Quang Quý là Thơ Namkau, viết theo kiểu tiếng Anh. Chỉ trong thời gian trước đó chưa đầy một năm, ông đã viết đến cả trăm bài thơ Namkau. Thật đáng khâm phục sức viết và tinh thần sáng tạo không ngừng của một nhà thơ tài hoa gốc quê Phú Thọ.
Hà Nội bây giờ đang vào thu, mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu với bao đổi thay kỳ điệu của đất trời, luôn gợi lên bao cảm xúc, nỗi u buồn, bao sự lãng đãng hay ngẫm ngợi, vui tươi hay sâu sắc…Mùa thu luôn mang đến nhiều cảm xúc và sự tươi mới trong tâm hồn các thi sĩ. Cảm thức về mùa thu trong thơ Namkau của cố nhà thơ Trần Quang Quý càng trở nên đẹp và lạ. Lối viết giàu hình ảnh, nhiều ngẫm ngợi, ẩn dụ, gợi nhiều suy tưởng cho người đọc. Thơ ông luôn kén người đọc có lẽ là vậy chăng?
“Mùa thu giặt những đám mây trắng
phơi lang thang bầu trời
vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh
 
Trong rón rén bình minh chợt nhú
ban mai vừa cởi cúc mùa thu!”
 
(Cảm thức)
 
Hay khác lạ như hình ảnh hoa nở trong bài Namkau dưới đây và gợi nhớ những kỷ niệm trong vườn ấy, khu vườn ấy còn buộc anh suốt cả một đời hương:
 
“Hoa nở
ngỡ môi em còn thơm đầy vườn
hoàng hôn khép ráng chiều xa ấy
 
Gió gọi em mùa đi biền biệt
vườn buộc anh cả một đời hương”
 
(Buộc).
 
Thơ Namkau của Trần Quang Quý khiến tôi và nhiều thi sĩ, bạn bè đọc rất thú vị. Mỗi bài đều mang theo nỗi niềm riêng, có một chút suy tưởng, cùng man mác triết lý đời sống hay những suy ngẫm về nhân sinh. Người đọc là ai, chắc phải chịu khó ngẫm ngợi một chút mới cảm hết được cái lạ và cái hay. Phải chăng, thơ Trần Quang Quý nói chung và thơ Namkau nói riêng của ông vẫn luôn thách thức người đọc?
Đặc biệt, tôi thích những câu thơ tình của ông. Đó là những câu thơ rất đẹp, mang theo chút triết lý tình yêu và đời sống. Thơ là tiếng nói tâm hồn ông. Một người có nhiều khát vọng, suốt đời say mê, trăn trở và đắm đuối cùng thơ. Say mê, trăn trở và đắm đuối đến như thế, cho đến tận những năm cuối, tháng cuối của cuộc đời. Nhà thơ Trần Quang Quý từng có tâm nguyện để lại cho đời sau những câu thơ của ông và mong sao sẽ có nhiều người cùng yêu thích thể thơ này. Thơ Namkau sẽ tiếp tục phát triển và lớn mạnh. CLB THƠ NAMKAU vì thế đã ra đời và quy tụ được khá nhiều gương mặt thơ trên văn đàn. Năm 2020 CLB đã ra mắt tập thơ Namkau đầu tiên với tên gọi” Khúc dạo một con đường” và cuối tháng 8 năm 2023 đang chuẩn bị ra mắt tập tiếp theo.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo – tác giả bài viết
Nhớ về nhà thơ Trần Quang Quý, tôi vào mạng và đọc thêm trang fb của ông. Cố nhà thơ Trần Quang Quý đã đi xa về miền cao xanh gần tròn một năm. Cũng vào mùa thu này năm trước, tháng 9.2022, bạn bè đã đưa tiễn ông về miền mây trắng. Ông đã thảnh thơi ở miền quê của mình. Đây là bài thơ Namkau còn lại khi ông viết về mùa thu và vẻ đẹp Tây Hồ:
“Đã thấy Cổ Ngư se heo may
Hàng cơm nguội vàng hổn hển thay áo gió
Những lá bàng chào biệt mùa hè rụng đỏ
 
Vỗ xanh mắt tôi Hồ Tây biếc sóng
Sen đã hạ màn ngày ban mai trơ cuống
 
(Vào thu- 15/9/2021)
 
Những lá vàng bay xao động con đường
Thu Hà Nội như mắt người thiếu nữ
Ngước vào trời vẻ đẹp kiêu sa
 
Chỉ ai đó cỗi già gốc rễ
Mùa ngoảnh mặt đi phẳng bẹt không mùa
 
(Đường thu 15/9/2021)
 
Một chút da diết, một chút tiếc nuối và tôi nhận ra có ít nhiều nỗi tiếc nuối, chua xót trong những câu thơ của ông:
“Tinh mơ qua vòm xanh trước sân vườn
Bỗng ríu ran bầy sẻ, chào mào tấu khúc ca hừng đông
Trên sân khấu vòm cây an lành xòe cánh
 
Thật bất ngờ hồn nhiên bầy sẻ
Thức tỉnh niềm tôi trước cả mặt trời”
 
(Vòm- 14/12/2021)
 
Cảm phục ý chí và sức làm việc của nhà thơ Trần Quang Quý. Niềm mong ước và tâm nguyện của ông về thể thơ Namkau
đang trở thành hiện thực. Đã có nhiều người yêu thể thơ này và đang miệt mài sáng tác thơ Namkau. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải ai yêu thích thơ Namkau cũng có thể làm được những bài thơ Namkau cho thật hay. Bởi việc chấp nhận cái mới ra đời luôn gặp nhiều thách thức. Nhà thơ hay thi sĩ, hay bạn chỉ là người yêu thơ, ai cũng muốn viết cho thật hay nhưng không phải cứ cố mà được. Tài năng trời cho thì không phải ai cũng có. Thơ hay còn phụ thuộc vào khả năng bật sáng, trí tưởng tượng và tri thức sáng tạo riêng có của mỗi người. Thật khó lắm thay! Đối với người thưởng thức, lại càng khó nắm bắt hơn.
Khi đã có nhiều trường phái thơ xuất hiện trên văn đàn thì người thưởng thức sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Thế giới phẳng cho người ta rất nhiều cơ hội để đọc. Bạn có thể thích đọc cái này và không thích đọc cái kia… điều ấy cũng là rất bình thường. Cho dù thế, thơ Namkau vẫn được nhiều người yêu thích và sáng tạo. Đôi khi, người ta vẫn viết còn vì mong được gặp gỡ, giao lưu với bạn thơ, vì cả những ân tình sâu nặng và nhiều ẩn ức của người thơ. Và nhắc đến thơ Namkau là người ta nhớ ngay đến nhà thơ Trần Quang Quý.
8/9/2023
Phạm Thị Phương Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...