Năm rồi trong cơ quan nhiều người xây nhà riêng và đều dốc lực
hoàn thành để kịp nhập trạch trước Tết Nguyên đán. Chuyển vào nhà mới tầng cao
phòng rộng lại có tường bao cách biệt với đời y như thể chuyển sang một thời đại
khác. Thế nhưng, như tôi, tuổi đã chừng này còn thời nào nữa ngoài thời đã qua.
Mà run rủi làm sao nhà mới lại về cùng phố với ngôi nhà thơ ấu. Xưa nhà số bốn,
giờ trăm lẻ hai, hai đầu phố. Tết đầu tiên nhà mới thời tiết lại cũng hệt tiết
trời cái Tết cuối cùng ngôi nhà xưa. Cũng là một tháng chạp chỉ hăm chín ngày,
và cũng gần suốt cả tháng nắng nôi tựa như mùa hạ, đào Nhật Tân nở tung hết cả,
rồi cũng gió bấc lùa về đến trước ngày cúng ông Táo. Trời rét đậm, một đợt giá
rét dài đến thấu Rằm. Theo trí nhớ nhiều người thì hình như trong vài chục năm
qua chẳng có một đầu xuân năm mới nào rét ngang Giáp Thìn Tết ấy, cho tới Mậu Dần
này. Có lẽ vì xích gần quá khứ nên nhà thì mới mà người như cũ hẳn. Mất ngủ, uống
nhiều. Giờ giấc rời rạc. Tâm trí thường lảng đi những đâu đâu. Ban ngày đã ít
có mặt ở nhà, canh khuya còn đẩy cửa ra phố.
Phố dài, nhiều cây, nhưng ngày trước từ cuối phố vẫn có thể nghe thấy tiếng
leng keng và thấy được thoáng bóng tầu điện chạy ngang qua ngã tư đầu phố. Bây
giờ, đứng trên tum nhà ba tầng mà chịu không thể nhìn với qua được tường nhà
bên cạnh. Ngày trước, đoạn cuối phố này chẳng nhà cửa gì, đất rộng phó mặc cho
cỏ dại và ma trơi. Nay đất chẳng còn, chỉ những nhà lầu là nhà lầu, bề bề
bê-tông, tôn, thép, nhôm, kính. Cũng là tất nhiên thôi, đã ba mươi tư năm rồi
còn gì, ngày ấy với bây giờ. Mà nói gì tới chừng bấy thời gian. Mới đây, để dựng
một phim nhiều tập về Hà Nội buổi đầu Đổi Mới, nhà đạo diễn, một nghệ sĩ ưu tú,
đã phải kéo bầu đoàn sang thị xã Bắc Ninh mượn cảnh, nhưng mà rồi Hà Nội trong
phim tuy đã được hóa trang khéo vẫn chẳng na ná nổi Hà Nội, dù là Hà Nội của những
năm chỉ vừa mới đó. Huống hồ Hà Nội Tết Giáp Thìn. Cái mùa xuân năm nao xa lắc
xa lơ thời trước chiến tranh ấy đã ra ngoài mọi trí nhớ, và không một giấc
chiêm bao nào còn có thể với tay về.
Nhưng mà dù vậy, Hà Nội mùa xuân đó vẫn đâu đây trong trời đất và vẫn thường nhập
hồn về với mùa xuân của thành phố hôm nay vào đúng những nửa đêm, lúc không ngờ.
Người bộ hành đang dạo bước dọc canh khuya, lẳng lặng rẽ khỏi đời thực, âm thầm
đi lẫn vào sự vật của những ngày xưa kia. Chỉ là từ bên này đường sang bên kia
đường thôi mà đã đi lùi về tận những năm nảo năm nào. ° ° ° Năm ấy, bao nhiêu sương giá và rét mướt mùa đông như thu cả
vào hạ tuần tháng chạp ta. Năm cùng tháng tận trời rét căm căm. ở các phố xa
trung tâm mới chừng sau tám giờ tối đã chẳng còn mấy ai ra khỏi nhà. Dưới ánh
đèn đường chỉ những gió lùa và lá rụng. Loáng thoáng những chiếc xe đạp ruổi thật
mau. Lác đác những người đi bộ đang rảo bước. Xe điện các chuyến khuya hầu như
chạy suông, toa trên toa dưới hành khách chẳng tày một nhúm.
Nhưng giữa lạnh lẽo của đêm đông vắng lặng đã lặng nghe xôn xao mùa xuân đang về
trong thành phố. Cành đào trên tay một người qua đường. Chậu quất chở sau một
chiếc xe đạp. Lộc nõn nhú trên tán bàng trụi lá. ở ngoài đêm, phố xá thưa thớt
bóng người mà bên trong những ngôi nhà dọc phố suốt đêm rậm rịch tiếng chân bước,
tiếng người nói, trên gác dưới tầng gia đình nào cũng đang rộn rịp bếp núc và
chộn rộn kê dọn lại phòng, soạn sửa câu đối, lọ hoa, chăm chút bàn thờ. Tháng
chạp thiếu đi một ngày, Tết đến kíp hơn, rộn ràng, và cập rập. Mới khuya ngày
28 thôi mà đêm mai đã giao thừa rồi.
Họa sĩ Năm Tín, người Cà Mau, từ cuộc họp đồng hương ở câu lạc bộ Thống Nhất
đáp chuyến xe điện cuối cùng trở về nhà. Ông xuống ở ngã tư đầu phố. Đèn đường
vẫn những ngọn vàng ung và mờ lụi như mọi đêm, nhưng đêm nay nhà nhà không ngủ,
ánh sáng các ô cửa sổ soi rộng xuống vỉa hè và chiếu tỏa ra lòng đường. Tại chỗ
máy nước công cộng trước cổng nhà số ba vẫn còn một nhóm các bà các cô tất bật
vo gạo, rửa lá. Vòi nước xối xả, xô chậu xủng xoảng.
ở vỉa hè bên kia, giữa khoảng sân đất rộng trước mặt tiền hai tầng nhà số bốn,
nồi bánh chưng, nguyên cả một cái thùng phuy, đang sôi sình sịch, ngun ngút bốc
hơi trên bếp lửa chụm bằng những cây củi to gộc. Lửa không cao ngọn nhưng than
trong bếp đỏ rừng rực, trải một vòng sáng rộng dập dờn mầu hồng thẫm lên mặt
sân. Hơi nóng và khói khiến lũ trẻ thức canh nồi bánh phải dịch manh chiếu ra
bên rìa quầng sáng, chụm đầu lại đánh tú lơ khơ. Chỉ vài đứa vẫn ngồi cạnh bếp
lửa. Chúng vẽ thành những bóng đen chập chờn trên tường nhà. Một cây củi được
đun sâu vào thêm, lửa trong bếp phừng phừng bốc cao, gương mặt của những mái đầu
tóc xoăn và tóc húi cua được ánh lửa soi rạng lên.
Ngà ngà hơi men, tay xách một cái cặp da căng phồng, ông Năm chuệnh choạng sang
đường, bước vào sân nhà số bốn. Nhác thấy bóng ông, hai chú cẩu đang nằm gác
mõm lên đùi một gã trai lực lưỡng ngồi khoanh chân canh bếp lửa, bật chồm dậy sủa
vang.
- Câm miệng, Giôn! Ken! - Gã trai quát - Không nhận ra chú Năm à!
- Bữa nay hai ngày tổng cẩu nhà mầy sao mà hiếu chiến quá vậy tụi bây?
Họa sĩ ngồi xuống bên gã trai và đưa hai bàn tay gầy guộc lạnh cóng hơ sát vào
bếp lửa.
Tiếng bọn trẻ con lanh lảnh nhao nhao lên chào chú Năm. Chúng bỏ bộ bài đấy,
xúm cả lại ngồi túm bên ông. Mở chiếc cặp da, ông Năm lấy ra trước tiên một
chai Lúa Mới.
- Thứ dữ nầy của qua. - Ông nói. - Còn tụi bây...
Ông đưa ra một phong pháo mậu dịch giấy gói mầu hồng vẽ hình cô tiên cưỡi mây,
rồi một bọc to đùng giấy trang kim có hình ông già Nô-en đội mũ chóp đỏ.
- Năm nay Tết cần kiệm, hội đồng hương xứ Mũi quê qua chẳng được bộn quà như mấy
năm, - Ông Năm nói, như phân trần với lũ trẻ. - Nhưng mà có thứ nầy quý lắm đó
nghe. Kẹo Liên Xô, ngon nhứt đó, sắp nhỏ.
- Chú chiều chúng nó quá đi mất, chú Năm ơi! - Gã trai kêu lên. - Năm nào cũng
vậy. Rồi chú lấy gì ăn Tết cơ chứ? - Và gã đập đùi quát - Này, bọn chúng mày
không có được thế đâu nhá!
- Thôi mầy, Trung! - Ông Năm vỗ vai gã. - Bữa nay sao cả mầy cũng hiếu chiến
quá vậy. Coi kia, kịch chiến với võ sĩ nào mà mặt mày bầm dập vậy con?
- Với Pét "xồm" chú ạ! - Một thằng nhóc mách.
- Tại vì chị Giang đấy! - Một đứa khác.
- Im đi, thằng lỏi! - Gã trai nạt, mắt trợn lên. Nhưng chỉ trợn được con mắt
trái. Mắt phải của gã tím quầng sưng húp. Gò má sây sát. Môi vều lên.
- Vậy chớ nhỏ Giang đâu? - Ông Năm hỏi, đưa mắt nhìn quanh.
- Hình như đang ngồi khóc trên kia hay sao ấy chú ạ! - Một lỏi con tóc húi cua
nói to, trỏ lên ban công tầng hai.
- Sao vậy?
Chị ấy dỗi anh Trung!
- Thiệt tình! Thằng Bình, mầy lên biểu chị mầy xuống qua biểu. Vui năm mới mà mất
đoàn kết vậy, coi sao đặng, mấy đứa.
Mặc dù bản tính hơi gàn gàn, đời sống độc thân bê trễ, lại cực độ âm thầm, chỉ
có thể nói năng khi đã ngà ngà, và nhà thì ở mãi chung cư gần cuối phố, tít
trên tầng thượng, song họa sĩ Năm Tín lại như là bạn vong niên của sắp nhỏ ngôi
nhà số bốn nơi đầu phố này. Mấy năm trước, một sớm tinh mơ mùa đông sương mù rất
lạnh, bọn trẻ nhà này vấp phải ông Năm, người nồng mùi rượu, nằm lịm cóng từ
bao giờ trước sân. Chúng hè nhau khiêng ông vào nhà, đổ nước gừng cho ông, đánh
gió, xoa dầu, ủ ấm cho ông. Khi xe cấp cứu tới thì ông đã hồi. Từ bấy thành chỗ
thân tình, bọn trẻ thường kéo nhau tới thăm họa sĩ. Chúng giúp ông nhiều việc,
gánh nước từ máy công cộng lên tầng cho ông, dọn dẹp căn phòng cực kỳ luộm thuộm
của ông và mua hộ ông các thứ tiêu chuẩn tem phiếu. Họa sĩ cũng hết sức cưng
chiều lũ nhóc, bầy trẻ thơ của cái phố nghèo mà mười năm qua, kể từ sau ngày tập
kết, đối với ông đã ngày một thêm nặng tình. Ông để chúng tha hồ lục tranh của
ông, những bức bột mầu, những bức thuốc nước và những ký họa. Rất kiệm lời, hầu
như chẳng bao giờ kể chuyện quê nhà, nhưng lần lượt qua từng bức họa, ông cho bọn
trẻ Hà Nội thấy được phong cảnh của cõi xa vời vợi đợi ông miền đất Mũi, thấy
được chân dung những bà má, những chị phụ nữ và trẻ em của Nam Bộ kháng chiến,
và thấy được gương mặt các chiến sĩ cùng trung đội với ông hồi Chín Năm ở tiểu
đoàn Ba Lẻ Bảy.
Và Tết năm nào cũng như thế này, giữa canh khuya, sau cuộc họp đồng hương cuối
năm, ông Nam không về nhà mà rẽ vào chỗ đám trẻ nhà số bốn đang quây quần canh
nồi bánh chưng. Ông chia quà cho lũ nhỏ và nếu không quá say thì ông sẽ thức
cùng với những đứa lớn tới tận khi đã có thể vớt bánh ra khỏi nồi.
Năm nào, năm hộ nhà số bốn cũng cùng nhau lo liệu cái Tết. Nếp chung tốt lành
này có từ thời còn mồ ma ông Tá tài xế. Đông con, kinh tế chật vật nhất nhà số
bốn vậy mà hàng năm chính ông Tá là người đã giúp cho cả ngôi nhà này ăn Tết
tươm nhất phố. Là tài xế của đoàn vận tải Bộ Lâm nghiệp, chuyên trị chạy tuyến
Tây Bắc, ông Tá quanh năm vắng nhà, nhưng cứ đến giáp Tết dân phố lại thấy chiếc
mô-nô-tô-va của ông, bê bết bùn đất đường trường rù rù lăn bánh vào sân trước
nhà số bốn, inh ỏi bấm còi. Bọn nhóc trong nhà đang mỏi mắt trông chờ hoan hỉ
ùa ra, náo nức dỡ củi, dỡ lồng gà, dỡ những bao tải chất nặng hàng tươi, hàng
khô từ thùng xe xuống. Chẳng phải vất vả lo toan gì mấy mà vợ con ông và các hộ
láng giềng cũng có đủ mọi thứ cho ba ngày Tết. Nhiều năm như vậy cho đến mùa lũ
năm 61, xe ông Tá gặp nạn trên đèo Pha Đin.
Tết năm ấy,cả nhà số bốn góp sức đỡ đần vợ con ông Tá và cũng là hợp lại đỡ cho
nhau. Từ đó thành nếp, Tết nhất lo chung năm gia đình. Ba gia đình dưới nhà,
hai gia đình trên gác, hoàn cảnh nhà nào cũng gieo neo. Như vợ con ông Tá, hay
gia đình bà Thái ở phòng mặt tiền tầng một, trước cũng khá, sau vì ông Thái trở
chứng, ruồng rẫy vợ con, đang đêm vơ sạch món tiền hai vợ chồng đã nhiều năm
dành dụm, theo chân một chị hàng xén lặn tút vào tận trong Vinh, nên cảnh nhà
sa sút hẳn. Anh con trai đầu đang học trung cấp hàng hải mà phải bỏ. Còn ông
Cư, cũng phòng ở tầng một, vốn chân thủ quỹ, sở điện, lương tùng tiệm đủ nuôi vợ
con thế mà tẩm ngẩm tầm ngầm phạm tội thụt két, liền mấy niên rồi đón xuân
trong tù. Còn như hai chị em Giang và Bình sống với ông nội ở căn phòng bên
trên nhà bà Thái thì lại phải nông nỗi mồ côi bố mẹ từ nhỏ, buồn vui mỗi ngày
chứ chẳng riêng ngày Tết tùy thuộc tình trạng sức khỏe của ông cụ, tuổi đã thất
thập, già cả đau yếu. Ngay như gia đình giáo sư Xứng mà Tết nhất cũng lấn bấn.
Ông lương cao, tiêu chuẩn chuyên viên, gia đình ít người mà được phân hai phòng
rộng thênh trên tầng hai, mức sống trội hơn các gia đình khác, nhưng bà tạng
người yếu lại bận con mọn. Thằng con đầu của ông bà đã học lớp bảy mà đứa kế
sau vẫn đang ẵm ngửa, chị người làm thì cứ còn cách Tết cả tháng là đã khăn gói
về quê.
Người lớn không cáng được nên đám trẻ phải gánh. Có điều là phần đông đám trẻ
trong nhà là bọn con giai, lại hầu hết đang nhãi ranh, từ lau nhau đến choai
choai mười ba mười bốn, thực sự bậc anh, bậc chị chỉ có chị Giang trên gác và
anh Trung, con trai bà Thái, dưới nhà. Tết nhất của năm gia đình cậy cả vào hai
người, mà dĩ nhiên là chủ yếu trông ở Giang. Từ cuối tháng Mười Một âm lịch
Giang đã phải bắt tay vào công cuộc mua sắm đầy gian nan. Chỉ thỉnh thoảng mới
có được vài đứa tuổi đã nhỡ nhỡ sau giờ tan trường chịu khó phụ giúp thêm.
Giang đang xoay xở khắp các chợ gần chợ xa, chầu chực xếp hàng từ tinh mơ đến tối
mịt ở suốt lượt các quầy hợp tác, quầy mậu dịch. Nhưng dù cố hết sức thì cũng
phải tuần giáp Tết mới mua đủ các tiêu chuẩn đồ khô như gạo nếp, gạo dự, bột
mì, đậu xanh, măng, miến, bóng, chè, thuốc, mứt kẹo cả năm gia đình, rồi sau đó
dồn toàn lực bình sinh mà xếp hàng nước mắm, xếp hàng giò chả và nhất là hàng
thịt, hàng lá dong để chuẩn bị cho cái phần tối quan trọng của Tết là nồi bánh
chưng. Chiều ngày 27 phải chạy xong mọi thứ. Lại là Giang quán xuyến việc ngâm
nếp, đãi đậu, rửa lá, ướp thịt. Đến chiều 28, bởi trong nhà chẳng bà nào biết
gói mà làm cũng được nên vẫn một tay Giang lo đủ ba chục cặp bánh. Trung thì phụ
trách củi lửa. Mượn cái thùng phuy đựng mùn cưa của nha bà Cư để làm nồi. Còn củi,
Trung ra tận bãi gỗ Phà Đen, chọn mua những súc lớn gần nguyên cây, rồi dùng xe
ba gác đẩy về. Một đống củi tướng, một mình Trung huỳnh huỵch bổ suốt buổi chiều.
Mọi việc diễn ra ngoài sân. Bên này sân, trời lạnh thế mà Trung trùng trục cởi
trần, mồ hôi nhễ nhại vung chiếc rìu tổ bố chỉ một nhát bổ làm đôi những súc củi
to như cột nhà. Bên kia sân, chỗ gần vòi nước chung của cả nhà số bốn. Giang kê
một cái chõng tre, trên giải ni lông, cặm cụi ngồi gói bánh. Bọn nhãi trong nhà
xăng xái tranh nhau những việc mà anh Trung, chị Giang sai. Vừa làm vừa sung sướng
nô nghịch. Với chúng thì sang hẳn năm mới, ba ngày Tết được ăn ngon, được vui
chơi, được diện áo đẹp chẳng thể vui bằng khi còn đang náo nức đợi chờ Tết đến,
nhất là niềm vui buổi chiều nay. Lũ trẻ vây quanh chiếc chõng xem chị Giang gói
bánh. Chồng bánh chưng cao dần. Lá bánh xanh mướt, lại bánh trắng ngà. Giang xắn
tay áo leo lên quá khuỷu, cánh tay, bàn tay trắng muốt lấm tấm hạt nếp và vụn đậu
xanh. Giang gói không mau nhưng tuyệt khéo. Bánh như được gói bằng khuôn gỗ,
song đẹp hơn nhiều, và không lỏng cũng không quá chặt. Lũ trẻ háo hức đến từng
chiếc, từng chiếc đã gói xong. Khi nào gói đủ ba chục cặp bánh to, chị Giang sẽ
vun số gạo nếp, đậu và thịt mỡ còn lại gói cho mỗi nhóc một chiếc bánh chưng nhỏ
thật xinh mà chị gọi là "trái đất bé con".
Sập chiều, công việc đang thật là nhộn nhịp, suôn sẻ, và đã sắp hoàn tất, anh
Trung đã chẻ gần hết đống củi, chị Giang đang thắt lại chiếc "trái đất bé
con" cuối cùng, thì anh Vinh, ở bên nhà số bảy, ngang nhiên bước vào sân,
dõng dạc một lời chào. Anh Vinh mang một biệt danh rất dài là "Péc-sô-rin
- người anh hùng thời đại", gọi tắt là Pét, hay Pét "xồm", bởi
đang trẻ măng thế mà đã rì rịt râu quai nón còn hai bắp tay thì lông lá như
tây.
Cả sân chỉ mình Giang tươi tỉnh ngước lên, vui vẻ chào lại Pét. Trung lầm lỳ làm
thinh, nghiến răng quai rìu, vụn gỗ văng như mảnh đạn. Bọn nhãi, coi nét mặt
ông anh cũng nhất loạt một vẻ sẵn sàng gây hấn. Chúng trừng trợn nhìn Pét. Từ
trên thềm, Giôn và Ken, lao phốc xuống, và mặc cho Giang la mắng, chúng cất tiếng
sủa dữ tợn, hung hăng xồ tới đón ông khách đã dám táo gan vào đây trêu ngươi.
Nhưng chỉ một cái giậm chân, Pét đã khiến hai con chó cúp đuôi chạy dạt. Lũ trẻ
cũng né ra. Pét khoan thai đi tới bên Giang. Anh diện một áo da Tiệp, da thật hẳn
hoi, quần nhung kẻ, giầy mõm ngoé, tóc hớt đẹp, chải rất mượt. Pét đẹp giai nhất
phố. Vai rộng, đô con lại cao người, một dáng vóc rất chuẩn, lại mũi thanh, miệng
rộng, lại râu quai nón. Mặc dù song thân vốn là chủ một tiệm kim hoàn, và của
ngầm chắc hẳn còn vô khối, nhưng Pét chẳng cậy của. Hiện anh đang học việc ở rạp
xiếc của ông Tạ Duy Hiển.
- Giang khéo tay thế, gói đẹp quá! Thế này thì cả đến Galilê cũng phải tin là đất
vuông trời tròn! - Nhấc một cặp bánh lên, anh ngắm nghía, tấm tắc. - Bên nhà
anh dùng khuôn, cứ như thỏi gang. Tết sau giá mà đã được Giang sang gói cho nhỉ?
Tính tình cởi mở, nói năng dễ mến, Pét được cả phố ưa, trừ bọn trai nhà này.
Tuy nhiên anh vào thăm Giang chiều nay hoàn toàn không phải cố tình gây một sự
đường đột để khiêu khích trêu ngươi Trung mà thực tình là anh được phép. Ai
cũng biết mới đây bố mẹ Pét đã sang nói chuyện với ông nội của Giang. Chưa phải
một sự ướm hỏi mà chỉ để bước đầu có sự qua lại giữa hai bên gia đình nhằm cho
phép hai trẻ được tìm hiểu nhau. ý ông cụ thế nào không rõ, nhưng Giang thì chắc
chắn là phải đầy thiện cảm với Pét. Hoàn cảnh ba ông cháu Giang khó khăn thế mà
gia đình Pét khá giả thế. Bản thân Pét lại là một chàng trai hạng ưu như thế, tốt
tính đẹp mã như thế.
Pét đã thảo kỹ một chương trình vui xuân cùng Giang. Nhiều mục rất tuyệt. Bắt đầu
ngay từ tối 28. Đoàn ca múa Tân Cương công diễn buổi đầu. Không bán vé, chỉ giấy
mời, nhưng Pét vẫn xoay được. Anh rút từ ngực áo ra hai tờ bìa gấp khổ to, in mầu
rất đẹp đưa cho Giang.
- Lô hạng nhất đấy! - Anh nói - Đúng mười chín giờ mở màn. Em làm thoáng lên
cho xong để còn thì giờ mà chuẩn bị. Cũng cần phục sức một chút em ạ. Nhà hát
Tây mà. Sáu giờ mười anh sang đón.
Vẫn cây rìu trên tay, mặt quàu quạu, Trung lừ lừ bước tới, không thèm nhìn Pét,
lớn giọng nạt Giang:
- Hát tây hát tàu cái gì! Có nhúm gạo đùm mãi không xong, bao giờ mới được bánh
vào nồi?
- Thì xong cả rồi, chẵn sáu chục chiếc rồi đây, - Giang nói. - Chỉ cần xếp vào
nồi nữa thôi. Với lại lo gì, cũng còn sớm mà, Trung.
- Hừ, sớm! Việc còn bề bề ra, đấu hót mãi thì tới khuya! Hay là cứ tán láo tới
sáng mai đi!
- Có làm lụng thì phải có nghỉ ngơi chứ, tết nhất cơ mà, - Pét nói xen vào. -
Gì mà ra oai ghê thế?
Chẳng nói chẳng rằng, Trung chém mạnh, lưỡi rìu cắm phập xuống sát sạt mũi giầy
Pét. Hết hồn, anh này nhảy giật lùi lại, suýt ngã ngửa. Giang tái mặt, ngồi sững.
Cả sân lặng ngắt như tờ.
- Mày xéo ngay, thằng con nhà tư sản béo bụng, - Trung nói, - Còn quẩn chân người
ta làm việc, tao cho mày nằm viện ăn Tết!
Tức giận, giọng run lên, nhưng Pét vẫn rán sức giữ phẩm giá; - Cậu vô lý quá.
Ai làm gì cậu... Tự dưng cà khịa chửi càn!
- Này thì cà khịa! - Trung gầm lên và đấm liền.
Cú đấm thình lình nhưng Pét né mặt tránh kịp. Anh dịch chân sang một bên và
giáng trả một cú nhẹ vào ngực đối thủ, đồng thời cảnh cáo:
- Khôn hồn thôi đi! Mày biết tao mà, Trung!
Pét chơi nhiều môn thể thao. Ham nhất là quyền Anh. Ngày nào cũng luyện. Anh bật
cười khi Trung một lần nữa quại bừa một cú đấm điển hình cho lối đánh của bọn cậy
khỏe mà kém khôn. Tuy vậy anh cũng thấy cần phải tung ra liên tiếp hai đòn thật
là chuyên nghiệp, một giữa mặt, một móc hàm, quật Trung xuống sân. Bọn trẻ nhà
số bốn, và cả gần chục đứa nhà bên số lẻ vừa tràn sang làm ủng hộ viên cho Pét,
đứng khép thành một vòng tròn vây quanh bãi đấu, nhưng đều im thin thít và bất
động không dám mùa vào hỗn chiến. Đây là cuộc tay bo của bậc đàn anh. Người lớn
trong nhà và những người qua đường không hề hay biết là đang có ẩu đả trên sân.
Mình mẩy trần trụi, lấm lem, mồ hôi ròng ròng, mặt lõa máu, Trung loạng choạng
đứng dậy. Quân tử, Pét không xấn vào đấm ngay, nhưng mà cũng đã hăng máu lên,
anh kéo phẹc-mơ-tuya, cởi áo da ra, và một cách đàng hoàng thong thả xắn tay áo
sơ mi. Chính cái động tác đẹp mắt này đã khiến cho người chỉ quen giao phong
theo luật lệ bị kẻ đã từng trải đập lộn trên hè phố nện cho nhừ tử. Dốc toàn lực
bình sinh, như một đầu máy xe lửa, nghiến răng, Trung lao xộc tới, húc cái sọ dừa
rắn câng vào bụng "Người anh hùng thời đại". Pét ngã ngửa người lên
cái chõng tre. Chân chõng gãy rụp, chồng bánh chưng lật nhào. Trung nhảy bổ đến,
chặn đầu gối lên ngực Pét, và mắm môi mắm lợi đấm tới tấp xuống mặt anh này. Cuộc
quyết đấu từ khởi đầu đến kết cục có lẽ chưa đầy một hiệp ba phút. Trong suốt
những giây đồng hồ đổ máu mồm máu mũi ấy, cả hai đối thủ lẫn đám khán giả bâu
kín võ đài không hề ai kêu lên một tiếng.
Vin cánh tay một thằng bé, Giang run rẩy đứng dậy. Mặt nhợt nhạt, thất thần,
môi lảy bẩy, cô van vỉ, những lời không thể nào ai nghe thấy. Vẫn chỉ nghe uỳnh
uỵch hự hự. Trận ẩu đả đã quá độ vũ phu, trở thành trò man dại. "Thôi đi
mà, trời ơi, thôi đi!", dồn hết sức, Giang la lên và vùng khỏi tay bọn trẻ,
cô lăn vào giữa cuộc đấu, và túm tóc Trung kéo giật, buộc Trung phải nhả Pét
ra.
Thở hồng hộc, Trung đứng vụt lên, mặt mày máu mê, một mắt đã sưng, một mắt ngầu
đỏ trợn trừng, hai nắm đấm vẫn siết lại, răng nhe ra như chực đớp Giang một
cái.
- Đồ ác ôn! - Nghẹn ngào, Giang thốt kêu lên, tiếng kêu thảm thương và tức cười
- Đồ Mỹ Diệm!
- Diệm ngoẻo rồi còn gì! - Một thằng ranh nào đó buột miệng.
Bật òa lên khóc, Giang quay mình chạy lao vào trong nhà.
Mọi sự như thế là tung hê. Ngày vui tưởng đã tan tành. Bọn trẻ nhớn nhác, không
biết phải làm sao bây giờ. Đứa nào đứa nấy mặt mày tiu nghỉu, buồn xo. Có đứa mếu
máo. Nhưng cuối cùng thì anh Trung của chúng cũng không vì giận chị Giang mà bỏ
rơi chúng. Rồi bánh cũng được xếp vào phuy, nước đổ đầy, lửa được nhóm lên, củi
cháy đượm. Ngọn lửa reo vui, hơi lửa lan tỏa. Dọc phố gió bấc lùa hun hút mà
trong sân ấm ran, và đã nghe đậm dần lên mùi thơm của lá và gạo nếp. Bọn trẻ trải
chiếu ra sân đánh bài và nói phét. Dễ chịu, êm đềm, ấm cúng, như mọi năm. Nhưng
khác là không có chị Giang. Chị Giang không xuống vui cùng. Không có chị thì
không có táo, thứ quả chị ưa nhất khiến bọn chúng cũng ưa nhất, không có ngô nướng,
và không có giọng kể chuyện du dương, không tiếng cười trong trẻo của chị.
Không có chị, anh Trung mất hết tính hồ hởi thường ngày. Nặng chình chịch cái mặt
bị ăn đấm sưng vù, anh ngồi thì lỳ một cục. Anh chỉ hé răng nói đôi lời với anh
công an tuần đêm tạt qua hút điếu thuốc lào và với chị công nhân quét rác ghé
vào sưởi ấm chốc lát. Không được anh chung vui, niềm vui của lũ trẻ nguôi dần.
Mọi năm cả lũ trẻ thức chơi đến tận sáng, nhưng đêm ấy, khi họa sĩ Năm Tín rẽ
vào thì bọn lau nhau đã đi ngủ hết, chỉ những đứa lớn còn ngồi canh bếp lửa với
Trung.
Thằng Bình, em Giang, theo lệnh chú Năm chạy lên gác gọi chị, nhưng vì đã nhất
quyết từ mặt Trung nên Giang nhất định không chịu xuống. Cô sai thằng Bình bưng
bộ ly cùng đĩa mực nướng xuống để chú Năm uống rượu. Cô còn bắt nó quay lên lần
nữa để mang chăn bông, kèm theo một rổ táo ta với chục bắp ngô xuống cho
"bầy lũ anh em nhà chúng mày".
Bọn nhãi xuýt xoa vui sướng chào đón quà của chị. Chúng lập tức chiến đấu với rổ
táo và lập tức bắt tay vào nướng ngô. Trung lầm lầm gạt phắt mấy quả táo, gạt
phắt cả bắp ngô nóng hổi, thơm lừng bọn nhãi vừa nướng xong.
Ông Năm rót rượu ra hai ly.
- Một ly với qua, Trung! - Ông nói. - Chiến sĩ rồi, uống được.
Trung lắc đầu. Ông Năm thở dài, tợp nhanh, cạn ly.
- Nam nhi như cọp, vấp cái quên liền. Không để bụng giận lẫy. Mấy lại sắp xa
nhà rồi, mau mà làm lành với nó đi.
Ông làm nhanh ly thứ hai, rồi lại rót tiếp. Uống suông, không nhắm, ông đưa đĩa
khô mực cho bọn trẻ...
Đã ăn hết táo, hết ngô, đã xơi hết đĩa mực, bọn trẻ buồn ngủ. Chú Năm chẳng nói
gì, chỉ uống. Một mình chú mà đã gần cạn chai Lúa Mới. Anh Trung thì một mực lặng
thinh. Rầu rĩ, bọn trẻ díp mắt lại, lần lượt, đứa này tiếp đứa khác kềnh ra chiếu.
Hai con chó chen vào nằm với chúng.
Nước trong phuy sôi đều đều. Tiếng củi nổ lách tách. Từ trong sáng khó mà nhìn
thấy gì trong bóng tối bao quanh, vì vậy đường phố, nhà cửa như bọc trong tấm
màn đen. Tuy nhiên, có thể thấy bầu trời đã chuyển mầu xám nhợt, đã sáng hơn và
càng lạnh hơn. Gió bấc đã ngừng thổi từ lâu, không khí mau chóng thấm đẫm sương
giá. Sắp rạng mai đến nơi rồi.
- Thôi. Qua về! - Ông Năm chợt lên tiếng sau suốt mấy canh giờ lặng ngắt, một
mình rót, một mình uống.
Cầm lấy chiếc cặp đã xẹp lép, ông loạng quạng đứng dậy. Trung nhổm lên, muốn đỡ
ông.
- Khỏi! - Ông gạt đi - Qua đâu có say. Say sao nổi, con ơi!
Nồng nặc mùi rượu, ông ôm lấy Trung:
- Mồng năm con lên đường hả? Lên đường mạnh giỏi nghe con... Chú Năm về nghe
con... Chú Năm về. Chú Năm về lập bàn thờ cho ba má chú Năm, cho vợ chú Năm và
sắp nhỏ, Trung à...
Bất đồ, ông bật khóc, nấc nên, ằng ặc, nghẹt thở, toàn thân run bần bật.
- Tụi nó tàn sát hết cả gia đình chú rồi Trung à. Giết hết... giết hết cả,
không trừ ai. Con gái út chú. Thằng Ba. Thằng Hai. Ba đứa con chú bị giết một
khi. Rồi tụi nó sát tới bà già chú, ông già chú, Trung à. Rồi vợ chú, má sắp nhỏ,
bị bầy thú dã man tụi nó sát hại sau rốt... Mà đã hai năm rồi. Tối nay họp đồng
hương, có đồng chí ở trỏng ra, chú mới hay, Trung à.
Ông khàn khàn kể, ông khóc rưng rức. Và gạt Trung ra, ông loạng choạng bước đi
men theo bờ tường, đi về cuối phố. Vừa đi vừa khóc.
Tảng sáng, Giang xuống, mang thêm chăn đắp cho bọn trẻ. Cô bảo Trung về phòng
mà ngủ để bếp lửa đó cô trông. Trung ngồi im, không buồn trả lời. Giang bực
mình dợm ngay vào nhà, nhưng rồi nghĩ ngợi sao đó cô lại ngồi xuống bên bếp,
tuy nhiên ngồi né xa, thật xa Trung...
Một thằng bé bị lũ bạn kéo tuột mất chăn, loàng quàng mở mắt ra. Nó nghe tiếng
anh Trung rì rầm kể gì đó về chú Năm. Nó nghe tiếng chị Giang khóc thút thít. Rồi
lại trở lại yên lặng. Yên lặng rất lâu, rồi se sẽ những tiếng động là lạ. Thằng
bé rướn cổ lên nhìn. Cảnh vật còn tối lắm. Trong ánh lửa, nó thấy anh Trung chị
Giang ngồi sát vào nhau, và hơn thế nữa, còn ôm chặt nhau. Tóc chị xõa tung, cả
hàng cúc áo len của chị bật ra. Nó nhìn thấy cùng một lúc cả cần cổ trắng ngần
của chị cả đôi môi anh Trung, bàn tay anh Trung. Nó cảm thấy cùng lúc cả hơi lửa
nóng hừng hực, cả hơi thở của ban mai lạnh lẽo.
Vậy mà, thật là không thể làm sao hiểu nổi, ngày hôm sau, đêm giao thừa và suốt
mấy ngày Tết, nó thấy chị Giang vẫn lại chỉ chơi với Pét xồm. Mặt mày thâm tím,
Pét vẫn cứ đẹp trai, và rất diện, anh ngây ngất mê mẩn, sung sướng cưỡi chiếc
xe đạp Pơgiô mầu mận chín chở chị Giang bay đến tất tật những tụ điểm có ca nhạc
và vui chơi trong thành phố ngày xuân. ° ° ° Lễ tiễn tân binh được tổ chức vào sau buổi trưa ngày Mồng Năm
Tết, dưới chân gò Đống Đa. Người ta bảo rằng trong suốt mười năm, từ ngày hòa
bình lập lại đến giờ, ở Hà Nội chưa từng có một đợt nghĩa vụ quân sự nào quy mô
lớn như đợt này. Hàng trăm người lên đường, hàng nghìn người theo tiễn. Và khi
biển người đứng nghiêm hát Tiến Quân Ca thì trước cửa đền Trung Liệt, cờ đào
Tây Sơn được chầm chậm kéo lên sóng đôi cùng cờ đỏ sao vàng. Bầu không khí tưng
bừng náo nức của lễ hội tòng quân hòa vào hùng khí thiêng liêng ngày Giỗ Trận
nâng bổng tâm trạng từng người, giúp gạt đi chút ít những niềm bịn rịn. Ông thượng
úy khu đội trưởng dõng dạc điểm danh tân binh. Đọc đến tên ai thì người ấy Có
lên một tiếng thật to. Mỗi người hình như chưa bao giờ đạt được một giọng nói
trội như vậy. Anh chàng được gọi tên sau Trung lại dài giọng. "Dạ, có tôi
đây!", khiến mọi người cười rộ. Thượng úy đọc đã khản tiếng mà bản danh
sách còn rất dài. Càng đông càng vui. Nghe đọc đến tên ai quen, Trung lại nhón
chân lên, rướn cổ tìm kiếm. Mọi người ầm ĩ gọi nhau, hồ hởi vỗ vai nhau
"A! Mày đấy à, cũng đợt này à, hay quá! Mày này, tao này, thằng Yên, thằng
Tú này...". Rồi, thằng Tiến, thằng Cung, thằng Bình "mắt lươn",
thằng Mão "nhọ nồi", thằng Toàn "min tu", thằng Bào, thằng
Vũ... thằng con đầu nhà bà giáo Son, thằng con thứ nhà ông Tâm y tá, thằng cháu
đích tôn nhà cụ Doãn vẽ truyền thần, nhà Phúc béo gia công mỳ sợi, nhà Vạn toét
chữa xe đạp, nhà Minh điếc bán nước sôi... Đông đảo người đi thế này làm sao mà
biết hết nhau được. Không khéo sau đợt nghĩa vụ này, phố tụi mình chỉ còn lại bọn
lỏn con và bọn con gái.
Trung nhìn quanh. Hình như hôm nay tất cả các cô nàng trong khu phố đều hội lại
ở đây, và tất thảy bọn họ nom đều xinh tươi hơn bao giờ hết. Nào Liên, nào Yến,
nào Oanh, nào Phượng... các cô khoác tay nhau túm tụm thành từng nhóm, líu ríu
vui vẻ xúm quanh các chàng.
Người đi tiễn Trung cũng rất đông, mẹ và ba đứa em, cùng tất cả bọn nhóc nhà số
bốn. Về chiều, càng lúc càng lạnh mà lễ tiễn có vẻ còn kéo dài, Trung bảo các
em đưa mẹ về, nhà bà Thái nhất định không chịu. Yếu lả, nhợt nhạt, run rẩy, bà
bám chặt lấy tay Trung đứng sát vào anh, nghẹn ngào, gượng cầm nước mắt để dặn
đi dặn lại mãi những điều không đâu vào đâu. Trung ngượng:
- Mẹ kìa, mẹ! Đừng thế, mẹ! Người ta trông vào đấy, mẹ...
Anh bảo lũ đàn em trong nhà:
- Chúng mày động viên mẹ tao, đừng để mẹ tao khóc ở đây đấy nhá. Cả về nhà nữa.
Chúng mày giúp mẹ tao các việc nhá. Tao đi ba năm rồi về. Mà cũng có nghỉ phép
nữa... Chúng mày thay tao lo mọi thứ cho nhà số bốn mình nhá. Nhớ chăm cây táo
tao trồng. Ba năm nữa tao về, ngọn phải chấm ban công tầng hai đấy...
Trung nói, cười, nhưng vẫn buồn ra mặt, vẫn nhìn quanh nhìn quất. Bọn trẻ hiểu
lòng anh, thương anh lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Ông nội chị Giang vừa vào
viện đêm qua, chị phải túc trực chăm nom. Vả lại lúc nào bên chị cũng có Pét xồm
kè kè hộ tống.
Tiết trời xuân lạnh lẽo, nhưng sắc trời xuân trong xanh. Sau phần diễn văn của
các quan khách, của lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể thành phố và khu phố, tới
mục đại diện tân binh đọc quyết tâm thư, rồi đến mục làm giao ước thi đua giữa
thanh niên đi nghĩa vụ quân sự với thanh niên ở nhà sản xuất, rồi nữa là vui
văn nghệ, ca hát và ngâm thơ. Có cả một ông nhà thơ nghe nói là từ tận trên Hội
Văn nghệ đích thân đưa thơ mình xuống biểu diễn úy lạo bộ đội. Đầu đội mũ sắt,
cổ quấn khăn rằn kiểu du kích Nam Bộ, mình vận bành tô Liên Xô có viền lông,
ông sừng sững trên diễn đàn, ngâm vào loa những vần thơ như sấm. Ngay khi trường
ca hùng tráng còn một đoạn dài nữa mới hết, vì quá xúc cảm, gần hai chục thiếu
nữ có nhiệm vụ tặng hoa bộ đội khi nào bế mạc buổi lễ, đã vội ào cả lên diễn
đàn dâng vào lòng tay thi nhân những bó lay ơn tươi thắm khiến ông này phải rất
vất vả gỡ mình ra khỏi hoa để ngâm nốt phần còn lại. Sau trường ca này, mặc dù
còn lâu trời mới tối và mặc dù còn nhiều nhà thơ nữa muốn lên trình bày sáng
tác của họ, song các sĩ quan tuyển quân đã vội ngăn họ lại để cho buổi lễ được
kết thúc.
Tân binh được lên xe. Gần hai chục chiếc xe buýt được trưng dụng để chở quân, đậu
ở góc sân, đồng loạt nổ máy và nhấn còi. Tiếng còi ô tô được sự ồn ào lên đến tột
độ.
Trung ôm lấy mẹ, ôm lấy ba đứa em, và lần lượt ôm lấy từng thằng nhãi em út của
anh trong nhà số bốn, siết tất cả vào vòng tay mình lần cuối.
- Thôi nín đi, đừng khóc! - Đừng có khóc, để cho anh đi! Chúng mày đưa mẹ về
đi. Mẹ ơi, mẹ về, con đi!
Anh liệng ba lô lên trước, rồi trèo vào ô tô qua lối cửa sổ. Quanh xe người ken
dày vậy mà bà Thái vẫn len vào được, với với tay lên cửa sổ.
- Mẹ! Trung luýnh quýnh nắm vội lấy tay mẹ, rồi phải buông ngay vì bị kéo lùi
vào trong nhường cho người khác chen ra choán lấy khoang cửa.
- Toàn đấy hả cháu. Toàn ơi! - Trung nghe tiếng mẹ nức nở kêu lên với Toàn
"min tu", thằng bạn nhà số băm sáu cùng phố, đang đứng lấp trước mắt
anh - Cháu trông nom nó cho bác với Toàn nhé, Toàn ơi!
Xe chuyển bánh, chầm chậm bò, chật vật xuyên qua những tiếng gào gọi, tiếng
kêu, tiếng cười và cả những tiếng khóc. Đúng giây lát đó, qua vai Toàn, Trung
nhìn thấy Giang giữa đám đông. Bằng một phép mầu nào đó, chỉ một cú huých tay,
anh đã vọt được ra khỏi xe.
- Giang! - Trung gào rống lên. Anh ở đây, anh ở đây!
- Anh ở đâu? - Cô gái lách qua đám đông, vừa len lách vừa kêu lên thất thanh. -
Anh ở đâu, anh ơi?
Chen bừa đi, vấp dúi dụi, không thấy ai cả, không thấy gì hết, mắt dại đi, tóc
xõa tung, thở hổn hển, cô nhào tới chỗ Trung. Anh chàng chen bật mấy người đang
đứng chắn mất lối, rồi gần như hùng hổ, lao xộc tới chộp lấy Giang, ôm choàng lấy,
ghì chặt.
Khác với các đợt trước, đợt lính nghĩa vụ này phần đa đều như Trung, tuổi còn rất
trẻ, vì vậy ít thấy cảnh vợ tiễn chồng, thế nhưng bù lại người ta thấy xuất đầu
lộ diện khá nhiều cặp chàng nàng như Trung và Giang. Và có lẽ cũng như Giang và
Trung, tất cả những vụ yêu đương đó đều là những mối tình non dại, đầy rụt rè
và sợ sệt, bấy lâu chẳng dám lộ mình mãi đến giây lát phải chia lìa mới không
còn đừng nổi.
Ngay trước mắt bao người mà Giang liều lĩnh xoắn mình vào Trung. Xoay lưng lại
với thiên hạ, tóc đổ xõa xuống vai. Giang đứng úp người vào Trung, hai cánh tay
vòng lên ôm lấy cổ người yêu. Còn Trung, hai bàn tay to tướng táo tợn lùa sâu
vào trong áo len của Giang, ghì riết lấy Giang từ bên trong. Bao nhiêu người thở
dài, ngậm ngùi, nhìn tránh đi.
Đoàn xe nâng dần tốc độ. Trên chiếc xe chạy đầu, tiếng hát cất lên, lan dọc
đoàn xe, truyền dọc phố. "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long
Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn Ba
trăm lẻ bảy. Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới Sao vàng...".
Dưới đường, Trung đang cố sức chạy rượt theo chiếc xe chót và cuối cùng đã đuổi
kịp. Từ cửa hậu chiếc xe, những bàn tay chìa xuống kéo anh lên. Phía sau, Giang
chạy với theo, toàn thân ngả về phía trước như cố cưỡng luồng gió mạnh, và rồi
lảo đảo cô ngã xoài xuống nền đất ướt át.
"Người con gái Hà Nội, những nàng tiên nghèo đẹp nhất trần gian, da trắng,
môi hồng, mắt huyền, mi rợp", trên đời này từng có một bài ca với lời ca
như vậy, tôi đã từng được nghe ở đâu đó, vào một lúc nào đó không nhớ nữa. Tôi
là một thằng nhãi nhà số bốn đã theo tiễn anh Trung ở chân gò Đống Đa, buổi chiều
ngày Giỗ Trận. Và tôi là đứa đầu tiên chạy lao đến đỡ chị Giang dậy. Chị khóc nức
nở, toàn thân run lật bật trong tay tôi. Dọc đường về tôi vẫn phải nhẹ nhàng thận
trọng ôm giữ lấy chị. Chị cứ vừa đi vừa ôm mặt khóc mãi, mặc cho xung quanh người
ta kinh ngạc nhìn ngó. Vào những năm ấy, chẳng ai lại yếu đuối và bi thương một
cách lạ lùng như thế.
Những tháng sau đấy, những năm sau đấy tôi còn dự nhiều lễ giao quân khác nữa.
Và rồi bản thân tôi năm năm sau cũng đến lượt lên đường chiến đấu. Vậy mà tôi
không bao giờ có thể quên lần cùng bạn bè nhà số bốn tiễn biệt anh Trung. Đây
là cuộc đưa rước thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự trong thời bình, và vào những
ngày đầu năm 1964 ấy, thì trong tầng lớp bình dân ngay những người đứng tuổi và
trải đời cũng khó mà biết chắc sẽ là như thế nào những năm tháng đang đón rình
phía trước, nói gì một thằng bé mới mười ba tuổi đầu như tôi, vậy mà... Không,
không phải do ngày nay nghĩ lại mà mường tượng ra như thế. Mà thực sự là như vậy,
vào buổi chiều hôm ấy, một chiều mùa xuân cực độ thanh bình, dưới chân gò Đống
Đa, tôi đã cảm thấy trời long đất lở trong lòng mình. Mà thật ra, nào phải là
tôi, thật ra là nhân dân, nhân dân muôn thuở dịu hiền, muôn thuở cầu ước sống
bình yên, đã âm thầm cảm thấu con sóng lừng thời đại mới đang ập thẳng tới bến
bờ Tổ quốc tôi. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến
tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất
mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng,
thời của tình yêu và của lòng quả cảm. Và từ họa sĩ Năm Tín, từ anh Trung, nhất
là từ bà mẹ anh, từ chị Giang, những người đàn bà mềm yếu và nhân từ, thân
thương hiền dịu của ngôi nhà số bốn, linh cảm về số phận sắp tới của dân tộc đã
truyền vào trái tim tôi, làm xoay chuyển cuộc đời tôi ngay từ khi tôi chưa kịp
bước hẳn vào đời. Đối với tôi, thời thơ ấu êm ả và tươi đẹp thế là đã vĩnh viễn
và dữ dội ra đi vào chính cái buổi chiều mùa xuân êm ả và tươi đẹp đầu năm Giáp
Thìn ấy.
Một tuần sau Tết, do cha tôi được lên lương, tiêu chuẩn nhà cao cấp hơn nên gia
đình tôi chuyển vào ở trong trung tâm thành phố. Tháng tám, bọn Mỹ ném bom miền
bắc, tôi theo trường sơ tán về miền quê rất xa. Năm thì mười họa mới được một dịp
về loáng qua Hà Nội. Rồi nhập ngũ. Đi Bê dài. Cứ xa mãi, xa mãi như thế khỏi điểm
ban đầu, nhưng đường đời của ai mà không như vậy?
Trở về sau chiến tranh, nhìn lại sau lưng chỉ thấy sừng sững trường thành của
ký ức chiến trường. Những năm xa vời trước thời lửa đạn đã tan bay theo gió thời
gian. Thảng hoặc mới có việc dọc qua phố cũ, ngang qua nhà xưa, thế mà cũng thường
là cứ dửng dưng ngang qua vậy thôi, chẳng mấy khi để mắt ngó vào. Ngôi nhà nhiều
chục năm rồi vẫn thế, tất nhiên là cũ kỹ hơn, mặt tiền cau có, nứt nẻ, tường
vôi tróc lở. Mỗi khi ghé vào thăm chỉ cảm thấy chán ngắt. Nhem nhuốc, ồn ào, chật
chội và quá nhiều người lạ mặt. Niềm vui duy nhất là thấy được còn đó cây táo
anh Trung trồng trước ngày nhập ngũ. Ngọn cao quá ban công tầng hai, cây sai quả,
trùm bóng mát lên sân. Song le cái giống táo ta ấy là thứ cây ăn quả dường như
đã lỗi thời, và bản thân nó, cây táo của anh Trung, cũng đã già rồi.
Tết này, khi từ nhà mới cuối phố đi bộ lên đầu phố vào thăm nhà cũ số bốn, tôi
không còn thấy cây táo già đó nữa. Tấn, cậu em út của anh Trung, một thương
binh trong chiến tranh biên giới, được phường ưu tiên cho phép cơi nới diện
tích ở ra khoảng sân trước mặt nhà. Mặc dù chẳng muốn nhưng đành phải chặt cây
táo ấy đi mới xây ra được.
- Hồi chiến tranh phá hoại, sân phải đào tung lên xây hầm công cộng mà bọn em vẫn
giữ được nó. Thế mà giờ chặt nó đi, khổ tâm lắm anh ạ. Nhưng biết làm thế nào
được, hả anh. - Tấn buồn rầu bảo thế.
Tôi hỏi thăm chị Giang, cậu ta cho biết vợ chồng chị vào ăn Tết trong Sài Gòn.
Và có lẽ rồi đây chị sẽ chuyển hẳn vào sống trong đó. ° ° ° Ra Giêng, tôi tới thăm chị. May mắn sao. Chị có nhà.
Bởi tất cả những lần trước đây đến chơi nhà số bốn, tôi đều gặp phải khi chị đi
công tác, thành ra như vậy là chẵn ba mươi tư năm trời xa biệt, cho tới hôm
nay. Vẫn căn phòng xưa, ban công trông ra phố. Tường vôi ve. Cửa sổ buông rèm
xanh. Bàn thờ luôn luôn ba cây hương thầm lặng cháy. Khi chị mở cửa ra tôi bước
vào, trong phòng chưa bật đèn. Trong ánh hoàng hôn hồng rực tràn ngập căn
phòng, tôi thấy chị vẫn hoàn toàn là chị Giang ngày xưa của tôi. Và có lẽ bởi
ánh nhá nhem chiều tà mà chị cũng thấy tôi như vậy chăng. Chị nhận ra tôi ngay,
thảng thốt chị gọi tên tôi, kèm cả biệt hiệu. Lòng tôi đau nhói.
Rất lâu, chị ngồi bên tôi, lặng khóc. Tôi cũng vậy nước mắt nóng rực như kim
châm trong tròng mắt. Bên ngoài, thành phố đã lên đèn, tôi và chị tay trong
tay, thu mình trong bóng tối, cố hết sức để tĩnh tâm, để hồi lại.
Giọng run run, chị khe khẽ bắt đầu trò chuyện. Tôi cũng vậy, bắt đầu nói, bắt đầu
kể. Cuộc đời tôi. Cuộc đời chị. Thì cũng như cuộc đời của bao người thôi trên đất
nước này những chục năm qua, mà sao nhắc lại trái tim cứ đau thắt lại thế này.
Nhưng rồi cả hai chúng tôi đều đã vượt được lên khỏi nỗi lòng mình để mà dần dần
điềm tĩnh lại.
- Cậu còn nhớ chú Năm họa sĩ không?
- Có chứ chị. Nhưng tôi chẳng hề được gặp lại trong suốt chừng bấy năm. Giờ chú
ấy ra sao?
- Chú mất rồi. Mất năm Chín mươi. Tại quê nhà Năm Căn. Chú ấy đi Bê năm Bảy Mốt.
Chị cũng không được thấy lại chú ấy từ năm đó. Trước khi mất không lâu, chú có
ra thăm Hà Nội và có lại đây tìm chị, mà không gặp. Chỉ gặp anh Vinh, chồng chị.
Chú Năm có gửi lại chị món quà...
Vinh? Tôi rùng mình. Thế nào mà chồng của chị cũng tên là Vinh cơ chứ, trời ơi!
Anh Vinh ngày xưa, anh Pét xồm đẹp trai, từng mê mẩn chị, đã hy sinh trong mùa
khô khốc liệt năm Bảy Hai. Hy sinh ngay trước mắt tôi. Chính tiểu đội tôi bám
chiếc xe T54 của anh xung phong vào căn cứ Plây Cần. Đã đột phá được qua cửa mở,
chúng tôi vừa bật lê ào xuống khỏi xe từ hầm ngầm, liền hai trái M72 bắn chéo
cánh sẻ phụt tới. Toàn tổ lái cùng với chiếc xe bùng cháy...
- Chị hỏi thăm nhiều họa sĩ mà chẳng ai nhớ đến chú ấy. Tên tuổi chú ấy không
được như họ. Nhưng mà cậu xem này.
Chị Giang với tay bật đèn. Chỉ một ngọn thôi, ánh sáng dịu như là ánh nến.
"Lại đây!", chị nói khẽ và nhẹ nhàng rời ghế, dịu dàng chị nắm tay
tôi, đưa tôi lại gần khuông cửa sổ buông rèm. Trên tường, kề cửa sổ, treo một bức
sơn dầu, viền trong khung gỗ mầu nâu.
Đang bước tới gần, tôi như bị vấp một cái. Vấp phải một cảm giác. Một cảm giác
dội ra từ bức tranh. Tôi nhìn, chết lặng trong người. Họa sĩ vẽ chúng tôi. Bảy
người. Và đúng là cái đêm xưa, 28 Tết năm Thìn ấy. Cảnh tượng thật là huyện diệu:
xung quanh đống lửa, một vầng hồng lung linh, dập dờn và dường như đang muốn
vùng quẫy với vòng vây của đêm tối để tỏa rộng ra mãi. Bầu trời trước đêm trừ tịch
không tăm tối đen đặc mà quang đãng, tối thẫm trải rộng trên đầu chúng tôi với
tất cả vẻ hùng tráng và trang nghiêm, bầu trời đêm trước của một thời đại phi
thường, một bầu trời đêm không bao giờ con người thời nay còn được thấy. Và tôi
cũng nhận thấy trong đêm tối của bức tranh những khối hình và đường nét thân
thuộc thuở xưa mà ngày nay đã mai một rồi của dãy phố này.
Nhưng cái chính làm nên bức tranh là chúng tôi, những gương mặt được ánh lửa
soi hồng, được tả thực một cách chân xác và đầy biểu cảm. Tuy nhiên, tất cả cái
đẹp, cái chân thực và thần thái mê hồn của bức tranh lại tạo cảm giác đau buốt.
Xuyên ngọt qua thời gian và cả qua da thịt. Bức tranh cho tôi thấy một điều hiển
nhiên mà bấy lâu nay với cái ý thức đã ngày một trở nên phẳng lỳ, tôi đã không
thể có khả năng một lúc nào đó tự nhân ra, trong số chúng tôi, sáu thằng con
trai còn trẻ con và non dại đến thế đang ngồi kia quanh nồi bánh chưng trong bức
tranh này, đến ngày hôm nay chỉ còn sống có một, chỉ độc nhất một mình tôi. Một
mình tôi mà thôi!
Tiết thanh minh năm ngoái, ngang qua Gio Linh, vào viếng Nghĩa trang bộ đội Trường
Sơn, tôi đọc thấy tên tuổi Bình trên một trong hàng ngàn mộ chí của khu các liệt
sĩ quê Hà Nội. Chị Giang bảo là vợ chồng chị đã tính đưa Bình ra ngoài này,
nhưng một đêm nọ Bình báo mộng, cho biết là muốn mãi mãi nằm bên đồng đội, mãi
mãi với rừng le đồi lau đất đỏ chiến trường xưa, thành thử... Trong tranh, Bình
là một thằng bé mới mười tuổi, gương mặt phảng phất nét chị Giang, mịn màng và
thanh tú. Nó ngồi bó gối, vóc mảnh khảnh, tóc xoăn, cái miệng phụng phịu.
Ngồi cạnh nhóc Bình là thằng Phái, năm ấy mười hai tuổi. Tóc húi cua lộ rõ cái
đầu méo và đầy sẹo, gò má nhọn, mồm rộng trành bành, mặt nhợt nhạt, rỗ tổ ong,
đôi lông mày chau chau, cau có. Nó là thằng con đầu của ông Tá tài xế. Xấu xí,
thô kệch, ăn bận tồi tàn, lôi thôi lếch thếch nhất hội song là một đứa con trai
tốt bụng và chân thành biết bao. Phái đi bộ đội cùng năm Sáu Chín với tôi,
nhưng không sung vào bộ binh như tôi mà được điều sang cao xạ. Đóng chốt ở Hà Nội
và hy sinh ở Hà Nội, trong chiến dịch Mười hai ngày đêm đánh B52.
Thằng Sơn, con trai ông Cư sở điện, tuy rằng bố bị tù, song là đứa duy nhất
trong nhà học lên đến đại học. Nhưng trong tranh nó vẫn còn là một thằng nhãi
chỉ hơn tôi có một tuổi, đầu tóc bù xù, thân hình gày gò và trông rõ là lùn tịt
mặc dù nó đang ngồi xếp bằng. Gương mặt thô nhưng bởi đôi mắt thật là to và
sáng mà nom thông minh cực kỳ. Nó ngồi cạnh nồi bánh chưng mà vẻ mặt như thể
đang ngẫm nghĩ kế sách giải những bài đại số đang tích ở trong đầu. Sơn thi đỗ
vào Tổng hợp Toán, học đến năm thứ hai thì nhập ngũ. Trinh sát pháo binh. Hy
sinh ở Cánh Đồng Chum.
Bị khuất mất một phần vào vùng tối của bức tranh là gương mặt Đính, em trai anh
Trung, Đính quấn chăn chiên, nằm cách hơi xa đống lửa, hai tay chống cằm. Khuôn
mặt nó chẳng giống anh Trung chút nào. Má bầu, tai to, nhưng cằm nhọn hoắt và
cái cổ thì gầy ngẩng. Tính nết Đính cũng khác hẳn anh, nó rất lành và quá sức
là rụt rè. Mười một năm sau, Đính là một trong những người lính của đại đội đặc
công đã tập kích vào sân bay Hòa Bình ngoại vi Buôn Ma Thuột, nổ súng mở màn
cho chiến dịch vĩ đại mùa khô Bảy Lăm. Anh cùng hầu hết đồng đội đã hy sinh trước
khi bộ binh và xe tăng ta kịp đánh tràn vào ứng cứu.
Anh Trung, người anh cả của Đính và của cả lũ chúng tôi, là nhân vật có vóc
dáng và dung mạo được ánh lửa trong bức tranh đặc tả nhiều nhất. Anh ngồi xếp bằng,
hai chân khoanh lại, lưng thẳng, ngực ưỡn ra, hai con chó vàng nằm hai bên, gác
đầu lên đùi anh. Xưa nay tôi hiếm thấy ai cường tráng như Trung. Anh không cao,
thậm chí hơi lùn, nhưng vai rộng lạ lùng, ngực nở căng, bụng thon chắc. Những bắp
thịt cuồn cuộn nổi hằn lên dưới chiếc cáo dệt kim sọc xanh của học sinh trường
hàng hải. Cái cổ anh ngắn và to bạnh đỡ lấy cái đầu to quá cỡ, xưa vẫn bị chị
Giang trêu là như cái thùng nấu phở, trán dô, mũi tày và tẹt, gò má rộng, cằm vuông
chằn chặn, tóc rễ tre, húi rất ngắn. Trên khuôn mặt mầu đồng hun lấp loáng ánh
lửa hồng này, họa sĩ đã lược hết mọi dấu tích trận ẩu đả, nên không những không
hề thoáng nét hung tợn mà cũng không cả vẻ ngang tàng ngỗ ngược. Đấy là dung mạo
của một chàng trai đầy sức mạnh và lòng can đảm, tuy nhiên đang trầm tư và đang
rất buồn, cặp mắt to, mơ mộng, long lanh như nước và vô cùng buồn bã của anh
như đang muốn thốt lên một điều gì đó mà tiếng nói thông thường không đủ sức diễn
đạt... Anh là liệt sĩ Kháng chiến chống Mỹ đầu tiên của cả ngôi nhà số bốn, và
có lẽ của cả phố, không chừng cả thành phố. Gia nhập hải quân, anh hy sinh ngay
trong năm Sáu Tư, ngoài khơi Hòn Mê, một ngày biến động, đầu Tháng Tám. Tin anh
tử trận đồn về rất sớm song không hiểu sao báo tử chính thức lại rất muộn. Năm
bảy mươi, khi anh Vinh "Pét" nhập ngũ, chị Giang vẫn còn đang một
lòng đăm đắm chờ đợi ngày anh Trung của chị trở về. Anh Vinh kể với tôi thế
trong cái đêm đơn vị tôi và đơn vị anh cùng ém trong cánh rừng già ven đường 18
đợi lệnh hiệp đồng tấn công Plây Cần. Vinh nói, nửa đùa nửa thật, rất gở:
"Tao biết chắc Giang yêu một cách lưỡng lự, yêu cả tao cả Trung nhưng vì
Trung đi lính trước nên Giang tưởng là chỉ yêu có mỗi Trung thôi. Bây giờ, nếu
giấy báo tử của tao về trước giấy của Trung thì Giang sẽ nhận được ra là tình
yêu của cô ấy thật sự dành cho ai".
Trên bức tranh, chị Giang hiện ra trong khoảng dập dờn nhất của quầng sáng, nên
hình ảnh chị vừa sinh động vừa hư ảo, mà có lẽ đấy là dụng ý của họa sĩ, bởi vì
thực ra đêm ấy chị đâu ngồi đó bên bếp lửa với đám trẻ nhà số bốn. Họa sĩ không
vẽ chị ngồi kề bên anh Trung. Chỉ có một thằng bé đang nép sát vào chị, và cả
hai chị em đều ngồi hơi tách khỏi những nhân vật khác của bức tranh.
Chị Giang trong tranh mới mười bảy tuổi. Dưới ánh phản chiếu lung linh của ngọn
đèn, gương mặt trái xoan trẻ măng, trắng hồng của chị mới xinh làm sao. Cặp môi
mòng mọng hơi bậm lại, cái cổ cao trắng ngần. Chị ngồi, cúi đầu, hai tay khoanh
trên đầu gối. Không nhìn thấy mắt, chị không ngước mắt lên, nhưng có thể thấy
rõ đôi lông mày thanh tú, hai hàng mi rợp và như hơi ươn ướt. Vẻ mặt đượm buồn.
Thằng bé ngồi bên chị, vóc người cao, chân dài diện giày da, bận áo ấm kiểu ngoại
có viền lông, nom rõ là con nhà khá giả hơn hẳn những đứa khác trong tranh,
nhưng tôi không thấy được khuôn mặt nó. Thằng bé ngồi nép sát vào chị, vòng tay
ôm lấy eo lưng chị và đầu thì ngả hẳn lên bờ vai. Vì thế khuôn mặt nó chìm vào
trong mái tóc dài buông xõa trên vai chị. Tôi chăm chú nhìn, và bất chợt giật
mình. Người gai lên. Phải chăng thằng bé ấy là tôi? Thận trọng, cố không để bị
cảm giác đó chi phối, tôi lại thật sát bức tranh, nhưng khi nhìn quá gần thì
các chi tiết trên tranh lập tức rời ra thành những vệt riêng biệt, chỉ còn là
những mảng màu nổi gờ lên cùng những vệt bút vẽ.
Tôi lùi lại, và khi đấy, từ một khoảng cách vừa phải, trước mắt tôi những mảng
sơn dầu lại hợp vào thành đêm hôm ấy, thành những người anh em đã khuất của
tôi, thành chị Giang và tôi. Đúng là tôi, cái thằng bé đang vùi mặt vào tóc chị.
Tôi chưa từng ngồi như vậy bao giờ, chưa từng có cử chỉ ấy, nhưng mà tôi đã từng
nhiều lần mơ thấy như thế. Làm sao, sức mạnh huyền bí và linh diệu nào đã khiến
những giấc mơ cực độ thầm kín năm xưa hiện về lung linh trên mặt vải?
Gần trọn quãng đời trai trẻ của tôi không hề được hưởng tình yêu. Qua hết những
năm vị thành niên cho đến ngày nhập ngũ, trải sáu năm chiến trường chẳng từng
được thật sự gần gụi một người con gái nào. Hết chiến dịch này tiếp chiến dịch
khác, mùa khô qua mùa mưa tới, sức lực, sinh khí đổ dốc xuống dọc những chặng
đường hành quân và xuống những chiến hào, tình cảm dành trọn cho đồng đội.
Nhưng thảng hoặc, vào buổi sớm mai nào đó, đất trời tự dưng ắng tiếng bom, thức
dậy giữa rừng sâu không tiếng súng, nằm đung đưa trên võng, tôi thường thẫn thờ
nhập thân vào một kỷ niệm chẳng phải của mình. Tôi trông thấy chính tôi, chứ
không phải Trung, đang ghì xiết lấy chị Giang, khi thì giữa đông nghịt biển người
dưới chân gò Đống Đa, khi thì trong ánh sáng lúc canh khuya của lửa bếp trước
sân nhà. Sững sờ, tôi cảm được cặp vú của chị áp lún vào lồng ngực tôi và căng
trĩu trong lòng bàn tay tôi. Một mình tôi góc rừng hoang mà tôi chạm được vào
đôi môi của chị, hít thở được hương thơm của làn da và mái tóc chị. Lúc bấy giờ,
tôi biết những cơn mê lú như vậy là tội lỗi và sẽ chỉ gây nên cho tôi những
thương tổn tinh thần trầm trọng. Không muốn phải chịu đựng những đau đớn vô
ích, do đó tôi đã cố cưỡng, song con người ta ai mà có thể đưa tay ra cản lại mộng
mị?
Nhưng sau chiến tranh, khi mà cái sức tưởng tượng tội lỗi ấy không còn trong
tôi nữa thì tôi lại hiểu rằng ra những tội lỗi trong mơ ngày đó chính là hình
bóng của mối tình đầu không có thật của tôi. Và mặc dù rằng dù sao đi nữa thì
cũng vẫn là tội lỗi, và mặc dù khốn khổ, mặc dù nực cười và mặc dù mong manh
lúc mờ lúc tỏ nhưng mối tình đầu phải tuyệt đối vùi sâu chôn kỹ ấy cũng đã góp
phần ánh sáng soi rọi tâm hồn tôi, giúp tôi vững tinh thần, và có lẽ một phần
nhờ thế mà rốt cuộc tôi đã sống sót trở về. Và thậm chí mối tình đầu không hề
có thật ấy vẫn còn tiếp tục là một trong những nguồn sáng giúp tôi từ sau ngày
trở về biết yên lòng vui sống, biết vững tâm mà mạnh dạn vượt qua được những
năm dài gian lao thời hậu chiến... - Tuần sau chị sẽ vào lại Sài Gòn. - Giang
nói, thở dài. - Và chắc phải ở hẳn lại. Anh Vinh thì đã vào từ mấy năm rồi. Anh
ấy thích Sài Gòn. Chị thì cứ dùng dằng. Lần này, anh ấy ra tối hậu thư, hoặc
vào với chồng con, hoặc...
Chúng tôi đứng ngoài ban công. Buổi tối mùa xuân lạnh lẽo, lất phất mưa phùn.
Ban công khá rộng, song chỉ để vài chậu cây.
- Bữa nào cậu qua mang cái gốc táo này sang bên nhà, - Giang chỉ một chậu cây
to khuất trong góc tối. - Trước khi chặt cây táo dưới sân, Tấn nó cũng có lòng
chiết cho chị một cành. Chẳng hy vọng gì, thế mà rồi sống nổi đấy. Đã đâm rễ đâm
chồi ra được thế này. Cậu mang về, chăm nom một thời gian nữa trong chậu rồi
thì trồng hẳn vào đất cho thành cây to như xưa. Với chị, táo ta vẫn là nhất. Một
thời chuộng táo tây, nhưng Tết này, thiên hạ cũng quay về cả với táo ta rồi đấy...
Giang nói miên man. Giọng nhỏ nhẹ, buồn rầu. Ngoài ban công rất lạnh, nhưng
chúng tôi không trở vào phòng. Càng về khuya càng lạnh, song tôi không nhận thấy
thế. Lòng tôi ấm áp. Tôi đang ở bên Giang. Tôi có thể đứng mãi, đứng mãi thế
này.
- Chị sẽ để lại căn phòng này cho Tấn, - Giang nói. - Nhà được ba anh em, cả ba
anh em đều ra trận. Mà được mỗi cậu ấy trở về. Bức tranh chị cũng để lại. Gia
đình chẳng giữ được bức ảnh nào của anh Trung. Hình anh ấy chỉ còn lưu lại duy
nhất trong bức tranh thôi.
Thấy tôi châm thuốc, Giang hỏi:
- Cậu hút thuốc lá rồi đấy à?
Tôi bật cười. Cách đây ba lăm năm Giang cũng đã nhẹ nhàng trách cứ như thế khi
phát hiện tôi núp dưới gậm cầu thang hút trộm thuốc của bố.
Trong bóng tối, gương mặt Giang lại trẻ như hồi nào... Và tôi cũng thế. Bởi vì
thời gian càng nhích sâu vào trời khuya để đến với ngày mai thì chúng tôi càng
về gần hơn với Hà Nội những đêm xưa, với Hà Nội trong vắt lúc không giờ. Về gần
hơn với bạn bè một lứa bên trời, về gần hơn với tình yêu ban đầu, về gần hơn với
tuổi thơ non dại. Sinh ra, lớn lên, rồi làm lụng, rồi chiến đấu và hy sinh cho
thành phố này, thế hệ chúng tôi được hưởng phép mầu của nó, trở thành một thế hệ
mãi mãi tuổi thanh xuân của một thành phố trẻ trung vĩnh hằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét