Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Những vệt trầm tích văn hóa đan cài trong bài thơ "Đất nước" của Mạc Phong Tuyền

Những vệt trầm tích văn hóa đan cài trong
bài thơ "Đất nước" của Mạc Phong Tuyền

Mở đầu bài thơ và cũng là điểm nhấn đầu tiên cho cả bài là điệp ngữ “Tôi viết về…” xuất hiện như một xác quyết dõng dạc kiểu tuyên bố rằng là như thế, nghe vừa trịnh trọng vừa khoan thai đĩnh đạc. Tiếp đó, câu chữ Mạc Phong Tuyền rê qua nhiều lớp lang và mở dần biên độ, từ cá nhân, đến gia đình, rồi lên dần đến tầm vóc quê hương và vút vào bung tỏa ra thành hình tượng Tổ quốc.
Rõ ràng, tác giả đã rất có chủ ý đan cài văn hóa khi viết về đất nước. Một sự khoanh vùng khá ấn tượng. Bởi thế, hình tượng tổ quốc như lớn dần lên theo sự xếp đặt tương đối bài bản và trật tự sắc thái nghệ thuật mang màu sắc riêng. Một sự trừu tượng được chi tiết và hình ảnh hóa nên đọc “Đất nước” chúng tôi có cảm tưởng như đang được xem một bộ phim tài liệu nói về tổ quốc của một người yêu thương đất nước đến tận cùng.
Nhà phê bình Khang Quốc Ngọc
Viết về đề tài lớn và khô nhưng đã được tác giả làm cho mềm hóa bằng ngôn ngữ thơ tự nhiên, giàu thi ảnh. Đó là những không gian tế bào xã hội tạo ra đất nước. Đây là thành công đáng ghi nhận của tác giả. Cảm xúc mềm mại và lí trí mạnh mẽ đan cài cứ sáng trưng lên trong bài thơ là những dấu hiệu cho tiếng thơ độc đáo Mạc Phong Tuyền. Lời thơ không hề có ý giải thích mà lại nghe như đang giải thích, cái có được đặt trong cái thế không như thế, nghe vừa mềm vừa lạ, nền nã thuyết phục trong một giọng điệu tự nhiên bản thể. Điều ấy đã đẩy tiếng thơ anh tiệm cận chân lí: Đất nước sống mãi trong văn hóa dân tộc.
Đầu tiên, hình tượng đất nước được hiển lộ qua vài nét về văn hóa làng. Một làng quê hiện ra với những hình ảnh đặc thù của một vùng nông nghiệp làng xã thân quen “Tôi viết về người đàn bà chờ tôi ở rịa làng/ Nơi con rô đồng lách bùn hoa thành rạch/ Nơi con thuyền nan dũi đất thành ngòi/ Và bầm đỏ loài hoa không nõn hạt mùa chiêm nhưng người ta đặt tên là hoa gạo…”. Giọng thơ nhẹ nhàng từ tốn mà sâu sắc. Những hình ảnh “người đàn bà chờ tôi ở rịa làng”, “con rô đồng lách bùn hoa thành rạch”, “con thuyền nan giũi đất thành ngòi” đã vẽ lên sự sinh hoạt đồng áng sống động một thời khá quen thuộc của người nông dân Việt Nam. Ở đó còn có sự thăng hoa cảm xúc của người lao động chân lấm tay bùn “loài hoa không nõn hạt mùa chiêm nhưng người ta đặt tên là hoa gạo…”. Những từ ngữ tương đối xa lạ đặt liền nhau trong cái thế phủ định đã tạo ra sự va đập ngữ nghĩa rất lạ, dường như cái tên “hoa gạo” kia cứ là phải tôi rèn sau một quá trình “bầm đỏ loài hoa” nên mới được mang tên như vậy? Nó gợi ra cả một quá trình khai nở và trưởng thành đầy vất vả hệt cây lúa lớn lên từ bàn tay người lao động gieo trồng cần mẫn. Không gian ý thơ được mở rộng dần biên độ, đi từ hình ảnh “con rô đồng lách bùn hoa thành rạch” lên cao hơn “mũi thuyền dũi đất thành ngòi” rồi trụ lại ở hình ảnh “hoa gạo” gắn với quá trình tựu thành thì dĩ nhiên đó là một sự tịnh tiến đi lên khá độc đáo. Do vậy, đoạn đầu dường như đã khái quát được ý thơ toàn bài. Qua đó, đất nước là một quá trình tác tạo và thăng hoa của cả một dân tộc lao động không ngừng nghỉ suốt dọc dài thời gian lịch sử.
Bốn khổ thơ tiếp theo Mạc Phong Tuyền đi vào khai thác hình tượng “đất nước” ở khía cạnh gia đình, bạn bè. Ở đó có hình ảnh tần tảo vượt qua sự nghèo khổ của mẹ ta “mẹ tôi bữa cháo rau lang nước nhiều hơn cái/ Chiếc áo ba lần chồng nếp vá vai”; Ở đó có sự vất vả bươn chải của bố ta nhưng lại được nhìn qua con mắt thi vị hóa cho mềm nỗi đau nghèo nàn như vốn dĩ kia đi “cha tôi mỗi đêm canh hai vác dậm/ Vớt nhầm ánh trăng lủng lẳng giỏ đeo về”; Ở đó có anh tôi sớm phải sống trong cảnh vắng cha vắng mẹ để học hỏi rồi lớn dần theo tự nhiên và thích ứng cách lao động mà tồn tại “anh tôi dãi mũi quẹt trưa hè/ Phỏng chân lội đồng mùa cua ngồng nước bỏng”; Ở đó có chị tôi cũng sớm phải thích nghi với cuộc sống cực khổ mà tần tảo như mẹ “chị tôi khoác áo tơi chung chiêng chiều bão động/ Tất tả vén nong tằm trỗi đổ bên nhà”; Ở đó có em tôi cố gắng đeo theo cái chữ trong tuổi hồn nhiên như trái na căng tròn mở mắt ngơ ngác để may ra mà thoát được cảnh nghèo “em tôi bàn chân trần thâm buốt buổi học xa/ Tháng tám mùa na căng trái tròn mở mắt”. Và ở đó còn có bạn tôi đang tuổi ăn tuổi phá đặt trong một hình ảnh thơ sống động, long lanh kí ức tuổi hồn nhiên tinh nghịch “bạn tôi trèo vườn cau hái tổ chim chằn chặt/ Chiếc nón bung quai che úp nửa nụ cười”. Để rồi tất cả như được gom tụ lại trong một đoạn thơ rất đẹp, đẹp đến long lanh “Tôi viết về những con người lũi lầm một nắng hai sương/ Thật thà như hạt ngô rang như củ khoai vùi hôi hổi chiều vội nướng/ Tôi viết về con trâu kéo mùa ấm no tràn qua từng thửa ruộng/ Vàng cuộng rơm thơm tỏa nắng trên môi người”.
Bước dần xuống phía dưới bài, chúng tôi bắt gặp ý thơ được mở rộng ra bằng một giọng thơ tỉnh thức nhưng vẫn rất ngọt trong nhiều thi ảnh nhân cách hóa “Tôi viết về quê hương/ Mịn màng con sông trỗi lòng thương cá đớp/ Con đê còng lưng gánh hai đồi cỏ ngợp/ Đội những mầm cây tỉnh giấc hôn mặt trời”. Vẫn là lao động đấy nhưng là lao động quẫy đạp trong sự bừng thức của lí, của giác “đội những mầm cây tỉnh giấc hôn mặt trời”. Nếu ở đoạn trên là vẻ đẹp lao động gói trong những hình ảnh cá nhân lầm lũi thì đến đoạn này đã có sự khác biệt, vẻ đẹp kia hướng lên cái khái quát, cái lớn lao, cái sự sống trường tồn. Nói thế để thấy, cuộc sống qua con mắt thi nhân là vẻ đẹp vươn dậy, là cái nhìn “ngước lên cao” (Paul Nguyễn Hoàng Đức), luôn hướng lên ánh sáng để hòa hợp, sinh tồn và trưởng thành. Ý thơ mở rộng như cái nhìn cuộc sống vốn dĩ thế. Lầm lũi là đáng trân trọng nhưng lầm lũi không thể chỉ quẩn quanh, lầm lũi phải bước tới và ngẩng cao đầu lên. Đất nước là vậy, đất nước không thể chỉ loanh quanh ao làng để rồi mãi giới hạn trong một lằn ranh “tự sướng” mà quên đi sự vươn vai xứng tầm!? Lời thơ như bày tỏ một ước mơ lớn lao về đất nước: Đất nước phải được cất cánh trong một tâm thế đã sẵn sàng bung tỏa! Đất nước phải kế thừa và trỗi dậy từ trong tất cả những sự cộng hưởng văn hóa mà tựu thành.
Bởi thế, giọng thơ trầm lại như đang lắng suy kiểu tự vấn, đất nước tôi đi lên từ đâu? Đất nước tôi đâu chỉ đi lên từ ruộng đồng bờ bãi, từ sự chăm chỉ lầm lũi lam lũ của làng tôi, của gia đình bạn bè tôi, mà đất nước tôi còn phải đi lên từ trong mọi nhẽ của truyền thống: “Tôi viết về tổ quốc của tôi/ Ẩn ức, linh thiêng bốn ngàn năm có lẻ/ Xương máu tổ tiên đắp nên thành lũy/ Bể bắc trời nam trăm trứng tiên rồng…”. Lịch sử và truyền thống là bệ phóng không thể thiếu cho một đất nước. Bệ phóng đó cần phải được đặt đúng vị trí đa chiều như vốn dĩ cuộc sống “ẩn ức, linh thiêng” trong suốt dọc dài lịch sử. Không gian và thời gian được mở ra cho hình tượng đất nước tựu thành đến vô cùng “bốn ngàn năm có lẻ/ xương máu tổ tiên đắp nên thành lũy/ bể bắc trời nam trăm trứng tiên rồng…”. Sự hòa quyện huyền sử vào lịch sử, ẩn ức chêm xen vào linh thiêng đã tạo nên giá trị thiêng liêng cho tổ quốc. Một giá trị hằng hữu bất di bất dịch.
Bằng một giọng thơ tự nhiên giàu sự chiêm nghiệm, Mạc Phong Tuyền đã đem đến cho văn đàn Việt Nam một hình tượng đất nước của riêng mình như những vệt trầm tích văn hóa đan cài. Mọi nền tảng làm bệ phóng đều được anh trưng ra với một dung lượng vừa phải đủ để tạo tác, hiển lộ và thăng hoa, thêm cái nhìn nhiều chiều nên đã tránh được sự hô hào kiểu gồng gánh khiêng đất nước lên từ một phía mà hào hển vỗ về. Do vậy, hình tượng đất nước trong thơ anh vừa gần gũi thân thiện vừa thiêng liêng cao quý; vừa bình dị vừa cao sang; vừa gần vừa xa… thật đáng trân trọng!.
ĐẤT NƯỚC
Thơ Mạc Phong Tuyền
Tôi viết về người đàn bà chờ tôi ở rịa làng
Nơi con rô đồng lách bùn hoa thành rạch
Nơi con thuyền nan dũi đất thành ngòi
Và bầm đỏ loài hoa không nõn hạt mùa chiêm nhưng người ta đặt tên là hoa gạo…
Tôi viết về mẹ tôi bữa cháo rau lang nước nhiều hơn cái
Chiếc áo ba lần chồng nếp vá vai
Tôi viết về cha tôi mỗi đêm canh hai vác dậm
Vớt nhầm ánh trăng lủng lẳng giỏ đeo về
Tôi viết về anh tôi dãi mũi quẹt trưa hè
Phỏng chân lội đồng mùa cua ngồng nước bỏng
Tôi viết về chị tôi khoác áo tơi chung chiêng chiều bão động
Tất tả vén nong tằm trỗi đổ bên nhà
Tôi viết về em tôi bàn chân trần thâm buốt buổi học xa
Tháng tám mùa na căng trái tròn mở mắt
Tôi viết về bạn tôi trèo vườn cau hái tổ chim chằn chặt
Chiếc nón bung quai che úp nửa nụ cười
Tôi viết về những con người lũi lầm một nắng hai sương
Thật thà như hạt ngô rang như củ khoai vùi hôi hổi chiều vội nướng
Tôi viết về con trâu kéo mùa ấm no tràn qua từng thửa ruộng
Vàng cuộng rơm thơm tỏa nắng trên môi người
Tôi viết về quê hương
Mịn màng con sông trỗi lòng thương cá đớp
Con đê còng lưng gánh hai đồi cỏ ngợp
Đội những mầm cây tỉnh giấc hôn mặt trời
Tôi viết về tổ quốc của tôi
Ẩn ức, linh thiêng bốn ngàn năm có lẻ
Xương máu tổ tiên đắp nên thành lũy
Bể bắc trời nam trăm trứng tiên rồng…
Sài Gòn, 12/2/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...