Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Dòng chủ lưu của thơ Hà Nội hôm nay

Dòng chủ lưu của thơ Hà Nội hôm nay

Nhân có Hội thảo về thơ Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Việt chiến có nhắn tin bảo tôi viết hai trang về thơ Hà Nội trong sức sống của dòng chảy thơ châu thổ sông Hồng. Đó là một đề tài rất hay, rất hấp dẫn nhưng thành thật mà nói là rất khó. Vì thế, tôi nghĩ rằng tốt nhất là mình nên viết đôi điều về dòng chủ lưu của thơ Hà Nội hôm nay.
Lâu nay, khi nói về một nền thơ, về một vùng thơ người ta hay đi tìm đỉnh của nền thơ, vùng thơ ấy. Nhưng thế nào là đỉnh của một nền thơ. Đỉnh của một vùng thơ. Cũng giống như thế nào là thơ hay. Thế nào là thơ mới. Thế nào là thơ cũ. Đó là những khái niệm mù mờ, thật khó xác định, nói về nó là võ đoán. Cho đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng nào về các vấn đề này.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Ta thấy giai đoạn nào cũng có một vài nhà thơ được tôn vinh nhưng thơ của họ có hay thật không. Có sống được với đời sống hay không. Có giá trị gì về văn chương hay không. Hay chỉ có giá trị ngoài văn chương. Hay đó chỉ là cách đánh giá của một vai người có vai trò nào đó. Thậm chí, đó chỉ sự thổi phồng hết sức hồn nhiên của một vài cây bút phê bình ”trực chiến”, phê bình vặt, phê bình thông tấn hưởng lương ở một vài nhật báo, nguyệt san. Đọc lại các đánh giá hàng năm, xem lại các giải thưởng thường niên chợt thấy có cái gì đó thật khôi hài.
Nhiều người làm thơ, trong đó có tôi, hăm hở đi tìm cái khác, cái mới cho thơ mình. Ý là muốn tạo ra sự khác biệt với các nhà thơ khác. Nhưng muốn là một việc. Còn làm được hay không lại là chuyện khác. Theo quan sát của tôi, đa số các nhà thơ của chúng ta không mấy người quan tâm đến chuyện thơ mới hay cũ, thơ khác hay không khác. Với các nhà thơ thơ là thơ. Đơn thuần là họ làm thơ để giãi bày tâm tư tình cảm của mình, để chia sẻ cùng mọi người, để tỏ nỗi lòng mình trước cuộc đời, trước nhân thế, để giải phóng năng lượng cá nhân. Các nhà thơ có quan niệm về thơ rất khác nhau. Vì thế, các tác phẩm thơ ra đời cũng có số phận rất khác nhau.
Một tác phẩm thơ ra đời sẽ rơi vào 1 trong 3 tình trạng: 1) Được đông đảo bạn đọc đón chào nồng nhiệt; 2) Chia đôi độc giả một nửa phê phán một nửa tụng ca; 3) Không ai nói gì. Điều này dễ hiểu. Tình trạng này phản ánh thực trạng về độc giả hôm nay. Đối với tác phẩm được đông đảo ca ngợi nghĩa là tác phẩm ấy ngang tầm bạn đọc đương thời. Đó là bạn đọc số đông, bạn đọc bình dân, bạn đọc của thời nay. Những cuốn sách ăn khách chính là những cuốn sách đã may mắn gặp được nhóm bạn đọc này. Đối với tác phẩm chia đôi độc giả đó là tác phẩm phù hợp với nhóm độc giả này và không phù hợp với nhóm độc giả khác. Có thể nhóm phản đối là tinh hoa, nhóm tụng ca là bình dân, nhưng cũng có thể ngược lại, nhóm phản đối là bình dân và nhóm tụng ca là tinh hoa. Tùy vào nhóm phản đối hay tụng ca mà biết được thực chất giá trị của tác phẩm này. Đối với tác phẩm không ai nói gì. Hoặc là tác phẩm ấy quá tầm thường không ai thèm đọc, không có gì để nói. Hoặc là tác phẩm ấy quá cao siêu không phải của bạn đọc hôm nay. Nên có đọc cũng không dám nói gì. Trong ba loại tác phẩm trên thì loại không ai nói gì là loại tác phẩm bi kịch. Là bi kịch nhưng thời nào cũng có loại tác phẩm này. Không phải tất cả những tác phẩm này đều vô giá trị. Trong những tác phẩm ấy có thể đa số thực sự bị lãng quên. Nhưng cũng có những tác phẩm hôm nay bị xem là vớ vẩn nhưng ngày mai lại được xem là kiệt tác.
Dĩ nhiên, bên cạnh ba loại tác phẩm nêu trên, vẫn còn nhiều loại tác phẩm đặc thù khác. Đó là tác phẩm viết ra nhưng không được cấp giấy phép xuất bản. Đó là loại tác phẩm viết ra và có giấy phép xuất bản những lại bị cấm phát hành. Đó là loại tác phẩm in ra rồi nhưng lại bị thiêu hủy… Những trường hợp đặc thù này nhìn chung không có cơ hội đến với đọc giả hôm nay, nên cũng khó phán xét là hay hay dở, vì thế xin không đề cập ở đây.
Mấy chục năm qua, thơ Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, chưa bao giờ chúng ta có nhiều thành tựu về thơ như hiện nay. Rất nhiều thành tựu nhưng cơ bản là thuần nhất, đồng điệu và giản đơn. Có thể phân thành 2 trường phái. Đó là thơ chính trị và thơ dân dã với hai chủ soái là Tố Hữu và Bút Tre. Gọi là hai trường phái cho sang chứ thực ra chả có trường phái nào. Hai trường phái nhưng cả hai cùng có đối tượng bạn đọc chung là quần chúng nhân dân. Cả hai có nhiệm vụ chung là tuyền truyền chính trị, tụng ca lãnh tụ, ngợi ca đời sống mới.
Gọi là hai trường phái chứ thực chất chỉ là một dòng chảy nhưng dãn ra thành hai cực. Giữa hai cực chính trị và dân dã chính là dòng chảy chính của thơ Việt Nam mấy chục năm qua. Đó là nơi giao nhau giữa thơ chính trị và thơ dân dã, thơ của quan và thơ của dân. Một đằng cao giọng cổ vũ chính trị và ngợi ca lãnh tụ, một đằng thì thủ thỉ, véo von ngợi ca đời sống thường nhật với hiếu hỉ buồn vui. Ở nơi này, lúc này thì thơ chính trị được tôn vinh, ở lúc khác, nơi khác thì thơ dân dã được tôn vinh. Thực ra, chưa bao giờ có sự phân chia rạch ròi giữa thơ chính trị và thơ dân dã. Thơ chính trị, kể cả tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng cũng rất dân dã bình dân và thơ dân dã cũng rất nhiều bài ca ngợi lãnh tụ hay tuyên truyền chính trị cũng rất cao giọng, lập trường vững vàng, khẩu khí anh hùng ca.
Dòng chủ lưu của thơ Việt Nam nói chung, thơ Hà Nội nói riêng mấy chục năm qua và hiện nay chính là thơ dân dã và thơ chính trị. Xét dưới góc độ khái niệm triết học có thể gọi là thơ Chính trị dân dã hay thơ Dân dã chính trị. Chính trị trước hay Dân dã trước, tùy thuộc vào đặc điểm thơ và cá tính sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Dù thế nào thì nó chính là thực thể thơ nằm giữa thơ Bút Tre và thơ Tố Hữu. Nghĩa là nằm trong ”từ trường” thơ vừa chính trị vừa dân dã. Đó là một dòng chảy cuồn cuộn, mạnh mẽ nhưng lại rất ngọt ngào, hài hòa, véo von, hấp dẫn. Thơ ấy rất hữu dụng có thể ngâm được, đọc diễn cảm được, hát được. Nó vẫn gắn bó mật thiết với đời sống chính trị đất nước, nhưng chủ yếu lại gắn liền với tâm tư, tình cảm đời sống thường nhật của mọi người. Ngày nay ta thấy, rất ít tác giả viết hoàn toàn ngô nghê, môn na, mách qué như theo kiểu Bút Tre. Cũng rất ít tác giả viết kiểu hô hào, cổ vũ chính trị thô thiển như Tố Hữu.
Chúng ta đang có một nền thơ rất đông đảo và bền vững rất vừa tầm với bạn đọc, rất vừa tầm với các nhà phê bình văn học hôm nay. Chính đời sống thơ ca phong phú, đa dạng này đã tạo ra một thế hệ các nhà phê bình mới rất ngang tầm. Tôi thấy thơ của Hà Nội hiện nay có rất nhiều bài thơ hay, câu thơ hay và có nhiều tác giả viết thật giản dị nhưng lại rất mới lạ và hấp dẫn. Hà Nội có hàng trăm câu lạc bộ thơ. Đơn vị, tổ chức nào cũng có câu lạc bộ thơ. Phương xã nào, tổ dân phố nào cũng có các câu lạc bộ thơ. Ngay ở tổ dân phố  nơi tôi ở cũng có Câu lạc bộ thơ tổ dân phố 26, do nhà thơ nổi tiếng Bế Thị Xong làm chủ nhiệm. Mấy năm nay tôi tham gia sinh hoạt thơ ở câu lạc bộ này và học hỏi được rất nhiều điều. Do ảnh hưởng của Câu lạc bộ thơ tổ dân phố mà thơ tôi hầu như đã thay đổi hẳn.
Ta thấy, ở đâu cũng có người làm thơ. Gần đây, rất nhiều tác phẩm thơ của các nhà thơ câu lạc bộ phường, xã, tổ dân phố đạt giải cao trong các cuộc thi thơ của các tờ báo, tạp chí văn nghệ tầm cơ quốc gia, các giải thơ hàng năm của các hội nhà văn, các hội văn nghệ. Rất nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội được kết nạp khi đang là các hội viên ưu tú của các câu lạc bộ thơ phong trào ở Hà Nội. Về điều này tôi không dám bình luận rằng các câu lạc bộ thơ phong trào ở Hà Nội đã trưởng thành hay Hội Nhà văn Việt Nam đã trưởng thành. Có một sự thật là các câu lạc bộ thơ hoạt động hết sức sôi nổi, các nhà thơ tham gia vô cùng nhiệt huyết, sự sinh hoạt được tổ chức chặt chẽ, bài bản và rất chuyên nghiệp. Đến tham dự các câu lạc bộ thơ sinh hoạt thường kỳ ta mới thấy sức sống vô cùng mạnh mẽ của thơ và đời sống thực sự của thơ Hà Nội. Ai nói thơ hiện nay khủng hoảng, thơ hiện nay không có bạn đọc thì chứng tỏ họ chưa bao giờ thâm nhập vào đời sống thực sự của thơ ở các câu lạc bộ thơ Hà Nội.
Chúng ta không thể đòi hỏi thơ phải thế này, thơ phải thế kia và phán rằng thơ hiện nay chỉ có nền mà không có đỉnh. Đó là những suy nghĩ chủ quan của những người không làm thơ, của sự hiểu biết hạn chế, nông cạn về thơ và của những nhà phê bình vặt, phê bình nghiệp dư. Khi anh không trả lời được câu hỏi thơ là gì. Thơ hay là gì. Thơ mới là gì. Đỉnh thơ là gì thì anh không thể nói gì về thơ. Thơ phải gắn liền với đời sống. Đó có thể là đời sống của giới tinh hoa cũng có thể là đời sống của giới bình dân. Với thơ thì giới tinh hoa hay giới bình dân cũng đều bình đẳng như nhau. Mỗi giới có những quan niệm khác nhau về thơ không thể lấy chuẩn mực về thơ của giới này để đánh giá chuẩn mực về thơ của giới khác. Vì vậy, không thể nói thơ có nhiều bạn đọc là thơ có nhiều giá trị, còn thơ có ít bạn đọc là thơ ít giá trị. Cũng như làm sao có thể dám nói một câu đơn giản rằng thơ của người này hay còn thơ của người kia dở.
Nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận khuynh hướng tìm tòi, đổi mới thơ Hà Nội và thơ cả nước nói chung. Không ai có thể phủ nhận được thơ của các nhà thơ tiên phong tìm tòi và đổi mới thơ nếu thơ của họ hay, tạo ra sự khác biệt và có giá trị đích thực. Tìm tòi, đổi mới, tạo ra sự khác biệt và bứt phá thoát khỏi sức hút của nền thơ hết sức đông đảo vừa cuồn cuộn, mạnh mẽ vừa ngọt ngào, véo von hấp dẫn hiện nay không phải là chuyện đơn giản. Muốn làm được việc đó nhà thơ phải thực sự có nội lực, có vốn kiến văn dồi dào, có nghị lực phi thường và có bản lĩnh cao siêu. Không có bản lĩnh sẽ bỏ cuộc bởi sự phê phán của các nhà phê bình bình dân, bởi sự thờ ơ lạnh nhạt của độc giả, bởi sự ghen ghét, đố kỵ, hãm hại của những nhà thơ đồng thời.
Nhìn lại thành tựu thơ của chúng ta mấy chục năm qua chính là thành tựu của nền thơ được xây dựng bởi đặc trưng vừa chính trị vừa dân dã. Đó là thơ chính trị dân dã hoặc thơ dân dã chính trị. Mọi giải thưởng văn chương về thơ đều trao cho những tác phẩm đỉnh cao của loại thơ này. Tác phẩm được trao giải nếu không đặc sắc kiểu thơ Bút Tre thì cũng đặc sắc kiểu thơ Tố Hữu. Hoặc là đặc sắc bởi cả hai. Trong đa số các nhà thơ Hà Nội hôm nay cơ bản ta vẫn thấy lấp ló bóng dáng của Tố Hữu và Bút Tre. Chính họ – các nhà thơ chính trị dân dã hay dân dã chính trị, đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo ra dòng chủ lưu của thơ Hà Nội hôm nay. Có thể khẳng định một đội ngũ các nhà thơ hết sức đông đảo, tràn trề nhiệt huyết, vô cùng đắm đuối với thơ của Hà Nội đang sáng tạo ra một nền thơ vừa vô cùng sôi động, mạnh mẽ, vừa ngọt ngào, véo von, dịu dàng hấp dẫn rất hợp với đông đảo bạn đọc hôm nay.
8/6/2020
Nguyễn Linh Khiếu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...