Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Nhà thơ Trần Hữu Thung và những chuyến "Đi thực tế" độc đáo

Nhà thơ Trần Hữu Thung và
những chuyến "Đi thực tế" độc đáo

Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26.7.1923 ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và mất năm 1999 ở quê nhà, tác giả gần 20 tác phẩm đã xuất bản, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, được biết đến nhiều với bài thơ “Thăm lúa” nổi tiếng. VHSG xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà thơ Võ Văn Trực về những kỷ niệm sâu sắc với nhà thơ Trần Hữu Thung.
Nhà thơ Trần Hữu Thung (1923-1999)
Năm 1958, ra Hà Nội học đại học, người đầu tiên tôi tìm gặp là nhà thơ Trần Hữu Thung ở 73 phố Thuốc Bắc. Đây là ngôi nhà tập thể của Hội Nhà văn. Kiến trúc hình ống, dùng cót ngăn ra nhiều phòng. Cụ Phan Khôi ở phòng trong cùng, lần nào đến tôi cũng thấy cụ nằm đọc sách quay ra cửa sổ…
Phòng Trần Hữu Thung ở rộng chừng mười mét vuông. Đồ đạc bày biện sơ sài. Hai cái giường cá nhân. Tấm ván kê làm bàn. Vài chục cuốn sách. Nồi niêu, bát đĩa để ở góc phòng. Một hòm gỗ đựng quần áo… Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc được gần ba năm, đời sống còn chật vật.
Tôi thấy điều kiện sinh hoạt và phong cách anh Thung không khác bao nhiêu so với hồi còn ở quê Nghệ An. Anh vẫn mặc bộ quần áo nâu, đạp cái xe cọc cạch đi ra đường phố. Mấy đứa em họ học đại học ở Hà Nội, chủ nhật nào cũng đến, đem cái xe đạp của anh ra hè phố, lau dầu, xiết ốc, lên nan hoa, cân vành… rồi quét dọn nhà cửa.
Tôi đến chơi với anh thân tình như một đứa em. Có hôm anh đi vắng, tôi cũng lách cửa vào ngồi học. Cửa không có khóa, chỉ ngoắc một cái que thép. Nếu ai đi vắng thì nhờ người ở phòng bên cạnh trông hộ. Vả lại, có lẽ bọn kẻ cắp biết các nhà văn chẳng có tiền nong, vàng bạc, nên cũng chẳng lẻn vào.
Ba tiếng “đi thực tế” hầu như đã trở thành một thuật ngữ trong ngành văn học nghệ thuật của nước ta. “Đi thực tế” có nghĩa là rời khỏi cơ quan, rời khỏi gia đình, đi về một địa phương nào đó, một cơ sở sản xuất, một đơn vị quân đội nào đó để tìm hiểu cuộc sống và tự cải tạo mình.
Anh Thung hay dùng cụm từ “đi thực tế”. Anh là nhà thơ gắn bó máu thịt với ruộng đồng và bà con nông dân, thích tham gia công việc đồng áng và các hoạt động tập thể dân dã. Hồi còn ở Nghệ An, thỉnh thoảng anh lại rủ tôi “đi thực tế”. Thấy anh mang cái lưới và nói “ta đi thực tế” là biết anh đi đánh cá. Thấy anh cầm cái thuổng, mang cái giỏ tre và nói “ta đi thực tế” là biết anh đi đào lươn. Khi đã nghỉ hưu, ở với vợ con tại Khu tập thể Bệnh viện Diễn Châu, dăm bảy ngày anh lại đạp xe hai mươi cây số vào rừng thông Cầu Cấm vơ lá thông khô về làm củi đun, anh gọi là “đi thực tế rừng thông”. Lúc trở về, sau xe chở một sọt tre đựng đầy ắp lá thông khô. Cái khoản “đi thực tế” này thì tôi chỉ biết chứ không theo anh được.
Một đêm tháng ba, trời nổi sấm chớp và sắp đổ mưa rào. Anh thức dậy, hăm hở đi tìm giỏ tre và tìm củi để làm đuốc. Tìm củi ở đâu giữa đêm khuya? Anh nhanh trí ra bờ rào nhổ mấy cọc tre khô, đập dập ra rồi bó lại. Anh vừa làm vừa nói: “Mưa rào mùa này ếch ra nhiều lắm, ta đi thực tế bắt ếch”… Cơn mưa vừa tạnh, anh mang giỏ và đốt đuốc chạy ra đồng. Cả cánh đồng sáng chưng ánh đuốc như đêm hội hoa đăng. Tiếng người gọi nhau, tiếng ếch ì oạp.
Mấy đứa trẻ biết nhà thơ Trần Hữu Thung cũng đi bắt ếch, chúng gọi một cách thân mật: “Bác Thung ơi, ở đằng này nhiều ếch lắm…”; “Bác Thung ơi, có mấy cặp vợ chồng ếch đang roặp nhau…”; “Bác Thung ơi, có hai con đang ngồi trương mắt ếch ở dưới cồn kia kìa…”. Vui như đêm hội… Lúc trở về, anh dốc giỏ tre đổ ếch vào nồi bộng (một loại nồi đất to), rồi úp kín: “Ta đi ngủ đã. Mai làm thịt. Thịt ếch tháng ba mà xào với cà non tháng ba, nhắm với rượu, sướng hơn tiên…”. “Xào thì phải có mỡ, anh có mỡ rồi à?”. “Ầy!”. “Cà thì phải ra chợ mua à?”. “Ầy!”. “Mùa này nhiều cà lắm, ta sang hàng xóm xin cũng được”. “Ầy!”. “Quá khuya rồi, anh em ta đi ngủ, mai dậy sớm làm thịt ếch”. “Ầy!”… Tôi nằm chập chờn, niềm vui nhảy nhót trong giấc ngủ cùng với tiếng ếch lục bục trong nồi bộng…
Những ngày hòa bình mới lập lại, ở Hà Nội, anh Thung vẫn giữ thói quen “đi thực tế”.
Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, anh lại rủ tôi “ta đi thực tế đền chùa”. Tôi đi theo anh lần lượt đến các ngôi đền ngôi chùa lớn ở Hà Nội: Voi Phục, Quán Thánh, Bạch Mã, Đồng Cổ, Kim Liên, Chân Tiên, Võng Thị, Bà Đá, Hàm Long… Anh giỏi chữ Hán, đến đâu anh cũng giảng và đọc cho tôi nghe câu đối, hoành phi. Thấy anh đi lại với thái độ thành kính, có cụ từ đưa thần phả cho anh đọc và mời anh dâng hương, lúc ra về còn mời anh hưởng lộc Thánh.
Sau một thời gian “đi thực tế đền chùa” trong nội thành, anh mở rộng “địa bàn thực tế” ra các vùng ngoại thành. Nghe nói ở Sơn Tây còn giữ được vòng thành cổ, anh sung sướng như trẻ nhỏ được mẹ đi chợ về cho quà bánh. Anh đã có sẵn cái xe đạp cọc cạch. Tôi mượn chiếc xe đạp của người bạn cùng lớp. Hai anh em đạp xe đi bốn chục cây số để tận mắt xem bức thành cổ. Mê mải quá, trời sắp tối mới ra về. Đến Mía, ngồi nghỉ ở quán nước, nghe mấy cụ già nói về sự linh thiêng của đền Và, anh háo hức: “Ta vào đền Và”. Trời đã hoàng hôn và đang chuyển giông. Tôi hơi lo. Đường về Hà Nội còn xa. Nhưng cũng đành phục tùng mệnh lệnh của anh… Cửa đền đóng. Hai anh em đi dạo trước tam quan, ra sau vườn, ngồi ở chân cột nanh ngắm đỉnh Ba Vì… Rồi lại ra quán nước, ăn bánh rán mỗi người ba chiếc. Đạp xe về trong đêm…
Năm 1965, anh Thung về quê để chuẩn bị thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An và bắt đầu một chuyến đi thực tế lâu dài.
Năm 1967, anh ra Hà Nội hơn một tháng để viết tập bút ký “Vinh rực lửa”. Hội Nhà văn bố trí cho anh một căn phòng nhỏ ở 65 Nguyễn Du. Thỉnh thoảng tôi đến trò chuyện với anh. Một hôm, tôi bước vào cửa, anh đặt bút xuống và nói: “Ngồi viết mãi, mệt lắm. Mi có biết cái cơ sở nào hay hay ở ngoài này, ta đi thực tế vài hôm”.  Tôi đề xuất đi mấy nơi: Trường Bắc Lý, hồ cá Yên Duyên, nhãn lồng Phố Hiến. Mai đi!… Nhãn lồng là đặc sản lâu đời của Hưng Yên. Phố Hiến là một thương cảng từ thế kỷ XVII. Cả hai đều hợp với tạng của anh.
Hôm sau, để tránh máy bay oanh tạc, 5 giờ chiều, hai anh em mới khởi hành. Đi dọc đường số 1, đến thị trấn Đồng Văn, rẽ vào Duy Tiên, lần theo đường đất gồ ghề vào làng Chuyên Nội là nơi Trường cấp 3 Duy Tiên sơ tán. Vợ tôi dạy học ở đây.
Giữa thời buổi chiến tranh, gặp nhau bất ngờ, vui lắm. Mà lại gặp giữa đêm khuya càng vui. Sau bữa cơm đơn giản, vợ tôi nhìn chiếc giường, có vẻ băn khoăn: Cả gian phòng hẹp chỉ có một giường, bố trí anh Thung nằm đâu? Đã quen cuộc sống dã chiến, anh Thung hiểu ý, và thân mật đề xuất: “Cô giáo nằm trong cùng, thằng Trực nằm ở giữa, tao nằm ngoài”. Không có cách nào khác, đề xuất của anh Thung hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh ngặt nghèo này…
Đạp xe đi hơn bốn chục cây số, khá mệt, chúng tôi ngủ ngon. Sáng dậy đã thấy vợ tôi nấu cơm xong, và sắm sửa chu đáo bữa trưa cho hai anh em: Một gói cơm bọc lá chuối, một gói muối vừng, một bi đông nước, một con dao nhỏ để cắt cơm.
Hai anh em thong thả đạp xe, tiếp tục cuộc hành trình. Qua bến đò Yên Lệnh, tới thị xã Hưng Yên, như người háu ăn, anh Thung hỏi rối rít: “Phố Hiến đâu? Phố Hiến đâu? Phố Hiến đâu?…”. Phố Hiến chỉ còn lại trong tên gọi, và may mắn thay, còn lại “cây nhãn tiến” từ thuở thương cảng sầm uất đến bây giờ. Gọi là “cây nhãn tiến”, vì trước đây bà con nông dân hái nhãn ở cây này để tiến vua. Nghe tôi nói về sự tích “cây nhãn tiến”, gương mặt anh sáng lên một cách kỳ lạ. Đôi mắt mở to ngắm cây từ ngọn đến gốc, ngón tay anh run run sờ vào các u gỗ xù xì. Tôi có cảm giác anh vừa như nhà sử học vừa như nhà sinh vật học. Anh cởi trần, ngồi tựa lưng vào gốc nhãn và cà cà nhẹ khắp lưng, dường như để cái thiên nhiên cổ kính và kỳ thú này thấm mát da thịt. Rồi anh nâng ống điếu cày, vê nhè nhẹ sợi thuốc đặt vào nõ, xoè diêm, rít một hơi dài, ngửa cổ, nhả khói… Khó mà hình dung được niềm khoái cảm của anh trong giây phút này…
Về Hà Nội, một hôm, anh thình lình gặp tôi: “Mi có biết làng nào đang mở hội vật, ta đi thực tế hội vật cho khỏe người”. “Ngoài này thì nhiều làng mở hội vật, nhưng chỉ mở vào mùa xuân. Bây giờ sang mùa hạ, hết hội vật rồi” – Tôi nói.
Trần Hữu Thung là một đô vật nổi tiếng ở quê. Có lần đang ngồi trên bàn chủ tịch đoàn điều hành cuộc họp, bỗng có tin nhắn: Hội vật hôm nay trai làng thua cả rồi. Anh phải về dự giải để giữ lấy uy tín của làng… Thế là Trần Hữu Thung xin phép về, vào xới vật. Sau khi giật được giải quán quân cho làng, anh lại đạp xe lên tỉnh vào bàn đoàn chủ tịch tiếp tục điều hành cuộc họp…
Chắc ở Hà Nội, anh rất nhớ những keo vật và nhớ người cùng quê. Có lần, tôi sang 65 Nguyễn Du thăm anh giữa buổi. Tôi mở hé cửa, thấy anh đang mặc quần đùi đánh trần và như đang làm những động tác vật với đối phương: Cũng cài cánh gà, cũng léo lươn. Mồ hôi nhễ nhại. Hình như anh đang tưởng tượng vật với một người nào đó: Hai tay đang xe đài và đang lật ngửa đối phương… Thấy vui quá, tôi reo lên: “Hắn thua rồi! Vỗ bụng đi”. Anh đè “đối phương” nằm ngửa, tay phải vỗ bụng “đối phương”, đập bành bạch tay xuống nền nhà. Thấy thương anh quá, tôi lại reo lên: “Anh đang vật với ai đó? Không có hội vật đâu. Đây là Cơ quan Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du”. Anh vẫn chưa tỉnh cơn mê: “Hắn thua tau rồi. Tau vỗ bụng hắn rồi!”.
18/11/2022
Võ Văn Trực
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...