Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Núm ruột ở làng

Núm ruột ở làng

Dù trời vẫn đang lạnh nhưng tôi vẫn dậy từ rất sớm, háo hức trong chuyến về quê của cả nhà. Trên đường đi, vẫn còn nguyên lớp sương giăng tơ mơ màng, lóng lánh lên cây cỏ. Cảm giác chẳng bao lâu, con đường uốn cong ôm sát rặng tre xanh ven làng sẽ đưa tôi về đến nơi gìn giữ những kỷ niệm của một thời ấu thơ. Tưởng tượng từ xa, tôi sẽ nhìn thấy ngôi nhà chình tường lợp rạ của ông bà như đang bồng bềnh giữa những áng mây. 
Xuống xe, tôi ào vào ngôi nhà thân thuộc. Chưa kịp ngó nghiêng, đã nghe tiếng “về rồi hả con”. Tôi ôm chặt lấy ông, mọi thứ trong nhà ấm sực lên, đánh tan cái giá rét đã bám theo tôi suốt chặng đường dài.
Dưới bếp, bà nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại cời tro cho thông bếp khi đang đun một cái nồi to đùng. Đôi lợn trong chuồng ngửi thấy mùi thơm của nồi cám đang sôi, gõ máng đòi ăn inh ỏi, tiện thể chúng cũng báo thức luôn cho lũ trẻ hàng xóm mau thức dậy đi học.
Bất giác, tôi đưa tay nắn nắn ngón út, cái vết sẹo lõm nhắc tôi nhớ về thưở ấy, lần bị con cua có cái càng to tướng kẹp thật chặt, đau đến phát khóc trước sự cười giỡn của đám bạn… Đời người luôn như một cuốn phim quay chậm, khiến bất cứ ai cũng có thể đưa lòng mình trở về nơi có biết bao kỷ niệm.
Nhớ những lần lội bùn cùng các bạn, ào vào thửa ruộng bà đang gặt. Nhưng gặt đến đâu, bà đã tỉ mẩn nhặt nhạnh từng bông thóc gãy rụng đến đấy thì lấy đâu ra thóc để mót. Mấy đứa quay ra tranh nhau đuổi theo mấy con cào cào châu chấu. Bà đứng nghoẹo cổ, cầm cái liềm dứ dứ : Ai cho chúng mày xuống đây. Lên ngay không bùn làm bẩn hết cả quần áo bây giờ! Cả lũ chạy ré ra, xồ theo mấy con cào đang xòe tấm áo đỏ áo xanh, tranh nhau vồ lấy vồ để mà chả chộp được con nào. Rồi mấy đứa lại quay ra be bờ tạo thành một rãnh đón nước. Lũ cá đòng đong cân cấn theo dòng chảy dồn về một cái vũng vừa được vét rộng ra, bập bềnh sóng sánh những cái đầu bé xíu. Những bàn tay chụm lại, vốc nước chảy dần qua kẽ tay, trật ra mấy con cá be bé nhảy nhót tung tăng khiến cả lũ ồ lên thích thú. Áo quần loang lổ những bùn là bùn, nhưng đong đầy niềm vui trẻ thơ…
Chuồng lợn nằm kề bên vườn bưởi. Hai con lợn không cần biết đến người lạ hay quen, thấy tôi múc từng gáo cám đổ vào máng, chúng chả ngượng ngùng gì lao vào sốc máng tồm tộp, ăn ngon lành. Bà ngắm chúng say sưa, miệng cười rõ tươi: Cái nết ăn của hai con này ngoan quá, chóng lớn lắm đây.
Chẳng biết có nguồn năng lượng nào âm thầm hỗ trợ không mà mấy năm nay, vườn bưởi của ông bà tôi cứ mơn mởn đơm hoa kết trái. Mỗi lần về, lúc thì chùm hoa trắng ngần, lúc những quả chín vàng hươm nhưng lại luôn phả ra một thứ hương thơm da thịt thật lạ như níu giữ bước chân người ở lại. Đã nhiều lần bố ngỏ lời muốn đón ông bà nội lên thành phố ở, nhưng bà cứ nguây nguẩy: Bố mẹ không đi đâu cả. Anh cho bố mẹ ở đây, còn hương khói tổ tiên, còn phải giữ cái vườn này cho con cháu. Cũng nhiều lần bố muốn xây lại căn nhà cho ông bà, nhưng lần nào ông cũng nói: Anh chị cho bố mẹ giữ lại căn nhà với cái vườn này. Cứ để yên thế. Các cụ nhà mình phải quen đường mới về được chứ. Đang mải nghĩ lan man thì thấy bà vỗ vỗ lên vai tôi: Chịu khó về quê con nhé. Ông bà già rồi. Mà chỗ kia kìa, bà chỉ ra vườn bưởi, hạ thấp giọng: Đấy là nơi bà đã chôn núm nhau của mày lúc chào đời đấy con ạ. Cổ họng tôi bỗng nghèn nghẹn mà không nói nổi một lời.
Tôi bước vào vườn bưởi. Những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng len vào từng kẽ lá, ban mai bừng lên như được ướp thêm một mùi hương  của vạt lúa tháng mười. Nhìn ra xung quanh, làng quê tôi như được khoác lên mình một tấm áo mới vàng tươi của ngày mùa, thơm nức mùi rơm rạ.
22/3/2022
Lưu Thị Phụng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...