Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thu Phương: Phía tối

Truyện ngắn Nguyễn
Thu Phương: Phía tối

Nó mở cánh cửa quặt quẹo, mùi cống nồng nặc tanh tao quật vào mặt nó lợm giọng. Một con chuột to xù ghẻ lở chạy vụt qua, phơi hêu hếu những mảng da lở loét đỏ lòm, cái đuôi tuột lông trụi lủi. Nó nhăn mặt, gọi bằng cái giọng khê nồng đặc rè như tiếng gò tôn gỉ vì thức đêm và rít thuốc quá nhiều:
– Cho một cà-phê đen.
Người đàn bà ục ịch vội vã quay ngoắt lại, giọng đon đả nhạt nhẽo:
– Có ngay, có ngay.
Nó lừ đừ quay vào. Con Ngà nằm co quắp trên mảnh chiếu cáu bẩn xô lệch, chiếc áo ngủ hoa li ti nhàu nát nhăn nhúm như túm giẻ lau khoác hững hờ qua tấm thân gầy gò thảm hại. Cổ áo rộng phơi ra một khoảng ngực trần mỏng quẹt nhấp nhô theo nhịp thở. Nó thật sự ngạc nhiên khi thấy con bé gầy gò đến thế dưới ánh sáng ngày soi rõ từng hạt phiêu sinh bay quẩn trong không khí. Nó ngáp to chán chường, kéo cái chăn xộc xệch đậy lên những mảng da thịt hớ hênh phơi bày của con bé, vừa lúc bà ục ịch thản nhiên đẩy cánh cửa kẽo kẹt:
– Cà-phê để đâu, cậu?
Nó không thèm trả lời, hất nhẹ cái đầu lùi xùi nhuộm hai ba line mầu sặc sỡ rối bù. Bà hiểu ý, đặt đại xuống nền xi-măng vằn vện cái phin đang tong tỏng chảy thứ nước bột bắp rang cháy hứng bằng cái ly dày cộp có quệt chữ thập sơn đỏ làm dấu. Và thụt ra, sập cửa. Nhưng liền lập tức cửa lại mở toang, cái đầu to tướng thò vô, bộ mặt cầu thân:
– Xíu nữa tôi quên, hồi nãy bà chủ có ghé, nhắn cô cậu nhớ đóng tiền nhà. Lố ba tháng rồi, để lâu phiền lắm…
– Tôi biết rồi, cám ơn. – Nó hơi sẵng.
Nhà văn Nguyễn Thu Phương
Nó ngồi bệt bên ly cà-phê, toài chân đá nhẹ vào cẳng chân mảnh dẻ khác nào cây gãi lưng bằng nhựa của con Ngà:
– Vẫn chưa muốn dậy à?
Con bé trở mình, giọng ngái ngủ:
– Dậy làm gì?
– Gọi điện thoại cho mẹ để hẹn gặp. – Câu này nó nói rất ngọt. Nó vẫn thường có kiểu hạ tông mỗi lần cần nhờ vả con bé.
– Sao anh không tự gọi đi?
Con bé uể oải ngồi dậy, bộ mặt nhăn nhúm y chang cái áo ngủ đang khoác trên mình. Nó không trả lời, chậm rãi bỏ đường vào cà-phê rồi chậm rãi nhâm nhi như một tay ghiền chính hạng. Con bé mở mắt nhìn nó, tay kia dụi lia tay này gãi cuống. Sao mà nó chán thế, chán cho tình cảnh mình, chán đến buồn nôn, chán còn hơn lúc nãy mắt vô tình hốc phải con chuột ghẻ xấc láo. Con Ngà khi phấn son ngất trời, áo quần tóc tai trưng diện hợp mốt, cùng nó đánh xe tung tẩy phấp phới trên đường hay nhảy nhót cuồng loạn trong các bar đèn đóm rực rỡ, nhạc nhẽo xập xình chát chúa điên loạn trông cũng đỡ. Còn như bây giờ, con bé lồ lộ ra một vẻ bệ rạc, nhàu nhò như món đồ đồng nát. Đọc được ánh coi thường trong mắt nó, con bé tuột ra khỏi cơn ngái ngủ, trừng mắt:
– Nhìn gì. Cứ thử tự ngắm cái thân mình coi.
Nó giật mình theo phản xạ cúi xuống, đập vào mắt nó thứ thực tế trần trụi đến trơ tráo. Nó đang đánh trần xì cái quần đùi cáu bẩn, trên khoeo tay vằn vện những vòng ghét. Thò tay gãi sồn sột be sườn, nó buột miệng văng tục giống một tay anh chị chính hạng chỉ nhằm để chữa thẹn:
– Mẹ kiếp, cóc còn tiền để vung vít không lo, ở đó mà làu bàu.
Con Ngà nhoài người với lấy cái lược vứt lăn lóc nơi mép chiếu, bắt đầu chải tóc. Nó chải rất kỹ, chải đi chải lại nhiều lần cho tới khi tóc bóng lên óng ả nhấp nhánh, đỏm dáng như mấy cô người mẫu quảng cáo dầu gội đầu. Xong đâu đó, con bé cột túm mớ tóc ấy thật gọn gàng bằng cọng dây vải sặc sỡ, và đứng lên uyển chuyển đi vào toa-lét. Con Ngà ở rất lâu trong đó, lâu đến khó hiểu. Vọng qua tấm vách mỏng xập xệ nó nghe tiếng nước chảy, tiếng bàn chải chà trên răng, tiếng súc miệng và đủ thứ tiếng quen thuộc dễ đoán, cộng với một khoảng im lặng ngột ngạt kéo dài không rõ nghĩa. Có lẽ con bé đang dốc công sửa soạn tỉa tót. Đến khi con Ngà bước ra mặt mày tinh khôi sáng rỡ, miệng véo von hát một tình khúc thịnh hành, nó ngạc nhiên cảm thấy giống như con bé vừa mới lột xác. Khinh khỉnh làm lại bộ mặt và cái nhìn của nó lúc nãy, Ngà cong cớn:
– Muốn tôi gặp nói gì với bà già? Bộ anh định tống tiền bả hay sao?
Nó cau mày, đứa con gái này có khi dùng từ thẳng tới mức sốc. Mà hễ nhắc tới mẹ, nó không thích ai dùng kiểu nói xách mé đó.
Nghĩ cũng thật vớ vẩn, chuyện li dị của ba mẹ không làm nó ngạc nhiên, họ đã rạn nứt quá lâu và xúc phạm nhau quá nhiều đến mức nó dư hiểu khó có phép màu nào có thể hàn gắn. Nó chỉ thấy đau đớn lúc hai người chia nhau tài sản và giành giật hai anh em nó, nhân danh những tình cảm tốt đẹp đã bị họ chà đạp chẳng hề thương tiếc. Hình ảnh đọng lại trong nó là khuôn mặt đứa em trai ngơ ngác thất thần bị ba nó kéo tay lôi đi xềnh xệch trong sân tòa án sau vụ xử – thằng em ngờ nghệch lúc nhỏ thường bị nó xách tai, đấm đá thật lực mỗi lần cáu giận (nhưng chỉ biết khóc, đến cãi lại còn không dám). Nó biết bây giờ mới xót em thì đã muộn. Lủi thủi theo mẹ về căn hộ chung cư mới đổi, vài ngày sau lên cơn chán đời nó xổ ngang việc học, bùng nổ một cơn tuyên bố hùng hổ với mẹ rồi lẳng lặng xách gói bỏ nhà đi hoang. Lận lưng số tiền lấy cắp trong tủ mẹ, cộng với vài mẩu đồ quý giá đeo trên người và chiếc xe vừa đủ tuổi mẹ để cho đứng tên, nó tới đây thuê phòng trọ ở chung con bé, ngày ngủ đêm đi rong. Không còn bị ai kềm tỏa, trách cứ, la mắng, dạy dỗ, van vỉ, khuyên lơn, nó mặc tình thả trôi cuộc đời. Sống ở phía tối, nó lao đến sự hư hỏng nhanh còn hơn chiếc xe buýt đứt thắng tuột dốc. Nó gần như muốn hủy hoại bản thân để lấy đó làm sự trừng phạt hai đấng sinh thành.
Trong cuộc nổi loạn, nó đã chọn Ngà vì con bé có một lợi điểm đáng giá tuy là dân chơi hoang đàng nhưng nếu cần vẫn có thể đổi lốt thành hiền thục nết na chỉ trong nháy mắt. Thật khó tin khi mẹ nó và con bé đã có nhiều ngày cùng dắt díu nhau đi tìm kiếm nó – dĩ nhiên vô vọng, mà mẹ nó thì không mảy may nghi ngờ. Con bé diễn trọn vai trò một đứa bạn gái thân tử tế, dù hoàn cảnh khó khăn không học lên đại học được như nó, nhưng vẫn âm thầm quan tâm dõi theo bạn học cũ – chỉ cần có chút thời gian rảnh, con bé lại vội vàng liên lạc ngay với mẹ nó để hỏi thăm tin tức, và rất sẵn lòng cùng bà đi khắp mọi nẻo đường, hỏi han khắp nơi. Thông qua con bé, nó quan sát từ xa cuộc sống của mẹ. Nó hài lòng thấy mẹ khổ đau, tự giày vò bản thân vì đã để tuột mất nó, và nó lay động phần nào khi nghe kể mẹ võ vàng tiều tụy vì lo tặng. Nó thờ ơ khi biết mẹ đã phải hết sức vất vả xin phép nhà trường bảo lưu kết quả học tập của nó – để nó có thể tiếp tục học lại năm sau nếu muốn.
Cũng có lúc muốn ngừng cuộc nổi loạn, nhưng rốt cuộc đã hơn ba tháng nó vẫn chưa trở về. Nó vẫn muốn tiếp tục thả dốc, vẫn muốn buông cho tàn cuộc. Tiền cạn, nó định dùng con bé để làm một phi vụ nhỏ, cầm cự thêm được ngày nào hay ngày ấy. Thật ra nó cũng đã thử xin đi làm ở một vài nơi, nhưng chỗ thì không thèm trả lời, chỗ trả lời ngay không nhận, chỗ khác chịu nhận thì việc nặng quá mà công lại rẻ, nó cố theo vài bữa rồi không kham nổi, cũng đành phải bỏ. Nó tính, cho dù có phải hồi gia, nó muốn được trở về trong tư thế thượng phong – được mẹ cầu lụy đón tiếp, hứa bãi miễn tuốt tuột cho nó mọi rầy rà sai trái.
Nó đang to nhỏ bàn bạc với con Ngà thì thằng Sĩ “ét” gõ cửa rồi thò cái mặt quắt queo vào. Thằng này ai cũng khẳng định đã bị nhiễm “ét” (AIDS) giai đoạn hai, ba gì đó. Người Sĩ gầy trơ xác ve, da thịt nổi đầy những dề mụn nhọt rỉ nước hôi thối, tanh tưởi. Dạo nó mới về đây, Sĩ là đứa đầu tiên lân la đến làm quen, thì thọt cung cấp cho nó nhiều thông tin đáng giá để nó có thể sống yên ổn với đám cư dân ô hợp của xóm nhà trọ. Đổi lại, nó cho Sĩ mượn những món tiền ít trước nhiều sau không có hồi âm. Bị quỵt nợ đầy đìa chán chê nó mới vỡ lẽ ra, thằng mặt dại kia đem tiền của nó đốt hết vào ma túy. Từ đó nó có thêm kinh nghiệm nhận dạng những đứa nghiện để tránh dây dưa, cũng dễ, cứ nhìn cặp mắt bạc tròng, bộ mặt dại đần và thân xác tã tượi đủ hiểu. Sĩ tàn quá nhanh, tóp teo hốc hác thê thảm từng ngày, nhưng điều kinh khủng là nó vẫn cứ dằng dai đeo đẳng kiếp dân “ken”. Sĩ nói, nếu không “chơi hàng” sẽ không chịu đựng nổi những nỗi đau đớn hành hạ rứt rỉa xác thân, và chẳng còn hơi sức để chống trả lại cơn ghiền ghê gớm. Cơn nghiện như một con quỷ ba đầu sáu tay mười hai mắt, bóp nghiến cuộc đời những đứa lỡ sa chân vào. Nó biết chắc, sau cái cười nhăn nhở trơ tráo kia thằng mặt dại thể nào cũng ngửa tay xin tiền. Y như rằng, Sĩ lập bập ca bài ca con cá quen thuộc. Nó cáu kỉnh bước tới lộn trái hai túi quần rỗng trước mặt tên “ét” đoạn sỗ sàng đẩy hắn ra sập mạnh cửa gác chốt. Cảm thấy ghê ghê, nó đi vào toa-lét rửa tới rửa lui chỗ bàn tay vừa lỡ chạm da thịt thằng kia. Trên giá nhựa ngổn ngang bừa bãi bàn chải và kem đánh răng, một mẩu giấy bạc nằm chỏng chơ gợi cảm giác lấn cấn gì đó mà nó không rõ. Từ bên ngoài, tiếng thằng “ét” cay cú rủa xả từng chặp nghe văng vẳng. Nó đi ra, thấy con Ngà bình thản ngồi chăm chú sơn sọc ngang trắng trên những đầu móng tay nho nhỏ.
Bàn tiếp kế hoạch, nó cố tránh những đối thoại cộc cằn dễ bị con bé bốp chát ăn miếng trả miếng. Vốn tinh ý, vừa nghe nó anh anh em em con Ngà bèn nghếch ngay cái mặt thon lấm tấm tàn nhang lên với vẻ cao ngạo, lõi đời. Nó phớt lờ kiểu kênh kiệu vô lối đáng ghét của con bé, chủ tâm vô vấn đề chính. Hai đứa tụi nó cần tiền lắm rồi, ở không ăn chơi đến cao ốc trăm tầng cũng còn phải sập, đừng nói chỉ có nhúm tiền còm giắt túi. Đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, lắc tay, cả chiếc điện thoại di động mẹ tặng nhân sinh nhật lần thứ hai mốt của nó đã bị “giải ngân” từ lâu. Xe thì nó không muốn bán, cũng không muốn đem cầm. Chẳng lẽ mỗi bước ra khỏi nhà lại ngoắt xe ôm. Và nếu sau này tìm được việc làm ưng ý, không có xe lấy gì đi lại. Nó tự an ủi dù sao cũng là thằng có ít chữ nghĩa lận lưng, gặp cảnh khó còn đủ khôn, đủ sáng suốt để tính toán. Nhưng thật tình nó cũng thấy nhục, trước khi bỏ nhà đi nó tuyên bố huênh hoang rằng muốn tự lập, rằng không cần ai, rằng sẽ chỉ trở về khi trong tay đã có sự nghiệp cơ đồ vững chắc. Để ba mẹ nó chống mắt lên mà coi. Bây giờ đói ăn vụng túng làm càn, nó thấy thân phận mình cũng chẳng hơn gì một con chuột ghẻ, chỉ giỏi vầy vọc mớ đồ thừa thức cặn trong xó cống bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chọn bộ đồ nhà quê nhất để mặc, con Ngà xà quần tới lui mấy vòng trong căn phòng nhỏ như lỗ mũi để bổ sung thêm thứ này thứ kia vào bộ vó trước khi ra đi. Nó hừ mũi, bộ con quái này tưởng sắp được lên sân khấu trình diễn thời trang học đường chắc. Nhịn cáu, nó làu bàu dặn thêm:
– Em cứ phía với mẹ thoải mái là anh nợ nần khổ sở lắm. Bị bọn chủ nợ thuê giang hồ đánh đập tả tơi, phải trốn chui trốn lủi không dám ló mặt ra. Nếu mẹ không bỏ tiền chuộc sớm chỉ còn nước đem xác anh về tế.
Ngà cười, gật lia, khoác thêm trên lưng cái ba-lô cóc kiểu nữ sinh hiền thục. Khi con bé đi khỏi, nó nằm vật ra nghĩ tới nghĩ lui về những tình huống phát sinh có thể xảy ra trong cái kế hoạch tởm lợm. Nó lại thấy gợn lên trong lòng cảm giác xót xa từ chút nhân tâm còn sót lại đâu đó trong tâm hồn. Đánh vào tình thương và nỗi lo của mẹ, nó tin chắc sẽ thành công. Sự thành công nhục nhã.
Hồi lâu, nó nghe có tiếng thậm thịch bên ngoài, tiếng bà cà-phê ục ịch lóe xóe. Nó đoán bà sắp mở cửa xộc vào để lấy ly và đòi tiền. Tất nhiên bà cũng không quá thô lỗ trong xử sự với nó, cái vỏ con nhà đàng hoàng có học – chẳng qua sa cơ thất thế phải đi bụi đời đã khiến bà phân biệt nó khác hẳn với những loại lôm côm sạn sỏi ở khu nhà trọ. Cũng còn vài lý do khác, chẳng hạn từ ngày tới đây nó chưa có điều tiếng gì, chưa gây ra vụ lộn xộn nào cũng chưa nợ nần chằng chịt với ai. Ngay tới bà chủ nhà nanh nọc khét tiếng cũng rất tin tưởng, nhận vỏn vẹn ba trăm nghìn thế chân rồi cho nó vô nhà ở tới nay chưa lấy được một đồng tiền thuê. Nó rút ra: Bộ vó trí thức cũng cần dù là để sống vất vưởng vật vờ ở chốn uế tạp. Có điều, nó chỉ là thằng trí thức nửa vời đã bị nhiễm độc rất nhanh thứ máu giang hồ. Dù vậy, nó thử đủ món ăn chơi nhưng kiên quyết không dính vào ma túy và thuốc lắc. Nó dám chơi liều nhưng không chơi dại. Nó tự cho mình là sành điệu, là biết chơi, là không chết vì thiếu hiểu biết. Chỉ tiếc “tài khoản” của nó đã cạn mà tương lai sao mịt mù quá. Nhìn về phía trước, nó chỉ thấy những đường hầm vô vọng tối đen. Có đêm nằm trằn trọc, nó mông muội ước giá như được sinh nhằm cửa khác với cha mẹ giàu có. Đủ để nó vung tiền ra chơi ngút trời khỏi cần bận tâm suy nghĩ, đủ để nó được kết nạp vào đám dân chơi quý tộc – trong vũ trường đổ rượu Tây tiền triệu ra sàn, ngoài xa lộ đua xe hơi tiền tỷ ào ào, du hí nước ngoài rải tiền đô như phát bướm quảng cáo. Nhưng rồi nó lại ước khác, gạt chuyện giàu có qua một bên, nó muốn có cha mẹ không gấu ó nhau và không ly dị, không chia con như chia những món đồ. Nếu cuộc sống của nó của được bảo đảm bằng một gia đình êm ấm hạnh phúc, nó chẳng đời nào trượt ra ngoài quỹ đạo làm gì.
Bỗng cánh cửa xộc xệch bật văng như vừa lãnh trọn cú tống thật lực. Đập vào mắt nó là một hình thể vâm váp với bộ mặt sần sẹo hầm hố nổi bật trên khuôn cửa hẹp. Thằng vâm váp ào vô, theo sau là một thằng nhỏ thó mặt choắt mũi dài nhọn thót như mặt chuột. Thằng mặt chuột đảo đôi mắt gian xảo quan sát khắp phòng rồi rít lên the thé:
– Tụi tao cần gặp con Ngà.
Nó uể oải ngồi dậy:
– Nó đi vắng rồi.
Thằng mặt chuột hất hàm:
– Mày là bồ nó phải không. Khôn hồn thì trả nợ thay cho nó.
– Nợ gì? – Nó bất ngờ trước thứ thông tin gây ngỡ ngàng.
Con Ngà là đứa kém sắc nhất trong số bạn gái mà nó quen. Nhưng theo đánh giá của nó thì con bé có nhiều điểm trội để bù lại. Điểm thứ nhất, con bé luôn muốn thoát khỏi gia đình – Ngà sống lây lất trong hẻm Kinh thúi lầy lụa với ông chú họ bất nhân, lúc nào cũng chăm chăm bán trinh đứa cháu cho bất kỳ gã đàn ông nào trả được giá (ông chú bợm ộc rượu như nước lã này không hề biết: Đã từ lâu con cháu lầm lì lép kẹp của ông chẳng còn trinh nữa). Điểm thứ hai, vì đã quen với cảnh nghèo khó cơ cực và bị bạc đãi hắt hủi thường xuyên, con bé hầu như không có đòi hỏi nào, nó cho gì biết nấy, mà không cho cũng không sao. Điểm thứ ba, Ngà tiêu xài rất nhỏ giọt, vô cùng sợ phải mang công mắc nợ. Rõ ràng cái ám ảnh nợ nần triền miên của gia đình đã tác động sâu sắc tới con bé. Thậm chí về sau, nó đã tin đến mức giao hết tiền cho Ngà giữ, và theo ước lượng của nó, ngân khoản dù cạn kiệt cũng chưa đến nỗi phải đi vay mượn ai. Nhưng hai tên khốn nạn chẳng cho nó nghĩ lan man, thằng mặt chuột nhếch môi:
– Nó mắc nợ từ hồi còn ở nhà. Hừ. Chắc nó tưởng trốn tới đây hú hí với mày thì bọn tao không tìm ra chắc.
Thằng hộ pháp gầm gừ trong cổ họng phụ hoạ theo. Nó khinh bỉ thầm, cái đống thịt xăm hình vằn vện này dường như mang đầy đủ phẩm chất ngu độn hung hăng của một tên đồ tể không có óc. Nó kẻ cả buột ra:
– Nếu con Ngà đã mắc nợ từ trước thì đâu mắc mớ gì tới tao. Chúng mày biến ngay đi. Tao hứa bao giờ nó về tao sẽ nhắn lại cho.
Thằng mặt chuột hí lên như ngựa:
– Đừng có mơ. Tụi mày ở chung, già nhân ngãi non vợ chồng, nó không có thì mày phải trả thay. Sổ nợ đây, muốn coi thì coi cho biết, xong phải ói tiền ra.
Nó lượng sức mình, thấy không tài nào đập lại dù chỉ một mình thằng đô vật. Túng thế, nó đành xuống nước nhỏ:
– Tao đang rách, dù muốn dù không cũng chẳng còn xu để cống cho chúng mày. Thư thư giùm tụi tao ít bữa.
Thằng mặt chuột cười khả ố:
– Muốn đánh bài chuồn hả, không xong đâu cưng. Bọn mày có biến thành chuột chui trong lỗ cống tụi tao cũng moi ra được.
– Đơn giản là tao không có tiền, vậy thôi. – Nó cau mày.
– Xời. Đi hoang mà quý tộc quá, bán mẹ cái xe đi giải quyết cho xong. – Vừa nói, thằng mặt chuột vừa liếc qua chiếc Ya một trăm mười phân khối mầu xanh “e” nó cẩn thận dựng sát vách.
– Tao đếch muốn bán. Nợ không phải của tao, tao đếch trả. Tụi bay tính làm gì tao? – Nó bất thần đổ cộc. Nó không chịu nổi khi bị ai ép quá đáng.
Không hiểu trước đây con Ngà làm gì mà mắc mớ nợ nần với mấy thằng trời đánh thánh đâm này. Hay ông chú nát rượu đã vay mượn chằng chịt để nốc cho đầy họng rồi đẩy con cháu ra làm vật tế thần? Cũng dám lắm, loại người như ông ta chắc chẳng từ việc xấu xa nào. Nhưng nó chỉ kịp nghĩ được tới đó. Thoáng thấy thằng mặt chuột nháy đôi mắt lươn với tên đống thịt, sau đó nó nghe hự ở vai và ngã ngửa ra tấm chiếu còn lùng nhùng cái mền mà con Ngà đã quấn lúc nãy. Nó thấy mắt hoa lên, cơ bắp nhói đau từng cơn, xương cốt kêu lắc rắc dưới những cơn mưa đấm đá liên hồi kỳ trận. Nó chỉ kịp khum hai tay che kín mặt, vừa lúc một cú thôi sơn rót xuống. Hai ba đòn trời giáng nữa vào những chỗ hiểm trước khi tên đống thịt dừng hẳn, lạnh lẽo đứng khoanh tay nhìn nó bấy bết như một cái bao cát bung chỉ tuếch toác. Nó cố nhỏm dậy, trừng mắt nhìn hai tên khốn kiếp bằng ánh mắt rừng rực căm thù, lầm bầm trong miệng “bọn lấy thịt đè người hèn hạ”. Thằng mặt chuột vỗ vai tên đống thịt, cười hềnh hệch đắc chí:
– Thông cảm há mày. Do lâu quá thằng bạn nhỏ của tao không tập thể dục tay, nên có hơi lụt nghề.
Nó không trả lời, nhổ toẹt nước miếng lẫn những tia máu tươi xuống nền nhà, cơn giận bốc lên ngút trời. Trong cuộc đời, chưa bao giờ có ai đánh nó tàn tệ và vô lý như lần này, lại trong tình thế nó không thể kháng cự. Nó vỡ ra một bài học cay đắng khác, với loại đâm thuê chém mướn óc bã đậu, lý lẽ phải trái thiệt hơn chẳng là cái đinh gì, chỉ có cơ bắp chân tay biểu dương sức mạnh mới được quyền nói tiếng phán xét.
Đứng không nổi, nên nó ráng ngồi cho thẳng. Thằng mặt chuột hất hàm:
– Ô-kê. Cho tụi mày thêm thời gian. Hai tuần nữa tụi tao trở lại.
Hai thằng khốn vênh vang kéo nhau đi. Chỉ mấy phút sau nó nhận ra bà ục ịch bán cà-phê thập thò bên khuôn cửa. Chạm ánh mắt giận dữ của nó, bà cuống quýt giả lả:
– Trời đất. Mình mẩy bầm dập hết rồi, lấy dầu xanh xức vô liền đi. Đòi nợ phải hôn?
Nó xua tay, cố lết tấm thân tơi tả ra đóng cửa. Cái chốt bị đẩy bung ban nãy không gài lại được, nó bực bội cột ngoéo bằng cọng dây thun. Xong, nó đi thẳng vô toa-lét. Lượm mẩu giấy bạc ở giá nhựa, nỗi gờn gợn ban nãy trong đầu nó bỗng thành hình vô cùng rõ nét. Đã có một khoảng thời gian im lặng không lý giải được, con Ngà lén lút ở trong này. Nó lao ra ngoài quên cả cơn đau thể xác, hối hả lật tung tấm chiếu, xốc xốc cái túi xách đựng quần áo, vày vò mớ son phấn con Ngà quăng lung tung bừa bãi. Cuối cùng nó đã tìm thấy cái muốn tìm: Ba tép nhỏ gói thứ bột trắng nhét cẩn thận trong chiếc giày mũi nhọn gót cao làm như hờ hững vút ở xó phòng. Nó nổi điên khi sự thật phũ phàng được xác nhận: Con Ngà cũng là một con nghiện. Vậy mà nó cứ như một thằng mù, chung đụng suốt mấy tháng trời nay không hay biết gì.
Dựa theo mối liên hệ nợ nần gớm ghiếc với hai thằng du côn ban nãy, có thể suy ra con Ngà đã vướng ma túy từ dạo còn ở nhà. Nó ôm đầu váng vất, càng điếng hồn khi nghĩ tới những giả thiết đen tối hơn. Bộ mặt thằng Sĩ “ét” quắt queo chập chờn ẩn hiện. Liệu con Ngà có vướng AIDS không? Nếu con Ngà dính thì chắc chắn nó cũng dính, vì từ lâu hai đứa đã có những quan hệ vượt ngoài ranh giới – mà nó không hề sử dụng các biện pháp an toàn. Hễ dính cái thứ virus đó, kể như đăng tên vào sổ bìa đen của diêm vương nơi địa phủ, giờ cáo chung không còn xa nữa.
Nó rùng mình, chợt nhớ nó mới chỉ hai mươi hai tuổi. Quá trẻ, quá nhiều thứ nó chưa được biết qua, trải qua. Nó không muốn chết – cái chết bẩn thỉu nhơ nhuốc vì lây “ét” từ một con nghiện, dù con nghiện đó là đứa con gái mà nó đang yêu. Nó không muốn chấm dứt cuộc đời khi chưa kịp chứng minh cho mẹ thấy nó cũng có thể làm nên sự nghiệp rỡ ràng mà không cần phải học hành, không cần phải gò bó trong những giáo điều đạo đức khắc nghiệt khác xa thực tế. Nó giận dữ chuẩn bị sẵn trong đầu những lời lẽ cay độc, vừa cố tự trấn an Ngà là đứa khôn lanh, chắc sẽ không đời nào để bị dính si-đa do tiêm chích. Rồi sực nhớ, sao nó không nhận thấy ngay sự bất thường trong việc gầy gò quá mức của con bé. Nó bưng tai, nghe tiếng o o rít lên buốt óc. Nó bịt mắt, thấy tóe tung muôn ngàn tia nhức nhối. Nó vật lăn ra sàn nhà, nằm đè lên bãi nước bọt lẫn máu của chính nó phun ra lúc nãy, nỗi bất ổn trong tâm tưởng dâng lên tới mức báo động.
Tiếng bước chân nhẹ nhàng quen thuộc vang lên bên ngoài, con Ngà đã về. Mở không được cửa, con bé cất tiếng gọi. Nó hừ giọng:
– Đẩy mạnh ra.
Con Ngà làm theo, cọng thun mầu vàng nó cột cửa ban nãy bựt đứt tung, văng trên sàn cong queo giống cái đuôi thằn lằn giãy chết. Nó vừa mở miệng, định trút vào đầu con bé tràng tức tối đã réo sôi sùng sục nãy giờ như hỏa diệm sơn thì một khuôn mặt nhăn nhở thò vào. Đứa con gái trơ tráo rủ rê:
– Tụi này gầy sòng, còn thiếu một tay. Hai ông bà qua tham gia không? Đánh nhỏ thôi, tụ hai ngàn.
– Biến lẹ đi. – Nó rít lên.
Đứa con gái đanh đá cong môi:
– Ê, thằng nhóc. Không chơi thì thôi, làm gì dữ vậy.
Con Ngà cười cầu tài để xoa dịu không khí căng thẳng bất ngờ. Đứa con gái chanh chua bỏ đi sau cái nguýt dài. Nó biết ả thuộc đám ca-ve thuê căn phòng hẹp ở chếch phía sau. Một đứa trong đám này vừa bị một bà đánh ghen sởn tóc và lột quần bêu nhục mới tháng trước. Nhưng chỉ mấy ngày sau con bé ấy đã cạo trọc đầu đội tóc giả, mắt xanh môi đỏ, áo dây váy ngắn tơn tớn mò đến vũ trường kiếm khách, chẳng tỏ vẻ gì nao núng. Đúng là thứ mặt dày mày dạn. Mà thôi mặc kệ, việc của nó bây giờ không phải là bận tâm tới đám trơ tráo đó. Nó quay qua, chưa mở miệng con Ngà đã hối hả chặn ngang:
– Anh thay quần áo, đẩy xe ra đi ngay với em. Mẹ anh đang nằm phòng cấp cứu trong bệnh viện phụ sản.
– Cái gì? – Câu hỏi rơi ra từ khuôn miệng nó há hốc.
– Bác gái bị khối u tử cung, nghi là ung thư. Ngoài ra bác còn bị suy tim… – Con Ngà nhăn nhó như chính mình gây ra lỗi.
Nó choáng váng. Cái gì. Ung thư ư? Nếu theo sự hiểu biết của nó đó là thứ bệnh không có thuốc chữa, người bệnh rồi sẽ phải chết dần chết mòn trong đau đớn, do những phần cơ thể bị hủy hoại lần lần. Nó đứng ngây ra không biết phải làm gì. Con Ngà nhanh nhẹn gỡ cái áo thun mắc nơi đinh trên tường, bình tĩnh giúp nó tròng vào cổ. Việc làm này đã khiến con bé phát hiện ra những vết tím bầm và những mảng trầy trụa trên người nó. Ngà vặn vẹo:
– Anh mới đi choảng nhau ở đâu về à? Sướng quá hả, nước non này mà còn…
Nó không trả lời, chậm chạp mặc áo. Hồi lâu, nhìn thẳng con Ngà nó hỏi:
– Em tới cữ chưa, có cần phải hít một liều trước khi vào bệnh viện với anh không?
Nó thấy con bé đờ mặt, chốc lát tái xanh, mắt liếc nhanh chiếc giày cao gót chỏng chơ làm như hờ hững vứt trong xó. Rồi con bé gục đầu, khuỵu xuống dưới chân nó bằng dáng vẻ câu rút của kẻ phạm tội bị đóng đinh. Lần đầu tiên sau hơn ba tháng đi hoang mỏi mòn, nó chỉ muốn bật khóc. Cuộc đời của nó giống như sa vào một bãi lầy không có lối thoát. Nó thốt gọi “mẹ ơi”, nhưng tiếng kêu của nó như bị mắc ngang trong cổ họng.
7/12/2019
Nguyễn Thu Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...