Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Thành phố mở và không ngừng mới

Thành phố mở và không ngừng mới

Nói chuyện Sài Gòn – TP HCM, tự nhiên nhớ tới cố nhà văn Sơn Nam, thời ông còn ở trọ trên đường Nguyên Hồng và sáng nào cũng có mặt ở khuôn viên cà phê sân vườn Nhà Truyền thống – Thư viện quận Gò Vấp…
Nhà văn Sơn Nam không biết lái xe gắn máy, chỉ cuốc bộ hoặc ngồi xe ôm. Nhưng cái rong ruổi phố phường của ông thì bọn trẻ như chúng tôi không theo kịp. Tôi không phải là bạn vong niên thân thiết với nhà văn Sơn Nam nhưng ngày ấy (từ khoảng năm 1995), tình cờ biết ông thuê trọ ở đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp), rồi thỉnh thoảng gặp ông ở các tòa soạn báo, như Văn nghệ TP HCM, Công an TP HCM…, nên tôi có cơ hội làm quen, để thỉnh thoảng lại chạy lên chỗ Nhà Truyền thống Gò Vấp cà phê, nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề.
Trọng nghĩa khinh tài
Nói tới chuyện cà phê, lại nhớ những ngày xưa cũ. Thời cà phê cóc nhiều chỗ cũng pha phin chứ không pha máy như bây giờ. Đặc biệt không có chuyện “order tại quầy”. Khách tới quán một thời gian là chủ quán hay nhân viên nhớ mặt biết gu từng người một. Ngồi cà phê lâu thì thành bạn cà phê. Cho nên ở TP HCM, ngoài bạn nhậu còn có bạn cà phê. Bạn cà phê là bạn bàn chuyện thời sự, làm ăn, chuyện vui vẻ đầu ngày, nên nhiều khi cũng thành bạn tri kỷ. Giờ thì TP HCM không còn kiểu bạn cà phê này nữa, ai tới quán mạnh trả tiền, rồi ra ngồi ôm điện thoại lướt mạng, cùng lắm thì chỉ là một nhóm bạn có quen biết với nhau từ trước.
Nhà văn Sơn Nam (1926-2008). Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Trở lại chuyện nhà văn Sơn Nam, tôi nhớ hồi đó có một người yêu văn chương, là ông chủ một doanh nghiệp có cơ ngơi bề thế ở khu Thảo Điền. Nghe chuyện nhà văn Sơn Nam sống nhà trọ, ông có thịnh tình muốn mời nhà văn về sống ở khu Thảo Điền có đầy đủ vườn cây ao cá, mọi ăn uống sinh hoạt ông đài thọ. Nghĩa là hoàn toàn miễn phí, không có bất kỳ điều kiện gì. “Để cho nhà văn Sơn Nam yên tâm mà sáng tác” – ông chủ doanh nghiệp nói với tôi như thế. Và ông nhờ tôi kết nối với nhà văn Sơn Nam. Dĩ nhiên là tôi nhận lời. Tôi đưa ông lên gặp nhà văn Sơn Nam ở Nhà Truyền thống Gò Vấp. Tôi nhớ khi ông chủ doanh nghiệp đặt vấn đề “nuôi nhà văn miễn phí”, tác giả “Hương rừng Cà Mau” không tỏ thái độ gì rõ rệt, cũng không trả lời đồng ý hay từ chối. Nhà văn Sơn Nam nói lảng sang một chuyện khác. Cứ như thế ai nấy ngồi nghe. Ông già có tài kể chuyện. Chẳng phải chuyện to tát gì. Chỉ là chuyện xóm trọ. Chuyện đi điền dã đâu đó ở miền Tây mới về. Chuyện đi ứng trước nhuận bút cho cuốn sách mới. Ông nói lai rai, mắt hấp háy, rồi lại đốt điếu thuốc.
Nhưng tôi cứ tò mò không biết ông Sơn Nam có chịu về ở khu biệt thự Thảo Điền không? Thỉnh thoảng tạt qua, thấy ông vẫn ngồi đó, mắt hấp háy qua làn khói thuốc. Tự dưng tôi cảm thấy rất quý thương ông, một cảm xúc rất thật lòng. Và, rất yên tâm. Yên tâm về một văn tài mà mình kính trọng. Có đôi lần tôi định hỏi tại sao ông không về khu biệt thự ấy sống cho khỏe cái thân nhưng tôi không dám hỏi. Và, ông cũng chẳng bao giờ nói về chuyện đó. Ông chủ doanh nghiệp kia cũng không nói gì thêm. Chuyện đã lâu quá lâu rồi. Nhà văn Sơn Nam cũng đã thành người thiên cổ. Chỉ là có đôi khi tôi chợt nghĩ, trong cuộc đời văn chương đầy sóng gió nhưng kiêu hãnh của mình, chắc không ít lần nhà văn Sơn Nam gặp “người hâm mộ”. Chắc không chỉ có một người duy nhất muốn “nuôi ông nhà văn” này? Song, ông đều khéo léo từ chối. Một nhà văn chân chính là người tự nuôi sống mình bằng ngòi bút. Sự thụ hưởng vật chất phải tỉ lệ thuận với sức lao động. Dĩ nhiên, cái lao động của nhà văn còn chịu nhiều sự bất cập, bất công. Nhưng trong cuộc chơi văn chương này, nhà văn hoàn toàn tự do với một tinh thần tự trọng.
“Trọng nghĩa khinh tài”, tức trọng tình nghĩa, coi thường vật chất, địa vị; đó là một đặc tính nổi trội của người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn – TP HCM nói riêng. Từ câu chuyện nhà văn Sơn Nam, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Nhưng để đạt được điều đó thì cái nguồn lạch nghĩa nhân cũng đã thao thiết chảy bao đời. Khoáng đạt mà không đề cao mình. Trí tuệ mà ứng xử bình dân. Rộng mở mà không nhạt nhòa.
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Nghĩa tình “kiểu mới”
Bao năm theo nghiệp văn nghề báo, từng dầm dề ở mảnh đất này, nên cũng tự rút tỉa đôi điều. Tôi nghĩ cái tinh thần “mở” của Sài Gòn – TP HCM là rất đúng, từ hôm qua tới hôm nay và cho cả mai sau. Cái mở ở đây nằm trong cái trường nghĩa Hành Phương Nam của cha ông ta. Đi về phía Nam. Mở về phía Nam. Phía Nam dễ sống. Phương Nam dễ thở. Ví như ở đất này, cây me rất được ưa chuộng, mặc dù những nhà quy hoạch đô thị từ thế kỷ XX về trước từng cảnh báo rằng “cây me tạo ẩm ướt vì lá me giữ nước rất lâu”. Nhưng ở Sài Gòn mùa mưa không kéo dài quá và những cơn mưa thường chợt đến chợt đi, nên những con đường hàng me bỗng trở nên quyến rũ vô cùng. Bây giờ, những nơi nào có hàng me ắt nơi đó là những con đường xưa. Những con đường mang thương hiệu của vùng đất này. Lại bồi hồi nhớ những lời thơ của Diệp Minh Tuyền: Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về/ Con đường đưa bước chân đi/ Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi/ Em đi bình yên bên anh/ Sóng đôi chung thủy như hồi chiến tranh (“Con đường có lá me bay”; 1978).
Do tâm thế mở nên Sài Gòn – TP HCM dễ tiếp nhận những cái mới. Tôi nghĩ rằng, ngay cả cái nghĩa tình của mảnh đất này cũng là “nghĩa tình kiểu mới”. Làng quê Việt bây giờ còn nghĩa tình không? Vẫn còn chứ. Nhưng nó vẫn nặng nề kiểu cũ. Bà con xóm giềng vẫn giúp nhau khi hoạn nạn nhưng người nghèo vẫn còn bị nhiều soi mói, dằn hắt. Còn ở đất này, mọi thứ có vẻ nhẹ nhàng, thậm chí là trữ tình hơn. Từ thùng trà đá miễn phí ngoài đường đến thùng bánh mì, tủ quần áo, rồi bây giờ là những thùng tiền lẻ “ai khó khăn xin lấy 3 tờ”. Thông tin vừa đủ – một lời nhắc nhẹ về lòng tham, mà không săm soi. Ai cũng có lúc khó khăn. Ai cũng có khi “lên xe xuống ngựa”. Cho nên ở đất này, người ta không đánh giá nhau bằng cái vẻ bề ngoài. Cho nên ở đất này, hiếm khi nào thấy chủ quán quát nạt nhân viên. Đại gia ngồi cà phê vỉa hè trò chuyện vui vẻ với thợ đánh giày. Tài xế xe công nghệ và khách có thể thân thiện như anh em trong nhà.
Trong những ngày tháng TP HCM chống dịch Covid-19, chắc nhiều người không biết rằng “bác tài” của các chuyến xe thiện nguyện ngày đêm tới các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, các xóm trọ… chính là các doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ… Có những người chưa từng khuân vác nặng, vậy mà lúc này đã hóa thân thành những tay bốc vác thứ thiệt. Mà không chỉ một vài bữa. Công việc thiện nguyện kéo dài suốt mấy tháng trời.
Tôi có quen anh Q., nhà ở TP Thủ Đức, vốn là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Anh tâm sự mình từng chỉ ngồi bàn giấy, thỉnh thoảng tổ chức vài chuyến thiện nguyện, nhưng trong đại dịch Covid-19 vừa rồi anh “cày” suốt 4 tháng liền, ngày nào cũng rời nhà lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc đêm khuya. Suốt 4 tháng đó, anh Q. phải thay 3 chiếc ôtô vì sự cố trên đường đi, vì tơi tả mà ga-ra thì không làm việc. Tôi cũng đã cùng anh Q. đi vài chuyến “te tua” như thế. Có hôm vừa chất hàng lên cốp xe (chất đầy ra ngoài) thì mưa trút xuống khiến các thùng các-tông bị ướt rách, chai nước mắm văng đầy đường. Cũng may là chai nhựa. Và, cũng may là người dân đã ào ra phụ giúp đỡ.
Đất và người thành phố này, luôn rộng mở tấm lòng là thế đó.
***
Cảm động nhất là sau đại dịch Covid-19, chúng tôi đón tiếp những người bạn từ các tỉnh khác đến “thăm Sài Gòn”. Những người từng có một thời gian sống ở thành phố này; và cũng có những người đơn giản chỉ vì đồng cảm. Dường như ở đất này ai cũng là bạn. 
10/5/2022
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...