Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Nhà văn Phong Điệp: Viết văn giống với việc làm chủ một bữa tiệc

Nhà văn Phong Điệp: Viết văn
giống với việc làm chủ một bữa tiệc

Tôi đồ rằng, việc Phong Điệp trở thành nhà báo và gắn bó với Văn nghệ Trẻ gần 20 năm là một cuộc “bày mưu tính kế”của ông Tạo. Có lộ trình hẳn hoi. Nói theo kiểu thời sự bây giờ, là đúng quy trình…
1. Độ ấy tôi còn dạy học, đang đứng lớp thì có điện thoại. “Chị là Phong Điệp ở Văn nghệ Trẻ”. Tưởng ai, chị Phong Điệp tôi không lạ. Đã vài lần gửi truyện cộng tác với Văn nghệ Trẻ qua email của chị. Nhưng “Chị mới gửi email cho em một số câu hỏi, em xem trả lời sớm giúp chị để kịp số báo tuần tới với nhé!” thì tôi giật mình, thấy lạ.
Nhà văn Phong Điệp
Trở lại bục giảng, rạo rực và lâng lâng. Không rạo rực lâng lâng sao được khi mục Trò chuyện cùng Văn nghệ Trẻ chiếm cả trang báo lớn, kèm ảnh chân dung và sapô giới thiệu trang trọng luôn là tâm điểm của mỗi số báo. Tôi đang chập chững nỗ lực “thoái xác” khỏi văn chương tuổi mới lớn theo mình suốt thời học sinh -sinh viên, lại được chị để mắt đến, mời “nhỏ to chuyện viết lách chúng mình”, có thể xem là ít nhiều được ghi nhận, thêm động lực để viết tiếp.
Thời điểm ấy nhà văn Phong Điệp phụ trách Văn nghệ Trẻ, chịu trách nhiệm nội dung bài vở của báo. Chính chị là người đồng hành và kế thừa di sản/ thương hiệu Văn nghệ Trẻ của những Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Thành Phong… để lại. Do nhiều yếu tố, sức nóng của Văn nghệ Trẻ về sau không còn được hừng hực như lúc mới ra ràng, nhưng không thể phủ nhận vai trò ươm mầm các tài năng văn chương trẻ của tờ báo này, kể cả lúc khó khăn nhất.
2. Tôi đồ rằng, việc Phong Điệp trở thành nhà báo và gắn bó với Văn nghệ Trẻ gần 20 năm là một cuộc “bày mưu tính kế”của ông Tạo. Có lộ trình hẳn hoi. Nói theo kiểu thời sự bây giờ, là đúng quy trình.
Mười lăm tuổi, Phong Điệp có truyện be bé in trang trọng trên trang nhất báo Văn nghệ nhân dịp Tết Trung thu. Khoảng đầu những năm 1990 ấy, nhiều cây viết tóc bạc râu dài còn phải xếp hàng rồi đè đầu cưỡi cổ nhau để cố ngoi lên Văn nghệ một lần cho thỏa trước lúc nhắm mắt xuôi tay, thì chuyện cô bé mới lớn ở đâu đó tận Nam Định có tác phẩm ngồi chễm chệ trên tờ báo lớn nhất của làng văn quả là dấu ấn đáng nhớ.
Tiếp đến, khi vừa cầm tấm bằng cử nhân Luật, bố mẹ làm “nghệ thuật sắp đặt” cho một công việc đúng chuyên môn ở quê, chỉ việc sáng sáng chiều chiều nhàn hạ nơi công sở, cơm nước bố mẹ lo, rồi rình rình bắt lấy lão chồng, rồi sinh con, rồi chờ già, nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng không.
Phong Điệp cưỡng lại cái sự “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” bằng việc đi rải – truyền – đơn – hồ – sơ khắp Hà Nội. Một lần ngang qua Báo Văn nghệ, chị ghé thăm các “đại ca” đã từng trao cho mình giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên Văn nghệ Trẻ từ hồi năm thứ 3 đại học. Biết chuyện, các “đại ca” gợi ý hay là thử làm báo. Được lời như cởi tấm lòng, Phong Điệp cầm bằng Luật đi làm… báo một mạch đến giờ.
Nhớ lại cuộc thi truyện ngắn đầu tiên và duy nhất trên Văn nghệ Trẻ năm 1996 -1997, người luôn mang “Nỗi buồn chiến tranh” theo mình, nhà văn Bảo Ninh, là giám khảo cuộc thi, nhận định: “Ban giám khảo đồng thuận xếp “Ma mèo” của Phong Điệp vào ngôi đầu, nhưng lại cũng nhất trí để tác phẩm này giải Nhì, và vì ngôi nhất chỉ Nhì nên đành chịu cuộc thi không có Nhất.
Có vẻ là quá khắt khe, song thực ra chính bởi vì đánh giá cao tác phẩm và hi vọng rất nhiều vào hành trình mai sau của Phong Điệp mà các nhà văn chung khảo đã trao giải như vậy. Như là một dự đoán, một sự thách thức, đòi hỏi và chờ đợi”.
Sau 20 năm, chắc hẳn nhà văn Bảo Ninh hài lòng với dự đoán và chờ đợi của mình, khi Phong Điệp đã vượt qua được những thách thức và đòi hỏi khắt khe trên hành trình chữ.
Một số tác phẩm của nhà văn Phong Điệp
3. Khi tôi bắt đầu quan tâm và bập vào chữ thì Phong Điệp cùng thế hệ của chị đã làm xong phận sự với văn chương tuổi mới lớn trên các mặt báo. Thành ra, các sáng tác từ “Thời xa vắng” của chị tôi đọc khi chúng đã xếp hàng nghiêm ngắn ở các tập sách cũ là “Khi ta hai mươi”, “Ma mèo”, “Người phía bên kia đường”, “Phòng trọ”… Và ở góc nhìn của tôi, Phong Điệp chạy đà hơi dài.
Thời gian bước đều bước hơi lâu. Kể cả với “Lạc chốn thị thành”, tiểu thuyết đầu tay, đưa chị trở thành một trong không nhiều người hai lần đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20, vẫn mới dừng lại ở mức truyện ngắn… dài hơi.
Rồi công nghệ thông tin tràn đến như một làn gió lạ. Trong khi các nhà văn còn loay hoay làm quen với hộp thư điện tử thì Phong Điệp đã có blog cá nhân và website riêng. Có thể nói phongdiep.net của Phong Điệp ở Hà Nội và lethieunhon.com của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ở Sài Gòn là hai website cá nhân có nội dung phong phú, hấp dẫn cùng lượng theo dõi của văn nhân cao nhất. Tiểu thuyết “Blogger”, cái tên thật hợp thời, được chị viết trong thời điểm này. Tôi chính thức ấn tượng rõ nét với Phong Điệp từ đây.
“Blogger”đánh dấu sự vượt lên của Phong Điệp trong bút pháp. Không còn là những câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính giản đơn nữa. Dồn dập những entry, những comment như những lát cắt ngổn ngang, hỗn độn về đời sống, bám theo hành trình sống của nhân vật. Hiện thực và quá khứ đan cài, chồng chéo. Nhịp văn dồn nén, ngồn ngộn hơi thở đương đại. Chính “Blogger”đã đưa Phong Điệp đến Pháp khi được dịch giả Đoàn Cầm Thi, người khởi xướng Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp chọn dịch và giới thiệu.
Sau “Blogger”là “Ga kí ức”. Với tôi, đến thời điểm này, đây là tác phẩm ấn tượng nhất của Phong Điệp. Cảm giác “Ga kí ức” khiến chị hao tổn nhiều vốn liếng và nguyên khí nhất, để viết. Cả khoảng trời kí ức về giai đoạn bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường ở làng quê miền Bắc được dồn nén, phục dựng và bung tỏa. Nhân vật ám ảnh. Không gian ám ảnh. Làm nên cuốn tiểu thuyết ám ảnh.
Tiếp đến là “Vực gió”, là “Nhật kí nhân viên văn phòng”. Nhưng Phong Điệp không chỉ có truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết. Chị còn viết truyện thiếu nhi, với “Nhật kí Sẻ Đồng: Chào em bé”; “Những rắc rối ở trường mầm non”; “Chúng mình làm bạn con nhé”, rồi tản văn: “Bay trên mái nhà thành phố”, “Có mẹ trong cuộc đời này”.
Lí giải về cái sự viết nhiều, nghiêm cẩn và bền bỉ trong lao động chữ, Phong Điệp nói: “Viết mỗi ngày cũng là cách để nuôi dưỡng cảm xúc sống và cảm xúc viết. Vì một ngày sẽ trôi qua rất nhanh. Sự lười biếng, sự thỏa hiệp sẽ kéo tuột chúng ta đi qua những ngày không cảm xúc. Đó mới là điều đáng sợ”.
4. Tôi vẫn hay có thói quen học mót từ các tác giả thông qua tác phẩm của họ. Bởi đọc cũng là cách để tự học. Theo đấy, tôi nhặt được từ sách của Phong Điệp khá nhiều, nhiều nhất là từ những cuộc trò chuyện văn chương, trong “Mạn đàm văn chương thời @” và “Cuộc phiêu lưu của những cái Tôi”.
Rõ ràng phỏng vấn không đơn giản chỉ là hỏi đâu đáp đấy. Đặt câu hỏi để người được hỏi bộc lộ hết cái tôi và bàn rốt ráo, chạm đến căn nguyên các vấn đề thật không dễ dàng gì. Theo tôi, Phong Điệp đã làm rất ổn điều không dễ dàng ấy. Đọc các bài phỏng vấn, thấy được tầm vóc của nhân vật và tầm vóc của người phỏng vấn. Rất nhiều kiến văn, quan điểm văn chương, suy nghiệm về nghề của các nhà văn được phơi ra. Thật cần thiết cho những người trẻ mới bắt đầu tiệm cận trường văn trận bút.
“Mạn đàm văn chương thời @” và “Cuộc phiêu lưu của những cái Tôi” ra đời ở thời mà đầu tuần sách mới lên kệ, cuối tuần đã bị đè bẹp, che khuất bởi những cuốn sách mới khác, nên rất dễ bị lạc ở đâu đó. Nhưng với những người quan tâm đến đời sống văn chương, đang tập dượt loay hoay tìm lối đi cho con chữ của mình thì nên đọc, đọc cẩn thận, để thấy mình đang ở đâu và nên đi theo lối nào, hay là nên… “đi chỗ khác chơi”.
5. Giờ thì Văn nghệ Trẻ đã chuyển sang phiên bản báo điện tử. Tờ báo giấy đã làm xong sứ mệnh với những người viết trẻ 7x và 8x. Và Phong Điệp cũng kịp chuyển qua Báo Nhân dân. Nhìn vào đường văn và sự nghiệp của chị, sẽ thấy mọi sự thật hanh thông, nhẹ nhàng, bình thản như không. Có ai biết, chị cũng có thời đoạn rơi vào khủng hoảng, chạm đáy. Phải bình tâm lắm trước mọi sóng gió mới làm được điều như Trịnh Công Sơn nói: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”.
Và quan trọng, dù làm gì, ở đâu thì Phong Điệp vẫn ra sách đều đều. Mới thấy chị ra mắt tập truyện “Biên bản bão”, giờ lại “Những mối tình câm”. Không đơn giản là các truyện đã đăng báo qua thời gian gom lại thành cuốn sách như cách ra đời của các tập truyện phổ biến hiện nay. “Những mối tình câm” có định hướng rõ ràng của tác giả từ ban đầu. Tập truyện được tổ chức theo một chủ đề xuyên suốt, với những góc cạnh vốn rất đa dạng của cuộc sống về tình yêu.
Phong Điệp từng nói: “Tôi so sánh viết văn giống với cách bạn là chủ một bữa tiệc. Hãy chọn cách kể như cách bạn bày một bàn tiệc. Chọn giọng điệu phù hợp như cách bạn chọn rượu để chiêu đãi mọi người. Chọn tiết tấu cho câu chuyện như cách bạn chọn một bản nhạc cho bữa tiệc. Chọn một bối cảnh như cách bạn thiết lập không gian cho bữa tiệc”.
Như vậy, với lực và đà đang có, chắc chắn Phong Điệp sẽ còn bày những bữa - tiệc - chữ tiếp theo trong thời gian tới!.
20/10/2020
Văn Thành Lê
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...