Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Bài hát cho cánh đồng

Bài hát cho cánh đồng

Mẹ sinh tôi vào một ngày cuối thu, khi bông lúa ngoài đồng đã bắt đầu biết cúi mình soi nhìn nơi mình bám rễ. Mẹ ấp iu tôi trong đôi bàn tay ngày ngày mẹ thoăn thoắt gặt hái cấy cày. Tôi như củ khoai củ sắn, lớn lên bên mẹ và mênh mang ruộng đồng.
Trong kí ức của mình, tôi không thể nhớ nổi mẹ tôi đã từng mang đôi dép như thế nào, bởi quanh năm mẹ đi chân đất. Những móng chân mẹ bị bám phèn ố vàng, gót chân mẹ nứt nẻ vì cả ngày ngâm dưới đất bùn, nhất là về mùa đông, những chỗ nứt ấy có khi còn rớm máu. Bàn tay mẹ cũng vậy, những móng tay nhuốm phèn cũng ngả vàng, lòng bàn tay chai sần và thô ráp. Việc nhà nông chẳng lúc nào nhàn rỗi. Mẹ thường ra đồng từ khi chưa rõ mặt người, và trở về khi gà đã lên chuồng. Thời gian mẹ ở ngoài đồng ruộng nhiều hơn thời gian mẹ ở nhà.
Nhà văn trẻ Đào An Duyên
Ngôi nhà bây giờ mẹ tôi đang ở không phải ngôi nhà đã sinh ra chúng tôi, nhưng lại là ngôi nhà gắn với rất nhiều kỉ niệm của mẹ. Lần nào tôi về với mẹ cũng vào thời điểm bóng núi đã trùm lên phủ sẫm cả cánh đồng. Cánh đồng ven chân núi, sát một khu rừng. Thời điểm tôi về bao giờ cũng là lúc chim chóc kéo nhau về tổ, chúng kêu hót vang cả một khu vực rộng lớn. Và đặc biệt nhất là những cánh cò trắng, chúng vẫn chao lên liệng xuống, lò dò kiếm ăn giữa đồng lúa trong khi các loài chim khác đã trở về tổ.
Ngôi nhà của mẹ nằm giữa bốn bề gió đồng, từ phía nào cũng thấy màu xanh mát tầm mắt. Ngôi nhà có vườn cây ao cá, có giếng nước mát lành, có hương hoa phảng phất, lại có cả sóng lúa vỗ về ngay sát vách bếp. Mẹ vẫn như tự khi tôi sinh ra đã thấy, sáng nào cũng dậy thật sớm. Việc đầu tiên mẹ làm khi bắt đầu một ngày mới là nhóm bếp lửa. Có lẽ đây là thói quen truyền đời của những người phụ nữ thôn quê như mẹ. Giờ không phải lịch kịch nấu cám lợn hay vần một nồi cơm vùi vào tro bếp như thuở hàn vi, giờ đã có nồi điện bếp gaz, nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói quen nhóm bếp, chỉ để đặt lên đó một ấm nước. Chiếc ấm, qua thời gian đã bị muội than bám dày lớp lớp, ngay cả phần bên trong ấm cũng ngả màu đen đúa, nước nấu trong chiếc ấm ấy mang cả vị của khói. Tôi thích ngồi bên mẹ trong những sớm mai, bên bếp lửa, mẹ vẫn nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời, những chuyện có khi mẹ nói đi nói lại hàng trăm lần, nhưng tôi vẫn lặng im nghe từng lời. Mẹ cứ thủ thỉ cho đến khi ấm nước lục bục sôi, nước trào cả ra ngoài. Trong những lời thủ thỉ của mẹ có gió đồng thao thiết thổi về, và ngay bên vách bếp, lúa cũng thức dậy lao xao sóng lá.
Những câu chuyện bên bếp lửa của mẹ phần nhiều gợi nhắc tôi nhớ về quê hương. Tôi nhớ ngôi nhà có bức tường bằng đất sét, bức vách trát bằng rơm trộn bùn bị thủng một lỗ đúng vừa người chúng tôi chui lọt. Những trưa hè nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi trốn mẹ chui qua cái lỗ thủng ấy, bơi qua bên kia sông. Bàn chân chúng tôi mê mải chạy trên những bờ cỏ xanh trải dài ngút tầm mắt. Nắng hun cho da chúng tôi đen cháy, nắng đốt tóc chúng tôi vàng hoe, cỏ sắc cứa vào chân rát xót. Vậy mà đôi chân chúng tôi vẫn mê mải trên cánh đồng nắng hạ. Tôi đã nhiều lần trở lại bờ sông ấy, chỉ có một mình, không có mẹ và em tôi. Tôi ngồi lặng thật lâu nghe gió xao xác thổi lên từ mặt sông. Dưới chân tôi, nước vẫn vỗ ì oạp, trước mặt tôi, phía bên kia sông, vẫn là cánh đồng mướt xanh. Chỉ khác là tôi bây giờ không phải tôi của một ngày đã trôi qua rất lâu trong kí ức.
Lần nào về với mẹ, tôi cũng lang thang rất lâu trên cánh đồng, cánh đồng đẹp nhất vào buổi sớm bình minh và lúc mặt trời lặn. Mặt trời ở đây thức dậy sớm hơn và đi ngủ cũng muộn hơn mặt trời thành phố, tôi cảm nhận chủ quan như vậy. Mặt trời ở phía núi, rọi những tia nắng mềm như tơ vào mỗi sớm mai. Tôi đặt bàn chân trần lên cỏ, cỏ ram ráp dưới chân tôi, và bên cỏ là lúa, cũng mướt xanh trong nắng sớm. Gió lùa vào tóc tôi, mơn man trên mặt tôi mát rượi. Tôi nhắm mắt hít căng vào lồng ngực mình hương lúa, hương cỏ, cả mùi bùn đất quyện vào với nắng và gió. Hình như trở về với ruộng đồng, tôi mới thực là mình.
Có những ngày lòng quá đỗi chông chênh, tôi bỏ lại sau lưng mình những ồn ào bụi bặm, thói quen cũ đưa chân tôi đến một cánh đồng nào đó. Tôi đã từng ước mình có thể vẽ. Lại cũng đã từng ước mình có thể viết nhạc. Nếu vẽ được, tôi sẽ vẽ lại cánh đồng luôn ăm ắp trong trí nhớ tôi, những màu sắc sẽ ào ạt tuôn ra trên đầu cọ. Màu xanh của lúa đang thì con gái, từng sóng lúa uốn lượn gối lên nhau chạy dài theo gió; màu vàng của những bông lúa chín uốn cong mình nặng trĩu trong nắng gợi vẻ no ấm và bao dung; màu trắng của những thân cò lặn lội kiếm ăn trong bóng chiều chạng vạng; và màu nâu sậm của dòng sông mang nặng phù sa ôm ấp lấy cả cánh đồng… Nếu có thể viết nhạc, tôi sẽ kí lại những âm thanh vọng về từ mỗi nhịp thở của cánh đồng ấy. Từ âm thanh lao xao của gió, tiếng rì rào của những đợt sóng lúa, tiếng ì oạp của sóng nước vỗ vào triền con sông nhỏ, tiếng giật mình vỗ cánh rất nhẹ vào không trung của một thân cò, tiếng ri rích của côn trùng vọng lên từ cỏ…
Những màu sắc, âm thanh ấy luôn chật căng trong đầu tôi, như lúc nào cũng chỉ chực tuôn trào ra nếu có thể. Khi tôi cởi bỏ đôi giày cao gót mang dáng dấp thị thành, đặt bàn chân mình xuống bãi bờ ngát xanh màu cỏ, nghe cảm giác ram ráp quen thuộc từ những bước chân đầu đời cứa vào da thịt, thốt nhiên, tôi thấy lòng mình lại trở nên vững chãi. Chạng vạng chiều, con thuyền nhỏ thảnh thơi nằm ghé mình an lành bên bờ ruộng, những đốm trắng vẫn lò dò trên những thảm lúa xanh, nước vỗ vào bờ ì oạp những âm thanh thân thuộc. Có phải vì thương đứa con của đồng ruộng, mà thành phố này cưu mang luôn cả những nỗi niềm, chiều lòng tôi bằng những thung lũng mướt xanh cỏ lúa? Chỉ cần giả vờ đãng trí, rẽ xuống một con dốc, quanh co qua vài lối rẽ, là tôi lại có thể gối lòng mình lên xanh mát bãi bờ.
Tôi hiểu lòng mình, dẫu có gửi mình bao nhiêu thời gian nữa vào phố thị, tôi vẫn muôn đời là đứa con sinh ra từ đồng ruộng. Và bởi đồng ruộng có mẹ tôi. Dẫu có ở đâu chăng nữa, mẹ tôi cũng gắn mình với đất bùn và cỏ lúa, như thể đó là sinh mạng của mẹ. Nghĩ đến mẹ là tôi nghĩ đến ruộng đồng, và nhìn thấy ruộng đồng, tôi như nhìn thấy mẹ. Nghĩ đến một ngày mai, tôi được thức dậy cùng mẹ, lui cui nhóm bếp lửa hồng, ngồi nghe ấm nước lục bục sôi trong ngan ngát hương đồng, nhìn bàn tay nhuốm vàng phèn chua của mẹ rót chén nước trà nóng còn ám cả mùi khói, lòng tôi an yên biết bao nhiêu.
Tổ tiên tôi bao đời đã sinh ra từ đồng ruộng, được đồng ruộng nuôi dưỡng, rồi khi nhắm mắt lại trở về với ruộng đồng. Người sống và người đã khuất, đời đời kiếp kiếp quấn quýt với nhau trên đồng ruộng. Và tôi, không thể vẽ lại đồng ruộng bằng những nét cọ đầy ứ sắc màu, cũng không thể cất lên những lời ca mênh mang về cỏ lúa, nên tôi đành im lặng. Bởi tôi biết, với tôi, sự tĩnh lặng trước ruộng đồng, chính là lời hát thiết tha nhất để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của mình về nơi mà mình được sinh ra. 
8/11/2019
Đào An Duyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...