Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Truyện ngắn của Ngân Kim: Xóm Biệt Tăm

Truyện ngắn của
Ngân Kim: Xóm Biệt Tăm

Thương về lại Miền Cát. Tại cuộc điện thoại tối qua mà cô lật đật khởi hành từ tờ mờ sáng.
Tối qua, Hai gọi điện biểu:
– Mầy coi về thăm, bà má bệnh sợ qua không nổi.
– …..
– Tại bả cứ mở mắt trao tráo chờ nên Hai mới gọi, chớ ai chả biết mầy lúc nào cũng bận trăm công ngàn việc. Mà mầy hông về cũng được, chỉ thương má…
Hai bỏ lửng câu nói. Mấy dấu lặng phía sau cứa vô tim Thương vài lát cắt sắc lẹm, máu rỉ ra loang khắp cơ thể làm cho khuôn mặt sắc lạnh bình thường giờ co rúm lại. Thế là cô xếp mấy bộ đồ vào balo và lên đường trở lại miền cát sau khi dán miếng giấy ghi chú lên cửa tủ lạnh “Em về tiễn má”.
Vậy là giờ cô ngồi đây dưới bóng cây dương sát mặt đường nhựa oi ả nắng, trước mắt miền cát đỏ rực hun hút kéo dài tận chân trời, mà chưa chắc nó dừng ở đó, có khi còn kéo dài miên man bất tận cũng nên. Cô chưa từng đi hết miền cát nên chẳng rõ, chỉ ước chừng vậy.
Nhà văn trẻ Ngân Kim ở Bình Thuận
Đi đến nửa đồi cát, lên cái dốc cao nhất rồi rẽ bên trái, đi hoài đi hoài cho đến khi hết cát sẽ thấy một xóm nhỏ dăm bảy nhà cheo leo trên đồi. Nhà Thương nhỏ thó che bằng mớ tôn xi măng sứt đầu này mẻ đầu kia nên phải chồng thêm bên ngoài lớp lá cọ, phía trước nhà có gốc táo dại trái sai lúc lỉu, chẳng đứa nào thèm trèo hái, không phải vì sợ gai, mà vì trái chát thần sầu, lỡ nuốt một miếng vị chát bám riết cổ họng cả buổi mới chịu buông. Vậy mà những lúc đói quá tụi nó cũng bẻ ăn ít nhiều, không chát chắc chẳng còn trái non nào. Chẳng có con đường mòn nào được hình thành, dù dân xóm nhỏ kéo nhau đi ra đồi cát ngày bốn bận. Thành ra chỉ có người trong xóm mới biết được đường vào. Bởi vậy người ta đặt cho xóm nhỏ cái tên nghe rầu gì đâu: Xóm Biệt Tăm.
Giờ Thương không rõ là xóm còn ở đó nữa không hay đã bị cát vùi lấp hết rồi cũng nên, đã lâu lắm cô không trở về, bao lâu thì bản thân cô tình thiệt không rõ. Hình như từ cái hồi lấy chồng hay trước đó nữa bởi đám cưới chỉ tổ chức ở thành phố, má với Hai vô dự chứ không làm ở quê. Làm ở quê sao được, ai biết nổi đường vô rước dâu, có khi vô được lại chẳng nhớ đường ra thì phiền hà dữ lắm.
Tết đến vợ chồng cô cũng chẳng về được. Chồng cô làm kinh doanh bất động sản, đi công tác liên tục, Tết là dịp tiếp đãi đối tác, mở rộng quan hệ. Thành ra Thương phải ở nhà để đi cùng chồng, tới đâu cũng trưng cái bản mặt cười tươi rói, tay khoác trong tay ra vẻ gia đình hạnh phúc, “Vậy người ta mới tin tưởng mà kết giao với mình” – chồng Thương biểu. Thành ra cô chỉ gửi tiền qua bưu điện, Hai ra lãnh lo Tết nhứt cho má. Thành ra giờ cô ngồi đây ngó cái miền cát mênh mông trước mặt mà hoang mang quá đỗi vì chẳng nhớ rõ đường về nhà là quẹo ở khúc nào bởi giờ tự dưng có mấy đồi cát nhấp nhô chớ hổng phải một như hồi đó nữa.
– Xóm Biệt Tăm là quẹo ở đồi cát nào chị ha?
Thương hỏi chị chủ quán. Hỏi cho có hỏi vậy thôi chớ cũng không hy vọng lắm vào câu trả lời. Y chang. Chị chủ quán cười hơ hớ:
– Xóm gì nghe tên mắc cười vậy? Chị mới nghe lần đầu đó!
Thương không cười hùa theo, cô đương bận nhìn miền cát ước lượng khoảng cách con đường hồi trước nằm ở đâu.
– Ủa, mà cô hỏi xóm đó chi vậy? Cô đi du lịch hén? Ở đây nhiều chổ để đi lắm, từ đây chạy xíu nữa ra bãi đá đẹp lắm đó cô.
– Dạo này không ai chơi trượt cát ở đây nữa hả chị? Mấy đứa nhỏ không đem ván ra cho người ta thuê nữa hả chị?
Thương không trả lời chị bán hàng mà hỏi những điều cô đang quan tâm. Chị bán hàng hình như đã quen với kiểu hỏi cắt ngang này nên chẳng lấy gì làm lạ, đáp:
– Giờ không ai chơi trượt ván nữa đâu. Chánh quyền cấm vụ bắt con nít đi kiếm tiền rồi. Người ta gom con nít vô trường học chữ, học nghề hết trơn. Giờ ai muốn trượt cát phải tự mang ván tới. Ván cồng kềnh lại nặng nên riết rồi chẳng ma nào thèm tới trượt. Bởi vậy mới bán ế, chớ hồi trước thì cũng tạm được.
– Hèn chi…
Thương đánh rớt tiếng thở dài xuống miền cát mênh mông. Trên miền cát cháy đó có dáng hai đứa nhỏ tóc cháy khét lẹt, quần áo tả tơi, nhiều chỗ vải tưa thấy cả đám da ám nắng đen thui. Đứa lớn hơn kéo tấm ván đi phía trước, đứa nhỏ lẹt đẹt phía sau, chừng lâu tấm ván nặng quá nên khoảng cách giữa hai đứa ngày càng xa dần ra. Đứa nhỏ thấy vậy khóc bù lu bù loa “Hai ơi, đợi Út với!”, khi đó đứa lớn mới bực bội bỏ tấm ván xuống chạy ngược lại phía sau kéo phụ em, vừa kéo vừa lầm bầm “Lẹ lẹ hông tụi nó giành hết khách bây giờ”. Thương biết rõ đứa nhỏ khi đó vừa kéo vừa thút thít khóc vì sợ không có khách về sẽ bị la. Sao không biết rõ được vì con bé đen nhẻm, còi cọc đó chính là cô hồi nhỏ, còn thằng nhỏ mặt quạu cọ kia là anh hai cô.
Cái thời đó giá thuê một miếng ván còn tính bằng ngàn mà giá mua một ký gạo thì tính bằng chục ngàn. Làm sao thì làm, cuối ngày về phải đủ tiền mua một ký gạo, còn không thì kể như phải nhịn đói từ tối đến chiều mai nếu như ngày mai may mắn đủ tiền mua gạo để không phải nhịn đói tiếp. Vậy nghĩa là trong một ngày đó hai anh em phải đẩy cho khách trượt xuống hơn chục lần và phải chạy thiệt nhanh xuống đồi cát ì ạch kéo ván trở lên lại. Lúc đẩy xuống thì khỏe rồi, còn lúc kéo trở ngược lên lại thì phải hợp sức hai anh em nó, phải ráng hết sức mới kéo nổi chớ kéo chơi chơi thì không bao giờ lên được tới đỉnh đồi. Có lần lên tới lưng chừng đồi Thương mệt quá dừng tay thở cái, miếng ván tuột luốt xuống chân đồi lại, Hai la rần rần trời hỡi trời ơi.
Còn có lần đắt khách, cả hai miếng ván đều được khách thuê hết, tới hồi kéo lên mạnh đứa nào đứa đó kéo, Thương kéo không nổi, cứ lên được lưng chừng đồi nó lại lăn nhào trở xuống. Mấy bận như vậy nó ngồi xuống chân đồi khóc tức tưởi, có bà khách thấy thương tới lau nước mắt, chụp cho tấm hình, còn cho tờ mười ngàn mới tinh. Nhờ vậy nó mới lần đầu được ngửi mùi dầu thơm thơm đến vậy, mới được nhìn kỹ người thành phố họ đẹp cỡ nào. Trời ơi, người đàn bà đó sang trọng quá, đẹp đẽ quá đến độ nó không dám cầm lấy cánh tay của bà sợ dây bẩn vào làn da trắng muốt. Vậy mà bà ta cầm lấy tay con bé nhà quê đỡ đứng dậy, rồi còn lấy cái thứ gì thơm phức, mát lạnh (sau này nó mới biết là khăn lạnh) lau khuôn mặt lấm lem. Từ đó trong mỗi giấc mơ đêm, con bé nhà quê hay mơ thấy mình thành người phố thị, vận chiếc đầm đẹp y như người đàn bà kia, xức cái mùi dầu thơm y chang vậy, và đeo cái kiếng mát cũng y vậy.
Giờ thì giấc mơ của con bé nhà quê đó thành hiện thực, có điều nó chẳng còn nhớ đường về nhà nữa. Đời sao có nhiều thứ tréo ngoe.
*             *             *
Thương đi lòng vòng quanh đồi cát cả buổi chiều mà chẳng thấy tăm hơi xóm nhỏ ngày xưa. Càng đi cát cứ nối nhau kéo dài bất tận. Con đường ngày trước ngày bốn bận ra vô giờ mất tăm đâu chẳng thấy. Có một nỗi thất vọng lẫn xấu hổ vô tình lọt vào lòng cô khiến cho bụng bỗng dưng nặng trĩu nỗi buồn.
Khi thất vọng dâng đến cực điểm, Thương thôi không tìm kiếm nữa. Cô nằm ngửa ra cát, gối tay sau đầu ngắm hoàng hôn buông chầm chậm phía chân trời. Sống nơi miền cát cháy bỏng, Thương chỉ thấy cái nghèo quẩn quanh khắp nơi chứ chưa bao giờ thấy cái đẹp hiện hữu trước mắt rõ mồn một như lúc này. Mặt trời đỏ ối như chiếc mâm vừa được phun xong đang phơi cho ráo sơn. Phía dưới chiếc mâm khổng lồ là đồi cát đỏ nhấp nhô trải dài không biết điểm dừng. Cái màu đỏ sao mà nhức mắt người nhìn. Nhưng mà nó đẹp. Đẹp một cách hoang dại như cô gái thổ dân da đỏ Thương hay thấy trong phim. Mèng ơi, giá mà mọi vật nhuộm một màu u tối để cho Thương có thể khóc nấc lên vì hoàn cảnh éo le của mình lúc này thì hay biết mấy, đằng này nó cứ đẹp nhức nhối vậy thì sao khóc được, giờ mà khóc nó thành ra lãng nhách.
Vậy là Thương nằm đó ngắm mặt trời rớt ngon lành như người rảnh rỗi ngắm cảnh mỗi sớm mai. Thương tự hỏi nếu ngày đó phát hiện ra nơi này đẹp như vầy liệu cô có nỡ trèo lên chiếc xe hơi bóng lộn rời miền đất này ra thị thành không? Câu trả lời quẩn quanh đâu đó trên biển cát, có thể nó bị vùi lẫn vào hàng tỷ tỷ hạt cát đỏ nên Thương không thể nào tìm thấy. Thương thôi tìm kiếm câu trả lời, nhưng có một thực tế cô biết thừa rằng kẻ đang đói thì con mắt chỉ quẩn quanh nơi cái bụng sôi ùng ục chứ không thể nhìn xa ra nơi khác được. Bởi vậy sẽ chẳng bao giờ con bé nhà quê ngày đó có thể thấy được cảnh hoàng hôn đẹp như vầy dù ngày nào mặt trời cũng một lần lặn về sau đồi cát. Cũng như cái xóm Biệt Tăm sẽ chẳng bao giờ có con đường hiện hữu để dẫn khách vào thăm. Tất cả mọi thứ đang tồn tại đó nhưng chỉ chực biến mất bất kỳ lúc nào chẳng ai biết trước được.
Nỗi nhớ lại quặn nơi ngực trái. Hôm đó, lúc hoàng hôn buông, Thương cùng Hai kéo ván trở về căn nhà nhỏ dưới gốc táo dại. Má đương nấu bữa tối cho hai anh em. Cá đục kho tiêu. Mèng ơi cái mùi cá kho sao mà thơm quá đỗi. Thương đã ăn một lúc liền bốn chén cơm. Đêm đó khi vuốt mấy sợi tóc vàng khét của con gái, má đã hỏi một câu mà Thương còn nhớ hoài chắc tới lúc chết chưa quên được:
– Con có muốn ra thành phố sống hôn?
Thương nhìn má bằng ánh mắt sáng như hai vì sao:
– Nhà mình chuyển lên thành phố hả má?
– Hông! Có mình con à. Chịu hôn?
– Bà má đừng bán con mà má?
Nó khóc rống lên, nỗi đau mắc nghẹn ngay cổ làm tiếng nấc thêm uẩn ức.
– Má hông có bán. Có người ngoài phố muốn nhận con làm con nuôi. Họ nói con giống con gái đã mất của họ. Bả năn nỉ khóc quá nên má…
Thương khóc như mưa nhứt định không chịu. Má phải hứa đi hứa lại không cho nữa mới nín. Vậy mà không hiểu sao qua ngày hôm sau khi người đàn bà đó (cái bà khách hôm bữa) tới với con búp bê đắt tiền và bộ váy đầm công chúa trên tay nó lại gật đầu đồng ý cái rụp. Có thể nó bị hoa mắt trước những thứ rực rỡ mà đứa con gái nhà quê dù ao ước suốt đời cũng không có cơ hội chạm tới được. Cũng có thể nó gật đầu vì không muốn mỗi ngày phải kéo tấm ván nặng chịch từ nhà ra đồi cát đi về bốn bận. Có thể nó đã chán những bữa no đói thất thường. Có thể…Chính xác thì vì sao tới giờ Thương còn chưa giải thích được rõ ràng. Chỉ biết từ đó cô lột xác thành con người khác. Cũng từ đó những chuyến đi về miền cát thưa dần, thưa dần rồi không còn nữa. Giờ thì Thương thực sự không còn nhớ đường về nhà. Thương đang bị lạc trên chính mảnh đất đã sinh ra mình. Sao mà ác dại dữ hổng biết!
Chẳng lẽ bây giờ lại gọi điện hỏi Hai đường vô xóm mình nằm ở đâu? Rồi khi Hai hỏi chớ bộ Út hổng còn nhớ sao thì đành trả lời phũ phàng rằng Út quên mất tiêu rồi! Sao mà ngang trái quá chừng. Mà hổng chừng Hai hỏi tiếp vậy chớ còn nhớ mặt Hai với má hông thì chẳng lẽ lại phải trả lời thiệt lần nữa là hông sao? Thôi thì khỏi gọi cho rồi chớ gọi chi cho gieo sầu thêm vào lòng má trong lúc sắp đi xa. Thà cứ để má nghĩ tại Thương mắc công chuyện nên không về kịp còn hơn để má biết rằng tại nó hổng còn nhớ thứ gì ở cái xóm Mất Tăm này, quên luôn cả mặt má với Hai.
Trong lúc Thương đang bận suy nghĩ như vậy thì điện thoại reo, là Hai gọi. Hình như sợi dây tình thâm nối liền nhau là có thiệt. Giọng Hai nhẹ hơn gió lướt trên cát:
– Thôi khỏi về nữa tụi, má đi rồi!
Nó nuốt khan vài cái trước khi buột miệng nói câu xin lỗi, nghe tiếng thở dài của Hai nơi đầu dây bên kia:
– Đâu phải lỗi tại mầy – Hai lại thở dài đánh thượt cái nữa – Hai mừng cho mầy thoát khỏi xứ cát này, Út ơi!
Lời Hai nói như sợi dây trên tấm ván thít sâu vào vai Thương khi gắng sức lấy gồng kéo lên đỉnh đồi. Thương ngước mắt nhìn trời, ai đó xếp những vì sao thành bức tranh gia đình ngày cũ, má ngồi gắp thức ăn cho hai anh em biểu ăn từ từ kẻo sặc. Cho tới khi hai đứa ăn no, má mới vét cháy đáy nồi nhai rộp rộp nghe chừng ngon lắm. Mấy bận Thương đòi ăn mà má biểu còn nhỏ ăn cháy đau bụng. Đau bụng gì đâu má ơi, chỉ vì má nhường cơm cho tụi con mới nói vậy.
Nỗi đau ồng ộc tuôn. Thương ném tiếng thét vào bầu trời đêm đặc quẹo phía trên cao, tiếng thét rơi xuống đập vào mặt cát rồi mất hút:
– Má ơi! Hai ơi!
Thương biết vậy là sợi dây mỏng mảnh nối nó với miền cát này đã đứt. Mặt cát lặng lẽ uống từng giọt nước mắt tuôn rơi.
3/12/2022
Ngân Kim
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...