Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Phạm Đăng Khương đắm đuối "Nàng nhạc" lại mê "Nàng ảnh"

Phạm Đăng Khương đắm đuối
"Nàng nhạc" lại mê "Nàng ảnh"

Sáng 20.11, tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã ra mắt tập bài hát thiếu nhi Mười hai con giáp (thơ Hồ Thu Hà, nhạc Phạm Đăng Khương) và tập sách ảnh Lang thang miền thùy dương.
Tập bài hát thiếu nhi và sách ảnh do NXB Hội Nhà văn in ấn và phát hành với số lượng 2.000 quyển nhạc thiếu nhi và 1.000 quyển sách ảnh. Hai tập sách được in màu với khổ 25x25cm trên giấy láng, được nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tự tay thiết kế và trình bày mỹ thuật.
Phó Giám đốc NVH Thanh Niên – MC, ca sĩ Quỳnh Hoa tặng hoa chúc mừng NS Phạm Đăng Khương trong buổi ra mắt tập sách nhạc và sách ảnh.
Tập sách nhạc Mười hai con giáp gồm 12 ca khúc thiếu nhi kèm theo lời bài hát được dịch nghĩa sang tiếng Anh để các em thiếu nhi nước ngoài có thể hiểu được nội dung bài hát và tự học hát bằng tiếng Việt dễ hơn. Những bài hát này đều được quay phim, dựng thành video và karaoke do các em thiếu nhi Trung tâm đào tạo Green Art Academy trình diễn, được đăng tải lên YouTube để công chúng có thể thưởng thức và tập hát.
Tập sách ảnh Lang thang miền thùy dương giới thiệu đến bạn đọc những bức ảnh nghệ thuật do NS Phạm Đăng Khương chụp khi tham gia Trại sáng tác ảnh năm 2022 của Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An, nhằm góp phần quảng bá những hình ảnh đẹp của quê hương đất nước, các di tích, danh lam thắng cảnh hữu tình ở các tỉnh miền Trung như: làng hoa giấy Thanh Tiên, Đầm Chuồn, Lăng Tự Đức, làng tre lá Bao La, dòng sông Như Ý, thành cổ Quảng Trị, đèo Hải Vân, phố cổ Hội An, tượng đài Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Thánh địa Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn…
Kèm theo tập sách ảnh còn có 5 tập phim thời sự về trại sáng tác ảnh… tất cả được anh tự mình thực hiện, từ chụp ảnh, quay phim, viết lời bình đến dựng phim, viết nhạc, thiết kế mỹ thuật và đăng tải, giới thiệu trên YouTube để công chúng dễ dàng thưởng thức.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ: “Năm 2020 tôi qua Mỹ thăm người thân và bị kẹt ở lại vì dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài suốt 2 năm. Tôi cũng vừa có cháu nên vui và hạnh phúc lắm. Từ đó tôi cứ suy nghĩ mình phải làm điều gì đó cho con cháu. Vậy là tôi đã đặt hàng bà xã mình sáng tác các bài thơ thiếu nhi về 12 con giáp, rồi tôi viết nhạc. Các ca khúc thiếu nhi được tôi chú trọng đến yếu tố tươi vui, lồng ghép vào đó tính giáo dục, ngợi ca sự hữu ích của 12 con giáp đối với cuộc sống con người trong cuộc sống. Còn tập sách ảnh là sự gom góp những hình ảnh, bài viết ngẫu hứng của tôi trong hành trình đồng hành cùng trại sáng tác ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh TPHCM, ghi lại những cảm xúc, tình cảm của tôi dành cho cảnh đẹp của quê hương”.
Được biết, từ năm 1977, khi còn là sinh viên Khoa Toán – Trường Đại học Sư phạm TPHCM, chàng trai trẻ Phạm Đăng Khương đã theo học lớp Sáng tác ca khúc tại NVH Thanh niên và sau đó trở thành hội viên của CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn, sinh hoạt tại NVH Thanh Niên. Năm 1991 NS Phạm Đăng Khương giữ chức Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật rồi là Phó Giám đốc NVH Thanh Niên TPHCM. Đến năm 2017 anh nghỉ hưu.
NS Phạm Đăng Khương tốt nghiệp bậc Đại học Nhạc viện TPHCM, khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy. Qua nhiều năm sinh hoạt và làm việc tại NVH Thanh Niên, anh cho ra đời rất nhiều ca khúc về thanh niên, trong đó có nhiều ca khúc được chọn làm bài hát chính thức trong các dịp lễ hội lớn, như: Sài Gòn 300 năm (1998), Thanh niên vì ngày mai (bài hát chính thức của đại hội Đoàn TPHCM năm 1995), Khi Tổ Quốc cần (bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên Việt Nam năm 2010). Và nhiều ca khúc của anh đến nay đã trở nên quen thuộc với công chúng như: Con đường đến trường, Khung trời mơ ước, Như cơn gió vô tình, Vầng trăng cổ tích (thơ Đỗ Trung Quân), Mùa hè sinh viên.
21/11/2022
Thúy Bình
Nguồn: SGGP
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...